Tập đọc: Văn hay chữ tốt trang 129, 130 | Giải Tiếng Việt lớp 4 tập 1

2.1 K

Tailieumoi.vn giới thiệu Giải bài tập Tiếng Việt lớp 4 Tập đọc: Văn hay chữ tốt trang 129, 130 chi tiết giúp học sinh xem và so sánh lời giải từ đó biết cách trả lời các câu hỏi trong SGK Tiếng Việt 4 Tập 1. Mời các bạn đón xem:

Tập đọc: Văn hay chữ tốt trang 129, 130

Câu 1 trang 130 Tiếng Việt lớp 4: Vì sao Cao Bá Quát thường bị điểm kém ?

Phương pháp giải:

Con đọc đoạn văn thứ nhất.

Trả lời:

Cao Bá Quát thường bị điểm kém vì chữ viết rất xấu cho dù bài văn của ông viết rất hay.

Câu 2 trang 130 Tiếng Việt lớp 4: Sự việc gì xảy ra đã làm Cao Bá Quát phải ân hận ?

Phương pháp giải:

Con xem lại nội dung phần Cao Bá Quát viết lá đơn cho bà cụ hàng xóm xem đã có chuyện gì xảy ra.

Trả lời:

Cao Bá Quát đã viết đơn cho bà cụ hàng xóm để kêu oan. Nhưng trong lá đơn ấy, tuy lí lẽ rõ ràng nhưng chữ viết xấu quá, quan đọc không được bèn thét lính đuổi bà cụ ra khỏi công đường. Sự việc ấy xảy ra đã làm cho Cao Bá Quát ân hận. Và ông mới thấm thía rằng: "dù văn hay đến đâu mà chữ xấu cũng chẳng ích gì !".

Câu 3 trang 130 Tiếng Việt lớp 4: Cao Bá Quát quyết chí luyện viết chữ như thế nào ?

Phương pháp giải:

Con đọc từ "Sáng sáng, ông cầm que..." cho đến hết.

Trả lời:

Cao Bá Quát đã quyết chí luyện viết chữ rất công phu, tỉ mỉ và có phương pháp. 

Lúc đầu:

- Sáng: lấy que vạch lên cột nhà luyện nét sổ thẳng

- Tối: tập viết 10 trang vở

Khi chữ đã tiến bộ:

- Mượn các cuốn sách viết chữ đẹp làm mẫu để luyện

Câu 4 trang 130 Tiếng Việt lớp 4: Tìm đoạn mở bài, thân bài, kết bài của truyện.

Phương pháp giải:

- Mở bài là đoạn văn đầu tiên trong bài văn

- Kết bài là đoạn văn cuối cùng trong bài văn

- Thân bài là phần ở giữa còn lại

Trả lời:

Tìm đoạn mở bài, thân bài, kết bài của truyện:

- Mở bài (hai dòng đầu: từ đầu đến cho điểm kém): Từ thuở đi học, chữ viết xấu đã gây bất lợi cho Cao Bá Quát.

- Thân bài (từ một hôm đến nhiều kiểu chữ khác nhau): Do ân hận vì chữ viết xấu của mình khiến nỗi oan của bà cụ hàng xóm không giải tỏa được, Cao Bá Quát quyết tâm luyện viết chữ đẹp.

- Kết bài: (phần còn lại) Kết cục Cao Bá Quát đã thành công, nổi tiếng là người văn hay chữ tốt.

Bài đọc

Văn hay chữ tốt

   Thuở đi học, Cao Bá Quát viết chữ rất xấu nên nhiều bài văn dù hay vẫn bị thầy cho điểm kém.

   Một hôm, có bà cụ hàng xóm sang khẩn khoản:

- Gia đình già có một việc oan uổng muốn kêu quan, nhờ cậu viết giúp cho lá đơn, có được không?

   Cao Bá Quát vui vẻ trả lời:

- Tưởng việc gì khó, chứ việc ấy cháu xin sẵn lòng.

   Lá đơn viết lí lẽ rõ ràng, Cao Bá Quát yên trí quan sẽ xét nỗi oan cho bà cụ. Nào ngờ, chữ ông xấu quá, quan đọc không được nên thét lính đuổi bà ra khỏi huyện đường. Về nhà, bà kể lại câu chuyện khiến Cao Bá Quát vô cùng ân hận. Ông biết dù văn hay đến đâu mà chữ không ra chữ cũng chẳng ích gì. Từ đó, ông dốc hết sức luyện viết chữ sao cho đẹp.

   Sáng sáng, ông cầm que vạch lên cột nhà luyện chữ cho cứng cáp. Mỗi buổi tối, ông viết xong mười trang vở mới chịu đi ngủ. Chữ viết đã tiến bộ, ông lại mượn những cuốn sách chữ viết đẹp làm mẫu để luyện nhiều kiểu chữ khác nhau.

   Kiên trì luyện tập suốt mấy năm, chữ ông mỗi ngày một đẹp. Ông nổi danh khắp nước là người văn hay chữ tốt.

Theo TRUYỆN ĐỌC 1 (1995)

- Khẩn khoản: tha thiết, nài nỉ người khác chấp nhận yêu cầu của mình.

- Huyện đường: nơi làm việc của quan huyện trước đây.

- Ân hận: băn khoăn, day dứt và tự trách mình về việc không hay xảy ra.

Bố cục Văn hay chữ tốt

Có thể chia bài đọc thành 3 đoạn:

Đoạn 1: Từ đầu đến cháu xin sẵn lòng

Đoạn 2: Tiếp theo đến ông dốc sức luyện viết chữ sao cho đẹp

Đoạn 3: Phần còn lại

Nội dung chính Văn hay chữ tốt

Bài học được rút ra là có lòng kiên trì, quyết tâm thì sẽ đạt được thành công. Cao Bá Quát là một tấm gương sáng về lòng kiên trì, khổ luyện thành tài. Dù ban đầu thất bại nhưng bằng sự quyết tâm, nỗ lực không ngừng, cùng với phương pháp học tập tốt, ông đã có được thành công. Trong cuộc sống, dù có gặp khó khăn thì cũng đừng nản chí, hãy kiên trì, cố gắng từng bước, sớm muộn gì thành công cũng sẽ đến với chúng ta. 

 

Đánh giá

0

0 đánh giá