Tailieumoi.vn xin giới thiệu bài văn mẫu Đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ tám chữ Ngữ văn 9 Kết nối tri thức, gồm dàn ý và các bài văn phân tích mẫu hay nhất giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo từ đó học cách viết văn hay hơn.
Đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ tám chữ
Đề bài: Viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ tám chữ.
Dàn ý Đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ tám chữ
a. Mở đoạn
- Giới thiệu bài thơ (nhan đề, tác giả).
- Nêu ấn tượng chung về bài thơ.
b. Thân đoạn
- Trình bày cảm nhận về nội dung (mạch cảm xúc, chủ đề, thông điệp,...) của bài thơ.
- Nêu cảm nghĩ về những yếu tố nghệ thuật và tác dụng của chúng trong việc biểu đạt nội dung, nêu tác dụng của thể thơ tám chữ trong việc tạo nên nét đặc sắc của bài thơ.
c. Kết đoạn
- Khái quát cảm nghĩ về bài thơ.
Đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ tám chữ - Mẫu 1
Trong đoạn trích của bài thơ "Trưa hè" của tác giả Anh Thơ. Tác giả đã vẽ cho chúng ta một bức tranh đẹp đẽ vô cùng, bức tranh vẽ về một buổi trưa hè vô cùng giản dị và mộc mạc ở một làng quê của nước Việt Nam xinh đẹp. Đây là một bức tranh rất đẹp và thanh bình. Bức tranh thiên nhiên buổi trưa hè với: bầu trời xanh, dải mây trắng, ánh nắng vàng, hoa lựu đỏ, vài ba chú bướm bay lượn... Bầu trời ngày hè cao vời vợi, ôi mới trong xanh làm sao, một màu xanh biếc ánh lên vẻ tươi sáng trong trẻo. Hòa lẫn vào màu xanh đó là những dải mây trắng muốt đang nhè nhẹ lướt trên nền trời xanh bao la. Xa xa có những đám mây màu hồng nhạt với những hình thù trông thật kì quặc. Ánh nắng ngày hè mới chói chang và gay gắt làm sao, những ánh nắng như đỏ lửa trải dài khắp cả một vùng quê như thể chúng đang muốn thiieu dọi mọi thứ nơi đây. Trong cái nóng đỏ lửa ấy, từng cơn gió từ đâu ghé qua nơi đây làm dịu đi phần nào cái nắng của buổi trưa hè. Rặng tre đầu làng đu đưa theo gió. Vài cánh diều đã theo chị gió bay lên cao tít, những cánh diều với đủ màu sắc và hình thù khác nhau do các nghệ nhân nhí trong làng tạo ra đang dập dờn trước gió nhìn trông vô cùng vui mắt. Tiếng sáo diều vi vu, khoan nhặt, đã phá vỡ cái không khí yên tĩnh vốn có của bưởi trưa hè. Trong vườn, một số cây rất hay được trồng như: cây mít, cây dứa,...đang bắt đầu bước vào đọ chín, mùi hương rất thơm và thoang thoảng khắp mọi nơi. Khi nhắc đến mùa hè thì chắc hẳn chúng ta sẽ nghĩ tới cây hoa phượng đầu tiên. Hoa phượng là biểu tượng của mùa hè, khi nhìn thấy nó ta sẽ nghĩ ngay tới những ngày hè oi ả và nóng bức. Hoa phượng nở cũng là lúc một năm học nữa lại sắp kết thúc, chúng ta sẽ phải xa mái trường thân yêu một thời gian.Nhưng em cảm thấy điểm nổi bật nhất của mùa hè đó chính là những chùm hoa lựu đỏ rực như những đốm lửa đang bùng cháy cả một góc vườn. Tô điểm cho không gian thêm phần sống động không ai khác ngoài mấy cô bướm xinh đẹp mang cho mình những đôi cánh mới kiêu sa làm sao. Những đôi cánh lộng lẫy với đủ sắc màu. Tiếng ve kêu râm ran khắp mọi nơi, tiếng ve giống như một bản hòa ca vang vọng khắp không gian. Tất cả đã làm cho làng quê Việt như bừng lên một sức sống mới. Cảnh làng quê vào buổi trưa hè thật đẹp, thật độc đáo, với những hình ảnh bình dị, quen thuộc gắn bó với mỗi người dân và tạo nên cái hồn riêng cho quê hương. Chúng ta, ai cũng có quê hương, quê hương là nơi ta sinh ra, là nơi cho ta những kỉ niệm đẹp đẽ về thời thơ ấu của mình. Buổi trưa hè là một bức tranh đẹp về quê hương. Nó là làm cho chúng ta thêm yêu quê hương của mình hơn. Với bao hình ảnh quen thuộc gắn bó với mỗi người và đẻ lại cho chúng ta biết bao cảm xúc khó quên, những hình ảnh khó có thể phai mờ trong tâm trí của mỗi người con đất Việt.
Đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ tám chữ - Mẫu 2
Không phải ngẫu nhiên mà Rasul Gamzatov đã từng tâm niệm rằng: “ Thơ ca bắt nguồn từ những âm vang của tâm hồn”. Thật vậy, thi ca muôn đời là nơi bộc lộ những trở trăn, nhưng nghĩ suy thổn thức của trái tim người nghệ sĩ trước cuộc đời. Và thơ Lưu Quang Vũ cũng chính là những nỗi niềm chân thành của thi nhân. Đến với thế giới nghệ thuật của nhà thơ này, người đọc sẽ bắt gọn những cảm xúc đầy xúc động, để lại những dư âm, dư ba qua thi phẩm mang tên “Tiếng Việt”.
Lưu Quang Vũ là một nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch tài năng. Bài thơ “Tiếng Việt” của nhà thơ đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc. Bài thơ đã ca ngợi sự giàu đẹp của tiếng việt: vừa giản dị, mộc mạc, vừa phong phú, sâu sắc. Tiếng việt có sức sống mãnh liệt, thấm đẫm giá trị dân tộc, bồi đắp tâm hồn, tình yêu dân tộc. Bằng lời thơ chân thành, nhà thơ Lưu Quang Vũ đã thể hiện tình yêu, niềm tự hào, sự trân trọng với Tiếng việt.
Mở đầu bài thơ, nhà thơ không sử dụng những khái niệm trừu tượng để lí giải Tiếng việt mà người nghệ sĩ đã sáng tạo nên một thế giới hình ảnh sinh động, gần gũi với cuộc sống của chúng ta, đó là tiếng mẹ gọi, tiếng cha dặn, tiếng kéo gỗ, câu hát, lời ru,...
Tiếng mẹ gọi trong hoàng hôn khói sẫm
Cánh đồng xa cò trắng rủ nhau về
Có con nghé trên lưng bùn ướt đẫm
Nghe xạc xào gió thổi giữa cau tre.
...
Tiếng cha dặn khi vun cành nhóm lửa
Khi hun thuyền, gieo mạ, lúc đưa nôi
Tiếng mưa dội ào ào trên mái cọ
Nón ai xa thăm thẳm ở bên trời.
Âm thanh hiện lên trong câu thơ là những âm thanh đậm tình, sâu lắng, những âm thanh gắn liền với cuộc sống hằng ngày. Đó là âm thanh của tiếng mẹ gọi, tiếng kéo gỗ, tiếng gọi đò, tiếng lụa, tiếng cha dặn,.. Những âm thanh nghe sao mà thiết tha.
Tình yêu tiếng Việt in sâu vào tâm khảm mỗi người từ những ngày bé thơ khi tập đọc ê a từng con chữ đầu lòng:
Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếnmg nói
Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ
Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa
Óng tre ngà và mềm mại như tơ.
Tiếng Việt là kết quả của Tình yêu và Lao động. Mọi mặt của đời sống dân tộc đã làm nên hồn cốt của tiếng việt. Bởi vậy chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói. Tiếng Việt là thứ của cải vô cùng lâu đời và quý báu của dân tộc. Nhà thơ Lưu Quang Vũ rất tài hoa khi sử dụng biện pháp nghệ thuật so sánh để khái quát đặc trưng tiếng nói của dân tộc. Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa/ Óng tre ngà và mềm mại như tơ. Đây là một phát hiện mới mẻ của thi sĩ. Nhà thơ đã sử dụng hình ảnh quen thuộc, gần gũi, mang đậm bản sắc dân tộc, đó là hình ảnh đất cày, lụa, tre ngà, tơ. Hai câu thơ giúp người đọc cảm nhận được vẻ đẹp mộc mạc, chân chất, khỏe khoắn, vừa mềm mại, dịu dàng, vừa cứng cỏi lại óng ả của Tiếng Việt.
Người Việt Nam ngày nay có đầy đủ lý do và bằng chứng để tự hào về tiếng Việt của mình. Vẻ đẹp của tiếng Việt đến từ mọi khía cạnh, đến từ cả sự giàu đẹp và đa dạng của tiếng Việt. Âm điệu của tiếng Việt đa dạng và trầm bổng nhờ hệ thống 4 dấu gồm: huyền, sắc, hỏi, ngã, nặng:
Tiếng tha thiết, nói thường nghe như hát
Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh
Như gió nước không thể nào nắm bắt
Dấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh.
Thật vậy, chúng ta thấy ngôn ngữ tiếng Việt có hệ thống dấu thanh rất đa dạng. Mỗi một dấu thanh khi sử dụng giống như một nốt nhạc. Với những thanh bằng như huyền, ngang giống như những nốt trầm. Những thanh trắc như sắc hỏi, ngã nặng lại giống như những thanh cao. Tiếng Việt còn có hệ thống ngữ âm rất phong phú lại rất đa dạng về ngữ nghĩa. Ông cha ta vẫn thường hay nói Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam. Là một người dân Việt Nam chúng ta có quyền tự hào về sự giàu đẹp của tiếng Việt. Chúng ta cũng cần có trách nhiệm giữu gìn sự giàu đẹp ấy.
Mỗi một khổ thơ là mỗi cung bậc cảm xúc khác nhau. Bằng lời thơ chân thành, nhà thơ Lưu Quang Vũ đã thể hiện niềm trân trọng, nó như lời nhắc nhở thế hệ trẻ ngôn ngữ ngàn đời của dân tộc
Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ
Quên nỗi mình quên áo mặc cơm ăn
Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá
Tiếng Việt ơi! Tiếng Việt ân tình
Từ cảm thán vang lên như lời chân tình sâu nặng của nhà thơ. Tiếng việt là kết quả lao động vất vả của những người nhân dân. Người nhân dân đã lao động, sáng tạo, đổ biết bao mồ hôi công sức, chịu đựng bao vất vả, bao hi sinh để gìn giữ, vun đắp cho tiếng việt ngày càng giàu đẹp. Qua đó, nhà thơ đã ca ngợi sức sống mãnh liệt của con người Việt Nam, cần cù, chịu thương, chịu khó, ân tình, thủy chung son sắt. Nhà thơ nhắc nhở thế hệ mau sau phải biết giữ gìn, phát huy thứ ngôn ngữ của dân tộc.
Tiếng Việt là một bài thơ hay, chứa đựng ý nghĩa sâu sắc. Kết thúc tác phẩm nhưng nó vẫn để lại trong lòng người đọc biết bao ấn tượng sâu sắc, là bài học về lòng yêu nước, giữ gìn, phát huy giá trị tốt đẹp của dân tộc.
Đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ tám chữ - Mẫu 3
Khát vọng tự do là khát vọng muôn đời mà không chỉ con người mà ngay cả đến loài vật cũng đều ao ước. Và với một vị chúa tể rừng già thì khát vọng ấy chẳng phải càng khao khát và mãnh liệt hơn sao ? Con hổ trong bài thơ " Nhớ rừng" của Thế Lữ là một con vật hoàn toàn bị rơi vào tư thế bị động, hoàn toàn mất tự do, mất đi cái uy linh của một vị chúa tể rừng xanh khi bị giam cầm trong cũi sắt. Dù vậy nhưng con hổ chưa bao giờ chịu khuất phục hoàn toàn thực tại chán chường ấy, nó vẫn nhớ về rừng xanh, nhớ về một thời oanh liệt của trước kia như một cách để thể hiện khát vọng tự do mãnh liệt của loài hổ. Con hổ nhớ về quá khứ, trong suy nghĩ của nó vẫn là dòng hồi tưởng về quá khứ huy hoàng, oai phong ấy.Đó chính là hình ảnh uy nghi của chính mình, của những bước chân đầy tự do, phóng khoáng “ta bước chân lên dõng dạc đường hoàng”, đó chính là dáng vẻ oai vệ, uyển chuyển của chính mình “Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng”.Trong những bước chân tự do ngày ấy, con hổ có thể tự chủ mọi thứ xung quanh mình, sống chan hòa với thiên nhiên,với cỏ cây, hoa lá “Vờn bóng âm thầm, lá gai, cỏ sắc”. Đó là cuộc sống tự do, tự tại của chúa tể sơn lâm. Dòng hồi tưởng cũng khiến con hổ tự hào về quá khứ đã xa của mình . Tiếp nối dòng cảm xúc ấy, trong đoạn thơ thứ ba là những hồi ức uy nghi, lẫm liệt của “chúa sơn lâm” trong rừng xanh, đó là những kí ức không thể nào quên. Khung cảnh thiên nhiên hiện ra đẹp với cảnh trăng, rừng, mặt trời.Câu hỏi tu từ:" Nào đâu ..." gợi nhắc lại quá khứ oai hùng, sự tiếc nuối những ngày tự do.Sức mạnh của con hổ được diễn tả bằng hình ảnh: mắt thần đã quắc, lượn tấm thân như sóng cuốn nhịp nhàng, uống ánh trăng tan, ngắm giang sơn, giấc ngủ tưng bừng. Tất cả những từ ngữ đó đã góp phần thể hiện tâm trạng chán chường, căm phẫn, khinh ghét của con hổ khi ở vườn bách thú, một tâm trạng đối lập hoàn toàn với tâm trạng vui vẻ, sự oai hùng, lẫm liệt của con hổ khi ở đại ngàn. Tâm sự của con hổ cũng chính là ẩn dụ cho tâm trạng của người dân mất nước luôn cảm thấy căm hờn, tủi nhục, chán ngán với hiện tại, họ nhớ tiếc thời oanh liệt, vàng son của cha ông.
Đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ tám chữ - Mẫu 4
Quê hương của Tế Hanh là một trong những bài thơ mà tôi cảm thấy yêu thích. Mở đầu bài thơ, tác giả đã giới thiệu về quê hương vốn là một làng nghề đánh cá, nằm gần biển. Cách giới thiệu trực tiếp, ngắn gọn và dễ hiểu cho người đọc. Những câu thơ tiếp theo, tác giả khắc họa khung cảnh người dân căng thuyền ra khơi thật sinh động. C on thuyền giống như linh hồn của người dân làng chài, nổi bật trên nền trời bao la rộng lớn ngoài biển khơi. Không khí ra khơi thực sự gợi cho người đọc sự hào hứng, mong đợi về một vụ mùa bội thu. Ở đoạn cuối, tác giả khắc họa hình ảnh con thuyền khi trở về mới thực sự ấn tượng. Hình ảnh người dân chài lưới với nước da ngăm nhuộm nắng, nhuộm gió hiện lên vô cùng chân thực. Câu tiếp gợi ra một sáng tạo độc đáo, thú vị gợi ra hình ảnh thân hình vạm vỡ, thấm vị mặn mòi, nồng tỏa ra “vị xa xăm” của biển khơi của họ. Con thuyền được nhân hóa với từ “im”, “mỏi, “trở về” và “nằm”. Kết thúc một ngày lao động vất vả, chiếc thuyền cũng giống như con người, biết mệt mỏi nên đã nằm lặng im để nghỉ ngơi. Việc sử dụng ẩn dụ chuyển đổi cảm giác “nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ” cho thấy cảm nhận đầy tinh tế của nhà thơ. Con thuyền cũng có linh hồn, đang cảm nhận được hương vị của biển cả đang thấm dần trong “cơ thể” của mình. Khổ thơ cuối là lời bộc lộ nỗi nhớ quê hương sâu sắc. Bài thơ Quê hương thật sự rất hay và hấp dẫn.
Đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ tám chữ - Mẫu 5
Bài thơ Quê hương của Tế Hanh gợi cho tôi nhiều cảm xúc, ấn tượng. Những câu thơ mở đầu là lời giới thiệu hết sức đơn giản về quê hương của mình. Đó là một làng chài có truyền thống lâu đời, nằm gần biển. Sau đó, tác giả tiếp tục khắc họa công việc quen thuộc của người dân quê hương đó là ra khơi đánh bắt cá. Hình ảnh con thuyền ra khơi đầy dũng mãnh, hứa hẹn về một vụ mùa bội thu . Nhưng có lẽ với tôi, ấn tượng nhất phải là khung cảnh đoàn thuyền khi trở về. Bến đỗ trở nên tấp nập, sôi động cho thấy một chuyến ra khơi bội thu. Người dân chài lưới đầy khỏe khoắn đang làm công việc thu hoạch cá. Con thuyền thì trở về năm nghỉ ngơi sau hành trình lao động vất vả.Đến khổ thơ cuối, Tế Hanh đã bộc lộ trực tiếp nỗi nhớ quê hương khi phải xa cách. Tác giả nhớ những hình ảnh quen thuộc của quê hương “màu nước xanh”, “cá bạc”, “chiếc buồm vôi”, “con thuyền rẽ sóng”… Câu thơ cuối thốt lên gửi gắm tình cảm, nỗi nhớ da diết: “Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá!”. Tác phẩm có âm điệu khoẻ khoắn, hình ảnh sinh động cùng với ngôn từ giản dị. Tôi thực sự yêu thích bài thơ Quê hương.
Đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ tám chữ - Mẫu 6
Bài thơ mượn lời một con hổ ở vườn Bách thú, đề tài đầy kịch tính. Cảnh ngộ là một thân tù hèn mọn, bất lực, hồn vía là một chúa sơn lâm. Ông chúa này đã hết thời đập phá hung dữ đòi tự do. Ông chúa đã thấm thía sự bất lực và ý thức được tình thế của mình, cam chịu cảnh gặm nhấm một mối căm hờn, nằm dài trông ngày tháng qua, mặc cho thân thế bị tụt xuống ngang cấp với các loài hèn kém. Nhìn bề ngoài, người ta có thể nói con hổ này đã được thuần hóa, chịu ngang bầy cùng bọn gấu dở hơi, với cặp báo chuồng bên vô tư lự. Nhưng đấy chỉ là bề ngoài thôi, còn thế giới bên trong của mãnh thú, tội nghiệp thay, vẫn ngùn ngụt lửa. Bút pháp lãng mạn của Thế Lữ có dịp tung hoành, có dịp chứng tỏ sức diễn đạt phong phú của Thơ mới khi dựng lại khung cảnh kỳ vĩ trong mộng tưởng của chúa sơn lâm. Trong hoàn cảnh bài thơ ra đời (1934), tâm trạng tủi nhục, đau đớn, uất hận… của con hổ nhớ rừng đồng điệu với bi kịch của nhân dân ta đang rên xiết trong xích xiềng nô lệ. Nhớ rừng là khao khát sống, khao khát tự do. Bài thơ mang hàm nghĩa như một lời nhắn gửi kín đáo, tha thiết về tình yêu giang sơn đất nước. Tư tưởng lớn nhất của bài thơ là cái giá của tự do. Hình tượng con hổ nhớ rừng là sự thể hiện tuyệt vời tư tưởng vĩ đại ấy.
Đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ tám chữ - Mẫu 7
Ở trong Nhớ Rừng, Thế Lữ đã thể hiện một tâm sự u uất, chán nản và khát vọng tự do cháy bỏng tha thiết qua lời mượn của con hổ trong vườn bách thú. Đó cũng là tâm sự chung của những người Việt Nam yêu nước trong hoàn cảnh mất nước. Nỗi lòng của hổ là tâm sự của chàng thanh niên Thế Lữ mơ về cuộc sống tươi đẹp đã qua trong quá khứ. Đó cũng là tinh thần chung của hầu hết các bài thơ của Thế Lữ cũng như trong phong trào Thơ Mới, mang theo khát khao của con người muốn được sống chính là mình. Nhớ Rừng không thể thoát ra khỏi nỗi buồn, “tâm bệnh của thời đại” bấy giờ. Nhưng bài thơ đặc sắc chính bởi vì tạo nên điểm gặp gỡ giữa sự u uất của người dân mất nước và tâm trạng bất hòa bất lực trước thực tại của thế hệ thanh niên trí thức tiểu tư sản. Qua đó khơi lên niềm khát khao tự do chính đáng. Giàu cảm hứng lãng mạn và cảm xúc mãnh liệt, Nhớ Rừng đã lan tỏa một hồn thơ hối thúc và nhiều hình ảnh thơ đầy ấn tượng miêu tả vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng. Thành công của Thế Lữ là đã thể hiện một trí tưởng tượng phong phú khi mượn hình ảnh con hổ trong vườn bách thú để nói hộ cho những tâm sự kín đáo sâu sắc của mình. Qua đó diễn tả nỗi chán ghét cảnh sống tù túng, đồng thời khơi lên tình cảm yêu nước của người dân thuở ấy.
Đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ tám chữ - Mẫu 8
Quê hương là nguồn cảm hứng vô tận của nhiều nhà thơ Việt Nam và đặc biệt là Tế Hanh - một người con xa quê đã lâu lựa chọn đề tài trên để viết ra những tâm tình của mình. Bài thơ “Quê hương” là một trong những bài tiêu biểu nhất trong sự nghiệp của ông, qua đó ta thấy được phong cách giản dị, giàu hình ảnh, thấm đượm tình cảm thiết tha. Cả bài thơ là bức tranh làng quê miền biển và khung cảnh lao động của người dân chài qua đó chúng ta thấy được Nỗi nhớ da diết, tình cảm thắm thiết của tác giả đối với quê hương của mình. Với thể thơ tám chữ hiện đại, đong đầy cảm xúc kết hợp với hình ảnh liên tưởng, so sánh, nhân hóa vô cùng độc đáo tạo nên bài thơ giản dị, gần gũi. Tế Hanh đã sử dụng một số hình ảnh đặc trưng của miền biền “dân trai tráng, chiếc thuyền, mảnh thuyền, màu nước xanh, cá bạc,...” cho chúng ta thấy được quê hương của ông luôn đậm nét không bao giờ phai nhạt trong tâm trí người thi sĩ. Cùng với đó Tế Hanh cũng sử dụng các hình ảnh so sánh thú vị “Cánh thuyền to như mảnh hồn làng/ Rướn thân trắng bao la thâu góp gió”. Cánh buồm – cái cụ thể hữu hình được so sánh với hồn làng – cái trừu tượng vô hình. Hồn làng tức linh hồn, là nét riêng sâu thẳm, linh thiêng của quê hương, của làng chài mà nhà thơ cảm nhận qua một cánh buồm giương. Hình ảnh thơ thật khoáng đạt, kỳ vĩ, mang sức vóc tung tỏa của nó. Đây cũng là sự phát hiện tinh tế, chính xác của nhà thơ: cánh buồm thân thuộc, gắn bó, không thể thiếu trong đời sống mưu sinh, biểu tượng của một làng chài. Vẫn con thuyền ra khơi, giờ đây trở về sau một ngày chạy đua cùng sóng gió được nhà thơ nhân hóa giống như một con người, một nhà hiền triết với dáng nằm thư giãn, lặng lẽ, suy tư: Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm / Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ.” Nghe (cảm nhận bằng thính giác) nhưng ở đây lại nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ; sự chuyển đổi cảm giác thật tinh tế. Không chỉ con người mà ngay đến cả con thuyền cũng thấm đẫm hương vị biển, thấy vị mặn mòi của muối biển đang râm ran trong cơ thể mình hay đó chính là cái dư vị dịu êm mà giản dị của nhịp đời miền quê biển. Nếu không gắn bó, yêu thương quê hương mình bằng tình cảm trong sáng, đằm thắm thì nhà thơ không thể cảm nhận và thể hiện được một cách tài hoa, sinh động những vẻ đẹp của người quê, cảnh quê trong những câu thơ tươi tắn, nồng nàn như vậy. Bài thơ với âm điệu khoẻ khoắn, hình ảnh sinh động tạo cho người đọc cảm giác hứng khởi, ngôn ngữ giàu sức gợi vẽ lên một khung cảnh quê hương “rất Tế Hanh”.
Đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ tám chữ - Mẫu 9
Ông hoàng thơ tình Việt Nam đã viết lên bài thơ “Yêu” với xúc cảm chân thành, mãnh liệt, với một trái tim dành hết cho sức sống tuổi trẻ và tình yêu đôi lứa. Bài thơ Yêu được in trong Tuyển tập Tự lực văn đoàn vào năm 2004 với cảm hứng chính là cảm xúc của tác giả khi phải trải qua mối tình đơn phương, nhưng tình cảm ấy vô cùng đặc biệt, khiến người đọc ấn tượng sâu sắc. Đối với ông, yêu là “chết ở trong lòng một ít”, vì khi yêu ta dành hết trái tim mình, trọn vẹn suy nghĩ và tình cảm dành cho đối phương, khi không được đáp lại, thì trong lòng tan vỡ từng ngày. Những giây phút được hạnh phúc, được chìm đắm trong tình yêu đối với Xuân Diệu cũng như giây phút chia biệt đầy buồn thảm, ông sợ rằng khi mình đem lòng yêu một ai đó, không có điều gì đảm bảo tình yêu sẽ mãi tồn tại như vậy, nó sẽ dần dần phai nhạt và biến mất nếu như ta không vội vàng lên, nắm lấy và cảm nhận, sống cho trọn vẹn mình với tình yêu ấy. Xuân Diệu tự gọi tên chính mình và những người đang yêu khác là những kẻ cuồng si, trao hết trái tim mình cho người tình mang tên “tình yêu”, Bằng những hình ảnh thơ giàu sức gợi hình gợi tả, ngôn ngữ giản dị nhưng lại gợi sức liên tưởng vô cùng sâu sắc cho người đọc. Bạn đọc cảm nhận được những vẻ đẹp của tình yêu. Bài thơ xứng đáng là bài thơ hay nhất viết về chủ đề tình yêu và sẽ mãi neo đậu trong trái tim bạn đọc.
Đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ tám chữ - Mẫu 10
Bếp lửa là một tác phẩm được nhà thơ Bằng Việt sáng tác trong giai đoạn miền Bắc nước ta đang bước và thời kì xây dựng chủ nghĩa xã hội. Xuyên suốt bài thơ là hình ảnh bếp lửa ấm áp giản dị gợi lại biết bao kỉ niệm thân thương về bà. Nhắc đến bà là những tảo tần sớm hôm vất vả. Bằng nghị lực phi thường và tình yêu thương cháu nhỏ, sớm sớm chiều chiều vẫn bếp lửa bà nhen để lo cho cháu cái ăn, cái mặc... Bếp lửa ấy mang lại những tia sáng thần kì biết mấy: “ấp iu nồng đượm”, “nhóm niềm yêu thương khoai sắn ngọt bùi”, “nhóm nồi xôi gạo mới thổi chung vui”, “nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ”,... Bếp lửa không còn là bếp lửa hiểu theo nghĩa đen mà đã được chuyển nghĩa đề trở thành biểu tượng của yêu thương, của sẻ chia và che chở. Đó là biểu tượng thiêng liêng về cuộc đời người bà thân yêu trong trái tim cháu. Chính bởi những điều đó, bếp lửa và bà trở thành hai hình ảnh thơ độc đáo, có mối quan hệ khăng khít không thể tách rời.