Tailieumoi.vn xin giới thiệu tới các em học sinh lớp 9 tài liệu đề thi và đáp án môn Ngữ văn (chung) trường THPT Chuyên Lam Sơn tỉnh Thanh Hóa năm 2023. Đề thi gồm 2 phần: Đọc hiểu, Tạo lập văn bản, thời gian làm bài là 120 phút.
Đề thi vào lớp 10 môn Văn (chung) năm 2023 trường THPT Chuyên Lam Sơn
Sở G&ĐT Thanh Hóa Đề chính thức |
KỲ THI VÀO LỚP 10 THPT CHUYÊN LAM SƠN |
PHẦN I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích:
Muốn yêu thương tích cực với thế giới và đời sống này, trước hết ta phải thương yêu chính mình. Nếu mình không yêu thương quý mến chính mình thì làm sao mình có thể yêu thương quý mến người khác được?
[...] Tất cả các tôn giáo đều nâng niu tôn trọng đời sống con người. Trong các tôn giáo thuộc truyền thống Moses (Do thái giáo, Thiên chúa giáo, và Hồi giáo), con người được thượng đế tạo ra theo hình ảnh của ngài. Trong Phật giáo, “được làm người khó như một con rùa chột mắt, cứ mỗi trăm năm mới ngóc đầu lên khỏi mặt biển một lần, và tìm cách chui đầu vào lỗ nhỏ của một khúc gỗ trôi lềnh bềnh trên mặt nước, bị gió Ðông, gió Tây, gió Nam, gió Bắc thổi trôi dạt hết phương này đến phương khác.”
Được làm người là một vinh dự khó có như vậy, được làm chính mình lại là một vinh dự càng hiếm có hơn. Vậy thì sao mình lại chẳng vui mừng về chính mình? Tại sao mình lại chẳng vui mừng về đời sống của mình? Tại sao mình lại chẳng yêu thương chính mình?
Ta không thể yêu thương và quý trọng người khác nếu ta không yêu thương và quý trọng chính mình. Muốn yêu người khác, ta phải yêu ta trước.
(Trích Yêu mình, Trần Đình Hoành, Tư duy tích cực thay đổi cuộc sống, NXB Phụ nữ, 2021, tr.10-11)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1 (0,5 điểm). Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.
Câu 2 (0,5 điểm). Trong đoạn trích, khi bàn về sự nâng niu, tôn trọng đời sống con người, tác giả đã nhắc đến những tôn giáo nào?
Câu 3 (1,0 điểm) Phân tích hiệu quả nghệ thuật của các câu hỏi tu từ trong đoạn văn: Được làm người là một vinh dự khó có như vậy, được làm chính mình lại là một vinh dự càng hiếm có hơn. Vậy thì sao mình lại chẳng vui mừng về chính mình? Tại sao mình lại chẳng vui mừng về đời sống của mình? Tại sao mình lại chẳng yêu thương chính mình?
Câu 4 (1,0 điểm) Em có đồng tình với ý kiến: Được làm chính mình là một vinh dự hiếm có không? Vì sao?
PHẦN II. TẠO LẬP VĂN BẢN (7,0 điểm)
CÂu 1 (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của em về sự cần thiết phải yêu thương chính mình.
Câu 2 (5,0 điểm)
Trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ, nhà thơ Thanh Hải viết:
Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hoà ca
Một nốt trầm xao xuyến.
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc.
Mùa xuân ta xin hát
Câu Nam ai, Nam bình
Nước non ngàn dặm mình
Nước non ngàn dặm tình
Nhịp phách tiền đất Huế...
(Trích Ngữ văn 8, tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam, 2021, tr.56)
Trình bày cảm nhận của em về đoạn thơ trên. Từ đó, nhận xét về lẽ sống của tác giả được thể hiện trong đoạn thơ.
HƯỚNG DẪN LÀM BÀI
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1:
Phương thức biểu đạt: Nghị luận.
Câu 2:
Trong đoạn trích, khi bàn về sự nâng niu, tôn trọng đời sống con người, tác giả đã nhắc đến những tôn giáo sau: Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Phật giáo.
Câu 3:
- Câu hỏi tu từ:
+ Vậy tại sao mình lại chẳng vui mừng về chính mình?
+ Tại sao mình lại chẳng vui mừng về đời sống của mình?
+ Tại sao mình lại chẳng thương chính mình?
- Hiệu quả nghệ thuật của các câu hỏi tu từ trong đoạn văn
+ Nhấn mạnh sự cần thiết của việc sống là phải biết yêu thương chính mình, phải biết trân quý sinh mạng và cố gắng sống là chính mình.
+ Tạo nhịp điệu câu văn.
+ Câu hỏi tu từ giúp tạo ra những khoảng lặng để người đọc cùng suy ngẫm.
Câu 4:
Học sinh tự đưa ra quan điểm của mình, có lý giải.
Gợi ý: Đồng tình
- Sống là chính mình là một vinh dự hiếm có bởi:
+ Trong cuộc sống không phải ai cũng được sống là chính mình, ta phải mang lên mình biết bao mặt nạ để làm hài lòng những người xung quanh.
+ Khi là chính mình con người mới khẳng định được giá trị của bản thân.
+ Sống là chính mình giúp ta thỏa sức tỏa sáng, thể hiện bản thân.
+ Là chính mình khiến cuộc sống thực sự có ý nghĩa hơn.
...
PHẦN II. LÀM VĂN
Câu 1.
a. Nêu vấn đề nghị luận: Sự cần thiết phải yêu thương chính mình.
b. Bàn luận vấn đề:
* Giải thích: Yêu thương chính mình là việc con người hiểu và trân trọng những giá trị của bản thân mình. Từ đó có thái độ nâng niu bản thân.
* Sự cần thiết của việc yêu thương chính bản thân mình:
- Yêu thương chính bản thân là một cách con người nhận ra giá trị bản thân, từ đó nỗ lực, phấn đấu hoàn thiện, nâng cao, phát triển bản thân.
- Yêu thương chính bản thân là một cách trau dồi lòng trắc ẩn bởi chỉ khi bạn biết trân trọng và yêu thương mình thì mới có thể yêu thương đến người khác.
- Yêu thương mình khiến con người sống chủ động hơn, luôn được là chính mình, từ đó cuộc sống trở nên có ý nghĩa hơn.
- Yêu thương bản thân tạo thái độ sống tích cực.
* Bản luận mở rộng:
- Phê phán thái độ sống tiêu cực, có hành vi ngược đãi bản thân.
- Cần phân biệt giữa yêu thương bản thân và nuông chiều, dung túng cho bản thân.
* Liên hệ bản thân.
Học sinh tự lấy dẫn chứng phù hợp.
c. Tổng kết vấn đề.
Câu 2:
1. Mở bài:
- Giới thiệu chung về tác giả Thanh Hải và tác phẩm Mùa xuân nho nhỏ.
- Giới thiệu 3 khổ thơ cần phân tích.
2. Thân bài
2.1 Khát vọng, lí tưởng sống cao đẹp của nhà thơ
- Mùa xuân đất nước đã khơi dậy trong lòng nhà thơ những khát vọng sống cao quý:
“Ta làm con chim hót
Ta làm một nhành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến”
+ Điệp từ “ta làm”, lặp cấu trúc, liệt kê → giúp tác giả bày tỏ ước nguyện được hiến dâng cuộc đời mình cho quê hương, xứ sở.
+ Các hình ảnh “con chim hót” “một cành hoa” “nốt nhạc trầm”: giản dị, tự nhiên mà đẹp, thể hiện ước nguyện khiêm nhường mà đáng quý.
+ Có sự ứng đối với các hình ảnh ở đầu bài thơ → lí tưởng cống hiến cho đời là một lẽ tự nhiên, tất yếu; gợi liên tưởng đến mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng, giữa con người – đất nước.
Tấm lòng thiết tha được hòa nhập, được cống hiến cho cuộc đời, cho đất nước.
Khát vọng sống đẹp được nâng lên thành lí tưởng sống cao cả”
“Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc”
+ “Mùa xuân nho nhỏ”: ẩn dụ cho những gì đẹp nhất, tinh túy nhất của cuộc đời con người để góp phần làm nên mùa xuân của đất nước. Là cách nói khiêm nhường, giản dị, gợi một tâm hồn đẹp, một lối sống đẹp, một nhân cách đẹp “lặng lẽ dâng cho đời”.
+ Điệp từ “dù là” + hình ảnh tương phản “tuổi hai mươi” - “khi tóc bạc” khẳng định sự tồn tại bền vững của những khát vọng và lí tưởng sống ấy. Cả cuộc đời mình ông vẫn muốn chắt chiu những gì tốt đẹp nhất để hiến dâng cho đời.
=> Khổ thơ là lời tổng kết của nhà thơ về cuộc đời mình. Cho đến tận cuối đời ông vẫn khát khao cống hiến cho đất nước.
- Bài thơ khép lại trong giai điệu của khúc ca xuân xứ Huế:
“Mùa xuân ta xin hát
Câu nam ai nam bình
Nước non ngàn dặm mình
Nước non ngàn dặm tình
Nhịp phách tiền đất Huế”
+ Khúc Nam ai buồn thương da diết, khúc Nam bình êm ái, dịu ngọt: gợi con đường nhiều gian khổ, hi sinh mà đất nước đã đi qua; gợi mùa xuân hiện tại với cuộc sống thanh bình, no ấm.
+ Nhịp phách tiền rộn ràng trải khắp nước non ngàn dặm là giai điệu của một cuộc sống mới, sức sống mới.
→ Tình yêu đất nước, yêu cuộc đời đã giúp tâm hồn Thanh Hải bay lên với những khát vọng sống cao đẹp.
* Nhận xét lẽ sống trong đoạn thơ.
- Lẽ sống cống hiến cao đẹp cho đất nước.
- Mỗi cá nhân cần có ý thức, trách nhiệm trong việc cống hiến để xây dựng và bảo vệ đất nước.
3. Kết bài: Nêu cảm nhận sâu sắc của em về 3 khổ thơ.