Giải SGK GDCD 7 Bài 5 (Cánh diều): Giữ chữ tín

10.1 K

Lời giải bài tập Giáo dục công dân lớp 7 Bài 5: Giữ chữ tín sách Cánh diều hay, ngắn gọn sẽ giúp học sinh dễ dàng trả lời câu hỏi GDCD 7 Bài 5 từ đó học tốt môn GDCD 7.

Giải bài tập GDCD lớp 7 Bài 5: Giữ chữ tín

Mở đầu trang 24 GDCD 7: Giữ chữ tín là một phẩm chất cao quý của con người. Niềm tin của mọi người bắt nguồn từ việc biết giữ chữ tín, giữ lời hứa. Giữ chữ tín hướng con người tới những điều tốt đẹp, trở thành chuẩn mực đạo đức trong quan hệ giữa người với người. Em hãy tìm các câu ca dao, tục ngữ nói về chữ tín và chia sẻ cảm nghĩ của em về một trong những câu ca dao, tục ngữ đó. 

Phương pháp giải:

- Liên hệ văn học

- Liên hệ thực tế

- Liên hệ bản thân

Trả lời:

- Những câu ca dao, tục ngữ nói về chữ tín:

+ Chữ tín quý hơn vàng

+ Quân tử nhất ngôn

+ Nói lời phải giữ lấy lời

Đừng như con bướm đậu rồi lại bay

- Suy nghĩ của em về một trong số câu ca dao trên: Vàng là một thứ quý giá, mang giá trị cao mà ai cũng muốn có nhưng chẳng mấy ai có được những việc giữ chữ tín còn quý hơn. Giữ chữ tín là một đức tính vô cùng cần thiết đối với con người, dù đang sống ở thời đại nào thì những người giữ chữ tín luôn được đánh giá cao và sẽ nhận được sự tin tưởng, tín nhiệm của tất cả mọi người.

1. Thế nào là chữ tín?

Câu hỏi trang 25 GDCD 7: Đọc và trả lời câu hỏi

a) Em hãy cho biết vì sao cô bán vé trong câu chuyện đã cho ông của cậu bé vay tiền?

b) Vì sao người ông trong câu chuyện không để hôm sau mới quay lại trả tiền?

c) Từ câu chuyện trên, em hiểu chữ tín là gì?

Phương pháp giải:

Đọc và tìm ý

Trả lời:

a) Cô bán vé cho ông của cậu bé vay tiền vì cô kính trọng và tin tưởng ông.

b) Người ông không để hôm sau trả bởi ông đã hứa sẽ trả lại cô bán vé ngay tối hôm đó.

c) Chữ tín là niềm tin của con người đối với nhau. Giữ chữ tín là giữ niềm tin của người khác đối với mình

2. Biểu hiện của giữ chữ tín và không giữ chữ tín

Câu hỏi trang 26 GDCD 7: Quan sát hình ảnh và trả lời câu hỏi

GDCD 7 Bài 5: Giữ chữ tín | Cánh diều (ảnh 1)a) Em hãy cho biết, hành vi nào trong những hình ảnh trên là biểu hiện giữ chữ tín hoặc không giữ chữ tín? Vì sao?

b) Theo em, hành vi giữ chữ tín khác với hành vi không giữ chữ tín ở những điểm nào?

Phương pháp giải:

- Trực quan

- Trả lời câu hỏi

Trả lời:

a) Những hành vi trong những hình ảnh trên là biểu hiện giữ chữ tín hoặc không giữ chữ tín là:

+ Hình 1: bạn nam trong hình là người biết giữ chữ tín vì bạn nam hẹn 9 giờ sẽ đến nhà bạn nữ và đúng đến 9 giờ dù trời mưa bạn nam vẫn đến đúng giờ.

+ Hình 2: Bố mẹ trong ảnh là người giữ chữ tín vì bố mẹ đã cho cô bé đi xem phim như đúng lời đã hứa với con.

+ Hình 3: Bạn nam trong hình là người không biết giữ chữ tín vì trong lúc kiểm điểm bạn đã hứa rất nhiều nhưng không thực hiện những lời hứa ấy.

+ Hình 4: Người chị trong hình là người không biết giữ chữ tín vì chị đã hứa học xong sẽ dạy em trai vẽ tranh nhưng đến khi học xong chị mải đi chơi mà không dạy vẽ cho em trai.

b) Hành vi giữ chữ tín khác với hành vi không giữ chữ tín là:

Giữ chữ tín

Không giữ chữ tín

Khi hứa một việc gì thì chắc chắn sẽ làm

Khi hứa sẽ làm một việc gì nhưng không thực hiện lời hứa,

Khi được giao việc sẽ hoàn thành trước hoặc đúng hạn.

Khi được giao việc không hoàn thành hoặc hoàn thành trễ hạn.

Khiến người khác tin tưởng

Khiến người khác mất niềm tin, tín nhiệm.

3. Ý nghĩa của việc giữ chữ tín

Câu hỏi trang 26 GDCD 7: Đọc và trả lời câu hỏi

a) Theo em, tại sao mưa như vậy Nam không để lùi lại hôm sau mới đi trả sách?

b) Từ câu chuyện ở trên, em hãy cho biết người giữ chữ tín là người như thế nào?

c) Việc giữ chữ tín có ý nghĩa như thế nào đối với mỗi người?

Phương pháp giải:

Đọc và tìm ý trả lời câu hỏi

Trả lời:

a) Nam không để lùi lại hôm sau mới đi trả sách vì Nam được ông Đạt tin tưởng cho mượn và hẹn 3 ngày hôm sau trả nên đến ngày hẹn Nam đã đem trả sách cho ông Đạt.

b) Người biết giữ chữ tín là người thực hiện được lời mình đã hứa, luôn đúng hẹn, hoàn thành mọi việc được giao, khiến người khác tin tưởng.

c) Giữ chữ tín sẽ giúp cho chúng ta mang đến niềm tin và hi vọng cho mọi người, được mọi người tin tưởng và tôn trọng, góp phần làm cho các mối quan hệ xã hội trở nên tốt đẹp hơn.

Luyện tập (trang 27)

Luyện tập 1 trang 27 GDCD 7: Em đồng ý hay không đồng ý với việc làm nào dưới đây? Vì sao?

A. Giữ lời hứa trong mọi hoàn cảnh.

B. Luôn làm tốt những việc mà mình đã nhận.

C. Chỉ hứa mà không làm.

D. Chỉ giữ đúng lời hứa với thầy cô giáo, còn bạn bè thì không cần.

E. Hoàn thành đúng thời hạn các nhiệm vụ học tập được giao.

Phương pháp giải:

Liên hệ thực tế, Liên hệ bản thân, loại trừ đáp án đúng sai.

Trả lời:

Em đồng ý với việc làm:

A. Bởi vì luôn giữ lời hứa là biểu hiện của việc giữ chữ tín.

B. Bởi vì luôn làm tốt những việc mà mình đã nhận là biểu hiện của giữ chữ tín lấy lòng tin từ mọi người.

E. Bởi vì hoàn thành nhiệm vụ đúng thời hạn là biểu hiện của việc giữ chữ tín.

Em không đồng ý với việc làm:

C. Bởi vì chỉ hứa mà không làm là biểu hiện của không giữ chữ tín nhiều lần như vậy thì mọi người không còn tin mình nữa.

D. Bởi vì giữ chữ tín không phân biệt ngành nghề, lứa tuổi,... Một khi đã hứa thì phải thực hiện cho dù là ai bất kể là thầy cô hay bạn bè.

Luyện tập 2 trang 27 GDCD 7: Bà M mở cửa hàng bán trái cây nhập khẩu. Lúc đầu, bà M bán hàng có xuất xứ rõ ràng. Tuy nhiên, sau nhiều lần có người nói với bà nhập thêm trái cây không rõ xuất xứ cho rẻ, mẫu mã đẹp mà thu lợi nhuận cao, nên bà đã nghe theo.

a) Việc bán trái cây không rõ xuất xứ như lúc đầu của bà M có liên quan như thế đến giữ chữ tín? Vì sao?

b) Hành vi của bà M có thể ảnh hưởng như thế nào đến khách hàng và việc kinh doanh?

Phương pháp giải:

- Liên hệ thực tế.

- Đọc và trả lời câu hỏi

Trả lời:

a) Bà M mở cửa hàng bán trái cây nhập khẩu là trái cây có xuất xứ, tươi ngon. Nên khi bà nhập thêm trái cây không rõ nguồn gốc xuất xứ về bán chính là bà đang lừa gạt người tiêu dùng cho nên hành vi của bà M chính là biểu hiện của không giữ chữ tín.

b) Hành vi của bà M có thể ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến khách hàng, bởi vì sử dụng trái cây không rõ nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe khách hàng từ đó khách hàng không còn tin vào sản phẩm ở cửa hàng của bà M, việc kinh doanh của bà M sẽ trở nên khó khăn và sẽ không có ai tin tưởng bà M cũng n như sản phẩm ở của hàng của bà.

Luyện tập 3 trang 27 GDCD 7: Chỉ vì tối qua mải xem bộ phim hay mà Q không ôn bài. Hôm nay trong giờ kiểm tra, Q loay hoay mãi mới chỉ làm được 1 câu. Nghĩ đến việc bị điểm dưới trung bình thì sẽ rất xấu hổ nên Q bối rối, lo lắng và tính đến chuyện quay cóp. Bàn tay Q đã đưa xuống ngăn bàn định mở sách, nhưng một ý nghĩ chợt lóe lên trong Q: “ Mình làm thế này mà cô giáo phát hiện ra, liệu cô còn tin tưởng mình nữa không?”. Nghĩ đến đó, Q từ bỏ ý định quay cóp và tập trung suy nghĩ để làm nốt bài. Q thấy lòng nhẹ nhõm hơn.

a) Em hãy nhận xét về suy nghĩ và hành động của Q.

b) Từ tình huống trên, em rút ra bài học gì cho bản thân.

Phương pháp giải:

- Liên hệ thực tế

- Liên hệ bản thân

-  Đọc và trả lời câu hỏi

Trả lời:

a)    Q là người giữ chữ tín và kiên định với ý chí của bản thân. Cho dù biết là quay cóp sẽ đạt điểm cao nhưng Q không muốn trở thành người không giữ chữ tín, không muốn mất niềm tin từ cô giáo nên Q đã tự suy nghĩ và làm nốt bài kiểm tra của mình.

b)    Từ tình huống trên, em rút ra bài học không được ham chơi mà quên đi việc học, luôn luôn học bài và ôn bài đầy đủ trước khi tới lớp và trong giờ kiểm tra không được quay cóp bởi vì kết quả đạt được khi quay cóp không phải là kết quả thực sự của mình như vậy là gian dối đánh mất niềm tin từ thầy cô và bố mẹ dành cho mình.

Luyện tập 4 trang 27 GDCD 7: Em hãy kể những việc đã làm của bản thân về việc giữ chữ tín với người thân, thầy cô và bạn bè.

Phương pháp giải:

Liên hệ thực tế, Liên hệ bản thân.

Trả lời:

Bản thân em đã làm những việc giữ chữ tín: Khi thầy cô giao bài tập sẽ hoàn thành đúng hạn, Khi hứa với ai nhất định em sẽ làm, Không gian dối lừa lọc bạn bè, …

Vận dụng (trang 27)

Vận dụng 1 trang 27 GDCD 7: Em hãy viết một bài kể về một trường hợp giữ chữ tín trong cuộc sống và rút ra bài học đối với bản thân.

Phương pháp giải:

Liên hệ thực tế

Trả lời:

Bạn C là bạn hàng xóm của em. Hôm đó em mới mua được 3 cuốn truyện tranh mới và rất háo hức vì em đã đợi 3 cuốn truyện đó từ rất lâu. Khi về đến nhà em gặp C và khoe với C về 3 cuốn truyện. C ngỏ ý muốn mượn 1 cuốn truyện của em và hứa rằng 3 ngày sau sẽ trả lại. Em suy nghĩ một lát và thấy rằng em có thể đọc trước 2 quyển truyện, và 3 ngày sau đọc nốt cuốn còn lại cũng sẽ không ảnh hưởng gì nên đã đồng ý cho C mượn. Tuy nhiên đến ngày thứ 3, em nghe mẹ kể rằng bạn C bị ốm nặng lắm, sốt rất cao. Mặc dù có chút thất vọng nhưng em nghĩ rằng bạn mệt như vậy có lẽ chưa kịp đọc xong truyện, nên em nghĩ để bao giờ bạn đọc xong thì trả sau cũng được. Không ngờ tối hôm đó C đã sang trả em cuốn truyện mặc dù bạn còn rất mệt và chưa kịp đọc xong. Em rất thương bạn và hỏi tại sao không để khỏi ốm rồi sang trả truyện sau cũng được. Nhưng C nói rằng vì đã hứa với em rồi và C cũng biết em rất mong ngóng được đọc cuốn truyện này, nên C đỡ sốt hơn thì liền đem qua trả ngay cho em. Em rất cảm động trước hành động của C. Điều đó khiến em càng trân trọng tình bạn giữa em và C hơn, em tự nhủ rằng phải học tập C, luôn là một người biết giữ chữ tín.

Vận dụng 2 trang 27 GDCD 7: Em hãy lập kế hoạch cho bản thân để rèn luyện lối sống có trách nhiệm và tạo dựng lòng tin ở cha mẹ, thầy cô giáo và bạn bè theo một số gợi ý sau:

- Xác định những việc cần làm ở nhà, ở trường, lớp.

- Lập thời gian biểu theo ngày/ tuần/ tháng

Trả lời:

Những việc cần làm:

- Mỗi ngày dành ra 3 đến 4 tiếng đồng hồ để hoàn thiện mọi bài tập được giao, ôn lại bài cũ và đọc trước bài mới.

- Sau khi học xong bài tập, giúp bố mẹ quét nhà, lau nhà, trông em Dành ra 1 tiếng để cùng làm bài tập Tiếng Anh với bạn vì đã hứa giúp bạn học.

Xem thêm các bài giải SGK Giáo dục công dân lớp 7 Cánh diều hay, chi tiết khác:

Bài 4: Học tập tự giác, tích cực

Bài 6: Quản lí tiền

Bài 7: Ứng phó với tâm lí căng thẳng

Bài 8: Bạo lực học đường

Lý thuyết GDCD 7 Bài 5: Giữ chữ tín

1. Thế nào là chữ tín?

- Chữ tín là niềm tin của con người đối với nhau.

- Giữ chữ tín là giữ niềm tin của người khác đối với mình.

2. Biểu hiện của giữ chữ tín

- Biểu hiện của giữ chữ tín:

+ Thực hiện lời hứa;

+ Nói đi đôi với làm;

+ Đúng hẹn;

+ Hoàn thành nhiệm vụ được giao;

+ Giữ được niềm tin với người khác.

Lý thuyết Bài 5: Giữ chữ tín - Cánh diều (ảnh 1) Lý thuyết Bài 5: Giữ chữ tín - Cánh diều (ảnh 1)

Cần giữ lời hứa

Cần đúng giờ, đúng hẹn.

3. Ý nghĩa của việc giữ chữ tín

- Giữ chữ tín sẽ giúp cho chúng ta mang đến niềm tin và hi vọng cho mọi người, được mọi người tin tưởng và tôn trọng

- Góp phần làm cho các mối quan hệ xã hội trở nên tốt đẹp hơn.

Đánh giá

0

0 đánh giá