Giải Chuyên đề Lịch sử 11 Kết nối tri thức Chuyên đề 3: Danh nhân trong lịch sử Việt Nam

2.1 K

Tailieumoi.vn giới thiệu giải Chuyên đề Lịch sử 11 Chuyên đề 3: Danh nhân trong lịch sử Việt Nam sách Kết nối tri thức hay, chi tiết giúp học sinh xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm Chuyên đề học tập Lịch sử 11. Mời các bạn đón xem:

Giải Chuyên đề Lịch sử 11 Chuyên đề 3: Danh nhân trong lịch sử Việt Nam

I. Khái quát về danh nhân trong lịch sử dân tộc

Mở đầu trang 40 Chuyên đề Lịch Sử 11: Bài kí do Thân Nhân Trung soạn khắc trên tấm bia Tiến sĩ đầu tiên dựng năm 1484 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám có câu: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh và càng lớn lao, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà càng xuống thấp...”. Đoạn trích trên gợi cho em suy nghĩ gì về vai trò của những bậc hiền tài trong lịch sử dân tộc? Hãy chia sẻ hiểu biết của em về một số người tài nổi tiếng, có nhiều đóng góp đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Lời giải:

- Vai trò của những bậc hiền tài trong lịch sử dân tộc:

+ Có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp giành và giữ độc lập dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước.

+ Góp phần cho sự phát triển của nền văn hóa, tri thức dân tộc.

- Một số danh nhân nổi tiếng, có nhiều đóng góp đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là: Ngô Quyền; Lê Hoàn; Lý Thường Kiệt; Trần Quốc Tuấn; Chu Văn An; Nguyễn Huệ; Nguyễn Du; Hồ Chí Minh; Võ Nguyên Giáp,…

1. Khái niệm danh nhân

Câu hỏi trang 41 Chuyên đề Lịch Sử 11: Em hãy giải thích khái niệm danh nhân. Kể tên một số danh nhân trong lịch sử Việt Nam mà em biết.

Lời giải:

- Khái niệm: danh nhân là những người kiệt xuất, có nhân cách, tài năng và nổi tiếng trong lịch sử. Họ có những đóng góp quan trọng đối với dân tộc và nhân loại nên được cộng đồng thừa nhận và kính trọng.

- Một số danh nhân trong lịch sử Việt Nam: Hai Bà Trưng, Bà Triệu; Lý Bí; Triệu Quang Phục; Khúc Thừa Dụ; Ngô Quyền; Lê Hoàn; Lý Thường Kiệt; Trần Quốc Tuấn; Chu Văn An; Nguyễn Huệ; Nguyễn Du; Hồ Chí Minh; Võ Nguyên Giáp,…

2. Vai trò của danh nhân trong lịch sử dân tộc

Câu hỏi 1 trang 42 Chuyên đề Lịch Sử 11: Nêu vai trò của danh nhân trong lịch sử dân tộc.

Lời giải:

- Danh nhân có vai trò quan trọng trong sự nghiệp giành và giữ độc lập dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước.

+ Danh nhân là người giữ vị trí lãnh đạo, chỉ huy, lập nhiều chiến công hiển hách trong các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm. Họ có thể là những nhà chính trị, tướng lĩnh, nhà ngoại giao,.... đóng góp trí tuệ, công sức cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Ví dụ như: Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Quang Trung,…

+ Danh nhân có những đóng góp đối với sự nghiệp xây dựng đất nước qua các giai đoạn lịch sử. Họ là những vị minh quân, quan lại tài đức thời kì quân chủ, hoặc là những nhà chính trị, quân sự, văn hóa,... thời kì hiện đại. Ví dụ như: Trần Nhân Tông; Lê Thánh Tông; Minh Mạng; Chu Văn An; Hồ Chí Minh; Võ Nguyên Giáp,…

- Danh nhân còn góp phần cho sự phát triển của nền văn hóa, tri thức dân tộc. Họ là tác giả của những tác phẩm văn học, sử học, triết học, nghệ thuật, phương pháp chữa bệnh... có giá trị nhân văn sâu sắc; đồng thời có tác động, ảnh hưởng lớn tới đời sống của nhân dân được ghi nhận trong lịch sử. Ví dụ như: Nguyễn Trãi; Nguyễn Du; Hồ Xuân Hương; Tuệ Tĩnh; Lê Hữu Trác,…

Câu hỏi 2 trang 42 Chuyên đề Lịch Sử 11: Lựa chọn một danh nhân mà em biết và nêu vai trò của họ đối với lịch sử.

Lời giải:

(*) Tham khảo: Vai trò của Nguyễn Trãi đối với lịch sử:

+ Nguyễn Trãi một trong những lãnh đạo chủ chốt trong bộ chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn. Trong thời gian diễn ra cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Nguyễn Trãi đã trực tiếp tham mưu cho chủ tướng Lê Lợi nhiều kế sách đánh giặc, đặc biệt là kế “công tâm” để tập hợp lực lượng và phân hóa kẻ thù. Lê Lợi cũng giao cho ông soạn thảo thư từ giao thiệp với quân Minh. Tư tưởng chính trị quân sự và tài năng ngoại giao kiệt xuất của Nguyễn Trãi đã góp phần dẫn đường cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đi đến thắng lợi.

+ Sau khi vương triều Lê sơ được thiết lập, Nguyễn Trãi được cử nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình. Ông đã có nhiều cống hiến trong việc đề xuất các chính sách nhằm tái thiết và phát triển đất nước.

+ Nguyễn Trãi cũng là một nhà văn hóa lớn, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của văn hóa dân tộc (trên các phương diện như: văn học, lịch sử, địa lí, tư tưởng,…).

II. Một số nhà chính trị nổi tiếng của Việt Nam thời cổ - trung đại

1. Đinh Bộ Lĩnh

Câu hỏi 1 trang 44 Chuyên đề Lịch Sử 11: Em hãy giới thiệu thân thế và sự nghiệp của Đinh Bộ Lĩnh.

Lời giải:

- Thân thế và sự nghiệp của Đinh Bộ Lĩnh:

+ Đinh Bộ Lĩnh sinh năm 924, quê ở làng Đại Hữu, châu Đại Hoàng (nay la Gia Viễn, Ninh Binh). Cha của ông là Đinh Công Trứ - nha tướng dưới thời Dương Đình Nghệ, nắm giữ chức Thứ sử Hoan Châu. Đinh Bộ Lĩnh sớm tỏ ra là người thông minh, có khí phách và tài thao lược.

+ Trong bối cảnh đất nước bị chia cắt sau khi chính quyền nhà Ngô suy yếu, Đinh Bộ Lĩnh đã sử dụng những phương pháp quân sự, vận động và liên kết, để lần lượt thu phục các sứ quân, chấm dứt tình trạng cát cứ.

+ Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, đặt quốc hiệu nước ta là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư (Ninh Bình) và trị vì đất nước từ năm 968 cho đến khi qua đời (năm 979).

Câu hỏi 2 trang 44 Chuyên đề Lịch Sử 11: Khai thác Tư liệu 1 và thông tin trong mục, nêu nhận xét của em về những đóng góp của Đinh Bộ Lĩnh đối với lịch sử dân tộc.

Lời giải:

- Đinh Bộ Lĩnh có nhiều đóng góp lớn với lịch sử dân tộc:

+ Đinh Bộ Lĩnh là người có công lao chấm dứt tình trạng cát cứ, thống nhất đất nước và lập ra Nhà nước Đại Cồ Việt.

+ Trong thời gian trị vì, Đinh Bộ Lĩnh đã cho thi hành nhiều chính sách, biện pháp tích cực nhằm: ổn định tình hình đất nước; tổ chức bộ máy chính quyền của nhà nước độc lập và thiết lập quan hệ bang giao với các nước láng giềng.

2. Lê Thánh Tông

Câu hỏi 1 trang 45 Chuyên đề Lịch Sử 11: Sưu tầm tư liệu và khai thác thông tin trong mục, giới thiệu thân thế, sự nghiệp của vua Lê Thánh Tông.

Lời giải:

- Thân thế và sự nghiệp của vua Lê Thánh Tông:

+ Lê Thánh Tông là con thứ tư của vua Lê Thái Tông, tên huý là Lê Tư Thành. Ông lên ngôi năm 1460, khi 18 tuổi, đặt niên hiệu là Quang Thuận, năm 1470, đổi niên hiệu là Hồng Đức.

+ Trong 38 năm trị vì đất nước, Lê Thánh Tông đã từng bước đưa triều Lê sơ phát triển đến đỉnh cao.

Câu hỏi 2 trang 45 Chuyên đề Lịch Sử 11: Khai thác Tư liệu 2 và thông tin trong mục, nêu nhận xét của em về những đóng góp chính của vua Lê Thánh Tông đối với lịch sử dân tộc.

Khai thác Tư liệu 2 và thông tin trong mục trang 45 SGK chuyên đề Lịch Sử 11 nêu nhận xét (ảnh 1)

Lời giải:

- Những đóng góp chính của vua Lê Thánh Tông đối với lịch sử dân tộc:

+ Tiến hành công cuộc cải cách đất nước một cách toàn diện, trên nhiều lĩnh vực từ: hành chính, luật pháp, quân sự - quốc phòng, kinh tế đến văn hóa - giáo dục,… đưa vương triều Lê sơ phát triển đến đỉnh cao.

+ Mở rộng bờ cõi Đại Việt.

+ Lê Thánh Tông còn là một nhà văn hóa lớn, ông và các văn thần trong Hội Tao đàn đã để lại nhiều tác phẩm thơ ca có giá trị, như: Hồng Đức quốc âm thi tập, Quỳnh uyển cửu ca, Minh Lương cẩm tú, Cổ tâm bách vịnh,…

III. Một số danh nhân quân sự Việt Nam

1. Trần Quốc Tuấn

Câu hỏi 1 trang 46 Chuyên đề Lịch Sử 11: Khai thác các tư liệu 3, 4 và thông tin trong mục, trình bày thân thế, sự nghiệp của Trần Quốc Tuấn. Từ đó, nêu đánh giá của em về vai trò của ông đối với lịch sử dân tộc.

Khai thác các tư liệu 3, 4 và thông tin trong mục, trình bày thân thế (ảnh 2)

Lời giải:

- Thân thế và sự nghiệp của Trần Quốc Tuấn:

+ Trần Quốc Tuấn sinh năm 1228, tại thôn Tức Mặc, xã Mỹ Lộc, phủ Thiên Trường (nay thuộc phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định), là con của An Sinh vương Trần Liễu và là cháu của vua Trần Thái Tông.

+ Trần Quốc Tuấn sớm bộc lộ là người thông minh xuất chúng, ham thích đọc sách và luyện tập võ nghệ.

+ Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên năm 1285 và 1287 - 1288, Trần Quốc Tuấn được cử giữ chức Quốc công tiết chế, thống lĩnh quân đội Đại Việt. Dưới sự lãnh đạo của ông, nhân dân Đại Việt đã giành được nhiều thắng lợi lớn tại: Chương Dương, Hàm Tử, Tây Kết, Bạch Đằng,… đánh đuổi quân xâm lược ra khỏi bờ cõi.

+ Năm 1289, Trần Quốc Tuấn được vua Trần phong là Hưng Đạo Đại vương.

+ Sau khi Trần Quốc Tuấn qua đời (năm 1300), nhân dân đã tôn vinh ông là Đức Thánh Trần và lập đền thờ ở nhiều nơi.

- Công lao của Trần Quốc Tuấn với lịch sử dân tộc:

+ Trần Quốc Tuấn là một danh tướng kiệt xuất, có nhiều đóng góp quan trọng trong các cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên xâm lược. Cụ thể:

▪ Trong kháng chiến chống quân Mông Cổ (năm 1258), Trần Quốc Tuấn trực tiếp cần quân lên phòng thủ biên giới trước thời điểm quân Mông Cổ kéo vào xâm lược Đại Việt.

▪ Trong hai lần kháng chiến chống quân Nguyên (1285 và 1288 - 1287), Trần Quốc Tuấn nắm giữ vai trò Tổng chỉ huy quân đội Đại Việt. Trên cương vị này, ông đã trực tiếp đốc thúc vương hầu, tôn thất, điều động binh lính, chuẩn bị kháng chiến; giao cho các tướng trấn giữ ở những khu vực trọng yếu; củng cố khối đại đoàn kết dân tộc... Khi quân giặc với sức mạnh như vũ bão tiến vào Đại Việt, ông cùng bộ tham mưu của quân đội nhà Trần định ra kế sách, chiến lược cho toàn bộ cuộc kháng chiến.

+ Trần Quốc Tuấn còn là một nhà lí luận quân sự xuất sắc. Ông đã biên soạn hai bộ sách là Binh thư yếu lược và Vạn Kiếp tông bí truyền thư, trong đó đúc kết các kế sách, binh pháp đánh trận cho quân đội.

Câu hỏi 2 trang 46 Chuyên đề Lịch Sử 11: Em hãy kể tên các địa phương có xây dựng đền thờ hoặc tổ chức lễ hội tôn vinh Trần Quốc Tuấn mà em biết.

Lời giải:

- Một số địa phương có xây dựng đền thờ Trần Quốc Tuấn:

+ Đền Thượng (Lào Cai)

+ Đền Đức Thánh Trần (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)

+ Đền Trần (Nam Định).

+ Đền Kiếp Bạc (Hải Dương).

+ Đền Trần Thương (Hà Nam).

+ Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo (Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh).

+ Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo (huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang).

- Một số lễ hội tôn vinh Trần Quốc Tuấn:

+ Lễ hội đền Thượng (Lào Cai).

+ Lễ hội đền Sơn Hải (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

+ Lễ giỗ Đức Thánh Trần Hưng Đạo ở đền Trần Thương (Hà Nam).

+ Lễ khai ấn ở đền Trần Xuân (Thanh Hóa).

+ …

2. Võ Nguyên Giáp

Câu hỏi 1 trang 48 Chuyên đề Lịch Sử 11: Giới thiệu thân thế và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Lời giải:

- Thân thế và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp:

+ Võ Nguyên Giáp sinh năm 1911, quê ở làng An Xá, tổng Đại Phong Lộc (nay là xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) trong một gia đình nhà nho có truyền thống yêu nước.

+ Ngay từ khi còn là học sinh, Võ Nguyên Giáp đã tích cực tham gia phong trào yêu nước chống Pháp.

+ Năm 1940, Võ Nguyên Giáp gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Sau khi Cách mạng tháng Tám (1945) thành công, ông được cử giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng,…

+ Năm 1944, Võ Nguyên Giáp được giao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay.

+ Năm 1948, Võ Nguyên Giáp là người đầu tiên ở Việt Nam được phong quân hàm Đại tướng khi mới 37 tuổi.

+ Trong kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954) và chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đưa ra nhiều quyết sách đúng đắn, sáng tạo, trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch lớn. Tên tuổi của ông gắn liền với chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) và chiến dịch Hồ Chí Minh (1975),…

+ Từ năm 1975 - 1991, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước Việt Nam.

+ Từ năm 1992 đến lúc từ trần (năm 2013), Đại tướng là Chủ tịch danh dự Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Chủ nhiệm Đề tài: "Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam", kiêm cố vấn chương trình khoa học cấp Nhà nước về "Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh",…

Câu hỏi 2 trang 48 Chuyên đề Lịch Sử 11: Khai thác các tư liệu 5, 6 và thông tin trong mục, nêu đánh giá của em về những đóng góp chính của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với lịch sử dân tộc.

Khai thác các tư liệu 5, 6 và thông tin trong mục, nêu đánh giá của em (ảnh 2)

Lời giải:

♦ Những đóng góp chính của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với lịch sử dân tộc:

- Đại tướng Võ Nguyên Giáp có công lao lớn trong tổ chức và phát triển lực lượng quân đội chính quy, tinh nhuệ, hiện đại và nền quốc phòng vững mạnh nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước trong từng giai đoạn lịch sử.

+ Tháng 12/1944, Võ Nguyên Giáp được giao nhiệm vụ thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay.

+ Võ Nguyên Giáp cũng đề xuất và tổ chức xây dựng Quân chủng Phòng không - Không quân, Hải quân, Binh chủng Đặc công, đường Hồ Chí Minh trên bộ và đường Hồ Chí Minh trên biển,...

- Đại tướng đã trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch lớn, quan trọng có ảnh hưởng quyết định tới kết quả của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước, đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 và cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975.

- Đại tướng còn có nhiều đóng góp cho sự phát triển của khoa học quân sự Việt Nam. Các công trình lịch sử và lí luận quân sự nổi bật của ông như: Chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Từ nhân dân mà ra, Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử, Tổng hành dinh trong mùa Xuân đại thắng,... đã tổng kết và phát triển những nội dung cơ bản về đường lối chiến tranh nhân dân.

IV. Một số danh nhân văn hóa Việt Nam

1. Nguyễn Trãi

Câu hỏi 1 trang 49 Chuyên đề Lịch Sử 11: Hãy giới thiệu những nét chính về thân thế, sự nghiệp của Nguyễn Trãi.

Lời giải:

♦ Thân thế và sự nghiệp của Nguyễn Trãi:

- Nguyễn Trãi hiệu là Ức Trai, quê gốc ở làng Chi Nhạn (nay thuộc Chí Linh, tỉnh Hải Dương). Ông là con của Nguyễn Phi Khanh, cháu của quan Tư đồ Trần Nguyên Đán. Năm 1400, Nguyễn Trãi thi đỗ Thái học sinh và ra làm quan dưới triều Hồ.

- Nguyễn Trãi có nhiều đóng góp lớn trong thắng lợi của khởi nghĩa Lam Sơn, xây dựng Vương triều Lê sơ, khôi phục đất nước và nền văn hóa của dân tộc.

+ Trong khởi nghĩa Lam Sơn, Nguyễn Trãi trực tiếp tham mưu cho Lê Lợi nhiều kế sách đánh giặc, đặc biệt là kể “tâm công” để tập hợp lực lượng và phân hóa kẻ thù. Lê Lợi cũng giao cho ông soạn thảo thư từ giao thiệp với quân Minh.

+ Sau khi Vương triều Lê sơ được thành lập, Nguyễn Trãi được cử nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình.

- Là nhà văn hóa lớn của dân tộc với khối lượng trước tác khá đồ sộ, có giá trị và ý nghĩa, Nguyễn Trãi được tổ chức UNESCO vinh danh nhân dịp kỉ niệm 600 năm ngày sinh vào năm 1980.

Câu hỏi 2 trang 49 Chuyên đề Lịch Sử 11: Khai thác Tư liệu 7 và thông tin trong mục, giải thích vì sao Nguyễn Trãi được đánh giá là nhà văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam.

Khai thác Tư liệu 7 và thông tin trong mục giải thích vì sao Nguyễn Trãi (ảnh 1)

Lời giải:

- Nguyễn Trãi được đánh giá là nhà văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam, ông đã để lại cho hậu thế một khối lượng trước tác khá đồ sộ, có giá trị và ý nghĩa:

+ Các tác phẩm thơ văn tiêu biểu của Nguyễn Trãi gồm có: Quân trung từ mệnh tập; Bình Ngô đại cáo; Ức Trai thi tập; Quốc âm thi tập,… Trong đó, tập thơ Quốc âm thi tập được coi là tác phẩm đặt nền móng cho văn học chữ Nôm của Việt Nam.

+ Các tác phẩm về lịch sử - địa lí tiêu biểu của Nguyễn Trãi gồm có: Lam Sơn thực lục, Dư địa chí,…

+ Trên phương diện tư tưởng: Nguyễn Trãi đề cao tư tưởng “nhân nghĩa”, yêu nước thương dân; coi trọng sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân.

2. Nguyễn Du

Câu hỏi trang 50 Chuyên đề Lịch Sử 11: Khai thác Tư liệu 8 và thông tin trong mục, trình bày những đóng góp chính của Nguyễn Du đối với nền văn học Việt Nam. Từ đó, em có nhận xét gì?

Lời giải:

- Đóng góp chính của Nguyễn Du với nền văn học Việt Nam:

+ Nguyễn Du đã để lại cho hậu thế một di sản văn chương đồ sộ với những tác phẩm nổi tiếng bằng chữ Hán và chữ Nôm mang đậm chủ nghĩa nhân văn. Trong đó, Truyện Kiều được xem là một kiệt tác của văn học Việt Nam.

+ Qua các sáng tác của mình, Nguyễn Du đã góp phần đặt nền móng cho sự phát triển của ngôn ngữ văn học hiện đại Việt Nam.

- Nhận xét: Nguyễn Du được vinh danh là “Đại thi hào của dân tộc Việt Nam”; được tổ chức UNESCO ghi danh là Danh nhân văn hóa thế giới. Tác phẩm Truyện Kiều của ông đã trở thành tài sản văn hóa chung của thế giới, được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau.

V. Một số danh nhân trong lĩnh vực khoa học - công nghệ và giáo dục - đào tạo

1. Tuệ Tĩnh

Câu hỏi trang 51 Chuyên đề Lịch Sử 11: Theo em, vì sao Tuệ Tĩnh được coi là “ông Tổ” của nghề thuốc nam?

Lời giải:

- Danh y Tuệ Tĩnh được coi là “ông Tổ” của nghề thuốc nam, vì:

+ Danh y Tuệ Tĩnh là người mở đầu trong sự nghiệp nghiên cứu các bài thuốc Nam, xây dựng nền móng cho Y học cổ truyền dân tộc Việt Nam.Với phương châm “Nam dược trị nam nhân”, ông đã dạy nhân dân cách trồng thuốc nam để tự chữa bệnh. Đồng thời, ông cũng hướng dẫn nhân dân cách chăm sóc sức khỏe, phương pháp vệ sinh để phòng chống bệnh tật.

+ Những năm sinh sống tại quê nhà, Tuệ Tĩnh dốc tâm lực vào việc trồng thuốc, sưu tầm kinh nghiệm chữa bệnh, khảo cứu, tập hợp được khoảng 200 chứng bệnh với gần 4.000 phương thuốc chữa trị. Những bài thuốc của ông được tập hợp, ghi chép lại trong các bộ sách như: Nam dược thần hiệu, Hồng Nghĩa giác tư y thư,... Cho đến hiện nay, nhiều bài thuốc nam của danh y Tuệ Tĩnh vẫn được kế thừa và phát huy.

2. Lê Quý Đôn

Câu hỏi 1 trang 52 Chuyên đề Lịch Sử 11: Vì sao các nhà sử học đánh giá Lê Quý Đôn là nhà bác học uyên thâm nhất của Việt Nam trong thế kỉ XVII?

Lời giải:

- Lê Quý Đôn được coi là nhà bác học uyên thâm nhất của Việt Nam trong thế kỉ XVII. Ông đã để lại cho hậu thế khoảng 40 công trình khảo cứu có giá trị trên nhiều lĩnh vực:

+ Về sử học, ông biên soạn Đại Việt thông sử, Phủ biên tạp lục, Kiến văn tiểu lục....

+ Về triết học, có Dịch Kinh phu thuyết, Xuân thu lược luận, Quần thư khảo biện;

+ Về văn học có: Hoàng Việt văn hải, Quế đường thi văn tập;

+ Về khoa học có Vân đài loại ngữ.

- Lê Quý Đôn không chỉ nổi tiếng về trí tuệ mà còn là tấm gương lao động cần cù, miệt mài và liên tục. Để biên soạn các bộ sách, ông đã khảo cứu một khối lượng tài liệu đồ sộ. Ví dụ: để biên soạn bộ Vân đài loại ngữ, ông đã tham khảo hơn 500 tập sách, trong đó có nhiều sách của châu Âu dịch sang chữ Hán mà ông đọc trong thời gian đi sứ ở Trung Quốc.

Câu hỏi 2 trang 52 Chuyên đề Lịch Sử 11: Nêu nhận xét của em về những đóng góp chính của Lê Quý Đôn đối với lịch sử, khoa học, văn hóa - giáo dục của dân tộc.

Lời giải:

- Nhận xét: Lê Quý Đôn là nhà bác học lỗi lạc của Việt Nam thời trung đại, ông đã có nhiều cống hiến, thúc đẩy sự phát triển của nền lịch sử, khoa học, văn hóa - giáo dục nước nhà

Luyện tập và Vận dụng (trang 52)

Luyện tập 1 trang 52 Chuyên đề Lịch Sử 11: Theo em, vì sao khi giảng dạy và học tập lịch sử cần tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp chính của các danh nhân?

Lời giải:

- Khi giảng dạy và học tập lịch sử cần tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp chính của các danh nhân, vì: bằng tài năng trên các lĩnh vực cụ thể của đời sống xã hội, các danh nhân đã để lại những dấu ấn sâu sắc trong tiến trình lịch sử dân tộc, góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội và văn hóa dân tộc.

Luyện tập 2 trang 52 Chuyên đề Lịch Sử 11: Sử dụng tư liệu về các danh nhân đã học ở trong bài, lập bảng tóm tắt những đóng góp của họ đối với lịch sử dân tộc.

Lời giải:

(*) Bảng tóm tắt:

Lĩnh vực

Danh nhân tiêu biểu

Tên danh nhân

Đóng góp đối với lịch sử dân tộc

Chính trị

Đinh Bộ Lĩnh

- Chấm dứt tình trạng cát cứ, thống nhất đất nước và lập ra Nhà nước Đại Cồ Việt.

- Cho thi hành nhiều chính sách, biện pháp tích cực nhằm: ổn định tình hình đất nước; tổ chức bộ máy chính quyền của nhà nước độc lập và thiết lập quan hệ bang giao với các nước láng giềng.

Lê Thánh Tông

- Tiến hành công cuộc cải cách đất nước một cách toàn diện, trên nhiều lĩnh vực, đưa vương triều Lê sơ phát triển đến đỉnh cao.

- Mở rộng bờ cõi Đại Việt.

- Là một nhà văn hóa lớn của dân tộc.

Quân sự

Trần Quốc Tuấn

- Danh tướng kiệt xuất, thống lĩnh quân đội nhà Trần giành thắng lợi trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên.

- Là nhà lí luận quân sự xuất sắc, có đóng góp lớn cho sự phát triển của khoa học quân sự Việt Nam.

Võ Nguyên Giáp

- Tổ chức và phát triển lực lượng quân đội Việt Nam theo hướng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại và xây dựng nền quốc phòng vững mạnh.

- Trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch lớn, quan trọng có ảnh hưởng quyết định tới kết quả của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước.

- Có nhiều đóng góp cho sự phát triển của khoa học quân sự Việt Nam.

Văn hóa

Nguyễn Trãi

- Có nhiều đóng góp lớn trong thắng lợi của khởi nghĩa Lam Sơn, xây dựng Vương triều Lê sơ, khôi phục và phát triển đất nước.

- Là một nhà văn hóa lớn, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của văn hóa dân tộc.

Nguyễn Du

- Là một nhà văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam. Ông đã để lại cho hậu thế một khối lượng di sản đồ sộ, trong đó, tiêu biểu nhất là kiệt tác Truyện Kiều.

- Đặt nền móng cho sự phát triển của ngôn ngữ văn học hiện đại Việt Nam.

Khoa học - công nghệ; văn hóa - giáo dục

Tuệ Tĩnh

- Đặt nền móng cho nền y học cổ truyền Việt Nam

Lê Quý Đôn

- Là nhà bác học uyên thâm, có nhiều đóng góp lớn trên các lĩnh vực văn hóa - giáo dục và khoa học của Việt Nam.

- Trong thời gian làm quan dưới triều Lê - Trịnh, ông đã có nhiều đề xuất nhằm phát triển đất nước và có đóng góp lớn trong quan hệ bang giao giữa Đại Việt với các nước láng giềng.

Vận dụng 1 trang 52 Chuyên đề Lịch Sử 11: Sưu tầm tư liệu từ sách, báo và internet để xây dựng bài giới thiệu (khoảng 300 chữ) về một danh nhân mà em ấn tượng nhất.

Lời giải:

(*) Tham khảo: Giới thiệu về Nguyễn Huệ

- Nguyễn Huệ (1753 - 1792) còn được gọi là Nguyễn Quang Bình (hoặc Hồ Thơm), sinh tại thôn Kiên Mỹ, ấp Kiên Thành, huyện Hoài Nhơn, phủ Quy Nhơn (nay thuộc xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định).

- Năm 1771, khi 18 tuổi, Nguyễn Huệ cùng Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ dựng cờ khởi nghĩa ở vùng Tây Sơn, được đông đảo nhân dân hưởng ứng. Nhờ có sách lược khôn khéo và sự ủng hộ của nhân dân, từ năm 1771 đến năm 1788, nghĩa quân đã lần lượt lật đổ chính quyền họ Nguyễn ở Đàng Trong, tiêu diệt chính quyền Lê - Trịnh ở Đàng Ngoài, bước đầu xóa bỏ tình trạng chia cắt lãnh thổ, đặt cơ sở cho sự nghiệp thống nhất đất nước.

- Cuối năm 1784, 5 vạn quân Xiêm kéo vào Gia Định. Đầu năm 1785, Nguyễn Huệ chủ động cho quân mai phục chặn đánh địch ở Rạch Gầm - Xoài Mút. Chỉ trong vòng một ngày, quân Tây Sơn đã tiêu diệt hầu hết quân Xiêm.

- Cuối năm 1788, nhà Thanh điều động 29 vạn quân tràn vào Đại Việt. Trong bối cảnh đó, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế ở Phú Xuân, lấy hiệu là Quang Trung, rồi hạ lệnh xuất quân ra Bắc. Với lối đánh chủ động, thần tốc và quyết liệt, với sự chỉ huy của Quang Trung, nghĩa quân Tây Sơn nhanh chóng hạ đồn Gián Khẩu, Hà Hồi rồi tấn công Ngọc Hồi và Đống Đa, đánh bại quân Thanh, đập tan hoàn toàn mưu đồ xâm lược của nhà Thanh.

- Sau khi chiến thắng quân Thanh, Quang Trung thiết lập vương triều mới, định đô ở Phú Xuân. Trong thời gian trị vì, ông đã ban hành nhiều chính sách tiến bộ nhằm ổn định và phát triển đất nước, như ban Chiếu khuyến nông, Chiếu khuyến học, Chiếu cầu hiền,...

Vận dụng 2 trang 52 Chuyên đề Lịch Sử 11: Tìm hiểu các hoạt động tôn vinh một số danh nhân tiêu biểu ở địa phương em (tỉnh/huyện) sinh sống và chia sẻ với bạn.

Lời giải:

(*) Tham khảo: Một số hoạt động tôn vinh danh nhân Nguyễn Huệ của nhân dân tỉnh Bình Định:

+ Sử dụng tên của danh nhân để đặt tên cho các đường phố, trường học, viện bảo tàng,…

+ Lập đền thờ để tưởng nhớ công lao của danh nhân (ví dụ: đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt ở thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định,…).

+ Tổ chức các lễ hội để vinh danh, tưởng nhớ công lao của danh nhân (ví dụ: Lễ hội Đống Đa Tây Sơn được tổ chức vào ngày mùng 4, mùng 5 tết âm lịch hằng năm; Lễ giỗ vua Quang Trung được tổ chức vào ngày 29/7 âm lịch hằng năm,…)

+ Hằng năm, tổ chức việc bình xét và trao giải thưởng Quang Trung cho các học sinh (quê ở Bình Định) có thành tích học tập xuất sắc.

+ …

Xem thêm các bài giải Chuyên đề học tập Lịch sử lớp 11 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Chuyên đề 1: Lịch sử nghệ thuật truyền thống Việt Nam

Chuyên đề 2: Chiến tranh và hòa bình trong thế kỉ XX

Chuyên đề 3: Danh nhân trong lịch sử Việt Nam

Đánh giá

0

0 đánh giá