Tài liệu tác giả tác phẩm Cái bóng trên tường Ngữ văn lớp 9 Chân trời sáng tạo gồm đầy đủ những nét chính về văn bản như: tóm tắt, nội dung chính, bố cục, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, hoàn cảnh sáng tác, ra đời của tác phẩm, dàn ý từ đó giúp học sinh dễ dàng nắm được nội dung bài Cái bóng trên tường lớp 9.
Tác giả tác phẩm: Cái bóng trên tường - Ngữ văn 9
I. Tác giả Nguyễn Đình Thi
- Nguyễn Đình Thi (1924 – 2003), là nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình văn học, nhạc sĩ, tác giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng thuộc các thể loại: thơ, truyện, kịch, âm nhạc,…
1. Thể loại
- Tác phẩm Cái bóng trên tường thuộc thể loại: bi kịch
2. Xuất xứ
- In trong Tuyển tập Nguyễn Đình Thi, kịch, NXB Văn học, 1993.
3. Phương thức biểu đạt
- Phương thức biểu đạt: tự sự
4. Tóm tắt
Người chồng đi trận mạc lâu ngày trở về nghe con nhỏ nói về cái bóng vợ đêm đêm in trên tường. Không rõ căn nguyên người chồng đã nghi ngờ và kết tội cho vợ là ngoại tình và người vợ đã chết để bảo vệ danh dự của mình. Người chồng hối lỗi không kịp và một đời mang nỗi ân hận.
5. Bố cục đoạn trích
- Phần 1 (từ đầu đến “- Giời đất ơi!”): Cuộc nói chuyện của người chồng và người con
- Phần 2 (tiếp đến “Đi đi!”): Người chồng hiểu lầm, đuổi người vợ đi
- Phần 3 (tiếp đến “- Mẹ ơi! Mẹ ơi!...”): Hiểu lầm được hóa giải
- Phần 4 (còn lại): Sự hối hận của người chồng và nỗi lòng của người vợ
6. Giá trị nội dung
- Văn bản Cái bóng trên tường cho thấy sự xung đột dữ dội giữa người chồng ít học, đa nghi, kết tội cho vợ là ngoại tình với người vợ chung thuỷ, đảm đang, sẵn sàng dùng cái chết để bảo vệ danh dự của mình. Qua đó, thể hiện sự thương cảm của tác giả đối với số phận người phụ nữ và ngợi ca, trân trọng vẻ đẹp nhân cách, tâm hồn của họ.
7. Giá trị nghệ thuật
- Văn bản có ít yếu tố li kì, kì ảo hơn, tập trung sâu hơn vào nội tâm nhân vật chính.
- Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật đặc sắc.
1. Cốt truyện và xung đột truyện
- Cốt truyện: Trương Sinh đi lính trở về, vì nghe lời ngây thơ của con trẻ, lại đa nghi, đã nghi oan cho Vũ Thị Thiết, nàng không thể giải thích cho chồng hiểu nên đã nhảy xuống sông tự vẫn để minh chứng cho sự thủy chung của mình. Trương Sinh đêm ru con đi ngủ đã phát hiện ra sự thật, bèn làm cỗ cúng vợ. Trương Sinh ân hận nhưng đã quá muộn.
- Xung đột: Xung đột giữa lòng tin yêu và sự nghi ngờ.
2. Nhân vật người chồng và người vợ
- Người chồng: không phân biệt đúng sai đuổi vợ ra khỏi nhà (Muốn đi đâu thì đi. Tôi không muốn nhìn thấy cô nữa!; Thôi, cô đi đi, đừng để tôi túm lấy cô rồi ném xuống sông kia; Cô càng nói thì tôi lại càng không thể nhìn được cái mặt kia, ghê sợ quá;...) Sau khi Vũ Nương bị đuổi ra khỏi nhà, sự vô tâm, tàn nhẫn của Trương Sinh còn được thể hiện thông qua thái độ lạnh nhạt, dửng dưng nhưng đêm về lại khấn cho Vũ Nương siêu thoát.
- Người vợ: hiền hậu, thuỷ chung, có tấm lòng nhân hậu, tha thứ cho chồng. (Anh thay em mà trông nom con, anh nhé. Anh vừa làm bố, vừa làm mẹ cho con. Rồi sau này tìm một người làm bạn, anh tìm người nào biết thương con; ...)
=> Chồng thay đổi thái độ với vợ vì biết người sai là mình, hiểu được nguyên nhân câu chuyện và chính mình là người gián tiếp hại vợ mình.
3. Ý nghĩa của hình ảnh “cái bóng trên tường”
- Là một hình ảnh ẩn dụ giàu sức gợi cảm, góp phần làm nên thành công cho tác phẩm.
- Nó chính là nguyên nhân dẫn đến cái chết của người vợ, gợi cảm giác ám ảnh, day dứt, không thể nào quên.
- Thể hiện nỗi buồn, sự bất lực trước thực tế phũ phàng, vợ sẽ luôn bên cạnh người chồng, nhưng chỉ là cái bóng.
IV. Đọc tác phẩm: Cái bóng trên tường
CÁI BÓNG TRÊN TƯỜNG
- Nguyễn Đình Thi -
Người chồng: - À cu Đản dậy rồi à? Mẹ đi chợ. Bố vào đây. Hai bố con ta ăn cơm nếp nhé. Đây, bố đây. (Người chồng xuống bếp, bưng niêu cơm nếp vừa đi vào nhà vừa nói chuyện với con.) Nào bố con ta ăn cơm nếp với nhau, rồi đến chốc nữa, bố cõng con ra viếng mộ bà nhé. Cu Đản có đi với bố không?
Tiếng đứa con: - Đản biết mộ bà rồi ... Ơ ... Ông là bố Đản à?
Tiếng người chồng: - Chứ còn gì nữa. Thế cu Đản có biết Đản họ gì không nào?
Tiếng đứa con: - Đản họ Trương.
Tiếng người chồng: - Ồ, đúng quá, cu Đản thế mà giỏi. Đản họ Trương, Đản là con giai bố, họ Trương.
Tiếng đứa con: -Thế ông cũng là bố Đản à? Bố Đản không nói kia mà.
Tiếng người chồng: - Ai không nói?
Tiếng đứa con: - Tối nào bố cũng vô với Đản, với mẹ đấy. Thế ông cũng là bố Đản à? Đản ra vườn chơi đây.
Người vợ: - Bố Đản. Tối nào bố Đản cũng đến, mẹ Đản đi bố cũng đi, mẹ Đản đứng bố cũng đứng, mẹ Đản ngồi bố cũng ngồi. Ngồi lâu lắm, Đản buồn ngủ quá, Đản ngủ thôi.
Tiếng người chồng: - Thế là ra làm sao! Con ơi, con nói thế nào?
Tiếng người chồng: - Giời đất ơi!
(Im lặng. Người chồng lảo đảo ra sân, ngồi như pho tượng đá. Lúc sau, người vợ cắp rá hoa hương đi về.)
Người vợ: - Em mua được đủ các thứ rồi đây. Các ông, các bà ấy cứ xúm lại hỏi thăm anh, ai cũng mừng cho mẹ con em. Con nó đâu, sao anh lại ngồi một mình thế?
Người chồng: - Bỏ các thứ ấy rồi đi đi.
Người vợ: - Ô hay! Đi đâu?
Người chồng: - Muốn đi đâu thì đi. Tôi không muốn nhìn thấy cô nữa!
Người vợ: - Anh nói sao, em chẳng còn hiểu gì cả!
Người chồng: - Xanh vỏ đỏ lòng, nhìn ngoài, ai mà biết được. Đi đi, đừng giả bộ nữa!
Người vợ: - Thế là thế nào! Sao bỗng dưng lại có chuyện thế này!
Người chồng: - (Vơ chiếc gậy, dữ tợn xông đến, giơ lên, rồi lùi lại, buông rơi chiếc gậy) Thôi, cô đi đi, đừng để tôi túm lấy cô mà ném xuống sông kia, thì tôi lại có tội với thằng bé.
Người vợ: - Nhưng mà em làm nên tội tình gì kia chứ! Sao lại kì lạ thế này!
Người chồng: - Tôi biết, ừ, tôi đã chết rồi mà! Ai đợi được người đã chết rồi! Ai nhớ mãi, thương mãi được người đã chết rồi! Tôi cũng chẳng trách gì cô đâu, cô còn trẻ quá, làm sao cô ở vậy như một bà già được!
Người vợ: - À, ra anh nghĩ vậy! Không có đâu, anh ơi. Làm gì có chuyện ấy, anh nghĩ oan cho em.
Người chồng: - Oan, cô cứ giả bộ mãi, tôi đã biết hết rồi.
Người vợ: - Biết cái gì mới được cơ chứ! Làm sao lại mọc ra chuyện như thế này! Đứa nào nói gì với anh?
Người chồng: - Thôi, dù thế nào, tôi cũng không ở với cô được! Cô để cho tôi nuôi thằng bé yên lành, thà chẳng có mẹ còn hơn ... Cô đừng bao giờ đặt chân đến đây nữa! Từng ấy năm, biết bao nông nỗi khốn khổ, chỉ còn nghĩ đến ngày về nhà để mà cố sống, ai ngờ! Thế là hết! Đời tôi bây giờ chỉ còn thằng bé đấy. Thế là hết!
Người vợ: - Giời cao đất dày ơi, có thấu cho tôi không! Anh ơi, anh không tin được em à? (im lặng) Em làm sao mà thay lòng đổi dạ với anh! (im lặng) Anh nhìn lại em xem nào!
Người chồng: - Cô càng nói thì tôi lại càng không thể nhìn được cái mặt kia! Ghê sợ quá!
Người vợ: - Giời đất ơi, đến thế này thì còn gì nữa! Anh ơi, anh sẽ nhìn thấy em nữa đ không bao giờ nhìn thấy em nữa đâu ...
Người chồng: - Thôi, cô đi đi.
Người vợ: - Anh cho em vào với con một tí, em chỉ xin anh thế thôi.
Người chồng: - Không được! Cô không được chạm vào nó. Thôi, đi đi, đi ngay đi cho khuất mắt tôi!
Người vợ: - Anh ơi, anh lầm rồi đấy! Anh nghĩ lại đi.
Người chồng: - Không phải nghĩ ngợi gì nữa! Tôi không muốn nghe tiếng cô nói. Tôi không muốn nhìn cái mặt của cô. Đi đi!
(Người vợ khóc và đi. Người chồng ngồi lặng như hóa đá. Lúc lâu sau, anh đi vào phía vườn, gọi "Đản ơi! Đản ơi". Im lặng. Chuyển ánh sáng sang buổi chiều tà. Tiếng xôn xao phía xa. Nhiều tiếng đàn bà kêu khóc “Giời ơi! Sao lại thế này! Khổ thân cô ấy! Anh Trương ơi! Anh Trương ơi, anh ở đâu mà để đến nông nỗi này!".
Lúc sau im dần. Người chồng từ mé xóm ngoài bãi sông đi về, ngồi lặng hồi lâu, rồi đốt một bó hương, đứng khấn vọng ra sông.)
Người chồng: - Cô Thiết, ở cõi bên kia, cô đừng oán tôi ... Thật tôi cũng không ngờ ... Tôi nghĩ là để cho cô đi tìm cái người vẫn đến với cô ... Không ngờ cô lại ra sông trẫm mình! Tôi nặng lời quá ... Nhưng mà tôi không thể nào để cô ở lại đây được. Tôi xin hẹn với vong hồn cô, tất cả chuyện lỗi lầm của cô, chưa một ai biết cả, tôi sẽ chỉ chôn chặt trong lòng, không bao giờ nói với ai ... Tôi xin hẹn, vì cô đã biết hối hận như thế, cho nên tôi cũng sẽ ở vậy nuôi thằng bé, chuyện cô tôi sẽ không nói gì với nó, tôi sẽ dạy bảo cho con nó suốt đời kính trọng, thương nhớ mẹ nó. Lạy Trời, lạy Phật thương tình cho vợ cũ của con là Vũ Thị Thiết, xin cho vong hồn Vũ Thị Thiết được nhẹ nhõm. Cô Thiết, tôi vẫn mang ơn cô đã trông nom mẹ tôi và nuôi nấng thằng con, những năm tôi đi lính, sống chết không biết thế nào ... Cô khôn thiêng thì phù hộ, che chở cho con ...
(Trời đã tối. Tiếng hai cha cơn trong nhà nói với nhau.)
Tiếng đứa con: - (khóc) Mẹ ơi ... Mẹ ơi ...
Tiếng người chồng: - Khổ con tôi!... Con không sợ gì cả, có bố đây rồi, từ bây giờ bố ở luôn với con. À, tối quá rồi đây. Bố đi thắp đèn nhé, bố thắp đèn, rồi buông màn, cho bé Đản đi ngủ nhé. Ù, bé ngoan nào, ngồi đây cho bố đi thắp đèn.
(Ánh lửa, rồi ánh đèn.
Người ta trông thấy rõ cái bóng của người chồng động đậy trên tường nhà.)
Tiếng đứa con: - (reo) A !... Đây rồi. Bố đây rồi!
Tiếng người chồng: - Ừ. Bố đây. Thế cu Đản không sợ nữa nhỉ.
Tiếng đứa con: - Không phải. Bố Đản kia kìa, bố Đản đến trên tường kia kìa. Bố Đản đến rồi. Ông thắp đèn mà bố Đản cũng đến.
Tiếng người chồng: - Cái gì? Bố Đản trên tường kia à?
Tiếng đứa con: - Mẹ ơi ... Bố Đản đến kia rồi. Mẹ đâu, mẹ đi đâu mất rồi! (khóc)
Tiếng người chồng: - Giời ơi ... Con ơi ... Con nói lại cho bố nghe, thế nào, bố đây kia mà.
Tiếng đứa con: - Hôm nay bố làm sao thế kia! Tại ông đấy. Bố Đản giống mẹ kia, bố không nói câu nào, mẹ đứng thì bố cũng đứng, mẹ ngồi thì bố cũng ngồi im kia mà.
Tiếng người chồng: - Bố Đản là cái người trên tường kia à?
Tiếng đứa con: - Ông không biết! Tối nào Đản cũng hỏi mẹ: Đản có bố không? Bố đâu? Mẹ Đản bảo: Để mẹ gọi bố đến nhé! Mẹ thắp đèn lên, thế là bố đến trên tường, mẹ bảo: Bố Đản kia kìa. Mà bố chỉ ngồi im trên tường thôi, không nói câu nào cho Đản ngủ.
Tiếng người chồng: - Giời ới! Em ơi! Em Thiết ơi! (vùng chạy ra sân) Em Thiết ơi!
Tiếng đứa con: - Mẹ ơi! Mẹ ơi !...
(Tất cả im lặng.
Đêm khuya.
Người chồng bưng mâm cơm cúng đặt trên ghế giữa sân, thắp
hương, vái ra phía sông.)
Tiếng người chồng: - Em tha tội cho anh !... Giời ơi, em tha tội cho anh ... Không có thằng Đản, thì anh cũng chết theo em ... Anh ngu dại quá ... Làm sao còn chuộc lại được ... Em tha tội cho anh ... Em ơi ... (ngồi tựa vào gốc cây táo, ngất đi)
(Bóng người vợ hiện lên.)
Bóng người vợ: - Anh ơi!
Người chồng: - Em ơi, em Thiết ơi, em đấy ư? Em tha tội cho anh. Em về với anh, về với con…
Bóng người vợ: - Em vẫn ở đây với anh, em vẫn ở đây với con.
Người chồng: - Anh ngu dại quá ... Em tha tội cho anh, anh ngu dại quá ... Làm sao em sống lại được, em ơi ...
Bóng người vợ: - Anh còn nhớ em, nghĩ đến em thì em vẫn ở đây với anh ... Anh quên em thì em không còn nữa ...
Người chồng: - Anh không quên em ... Làm sao anh quên em được, em oi!
Bóng người vợ: - Anh nhìn con thì thấy em. Anh nhìn cây táo này, cái sân này, chỗ bờ sông này thì thấy em. Anh nhìn đất, nhìn trời thì thấy em ...
Người chồng: - Anh nghe rồi ...
Bóng người vợ: - Anh thay em mà trông nom con, anh nhé. Anh vừa làm bố vừa làm mẹ cho con. Rồi sau này anh tìm một người làm bạn, anh tìm người nào biết thương con.
Người chồng: - Tôi đứt ruột mất, giời ơi!
Bóng người vợ: - Bây giờ anh tin em rồi chứ? Bây giờ thì anh tin em mãi, anh nhỉ. Thôi, em phải đi, anh cố gánh nặng một mình, rồi tất cả sẽ dịu đi dần, cái bóng của em sẽ mờ đi dần.
Người chồng: - Không! Không!
Bóng người vợ: - Ngày tháng qua đi, rồi sau này, anh có nhớ lại, nghĩ đến em, cũng chỉ còn thấy được một cái bóng phảng phất mà thôi, đến nét mặt em, anh cũng sẽ không thể nào nhớ rõ được nữa đâu ...
Người chồng: - Giời ơi!
Bóng người vợ: - Nếu anh vẫn yêu thương em, thì đến lúc anh không còn nhớ rõ được nét mặt em, lúc ấy em vẫn ở gần anh nhất, lúc ấy em chẳng còn bóng hình, nhưng em vẫn ở cùng với anh với con ...
Người chồng: - Làm thế nào cho anh được thấy em! Làm thế nào anh gọi được em!
Bóng người vợ: - Cứ mỗi tối, anh thắp đèn, thì em sẽ về, cứ mỗi tối anh thắp đèn lên thì sẽ thấy em. Anh thắp đèn lên, sẽ thấy em (biến đi)
Người chồng: - (tỉnh dậy) Em ơi, chẳng phải riêng một mình anh mà từ nay, hễ có ai thắp đèn buổi tối, trông lên cái bóng trên tường thì sẽ nhìn thấy em.
V. Văn mẫu