Lời giải bài tập Lịch Sử và Địa lí lớp 4 Bài 18: Phố cổ Hội An sách Chân trời sáng tạo hay, ngắn gọn sẽ giúp học sinh dễ dàng trả lời câu hỏi Lịch Sử và Địa lí 4 Bài 18 từ đó học tốt môn Lịch Sử và Địa lí lớp 4.
Giải bài tập Lịch sử và Địa lí lớp 4 Bài 18: Phố cổ Hội An
Khởi động (trang 74)
Câu hỏi trang 74 SGK Lịch Sử và Địa Lí 4: Quan sát hình 1, em hãy chọn và gọi tên di sản thế giới ở vùng Duyên hải miền Trung được UNESCO công nhận.
Lời giải:
- Di sản thế giới ở vùng Duyên hải miền Trung được UNESCO công nhận là: phố cổ Hội An (hình b).
Khám phá (trang 74, 75, 77)
1. Vị trí địa lí
Câu hỏi trang 74 SGK Lịch Sử và Địa Lí 4: Đọc thông tin và quan sát hình 2, em hãy xác định vị trí của phố cổ Hội An.
Lời giải:
- Phố cổ Hội An thuộc thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Phần lớn phố cổ nằm ở phường Minh An, bên bờ sông Hoài - một nhánh của sông Thu Bồn.
2. Một số công trình kiến trúc tiêu biểu
Câu hỏi trang 75 SGK Lịch Sử và Địa Lí 4: Đọc thông tin và quan sát các hình từ 3 đến 6, em hãy cho biết:
- Phố cổ Hội An có những công trình tiêu biểu nào.
- Điểm nổi bật của từng công trình này là gì.
Lời giải:
* Các công trình tiêu biểu ở phố cổ Hội An là: Chùa Cầu, Nhà cổ Phùng Hưng, Hội quán Phúc Kiến,...
* Điểm nổi bật của từng công trình:
- Chùa Cầu Nhật Bản:
+ Ban đầu, là một cây cầu được dựng bởi các thương nhân người Nhật Bản vào khoảng thế kỉ XVI. Năm 1653, ở sườn cầu phía bắc được dựng thêm phần chùa nên cây cầu được gọi là Chùa Cầu.
+ Năm 1719, chúa Nguyễn Phúc Chu thăm Hội An, đặt tên cho chiếc cầu là “Lai Viễn Kiều” với ý nghĩa là “Cầu đón khách phương xa”.
+ Chùa Cầu có kiến trúc phan trộn của Nhật Bản, Trung Hoa và Việt Nam. Tất cả hệ khung của cầu được làm bằng gỗ; mái của công trình được lợp bằng ngói âm dương với những chi tiết trang trí tinh xảo.
- Hội quán Phúc Kiến
+ Là nơi sinh hoạt cộng đồng của người Hoa cùng quê đến Hội An buôn bán và là nơi để thờ cúng các vị tiền hiền, các vị thần che chở cho cuộc sống của người dân địa phương.
+ Hội quán được xây dựng theo kiểu đền miếu cổ Trung Hoa với mái lợp ngói ống.
- Nhà cổ Phùng Hưng
+ Nhà cổ Phùng Hưng có kết cấu hai tầng với dạng nhà ống, hẹp ở chiều ngang và chiều sâu khá dài. Những lớp ngói âm dương đều tăm tắp được tính toán theo thuật phong thuỷ ngũ hành tạo nên một sắc thái đặc trưng.
+ Không gian bên trong nhà chính thiết kế rộng rãi, dành cho buôn bán và thờ tự.
3. Một số biện pháp để bảo tồn và phát huy giá trị của phố cổ Hội An
Câu hỏi trang 77 SGK Lịch Sử và Địa Lí 4: Em hãy đề xuất một số biện pháp bảo tồn và phát huy giá trị của phố cổ Hội An.
Lời giải:
- Một số biện pháp bảo tồn và phát huy giá trị của phố cổ Hội An:
+ Có ý thức bảo vệ các công trình trong khu phố cổ;
+ Tiến hành trùng tu các công trình đã xuống cấp trong khu phố cổ;
+ Tích cực tuyên truyền, quảng báo vẻ đẹp của phố cổ Hội An.
Giải Lịch Sử và Địa Lí lớp 4 trang 77
Luyện tập (trang 77)
Luyện tập 1 trang 77 SGK Lịch Sử và Địa Lí 4: Em hãy chọn và mô tả một công trình kiến trúc tiêu biểu của phố cổ Hội An mà em có ấn tượng.
Lời giải:
(*) Mô tả: chùa Cầu Nhật Bản
+ Ban đầu, là một cây cầu được dựng bởi các thương nhân người Nhật Bản vào khoảng thế kỉ XVI. Năm 1653, ở sườn cầu phía bắc được dựng thêm phần chùa nên cây cầu được gọi là Chùa Cầu.
+ Năm 1719, chúa Nguyễn Phúc Chu thăm Hội An, đặt tên cho chiếc cầu là “Lai Viễn Kiều” với ý nghĩa là “Cầu đón khách phương xa”.
+ Chùa Cầu có kiến trúc phan trộn của Nhật Bản, Trung Hoa và Việt Nam. Tất cả hệ khung của cầu được làm bằng gỗ; mái của công trình được lợp bằng ngói âm dương với những chi tiết trang trí tinh xảo.
Vận dụng (trang 77)
Vận dụng 1 trang 77 SGK Lịch Sử và Địa Lí 4: Đóng vai một hướng dẫn viên du lịch, em hãy giới thiệu về phố cổ Hội An.
Lời giải:
Nếu có một lần được đặt chân tới tỉnh Quảng Nam, bạn đừng quên ghé thăm một khu phố cổ với những mái ngói cũ phủ đầy rêu phong, con đường đèn lồng ngập sắc đỏ,… đến các món ăn truyền thống. Đó là Phố cổ Hội An - một phố cổ làm say lòng người khi bạn đặt chân tới nơi đây.
Phố cổ Hội An là một đô thị nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, thuộc thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Nơi đây nổi tiếng với những ngôi nhà có kiến trúc truyền thống độc đáo, những ngôi chùa có niên đại hàng trăm năm tuổi, đặc biệt là những lễ hội truyền thống được diễn ra trong không gian lung linh của ánh sáng phát ra từ những chiếc đèn lồng,…
Đầu tiên, phố cổ Hội An nổi tiếng bởi vẻ đẹp kiến trúc truyền thống. Một điều rất may mắn là nơi đây tránh được sự tàn phá của hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mĩ và tránh được quá trình đô thị hóa ồ ạt cuối thế kỷ XX, cho nên những giá trị kiến trúc của phố cổ gần như vẫn còn nguyên vẹn.
Kiểu nhà ở phổ biến nhất ở Hội An chính là những ngôi nhà phố có kết cấu kiểu nhà khung gỗ, hai bên có tường ngăn cách, thường chỉ có một hoặc hai tầng với đặc trưng chiều ngang hẹp, chiều sâu rất dài tạo nên kiểu nhà hình ống, được xây dựng sát nhau. Mỗi ngôi nhà ở phố cổ Hội An đều được bố trí phù hợp với không gian hẹp, dài bao gồm: vỉa hè, hiên, nhà chính, nhà phụ, hiên, nhà cầu và sân trong, hiên, nhà sau ba gian, vườn sau. Chính những kiến trúc độc đáo ấy đã thu hút ngày càng nhiều khách thăm quan tới phố cổ Hội An.
Những ngôi chùa, đền miếu cổ ở đây cũng là nơi được nhiều du khách quan tâm. Nhiều ngôi chùa ở đây có niên đại khởi dựng khá sớm, được biết đến sớm nhất là chùa Chúc Thánh, và chùa Cầu.
Bên cạnh đó, ở Hội An cũng lưu giữ được nhiều hội quán – nơi sinh hoạt cộng đồng và cũng là nơi thờ các vị thần của người Hoa, tiêu biểu là: hội quán Phúc Kiến; hội quán Quảng Đông,…
Những lễ hội truyền thống hiện nay cũng giúp Hội An mang một sức thu hút riêng. Đặc biệt nhất phải kể đến lễ hội đêm rằm phố cổ vào mỗi đêm 14 âm lịch hàng tháng. Bên cạnh những địa điểm du lịch, những món ăn truyền thống ở phố cổ Hội An, như: cao lầu, mì Quảng,… cũng được khách du lịch dành nhiều sự quan tâm.
Bao nét đặc sắc riêng biệt ấy đã kiến phố cổ Hội An trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn của Việt Nam. Khi đã ghé thăm nơi đây, chắc chắn bạn sẽ muốn trở lại mảnh đất cổ xưa nên thơ, hữu tình này một lần nữa.
Xem thêm các bài giải SGK Lịch sử và Địa lí lớp 4 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:
Bài 19: Thiên nhiên vùng Tây Nguyên
Bài 20: Dân cư và hoạt động sản xuất ở vùng Tây Nguyên
Bài 21: Một số nét văn hóa và lịch sử của đồng bào Tây Nguyên