Giải SGK Lịch Sử 8 Bài 11 (Cánh diều): Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 - 1918) và cách mạng tháng mười Nga năm 1917

3.4 K

Lời giải bài tập Lịch Sử lớp 8 Bài 11: Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 - 1918) và cách mạng tháng mười Nga năm 1917 sách Cánh diều hay, ngắn gọn sẽ giúp học sinh dễ dàng trả lời câu hỏi Lịch Sử 8 Bài 11 từ đó học tốt môn Lịch Sử lớp 8.

Giải bài tập Lịch sử lớp 8 Bài 11: Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 - 1918) và cách mạng tháng mười Nga năm 1917

Mở đầu trang 48 Bài 11 Lịch Sử 8: Vậy nguyên nhân nào dẫn tới bùng nổ Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 - 1918) và Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917? Chiến tranh thế giới thứ nhất đã để lại những hậu quả nào và tác động gì đối với nhân loại? Cách mạng tháng Mười Nga diễn ra như thế nào và có ý nghĩa lịch sử, tác động ra sao?

Trả lời:

- Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 - 1918):

+ Chiến tranh thế giới thứ nhất có nguyên nhân sâu xa từ sự phát triển không đồng đều của chủ nghĩa tư bản đã làm nảy sinh những mâu thuẫn không thể điều hoà giữa các nước đế quốc, trong đó mâu thuẫn lớn nhất liên quan đến vấn đề thị trường và thuộc địa.

+ Chiến tranh đã diễn ra ác liệt và kéo dài hơn 4 năm, kết thúc với sự thất bại thuộc về phe Liên minh. Hậu quả và tác động của chiến tranh rất nặng nề, bao trùm cả thế giới.

- Cách mạng tháng Mười Nga (năm 1917):

+ Ở Nga, sau Cách mạng tháng Hai (1917), vấn đề hòa bình, tự do, ruộng đất vẫn chưa được giải quyết; chính quyền cách mạng vẫn chưa thuộc về giai cấp vô sản. Trước tình hình đó, V.I. Lênin và Đảng Bôn-sê-vích đã tiếp tục lãnh đạo nhân dân làm cách mạng, lật đổ Chính phủ lâm thời của giai cấp tư sản.

+ Cách mạng xã hội chủ nghĩa năm 1917 ở Nga có quá trình chuẩn bị lâu dài về đường lối và lực lượng cách mạng, gắn liền với vai trò lãnh đạo của Lênin.

+ Thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga (1917) có ý nghĩa vfa tác động to lớn đối với nước Nga và thế giới.

I. Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 - 1918)

Câu hỏi trang 49 Lịch Sử 8: Khai thác thông tin và các hình trong mục 1, nêu nguyên nhân bùng nổ Chiến tranh thế giới thứ nhất.

Khai thác thông tin và các hình trong mục 1, nêu nguyên nhân bùng nổ Chiến tranh thế giới

Trả lời:

- Nguyên nhân sâu xa

+ Sự phát triển không đồng đều của chủ nghĩa tư bản đã làm nảy sinh những mâu thuẫn không thể điều hoà giữa các nước đế quốc, trong đó mâu thuẫn lớn nhất liên quan đến vấn đề thị trường và thuộc địa.

+ Mâu thuẫn giữa các nước đế quốc về vấn đề thị trường và thuộc địa ngày càng gay gắt, dẫn đến sự hình thành hai khối quân sự đối đầu nhau ở châu Âu: phe Liên minh gồm Đức, Áo - Hung, I-ta-li-a (1882) và phe Hiệp ước gồm Anh, Pháp, Nga (1907). Cả hai khối đều ráo riết chuẩn bị chiến tranh để tranh giành thuộc địa.

- Nguyên nhân trực tiếp: ngày 28/6/1914, Thái tử Áo - Hung bị nhóm dân tộc chủ nghĩa Xéc-bi ám sát. Nhân cơ hội này, ngày 28/7/1914, Áo - Hung tuyên chiến với Xéc-bi; Đức tuyên chiến với Nga (1/8/1914),..

=> Chiến tranh bùng nổ và nhanh chóng lan rộng thành chiến tranh thế giới.

Câu hỏi trang 50 Lịch Sử 8: Dựa vào thông tin, bảng 11 và các hình trong mục 2, phân tích hậu quả và tác động của Chiến tranh thế giới thứ nhất đối với lịch sử nhân loại.

Dựa vào thông tin, bảng 11 và các hình trong mục 2, phân tích hậu quả và tác động

Trả lời:

♦ Hậu quả của Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 - 1918):

- Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc với sự thất bại thuộc về phe Liên minh. Chiến tranh đã để lại những hậu quả nặng nề cho nhân loại. Cụ thể là:

+ Lôi cuốn 70 quốc gia (trong đó có 38 nước trực tiếp tham chiến) và hàng triệu dân thường vào vòng khói lửa.

+ Khiến 10 triệu người chết và khoảng 20 triệu người bị thương.

+ Nhiều thành phố, làng mạc, đường sá, nhà máy bị phá huỷ...

+ Thiệt hại về vật chất ước tính khoảng 388 tỉ USD.

♦ Tác động của Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 - 1918): Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc đã dẫn đến những tác động sâu sắc đối với tình hình thế giới. Cụ thể là:

- Bản đồ chính trị thế giới có sự thay đổi với sự tan rã của các đế quốc: Đức, Nga, Áo - Hung và Ốt-tô-man, hàng loạt các quốc gia mới ra đời ở châu Âu;…

- Làm thay đổi so sánh lực lượng giữa các nước tư bản:

+ Mỹ trở thành quốc gia giàu mạnh nhất trong thế giới tư bản.

+ Nhật Bản được nâng cao vị thế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

+ Đức bị mất hết thuộc địa và một phần diện tích lãnh thổ; đồng thời phải gánh chịu những khoản bồi thường chiến phí khổng lồ,…

+ Các nước châu Âu khác (Anh, Pháp,…) bị tàn phá nặng nề, kinh tế kiệt quệ, nhiều nước trở thành con nợ của Mỹ.

- Một trật tự thế giới mới được thiết lập, thường gọi là “hệ thống Vécxai - Oasinhtơn”.

- Sự suy yếu của các nước tư bản (trừ Mĩ) sau Chiến tranh thế giới thứ nhất đã tạo những điều kiện khách quan thuận lợi thúc đẩy sự phát triển của cao trào cách mạng ở các nước tư bản (1918 - 1923) và phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa, phụ thuộc.

- Thành công của cách mạng tháng Mười Nga và việc thành lập nhà nước Xô viết đánh dấu bước chuyển lớn trong cục diện chính trị thế giới.

II. Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917

Câu hỏi trang 51 Lịch Sử 8: Nêu những nét chính về nguyên nhân làm bùng nổ Cách mạng tháng Mười Nga.

Trả lời:

- Sau cách mạng tháng Hai, chế độ quân chủ chuyên chế ở Nga đã bị lật đổ, nhưng những vấn đề về hòa bình, ruộng đất, tự do của nhân dân Nga vẫn không được đáp ứng; chính quyền cách mạng vẫn chưa thuộc về giai cấp vô sản.

- Mặt khác, sau Cách mạng tháng Hai, hai chính quyền đại diện cho lợi ích của các giai cấp khác nhau được thành lập và tồn tại song song ở Nga, đó là: Chính phủ lâm thời của giai cấp tư sản và Xô viết của đại biểu công nhân và binh lính.

=> Vấn đề cấp bách đặt ra cho nước Nga:

+ Chấm dứt tình trạng hai chính quyền song song tồn tại.

+ Đưa đất nước ra khỏi cuộc chiến tranh đế quốc và tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa.

- Trước tình hình đó, V.I. Lênin và Đảng Bôn-sê-vích đã chuẩn bị kế hoạch, tiếp tục lãnh đạo nhân dân làm cách mạng lật đổ Chính phủ lâm thời của giai cấp tư sản.

Giải Lịch sử 8 trang 52

Câu hỏi trang 52 Lịch Sử 8: Nêu những nét chính về diễn biến của Cách mạng tháng Mười Nga. Cho biết vai trò của Lênin đối với cuộc cách mạng.

Lời giải:

- Diễn biến chính của Cách mạng tháng Mười ở Nga năm 1917:

+ Tháng 4/1917, Lênin từ Thụy Sĩ về nước, soạn thảo và trình bày bản Luận cương tháng Tư.

+ Tháng 7/1917, Chính phủ tư sản lâm thời đàn áp nhân dân, truy nã Lênin và những người trong Đảng Bôn-sê-vích.

+ Tháng 8/1917, Lênin và Đảng vô sản lãnh đạo quần chúng nhân dân tiếp tục chuẩn bị tiến hành khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền.

+ Đêm 24/10/1917, quân khởi nghĩa chiếm được Pê-tơ-rô-grát, rồi bao vây Cung điện Mùa Đông.

+ Đêm 25/10/1917, Cung điện mùa Đông bị chiếm, Chính phủ tư sản lâm thời sụp đổ. Chính quyền Xô viết được thành lập do Lênin đứng đầu.

+ Đến tháng 3/1918, Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười đã thắng lợi trên khắp nước Nga rộng lớn.

- Vai trò của Lênin đối với cuộc cách mạng:

+ Lênin là người soạn thảo bản “Luận cương tháng tư”, vạch rõ chủ trương, đường lối, phương pháp đấu tranh để lật đổ chính phủ tư sản lâm thời.

+ Khi tình thế cách mạng chín muồi, Lênin đã quyết định chuyển từ phương pháp đấu tranh “hòa bình” sang “khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền”.

+ Lênin trực tiếp chỉ đạo cách mạng tháng Mười.

=> Những chủ trương, đường lối, phương pháp cách mạng và sự chỉ đạo trực tiếp của Lênin là một trong những nguyên nhân quan trọng đưa đến thành công của cách mạng tháng Mười Nga (1917).

Câu hỏi trang 52 Lịch Sử 8: Nêu ý nghĩa lịch sử và tác động của Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 đối với nước Nga và lịch sử nhân loại.

Lời giải:

♦ Ý nghĩa lịch sử:

- Đối với nước Nga:

+ Cách mạng tháng Mười Nga thắng lợi đã xóa bỏ chính quyền của giai cấp tư sản và địa chủ, lập nên chính quyền Xô viết của nhân dân lao động.

+ Nước Nga bước vào thời kì tự do và xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa.

- Đối với thế giới:

+ Thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, chỉ ra cho họ con đường đấu tranh chống lại chủ nghĩa tư bản để đi tới thắng lợi;

+ Mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới.

♦ Tác động: Cách mạng tháng Mười Nga thắng lợi có tác động sâu sắc đến tiến trình lịch sử nhân loại và cục diện chính trị thế giới: nước Nga Xô viết ra đời đã chặt đứt một khâu yếu nhất của hệ thống đế quốc chủ nghĩa, tạo ra chế độ xã hội chủ nghĩa đối lập với chế độ tư bản chủ nghĩa.

Luyện tập & Vận dụng

Luyện tập 1 trang 52 Lịch Sử 8: Lập bảng thống kê những sự kiện chính của Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 - 1918) và Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917.

Lời giải:

(*) Bảng 1: Những sự kiện chính của Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 - 1918)

Thời gian

Nội dung sự kiện

1914

Chiến tranh bùng nổ, diễn ra chủ yếu ở châu Âu.

1915 - 1916

Hai bên sử dụng các phương tiện chiến tranh và vũ khí mới, gây nên những tổn thất lớn. Cục diện hai bên ở thế giằng co.

1917

- Cách mạng tháng Mười Nga bùng nổ và giành thắng lợi, tác động lớn đến tình hình thế giới.

- Mỹ tham chiến và đứng về phe Hiệp ước.

1918

- Nước Nga rút khỏi chiến tranh.

- Phe Hiệp ước chiếm ưu thế.

- Ngày 11/11, Đức kí văn bản đầu hàng không điều kiện. Chiến tranh kết thúc.

(*) Bảng 2: Những sự kiện chính của Cách mạng tháng Mười Nga (1917)

Thời gian

Nội dung sự kiện

Tháng 4/1917

Lênin soạn thảo và trình bày bản Luận cương tháng Tư.

Tháng 7/1917

Chính phủ tư sản lâm thời đàn áp nhân dân, truy nã Lênin và những người trong Đảng Bôn-sê-vích.

Tháng 8/1917

Lênin và Đảng vô sản lãnh đạo quần chúng nhân dân tiếp tục chuẩn bị tiến hành khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền.

Đêm 24/10/1917

Quân khởi nghĩa đánh chiếm Pê-tơ-rô-grát, rồi bao vây Cung điện Mùa Đông.

Đêm 25/10/1917

Cung điện mùa Đông bị chiếm, Chính phủ tư sản lâm thời sụp đổ. Chính quyền Xô viết được thành lập do Lênin đứng đầu.

Tháng 3/1918

Cách mạng tháng Mười đã thắng lợi trên khắp nước Nga rộng lớn.

 

Luyện tập 2 trang 52 Lịch Sử 8: Vì sao chế độ phong kiến Nga hoàng đã sụp đổ vào tháng 2/1917 nhưng nhân dân Nga vẫn tiếp tục làm cách mạng?

Lời giải:

- Chế độ phong kiến Nga hoàng đã sụp đổ vào tháng 2/1917 nhưng nhân dân Nga vẫn tiếp tục làm cách mạng, vì:

+ Những vấn đề về hòa bình, ruộng đất, tự do của nhân dân Nga vẫn không được đáp ứng; chính quyền cách mạng vẫn chưa thuộc về giai cấp vô sản.

+ Sau Cách mạng tháng Hai, hai chính quyền đại diện cho lợi ích của các giai cấp khác nhau được thành lập và tồn tại song song ở Nga, đó là: Chính phủ lâm thời của giai cấp tư sản và Xô viết của đại biểu công nhân và binh lính.

=> Vấn đề cấp bách đặt ra cho nước Nga lúc này là:

+ Chấm dứt tình trạng hai chính quyền song song tồn tại.

+ Đưa đất nước ra khỏi cuộc chiến tranh đế quốc và tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Vận dụng 3 trang 52 Lịch Sử 8: Sưu tầm tư liệu về cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 - 1918) và Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917. Giới thiệu các tư liệu đó với thầy cô và bạn học.

Lời giải:

(*) Tham khảo 1: Tác động của Cách mạng tháng Mười Nga đối với Cách mạng Việt Nam

- Thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga (1917) và sự ra đời của nước Nga Xô viết đã tác động sâu sắc tới sự lựa chọn con đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc, mở đầu quá trình giải quyết tình trạng khủng hoảng về đường lối và giai cấp lãnh đạo cho cách mạng Việt Nam (Nguyễn Ái Quốc đã từng nhận xét: “trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là thành công và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc, tự do, bình đẳng thật...”)

- Sự bùng nổ, quá trình phát triển và giành thắng lợi của Cách mạng tháng Mười đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm cho cách mạng Việt Nam. Ví dụ như:

Bài học về vai trò lãnh đạo cách mạng: cách mạng muốn thành công cần có sự lãnh đạo của một đảng biết vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước mình (Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã khẳng định: “lực lượng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động là rất to lớn, là vô cùng, vô tận. Nhưng lực lượng ấy cần có Đảng lãnh đạo mới chắc chắn thắng lợi”).

Bài học về lực lượng cách mạng: trong lực lượng toàn dân tộc, chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vai trò động lực cách mạng của công nhân và nông dân. Hồ Chí Minh nhấn mạnh “Cách mệnh Nga dạy chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải lấy công nông làm gốc”.

Bài học về phương pháp cách mạng: sử dụng bạo lực cách mạng và chú trọng đến việc tạo thời cơ và chớp thời cơ cách mạng.

(*) Tham khảo 2: Tác động của Chiến tranh thế giới thứ nhất đến Việt Nam

- Thực dân Pháp tăng cường vơ vét, bót lột nhân dân Việt Nam để phục vụ cho Chiến tranh thế giới thứ nhất.

+ Khi cuộc Chiến tranh thế giới bùng nổ, toàn quyền Đông Dương tuyên bố: “nhiệm vụ chủ yếu của Đông Dương là phải cung cấp cho chính quốc đến mức tối đa nhân lực, vật lực và tài lực”.

+ Trong 4 năm chiến tranh, chính quyền thuộc địa ở Việt Nam đã bắt người dân phải đóng nhiều thứ thuế, mua công trái,… và thu được trên 184 triệu phrăng tiền công trái và 14 triệu phrăng tiền “quyên góp”; ngoài ra, hàng trăm tấn lương thực và nông sản các loại, hàng vạn tấn kim loại cần thiết cho chế tạo vũ khí được đưa sang Pháp.

+ Từ năm 1914 đến năm 1918, có khoảng 42922 binh lính và 49180 công nhân Việt Nam bị đưa sang Pháp và buộc phải tham gia vào Chiến tranh thế giới thứ nhất.

- Sau khi Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, để bù đắp thiệt hại do chiến tranh gây ra, thực dân Pháp đã tiến hành chương trình khai thác thuộc địa lần thứ hai ở Đông Dương (mà chủ yếu là ở Việt Nam), khiến đời sống kinh tế - xã hội của Việt Nam có nhiều chuyển biến sâu sắc.

- Sự suy yếu của Pháp sau Chiến tranh thế giới thứ nhất đã tạo điều kiện khách quan cho sự phát triển của phong trào yêu nước, cách mạng ở Việt Nam.

Xem thêm lời giải bài tập SGK Lịch sử lớp 8 Cánh diều hay, chi tiết khác:

Bài 13: Trung Quốc và Nhật Bản

Bài 14: Ấn Độ và khu vực Đông Nam Á

Lý thuyết Lịch sử 8 Bài 11: Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918) và Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917

I. Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 – 1918)

1. Nguyên nhân

- Sự phát triển không đồng đều của chủ nghĩa tư bản, làm nảy sinh những mâu thuẫn không thể điều hoà giữa các nước đế quốc

- Mâu thuẫn lớn nhất liên quan đến vấn đề thị trường và thuộc địa.

- Sự hình thành hai khối quân sự đối đầu: phe Liên minh gồm Đức, Áo - Hung, I-ta-li-a (1882) và phe Hiệp ước gồm Anh, Pháp, Nga (1907). 

=> “sự kiện Xéc-bi” ngày 28-6-1914 đã trở thành ngòi nổ của chiến tranh.

2. Hậu quả và tác động

- Cuộc chiến tranh đế quốc phi nghĩa đối với cả hai bên tham chiến.

- Kết thúc với sự thất bại thuộc về phe Liên minh. Hậu quả và tác động của chiến tranh rất nặng nề, bao trùm cả thế giới.

- Tổn thất về người, hậu quả to lớn về cơ sở vật chất nhiều thành phố, làng mạc, đường sá, nhà máy,... bị phá huỷ. 

- Sau chiến tranh, các nước châu Âu dù thắng trận hay bại trận đều trở thành “con nợ” của nước Mỹ.

- Mỹ và Nhật Bản đã thu được nhiều nguồn lợi từ chiến tranh. 

- Nước Mỹ không bị chiến tranh tàn phá, nhờ buôn bán vũ khí và cho các nước châu Âu vay nợ đã giàu lên, thu nhập quốc dân tăng gấp đôi. 

- Nhật Bản chiếm lại một số đảo của Đức, nâng cao vị thế ở khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương,..

Lý thuyết Lịch sử 8 Bài 11 (Cánh Diều): Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918) và Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 (ảnh 1)

- Thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga và sự ra đời của nước Nga Xô viết (1917) đã đánh dấu bước chuyển biến lớn trong cục diện chính trị thế giới.

- Sau Hội nghị hoà bình ở Véc-xai (1919 – 1920) và Oa-sinh-tơn (1921 – 1922), một trật tự thế giới mới được xác lập gắn với vai trò của nước Mỹ. 

- Chiến tranh kết thúc nhưng mâu thuẫn giữa các nước đế quốc vẫn không được giải quyết.

II. Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917

1. Nguyên nhân bùng nổ

- Tháng 2-1917 (theo lịch Nga), Đảng Bôn-sê-vích lãnh đạo nhân dân làm cách mạng, lật đổ chế độ phong kiến Nga hoàng. 

- vấn đề hoà bình, tự do và vấn đề ruộng đất vẫn chưa được giải quyết, chính quyền cách mạng vẫn chưa thuộc về giai cấp vô sản.

- Sau Cách mạng tháng Hai nước Nga có hai chính quyền song song tồn tại: Chính phủ tư sản lâm thời và các Xô viết đại biểu công nhân, binh lính. 

=> Trước tình hình đó, VI. Lê-nin và Đảng Bôn-sê-vích đã chuẩn bị kế hoạch, tiếp tục lãnh đạo nhân dân làm cách mạng lật đổ Chính phủ lâm thời của giai cấp tư sản.

2. Diễn biến chính

Lý thuyết Lịch sử 8 Bài 11 (Cánh Diều): Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918) và Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 (ảnh 1)

3. Ý nghĩa lịch sử và tác động

- Xoá bỏ chính quyền của giai cấp tư sản và địa chủ, lập nên chính quyền Xô viết của nhân dân lao động. 

- Nước Nga bước vào thời kì tự do và xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa.

- Cổ vũ mạnh mẽ phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, chỉ ra cho họ con đường đấu tranh chống lại chủ nghĩa tư bản để đi tới thắng lợi

- Mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới.

- Tác động sâu sắc đến tiến trình lịch sử nhân loại và cục diện chính trị thế giới: Nước Nga Xô viết ra đời, đã chặt đứt một khâu yếu nhất của hệ thống đế quốc chủ nghĩa, dẫn tới sự ra đời của chế độ xã hội chủ nghĩa đối lập với chế độ tư bản chủ nghĩa.

Sơ đồ tư duy Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918) và Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917

Lý thuyết Lịch sử 8 Bài 11 (Cánh Diều): Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918) và Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 (ảnh 1)

 
Đánh giá

0

0 đánh giá