TOP 10 bài Giới thiệu ngắn về một cuốn sách (cuốn truyện lịch sử) 2024 SIÊU HAY

69 K

Tailieumoi.vn xin giới thiệu bài văn mẫu Giới thiệu ngắn về một cuốn sách (cuốn truyện lịch sử) Ngữ văn 8 ,Kết nối tri thức gồm 10 bài văn phân tích mẫu hay nhất giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo trong quá trình ôn tập, củng cố kiến thức và chuẩn bị cho bài thi sắp tới. 

Giới thiệu ngắn về một cuốn sách (cuốn truyện lịch sử)

Đề bài: Trình bày bài giới thiệu ngắn về một cuốn sách (cuốn truyện lịch sử)

Giới thiệu ngắn về một cuốn sách (cuốn truyện lịch sử) (mẫu 1)

Được hoàn thiện bằng chữ Hán năm 1914, rồi được chính tác giả chuyển soạn sang chữ quốc ngữ và đăng trên Đông Dương tạp chí năm 1915, VIỆT SỬ YẾU của Hoàng Cao Khải có thể xem là cuốn sách quốc ngữ đầu tiên mở ra lối viết hiện đại về lịch sử Việt Nam. Học tập cách viết sử từ phương Tây, sách tạo nên một bứt phá đáng kể trong cách tiếp cận và biên soạn lịch sử, khác hẳn lối chép sử biên niên truyền thống của các sử gia phong kiến.

Như một cuốn sử yếu, tác phẩm khái quát ngắn gọn nhưng tương đối đầy đủ về toàn bộ lịch sử Việt Nam, từ sự khởi đầu của nhà nước Văn Lang cho đến thời điểm cuốn sách lịch sử Việt Nam này được hoàn thiện năm Duy Tân thứ tám, 1914. 

Thay vì lần lượt ghi chép các sự kiện theo trình tự năm tháng và các đời vua chúa, Hoàng Cao Khải đưa ra cách phân kỳ lịch sử mới, hệ thống hóa và bố cục thành các chương, tiết rành mạch, chặt chẽ, đồng thời có những ý kiến phê bình, nhận xét tinh tế, sắc bén.

Đó là điều mang lại cảm hứng cùng những gợi dẫn vô cùng quan trọng để các công trình sau đó kế thừa, phát huy, trong đó trực tiếp và đáng kể nhất là Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim. Cho đến nay, VIỆT SỬ YẾU vẫn là một công trình mang nhiều điểm độc đáo để chúng ta cùng suy ngẫm và đối thoại.

Bài dự thi viết cảm nhận về quyển sách em yêu (25 mẫu)

Giới thiệu ngắn về một cuốn sách (cuốn truyện lịch sử) (mẫu 2)

Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim xuất bản lần đầu năm 1920, dựa trên những nghiên cứu trước đó như Nam sử tiểu học và Sơ học An Nam sử lược từ những năm 1914 -1917, là bộ thông sử viết bằng chữ quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam được soạn theo phương pháp hiện đại.

Với Việt Nam sử lược, sử học Việt Nam lần đầu tiên có một công trình thoát ly được khỏi lối chép sử biên niên truyền thống của Trung Quốc vốn chỉ nêu lên từng sự kiện riêng lẻ, rời rạc. Việt Nam sử lược trình bày các diễn biến lịch sử thành một câu chuyện liên tục và hấp dẫn, cho người đọc thấy được mối liên lạc nhân quả, biện chứng giữa các sự kiện xảy ra theo dòng thời gian. 

Ngoài ra, khác với lối chép sử của các sử thần thời phong kiến thường chỉ chú ý ghi chép hành vi, hoạt động của vua chúa quan lại, những cuộc tranh bá đồ vương, Việt Nam sử lược trái lại đã bắt đầu chú ý nhiều đến những sự kiện liên quan đời sống thực tế của dân chúng, sinh hoạt của xã hội, phong tục, tín ngưỡng, … Tất cả đều được thể hiện với một thái độ điềm tĩnh, khách quan, và công bằng đúng như một sử gia cần có.

Từ lâu đã được coi là tác phẩm kinh điển của sử học Việt Nam, cũng là cuốn sách lịch sử Việt Nam để đời của học giả Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược hiện vẫn là bộ tín sử ngắn gọn súc tích, dễ nhớ dễ hiểu, sinh động và hấp dẫn nhất từ trước đến nay. Một kiệt tác luôn cần được đọc và đọc lại.

Nghị luận Một quyển sách tốt là một người bạn hiền (6 Mẫu) - Văn 12

Giới thiệu ngắn về một cuốn sách (cuốn truyện lịch sử) (mẫu 3)

Cuốn sách mà em muốn giới thiệu đến các bạn đó là cuốn Lịch sử thế giới qua truyện tranh của tác giả Pascale Bouchié, Catherine Loizeau, Béatrice Veillon. Sách gồm 60 câu chuyện kể về 15.000 năm lịch sử được chia thành từng thời kỳ lớn: Tiền sử, Cổ đại, Trung đại, Phục hưng, Hiện đại, thế kỷ 19, và từ thế kỷ 20 đến nay; gắn với mỗi câu chuyện là những biểu đồ niên đại, các bản đồ, các hình ảnh minh họa cùng nhiều thông tin súc tích và hữu ích giúp bạn đọc dễ dàng khám phá Lịch sử vĩ đại của nhân loại, với các nền văn minh cổ đặc sắc, các sự kiện nổi bật cùng những nhân vật ghi dấu ấn lớn trong thời đại của họ. 

Điều khiến em thích nhất ở cuốn sách là lối kể chuyện hấp dẫn, tranh sinh động, bao quát hết lịch sử thế giới qua mọi thời kì nhưng lại không hề bị sơ sài. Rất phù hợp với lứa tuổi học sinh. 

Giới thiệu ngắn về một cuốn sách (cuốn truyện lịch sử) (mẫu 4)

Tác phẩm “Sử Việt – 12 khúc tráng ca” kể về 12 câu chuyện dựng nước và giữ nước thời phong kiến, được chọn lọc theo tính chất quan trọng và hùng tráng trong dòng chảy lịch sử Việt Nam. 

Cuốn sách là sự kết hợp của những tư liệu lịch sử đã được kiểm chứng, xen kẽ với nhận định và đánh giá của người biên soạn. Tác phẩm kể lại các câu chuyện Sử Việt đầy hấp dẫn bằng một cách tiếp cận hoàn toàn mới, không phải như tiểu thuyết dã sử, nhưng cũng không phải là một tài liệu chuyên khảo khô khan.

Đây là cuốn sách lịch sử Việt Nam dành cho tất cả mọi thế hệ. Bởi chỉ cần là người Việt Nam, thì đều có thể tìm kiếm được trong đây tình yêu với sử nhà bởi tính chất hấp dẫn, bi hùng và những bài học của tiền nhân để lại thông qua những câu chuyện đặc sắc.

Không chỉ đưa người đọc đến với những vị anh hùng như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo… cuốn sách còn đến với những nhân vật quan trọng chưa được đánh giá đúng mực (Khúc Hạo), hay những địa danh bị bụi phủ mờ (thành Bình Lỗ, đầm Thi Nại), càng không chỉ nói sơ qua chiến tích ở Bạch Đằng, mà còn giúp hiểu thêm kĩ thuật đóng cọc trên sông. Bên cạnh giải đáp chuyện bí ẩn Quang Trung hành quân thần tốc, còn lý giải vì sao lãnh thổ dân tộc có diện mạo hình chữ S như ngày hôm nay.

“Sử Việt – 12 khúc tráng ca” hệt như một cuốn phim li kì, với hàng loạt câu hỏi về các nghi án lịch sử, những tranh đoạt hoàng quyền trong các triều đại phong kiến Việt Nam. Cuốn sách lịch sử Việt Nam này như một bản nhạc, khi thì dồn dập, khi thì bi ai, khi thì hùng tráng, khi thì trầm mặc. Những câu chuyện trập trùng xen kẽ như các khúc ca thăng trầm của dân tộc Việt Nam.

TOP 10 bài Giới thiệu ngắn về một cuốn sách (cuốn truyện lịch sử) 2023 SIÊU HAY (ảnh 3)

Giới thiệu ngắn về một cuốn sách (cuốn truyện lịch sử) (mẫu 5)

Kính thưa thầy/cô giáo cùng toàn thể các bạn học sinh.

Khi nhắc đến nhà văn Nguyên Hồng có lẽ chúng ta thường nghĩ đến những tác phẩm như THời thơ ấu, Bỉ Vỏ. Nhưng có lẽ ít người biết đến tác phẩm Núi rừng Yên Thế mới là tâm huyết, là trăn trở lớn nhất của nhà văn.

Nhà văn Nguyên Hồng đã xây dựng bộ tiểu thuyết lịch sử Núi rừng Yên Thế với tư tưởng đây là cuộc chiến tranh nhân dân với đường lối trường kỳ kháng chiến. Tư tưởng này thể hiện ngay từ nhan đề của tác phẩm.

Với tác phẩm này, nhà văn muốn khẳng định cuộc khởi nghĩa Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo là cuộc khởi nghĩa của quần chúng, được chuẩn bị, nung nấu từ trong quần chúng nhân dân. Để hiện thực hóa tư tưởng đó, tác giả đã bắt đầu tác phẩm từ những con người khốn khổ, gồng gánh, chui lủi, dắt díu nhau phiêu dạt khắp nơi. Mỗi con người là một cảnh đời, một số phận nhưng lại gặp nhau ở một điểm: bị truy đuổi, bị dồn ép buộc phải rời bỏ quê hương, buộc phải trốn chạy lên nơi thâm sơn cùng cốc, nơi mà họ hy vọng tính mạng có thể được bảo toàn. Trong trái tim những kẻ khốn khổ tha hương đó đều mang theo mối thù nhà nợ nước nung nấu đòi phải trả…

Vì đấu tranh cho độc lập tự do, cho những điều chính nghĩa nên cuộc khởi nghĩa đã có ảnh hưởng rất sâu rộng. Người tham gia khởi nghĩa thuộc mọi tầng lớp. Không chỉ những trai tráng mà "cả đàn bà, con gái, trẻ em mấy làng bên cũng đổ đến”, người dân "gánh thóc, gánh gạo cho kho lương…”, "có tế cờ thì cứ việc ngả ngay con trâu của nhà tôi…”, "Tây lên Yên Thế thì Yên Thế ta đánh, đánh!”.

Tiếc là những trang viết về Hoàng Hoa Thám khi lên làm chủ tướng cùng với nghĩa quân Yên Thế còn dang dở. Tuy nhiên nó cũng đã được xuất hiện ở những trang cuối của tập I "Việc đánh Tây, ta phải tính thế lâu dài, lấy đoản đánh trường, lấy ít đánh nhiều, lấy hư đánh thực, lấy kỳ bình mà đánh đại quân…”.

Mặc dù Nhà văn Nguyên Hồng đã ra đi khi những trang viết Núi rừng Yên Thế còn bộn bề, ngổn ngang. Nhưng tác phẩm Núi rừng Yên thế vẫn là những trang sử hào hùng về một thời kháng chiến oanh liệt của dân tộc.

TOP 10 bài Giới thiệu ngắn về một cuốn sách (cuốn truyện lịch sử) 2023 SIÊU HAY (ảnh 2)

Giới thiệu ngắn về một cuốn sách (cuốn truyện lịch sử) (mẫu 6)

Kính thưa thầy/cô giáo cùng toàn thể các bạn học sinh.

Sách từ lâu đã là một người bạn thân thiết đối với mỗi học sinh chúng ta. Chắc hẳn ai cũng có một cuốn sách yêu thích của riêng mình và em cũng vậy.

Không gia đình là một tác phẩm thiếu nhi em rất yêu thích và đã đọc đi đọc lại rất nhiều lần. Đây là một tác phẩm của nhà văn người Pháp Hector Malot và đã giành giải thưởng của Viện Hàn Lâm Văn học Pháp.

"Không gia đình" kể chuyện một em bé không cha mẹ, không họ hàng thân thích, đi theo một đoàn xiếc, rồi dẫn đầu đoàn ấy đi lưu lạc khắp nước Pháp, sau đó bị tù ở Anh, cuối cùng tìm thấy mẹ và em. Em bé Rêmi ấy đã lớn lên trong gian khổ. Em đã chung đụng với mọi hạng người, sống khắp mọi nơi, "Nơi thì lừa đảo, nơi thì xót thương". Em đã tự lao động để sống, lúc đầu dưới quyền điều khiển của ông già tốt bụng, cụ Vitali, về sau thì tự lập và không những lo cho mình mà còn bảo đảm việc biểu diễn và sinh sống cho cả một gánh hát rong.

Đã có khi em và cả đoàn lang thang suốt mấy ngày không có chút gì trong bụng. Đã có khi em bị lụt ngầm chôn trong giếng mỏ mười mấy ngày đêm. Đã có khi em mắc oan, bị giải ra trước toà án và bị ở tù. Và cũng có khi em được nuôi nấng đàng hoàng, no ấm. Nhưng dù ở đâu, trong cảnh ngộ nào, em vẫn noi theo nếp rèn dạy của ông già Vitali giữ phẩm chất làm người.
Không gia đình là bức tranh xã hội rộng lớn được phản ánh rất thật thà qua con mắt trẻ, là hành trình phiêu lưu mà ta phải thót tim theo từng bước đi của số phận nhân vật. Rồi ta nhìn qua xã hội của ta, hành trình cuộc đời của ta. Ta chợt thấy miên man trong những lối đi về của chính mình. Và sau cùng ta thấy… ấm áp phía sau, một mái ấm gia đình!

Cuốn tiểu thuyết đã phản ánh cuộc sống lao động của nhân dân và công nhân trong chế độ tư sản. Đồng thời ca ngợi sự lao động bền bỉ, tinh thần tự lập, chịu đựng gian khó, khích lệ tình bạn chân chính và lòng nhân ái, tình yêu cuộc sống, ý chí vươn lên không ngừng. Nó mang đến một bài học quý giá cho mỗi chúng ta về tình yêu thương giữa con người với con người, về tính tự lập, tự bước đi trên đường đời. Quan trọng nhất, để những ai có gia đình phải suy ngẫm, trân trọng may mắn, hạnh phúc mà mình đang có. cuốn sách chứa đựng giá trị của tình thân mà không bao giờ lỗi thời. Một câu chuyện cảm động về tình yêu thương con người trong những hoàn cảnh gian nan nhất. “Không gia đình” có lẽ vì thế đã vượt qua biên giới nước Pháp và để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng độc giả toàn thế giới trong suốt hơn một thế kỉ qua.

TOP 10 bài Giới thiệu ngắn về một cuốn sách (cuốn truyện lịch sử) 2023 SIÊU HAY (ảnh 1)

Giới thiệu ngắn về một cuốn sách (cuốn truyện lịch sử) (mẫu 7)

Đôi nét chung về cuốn sách: “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” viết về vị anh hùng thiếu niên Trần Quốc Toản, được xem là tác phẩm văn học kinh điển dành cho thiếu nhi của tác giả Nguyễn Huy Tưởng. Ông gắn liền với các bộ dã sử lấy cảm hứng từ chính dân tộc như: Vĩnh Biệt Cửu đài trùng, Đêm hội Long Trì, An tư công chúa.

Câu chuyện bắt đầu bằng giấc mơ của Hoài Văn (Trần Quốc Toản), chàng mơ thấy bắt được Sài Thung, một tên sứ nhà Nguyên hống hách. Tại hội nghị Bình Than (10/1282), trong lúc vua và triều thần đang bàn việc nước, Quốc Toản đã bất chấp tội phạm thượng tới gặp nhà vua và nói lên lời tâm huyết “xin đánh”. Nhà vua đã không trừng phạt cậu mà còn ban thưởng một quả cam, làm Quốc Toản càng thêm uất ức và bóp nát quả cam lúc nào không biết. Khi về Võ Ninh dưới lá cờ “PHÁ CƯỜNG ĐỊCH BÁO HOÀNG ÂN” mà Quốc Toản đã tìm tòi suy nghĩ, Quốc Toản đã chiêu mộ được sáu trăm tân binh tinh nhuệ, đi tìm giặc đánh. Lên phía Bắc, đoàn quân Quốc Toản họp với quân người Mán do Nguyễn Thế Lộc chỉ huy, lập ra Ma Lục, gây thanh thế khắp vùng Lạng Sơn. Sau lần đó, Quốc Toản chính thức được nhà vua thừa nhận và giao nhiệm vụ quan trọng trận đánh giặc trên cửa song Hàm Tử với lời thề Sát Thát. Trần Quốc Toản đã chiến đấu anh dũng và chiến thắng vẻ vang. Đi đến đâu cũng lá cờ thêu sáu chữ vàng “PHÁ CƯỜNG ĐỊCH BÁO HOÀNG ÂN’’ căng thổi trong gió hè lộng thổi.

TOP 10 bài Giới thiệu ngắn về một cuốn sách (cuốn truyện lịch sử) 2023 SIÊU HAY (ảnh 1)

Giới thiệu ngắn về một cuốn sách (cuốn truyện lịch sử) (mẫu 8)

Một trong những tác phẩm truyện lịch sử để lại trong em nhiều ấn tượng sâu sắc chính là tác phẩm Đêm hội Long Trì của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.

Tiểu thuyết “Đêm hội Long Trì” được phát hành từ cuối năm 1942, xuất bản thành sách năm 1944.

Đêm hội Long Trì được lấy bối cảnh lịch sử vào thời Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm, trị vì 1767 – 1782. Trịnh Sâm là vị chúa thứ 8 của vương tộc Trịnh cầm quyền ở miền Bắc Đại Việt, ông nổi tiếng là vị chúa tàn bạo nhất lịch sử Việt Nam. Vốn thông minh và quyết đoán trong việc trị vì, nhưng sau năm 1775, Trịnh Sâm càng ngày càng sa vào tửu sắc, ăn chơi sa đọa, chính trị suy bại, cuộc sống nhân dân trở nên cơ cực, lầm than.Tiểu thuyết lịch sử “Đêm hội Long Trì” đã thành công tái hiện một thời điểm lịch sử điển hình cho sự suy thoái và phân rã của triều đại, khi chúa Trịnh Sâm tài giỏi nhưng háo sắc và bị Tuyên Phi Đặng Thị Huệ – người được chúa sủng ái do nhan sắc xinh đẹp lợi dụng và thao túng quyền lực, làm đời sống nhân dân gặp muôn vàn khó khăn.

Đêm hội Long Trì” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng không chỉ mô tả những sự việc trong một đêm hội mà còn mở rộng mạch truyện và mô phỏng hai tuyến nhân vật đối lập, cùng với số phận bi thương của những người dân chốn kinh kì.

Đêm hội Long Trì là một tiểu thuyết lịch sử xuất sắc, phản ánh chân thực xã hội phong kiến rối ren, trụy lạc. Đêm hội Long Trì đã được chuyển thể thành kịch nói, phim, cải lương,… để dễ dàng tiếp cận với khán giả Việt.

Giới thiệu ngắn về một cuốn sách (cuốn truyện lịch sử) (mẫu 9)

Kính chào thầy cô và các bạn. Tôi tên là............học sinh.........trường.........

Với hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước oai hùng của tổ tiên ta từ thuở Âu Cơ, Lạc Long Quân cho đến thời đại Hồ Chí Minh hiện nay, chúng ta tự hào vì được làm con dân đất Việt, trời Nam. Mỗi khi lật từng trang sử của dân tộc chúng ta lại thấy cần có trách nhiệm hơn, bởi đó là nơi để soi rọi tâm hồn ta, kêu gọi ta làm gì đó có ích cho đất nước. Chính vì thế, việc học lịch sử là một phần không thể thiếu đối với học sinh, sinh viên ở bất cứ cấp học, bậc học nào.

Để ghi lại những sự kiện, chiến công và thành tựu to lớn đó, Nhà xuất bản Hồng Đức và tác giả Đặng Việt Thủy đã cho ra đời cuốn sách “Việt Nam - những thời khắc lịch sử, những sự kiện trọng đại” được xuất bản năm 2018. Trên trang bìa của cuốn sách là hình ảnh của Bác Hồ người anh hùng dân tộc Việt Nam và ngôi sao năm cánh tượng trưng cho linh hồn dân tộc và các tầng lớp nhân dân cùng đoàn kết trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam ta. Hãy cùng trao đổi với tôi để hiểu rõ hơn về cuốn sách ý nghĩa này nhé.

Lật từng trang sách đầu tiên, bạn đọc sẽ thấy được khí thế sôi sục của dân tộc ta qua những quyết định lịch sử trọng đại trong Cách mạng tháng Tám 1945. Đây có lẽ là một sự kiện lịch sử vô cùng trọng đại có ý nghĩa quyết định với vận mệnh của dân tộc ta. Hội nghị toàn quốc Ban chấp hành Trung ương của Đảng cộng sản Đông Dương tiến hành và ra quyết định phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Nội dung văn kiện hạ lệnh Tổng khởi nghĩa đã ra đời vào đúng 23 giờ ngày 13 tháng 8 năm 1945 do Ủy ban Khởi nghĩa ban bố.

Càng đọc càng thấy được sự quyết tâm và ý chí kiên cường chiến đấu để giành lại độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam qua các sự kiện lịch sử như: Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chuyện về vua Bảo Đại thoái vị, Quốc khánh 2-9-1945 được bảo vệ ra sao; Tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” và Lời kêu gọi của Bác Hồ; Hà Nội - mùa đông năm 1946; ngày ấy trẻ già, gái trai đều một lòng đánh giặc; Vì sao Điện Biên Phủ được cả quân ta và quân Pháp chọn làm điểm quyết chiến chiến lược.

Chiến dịch “Điện Biên Phủ mốc vàng thời đại” cho thấy chiến thắng đã đập tan âm mưu quân sự cuối cùng của Pháp, buộc Pháp phải kí hiệp định Giơ-ne-vơ về kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Đúng như nhà thơ Tố Hữu nói:

Chín năm là một Điện Biên

Nên nhành hoa đỏ nên thiên sử vàng

Cho đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 - Trải qua ba chiến dịch Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng, đặc biệt chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc 21 năm trường kì chống Mỹ; mở ra kỉ nguyên độc lập tự do, thống nhất cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. “Năm tháng sẽ trôi qua nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của Chủ nghĩa anh hùng Cách mạng và trí tuệ con người”.

Cuốn sách thực sự là một tài liệu để bạn đọc tham khảo và tìm hiểu thêm về các sự kiện lịch sử diễn ra qua từng giai đoạn từ năm 1945 đến nay. Sách được biên soạn công phu, khoa học, ngắn gọn, súc tích theo trình tự thời gian dễ theo dõi, dễ nhớ, giúp bạn đọc thêm yêu lịch sử Việt Nam và trân trọng những giá trị về độc lập tự do mà ông cha ta và các anh hùng đã hi sinh mang lại. Mời bạn đọc đón đọc. 

Giới thiệu ngắn về một cuốn sách (cuốn truyện lịch sử) (mẫu 10)

Hồ Chí Minh - Người là niềm tin, niềm hy vọng, niềm kiêu hãnh của dân tộc Việt Nam; Người là tấm gương ngời sáng cho bao thế hệ phấn đấu rèn luyện và tu dưỡng phẩm chất đạo đức, Người vẫn sống mãi trong triệu triệu trái tim người dân Việt Nam hôm nay và mai sau...

Suốt cả cuộc đời, người sống giữa lòng nhân dân, tất cả vì hạnh phúc của nhân dân, một cuộc đời đã trở thành huyền thoại. Và hôm nay, dù đã đi xa, hình ảnh Người vẫn mãi mãi tồn tại vĩnh hằng trong triệu triệu trái tim của người dân đất Việt.

Tính vui vẻ, hài hước, thích bông đùa là một nét tính cách giản dị còn hiện rõ mồn một trong trí óc của những người được vinh dự sống gần Người lúc bấy giờ. Đọc hồi kí những người từng hoạt động, công tác bên Bác, ta có thể gặp được hàng trăm mẩu chuyện nói lên điều đó của vị lãnh tụ kính yêu, vị cha già của dân tộc Việt Nam.

Tập sách mà em muốn trân trọng giới thiệu với các bạn ngày hôm nay đó chính là: “108 mẩu chuyện vui đời thường của Bác Hồ” của tác giả Trần Đương biên soạn, do nhà xuất bản Thông Tấn ấn hành năm 2008 với 120 trang viết nhỏ gọn khổ 13x 20.5cm.

Bìa sách được sử dụng loại bìa mềm, trang trì rất hài hòa. Cuốn sách này được tuyển chọn và nằm trong tủ sách danh nhân Hồ Chí Minh. Dưới nhan đề tên sách là bức ảnh mô tả khung cảnh Bác Hồ đang nghỉ giải lao và ngồi nói chuyện với các anh em chiến sỹ. Sự phối màu trong bức ảnh và màu nền của bìa sách rất giản dị mà cũng rất đời thường khiến người đọc cầm cuốn sách trên tay cảm thấy rất gần gũi và ấm áp.

Cuốn sách là tập hợp 108 chuyện vui đời thường của Bác Hồ, những câu chuyện vui được xuất hiện trong những lần giải lao, những chuyến đi thực tế, những bài nói chuyện... với quần chúng, hay những trò chơi mà Bác tham dự. Những câu chuyện đó thường là sự hóm hỉnh, hài hước để vui đùa; đôi khi cũng là để nhắc nhở, để châm biếm, để giáo dục quần chúng, cán bộ đảng viên.

108 chuyện vui đời thường của Bác Hồ phần nào đã khái quát được một con người lãnh tụ nhưng cũng rất quần chúng, gần gũi và nó xoá đi mọi khoảng cách giữa lãnh tụ với quần chúng. Hơn thế nữa nó phá đi cái bức bách, cái trịnh trọng không cần thiết, tạo rakhông khí giao hoà giữa lãnh tụ và quần chúng nhân dân.

Đọc tác phẩm của Bác Hồ, nghe kể chuyện về Bác Hồ, trong đó có những mẩu chuyện vui trong đời thường của Người, chúng ta có cảm tưởng: Người mãi mãi hiện diện trong cuộc sống của thế hệ chúng ta và các thế hệ mai sau

Đến với 108 chuyện vui đời thường của Bác Hồ chúng ta càng thêm hiểu biết về cuộc đời làm cách mạng gian khổ nhưng rất lạc quan của Người. Cuộc sống của Bác Hồ bao giờ cũng giản dị vui tươi. Bác làm từ việc lớn, như lãnh đạo cách mạng, đến việc bình thường nhất, như xây bột, giã gạo, vác gỗ... Mỗi khi Người xuất hiện ở đâu là ở đó rộn lên niềm vui và tiếng cười hồ hởi không dứt. 108 chuyện vui được sưu tầm trong quyển sách là những ứng xử đời thường của Người, qua đây ta thấy sự hóm hỉnh, tính hài hước ấy được thể hiện càng đa dạng, phong phú, để đùa vui, để nhắc nhở, để châm biếm, giáo dục và nhất là để phá đi cái trịnh trọng, cách bức không cần thiết giữa lãnh tụ với quần chúng.

Có thể nói, tiếng cười là hiện thân của sức sống, lòng yêu đời, trí thông minh, coi thường những thử thách gian nan của cuộc đời. Tiếng cười cũng là sự uốn nắn nhẹ nhàng đối với mọi cái gì còn tầm thường, thô kệch. Truyền thống lạc quan của dân tộc ta đã thấm sâu vào máu thịt, tâm hồn Hồ Chí Minh và được Người thể hiện ra một cách tự nhiên trong cuộc sống và trong ứng xử.

Đọc 108 chuyện vui đời thường của Bác Hồ các bạn sẽ thấy được tâm hồn lạc quan trong một nhân cách lớn của vị lãnh tụ kính yêu. Đằng sau những câu chuyện vui ấy còn là những bài học thâm thúy đầy ý nghĩa dành cho mọi người cùng suy ngẫm. Mong rằng đọc xong cuốn sách các bạn sẽ ngày càng yêu mến và kính trọng Bác nhiều hơn, để làm được điều đó chúng tahãy cố gắng học tập thật tốt, nghe lời thầy cô, bố mẹ, thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy mãi xứng đáng là cháu ngoan của Bác Hồ.

Đánh giá

5

2 đánh giá

2
Xuan Huy Mai

Xuan Huy Mai

2024-01-23 15:17:14
bài văn mẫu quá hay cho 5 sao