Lời giải Tiếng Việt lớp 3 trang 36, 37, 38, 39 Bài 4: Hoa cỏ sân trường sách Chân trời sáng tạo gồm đầy đủ các phần Đọc, Nói và nghe, Viết sáng tạo giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Tiếng Việt lớp 3 Tập 1. Mời các bạn theo dõi:
Tiếng Việt lớp 3 Tập 1 trang 36, 37, 38, 39 Bài 4: Hoa cỏ sân trường
Đọc: Hoa cỏ sân trường trang 36, 37
Khởi động
Tiếng Việt lớp 3 trang 36 Câu hỏi: Nói về những hình ảnh và âm thanh quen thuộc ở trường.
Phương pháp giải:
Em hãy nhớ lại những hình ảnh và âm thanh quen thuộc ở và nói với bạn theo gợi ý sau:
- Mỗi lần đến trường, em thường được thấy hình ảnh quen thuộc và nghe âm thanh quen thuộc nào?
- Hãy tả lại hình ảnh, âm thanh ấy và nêu cảm nghĩ của mình.
Trả lời:
Bài tham khảo 1:
Hình ảnh quen thuộc tớ nhìn thấy mỗi ngày đến trường đó là chiếc trống trường. Chiếc trống trường nằm sừng sững giữa hai dãy lớp học. Mỗi giờ chơi, vào lớp tớ lại được nghe tiếng trống giục giã báo hiệu: “Tùng!Tùng!Tùng!”. Mỗi ngày nghe tiếng trống, tớ lại thấy vừa quen thuộc mà lại vừa thân thương.
Bài tham khảo 2:
Mỗi lần đến trường, hình ảnh đầu tiên tớ nhìn thấy đó là cây phượng vĩ. Cây phượng nằm giữa sân trường với tán lá cao và xanh ngắt. Mùa hè hoa phượng nở đỏ rực cả một góc sân trường. Chúng tớ thường hay ngồi đọc sách và chuyện trò dưới bóng mát của cây phượng.
Khám phá và luyện tập
1. Đọc và trả lời câu hỏi:
Hoa cỏ sân trường
Sân trường tôi chạy dài giữa hai dãy lớp học. Trên đó, bước chân của thầy cô xen giữa những bước tinh nghịch của các bạn nhỏ. Sát hàng rào là một thế giới của những cây đuôi lươn dáng mềm, lá dài như những dải lụa. Cạnh đấy, những bụi cỏ may nở những cánh hoa li ti. Hàng xóm của hoa là những bụi cỏ đã kết từng hạt nhỏ như hạt bụi.
Hoa và cỏ đứng bên nhau hiền lành nhìn các bạn nhỏ chạy nhảy, nô đùa. Thỉnh thoảng, đám hoa cỏ cũng rung nhè nhẹ khi một cơn gió tràn qua. Rồi cơn gió lớn hơn, đám cỏ nghiêng ngả xô vào nhau. Những hạt giống nhỏ theo gió bay đi. Gió qua rồi, đám cỏ quay trở lại trật tự hiền lành. Nhìn sâu dưới chân có thấy được cả những mầm non nhỏ như những chú kiến đang ngơ ngác trước những bước chân học trò tung tăng đùa giỡn.
Võ Diệu Thanh
(:)
• Cây đuôi lươn: cây cảnh, lá có nhiều màu, hình thon dài.
• Cỏ may: loại cỏ thấp, quả nhỏ và nhọn, hay bám vào quần áo.
Tiếng Việt lớp 3 trang 37 Câu 1: Sân trường của bạn nhỏ có gì đặc biệt?
Phương pháp giải:
Em đọc những câu văn đầu tiên để tìm điều đặc biệt ở sân trường bạn nhỏ.
Trả lời:
Sân trường bạn nhỏ chạy dài giữa hai dãy lớp học. Trên đó, bước chân của thầy cô xen giữa những bước tinh nghịch của các bạn nhỏ.
Tiếng Việt lớp 3 trang 37 Câu 2: Tìm từ ngữ nói về hình dáng của hoa, cỏ trồng ở sát hàng rào.
Phương pháp giải:
Em đọc kĩ đoạn văn đầu tiên từ Sát hàng rào đến hạt bụi để tìm các từ ngữ tả hình dáng của hoa, cỏ.
Trả lời:
Những từ ngữ nói về hình dáng của hoa, cỏ trồng ở sát hàng rào là: dáng mềm, dài, li ti, nhỏ.
Tiếng Việt lớp 3 trang 37 Câu 3: Hoa và đám cỏ thế nào khi:
a. Nhìn đám học trò đùa giỡn.
b. Có một cơn gió lớn tràn qua.
c. Cơn gió đã thổi qua rồi.
Phương pháp giải:
Em đọc kĩ đoạn văn thứ hai để biết đám cỏ thế nào.
Trả lời:
a. Nhìn đám học trò đùa giỡn: Hoa và cỏ đứng bên nhau hiền lành nhìn các bạn nhỏ chạy nhảy, nô đùa.
b. Có một cơn gió lớn tràn qua: Rồi cơn gió lớn hơn, đám cỏ nghiêng ngả xô vào nhau. Những hạt giống nhỏ theo gió bay đi.
c. Cơn gió đã thổi qua rồi: Gió qua rồi, đám cỏ quay trở lại trật tự hiền lành.
Tiếng Việt lớp 3 trang 37 Câu 4: Em thích điều gì ở sân trường của bạn nhỏ? Vì sao?
Phương pháp giải:
Em suy nghĩ xem và trả lời theo ý kiến riêng của mình.
Trả lời:
Em thích nhất ở sân trường bạn nhỏ là những bụi hoa và cỏ. Hoa và cỏ ở sân trường bạn nhỏ có đủ các loại khác nhau tập hợp lại trông thật hấp dẫn. Hoa cỏ không chỉ làm cho sân trường thêm đẹp hơn mà còn làm các bạn nhỏ trông càng thêm vui vẻ và đáng yêu hơn.
2. Tìm từ ngữ chỉ hình dáng, màu sắc, hương thơm của 1 – 2 loài cây.
Phương pháp giải:
Em hãy tìm 1 -2 loài cây và tìm các từ ngữ chỉ hình dáng, màu sắc, hương thơm.
Trả lời:
Cây bàng: cao, to, tán lá rộng, màu xanh ngắt, hương thơm dịu ngọt.
Cây phượng: cao, lá nhỏ li ti, màu đỏ chói, thơm nhẹ.
3. Nói 2 - 3 câu nêu cảm xúc của em về một loài cây.
Phương pháp giải:
Chọn một loài cây mà em thích nhất và nêu cảm xúc của em về loài cây đó: yêu mến, vui vẻ, thích thú,…
Trả lời:
Bài tham khảo 1:
Em thích nhất là cây bàng. Tán cây rộng, xòe bóng mát cho chúng em ngồi đọc sách, chuyện trò mỗi giờ ra chơi. Chúng em đều yêu mến cây bàng và tưới nước cho cây mỗi ngày.
Bài tham khảo 2:
Cây phượng là cây để lại trong em nhiều cảm xúc nhất. Cây phượng cao và đứng sừng sững giữa sân trường. Hoa phượng nở đỏ rực vào mùa hè khiến chúng em cảm thấy háo hức và rộn ràng cho một mùa hè đầy lí thú.
Nói và nghe: Cậu học sinh mới trang 38
Tiếng Việt lớp 3 trang 38 Câu 1: Sắp xếp các bức tranh theo đúng trình tự sự việc trong truyện.
Cậu học sinh mới
Theo Đức Hoài, Tiếng Việt 3, 1980
Phương pháp giải:
Em hãy nhớ lại câu chuyện “Cậu học sinh mới” đã học ở bài 1 tuần 3 và sắp xếp các bức tranh theo đúng trình tự sự việc trong truyện
Trả lời:
Bức tranh 3 > Bức tranh 4 > Bức tranh 2 > Bức tranh 1
Tiếng Việt lớp 3 trang 38 Câu 2: Kể từng đoạn của câu chuyện theo tranh.
Phương pháp giải:
Em hãy dựa vào nội dung các bức tranh trên để kể lại câu chuyện.
Trả lời:
- Đoạn 1 - Tranh 3:
Gia đình ông Giô-dép chuyển về Ác-boa để Lu-i có thể tiếp tục đi học. Ác-boa không có lâu đài đồ sộ, nguy nga, chỉ thấy những ngôi nhà nhỏ bé, cổ kính và những vườn nho con con. Dòng sông Quy-dăng-xơ hiền hoà lượn quanh thành phố, với những chiếc cầu trắng phau.
- Đoạn 2 - Tranh 4:
Ông Giô-dép dắt con trai đến gặp thầy giáo để xin học. Thầy Rơ-nê đã già, mái tóc ngả màu xám. Thầy hỏi:
- Con tên là gì?
- Thưa thầy, con là Lu-i Pa-xtơ ạ! - Cậu bé lễ phép.
- Đã muốn đi học chưa hay còn thích chơi?
- Thưa thầy, con thích đi học ạ!
Thầy giáo gật gù:
- Thế thì được!
Thầy bằng lòng nhận cậu vào trường.
- Đoạn 3 - Tranh 2:
Đường từ nhà đến trường không xa lắm, có những chặng nghỉ và những trò chơi thú vị. Dưới gốc một cây to ở vệ đường, cỏ đã trụi đi vì những ván bị quyết liệt. Cái bãi gần đường vào thị trấn là nơi đã diễn ra những “pha" bóng chớp nhoáng, đầy hứng thú và say mê. Còn dưới chân cầu kia, chính là nơi Lu-i thường rủ Véc-xen, người bạn thân nhất của mình, đến đó câu cá.
- Đoạn 4 - Tranh 1:
Còn việc học của cậu thì khỏi phải nói. Gia đình và thầy giáo đều rất hài lòng. Thầy giáo khen ngợi cậu chăm chỉ và đạt kết quả học tập tốt.
Tiếng Việt lớp 3 trang 38 Câu 3: Kể lại toàn bộ câu chuyện.
Phương pháp giải:
Em dựa vào tranh để kể lại toàn bộ câu chuyện.
Trả lời:
Gia đình ông Giô-dép chuyển về Ác-boa để Lu-i có thể tiếp tục đi học. Ác-boa không có lâu đài đồ sộ, nguy nga, chỉ thấy những ngôi nhà nhỏ bé, cổ kính và những vườn nho con con. Dòng sông Quy-dăng-xơ hiền hoà lượn quanh thành phố, với những chiếc cầu trắng phau.
Ông Giô-dép dắt con trai đến gặp thầy giáo để xin học. Thầy Rơ-nê đã già, mái tóc ngả màu xám. Thầy hỏi:
- Con tên là gì?
- Thưa thầy, con là Lu-i Pa-xtơ ạ! - Cậu bé lễ phép.
- Đã muốn đi học chưa hay còn thích chơi?
- Thưa thầy, con thích đi học ạ!
Thầy giáo gật gù:
- Thế thì được!
Thầy bằng lòng nhận cậu vào trường.
Đường từ nhà đến trường không xa lắm, có những chặng nghỉ và những trò chơi thú vị. Dưới gốc một cây to ở vệ đường, cỏ đã trụi đi vì những ván bị quyết liệt. Cái bãi gần đường vào thị trấn là nơi đã diễn ra những “pha" bóng chớp nhoáng, đầy hứng thú và say mê. Còn dưới chân cầu kia, chính là nơi Lu-i thường rủ Véc-xen, người bạn thân nhất của mình, đến đó câu cá.
Còn việc học của cậu thì khỏi phải nói. Gia đình và thầy giáo đều rất hài lòng. Thầy giáo khen ngợi cậu chăm chỉ và đạt kết quả học tập tốt.
Tiếng Việt lớp 3 trang 39 Câu 1: Nói với bạn về một câu lạc bộ em muốn tham gia.
Phương pháp giải:
Em hãy nói với bạn về một câu lạc bộ em muốn tham gia theo những gợi ý sau:
- Tên câu lạc bộ là gì?
- Câu lạc bộ có những hoạt động gì?
- Vì sao em muốn tham gia câu lạc bộ đó?
Trả lời:
Bài tham khảo 1:
Tớ rất muốn tham gia câu lạc bộ Họa sĩ nhí. Câu lạc bộ thường tổ chức các cuộc thi vẽ tranh và các buổi triển lãm tranh đầy hấp dẫn. Tớ muốn được thể hiện khả năng vẽ tranh và tô màu của mình nên tớ rất mong được tham gia câu lạc bộ.
Bài tham khảo 2:
Câu lạc bộ tớ muốn tham gia câu lạc bộ “MC vui vẻ”. Các thành viên của câu lạc bộ thường dẫn chương trình trong hầu hết các sự kiện của trường. Vì thế, câu lạc bộ sẽ tạo cơ hội cho tớ được rèn luyện và thể hiện khả năng dẫn chương trình của mình. Tớ rất mong được tham gia câu lạc bộ “MC vui vẻ”.
Tiếng Việt lớp 3 trang 39 Câu 2: Hoàn thành Đơn xin tham gia sinh hoạt câu lạc bộ theo mẫu dưới đây:
Phương pháp giải:
Em hãy điền chính xác các thông tin của mình theo mẫu đơn tham gia câu lạc bộ trên.
Trả lời:
Em có thể tham khảo bài dưới đây:
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 02 tháng 10 năm 2022
ĐƠN XIN THAM GIA SINH HOẠT CÂU LẠC BỘ
Kính gửi: Ban chủ nhiệm câu lạc bộ Họa sĩ nhí trường tiểu học Mùa Xuân.
Em tên là: Nguyễn Thị Ngọc Mai
Ngày sinh: 16/10/2015 - Nam/ Nữ: Nữ
Học sinh lớp: 3A Trường tiểu học Mùa Xuân.
Em làm đơn này xin được tham gia Câu lạc bộ Họa sĩ nhí.
Lí do: Em làm đơn này xin đề nghị Ban chủ nhiệm cho em được tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ Họa sĩ nhí trường tiểu học Mùa Xuân.
Em xin hứa sẽ thực hiện đúng nội quy của Câu lạc bộ.
Em xin trân trọng cảm ơn.
Người làm đơn
(Kí và ghi rõ họ tên)
Mai
Nguyễn Thị Ngọc Mai
Tiếng Việt lớp 3 trang 39 Vận dụng: Nói với bạn về vườn trường em mơ ước.
Phương pháp giải:
Nói với bạn về vườn trường em mơ ước theo gợi ý sau:
- Vườn trường em mơ ước trông như thế nào?
- Vườn trường ấy có những gì?
- Em sẽ làm gì trong khu vườn ấy?
Trả lời:
Tớ ước vườn trường của chúng mình sẽ có thật nhiều hoa và cây. Khu vườn hoa rực rỡ sắc màu và có nhiều bóng mát. Giờ ra chơi, chúng mình sẽ cùng ngồi đọc sách, chơi đùa dưới bóng cây và ngắm nhìn những bông hoa xinh đẹp.
Xem thêm các bài giải SGK Tiếng Việt lớp 3 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:
Bài 2: Triển lãm Thiếu nhi với 5 điều Bác Hồ dạy
Bài 3: Hai bàn tay em