Giải SGK Giáo dục Quốc phòng 11 Bài 2 (Kết nối tri thức): Luật nghĩa vụ quân sự và trách nhiệm của học sinh

6.3 K

Lời giải bài tập Giáo dục Quốc phòng và An ninh lớp 11 Bài 2: Luật nghĩa vụ quân sự và trách nhiệm của học sinh sách Kết nối tri thức hay, ngắn gọn sẽ giúp học sinh dễ dàng trả lời câu hỏi Giáo dục Quốc phòng 11 Bài 2 từ đó học tốt môn GDQP 11.

Giải bài tập GDQP lớp 11 Bài 2: Luật nghĩa vụ quân sự và trách nhiệm của học sinh

Mở đầu

Mở đầu trang 11 GDQP 11: Theo em, hình 2.1 thể hiện những hoạt động gì?

Theo em, hình 2.1 GDQP 11 trang 11 thể hiện những hoạt động gì

Lời giải:

- Hình 2.1a - hoạt động: đăng kí tham gia nghĩa vụ quân sự

- Hình 2.1b - hoạt động: khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự

- Hình 2.1c - hoạt động: lễ xuất quân nhập ngũ của thanh niên

Khám phá

I. Một số nội dung cơ bản của luật nghĩa vụ quân sự

Câu hỏi trang 11 GDQP 11: Nghĩa vụ quân sự là gì? Công dân phục vụ trong lực lượng dân quân tự vệ có được coi là thực hiện nghĩa vụ quân sự không? Tại sao?

Lời giải:

- Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân.

- Công dân phục vụ trong lực lượng dân quân tự vệ không được coi là thực hiện nghĩa vụ quân sự. Vì: Theo quy định của Luật nghĩa vụ quân sự 2015:

+ Công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú phải thực hiện nghĩa vụ quân sự.

+ Đối tượng được công nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình khi có đã hoàn thành nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ, trong đó có ít nhất 12 tháng làm nhiệm vụ dân quân tự vệ thường trực. Như vậy, nếu thời gian làm nhiệm vụ dân quân tự vệ thường trực dưới 12 tháng, công dân đó vẫn phải thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Câu hỏi trang 12 GDQP 11: Đối tượng nào được đăng kí, miễn đăng kí nghĩa vụ quân sự?

Lời giải:

- Đối tượng đăng kí nghĩa vụ quân sự:

+ Công dân nam đủ 17 tuổi trở lên.

+ Công dân nữ đủ 18 tuổi trở lên (có ngành, nghề chuyên môn phù hợp yêu cầu của Quân đội nhân dân).

- Đối tượng miễn đăng kí nghĩa vụ quân sự:

+ Người khuyết tật;

+ Người mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh tâm thần hoặc bệnh mạn tính theo quy định của pháp luật.

Câu hỏi trang 13 GDQP 11: Gia đình Dũng có hai mẹ con, mẹ Dũng mắc bệnh hiểm nghèo không còn khả năng lao động. Theo Luật Nghĩa vụ quân sự, Dũng có được miễn gọi nhập ngũ không? Vì sao?

Lời giải:

- Theo Luật Nghĩa vụ quân sự, Dũng không được miễn gọi nhập ngũ mà chỉ được tạm hoãn gọi nhập ngũ.

- Vì: Điều 41 Luật Nghĩa vụ quân sự:

+ Tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với trường hợp: công dân là lao động duy nhất phải trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động.

+ Các trường hợp miễn gọi nhập ngũ, bao gồm:

▪ Con của liệt sĩ, con của thương binh hạng một; một anh hoặc một em trai của liệt sĩ.

▪ Một con của thương binh hạng hai; một con của bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; một con của người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

▪ Người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, Công an nhân dân.

▪ Cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật từ 24 tháng trở lên.

II. Một số nội dung cơ bản nghị định của Chính phủ về thực hiện nghĩa vụ tham gia công an nhân dân

Câu hỏi trang 15 GDQP 11: Mọi công dân trong độ tuổi gọi nhập ngũ đều là đối tượng tuyển chọn thực hiện tham gia nghĩa vụ Công an nhân dân có đúng không? Vì sao?

Lời giải:

- Không đúng. Vì, theo Nghị định số 70/2019/NĐ-CP, đối tượng tuyển chọn thực hiện tham gia nghĩa vụ Công an nhân dân bao gồm:

+ Công dân nam trong độ tuổi gọi nhập ngũ đã đăng kí nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015.

+ Công dân nữ trong độ tuổi gọi nhập ngũ đã đăng kí nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự, có trình độ chuyên môn phù hợp với yêu cầu của Công an nhân dân, nếu tự nguyện và Công an nhân dân có nhu cầu thì được xem xét, tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.

Câu hỏi trang 16 GDQP 11: Để được thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân, mọi công dân phải có bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông trở lên. Theo em, ý kiến đó có đúng không? Vì sao?

Lời giải:

- Ý kiến trên không đúng.

- Vì: để được thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân, công dân tại các xã miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn cần có bằng tốt nghiệp Trung học cơ sở.

Luyện tập

Luyện tập trang 17 GDQP 11: Em hãy đọc thông tin dưới đây, sau đó đưa ra suy nghĩ của mình về Hùng và mẹ của Hùng.

Thông tin. Gia đình Hùng có hai mẹ con, bố Hùng là liệt sĩ. Sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông, Hùng xin phép mẹ viết đơn tình nguyện nhập ngũ với mong muốn được tham gia vào quân đội, không chỉ để tiếp tục ước mơ theo con đường binh nghiệp của bố, mà còn là nghĩa vụ của người công dân, là niềm vinh dự, tự hào của mỗi người thanh niên khi góp một phần công sức của mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Khi Hùng bày tỏ ý muốn tham gia nghĩa vụ quân sự, mặc dù gia đình neo người, hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng mẹ Hùng rất vui và tự hào vì Hùng đã thực sự khôn lớn, trưởng thành. Mẹ động viên Hùng phát huy truyền thống quê hương, gia đình để yên tâm lên đường nhập ngũ, hoàn thành nghĩa vụ thiêng liêng của mình với Tổ quốc.

Lời giải:

- Hùng và mẹ Hùng đã có những suy nghĩ và hành động tích cực, thể hiện tốt trách nhiệm của công dân trong việc thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Vận dụng

Vận dụng 1 trang 17 GDQP 11: Em thấy mình đã đạt được những tiêu chí nào để tham gia nghĩa vụ quân sự (nghĩa vụ Công an nhân dân)? Nếu muốn trở thành người chiến sĩ trong Quân đội nhân dân hoặc Công an nhân dân em phải làm gì?

Lời giải:

- Bản thân em đã đạt được một số tiêu chí để tham gia nghĩa vụ quân sự/ nghĩa vụ công an nhân dân, như:

+ Có lí lịch rõ ràng; nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không có tiền án, tiền sự, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, quản chế, không trong thời gian bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc; có phẩm chất, đạo đức tư cách tốt, được quần chúng nhân dân nơi cư trú hoặc nơi học tập, công tác tín nhiệm.

+ Thể hình cân đối, không dị hình, dị dạng và đáp ứng các tiêu chuẩn sức khoẻ để thực hiện nghĩa vụ quân sự/ nghĩa vụ Công an nhân dân.

- Muốn trở thành người chiến sĩ trong Quân đội nhân dân hoặc Công an nhân dân, em cần:

+ Tích cực học tập, rèn luyện để đáp ứng đủ các tiêu chuẩn tuyển chọn

+ Nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…

Vận dụng 2 trang 17 GDQP 11: Em hãy chuẩn bị nội dung và thuyết trình trước lớp về đối tượng, độ tuổi đăng kí nghĩa vụ quân sự.

Lời giải:

(*) Bài thuyết trình tham khảo

I. Nghĩa vụ quân sự là gì?

- Căn cứ theo khoản 1 Điều 4 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 thì nghĩa vụ quân sự được hiểu là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân.

- Thực hiện nghĩa vụ quân sự bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân.

II. Một số điều cần biết về việc đăng kí nghĩa vụ quân sự

1. Đối tượng đăng ký nghĩa vụ quân sự

- Đối tượng đăng ký nghĩa vụ quân sự theo Điều 12 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 bao gồm:

+ Công dân nam đủ 17 tuổi trở lên;

+ Công dân nữ trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự trong thời bình nếu tự nguyện và quân đội có nhu cầu thì được phục vụ tại ngũ đủ 18 tuổi trở lên.

2. Đối tượng không được đăng ký nghĩa vụ quân sự

- Đối tượng không được đăng ký nghĩa vụ quân sự theo Điều 13 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 quy định như sau:

(1) Công dân thuộc một trong các trường hợp sau đây không được đăng ký nghĩa vụ quân sự:

+ Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành hình phạt tù, cải tạo không giam giữ, quản chế hoặc đã chấp hành xong hình phạt tù nhưng chưa được xóa án tích;

+ Đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) hoặc đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

+ Bị tước quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân.

(2) Khi hết thời hạn áp dụng các biện pháp quy định tại (1) mục này, công dân được đăng ký nghĩa vụ quân sự.

3. Đối tượng miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự

- Theo Điều 14 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 thì đối tượng miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự được quy định như sau:

+ Người khuyết tật;

+ Người mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh tâm thần hoặc bệnh mãn tính theo quy định của pháp luật.

4. Cơ quan đăng ký nghĩa vụ quân sự

- Cơ quan đăng ký nghĩa vụ quân sự theo Điều 15 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 bao gồm:

+ Ban Chỉ huy quân sự cấp xã thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự cho công dân cư trú tại địa phương.

+ Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự cho công dân làm việc, học tập tại cơ quan, tổ chức và tổng hợp báo cáo Ban Chỉ huy quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương nơi cơ quan, tổ chức đặt trụ sở;

- Trường hợp cơ quan, tổ chức không có Ban Chỉ huy quân sự ở cơ sở thì người đứng đầu hoặc người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổ chức cho công dân thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự tại nơi cư trú.

5. Đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu

- Theo Điều 16 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 thì việc đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu được quy định như sau:

+ Tháng một hằng năm, Chủ tịch UBND cấp xã, người đứng đầu hoặc người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức báo cáo Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện danh sách công dân nam đủ 17 tuổi trong năm và công dân nam trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự chưa đăng ký nghĩa vụ quân sự.

+ Tháng tư hằng năm, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện ra lệnh gọi công dân theo quy định để đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu.

+ Công dân đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu phải trực tiếp đăng ký tại cơ quan đăng ký nghĩa vụ quân sự.

6. Trường hợp đưa ra khỏi danh sách đăng ký nghĩa vụ quân sự

- Theo Điều 19 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, công dân được đưa ra khỏi danh sách đăng ký nghĩa vụ quân sự trong trường hợp sau đây:

+ Chết;

+ Hết độ tuổi phục vụ trong ngạch dự bị;

+ Trường hợp quy định tại mục 3 và mục 4.

- Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có xác nhận của cấp có thẩm quyền, Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, cơ quan, tổ chức có công dân quy định phải báo cáo Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện quyết định.

7. Hồ sơ, thủ tục đăng kí nghĩa vụ quân sự lần đầu:

- Hồ sơ:

+ Phiếu tự khai sức khỏe nghĩa vụ quân sự;

+ Bản chụp căn cước công dân hoặc giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy khai sinh.

- Thủ tục:

+ Tháng Tư hằng năm, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp huyện ra lệnh gọi công dân đăng kí nghĩa vụ quân sự lần đầu.

+ Ban Chỉ huy quân sự cấp xã chuyển Lệnh gọi đăng kí nghĩa vụ quân sự đến công dân cư trú tại địa phương trước thời hạn đăng kí nghĩa vụ quân sự 10 ngày.

+ Công dân trực tiếp đăng kí nghĩa vụ quân sự tại Ban Chỉ huy quân sự cấp xã.

+ Ban Chỉ huy quân sự cấp xã hướng dẫn công dân ghi Phiếu tự khai sức khỏe nghĩa vụ quân sự, Sổ danh sách công dân nam đủ 17 tuổi trong năm và Sổ đăng kí công dân sẵn sàng nhập ngũ, chuyển Giấy chứng nhận đăng kí nghĩa vụ quân sự cho công dân.

Xem thêm các bài giảng GDQP 11 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Bài 1: Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Bài 2: Luật nghĩa vụ quân sự và trách nhiệm của học sinh

Bài 3: Phòng chống tệ nạn xã hội ở Việt Nam trong thời kì hội nhập quốc tế

Bài 4: Một số vấn đề về vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường

Bài 5: Kiến thức phổ thông về phòng không nhân dân

Đánh giá

0

0 đánh giá