Tailieumoi.vn xin giới thiệu đến các quý thầy cô, các em học sinh lớp 5 bài văn mẫu Kể một câu chuyện về một nữ anh hùng hoặc một phụ nữ có tài hay nhất, gồm 4 trang trong đó 7 bài văn mẫu hay nhất giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo trong quá trình ôn tập, củng cố kiến thức và chuẩn bị cho bài tập làm văn sắp tới. Chúc các em học sinh ôn tập thật hiệu quả và đạt được kết quả như mong đợi.
Mời các quý thầy cô và các em học sinh cùng tham khảo và tải về chi tiết tài liệu dưới đây:
KỂ MỘT CÂU CHUYỆN VỀ MỘT NỮ ANH HÙNG HOẶC MỘT PHỤ NỮ CÓ TÀI
Kể một câu chuyện về một nữ anh hùng hoặc một phụ nữ có tài - mẫu 1
Bác Hồ đã từng nói rằng: “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”. Thật vậy, trong suốt những năm tháng khói lửa, nhân dân ta không phân biệt già trẻ, gái trai, ai ai cũng tham gia góp sức chống giặc. Trong đó, những người phụ nữ cũng chiến đấu vô cùng anh dũng. Trong đó, chúng ta không thể không nhắc đến bà Nguyễn Thị Định - nữ tướng duy nhất ở thế kỉ XX của nước ta.
Nữ tướng Nguyễn Thị Định sinh năm 1920, là con út trong gia đình có 10 người con ở xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Bà thường được người dân Bến Tre gọi bằng cái tên thân mật là “cô Ba Định”. Khi tròn 16 tuổi, bà bắt đầu tham gia cách mạng, đảm nhận nhiệm vụ giao liên, rải truyền đơn và vận động quần chúng đấu tranh.
Hai năm sau khi tham gia cách mạng, bà vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Cũng trong thời gian này, bà kết hôn với ông Nguyễn Văn Bích, Tỉnh ủy viên tỉnh Bến Tre. Năm 1940, cả hai vợ chồng bà bị giặc Pháp bắt giữ, ông Bích bị đày ra Côn Đảo và sau đó bị giết hại, còn bà bị biệt giam tại nhà tù Bà Rá, nay thuộc tỉnh Bình Phước. Đến tận năm 1943, bà mới được trả tự do và trở về quê hương. Sau khi trở về, bà lại tiếp tục kiên cường, anh dũng tham gia vào các hoạt động cách mạng.
Tháng 4 năm 1946, bà được cử ra Bắc báo cáo với Bác Hồ về tình hình chiến trường Nam Bộ. Sau đó, bà được Đảng tin tưởng, giao nhiệm vụ bí mật vận chuyển 12 tấn vũ khí từ Bắc vào Nam bằng con đường biển, từ đó mở ra con đường huyền thoại: đường Hồ Chí Minh trên biển. Từ năm 1954 đến năm 1959, bà được chỉ định làm Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy nên bị chính quyền Ngô Đình Diệm ráo riết tìm bắt.
Năm 1960, bà được bầu làm Phó Bí thư và sau đó là Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre để cùng với những người yêu nước khởi xướng phong trào Đồng Khởi, mở đầu cho cuộc đấu tranh chính trị kết hợp đấu tranh vũ trang rộng khắp miền Nam. Giai đoạn 1965 - 1974, bà được bầu là Phó Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang quân giải phóng miền Nam. Tháng 4 - 1974, bà được phong quân hàm Thiếu tướng, trở thành nữ tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng.
Nữ tướng Nguyễn Thị Định đã sống một cuộc đời trọn vẹn với non sông, đất nước. Cuộc đời dù trải qua nhiều mất mát đau thương nhưng bà đã vượt qua tất cả, luôn sống trọn vẹn nghĩa tình với đồng đội, với nhân dân, hy sinh mọi hạnh phúc riêng tư để lo toan cho hạnh phúc của mọi người.
Năm 34 sau tây lịch, nhà Đông Hán sai Tô Định sang làm Thái thú quận Giao Chỉ.
Tô Định là một người tham lam tàn bạo. Dân chúng vô cùng oán hận, Lạc hầu, Lạc tướng cũng căm hờn. Còn Lạc tướng huyện Châu Diên là Thi Sách, mưu tính việc chống quân Tàu. Tô Định hay được bèn giết Thi Sách đi. Vợ Thi Sách là Trưng Trắc nổi lên đánh Tô Định để báo thù cho chồng, rửa hận cho nước.
Trưng Trắc là con gái Lạc tướng Mê Linh, nay thuộc tỉnh Phúc Yên. Khi bà cùng em là Trưng Nhị phất cờ khởi nghĩa thì các Lạc tướng và dân chúng hưởng ứng lất đông. Chẳng bao lâu, quân Hai Bà Trưng tràn đi khắp nơi, chiếm được 65 thành trì. Tô Định chống cự không lại trốn chạy về Tàu.
Hai Bà lên ngôi vua, đóng đô ở Mê Linh (năm 40 sau tây lịch). Dân chúng vui mừng độc lập.
Trưng Nữ Vương trị vì được hơn một năm thì nhà Đông Hán sai danh tướng là Mã Viện đem binh sang đánh. Quân của Mã Viện là quân thiện chiến, quân ta thì mới nhóm lên, nhưng nhờ sự dũng cảm, quân ta thắng được mấy trận đầu. Quân giặc phải rút về đóng ở vùng Lãng Bạc (tức gần Hồ Tây ở Hà Nội bấy giờ). Sau đó, Mã Viện được thêm viện binh, dùng mưu lừa quân ta kéo lên mạn thượng du rồi đánh úp. Hai Bà thua trận nên rút quân về giữ Mê Linh.
Mùa thu năm 43, Mã Viện đem binh vây đánh thành Mê Linh. Quân ít, thế cùng. Hai Bà phải bỏ chạy. Mã Viện xua quân đuổi theo. Hai Bà nhảy xuống sông Hát (chỗ sông Đáy đổ ra sông Hồng Hà) trầm mình để khỏi sa vào tay giặc.
Hai Bà Trưng làm vua không được bao lâu nhưng là hai vị anh thư cứu quốc đầu tiên của nước ta nên được hậu thế sùng bái đời đời.
Hiện nay, ở làng Hát Môn, thuộc huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây và làng Đồng Nhân, gần Hà Nội, có đền thờ Hai Bà, hàng năm, đến ngày mồng sáu tháng hai âm lịch là ngày hội để nhớ ơn hai vị nữ tướng.
Trong những tấm gương hiếu học, thì em ngưỡng mộ nhất chính là bà Nguyễn Thị Duệ. Bởi bà chính là nữ tiến sĩ duy nhất vào thời đại phong kiến của nước ta. Lúc còn sống, bà đã đóng góp rất nhiều cho đất nước.
Nguyễn Thị Duệ sống ở thời nhà Mạc, là người ở tỉnh Hải Dương. Từ nhỏ, bà đã nổi tiếng là người thông minh, xinh đẹp. Năm 1592, chúa Trịnh Tùng đem quân đánh chiếm kinh đô Thăng Long, nhà Mạc chạy lên Cao Bằng. Nguyễn Thị Duệ cùng gia đình đi theo.
Bà Duệ là một người hiếu học, nhưng luật lệ bấy giờ không cho phép con gái được học hành thi cử. Nên bà phải giả trai để dự việc đèn sách. Khoa thi Hội năm 1594 bà mang tên giả là Nguyễn Du đi thi và đỗ đầu khi tuổi vừa 20. Đến khi mở yến tiệc chiêu đãi các tân khoa, vua Mạc Kính Cung thấy vị tiến sĩ trẻ dáng vẻ mảnh mai, mặt mày thanh tú nên dò hỏi. Khi đã rõ chuyện, Nguyễn Thị Duệ không bị khép tội mà còn được vua khen ngợi là nữ nhi mà không thua kém gì nam nhi. Sau đó, vua mời bà vào cung để dạy các phi tần, công chúa học tập. Sau đó bà được tuyển làm phi, hiệu là Tinh Phi nên người ta quen gọi là Bà Chúa Sao.
Năm 1625, quân Lê - Trịnh tiến lên Cao Bằng diệt nhà Mạc. Nguyễn Thị Duệ vào rừng ẩn náu, bị quân lính bắt được. Thấy bà là người có tài, vua Lê và chúa Trịnh vẫn cho bà trông coi việc dạy học trong vương phủ. Khi còn làm việc quan, bà rất quan tâm đến việc thi cử, bồi dưỡng nhân tài. Phần lớn ở các kỳ thi đình, thi hội; tất cả bài vở đều qua tay bà kiểm tra. Mỗi tháng, bà cùng các bậc nho sĩ đến giảng dạy, ôn tập cho các sĩ tử. Ngoài ra, bà còn xin triều đình cấp nhiều mẫu ruộng tốt, cho canh tác lấy tiền của giúp đỡ học trò nghèo biết chăm chỉ.
Năm 70 tuổi, Nguyễn Thị Duệ xin về nghỉ nơi quê nhà. Nguyễn Thị Duệ sống hơn 80 tuổi mới qua đời. Khi mất, người dân địa phương lập đền thờ, tôn bà làm phúc thần. Mỗi lần nhớ đến bà, em càng cảm phục tài năng, sự cố gắng của bà. Và lấy đó để làm động lực tiếp tục cố gắng học tập hơn.
Lên lớp 5, em được học về thêu và cắt may. Hoạt động này khiến em cảm thấy rất thú vị. Nên khi về nhà, em đã tìm hiểu thêm về nó. Và một trong những điều thú vị mà em tìm hiểu được chính là câu chuyện về bà tổ của nghề may nước ta, bà Nguyễn Thị Sen.
Theo em tìm hiểu, Bà Nguyễn Thị Sen sinh ra và lớn lên ở làng Trạch Xá, xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, trấn Sơn Tây. Khi lớn lên bà là một người con gái xinh đẹp, nết na, đảm đang, giỏi giang việc trồng dâu, dệt vải, may mặc, thêu thùa.
Khi Vua Đinh Tiên Hoàng về trấn Sơn Tây để tìm kiếm các bậc hiền tài giúp nước, lúc đến làng Trạch Xá đã cảm mến và kết duyên cùng bà Nguyễn Thị Sen. Nhà vua phong bà làm Tứ Phi Hoàng Hậu.
Tại cung vua, bà là người đứng đầu Bộ May trang phục Hoàng triều. Với trí thông minh, sự khéo léo và sáng tạo, bà đã cùng các cung phi tạo nên các loại quần áo của vua, quan, hoàng tử, công chúa. Bộ trang phục nào cũng vừa trang trọng vừa tiện lợi. Đặc biệt đã đào tạo được đội ngũ người may, người thêu thùa đông đảo. Bà dạy cho các cung nữ từng đường kim, mũi chỉ, phát triển nghề may trong cung vua.
Vào năm 979 Vua Đinh Tiên Hoàng bị gian thần sát hại. Thất vọng trước cảnh triều đình rơi vào chiến loạn. Bà đã đưa các con từ giã hoàng cung trở về làng Trạch Xá. Tại đây, bà đã mang nghề may trong cung truyền dạy cho dân làng và từ đó nghề may đã phát triển đời này nối tiếp đời sau, đến nay đã được hơn ngàn năm.
Bà mất vào ngày 12 tháng Chạp. Để con cháu muôn đời biết về công đức gây dựng nghề may của bà, người dân làng Trạch Xá đã lập đền thờ suy tôn bà là Đức Thánh Tổ nghề may và tổ chức lễ hội giỗ tổ vào ngày 12 tháng Chạp âm lịch hàng năm
Đất nước Việt Nam trải qua bốn nghìn năm dựng và giữ nước, có biết bao tấm gương đã anh dũng hi sinh vì độc lập cho dân tộc. Trong các tấm gương về nữ anh hùng, người khiến em khâm phục và ngưỡng mộ nhất là chị Võ Thị Sáu - người con gái miền đất đỏ với tinh thần không hề nao núng trước kẻ thù.
Chị Sáu là nữ anh hùng, sinh năm 1933 ở huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa. Sinh ra và lớn lên trên miền quê giàu truyền thống yêu nước, lại chứng kiến cảnh thực dân Pháp giết chóc đồng bào, chị đã không ngần ngại cùng các anh trai tham gia cách mạng. Năm 14 tuổi, người con gái dũng cảm đã theo anh gia nhập Việt Minh, trốn lên chiến khu chống Pháp. Chị tham gia đội công an xung phong, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ liên lạc, tiếp tế. Trong khoảng thời gian này, chị Sáu tham gia nhiều trận chiến đấu để bảo vệ quê hương, dùng lựu đạn tiêu diệt hai tên ác ôn và làm bị thương nhiều lính Pháp.
Tháng 2/1950, chị dẫn đầu một tổ, dùng lựu đạn tập kích diệt hai tên ác ôn Cả Suốt, Cả Đay. Không may chị bị sa vào tay địch. Bị bắt giam, chị Sáu tiếp tục làm liên lạc cho các đồng chí trong khám, cùng chị em tại tù đấu tranh đòi cải thiện cuộc sống nhà tù. Chúng dùng mọi cực hình tra tấn, nhưng không khai thác được gì, liền đưa chị về giam ở khám Chí Hòa, Sài Gòn để tiếp tục khai thác và sau đó mở phiên tòa, tuyên án tử hình chị. Tại phiên tòa, tuy mới 17 tuổi, nhưng chị Võ Thị Sáu đã hiên ngang tỏ rõ khí phách anh hùng của một thiếu nữ Việt Nam làm cho lũ quan tòa và đồng bọn đều phải nể sợ.
Ngày 23/1/1952, chúng thi hành bản án, bắn chết chị ở ngoài hòn đảo xa đất liền này sau hai ngày chúng đưa chị ra đây. Biết sắp bị hành hình, suốt đêm 22, chị đã gửi lòng mình với đất nước và nhân dân bằng những bài ca cách mạng: Lên đàng, Tiến quân ca, Cùng nhau đi hùng binh... Bốn giờ sáng, viên cố đạo liền lên tiếng: "Trước khi chết, con có điều gì ân hận không?". Chị nhìn thẳng vào mặt ông ta và mặt tên chánh án, trả lời: "Tôi chỉ ân hận là chưa tiêu diệt hết bọn thực dân cướp nước và lũ tay sai bán nước".
Ra đến pháp trường, tên chánh án hỏi chị: "Còn yêu cầu gì trước khi chết?". Chị nói: "Không cần bịt mắt tôi. Hãy để cho đôi mắt tôi được nhìn đất nước thân yêu đến giây phút cuối cùng và tôi có đủ can đảm để nhìn thẳng vào họng súng của các người!". Khi tên chỉ huy ra lệnh cho bọn lính chuẩn bị nổ súng thì chị lập tức ngưng hát và hét lên: "Đả đảo thực dân Pháp!". "Việt Nam độc lập muôn năm!". "Hồ Chủ tịch muôn năm!".
Tinh thần bất khuất, dũng cảm của chị Võ Thị Sáu đã truyền cảm hứng cho biết bao thế hệ thanh niên Việt Nam, tiếp tục viết nên lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc. Cảm phục trước tấm gương người nữ anh hùng, chúng em tự hứa sẽ cố gắng học tập thật tốt hơn nữa để xây dựng đất nước ngày càng vững mạnh và tươi đẹp hơn, xứng đáng với sự hi sinh anh dũng của các thế hệ đi trước.
Trong khởi nghĩa Tây Sơn nói riêng và lịch sử quân sự Việt Nam nói chung, Bùi Thị Xuân là nhân vật đặc biệt. Bà không chỉ được người đời biết đến là một nữ tướng giỏi mà còn là người gắn liền với giai thoại thuần phục voi trắng.
Nữ tướng Bùi Thị Xuân (?-1802) quê thôn Xuân Hòa, tổng Phú Phong, huyện Tuy Viễn (nay thuộc thôn Phú Xuân, xã Bình Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Từ khi còn trẻ, bà đã nổi tiếng xinh đẹp, khéo tay, viết chữ đẹp, giỏi kiếm thuật, bắn cung, cưỡi ngựa và đặc biệt là kỳ tài luyện voi đánh trận.
Tương truyền, trước khi gia nhập nghĩa quân Tây Sơn, nhờ tài cao chí lớn, bà mua được hai con voi ngà tại vùng Tây Sơn và thuần phục nó. Sau khi đã tập luyện thuần thục, bà thường cưỡi voi đi săn tại các khu Đồng Sim, Đồng Trăng, Thuận Ninh.
Một hôm, đang cưỡi voi đi săn ở Đồng Sim, bà nghe tiếng voi kêu thét đau thương. Tới nơi, Bùi Thị Xuân thấy con voi trắng ngà dài đến hai thước đang bị con trăn to quấn chặt bốn chân. Tiếng voi thét yếu dần lẫn trong tiếng thác nước ầm ầm. Lập tức, Bùi Thị Xuân bắn ngay mũi tên vào mắt con trăn. Đau quá, trăn bỏ mồi quăng mình tấn công bà.
Bà phóng ngay ngọn lao vào miệng đang há của trăn. Ngọn lao xuyên thấu đầu và ghim chặt trăn vào gốc cây. Quá đau, con trăn quấn chặt thân cây siết mạnh. Cây đổ, trăn duỗi mình chết. Con voi trắng đứng lên rồi quỳ gối gục đầu trước bà. Bà vỗ lên đầu nó rồi nói một cách thân ái: “Bạch tượng, từ đây chúng ta sẽ trở thành bạn thân nhé!”. Con voi trắng đưa vòi cạ vào vai Bùi Thị Xuân rồi đứng dậy vươn vòi thét lên mấy hồi.
Từ phía xa, tiếng chân chạy rầm rập, cây rừng xào xạc, rồi một đàn voi xuất hiện xung quanh bạch tượng. Sau tiếng thét dài của bạch tượng, đoàn voi đồng loạt quỳ xuống, co vòi như hành lễ bái kiến Bùi Thị Xuân. Đàn voi theo bà về làng. Bà thường đem trên 10 con voi ra tập trận tại gò Xuân Hòa nên nhân dân địa phương còn gọi là gò Tập Voi.
Sau khi Tây Sơn khởi nghĩa, các sắc dân miền núi đem tặng nhiều thớt voi nữa, đàn voi có trên trăm con. Quản tượng đa số là nữ binh, chỉ có một vài nam binh điều khiển khi tập luyện. Khi điều khiển, bà dùng ngọn cờ đỏ có cán dài. Khi bà chưa ra thao trường, voi đi lại lộn xộn. Lúc nữ tướng xuất hiện, con voi đầu đàn vội chạy lại đứng nghiêm chỉnh trước mặt, chân trước co lên.
Bà nhảy lên, chân điểm nhẹ trên đầu gối voi rồi tung mình vút lên lưng con vật. Được vỗ nhẹ hai cái trên đầu, con voi đầu đàn rống lên một tiếng dài. Cả đàn răm rắp chạy đến xếp hàng ngay ngắn trước mặt voi đầu đàn. Bà dùng cờ phất ngang, dọc, trước sau để điều khiển đàn voi tiến tới, rẽ sang phải, sang trái, tới, lui, nhịp nhàng đều đặn.
Khi tập voi đánh trận, ban đầu, bà tập từng thớt một. Mỗi thớt có một nữ quản tượng, khi thuần thục rồi mới tập thành đoàn. Khi đó, nữ quản tượng nào đi kèm voi nấy. Hàng ngũ chỉnh tề rồi, các nữ quản tượng mình mặc áo quần gọn gàng, đầu chít khăn đỏ, theo lệnh phất cờ đồng một lượt nhảy vút lên mình voi.
Cờ hiệu được tung lên, khi nam, khi bắc, lúc tả, lúc hữu. Cờ hiệu phất cao, buổi diễn tập chấm dứt, đoàn voi lại xếp hàng ngay ngắn và nữ quản tượng nhảy xuống cũng lẹ làng, nhịp nhàng với những nụ cười xinh tươi đắc ý. Sau khi phong trào nông dân Tây Sơn bùng nổ năm 1771, Bùi Thị Xuân cùng chồng là Trần Quang Diệu nhanh chóng trở thành những tướng lĩnh trụ cột, góp công lớn trong công cuộc dựng nghiệp của nhà Tây Sơn.
Qua câu chuyện trên, ta càng cảm thấy khâm phục hơn nữa người phụ nữ tài sắc vẹn toàn Bùi Thị Xuân. Từ phụ nữ bình thường, bà trở thành một danh tướng được kính trọng, được người đời luôn luôn ghi nhớ và trầm trồ khen ngợi.
Mẹ Lê là một trong bốn Bà mẹ Việt Nam anh hùng của quê hương em. Năm nay mẹ 76 tuổi. Thời con gái, mẹ đi dân công phục vụ chiến dịch Điện Biên. Người chiến sĩ đánh đồi A1 năm đó, sau này là chồng của mẹ.
Mẹ có ba người con trai : anh Quang, anh Chiến, anh Hùng đều đi Giải phóng quân, cùng với bố là Nguyễn Đức Quốc đã anh dũng hi sinh trên chiến trường miền Nam thời đánh Mỹ. Các năm 1965, 1968,1971,1973 đối với mẹ là những năm tháng mất mát đau thương nhất. Bốn lần mẹ tiễn chồng, con ra trận. Bốn lần, mẹ đau đớn khi xã tổ chức lễ truy điệu cho những người thân thương của mẹ.
Mái tóc mẹ nay đã bạc phơ, lưng còng. Mẹ ở với người cháu nội duy nhất – con anh Quang trong ngôi nhà tình nghĩa. Chiều thứ năm hằng tuần, cô giáo Thi đều dẫn một tổ học sinh lớp 5C đến quét dọn và làm vườn giúp mẹ. Cô giáo nói với chúng em: “ Xã ta có 13 gia đình liệt sĩ. Nhưng sự đóng góp và hi sinh xương máu của gia đình mẹ Lê là vô cùng to lớn. Mẹ đã khóc chồng, khóc con hết cả nước mắt rồi…”
Mỗi lần đến nhà mẹ Lê trở về, em vô cùng xúc động. Thương và cảm phục mẹ vô cùng.
Hai Bà Trưng – hai vị nữ anh hùng
“Bà Trưng quê ở Châu Phong,
Giận người tham bạo, thù chồng chẳng quên.
Chị em nặng một lời nguyền,
Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân.”
Là con dân đất Việt, chắc hẳn chúng ta đều đã từng nghe danh tiếng của Bà Trưng được nhắc đến trong câu thơ. Hai Bà Trưng là hai nữ anh hùng bất khuất, gan dạ trong lịch sử kháng chiến chống giặc ngoại xâm của đất nước ta.
Em đã được học câu chuyện về Hai Bà Trưng. Hai bà là hai chị em ruột, người chị tên là Trưng Trắc, người em tên là Trưng Nhị. Hai bà quê ở huyện Mê Linh, từ nhỏ đã nổi tiếng là hai người con gái tài giỏi. Cha hai bà mất sớm, nhờ mẹ dạy dỗ, hai chị em đều giỏi võ nghệ.
Thuở ấy, nước ta bị nhà Hán đô hộ. Chúng đàn áp dân lành hết sức tàn bạo. Chúng thẳng tay chém giết dân ta, cướp hết ruộng đất của dân. Nhân dân ta mang lòng oán hận ngút trời, chỉ chờ dịp để vùng lên đánh đuổi quân xâm lược. Chồng bà Trưng Trắc là Thi Sách cũng mang trong mình chí hướng giành lại non sông. Tướng giặc là Tô Định biết vậy, bèn lập mưu giết chết Thi Sách.
Nhận được tin không lành, Hai Bà Trưng liền kéo quân về thành Luy Lâu hỏi tội kẻ thù. Hai Bà Trưng mặc giáp phục lộng lẫy, bước lên vành voi đầy uy nghi. Đoàn quân hùng hồn lên đường. Giáo lao, cung nỏ, rìu búa, khiên mộc cuồn cuộn tràn theo bóng voi ẩn hiện của hai bà. Đi đến đâu, tiếng trống đồng của quân ta dội vàng đất trời tới đó. Cuối cùng, thành trì của giặc lần lượt sụp đổ dưới đoàn quân khởi nghĩa. Tướng giặc sợ hãi, ôm đầu chạy về nước. Đất nước ta sạch bóng quân thù.
Hai Bà Trưng trở thành hai vị anh hùng chống ngoại xâm đầu tiên trong lịch sử đất nước ta. Để tưởng nhớ công ơn hai bà, dân ta đã lập đền thờ Hai Bà Trưng. Hằng năm, cứ độ xuân về, vùng Mê Linh lại rộn ràng tiếng chiêng, tiếng trống đón hội. Hai bà quả thực là những vị nữ tướng dũng cảm, anh hùng, đáng cảm phục.
Trong lịch sử nước ta, đã rất nhiều lần nhân dân ta đứng lên, đoàn kết chống quân xâm lược. Trong đó, chúng ta không thể không nhắc đến Hai Bà Trưng - hai vị nữ tướng đầu tiên của nước ta.
Theo sách sử, thì Hai Bà Trưng là dòng dõi của người đứng đầu cai quản vùng đất Mê Linh vào thời Hùng Vương, gồm hai chị em là Trưng Trắc và Trưng Nhị. Lúc bấy giờ, giặc phương Bắc cai trị nước ta với chính sách tàn bạo khiến lòng dân vô cùng căm phẫn. Vào mùa xuân năm 40, Thi Sách - chồng của Trưng Trắc bị Tô Định (một tên Thái Thú người Hán) giết hại. Sự kiện này như một mồi lửa, làm bùng lên lòng căm hận quân đô hộ, và khát vọng độc lập tự chủ trong lòng Hai Bà Trưng. Vậy nên, vào một sáng mùa xuân năm ấy tại đất Mê Linh, Hai Bà Trưng đã làm lễ tế cờ khởi nghĩa. Trong tiếng trống đồng trầm hùng, âm vang lời thề của Hai Bà trước giờ xuất binh:
Một xin rửa sạch nước thù,
Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng,
Ba kêu oan ức lòng chồng,
Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này.
Bà Trưng Trắc đã cùng em gái của mình là Trưng Nhị đứng đầu cuộc khởi nghĩa. Bà Trưng Trắc thu hút được sự tin tưởng của nhân dân bởi sự can đảm, hùng dũng của mình. Cuộc khởi nghĩa này đã liên kết được sức mạnh toàn dân, trong đó có đông đảo phụ nữ, như các nữ tướng: Thánh Thiên, Lê Chân, Bát Nàn, Thiều Hoa… Sau đó, lan dần ra toàn quốc, gồm Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam (đất Việt Nam ngày nay) rồi đến cả Hợp Phố (phía nam Quảng Đông - Trung Quốc ngày nay). Chỉ trong một thời gian ngắn, Hai Bà Trưng đã quét sạch giặc thù khỏi bờ cõi và được tôn làm vua, đứng đầu đất nước. Nền độc lập quý giá ấy được duy trì trong thời gian ba năm (từ năm 40 đến năm 43). Đến năm 41, nhà Hán sai Phục Ba tướng quân Mã Viện cầm đầu đại quân sang tái xâm lược, Hai Bà Trưng đã dũng cảm đương đầu cùng quân giặc. Tổ chức kháng chiến với những trận đánh lớn từ Tây Vu, Lãng Bạc đến Cẩm Khê. Cuối cùng đã hy sinh anh dũng tại dòng Hát giang vào ngày 6 tháng 2 năm 43, để lại tấm gương oanh liệt nghìn thu.
Hai bà chính là tấm gương sáng rọi về tinh thần yêu nước và chiến đấu chống giặc anh dũng cho con cháu đời sau.
Năm 34 sau tây lịch, nhà Đông Hán sai Tô Định sang làm Thái thú quận Giao Chỉ.
Tô Định là một người tham lam tàn bạo. Dân chúng vô cùng oán hận, Lạc hầu, Lạc tướng cũng căm hờn. Còn Lạc tướng huyện Châu Diên là Thi Sách, mưu tính việc chống quân Tàu. Tô Định hay được bèn giết Thi Sách đi. Vợ Thi Sách là Trưng Trắc nổi lên đánh Tô Định để báo thù cho chồng, rửa hận cho nước.
Trưng Trắc là con gái Lạc tướng Mê Linh, nay thuộc tỉnh Phúc Yên. Khi bà cùng em là Trưng Nhị phất cờ khởi nghĩa thì các Lạc tướng và dân chúng hưởng ứng rất đông. Chẳng bao lâu, quân Hai Bà Trưng tràn đi khắp nơi, chiếm được 65 thành trì. Tô Định chống cự không lại trốn chạy về Tàu. Hai Bà lên ngôi vua, đóng đô ở Mê Linh (năm 40 sau tây lịch). Dân chúng vui mừng độc lập.
Trưng Nữ Vương trị vì được hơn một năm thì nhà Đông Hán sai danh tướng là Mã Viện đem binh sang đánh. Quân của Mã Viện là quân thiện chiến, quân ta thì mới nhóm lên, nhưng nhờ sự dũng cảm, quân ta thắng được mấy trận đầu. Quân giặc phải rút về đóng ở vùng Lãng Bạc (tức gần Hồ Tây ở Hà Nội bấy giờ). Sau đó, Mã Viện được thêm viện binh, dùng mưu lừa quân ta kéo lên mạn thượng du rồi đánh úp. Hai Bà thua trận nên rút quân về giữ Mê Linh.
Mùa thu năm 43, Mã Viện đem binh vây đánh thành Mê Linh. Quân ít, thế cùng. Hai Bà phải bỏ chạy. Mã Viện xua quân đuổi theo. Hai Bà nhảy xuống sông Hát (chỗ sông Đáy đổ ra sông Hồng Hà) trầm mình để khỏi sa vào tay giặc.
Hai Bà Trưng làm vua không được bao lâu nhưng là hai vị anh thư cứu quốc đầu tiên của nước ta nên được hậu thế sùng bái đời đời.
Hiện nay, ở làng Hát Môn, thuộc huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây và làng Đồng Nhân, gần Hà Nội, có đền thờ Hai Bà, hàng năm, đến ngày mồng sáu tháng hai âm lịch là ngày hội để nhớ ơn hai vị nữ tướng.
Lịch sử nước ta có biết bao nhiêu cuộc đấu tranh để giữ nước và đòi lại độc lập chủ quyền. Chính vì vậy nước ta có rất nhiều vị anh hùng chống ngoại xâm cứu nước lỗi lạc mà xuất thân của họ từ chính những người dân bình thường. Hai Bà Trưng cũng vậy. Hai Bà Trưng ghi danh vào trang sử hào hùng với cuộc chiến chống ách đô hộ nhà Đông Hán (40-43) tại quê nhà Bắc Ninh của hai bà. Chồng của bà Trưng Trắc bị thái thú Tô Định giết hại một cách dã man, bà quyết định nổi binh cùng em gái là Trưng Nhị tại thành Luy Lâu, Thuận Thành, Bắc Ninh. Trước khi xuất binh, hai bà đã đọc vang lời thề:
Một xin rửa sạch nước thù
Hai xin nối lại nghiệp xưa họ Hùng
Ba kẻo oan ức lòng chồng
Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này
Trong cuộc khởi nghĩa của hai bà, có rất nhiều nữ tướng tham gia và họ cùng nhau lập những chiến công khiến cho quân giặc khiếp hồn, thái thú Tô Định phải bỏ chạy về nước. Sau khi làm chủ đất Mê Linh, Trưng Trắc lên làm vua lấy hiệu là Trưng Vương, hoàn thành sứ mệnh nối nghiệp họ Hùng. Năm 43, quân giặc tiến quân xâm lược, Hai Bà Trưng kiên cường chống trả, song quân địch quá đông và mạnh, Hai Bà thua trận và đã tự tử tại sông Hát. Tuy thất bại nhưng cuộc khởi nghĩa của hai nữ tướng đã góp phần không nhỏ vào việc chống giặc ngoại xâm.
Hai bà mãi là những vị tướng tài của dân tộc, cả dân tộc không quên công lao to lớn ấy của hai bà.
Lịch sử nước ta có biết bao nhiêu cuộc vị anh hùng chống ngoại xâm cứu nước lỗi lạc mà xuất thân từ những người dân bình thường. Nguyễn Thị Minh Khai cũng vậy.
Lớn lên chứng kiến cảnh lầm than của quê hương, năm 16 tuổi bà đã tham gia hoạt động cách mạng. Trong đấu tranh bà rất kiên cường, nhanh trí khiến bọn giặc Pháp nhiều phen hoảng sợ và tìm mọi cách hãm hại bà. Năm 1940, Nguyễn Thị Minh Khai bị bắt, giặc tra tấn bà hết sức dã man nhưng sau mỗi trận đòn tra tấn đó Nguyễn Thị Minh Khai đã dùng máu của mình viết nên những câu thơ nêu cao khí tiết của người chiến sĩ cộng sản. Biết không thể khuất phục được bà chúng đã đem ra xử bắn.
Em rất tự hào được học dưới mái trường mang tên người anh hùng Nguyễn Thị Minh Khai.
Trong những năm tháng chiến đấu chống Pháp ác liệt, rất nhiều người con Việt Nam đã quên mình chiến đấu để giải phóng tổ quốc. Trong đó, không thể không nhắc đến đội quân tóc dài - những người phụ nữ trong cuộc chiến. Và tiêu biểu là bà Nguyễn Thị Minh Khai - người nữ chiến sĩ Cộng Sản đầu tiên.
Bà Minh Khai tên thật là Nguyễn Thị Vịnh, sinh năm 1910 tỉnh Nghệ An. Bố bà là người Hà Nội, còn mẹ là người Hà Tĩnh. Năm 1919, bà bắt đầu học chữ Quốc ngữ rồi vào trường tiểu học Cao Xuân Dục ở Vinh (Nghệ An). Đến năm 1927, bà tham gia hoạt động trong phong trào công nhân ở Vinh và tham gia thành lập Tân Việt Cách mạng Đảng, giữ vai trò là Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ.
Năm 1930, bà gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương, phụ trách tuyên truyền, huấn luyện đảng viên tại Trường Thi, Bến Thủy. Sau đó, bà sang Hương Cảng làm thư ký cho Nguyễn Ái Quốc ở văn phòng chi nhánh Đông phương bộ của Quốc tế Cộng sản.
Nhưng không may, trong một lần hoạt động vào năm 1931, bà bị bắt tại Hương Cảng, bị kết án và giam ở đây. Năm 1934, bà ra tù và được Đông phương bộ Quốc tế Cộng sản cử làm đại biểu chính thức đi dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản tại Moskva cùng với Lê Hồng Phong. Sau đó bà thành hôn với Lê Hồng Phong và học tại trường Đại học Phương Đông. Năm 1936, bà được cử về nước truyền đạt chỉ thị của Quốc tế Cộng sản và được cử vào Xứ ủy Nam kỳ, giữ chức Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Tại đây, bà là một trong những người lãnh đạo cao trào cách mạng 1936 - 1939 ở Sài Gòn. Thời gian này, bà lấy bí danh là Năm Bắc.
Năm 1940, bà bị bắt ngay sau phiên họp của xứ ủy Nam kỳ về phổ biến chủ trương khởi nghĩa và bị giam tại Khám Lớn Sài Gòn. Tuy nhiên, bà vẫn liên lạc với bên ngoài và vẫn tiếp tục lãnh đạo phong trào đấu tranh.
Sau khi Khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại, bà bị thực dân Pháp kết án tử hình và bị xử bắn tại Ngã ba Giồng, Hóc Môn ngày 26 tháng 8 năm 1941. Trước khi bị xử tử, bà không hề nao núng hay sợ hãi, mà đã khẳng khái lên án tội ác thực dân Pháp và hô to: "Đảng Cộng sản Việt Nam muôn năm!".
Bà Nguyễn Thị Minh Khai là một tấm gương lớn về tinh thần yêu nước. Bà là một nữ anh hùng của đất nước ta. Nhờ có bà và vô vàn những chiến sĩ khác, mà chúng ta mới được hưởng cuộc sống thái bình, độc lập như ngày hôm nay.
Ngày nay, du khách gần xa đến tham quan thành phố Hải Phòng, sẽ được chiêm ngưỡng bức tượng nữ tướng Lê Chân đặt tại dải vườn hoa Trung tâm nội đô. Tượng bằng đồng cao 6m vô cùng tráng lệ, kì vĩ. Thanh bảo kiếm bên mình, Lê Chân uy nghiêm hướng về biển Đông với cặp mắt sáng ngời đầy uy dũng.
Sử sách còn ghi rõ: Lê Chân là con gái của ông Lê Đạo, một thầy thuốc nhân đức nổi tiếng khắp vùng. Bà quê ở làng An Biên (tục gọi là làng vẻn) thuộc phủ Kinh Môn, nay thuộc huyện Đông Triều, Quảng Ninh.
Năm 16 tuổi, Lê Chân nổi tiếng tài sắc, giỏi võ nghệ, có chí lớn phi thường. Thái thú Giao Chỉ lúc ấy là một tên cực kì thâm tàn, bạo ngược. Không ép được bà làm tì thiếp, hắn đã khép ông Lê Đạo vào tội phản nghịch đem giết đi! Lê Chân phải trốn về vùng ven biển An Dương nung nấu mối thù nhà nợ nước, quyết không đội trời chung với giặc Hán xâm lược.
Lê Chân chiêu mộ trai tráng, di dân lập ấp. Một vùng duyên hải dọc ngang trấn giữ được đặt tên là An Biên, đúng như tên quê cha đất tổ của bà. Nghề nông tang, nghề chài lưới đánh cá, đóng thuyền ngày một phát triển. Lương thảo được tích trữ, cung tên giáo mác được tập rèn, chỉ mấy năm sau, Lê Chân đã có hàng nghìn dũng sĩ chờ đợi thời cơ, mưu đồ đại sự.
Khi Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, cùng với bao anh hùng nữ kiệt khắp nơi nổi dậy hưởng ứng, Lê Chân chỉ huy đội nghĩa binh làng An Biên tiến về Luy Lâu vây đánh quân Đông Hán. Lửa cháy rực trời, ngựa hí quân reo, chiêng trống dậy đất của nghĩa quân làm cho bọn giặc bạt vía kinh hồn. Chính quyền đô hộ tan vỡ, sụp đổ tan tành. Thái thú Tô Định hoảng sợ, khiếp đảm vội bỏ thành trì, ấn tín, cắt tóc, cạo râu, lẻn trốn về phương Bắc. Đó là giữa tháng 3 năm 40.
Cuộc khởi nghĩa thắng lợi, sáu mươi lăm thành trì được giải phóng, Hai Bà lên làm vua xưng là Trưng Vương, đóng đô ở Mê Linh. Nước ta giành được độc lập.
Gần một trăm anh hùng nữ tướng được phong thưởng, được giao nhiều trọng trách. Trưng Vương sai nữ tướng Thánh Thiên đóng quân ở Hợp Phố phòng giữ mặt bắc, tướng Đô Dương giữ Cửu Chân phòng vệ mặt nam, nữ tướng Lê Chân được phong "Chưởng quản binh quyền nội bộ" đóng bản doanh ở Giao Chỉ,...
Tháng 4 năm 42, vua nhà Hán sai Mã Viện mang đại binh sang xâm lược nước ta. Bà Trưng cùng các chiến tướng đem quân ra cự địch. Nhiều trận đánh lớn đã diễn ra ở Lãng Bạc, cẩm Khê, Hát Môn. Tháng 5 năm 43, Hai Bà Trưng thất thế phải gieo mình xuống dòng Hát Giang tự tận. Nhiều nữ tướng của Bà Trưng đã anh dũng hi sinh. Nữ tướng Lê Chân đã lấp suối, ngăn sông, chẹn đánh quyết liệt thủy binh giặc. Mãi đến cuối năm 43, Lê Chân anh dũng hy sinh tại chiến trường vùng Lạt Sơn, Kim Bảng (thuộc tỉnh Hà Nam ngày nay) nêu cao khí phách anh hùng của người phụ nữ Việt Nam.
Để ghi nhớ công ơn to lớn của nữ anh hùng Lê Chân, nhân dân An Biên đã lập đền thờ gọi là đền Nghè, một trong những di tích lịch sử cổ kính, trang nghiêm của thành phố Cửa Biển.
Tuổi thơ em luôn tràn ngập những câu chuyện của bà. Đó là thế giới của những nhân vật cổ tích, của những người anh hung dũng cảm hy sinh về đất nước. Trong đó, em luôn nhớ câu chuyện về người nữ anh hùng Võ Thị Sáu.
Võ Thị Sáu sinh ra ở huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa, một miền quê với truyền thống yêu nước. Từ nhỏ chị Sáu đã chứng kiến cảnh thực dân Pháp giết chóc đồng bào. Bởi vậy 14 tuổi, chị Võ Thị Sáu đã theo anh gia nhập Việt Minh, trốn lên chiến khu chống Pháp. Chị tham gia đội công an xung phong, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ liên lạc, tiếp tế. Chị đã lập nhiều chiến tích vang dội, diệt trừ tên ác ôn và nhiều lần phát hiện gian tế.
Tháng 7/1948, Công an Đất Đỏ được giao nhiệm vụ phá cuộc mít tinh kỷ niệm Quốc khánh Pháp. Biết đây là nhiệm vụ gian nan, nguy hiểm, chị Sáu vẫn chủ động xin được trực tiếp đánh trận này. Chị đã ném lựu đạn về phía khán đài, uy hiếp giải tán mít tinh và hoàn thành nhiệm vụ được giao. Sau chiến công này, chị Sáu được tổ chức tuyên dương khen ngợi và được giao nhiệm vụ diệt tề trừ gian, bao gồm việc tiêu diệt tên cai tổng Tòng. Thế nhưng không may mắn một lần nhận nhiệm vụ ném lựu đạn chi đã bị giặc bắt. CHị bị tra tấn dã man nhưng không hề khai báo điều gì. Bọn địch đã kết án tử hình cho chị và chuyển chị ra nhà tù Côn Đảo.
Trên đường ra chiến trường, chị không hề sợ hãi, ngắt một bông hoa ven đường và tặng cho người lính hành hình chị. Trước cái chết, chị kiên quyết không quỳ xuống, từ chối bịt mắt, đối diện với cái chết của mình rất bình tĩnh. Điều ân hận nhất của chị là chưa diệt hết được bọn thức dân Pháp. Trước khi chết, Chị Sáu bắt đầu hát Tiến quân ca. Khi lính lên đạn, chị ngừng hát, hô vang những lời cuối cùng “Đả đảo bọn thực dân Pháp. Việt Nam độc lập muôn năm. Hồ Chủ tịch muôn năm!”. Chị đã ngã xuống nhưng chắc chắn tấm gương của chị vẫn còn sáng mãi.
Chị Võ Thị Sáu chính là bức tượng đài tuyệt đẹp của tinh thần dũng cảm, bất khuất, sẵn sàng hi sinh vì Tổ quốc. Em thấy mình cần cố gắng học thật giỏi để xây dựng đất nước, để cho công lao của những con người đi trước không uổng phí.