Tailieumoi.vn xin giới thiệu đến các quý thầy cô, các em học sinh đang trong quá trình ôn tập tài liệu 16 ĐỀ VÀ BÀI VĂN MẪU NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 CHỮ, tài liệu bao gồm 21 trang, đầy đủ lý thuyết, phương pháp giải chi tiết và bài tập có đáp án, giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo trong quá trình ôn tập, củng cố kiến thức và chuẩn bị cho kì thi THPTQG môn Ngữ Văn sắp tới. Chúc các em học sinh ôn tập thật hiệu quả và đạt được kết quả như mong đợi.
Mời các quý thầy cô và các em học sinh cùng tham khảo và tải về chi tiết tài liệu dưới đây:
1. Viết bài văn nghị luận 200 chữ bàn về câu nói của M.Faraday: “Mọi thứ rồi sẽ qua chỉ còn tình người ở lại”.
Bài làm
Khi bé tôi thường hỏi mẹ rằng: “Điều gì sẽ còn lại sau một trận sóng thần hở mẹ?” Mẹ chỉ ôm thật chặt tôi vào lòng mà nói rằng: “Đây chính là câu trả lời”. Lúc đó, tôi đã không hiểu những gì mẹ nói. Nhưng giờ thì tôi đã hiểu. Mẹ ơi, con đã biết “Mọi thứ rồi sẽ đi qua chỉ còn tình người ở lại”. Tình người là tình cảm giữa người với người, biết cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ nhau trong những lúc khó khăn, hoạn nạn.
Câu nói khẳng định không có gì là mãi mãi, chỉ có tình người là còn tồn tại cho đến khi ta nhắm mắt xuôi tay. Trong cuộc sống, ta thấy rất nhiều những người sẵn sàng dang rộng vòng tay để giúp đỡ mọi người, bởi vì họ dễ xúc động, hay vì họ đã từng trãi qua trường hợp đó và không muốn người khác giống hoàn cảnh của mình. Tình người đã tồn tại trong mỗi người từ lúc được sinh ra. Sau tiền tài, vật chất không gì ấm áp hơn bằng một cái bắt tay, một nụ cười, một cái ôm, một lời động viên chân thành vì những gì hôm nay chưa chắc ngày mai ta còn đó. Tình người đã giúp cho mọi người gần nhau hơn.
Nhưng bên cạnh đó, còn những người vô tâm, vô cảm. Họ chỉ biết lo cho bản thân, không quan tâm đến cuộc sống xung quanh. Thay vì giúp đỡ họ chỉ biết đứng nhìn, hay lấy trong túi ra một chiếc điện thoại để chụp lại và đăng lên mạng xã hội bày tỏ niềm thương xót. Và căn bệnh đó thật sự ghê gớm, nhất là ở giới trẻ, nói thương nhưng không có hành động cụ thể, thì tình người đang mất dần đi. Chẳng những thế có những người lợi dụng lòng tốt của người khác để thực hiện những hành vi không tốt.
Do vậy, tình người đang bị xấu đi từng ngày. Nếu có một ngày nào đó, cả thế giới lắng nghe tôi nói thì tôi sẽ nói rằng: “Đừng sống vì bản thân, mà hãy biết yêu thương dù khác màu da, khác dân tộc. Hãy quan tâm nhau vì chúng ta là đồng loại. Xin đừng lợi dụng tình thương vì mục đích riêng. Tôi muốn thấy một người bị nạn được đưa vào bệnh viện kịp thời, chứ không phải đứng ở ngoài sợ liên lụy bản thân và nhìn người ta chết dần.
Đâu đó trên thế giới này, còn có những người đang âm thầm giúp đỡ mọi người mà không cần báo đáp. Chúng ta những thế hệ trẻ hãy noi gương theo họ. Con của anh chị đang nhìn anh chị mà lớn khôn, đừng để thế hệ sau là những thế hệ “vô cảm”. Tiền tài, vật chất chúng ta làm ra đến khi nằm xuống ta đem theo được gì? Hãy để lại cho thế hệ sau sự tranh chấp, giành giật? Khi chúng ta giúp người khác, chúng ta sẽ mang theo những ký ức đẹp đó đến suốt cuộc đời, và những người được ta giúp sẽ vô cùng biết ơn ta. Vì vậy, câu nói của M.Faraday rất đúng: “Mọi thứ rồi sẽ qua chỉ còn tình người ở lại”.
2. Viết đoạn văn nghị luận xã hội 200 từ: Đừng sống theo điều ta ước muốn, hãy sống theo điều ta có thể
Bài làm
Con người sinh ra ai cũng có ước mơ, khát khao của riêng mình, tuy nhiên không phải bất cứ ai cũng chạm được đến cái đích của riêng mình.
Câu ngạn ngữ “Đừng sống theo điều ta ước muốn. Hãy sống theo điều ta có thể” là một câu châm ngôn sống đầy kinh nghiệm để giúp con người lựa chọn cách sống của cá nhân. “Điều ta ước muốn” là những khát vọng, đam mê, ước mơ của bản thân mà con người luôn nỗ lực để đạt được, còn “điều ta có thể” là những việc trong khả năng mà con người có thể làm được.
Có lẽ, chúng ta ai cũng ấp ủ với những giấc mơ của riêng mình, với những đam mê và khát vọng đã dần trở thành mục đích sống của chúng ta. Thế nhưng, đôi khi chính những khát vọng ấy lại đối lập với “điều ta có thể”. Có những ước mơ dường như xa vời mà chúng ta không thể chạm tới được, khiến ta trở nên hụt hẫng, tuyệt vọng, mất niềm tin vào bản thân.
Đam mê và sự nỗ lực là hai yếu tố không thể thiếu trên hành trình đi tìm ước mơ của mỗi người, nhưng chỉ có vậy thì chưa bao giờ là đủ. Hãy giả sử, nếu chúng ta mơ ước trở thành một ca sĩ nổi tiếng, vậy mà giọng hát của chúng ta không được hay, không được thiện cảm thì chúng ta liệu có thể làm được không? Trong khi đó, khi làm những việc phù hợp với khả năng, chúng ta sẽ có cơ hội phát huy thế mạnh của bản thân và cống hiến nhiều hơn cho xã hội. Vậy nên câu nói là bài học nhắn nhủ con người cần phải có những ước mơ phù hợp với khả năng của bản thân.
Tuy Nhiên, nếu cứ mãi ở trong vùng giới hạn của bản thân, liệu cuộc sống của chúng ta có còn ý nghĩa? Liệu chúng ta có thể hiểu được bản thân nếu không có sự trải nghiệm và thử thách hay không? Dù biết rằng đôi khi ước mơ chỉ là những hoài bão xa vời, nhưng nó vẫn là động lực thúc đẩy chúng ta, để ta có niềm tin vào chính mình và vững bước trên con đường đời đầy chông gai này. Hơn nữa, chính những giấc mơ ấy là động lực thúc đẩy sự phát triển của xã hội, để con người không ngừng nỗ lực nghiên cứu, học hỏi và sáng tạo để nâng cao chất lượng cuộc sống.
Chúng ta có thể thấy trong cuộc sống không thiếu những tấm gương đã vượt qua được những điều không thể của bản thân, để chạm tới ước mơ dường như quá xa xôi và khó khăn với họ. Beethoven- nhà soạn nhạc thiên tài người Đức- người đã không may mắn mất đi khả năng thính giác của mình, vậy mà nhờ có niềm đam mê mãnh liệt với âm nhạc, ông đã vượt qua giới hạn của bản thân để trở thành biểu tượng của nền âm nhạc cổ điển mà không ai trong chúng ta không biết tới.
Nếu luôn hài lòng và thỏa mãn với bản thân, thì trên thế giới sẽ không có những tác phẩm kiệt xuất, không có những thành tựu tiến bộ để thế giới phát triển như lúc này. Và việc trải nghiệm, thử thách bản thân để thực hiện đam mê cũng là cơ hội đặc biệt để giúp chúng ta khám phá con người thật của mình.
Cuộc sống là một bức tranh được tạo nên bởi những mảnh ghép đa sắc màu, có lẽ một vài mảnh ghép ta chỉ có thể ngắm nhìn, nhưng cái cứ để nó song song tồn tại với những điều có thể của ta để cuộc sống của ta đa dạng hơn. Và đừng ngại với những ước mơ xa vời mà hãy luôn nỗ lực phấn đấu với con đường mà chính mình đã lựa chọn, bởi không ai có quyền đánh thuế giấc mơ của chúng ta, và biết đâu một ngày nào đó, chúng ta lại có thể thực hiện được nó, như biết bao người đã từng thành công trên chặng đường đi tìm giấc mơ đầy thú vị này.
3. Viết đoạn văn nghị luận xã hội 200 từ: Có những người không dám bước đi vì sợ gãy chân, nhưng sợ gãy chân mà không dám bước thì khác nào chân đã gãy
Bài làm
Có thể nói, dám hành động, dám chấp nhận thất bại là yếu tố vô cùng quan trọng để đạt được những thành công trong cuộc sống. Turgot – một nhà kinh tế học người Pháp từng nói “Có những người không dám bước đi vì sợ gãy chân, nhưng sợ gãy chân mà không dám bước thì khác nào chân đã gãy rồi”. Đó là một câu danh ngôn vô cùng đúng đắn và đầy cảm hứng nhưng trước hết, để có thể bàn luận cụ thể hơn về câu nói trên, chúng ta cần hiểu “dám bước đi” và “sợ gãy chân” là gì?
Theo nghĩa đen, “Bước đi” là một hình thức vận động của con người được thực hiện chủ yếu bởi các hệ cơ, xương ở “chân”, còn “gẫy chân” là một hậu quả có thể xảy ra, gây tổn thương cho người thực hiện hành động “đi”. Sâu xa hơn,về mặt nghĩa bóng, “bước đi” được hiểu là hành động làm một điều gì đó, còn “gãy chân” là những thất bại mà ta có thể gặp phải trong quá trình thực hiện mục tiêu của mình.
Như vậy, toàn bộ câu nói ấy có nghĩa là nếu như ta không dám làm, không dám hành động vì sợ thất bại thì bản thân chúng ta mặc định đã trở thành một kẻ thất bại rồi. Vì bất kỳ một thành quả nào đạt được trên thế gian này đều cần phải trải qua ba giai đoạn: suy nghĩ, hành động và kết quả. Nếu chỉ dám ngồi một chỗ đắn đo suy nghĩ, chần chừ mà không dám bắt tay vào làm thì sẽ chẳng bao giờ có thể đạt được kết quả. Biểu hiện của những người không dám hành động và sợ đương đầu thử thách rất dễ nhận thấy.
Họ thường là những người chỉ dám lên kế hoạch rồi để đó và trì hoãn, luôn kể về những điều mình muốn làm nhưng chẳng bao giờ thực hiện. Hoặc thậm chí, có nhiều người còn không có một mục tiêu cụ thể nào, phó mặc đời mình cho cuộc sống mặc sức đưa đẩy, luôn tránh làm những điều lớn, tránh đi những “con đường” ít người đi và luôn suy nghĩ tiêu cực về thất bại. Một minh chứng rõ nét cho hành động đó là câu chuyện khởi nghiệp của Bill Gate và bạn của ông.
Bill Gate không phải người đầu tiên và duy nhất nghĩ ra phần mềm máy tính và khát khao phát triển nó một cách rộng rãi, mà một người bạn học của ông cũng có cùng mong muốn ấy. Nhưng nếu như người bạn kia vẫn đang lo sợ, tính toán về những thiệt hại rủi ro mà mình có thể gặp phải, thì Bill Gate - cậu sinh viên trẻ khi ấy, đã hoàn thiện sản phẩm, hàng ngày đem “đứa con tinh thần” của mình đến gõ cửa từng văn phòng công ty về máy tính thời đó để thuyết phục họ hợp tác. Sau bao lời từ chối và những nỗ lực, ông đã nhanh chóng thành công, thành lập một doanh nghiệp lớn mạnh và mời người bạn khi xưa về làm nhân viên cho công ty mình. Như vậy, việc không dám hành động, sợ khó khăn sẽ khiến cuộc sống chúng ta trở nên ì chệ, cuộc đời ta trở nên vô nghĩa, sẽ luôn cảm thấy cuộc sống thật tối tăm, nhàm chán,... Nếu hiện tại chúng ta không chịu nhấc chân lên mà đi thì tương lai sẽ còn khó khăn, còn phải vất vả gấp bội phần, “nếu ta không tự xây ước mơ của mình thì sẽ có người thuê chúng ta xây ước mơ cho họ”. Một xã hội có quá nhiều những con người như vậy thì xã hội ấy sẽ trở nên chậm tiến về mọi lĩnh vực, ngập trong những dự thảo, dự kiến, ý tưởng nhưng chẳng bao giờ thành hiện thực.
Mặc dù vậy, bên cạnh đó, cũng có rất nhiều người không chỉ có một mục tiêu rõ ràng mà còn luôn dám thực hiện điều đó hàng ngày, hàng giờ, luôn tìm tòi và chăm chỉ mài giũa, luyện tập. Không chỉ vậy họ còn luôn suy nghĩ tích cực về khó khăn, coi thử thách là cách để học hỏi, để tôi luyện và làm đầy “kho” kinh nghiệm của bản thân, từng ngày đạt được rất nhiều những mục tiêu và đóng góp cho xã hội. Tuy vậy, chấp nhận thất bại không có nghĩa là chúng ta sẽ vẫn lặp đi lặp lại sai lầm ấy mà cần phải rút ra cho mình những bài học để sau những vấp ngã ấy, ta sẽ biết cách bước đi vững vàng hơn. Như vậy, mỗi người chúng ta cần nhận thức được tầm quan trọng của hành động và có một cái nhìn tích cực trước thất bại. Đồng thời nhanh chóng bắt tay vào thực hiện những dự định, mục tiêu đã đặt ra.
Cuộc đời này rộng lớn, bao la, có biết bao nhiêu điều cần học hỏi, trải nghiệm, nhưng cũng ngắn ngủi, vô thường, thời gian sẽ trôi qua rất nhanh và đã qua đi rồi sẽ không lấy lại được. Vì vậy đừng sợ sai, đừng tự giới hạn bản thân vào một cuộc sống nhỏ bé, tầm thường, hãy vươn rộng mình ra, đón nhận lấy những điều tuyệt vời trong cuộc sống này để khi nhắm mắt buông tay, nhìn lại không còn gì hối tiếc. Thất bại cũng giống như việc ăn một trái ớt, dù cay nóng nhưng lại đem đến cho ta trải nghiệm hấp dẫn mà không có bất kỳ hương vị ngọt ngào nào có được.