Tập đọc: Tà áo dài Việt Nam trang 123, 124 | Giải Tiếng Việt lớp 5 tập 2

1.5 K

Tailieumoi.vn giới thiệu Giải bài tập Tiếng Việt lớp 5 Tập đọc: Tà áo dài Việt Nam trang 123, 124 chi tiết giúp học sinh xem và so sánh lời giải từ đó biết cách trả lời các câu hỏi trong SGK Tiếng Việt 5 Tập 2. Mời các bạn đón xem:

Tập đọc: Tà áo dài Việt Nam trang 123, 124

Câu 1 trang 124 Tiếng Việt lớp 5: Chiếc áo dài có vai trò thế nào trong trang phục của phụ nữ Việt Nam xưa ?

Phương pháp giải:

Con đọc kĩ đoạn văn thứ nhất.

Trả lời:

Trong trang phục của phụ nữ Việt Nam, chiếc áo dài đóng vai trò quan trọng, thân thuộc.

Câu 2 trang 124 Tiếng Việt lớp 5: Chiếc áo dài tân thời có gì khác so với chiếc áo dài cổ truyền ?

Phương pháp giải:

Con đọc đoạn văn thứ 2 và 3.

Trả lời:

Chiếc áo dài tân thời vừa giữ được phong cách tế nhị, kín đáo của áo dài cổ truyền vừa mang phong cách hiện đại phương Tây.

Câu 3 trang 124 Tiếng Việt lớp 5: Vì sao áo dài được coi là biểu tượng cho y phục truyền thống của Việt Nam?

Phương pháp giải:

Con chú ý đoạn văn đầu tiên và đoạn văn cuối cùng.

Trả lời:

Áo dài được coi là biểu tượng cho y phục truyền thống của Việt Nam vì nó thể hiện được phong cách tế nhị, kín đáo của người phụ nữ Việt Nam. 

Câu 4 trang 124 Tiếng Việt lớp 5: Em có cảm nhận gì về vẻ đẹp của người phụ nữ trong tà áo dài? 

Phương pháp giải:

Con liên hệ trong thực tế để trả lời.

Trả lời:

Em cảm thấy khi mặc áo dài người phụ nữ như đẹp ra, tự nhiên, mềm mại và thanh thoát hơn.

Bài đọc

TÀ ÁO DÀI VIỆT NAM

        Phụ nữ Việt Nam xưa hay mặc áo lối mớ ba, mớ bảy, tức là mặc nhiều áo cánh lồng vào nhau. Tuy nhiên, với phong cách tế nhị, kín đáo, người phụ nữ Việt thường mặc chiếc áo dài thẫm màu bên ngoài, lấp ló bên trong mới là các lớp áo cánh nhiều màu (vàng mỡ gà, vàng chanh, hồng cánh sen, hồng đào, xanh hồ thủy,…)

       Từ đầu thế kỉ XIX đến sau năm 1945, ở một số vùng, người ta mặc áo dài kể cả khi lao động nặng nhọc. Áo dài phụ nữ có hai loại: áo tứ thân và áo năm thân. Phổ biến hơn là áo tứ thân, được may từ bốn mảnh vải, hai mảnh sau ghép liền ở giữa sống lưng. Đằng trước là hai vạt áo, không có khuy, khi mặc bỏ buông hoặc buộc thắt vào nhau. Áo năm thân cũng may như áo tứ thân, chỉ có điều vạt trước phía trái may ghép từ hai thân vải, thành ra rộng gấp đôi vạt phải.

        Từ những năm 30 của thế kỉ XX, chiếc áo dài cổ truyền được cải tiến dần thành chiếc áo tân thời. Chiếc áo tân thời là sự kết hợp hài hòa giữa phong cách dân tộc tế nhị, kín đáo với phong cách phương Tây hiện đại, trẻ trung.

      Áo dài trở thành biểu tượng cho y phục truyền thống của Việt Nam. Trong tà áo dài, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam như đẹp hơn, tự nhiên, mềm mại và thanh thoát hơn.

Theo TRẦN NGỌC THÊM

- Áo cánh: áo ngắn, cổ đứng hoặc cổ viền thường có hai túi ở hai vạt trước và xẻ ở hai bên sườn

- Phong cách: kiểu (lối) sống tạo ra nét riêng của một người hoặc một nhóm người

- Tế nhị: ý nói nhã nhặn, lịch sự

- Xanh hồ thủy: xanh như màu nước hồ (xanh nhạt)

- Tân thời: Kiểu mới

- Y phục: quần áo, đồ mặc

Bố cục Tà áo dài Việt Nam

Có thể chia bài đọc thành 4 đoạn:

Đoạn 1: Từ đầu đến xanh hồ thủy,...

Đoạn 2: Từ Từ đầu thế kỉ XIX đến đôi vạt phải

Đoạn 3: Từ Từ những năm 30 đến trẻ trung

Đoạn 4: Phần còn lại

Nội dung chính Tà áo dài Việt Nam

Sự hình thành chiếc áo dài tân thời từ chiếc áo dài cổ truyền, vẻ đẹp kết hợp nhuần nhuyễn giữa phong cách dân tộc tế nhị, kín đáo với phong cách hiện đại phương Tây của tà áo dài Việt Nam, vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong tà áo dài.

Đánh giá

0

0 đánh giá