Sách bài tập Ngữ Văn 6 Bài 3: Yêu thương và chia sẻ | Kết nối tri thức

2.1 K

Tailieumoi sưu tầm và biên soạn giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 Bài 3: Yêu thương và chia sẻ sách Kết nối tri thức hay, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT Ngữ Văn 6. Mời các bạn đón xem:

Giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 Bài 3: Yêu thương và chia sẻ

Đọc hiểu và thực hành Tiếng Việt trang 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23

Bài tập 1. trang 17 SBT Ngữ Văn lớp 6 Tập 1: Đọc lại văn bản Gió lạnh đầu mùa trong SGK (tr. 67 - 72) và trả lời các câu hỏi:

Câu 1 trang 17 SBT Ngữ Văn lớp 6 Tập 1: Sắp xếp lại các sự việc sau theo trình tự diễn biến của câu chuyện:

A. Hai chị em Sơn ra xóm chợ chơi và thấy những người bạn ở xóm chợ nghèo mặc những bộ quần áo bạc, vá nhiều chỗ; đặc biệt em Hiên chỉ mặc manh áo rách tả tơi, co ro chịu rét.

B. Mùa đông giá lạnh đã đến, hai chị em Sơn và Lan được mặc những bộ quần áo đẹp và ấm áp.

C. Chuyện cho áo đến tai người thân. Lo sợ bị mẹ mắng, Sơn và Lan đi tìm Hiên để đòi áo.

D. Chị Lan hăm hở về lấy áo cho Hiên, Sơn thấy lòng ấm áp, vui vui.

E. Sơn thấy động lòng thương Hiên, hỏi chị về việc đem cho Hiên cái áo bông cũ của người em đã mất.

F. Mẹ Hiên sang nhà Sơn trả lại chiếc áo bông.

G. Biết hoàn cảnh của gia đình Hiên, mẹ Sơn đã cho mẹ Hiên mượn tiền để may áo cho con.

Trả lời:

Sắp xếp lại các sự việc theo trình tự diễn biến của câu chuyện: B, A, E, D, C, F, G.

Câu 2 trang 17 SBT Ngữ Văn lớp 6 Tập 1: Theo em, nhân vật Sơn là người như thế nào? Em dựa vào những sự việc, chi tiết nào trong tác phẩm để đưa ra nhận xét đó?

Trả lời:

Sơn là một bạn nhỏ rất tình cảm, giàu lòng trắc ẩn, biết quan tâm và yêu thương người thân, bạn bè.

Câu 3 trang 17 SBT Ngữ Văn lớp 6 Tập 1: Em đồng tình hay không đồng tình với hành động vội vã đi tìm Hiên để đòi lại chiếc áo bông của nhân vật Sơn? Vì sao?

Trả lời:

Hành động vội vã đi tìm Hiên để đòi lại chiếc áo bông cũ không làm em giảm bớt thiện cảm với nhân vật Sơn không. Bởi vì đó là tâm lý và hành động bình thường của một đứa trẻ khi tự ý mang đồ dùng ở nhà đi cho người khác và sợ bị mẹ mắng.

Câu 4 trang 17 SBT Ngữ Văn lớp 6 Tập 1: Trong tác phẩm, em thích nhân vật nào nhất? Vì sao?

Trả lời:

Trong tác phẩm, em thích nhất là nhân vật Sơn. Sơn còn bé nhỏ, ngây thơ, em rất được mẹ yêu. Không một tiếng khóc, một lời vòi vĩnh. Sơn là một em bé rất giàu tình cảm khi nhớ và thương về em Duyên. Sơn còn là một em bé sống với bạn bè rất có tình người. Tấm lòng của Sơn đối với bạn nhỏ rất chân thành. Tình cảm nhường cơm sẻ áo cho bạn rất mãnh liệt

Câu 5 trang 17 SBT Ngữ Văn lớp 6 Tập 1: Nếu được đặt lại nhan đề cho tác phẩm, em sẽ chọn nhan đề gì? Giải thích lí do em chọn nhan đề đó.

Trả lời:

Đặt tên cho tác phẩm: Tình bạn ấm áp, Yêu thương giữa ngày đông,…

Bài tập 2. trang 17, 18 SBT Ngữ Văn lớp 6 Tập 1: Đọc lại văn bản Cô bé bán diêm (từ Em quẹt que diêm thứ hai đến của em bé bán diêm) trong SGK (tr. 63) và trả lời các câu hỏi:

Câu 1 trang 17 SBT Ngữ Văn lớp 6 Tập 1: Xác định ngôi kể của người kể chuyện trong đoạn trích.

Trả lời:

Ngôi kể thứ 3.

Câu 2 trang 17 SBT Ngữ Văn lớp 6 Tập 1: Khi quẹt que diêm thứ hai, cô bé bán diêm đã“nhìn thấy” những hình ảnh gì?

Trả lời:

Khi quẹt que diêm thứ hai, cô bé bán diêm đã "nhìn thấy" hình ảnh bàn ăn được bày biện rất đẹp và một con ngỗng quay đang nhảy ra khỏi đĩa, tiến về phía em.

Câu 3 trang 17 SBT Ngữ Văn lớp 6 Tập 1: Những hình ảnh hiện lên trong trí tưởng tượng của cô bé bán diêm khi quẹt que diêm thứ hai thể hiện ước muốn gì? Ước muốn đó cho thấy nỗi khổ nào của cô bé?

Trả lời:

Những hình ảnh hiện lên trong trí tưởng tượng của cô bé bán diêm khi quẹt que diêm thứ hai thể hiện ước muốn có được một bữa ăn ngon lành trong đêm Giáng sinh như bao nhiêu trẻ em khác. Ước muốn đó cho thấy cô bé không chỉ bị rét mà còn rất đói.

Câu 4 trang 18 SBT Ngữ Văn lớp 6 Tập 1: Tác giả muốn nhấn mạnh điều gì khi miêu tả sự tương phản giữa “mộng mị” của cô bé bán diêm và thực tế ngoài đường phố?

Trả lời:

Miêu tả sự tương phản giữa "mộng mị" của cô bé bán diêm và thực tế ngoài đường phố, tác giả muốn nhấn mạnh tình cảnh đáng thương của cô bé. Cô gái nhỏ trong cảnh đói rét cùng khổ chỉ còn biết mong ước, tưởng tượng, khao khát,...

Câu 5 trang 18 SBT Ngữ Văn lớp 6 Tập 1: Theo em, vì sao khách đi đường “hoàn toàn lãnh đạm” trước tình cảnh đáng thương của cô bé bán diêm? Nếu là một người qua đường lúc đó, em sẽ làm gì?

Trả lời:

Khách đi đường "hoàn toàn lãnh đạm" trước tình cảnh đáng thương của cô bé bán diêm vì lúc đó họ chỉ nghĩ đến bản thân và gia đình mình; vì trái tim họ đã chai sạn, thờ ơ, vô cảm trước nỗi khổ của người khác. Theo em, không nên hành động giống như họ. Nếu là em, em sẽ đưa cô bé bán diêm về nhà. Em sẽ xin phép bố mẹ đưa cô bé một chiếc áo ấm của mình và mời cô bé ăn cùng gia đình em bữa cơm.

Câu 6 trang 18 SBT Ngữ Văn lớp 6 Tập 1: Tìm cụm danh từ trong những câu sau. Xác định trung tâm của cụm danh từ và những ý nghĩa mà trung tâm đó được bổ sung.

a. Em quẹt que diêm thứ hai, diêm cháy và sáng rực lên.

b. Bức tường như biến thành một tấm rèm bằng vải màn.

Trả lời:

a. Cụm danh từ: que diêm thứ hai.

- Trung tâm của cụm danh từ: que diêm.

- Phần phụ sau: thứ hai, bổ sung cho danh từ trung tâm đặc điểm, hạn định danh từ ra khỏi sự vật cùng loại.

b. Cụm danh từ: một tấm rèm bằng vải màn.

- Trung tâm của cụm danh từ: tấm rèm.

- Phần phụ trước: một, chỉ số lượng.

- Phần phụ sau: bằng vải màn, nêu đặc điểm, chất liệu của tấm rèm.

Câu 7 trang 18 SBT Ngữ Văn lớp 6 Tập 1: Dòng nào sau đây KHÔNG phải cụm danh từ?

A. Một con ngỗng quay

B. Ngỗng ta nhảy ra khỏi đĩa

C. Những bức tường dầy đặc và lạnh lẽo

D. Mấy người khách qua đường

Trả lời:

Đáp án B.

Bài tập 3. trang 18 SBT Ngữ Văn lớp 6 Tập 1: Đọc lại văn bản Cô bé bán diêm (từ Em quẹt que diêm thứ ba đến Họ đã về chầu Thượng đế) trong SGK (tr. 63 - 64) và trả lời các câu hỏi:

Câu 1 trang 18 SBT Ngữ Văn lớp 6 Tập 1: Khi quẹt que diêm thứ ba, cô bé bán diêm đã “nhìn thấy” những hình ảnh gì?

Trả lời:

Khi que diêm thứ ba cháy là lúc mộng tưởng hiện ra: cô bé bán diêm thấy một cây thông Nô-en lớn, được trang trí lộng lẫy với hàng ngàn ngọn nến sáng rực, lấp lánh trên cành lá xanh tươi và rất nhiều bức tranh màu sắc rực rỡ như những bức bày trong các tủ hàng.

Câu 2 trang 18 SBT Ngữ Văn lớp 6 Tập 1: Tại sao cô bé bán diêm lại muốn quẹt tất cả những que diêm còn lại trong bao?

Trả lời:

Cô bé bán diêm muốn quẹt tất cả những que diêm còn lại trong bao vì "Em muốn níu bà lại" Trong mộng tưởng, em đã được gặp lại người bà hiền hậu của mình và muốn được ở bên bà mãi mãi.

Câu 3 trang 18 SBT Ngữ Văn lớp 6 Tập 1: Những lời nói trong tưởng tượng của cô bé bán diêm với người bà hiền hậu cho em cảm nhận như thế nào về cảnh ngộ của cô bé?

Trả lời:

Những lời nói trong tưởng tượng của cô bé bán diêm với người bà hiền hậu trong trí tưởng tượng cho thấy cô bé có cảnh ngộ thật tội nghiệp, đáng thương. Cô bé ý thức được mộng tưởng và thực tế. Em biết là khi que diêm tắt thì bà cũng biến mất. Bà là người thương yêu em nhất nhưng đã qua đời. Giờ đây, chẳng có ai quan tâm đến em, em muốn được gặp lại bà, về với bà để được sung sướng và hạnh phúc.

Câu 4 trang 18 SBT Ngữ Văn lớp 6 Tập 1: Nêu nhận xét của em về thái độ của nhà văn đối với cô bé bán diêm. Phân tích một chi tiết làm cơ sở cho nhận xét đó.

Trả lời:

Nhà văn An-đéc-xen đã thể hiện niềm cảm thông, thương yêu, xót xa trước cảnh ngộ của em bé tội nghiệp. Chính tình thương yêu ấy đã khiến nhà văn hình dung ra cảnh huy hoàng hai bà cháu bay vụt lên cao, cao mãi, chẳng còn đói rét, đau buồn nào đe doạ họ nữa.

Câu 5 trang 18 SBT Ngữ Văn lớp 6 Tập 1: Theo em, hình ảnh người bà cầm tay cô bé bán diêm, rồi “hai bà cháu bay vụt lên cao, cao mãi, chẳng còn đói rét, đau buồn nào đe doạ họ nữa” là một cảnh ấm áp hay thương tâm? Vì sao?

Trả lời:

Theo em, hình ảnh người bà cầm tay cô bé bán diêm, rồi “hai bà cháu bay vụt lên cao, cao mãi, chẳng còn đói rét, đau buồn nào đe doạ họ nữa” là một cảnh ấm áp. vừa thương tâm. Chính tình thương yêu đối với em bé bất hạnh đã khiến nhà văn tưởng tượng, miêu tả cảnh đẹp đẽ và ấm áp đó. Nhưng hình ảnh này thuần tuý chỉ là mộng tưởng. Thực tế là em bé bán diêm đã chết rét trong đêm giao thừa và không ai quan tâm đến em.

Câu 6 trang 18 SBT Ngữ Văn lớp 6 Tập 1: Tìm cụm danh từ trong những câu sau. Xác định trung tâm của cụm danh từ và những ý nghĩa mà trung tâm đó được bổ sung.

a. Bỗng em thấy hiện ra một cây thông Nô-en.

b. Thế là em quẹt tất cả những que diêm còn lại trong bao.

Trả lời:

a. Cụm danh từ: một cây thông Nô-en.

- Trung tâm của cụm danh từ: cây thông.

- Phần phụ trước: một, bổ sung cho danh từ trung tâm ý nghĩa về số lượng.

- Phần phụ sau: Nô-en, bổ sung cho danh từ trung tâm đặc điểm, hạn định danh từ khỏi sự vật cùng loại.

b. Cụm danh từ: tất cả những que diêm còn lại trong bao.

- Trung tâm của cụm danh từ: que diêm.

- Phần phụ trước: tất cả, những, bổ sung cho danh từ trung tâm ý nghĩa về tổng lượng, số lượng.

- Phần phụ sau: còn lại trong bao, nêu đặc điểm, hạn định danh từ khỏi sự vật cùng loại.

Câu 7 trang 18 SBT Ngữ Văn lớp 6 Tập 1: Dòng nào sau đây KHÔNG phải một cụm danh từ?

A. Một nhà buôn giàu có

B. Những ngôi sao trên trời

C. Cũng biến đi mất như lò sưởi

D. Hai bà cháu

Trả lời:

Đáp án C.

Bài tập 4. trang 19 SBT Ngữ Văn lớp 6 Tập 1:

Câu 1 trang 19 SBT Ngữ Văn lớp 6 Tập 1: Người kể chuyện trong đoạn trích có trực tiếp tham gia vào câu chuyện không? Đó là người kể chuyện ngôi thứ mấy?

Trả lời:

Người kể chuyện trong đoạn trích không trực tiếp tham gia vào câu chuyện. Đó là người kể chuyện ngôi thứ ba.

Câu 2 trang 19 SBT Ngữ Văn lớp 6 Tập 1: Sơn hiểu được điều gì khi chợt nhớ ra cảnh sống nghèo khổ của mẹ con bé Hiên?

Trả lời:

Khi chợt nhớ ra cảnh sống nghèo khổ của mẹ con bé Hiên, Sơn hiểu rằng mẹ Hiên không thể có tiền mua áo rét cho con.

Câu 3 trang 19 SBT Ngữ Văn lớp 6 Tập 1: Vì sao Sơn nảy ra ý định rủ chị Lan về lấy chiếc áo bông cũ của em Duyên cho bé Hiên?

Trả lời:

Sơn nảy ra ý định rủ chị Lan về lấy chiếc áo bông cũ của em Duyên cho bé Hiên vì thương bé Hiên phải chịu rét.

Câu 4 trang 19 SBT Ngữ Văn lớp 6 Tập 1: Nêu những suy nghĩ, cảm xúc của Sơn trong đoạn trích. Miêu tả những suy nghĩ, cảm xúc đó, tác giả đã làm nổi bật được điều gì ở nhân vật này?

Trả lời:

- Suy nghĩ, cảm xúc của Sơn trong đoạn trích: hiểu cảnh sống nghèo khổ của mẹ con bé Hiên, thương bé Hiên, vui sướng khi làm một việc tốt, giúp đỡ được người khác.

- Qua đó, có thể thấy tác giả nhấn mạnh lòng nhân hậu, sự quan tâm, yêu thương, chia sẻ của Sơn với những người nghèo khổ, đáng thương.

Câu 5 trang 19 SBT Ngữ Văn lớp 6 Tập 1: Em đã bao giờ trải qua cảm xúc giống như niềm vui của Sơn khi cùng chị mang chiếc áo bông cũ cho bé Hiên? Hãy chia sẻ vì sao em có hoặc chưa có trải nghiệm đó.

Trả lời:

Em đã từng trải qua cảm xúc giống như niềm vui của Sơn khi cùng chị mang chiếc áo bông cũ cho bé Hiên. Đó là lần em mang đôi dép mới mua của mình để tặng sinh nhật cho bạn học cùng lớp, nhà rất khó khăn, chưa được tặng quà sinh nhật bao giờ. Lúc đó em cảm thấy rất vui vì đã chia sẻ, giúp đỡ được bạn bè của mình.

Câu 6 trang 19 SBT Ngữ Văn lớp 6 Tập 1: Tìm cụm danh từ trong những câu sau. Xác định trung tâm của cụm danh từ và những ý nghĩa mà trung tâm đó được bổ sung.

a. Một ý nghĩ tốt bỗng thoáng qua trong trí, Sơn lại gân chị thì thâm.

b. Hay là chúng ta đem cho nó cái áo bông cũ, chị ạ.

Trả lời:

a. Cụm danh từ: một ý nghĩ tốt.

- Trung tâm của cụm danh từ: ý nghĩ.

- Phần phụ trước: một, có ý nghĩa chỉ số lượng.

- Phần phụ sau: tốt, chỉ đặc điểm của ý nghĩ.

b. Cụm danh từ: cái áo bông cũ.

- Trung tâm của cụm danh từ: cái áo.

- Phần phụ sau: bông, cũ, chỉ đặc điểm của áo.

Câu 7 trang 19 SBT Ngữ Văn lớp 6 Tập 1: Dòng nào sau đây KHÔNG phải cụm động từ?

A. Lại gần chị thì thầm

B. Đem cho nó cái áo bông cũ

C. Với lòng ngây thơ của tuổi trẻ

D. Đứng lặng yên đợi

Trả lời:

Đáp án C.

Bài tập 5. trang 19, 20 SBT Ngữ Văn lớp 6 Tập 1: Đọc lại văn bản Gió lạnh đầu mùa (từ Hai chị em lo lắng dắt nhau đến không sợ mẹ mắng ư?) trong SGK (tr. 72) và trả lời các câu hỏi:

Câu 1 trang 19 SBT Ngữ Văn lớp 6 Tập 1: Tìm các từ ngữ miêu tả tâm trạng của hai chị em Sơn khi về nhà.

Trả lời:

Tâm trạng của hai chị em Sơn khi về nhà được thể hiện qua các từ ngữ: "lo lắng dắt nhau lẻn về nhà ","Lan dắt tay Sơn khép nép" bước vào nhà, hai chị em "ngạc nhiên đứng sững ra" khi thấy mẹ con Hiên trong nhà mình.

Câu 2 trang 19 SBT Ngữ Văn lớp 6 Tập 1: Thái độ của mẹ Sơn trong hai lần nói với các con khác nhau như thế nào?

Trả lời:

Lần đầu, mẹ Sơn "nghiêm nghị" nói với hai con. Sau đó, mẹ Sơn "vẫy hai con lại gần", "âu yếm ôm vào lòng" và nói. Với các con, thái độ của mẹ Sơn vừa nghiêm khắc vừa ấm áp, yêu thương.

Câu 3 trang 19 SBT Ngữ Văn lớp 6 Tập 1: Vì sao khi về đến nhà, Sơn “sợ hãi, cúi đầu lặng im, nép vào sau lưng chị”?

Trả lời:

Khi về đến nhà, Sơn "sợ hãi, cúi đầu lặng im, nép vào sau lưng chị" vì Sơn đã biết lỗi của mình và sợ bị mẹ mắng. Có lẽ lúc đó Sơn mới hiểu rằng mẹ rất quý chiếc áo bông cũ ấy.

Câu 4 trang 19 SBT Ngữ Văn lớp 6 Tập 1: Việc mẹ Hiên sang nhà Sơn trả lại chiếc áo bông giúp em cảm nhận như thế nào về nhân vật này?

Trả lời:

Mẹ Hiên sang nhà Sơn để trả lại chiếc áo bông mà Sơn đã cho Hiên. Mẹ Hiên dù rất nghèo và thương con nhưng không lợi dụng lòng tốt thơ ngây của trẻ nhỏ. Hành động này cho ta cảm nhận được cách cư xử đúng đắn và giàu lòng tự trọng của một người mẹ nghèo.

Câu 5 trang 19 SBT Ngữ Văn lớp 6 Tập 1: Nhận xét về cách ứng xử của mẹ Sơn với mẹ Hiên trong đoạn trích trên.

Trả lời:

Mẹ của Sơn đã cho mẹ Hiên vay năm hào để mua áo rét cho con như một cách giúp đỡ chân tình. Mẹ Sơn là người phụ nữ nhân hậu, tốt bụng.

Câu 6 trang 19 SBT Ngữ Văn lớp 6 Tập 1: Theo em, điều gì sẽ xảy ra nếu mẹ Hiên không sang nhà Sơn để trả lại chiếc áo bông cũ?

Trả lời:

Có thể mẹ Sơn sẽ phân tích cho hai con hiểu về ý nghĩa của chiếc áo bông cũ với gia đình, hoặc mẹ Sơn sẽ cùng hai con mang sang nhà Hiên một chiếc áo ấm khác.

Câu 7 trang 19 SBT Ngữ Văn lớp 6 Tập 1: Em có cho rằng cách kết thúc truyện của tác giả là hợp lí không? Vì sao?

Trả lời:

Truyện kết thúc với hình ảnh người mẹ ôm con vào lòng và ngợi khen tấm lòng nhân hậu của các con "Hai con tôi quý quá". Đây là một kết thúc  truyện hợp lí, trọn vẹn, giàu chất thơ, truyền đi thông điệp về tình người ấm áp.

Câu 8 trang 20 SBT Ngữ Văn lớp 6 Tập 1: Dòng nào sau đây KHÔNG phải một cụm động từ?

A. Lo lắng dắt nhau lên về nhà

B. Cái áo bông cũ

C. Đang ngồi ở cái ghế con

D. Cũng biến đi mất như lò sưởi.

Trả lời:

Đáp án B.

Câu 9 trang 20 SBT Ngữ Văn lớp 6 Tập 1: Tìm một cụm tính từ trong đoạn trích. Với trung tâm của cụm tính từ đó, hãy tạo ra ba cụm tính từ khác.

Trả lời:

Cụm tính từ trong đoạn trích: khổ lắm, quý quá

Với trung tâm của cụm tính từ đó, tạo ra ba cụm tính từ khác: rất khổ, khổ vô

cùng, khổ quá,...

Bài tập 6. trang 20 SBT Ngữ Văn lớp 6 Tập 1: Đọc lại văn bản Lắc-ki thực sự may mắn (từ Nước mắt lưng tròng đến vắt ngang lưng con mèo) trong SGK (tr. 86 - 87) và trả lời các câu hỏi:

Câu 1 trang 20 SBT Ngữ Văn lớp 6 Tập 1: Xác định ngôi kể của người kể chuyện trong đoạn trích.

Trả lời:

Ngôi kể thứ 3.

Câu 2 trang 20 SBT Ngữ Văn lớp 6 Tập 1: Vì sao Gióc-ba chưa từng phủ nhận khi Lắc-ki nói Lắc-ki là một con mèo?

Trả lời:

Gióc-ba chưa từng phủ nhận khi hải âu (Lắc-ki) tự nhận mình là một con mèo vì Gióc-ba cảm thấy vui sướng khi Lắc-ki muốn được giống như đàn mèo đã chăm sóc, nuôi nấng, che chở, yêu thương mình. Điều đó chứng tỏ con hải âu nhỏ đã gắn bó, yêu quý và tự hào về Gióc-ba và đàn mèo.

Câu 3 trang 20 SBT Ngữ Văn lớp 6 Tập 1: Chỉ ra các chi tiết thể hiện sự quan tâm, tình yêu thương mà Gióc-ba và đàn mèo dành cho Lắc-ki.

Trả lời:

Gióc-ba và đàn mèo đã bảo vệ Lắc-ki từ khi chào đời; chăm sóc, yêu thương Lắc-ki vô điều kiện; hết lòng vì "hạnh phúc" của Lắc-ki;...

Câu 4 trang 20 SBT Ngữ Văn lớp 6 Tập 1: Đọc đoạn trích, em có thấy Lắc-ki là con hải âu "thực sự may mắn” không? Vì sao?

Trả lời:

Lắc-ki là con hải âu "thực sự may mắn" vì dù rất khác biệt nhưng vẫn được Gióc-ba và đàn mèo chấp nhận, bảo vệ, yêu thương.

Câu 5 trang 20 SBT Ngữ Văn lớp 6 Tập 1: Mèo Gióc-ba khẳng định rằng: "Thật dễ dàng để chấp nhận và yêu thương một kẻ nào đó giống mình, nhưng để yêu thương ai đó khác mình thực sự rất khó khăn". Em có đồng tình với điều đó không? Vì sao?

Trả lời:

Em đồng tình với suy nghĩ của Gióc-ba. Yêu thương ai đó giống mình là chuyện khá dễ dàng, yêu thương ai đó khác biệt với mình lại khá khó khăn. Nghĩ rằng người đó giống như mình thì tình yêu thương xuất phát bằng tất cả tấm lòng, từ trái tim đơn giản và không toan tính.

Câu 6 trang 20 SBT Ngữ Văn lớp 6 Tập 1: Chỉ ra hai cụm danh từ trong các câu sau và cho biết dụng ý của nhân vật Gióc-ba khi dùng hai cụm danh từ đó.

Và chúng ta yêu con bởi vì con là một con hải âu. Một con hải âu xinh đẹp.

Trả lời:

- Hai cụm danh từ trong hai câu là: một con hải âu, một con hải âu xinh đẹp.

- Gióc-ba muốn giảng giải, nhấn mạnh với Lắc-ki một sự thật - Lắc-ki không phải là mèo như chú nghĩ. Lắc-ki là một con hải âu, hơn nữa là một con hải âu rất xinh đẹp. Điều đó thật đáng tự hào và Lắc-ki phải sống cuộc đời của một con hải âu.

Câu 7 trang 20 SBT Ngữ Văn lớp 6 Tập 1: Tìm cụm động từ trong những câu sau. Xác định trung tâm của cụm động từ và những ý nghĩa mà trung tâm đó được bổ sung.

a. Chúng ta đã bảo vệ con từ khoảnh khắc con mổ vỡ lớp vỏ trứng ra đời.

b. Chúng ta yêu con như yêu một con hải âu.

c. Chúng ta cảm thấy con cũng yêu chúng ta như vậy.

Trả lời:

a. Cụm động từ: đã bảo vệ con từ khoảnh khắc con mổ vỡ lớp vỏ trứng ra đời.

- Trung tâm của cụm động từ: bảo vệ.

- Phần phụ trước: đã, chỉ quan hệ về thời gian, biểu hiện sự nhấn mạnh.

- Phần phụ sau: con, từ khoảnh khắc con mổ vỡ lớp vỏ trứng ra đời, chỉ đối tượng và thời gian của hành động bảo vệ.

b. Cụm động từ: yêu con như yêu một con hải âu.

- Trung tâm của cụm động từ: yêu.

- Phần phụ sau: con, như yêu một con hải âu, chỉ đối tượng và sự so sánh của hành động yêu.

c. Cụm động từ: cảm thấy con cũng yêu chúng ta như vậy.

- Trung tâm của cụm động từ: cảm thấy.

- Phần phụ sau: con cũng yêu chúng ta như vậy, chỉ nội dung của hành động cảm thấy.

Bài tập 7. trang 20, 21 SBT Ngữ Văn lớp 6 Tập 1: Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:

Tôi đến tận gốc chanh chăm chú theo dõi. Từng đợt, từng đợt, bảy tám con một lúc, những chú bọ ngựa bé tí ti như con muỗi, màu xanh cốm, ló cái đầu tinh nghịch có đôi mắt thô lố lách khỏi kẽ hở trên ổ trứng mẹ, cố rướn ra, cố trườn ra, thoát được cái đầu, cái mình... rồi nhẹ nhàng tọt khỏi ổ trứng, người treo lơ lửng trên một sợi tơ rất mảnh bay bay theo chiều gió. Mới ra khỏi ổ trứng, các chú nằm đờ một lát, rồi ngọ nguậy, rồi ngó ngoáy; các chú càng cứng càng cựa quậy thì sợi tơ càng dài ra, từ từ thả các chú xuống phía dưới. Cứ như là mẹ các chú đang ở đó, nhẹ nhàng bồng từng chú mà đặt xuống một cái nệm êm vậy.

Chú bọ ngựa con đầu đàn “nhảy dù” trúng một quả chanh non. Chú đứng hiên ngang trên quả chanh tròn xinh, giương giương đôi tay kiếm nhỏ xíu, mình lắc lư theo kiểu võ sĩ, ngước nhìn từng loạt, từng loạt đàn em mình đang “đổ bộ” xuống hết sức chính xác và mau lẹ. Chú đứng trên quả chanh, mang đầy đủ dòng máu hiệp sĩ của nòi bọ ngựa, hùng dũng như con sư tử đứng vờn quả cầu...

Đàn bọ ngựa mới nở chạy tíu tít, lập tức dàn quân ra khắp cây chanh, mỗi con mỗi ngả bắt đầu một cuộc sống dũng cảm, tự lập.

(Vũ Tú Nam, Cái trứng bọ ngựa, trích Những tác phẩm chọn lọc dành cho thiếu nhi - Hoa lá trong vườn, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2009, tr. 29)

Câu 1 trang 21 SBT Ngữ Văn lớp 6 Tập 1: Xác định ngôi kể của người kể chuyện trong đoạn trích.

Trả lời:

Người kể chuyện ngôi thứ nhất, xưng "tôi".

Câu 2 trang 21 SBT Ngữ Văn lớp 6 Tập 1: Liệt kê một số chi tiết miêu tả đàn bọ ngựa con và chú bọ ngựa con đầu đàn.

Trả lời:

- Chi tiết miêu tả đàn bọ ngựa con: bé tí ti như con muỗi, màu xanh cốm, ló cái đầu tinh nghịch có đôi mắt thô lố lách khỏi kẽ hở trên ổ trứng mẹ, cố rướn ra, cố trườn ra, thoát được cái đầu, cái mình, mới ra khỏi ổ trứng, các chú nằm đờ một lát, rồi ngọ nguậy, rồi ngó ngoáy; các chú càng cứng càng cựa quậy thì sợi tơ càng dài ra, từ từ thả các chú xuống phía dưới.

- Chi tiết miêu tả chú bọ ngựa con đầu đàn: hiên ngang trên quả chanh tròn xinh, giương giương đôi tay kiếm nhỏ xíu, mình lắc lư theo kiểu võ sĩ.

Câu 3 trang 21 SBT Ngữ Văn lớp 6 Tập 1: Nhân vật “tôi” đã rất chăm chú và kiên nhẫn khi quan sát những cái trứng bọ ngựa nở thành đàn bọ ngựa con. Em hãy chỉ ra một số chi tiết thể hiện điều đó.

Trả lời:

Các chi tiết miêu tả đàn bọ ngựa con từ khi bắt đầu chui ra khỏi ổ trứng đến khi có thể nhảy xuống và toả đi "bắt đầu một cuộc sống dũng cảm, tự lập" Mỗi "giai đoạn" đều được tái hiện rất tỉ mỉ, chi tiết. Ví dụ: lách khỏi kẽ hở trên ổ trứng mẹ, cố rướn ra, cố trườn ra, thoát được cái đầu, cái mình... rồi nhẹ nhàng tọt khỏi ổ trứng, người treo lơ  lửng trên một sợi tơ rất mảnh bay bay theo chiều gió...

Câu 4 trang 21 SBT Ngữ Văn lớp 6 Tập 1: Cách quan sát, miêu tả của nhân vật “tôi” thể hiện tình cảm gì với các chú bọ ngựa con?

Trả lời:

Cách quan sát chăm chú, kiên nhẫn; cách miêu tả rất chi tiết, sinh động của nhân vật "tôi" thể hiện sự tò mò, thích thú và tình cảm yêu quý dành cho các chú bọ ngựa con.

Câu 5 trang 21 SBT Ngữ Văn lớp 6 Tập 1: Hãy quan sát kĩ một hình ảnh thiên nhiên quanh em (đám mây, bông hoa, giọt sương, cây lá,...) hoặc một con vật nuôi và ghi lại vài điều thú vị mà em nhìn thấy, cảm thấy.

Trả lời:

Quan sát chú mèo em thấy: Chú mèo con có bộ lông màu vàng óng, đôi mắt to tròn, đen láy. Hai chiếc tai lúc nào cũng dựng đứng lên để nghe ngóng xung quanh. Cái đuôi thì ngoe nguẩy liên tục. Chú mèo rất ngoan, chăm chỉ bắt chuột, rất quý người.

Câu 6 trang 21 SBT Ngữ Văn lớp 6 Tập 1: Tìm và nêu tác dụng của từ láy trong đoạn văn sau:

Từng đợt, từng đợt, bảy tám con một lúc, những chú bọ ngựa bé tí ti như con muỗi, màu xanh cốm, ló cái đầu tinh nghịch có đôi mắt thô lố lách khỏi kẽ hở trên ổ trứng mẹ, cố rướn ra, cố trườn ra, thoát được cái đầu, cái mình... rồi nhẹ nhàng tọt khỏi ổ trứng, người treo lơ lửng trên một sợi tơ rất mảnh bay bay theo chiều gió.

Trả lời:

Từ láy: tí ti thô lố, nhẹ nhàng, lơ lửng, bay bay.

Việc sử dụng các từ láy giúp miêu tả sinh động hình ảnh những chú bọ ngựa vừa mới nở: nhỏ bé, tinh nghịch, khéo léo.

Câu 7 trang 21 SBT Ngữ Văn lớp 6 Tập 1: Tìm một câu văn có sử dụng biện pháp tu từ so sánh trong đoạn trích trên và chỉ ra tác dụng của biện pháp tu từ đó.

Trả lời:

Câu văn có sử dụng biện pháp tu từ so sánh: Chú đứng trên quả chanh, mang đầy đủ dòng máu hiệp sĩ của nòi bọ ngựa, hùng dũng như con sư tử đứng vờn quả cầu.

Hình ảnh bọ ngựa đứng trên quả chanh được so sánh với con sư tử đứng vờn quả cầu. Biện pháp tu từ so sánh đã tô đậm vẻ đẹp khoẻ khoắn, hùng dũng của chú bọ ngựa ngay từ lúc mới sinh ra.

Bài tập 8. trang 21, 22, 23 SBT Ngữ Văn lớp 6 Tập 1: Đọc hai đoạn trích sau và thực hiện yêu cầu nêu ở dưới:

Đoạn trích 1

Rét dữ dội, tuyết rơi. Trời đã tối hẳn. Đêm nay là đêm giao thừa.

Giữa trời đông giá rét, một em gái nhỏ đầu trần, chân đi đất, đang dò dẫm trong đêm tối.

Lúc ra khỏi nhà em có đi giày vải, nhưng giày vải phỏng có tác dụng gì kia chứ!

Giày ấy của mẹ em để lại, rộng quá, em đã liên tiếp làm văng mất cả hai chiếc khi em chạy qua đường, vào lúc hai chiếc xe ngựa đang phóng nước đại.

[...] Thế rồi em phải đi đất, chân em đỏ ửng lên, rồi tím bầm lại vì rét.

Chiếc tạp dề cũ kĩ của em đựng đầy diêm và tay em còn cầm thêm một bao.

Em cố kiếm một nơi có nhiều người qua lại. Nhưng trời rét quá, khách qua đường đều rảo bước rất nhanh, chẳng ai đoái hoài đến lời chào hàng của em.

Suốt ngày em chẳng bán được gì cả và chẳng ai bố thí cho em chút đỉnh. Em bé đáng thương, bụng đói rét vẫn lang thang trên đường. [...] Tuy nhiên, em không thể nào về nhà nếu không bán được ít bao diêm, hay không ai bố thí cho một đồng xu nào đem về, nhất định là cha em sẽ đánh em.

(Han Cri-xti-an An-đéc-xen, Cô bé bán diêm, Nguyễn Văn Hải - Vũ Minh Toàn dịch, Ngữ văn 6, tập một, Sđgd, tr. 61 - 62)

Đoạn trích 2

Trước cổng trường, bên kia đường phố, một cậu bé nạo ống khói(1) đang đứng, tay tựa vào tường, đầu gục vào tay. Người cậu đen ngòm những bồ hóng, cũng như cái bị, mấy cái chổi và cái nạo của cậu, và cậu khóc nức nở, não nuột quá chừng.

Hai ba nữ sinh lớp hai lại gần, hỏi cậu tại sao mà khóc như vậy.

Nhưng cậu bé nạo ống khói không trả lời, và cứ khóc mãi.

Các bạn nữ sinh lại hỏi:

- Kìa, nói đi, bạn làm sao vậy? Tại sao bạn khóc?

Cậu bé bỏ cánh tay xuống, để lộ gương mặt nom hiền hậu, kể là đi nạo mấy ống khói, được số tiền cộng lại là ba hào nhưng chả may rơi mất vì vô ý bỏ vào cái túi áo thủng. Và nay không dám trở về nhà chủ vì sợ bị đánh.

Nói rồi, cậu lại càng khóc thảm thiết hơn, đầu qục vào cánh tay như một kẻ tuyệt vọng.

[...] Một nữ sinh vào loại lớn, đội cái mũ có cắm chiếc lông chim xanh, lấy hai đồng xu trong túi ra và nói:

- Mình chỉ có hai xu, nhưng chúng ta hãy góp nhau lại.

- Mình cũng có hai xu đây - một cô bé mặc áo đỏ nói. - Thế nào tất cả chúng ta cũng kiếm đủ ba hào!

[...] Số tiền ba hào đã đủ, nhưng xu vẫn tiếp tục đổ ra như mưa. Những em bé không có tiền, cũng lách qua giữa các chị lớn, đem cho những chùm hoa nho nhỏ, gọi là cũng góp phần mình.

[...] Cậu bé nạo ống khói còn lại một mình trên đường phố, đứng lau nước mắt. Không những hai tay cậu đầy cả xu, mà các bạn nữ sinh còn luồn vào  khuyết áo của cậu, đút vào túi áo, và cả trong mũ của cậu không biết bao nhiêu là chùm hoa nho nhỏ.

(Ét-môn-đô đơ A-mi-xi, Cậu bé nạo ống khói, trích Những tấm lòng cao cả,

Hoàng Thiếu Sơn dịch, NXB Văn học, Hà Nội, 2016 tr. 38 - 39)

(1) Ở các nước ôn đới, trẻ con nghèo thường đi làm nghề nạo ống khói lò sưởi, nhà bếp vì thân hình nhỏ, dễ chui vào ống khói.

Nhân vật cô bé bán diêm và cậu bé nạo ống khói có điểm gì giống và khác nhau? Hãy so sánh hai nhân vật theo sơ đồ gợi ý dưới đây.

Giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 Bài tập 8 trang 21, 22, 23

Trả lời:

Điểm giống và khác nhau giữa nhân vật cô bé bán diêm và cậu bé nạo ống khói:

- Giống nhau: Cả hai đều là nhân vật trẻ em được nhà văn miêu tả với dáng vẻ bên ngoài rất tội nghiệp. Hai nhân vật đều có hoàn cảnh sống rất khó khăn, đáng thương. Cả hai em đều không dám trở về nhà vì sợ bị đánh.

- Khác nhau:

+ Về dáng vẻ bên ngoài: Nhân vật cô bé bán diêm hiện ra qua chi tiết miêu tả trang phục, dáng vẻ giữa đêm giao thừa lạnh giá (đầu trần; chân đi đất, chân đỏ ửng, tím bầm; tạp dễ cũ kĩ,...). Nhân vật cậu bé nạo ống khói hiện ra qua chi tiết miêu tả dáng vẻ, hành động, tâm trạng (tay tựa vào tường, đầu gục, người đen ngòm, cứ khóc mãi, tuyệt vọng).

+ Cảnh ngộ: Cô bé bán diêm nghèo khổ, đói rét; không bán được bao diêm nào, đêm giao thừa nhưng không dám về nhà vì sợ cha đánh. Cậu bé nạo ống khói người đen ngòm vì vừa làm việc xong, được ba hào nhưng chẳng may rơi mất vì em vô ý bỏ tiền vào cái túi áo thủng. Cậu bé không dám về nhà chủ vì sợ bị đánh.

+ Thái độ, hành động của những người xung quanh đổi với nhân vật: Cô bé bán diêm không được ai đoái hoài tới, không ai bố thí cho em một đồng xu nào. Cậu bé nạo ống khói nhận được sự đồng cảm, yêu thương, chia sẻ của nhiều bạn học sinh. Hai tay cậu đầy đồng xu và cậu còn nhận được những chùm hoa nho nhỏ.

Viết trang 23

Bài tập trang 23 SBT Ngữ Văn lớp 6 Tập 1: Dựa vào sơ đồ ở bài tập 8 phần Đọc hiểu và Thực hành tiếng Việt, hãy viết một đoạn văn (khoảng 10 câu) so sánh nhân vật cô bé bán diêm và cậu bé nạo ống khói.

Trả lời:

Nhân vật cô bé bán diêm và cậu bé nạo ống đều là nhân vật trẻ em được nhà văn miêu tả với dáng vẻ bên ngoài rất tội nghiệp. Cô bé bán diêm nghèo khổ, đói rét, không bán được bao diêm nào, đêm giao thừa nhưng không dám về nhà vì sợ cha đánh. Còn cậu bé nạo ống khói người đen ngòm vì vừa làm việc xong, được ba hào nhưng chẳng may rơi mất vì em vô ý bỏ tiền vào cái túi áo thủng. Cậu bé không dám về nhà chủ vì sợ bị đánh. Thế nhưng cậu bé nạo ống khói may mắn hơn cô bé bán diêm. Cậu nhận được sự đồng cảm, yêu thương, chia sẻ của nhiều bạn học sinh. Hai tay cậu đầy đồng xu và cậu còn nhận được những chùm hoa nho nhỏ thể hiện sự vui vẻ, hạnh phúc. Còn cô bé bán diêm không được ai đoái hoài tới, không ai bố thí cho em một đồng xu nào để rồi đã ra đi trong đêm tuyết rơi giá lạnh. Em thương xót cho nhân vật cô bé bán diêm hơn bởi cô bé đã phải chịu quá nhiều bất hạnh, đau thương cho đến tận khi cô bé lìa khỏi cõi đời này.

Nói và Nghe trang 23

Bài tập trang 23 SBT Ngữ Văn lớp 6 Tập 1: Kể lại một lần em giúp đỡ người khác:

Trả lời:

Đó là một ngày thời tiết không hề đẹp chút nào. Trời đổ mưa tầm tã. Em trên đường đi học về, phố xá vì mưa mà buồn lại buồn thêm. Nơi vỉa hè sát chợ có một người đội mưa đang ngồi lẻ loi bán mớ rau non, trên đầu đội chiếc nón lá, người đó mang cái áo mưa mỏng tanh. Tiến lại gần em mới thấy được rõ vẻ mặt đáng thương của một cụ già tuổi đã ngoài tám mươi, cụ ngồi run rẩy vì vị lạnh của cơn mưa trong tiếng chào mời mấy vị khách qua đường. Ai cũng lắc đầu trước lời mời ấy, có lẽ vì mưa nên ai cũng vội vã muốn về nhà thật nhanh. Thương cụ quá, em lại gần lấy ra chiếc ô trong cặp che thêm cho cụ. Trong túi chỉ còn 10 ngàn tiền tiết kiệm từ mấy hôm, em định mua chiếc bút mới nhưng lại nghĩ cụ cần số tiền này hơn em vì chiếc bút cũ em vẫn còn dùng được. Em cầm số tiền ấy để mua rau giúp cho cụ vì em biết nếu em biếu cụ tiền, chắc chắn cụ sẽ không nhận. Cụ mỉm cười, cảm ơn em rối rít còn khen em ngoan. Em nắm lấy bàn tay lạnh, nhăn vì nước mưa của cụ dặn cụ nhớ về nhà sớm kẻo mưa lạnh. Em mỉm cười rồi chào cụ ra về. Cuộc sống thật còn nhiều những mảnh đời đáng thương và khốn khó, giá mà có thể làm được điều gì đó lớn lao hơn cho họ lúc ấy thì tốt biết bao. Nhìn số rau em mang về, lại biết được chuyện em giúp bà cụ bán rau, bố mẹ em mừng lắm. Bản thân em thì chỉ mong mình có thể làm được nhiều việc tốt hơn nữa để giúp đỡ những người khó khăn.

Đánh giá

0

0 đánh giá