Bộ 10 đề thi học kì 1 Ngữ văn 9 Chân trời sáng tạo có đáp án năm 2024

348

Tailieumoi.vn xin giới thiệu bộ đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 9 sách Chân trời sáng tạo năm 2024 - 2025. Tài liệu gồm 4 đề thi có ma trận chuẩn bám sát chương trình học và đáp án chi tiết, được biên soạn bởi đội ngũ giáo viên THCS dày dặn kinh nghiệm sẽ giúp các em ôn tập kiến thức và rèn luyện kĩ năng nhằm đạt điểm cao trong bài thi Học kì 1 Ngữ văn 9. Mời các bạn cùng đón xem:

Đề thi học kì 1 Ngữ văn 9 Chân trời sáng tạo có đáp án năm 2024

Đề thi học kì 1 Ngữ văn 9 Chân trời sáng tạo có đáp án - Đề 1

Phòng Giáo dục và Đào tạo ...

Đề thi học kì 1 - Chân trời sáng tạo

Năm học 2024 - 2025

Môn: Ngữ văn lớp 9

Thời gian làm bài: phút

(Đề số 1)

PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

Cho ngữ liệu sau đọc và trả lời câu hỏi:

            (1) Cùng một cơn mưa, người tiêu cực sẽ bực mình vì phải trùm áo mưa, người lạc quan thì nghĩ đến cây cối xanh tươi, không khí sẽ được trong lành. Và một khi chúng ta không thể thay đổi được hiện tượng xảy ra, tốt nhất là nhìn nó bằng ánh mắt tích cực. Cái thiện có thể sẽ thua cái ác trong một thời điểm nhưng chung cuộc sẽ chiến thắng. Cứ sau một sự cố, con người lại tìm nguyên nhân và khắc phục nó. Sau lũ lụt, phù sa sẽ làm màu mỡ hơn cho cánh đồng, sâu bọ sẽ bị quét sạch ra biển, dư lượng hóa chất trong đất đai sẽ bị rửa sạch. Lỗi lầm của người khác, thay vì giữ trong lòng và tức giận, thôi bỏ qua, mình sẽ thấy thoải mái hơn rất nhiều. Nói một cách khác, nếu bạn được sống 100 năm, xem như là một bộ phim có 100 tập, thì hãy tạo ra ít nhất 2/3 tập có tiếng cười thay vì tập nào cũng rơi vào bi kịch chán chường, đau khổ, chia lìa, mất mát.

            (2) Trong từ Hán Việt, nguy cơ bao gồm nguy và cơ. Đối với người có tư duy tích cực, “nguy” (problem) sẽ được họ biến thành “cơ” (opportunity). Người tích cực và lạc quan sẽ có gương mặt sáng bừng, nụ cười thường trực trên môi, sống và cháy hết mình, học tập và làm việc hết mình dù ngày mai trời có sập.

(Trích Tư duy tích cực, Theo Tony Buổi sáng, trên đường băng, NXB Trẻ, 2016)

Câu 1 (0.5 điểm). Nêu nội dung chính của văn bản trên.

Câu 2 (0.5 điểm). Tìm trong văn bản 02 biểu hiện của người có thái độ sống tích cực, lạc quan.

Câu 3 (1.0 điểm). Tìm thuật ngữ trong cụm từ in đậm ở đoạn (1) và cho biết thuật ngữ đó thuộc lĩnh vực khoa học nào.

Câu 4 (1.0 điểm). Từ in đậm trong đoạn văn (2) được sử dụng theo nghĩa gốc hay nghĩa chuyển? Nếu là nghĩa chuyển thì được chuyển theo phương thức nào?

Câu 5 (1.0 điểm). Hãy chỉ ra và cho biết giá trị của một biện pháp tu từ được sử dụng ở đoạn (1)

PHẦN VIẾT (6.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm) Đọc đoạn thơ sau và viết đoạn văn nêu cảm nhận em về cơ sở hình thành tình đồng chí của những người lính:

Quê hương anh nước mặn, đồng chua

Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá.

Anh với tôi đôi người xa l

Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau,

Súng bên súng, đầu sát bên đầu,

Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ.

Đồng chí!

(Đồng chí – Chính Hữu)

Câu 2 (4.0 điểm) Em hãy viết bài văn nghị luận ngắn trình bày suy nghĩ về tinh thần tương thân tương ái của đồng bào ta, nhất là trong hoạn nạn.

ĐÁP ÁN

PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

Câu 1.

Nội dung chính: Tác dụng của việc nhìn nhận mọi thứ theo hướng tích cực.

Câu 2.

- Biểu hiện:

nụ cười thường trực trên môi,

+sống, học tập và làm việc hết mình

Câu 3.

Thuật ngữ: “không khí” là thuật ngữ về môi trường thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên.

Câu 4.

- Cháy hết mình: “cháy” được hiểu là con người dám dấn thân, dám đem hết nhiệt huyết để sống trọn vẹn cuộc đời và tỏa sáng.

- Từ “cháy” được chuyển nghĩa theo phương thức ẩn dụ.

Câu 5.

- Biện pháp tu từ: liệt kê (Sau lũ lụt, phù sa sẽ làm màu mỡ hơn cho cánh đồngsâu bọ sẽ bị quét sạch ra biểndư lượng hóa chất trong đất đai sẽ bị rửa sạch… hãy tạo ra ít nhất 2/3 tập có tiếng cười thay vì tập nào cũng rơi vào bi kịch chán chườngđau khổchia lìamất mát.

- Tác dụng: Làm cho đoạn văn giàu giá trị biểu đạt, tăng sức gợi hình, gợi cảm. Đồng thời chỉ rõ những biểu hiện trong việc nhìn nhận sự việc tích cực và tiêu cực.

PHẦN VIẾT (6.0 điểm)

Câu 1.

Dàn ý:

1. Mở bài

- Giới thiệu chung về nhà thơ Chính Hữu và bài thơ Đồng chí.

- Dẫn dắt vào 7 câu thơ đầu của bài: Cơ sở hình thành tình đồng chí, đồng đội của những người lính.

2. Thân bài

a. Những người lính có chung hoàn cảnh, xuất thân

- “quê hương”, “làng”: Các từ cùng trường nghĩa → Những người lính đều có xuất thân từ những người nông dân nghèo.

- “nước mặn đồng chua”, “đất cày lên sỏi đá”: hoàn cảnh, điều kiện sống khắc nghiệt, khó khăn → quê hương nghèo khó.

=> Những người lính tương đồng về cảnh ngộ, hoàn cảnh sống.

b. Những người lính có chung lí tưởng cứu nước cao đẹp

- Các xưng hô “anh” – “tôi” thân thiết, gần gũi.

- “Súng bên súng”: Những người lính kề vai sát cánh trong chiến đấu.

- “Đầu sát bên đầu”: Cùng chung lí tưởng chiến đấu cao đẹp: Ra đi, chiến đấu để bảo vệ quê hương.

c. Cùng nhau trải qua những khó khăn, gian khổ trong cuộc sống sinh hoạt và chiến đấu

- “Đêm rét”: Thời tiết lạnh giá, khắc nghiệt.

- “Chung chăn”: chia sẻ với nhau những thứ vật chất ít ỏi, thiếu thốn.

- “Thành đôi tri kỉ”: tình cảm gắn bó khăng khít, thân tình

- “Đồng chí!”: tình cảm keo sơn, gắn bó, khó tách rời.

3. Kết bài

- Khẳng định lại giá trị của đoạn thơ.

Bài tham khảo:

Ngay từ những câu thơ mở đầu bài thơ “Đồng chí”, Chính Hữu đã lí giải những cơ sở hình thành tình đồng chí thắm thiết, sâu nặng của “anh” và “tôi” – của những người lính cách mạng. Thành ngữ “nước mặn đồng chua” và hình ảnh “đất cày lên sỏi đá”, giọng điệu thủ thỉ tâm tình như lời kể chuyện, cùng nghệ thuật sóng đôi, tác giả cho thấy tình đồng chí, đồng đội bắt nguồn sâu xa từ sự tương đồng cùng cảnh ngộ. Họ là những người nông dân áo vải, ra đi từ những miền quê nghèo khó – miền biển nước mặn, vùng đồi núi trung du. Không hẹn mà nên, những người nông dân ấy gặp nhau tại một điểm: lòng yêu nước. Tình yêu quê hương, gia đình, nghĩa vụ công dân thúc giục họ lên đường chiến đấu. Bởi thế nên từ những phương trời xa lạ, mọi người “chẳng hẹn mà quen nhau”. Giống như những anh lính trong bài thơ “Nhớ” của Hồng Nguyên: “Lũ chúng tôi bọn người tứ xứ - Gặp nhau từ hồi chưa biết chữ - Quen nhau từ buổi “một, hai” – Súng bắn chưa quen – Quân sự mươi bài – Lòng vẫn cười vui kháng chiến”. Trong môi trường quân đội, đơn vị thay cho mái ấm gia đình, tình đồng đội thay cho tình máu thịt. Cái xa lạ ban đầu nhanh chóng bị xóa đi. Sát cánh bên nhau chiến đấu, càng ngày họ càng cảm nhận sâu sắc về sự hòa hợp, gắn bó giữa đồng đội cùng chung nhiệm vụ và lí tưởng cao đẹp: “Súng bên súng, đầu sát bên đầu”. Hình ảnh sóng đôi, các điệp từ “súng”, “đầu”, giọng điệu thơ trở nên tha thiết, trầm lắng như nhấn mạnh tình cảm gắn bó của người lính trong chiến đấu. Họ đồng tâm, đồng lòng, cùng nhau ra trận đánh giặc để bảo vệ đất nước, quê hương, giữ gìn nền độc lập, tự do, sự sống còn của dân tộc – “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Và chính sự đồng cảnh, đồng cảm và hiểu nhau đã giúp các anh gắn bó với nhau, cùng sẻ chia mọi gian lao thiếu thốn của cuộc đời người lính: “Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ”. Từ gian khó, hiểm nguy, tình cảm trong họ đã nảy nở và họ đã trở thành những người bạn tâm giao, tri kỉ, hiểu nhau sâu sắc, gắn bó thành đồng chí. Hai tiếng “Đồng chí” kết thúc khổ thơ thật đặc biệt, sâu lắng! Nó như một nốt nhạc làm bừng sáng cả đoạn thơ, là điểm hội tụ, nơi kết tinh của bao tình cảm đẹp mà chỉ có ở thời đại mới: tình giai cấp, tình đồng đội, tình bạn bè trong chiến tranh.

Câu 2.

Dàn ý:

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề: suy nghĩ về tinh thần tương thân tương ái của đồng bào ta, nhất là trong hoạn nạn.

2. Thân bài

a. Giải thích: Tương thân tương ái là sự quan tâm, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống giữa con người với con người.

b. Vì sao ta cần phải có tinh thần tương thân, tương ái?

– Tinh thần tương thân, tương ái thể hiện phẩm chất, nhân cách cao quý của con người, là biểu hiện của tình yêu thương.

– Tinh thần tương thân, tương ái giúp gắn kết con người lại với nhau, tạo ra sức mạnh vật chất lẫn tinh thần để vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

– Tinh thần tương thân, tương ái giúp con người sống nhân ái hơn.

– Sống không có tinh thần tương thân, tương ái, thể hiện sự vô cảm của con người, con người sẽ bị tách biệt khỏi tập thể.

– Tinh thần tương thân, tương ái thể hiện lối sống trọng tình, trọng nghĩa của dân tộc ta.

c. Biểu hiện:

– Người có tinh thần tương thân, tương ái là người sống có tấm lòng nhân nghĩa, có phẩm chất đạo đức tốt đẹp:

+ Trong gia đình: yêu thương, kính trọng ông bà, cha mẹ; sống hòa hợp, gắn bó với anh, chị, em; biết nhường nhịn lẫn nhau

+ Trong nhà trường: kính trọng, yêu mến thầy cô giáo, tôn trọng, giúp đỡ bạn bè,…

+ Ngoài xã hội: biết cảm thông, chia sẻ với hoàn cảnh của người nghèo khó; biết tương trợ, giúp đỡ đồng bào vùng thiên tai, lũ lụt, …

d. Bình luận:  Biết tương thân, tương ái, giúp đỡ người khác trong khó khăn, hoạn nạn là việc làm tốt đẹp, cần tuyên dương, ngợi khen và lan tỏa trong cộng đồng. Thế nhưng, lòng tốt cũng cần phải đặt đúng chỗ, giúp đúng người, đúng việc, đừng để lòng tốt của mình bị kẻ xấu lợi dụng.

e. Phê phán:

Trong xã hội ngày nay vẫn còn những kẻ chỉ biết nghĩ đến quyền lợi của bản thân mình, thờ ơ, vô cảm trước hoàn cảnh khó khăn, nỗi khổ đau của người khác. Những người như thế thật đáng chê trách.

3. Kết bài

- Bài học: Không có gì đẹp bằng ánh sáng của lòng nhân ái. Hãy biết yêu thương, giúp đỡ người khác.

- Liên hệ bản thân

Đề thi học kì 1 Ngữ văn 9 Chân trời sáng tạo có đáp án - Đề 2

Phòng Giáo dục và Đào tạo ...

Đề thi học kì 1 - Chân trời sáng tạo

Năm học 2024 - 2025

Môn: Ngữ văn lớp 9

Thời gian làm bài: phút

(Đề số 2)

I. Đọc hiểu (4,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

CHUYỆN GÃ TRÀ ĐỒNG GIÁNG SINH

(Trà đồng giáng đản lục)

Dương Đức Công tên là Tạc, người phủ Thường Tín  xứ Sơn Nam. Dưới triều vua Huệ Tông  nhà Lý, ông làm quan coi việc hình án trấn Tuyên Quang  xét rõ mọi điều oan khuất, khiến các vụ án đều được công bằng. Vì sự nhân từ phúc hậu, người thời bấy giờ gọi là Đức công. Năm 50 tuổi, Đức công vẫn không có con trai, chợt bị ốm nặng rồi chết, hồi lâu lại tỉnh bảo với mọi người rằng:

- Ta vừa đến một chỗ thành đèn vách sắt, toan bước chân vào thì có một viên chức ngăn lại. Viên ấy dẫn ta đi sang phía hữu, thấy có những cửa đỏ biển son. Vén áo đi vào cửa này thì thấy san sát những tòa rộng dẫy dài, có đến hơn trăm người thắt đai đứng hầu sau trước. Giữa có hai vị mặc áo bào tía ngồi đối diện nhau ở bên một cái án, đưa mắt cho viên chức kia bảo lấy sổ son của họ Dương ra xem, một lát hai vị cùng nhìn nhau bảo rằng:

- Dương gian thật không có người nào được thế, cứu sống cho mọi người nhiều lắm. Chỉ tiếc hưởng tuổi không dài và dòng sau không người nối dõi. Người như thế mà không biểu dương thì làm sao khuyến khích cho kẻ khác được; ta sẽ phải tâu lên Thượng đế.

Bèn truyền cho Đức công hẵng xuống tạm nghỉ ở cái hành lang phía đông. Chừng độ nửa ngày, hai vị ấy lại sai dẫn Đức công vào, bảo rằng:

- Nhà ngươi ngày thường vốn có tiếng là người lương thiện. Thượng đế khen ngợi, ban cho một người con trai tốt và cho sống lâu thêm hai kỷ  nữa. Nên mau về đi mà cố gắng làm thêm điều âm đức, đừng bảo là trên cõi minh minh không biết gì đến.

Đoạn sai viên chức kia dẫn về. Khi ra khỏi cửa, Dương hỏi rằng:

- Chẳng hay đây là dinh tòa nào? Ai là chủ trương và coi giữ công việc gì?

Viên chức ấy nói:

- Đây là một tòa trong 24 tòa ở Phong Đô; phàm người mới chết đều phải qua cả. Người nào tên ghi ở sổ son, may ra còn có khi sống mà về được, chứ đã tên ghi sổ mực thì chẳng còn có mong gì. Nếu ông không phải là người xưa nay hết lòng làm việc thiện thì cũng khó bề thoát được.

Bèn cùng nhau chia tay từ biệt, rồi ông bừng tỉnh như một giấc chiêm bao.

Bà vợ cũng nói là đêm qua lúc cuối canh một, có ngôi sao nhỏ rơi vào lòng, lòng bỗng thấy rung động. Rồi bà có mang đủ ngày tháng sinh ra được một cậu con trai, đặt tên cho là Thiên Tích. Tính Thiên Tích thích uống trà lắm, thường tự ví mình như Lư Đồng Lục Vũ  đời xưa. Song thiên tư lỗi lạc, học vấn rộng rãi, phàm sách vở văn chương cổ kim, không cái gì là không thông thuộc. Đức công mừng mà rằng:

- Thế là ta có dòng giống rồi!

Bèn chuyên đem những nghĩa lý chân chính dạy con. Sau đó 24 năm, ông mắc bệnh mà mất, Thiên Tích thương xót rất mực; xa gần ai nấy đều cảm động.

(Nguyễn Dữ, in trong Truyền kỳ Mạn lục, NXB Văn học)

Câu 1 (0,5 điểm) Xác định thể loại và phương thức biểu đạt chính của văn bản trên.

Câu 2 (0,5 điểm) Trong câu chuyện trên, nhân vật Đức Công được khắc họa ở những không gian nào? Qua đó em có nhận xét gì về đặc điểm của không gian trong truyện truyền kì?

Câu 3 (1,0 điểm) Truyện có yếu tố kì ảo nào? Yếu tố kì ảo đó có ý nghĩa, vai trò gì trong truyện?

Câu 4 (1,0 điểm) Tìm ba từ Hán Việt có yếu tố “nhân” được dùng với nghĩa như trong từ “nhân từ”. Giải nghĩa các từ đó?

Câu 5 (1,0 điểm) Từ câu chuyện trên, em rút ra được những bài học ý nghĩa gì cho bản thân?

II. Viết (6,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm) Ngày nay “sống xanh” không đơn thuần chỉ là một lối sống mà đang dần trở thành yêu cầu cấp thiết của xã hội. Hãy viết đoạn văn nghị luận trình bày ý kiến của em về quan điểm “sống xanh”.

Câu 2 (4,0 điểm) Anh/ chị hãy viết bài văn nghị luận phân tích ngữ liệu ở phần đọc hiểu.

HƯỚNG DẪN CHẤM

Phần

Câu

Nội dung

Điểm

Đọc hiểu

1

- Thể loai: Truyện truyền kì

- PTBĐ chính: Tự sự

0,5 điểm

2

- Nhân vật Đức Công được khắc họa ở:

+ Không gian trần thế (nơi có gia đình, vợ con)

+ Không gian địa phủ (nơi có thành Phong Đô với thượng đế, các quan, viên chức…)

-  Nhận xét gì về đặc điểm của không gian trong truyện truyền kì:

+ Không gian thường có sự pha trộn giữa cõi trần và cõi âm.

+ Các hình thức không gian này không tách biệt mà liên thông với nhau.

+ Không gian mang đậm màu sắc kì ảo.

1,0 điểm

3

- Yếu tố kì ảo trong đoạn trích:

+ Dương Đức Công khi chết được xuống thành Phong Đô, gặp các vị quan ở địa phủ.

+ Dương Đức Công được thượng đế khen ngợi là người lương thiện nên cho sống thêm 2 kỷ nữa và còn ban cho một người con trai tốt.

+ Vợ Dương Đức Công nằm mơ có ngôi sao nhỏ rơi vào lòng, sau đó mang thai, sinh được 1 người con trai.

- Tác dụng của các yếu tố kì ảo:

+ Tạo ra sự sinh động, hấp dẫn cho câu chuyện và tạo hứng thú với người đọc.

+ Thể hiện ước mơ ngàn đời của nhân dân ta về sự công bằng: người lương thiện ắt sẽ nhận được những điều tốt đẹp.

+ Bộc lộ rõ nét tư tưởng chủ đề tác phẩm:  Ca ngợi những con người có tấm lòng lương thiện.

+ Làm nên đặc điểm của truyện truyền kì.

0,5 điểm

4

- Các từ Hán Việt có yếu tố “nhân” được dùng với nghĩa như trong từ “nhân từ” là: nhân đức, nhân nghĩa, nhân hậu.

- Giải nghĩa:

+ Nhân đức: có lòng yêu thương giúp đỡ người khác.

+ Nhân nghĩa: có lòng thương người và tôn trọng lẽ phải, điều phải.

+ Nhân hậu: có lòng thương người và trung hậu.

1,0 điểm

5

*HS rút ra những bài học ý nghĩa qua câu chuyện:

- Chúng ta cần sống lương thiện, sẵn sàng giúp người, giúp đời.

- Sống tốt ắt sẽ nhận được phúc báo, trời xanh có mắt, sớm muộn cũng được đền đáp...

- Làm điều sai trái sẽ phải chịu quả báo….

1,0 điểm

Viết

1

Ngày nay “sống xanh” không đơn thuần chỉ là một lối sống mà đang dần trở thành yêu cầu cấp thiết của xã hội. Hãy viết đoạn văn nghị luận trình bày ý kiến của em về quan điểm “sống xanh”.

2,0 điểm

* Yêu cầu về hình thức, kĩ năng: Đảm bảo đoạn văn nghị luận có bố cục mạch lạc, sử dụng linh hoạt các kiểu câu và có sự liên kết chặt chẽ giữa các câu, các ý trong đoạn văn. Có cách diễn đạt trong sáng độc đáo, thể hiện những suy nghĩ, kiến giải mới mẻ về vấn đề nghị luận.

0,25 điểm

Yêu cầu về kiến thức:

Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần giới thiệu được vấn đề cần bàn luận, nêu rõ lí do và quan điểm của bản thân, hệ thống luận điểm chặt chẽ, lập luận thuyết phục, sử dụng dẫn chứng thuyết phục.

Sau đây là một hướng gợi ý:

1. Mở đoạn:

Giới thiệu khái quát về “sống xanh” và tầm quan trọng của nó.

2. Thân đoạn:

- Giải thích ngắn gọn khái niệm “sống xanh” (lối sống bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên).

- Lý do sống xanh là cấp thiết (biến đổi khí hậu, ô nhiễm).

- Lợi ích của sống xanh (bảo vệ môi trường, sức khỏe, tương lai bền vững).

3. Kết đoạn:

Khẳng định “sống xanh” là trách nhiệm của mỗi người trong xã hội hiện đại.

1,5 điểm

Có sự sáng tạo trong cách viết.

0,25 điểm

2

Anh/ chị hãy viết bài văn nghị luận phân tích ngữ liệu ở phần đọc hiểu.

4,0 điểm

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận

- Học sinh biết tạo lập một bài văn nghị luận đảm bảo đủ cấu trúc 3 phần: Mở bài, Thân bài, Kết bài.

0,25 điểm

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Anh/ chị hãy viết bài văn nghị luận phân tích ngữ liệu ở phần đọc hiểu.

0,25 điểm

c. Triển khai vấn đề nghị luận

- Chia vấn đề nghị luận thành các luận điểm, luận cứ phù hợp, có sức thuyết phục; sử dụng tốt các thao tác lập luận; biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng.

- HS có thể triển khai theo những cách khác nhau, nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:

1. Mở bài:

- Giới thiệu tác giả Nguyễn Dữ và tác phẩm “Truyền kỳ mạn lục”.

- Giới thiệu nội dung chính của truyện “Chuyện gã trà đồng Giáng sinh” và những giá trị mà câu chuyện muốn truyền tải.

2. Thân bài:

* Phân tích nhân vật Đức Công (Dương Đức Công):

- Đức Công là quan thanh liêm, xử án công bằng, nhân từ, được nhân dân yêu mến gọi là “Đức Công”.

- Sự việc Đức Công ốm nặng rồi chết lâm sàng và được phán xét bởi hai vị thẩm phán ở cõi âm, thể hiện tư tưởng nhân quả và sự ghi nhận của cõi trời với những người sống thiện lương.

* Chi tiết kỳ ảo và ý nghĩa:

- Sự xuất hiện của các chi tiết kỳ ảo như “sổ son”, “dinh tòa Phong Đô”, việc Đức Công được ban thêm tuổi thọ và con trai là biểu hiện cho quan niệm nhân quả, thưởng phạt rõ ràng.

- Lời dặn của vị thẩm phán “cố gắng làm thêm điều âm đức” nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sống thiện, làm việc tốt trong đời.

* Vai trò của con trai Thiên Tích:

- Thiên Tích, con trai của Đức Công, là phần thưởng cho cuộc đời lương thiện của ông. Thiên Tích là người thông minh, ham học và có tài năng vượt trội.

- Hình ảnh của Thiên Tích giúp khẳng định tư tưởng truyền thống về việc con cái nối dõi, là niềm tự hào của gia đình và sự tiếp nối dòng dõi.

* Giá trị tư tưởng và đạo đức:

- Truyện thể hiện quan niệm về luật nhân quả, sự công bằng trong cõi âm và sự khuyến khích làm việc thiện để được phúc báo.

- Đồng thời, câu chuyện cũng phản ánh ước vọng về hạnh phúc gia đình, con cái hiếu thảo và tiếp nối sự nghiệp cha ông.

3. Kết bài:

- Khẳng định giá trị nhân văn của truyện “Chuyện gã trà đồng Giáng sinh”.

- Nhấn mạnh tư tưởng về sự thiện lương, nhân quả, và trách nhiệm của mỗi người trong việc sống đạo đức, làm điều tốt để được hưởng phúc báo.

3,0 điểm

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

0,25 điểm

e. Sáng tạo

- Bài viết có luận điểm rõ ràng, lập luận thuyết phục, diễn đạt trong sáng, bài viết thể hiện được sự sáng tạo, độc đáo riêng.

- Chữ viết sạch đẹp, rõ ràng, văn phong lưu loát; không mắc lỗi chính tả, lỗi dùng từ, đặt câu.

0,25 điểm

* Lưu ý: Phần hướng dẫn trên đây chỉ là những gợi ý, định hướng. Học sinh có nhiều cách diễn đạt khác nhau, giám khảo cần linh hoạt vận dụng hướng dẫn chấm và câu trả lời của học sinh để đánh giá cho điểm phù hợp, ưu tiên những bài làm có tính sáng tạo cao,. Điểm toàn bài cho lẻ đến 0,25 điểm.

Đánh giá

0

0 đánh giá