Đề thi thử Ngữ văn trường THPT Nghèn (Hà Tĩnh) 2023 có đáp án

Tailieumoi.vn xin giới thiệu đến quý thầy, cô giáo và các em học sinh lớp 12 đề thi thử tốt nghiệp THPT năm học 2022 – 2023 môn Văn trường THPT Nghèn.

Chỉ từ 100k mua trọn bộ Bộ đề thi thử môn Ngữ văn từ các Trường/Sở (THPT Quốc gia) có lời giải chi tiết (chỉ 10k cho 1 đề thi lẻ bất kì):

B1: Gửi phí vào tài khoản 0711000255837 - NGUYEN THANH TUYEN - Ngân hàng Vietcombank

B2: Nhắn tin tới zalo Vietjack Official - nhấn vào đây để thông báo và nhận giáo án.

Xem thử tài liệu tại đây: Link tài liệu

Đề thi thử THPT Quốc gia 2023 môn Ngữ văn trường THPT Nghèn

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích:

Nào hát lên cho mấy nước biết
Rằng chúng ta là những con người
Yêu em thủy chung hơn muối mặn
Dù thư tình chưa biết gửi cho ai...

Nào hát lên cho đêm tối biết
Rằng tình yêu sáng trong ngực ta đây
Ta đứng vững trên đảo xa sóng gió
Tổ quốc Việt Nam bắt đầu ở nơi này

(Trích Lính đảo hát tình ca trên đảo, Trần Đăng Khoa, 

Tuyển thơ, NXB Văn học, Hà Nội, 2016)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Xác định thể thơ của đoạn trích.

Câu 2. Anh/Chị hiểu nội dung các dòng thơ sau như thế nào?

Ta đứng vững giữa muôn trùng sóng gió

Tổ quốc Việt Nam bắt đầu từ nơi này…

Câu 3. Nêu tác dụng của phép điệp được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 4.

Nhận xét về tình cảm của tác giả với người lính đảo được thể hiện trong đoạn trích.

II. LÀM VĂN (7.0 điểm) 

Câu 1 (2.0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Câu 2 (5,0 điểm)

Trong tùy bút Người lái đò Sông Đà, nhà văn Nguyễn Tuân viết:

Cưỡi lên thác Sông Đà, phải cưỡi đến cùng như là cưỡi hổ. Dòng thác hùm beo đang hồng hộc tế mạnh trên sông đá. Nắm chặt lấy được cái bờm sóng đúng luồng rồi, ông đò ghì cương lái, bám chắc lấy luồng nước đúng mà phóng nhanh vào cửa sinh, mà lái miết một đường chéo về phía cửa đá ấy. Bốn năm bọn thủy quân cửa ải nước bên bờ trái liền xô ra định níu thuyền lôi vào tập đoàn cửa tử. Ông đò vẫn nhớ mặt bọn này, đứa thì ông tránh mà rảo bơi chèo lên, đứa thì ông đè sấn lên mà chặt đôi ra để mở đường tiến. Những luồng tử đã bỏ hết lại sau thuyền. Chỉ còn tiếng reo hò của sóng thác luồng sinh. Chúng vẫn không ngớt khiêu khích. Mặc dầu cái thằng đá tướng đứng chiến ở cửa vào đã tiu nghỉu cái mặt xanh lè thất vọng thua cái thuyền đã đánh trúng vào cửa sinh nó trấn lấy. Còn một trùng vây thứ ba nữa. Ít cửa hơn, bên phải bên trái đều là luồng chết cả. Cái luồng sống ở chặng ba này lại ở ngay giữa bọn đá hậu vệ của con thác. Cứ phóng thẳng thuyền, chọc thủng cửa giữa đó. Thuyền vút qua cổng đá cánh mở cánh khép. Vút, vút, cửa ngoài, cửa trong, lại cửa trong cùng, thuyền như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước, vừa xuyên vừa tự động lái được lượn được. Thế là hết thác.

(Ngữ văn 12, Tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2020, tr 189-190)

Anh/Chị hãy phân tích đoạn trích trên; từ đó nhận xét về nét tài hoa, uyên bác trong tùy bút của Nguyễn Tuân.

HẾT

ĐÁP ÁN ĐỀ THI THỬ MÔN VĂN 2023 THPT NGHÈN

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1. Thể thơ: tự do

Câu 2. Nội dung các dòng thơ:

Ta đứng vững giữa muôn trùng sóng gió

Tổ quốc Việt Nam bắt đầu từ nơi này…

- Khẳng định ý chí kiên cường, tư thế hiên ngang, vững chãi của người lính  trước muôn trùng “sóng gió” ;

- Thể hiện tinh thần trách nhiệm, lòng yêu nước của người lính;

- Tác giả ca ngợi, tự hào về vẻ đẹp của người lính.

Câu 3. Tác dụng của phép điệp được sử dụng trong đoạn trích:

- Điệp cấu trúc:

+  Nào hát lên cho mây nước biết

Rằng chúng ta là những con người

+ Nào hát lên cho đêm tối biết

Rằng tình yêu sáng trong ngực ta đây

- Hiệu quả:

+ Làm nổi bật khát vọng tình yêu của những người lính đảo;

+ Tạo nhịp điệu sôi nổi, khỏe khoắn; âm hưởng dồn dập cho bản tình ca;

Câu 4. Nhận xét về tình cảm của tác giả với người lính đảo  được thể hiện trong đoạn trích.

- Tình cảm của tác giả: Thấu hiểu với những khó khăn, thử thách mà người lính đảo phải đối mặt; Ca ngợi vẻ đẹp ý chí, vẻ đẹp tâm hồn của người lính đảo: không ngại khó khăn, gian khổ; tràn đầy tinh thần, trách nhiệm với đất nước; trẻ trung, yêu đời…

- Nhận xét về tình cảm của tác giả: Có thể theo hướng: Những tình cảm của tác giả chân thành, sâu sắc.

II. LÀM VĂN

Câu 1. Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam.

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

HS có thể trình bày đoạn văn theo một cách hoặc kết hợp các cách: diễn dịch, quy nạp, móc xích, song hành hoặc tổng - phân - hợp; bảo đảm yêu cầu về cấu trúc đoạn văn.

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam.

c. Triển khai vấn đề nghị luận

Học sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách để làm rõ trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam. Có thể theo hướng sau:

Thế hệ trẻ cần nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo; cần phải có hành động cụ thể, phù hợp để bảo vệ chủ quyền biển đảo; có tình yêu và thực hiện sứ mệnh của thế hệ mình trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng, phát triển đất nước.

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc, có ý tưởng riêng phù hợp với vấn đề nghị luận; có cách lập luận, diễn đạt mới mẻ.

Câu 2. Phân tích đoạn trích trong “Người lái đò Sông Đà”; từ đó nhận xét về nét tài hoa, uyên bác trong tùy bút của Nguyễn Tuân.

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận

Mở bài giới thiệu khái quát vấn đề nghị luận, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khẳng định được vấn đề nghị luận.

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Nội dung và nghệ thuật của đoạn trích; qua đó thấy được nét tài hoa, uyên bác trong tùy bút của Nguyễn Tuân.

c. Triển khai vấn đề nghị luận

Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, cần vận dụng kết hợp các thao tác lập luận, phối hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng, đảm bảo các yêu cầu sau:

* Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Tuân, tùy bút “Người lái đò Sông Đà” và vấn đề nghị luận.

Xem thêm: Mở và kết bài tác phẩm Người lái đò sông Đà hay nhất

* Phân tích đoạn trích:

- Nội dung:

+ Sông Đà dữ dội, hung bạo: Dòng thác hùm beo đang hồng hộc tế mạnh trên sông đá; bọn thủy quân cửa ải nước xô ra định níu thuyền lôi vào tập đoàn cửa tử; sóng thác không ngớt khiêu khích; trận địa của thác, của đá dàn bày… tất cả toát lên vẻ đẹp hùng vĩ của sông Đà.

+ Người lái đò bình tĩnh quyết tâm đối diện với sóng thác (cưỡi lên thác Sông Đà, phải cưỡi đến cùng như là cưỡi hổ); dũng cảm vượt qua các cửa ải; tay lái tài hoa (Nắm chặt lấy được cái bờm sóng đúng luồng rồi, ông đò ghì cương lái, bám chắc lấy luồng nước đúng mà phóng nhanh vào cửa sinh, mà lái miết một đường chéo về phía cửa đá ấy, nhớ mặt bọn thủy quân, đứa thì ông tránh mà rảo bơi chèo lên, đứa thì ông đè sấn lên mà chặt đôi ra để mở đường tiến. Ở trùng vây thứ ba, cứ phóng thẳng thuyền, chọc thủng cửa giữa - nơi có luồng sống, Thuyền vút qua cổng đá cánh mở cánh khép,  qua cửa ngoài, cửa trong, lại cửa trong cùng, thuyền như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước, vừa xuyên vừa tự động lái được lượn được)

- Nghệ thuật:

+ Cách miêu tả hình tượng sống động; nghệ thuật so sánh, nhân hóa tạo những liên tưởng độc đáo, thú vị.

+ Ngôn ngữ linh hoạt, sáng tạo;

- Đánh giá chung:

+ Đoạn văn ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên Tây Bắc, ca ngợi vẻ đẹp tài hoa của người lao động.

+ Đoạn văn tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân.

* Nét tài hoa, uyên bác trong tùy bút Nguyễn Tuân:

- Khám phá con người, sự vật trên phương diện thẩm mĩ;

- Vận dụng nhuần nhuyễn vốn tri thức phong phú, sâu rộng trong việc xây dựng hình tượng nghệ thuật;  Vốn từ ngữ phong phú, cách dùng từ, đặt câu mới lạ; sử dụng nhiều liên tưởng, so sánh bất ngờ.

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc, có ý tưởng riêng phù hợp với vấn đề nghị luận; có cách lập luận, diễn đạt mới mẻ.

Đánh giá

0

0 đánh giá