Văn bản Biến đổi khí hậu - mối đe dọa sự tồn vong của hành tinh chúng ta - An-tô-ni-ô Gu-tê-rét - Nội dung, tác giả, tác phẩm

381

Tài liệu tác giả tác phẩm Biến đổi khí hậu - mối đe dọa sự tồn vong của hành tinh chúng ta Ngữ văn lớp 9 Kết nối tri thức gồm đầy đủ những nét chính về văn bản như: tóm tắt, nội dung chính, bố cục, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, hoàn cảnh sáng tác, ra đời của tác phẩm, dàn ý từ đó giúp học sinh dễ dàng nắm được nội dung bài Biến đổi khí hậu - mối đe dọa sự tồn vong của hành tinh chúng ta lớp 9.

Tác giả tác phẩm: Biến đổi khí hậu - mối đe dọa sự tồn vong của hành tinh chúng ta - Ngữ văn 9

I. Tác giả An-tô-ni-ô Gu-tê-rét

Văn bản Biến đổi khí hậu - mối đe dọa sự tồn vong của hành tinh chúng ta - An-tô-ni-ô Gu-tê-rét - Nội dung, tác giả, tác phẩm (ảnh 1)

- An-tô-ni-ô Gu-tê-rét (sinh năm 1949).

- Quê quán: Bồ Đào Nha.

- Là nhà chính trị và ngoại giao.

- Từng giữ chức Thủ tướng Bồ Đào Nha từ 1995 đến 2002.

- Năm 2017, ông được bầu làm Tổng Thư kí Liên hợp quốc.

II. Tìm hiểu văn bản Biến đổi khí hậu - mối đe dọa sự tồn vong của hành tinh chúng ta

1. Thể loại

- Tác phẩm Biến đổi khí hậu – mối đe doạ sự tồn vong của hành tinh chúng ta

thuộc thể loại: văn bản nghị luận.

2. Xuất xứ

- Theo An-tô-ni-ô Gu-tê-rét, Phát biểu của Tổng thư kí Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Huy Toàn dịch, in trong Những bài diễn văn làm thay đổi thế giới từ 1945 đến nay, Ca-lô Ba-tà (Carlo Bata) (Chủ biên), NXB Kim Đồng, 2022, tr.199 – 202.

3. Phương thức biểu đạt

- Phương thức biểu đạt: nghị luân.

4. Tóm tắt

Văn bản đề cập vấn đề thông qua bài phát biểu, tác giả đưa ra những biến đổi khí hậu, một vấn đề mang tính toàn cầu, từ đó, gửi gắm thông điệp tới tất cả mọi người: hãy chung tay bảo vệ môi trường

5. Bố cục đoạn trích

- Phần 1: Luận điểm 1 (từ đầu đến đang dần teo tóp lại): Một số biểu hiện cụ thể của hiện tượng biến đổi khí hậu trên thế giới và hậu quả của nó.

- Phần 2: Luận điểm 2 (từ Ngọn núi phía trước chúng ta đến các khí phát thải đó gây ra): Cần có các giải pháp để ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu.

- Phần 3: Luận điểm 3 (từ Đã đến lúc đến để lãng phí nữa): Trách nhiệm lớn lao của lãnh đạo các quốc gia về vấn đề biến đổi khí hậu.

- Phần 4: Luận điểm 4 (phần còn lại): Tất cả phải hành động, không thể chậm trễ.

6. Giá trị nội dung

- Nêu lên thực trạng đáng báo động về vấn đề biến đổi khí hậu đang ngày càng trầm trọng và xảy ra ngày một nhanh hơn thuyết phục mọi người bảo vệ sự sống của Trái Đất. Đồng thời nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của người trẻ và phụ nữ trong việc ứng phó và đưa ra các biện pháp chống lại biến đổi khí hậu.

7. Giá trị nghệ thuật

- Bằng chứng xác thực, đáng tin cậy.

- Lí lẽ rõ ràng, mạch lạc.

III. Tìm hiểu chi tiết văn bản Biến đổi khí hậu - mối đe dọa sự tồn vong của hành tinh chúng ta

1. Giới thiệu vấn đề

- Cách nêu vấn đề: Đi trực tiếp vào vấn đề và đưa ra lời cảnh tỉnh ngay đầu tiên “Tôi đã đề nghị các bạn đến đây để nghe tiếng chuông báo động.”

Biến đổi khí hậu - mối đe dọa sự tồn vong của hành tinh chúng ta - Tác giả tác phẩm (mới 2024) | Ngữ văn lớp 9 Kết nối tri thức

2. Mối quan hệ giữa luận đề, luận điểm, dẫn chứng trong văn bản

- Luận đề của văn bản: Biến đổi khí hậu.

- Luận điểm:

+ Chúng ta đang phải đối mặt với mối đe dọa trực tiếp đến sự tồn vong.

+ Vấn đề này đã được nói rất nhiều lần nhưng về phía lãnh đạo lại từ chối lắng nghe.

+ Những hậu quả của việc biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống.

+ Chúng ta cần thay thế bằng năng lượng sạch.

+ Đã đến lúc các nhà lãnh đạo thể hiện sự quan tâm.

=> Mối quan hệ: Các luận điểm đều liên kết chặt chẽ với nhau, bổ sung cho nhau và làm rõ luận đề. Các luận điểm đã làm rõ luận đề và thể hiện được thông điệp của văn bản.

- Những hậu quả xấu đang ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống con người:

+ Băng ở vùng biển Bắc Cực đang biến đi nhanh hơn chúng ta hình dung.

+ Nạn cháy rừng kéo dài hơn và lan đi xa hơn.

+ Các đại dương bị nhiễm acid nặng hơn…

+ Ngày càng nhiều người phải di cư khỏi quê nhà.

+ Nguồn tài nguyên đang dần teo tóp lại.

3. Những giải pháp để ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay

- Những giải pháp tác giả nêu ra:

+ Phải chuyển đổi sang năng lượng sạch.

+ Các quốc gia giàu nhất phải chịu trách nhiệm nhiều nhất về khủng hoảng, đảm bảo các người bình thường nhất có thể phát triển khả năng phục hồi cần thiết.

- Người có trách nhiệm thực thi: Lãnh đạo các cơ quan ban ngành.

- Đối tượng tác động: Tất cả mọi người.

IV. Đọc tác phẩm: Biến đổi khí hậu - mối đe dọa sự tồn vong của hành tinh chúng ta

BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU – MỐI ĐE DỌA SỰ TỒN VONG CỦA HÀNH TINH CHÚNG TA

Trích Phát biểu của Tổng Thư kí Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, An-tô-ni-ô Gu-tê-rét

Các bạn thân mến của hành tinh Trái Đất,

Cảm ơn các bạn đã đến trụ sở Liên hợp quốc ngày hôm nay. Tôi đã đề nghị các bạn đến đây để nghe tiếng chuông báo động. Biến đổi khí hậu là vấn đề hạn định thời đại chúng ta - và chúng ta đang ở vào một thời điểm có tính hạn định. Chúng ta phải đối mặt với một mối đe doạ trực tiếp đến sự tồn vong. Biến đổi khí hậu diễn biến nhanh hơn tốc độ của chúng ta – và điều đó đã gây nên một quả bom âm thanh SOS qua thế giới chúng ta. Nếu chúng ta không thay đổi tiến trình đến năm 2020, chúng ta có nguy cơ làm mất đi thời điểm mà chúng ta có thể tránh được một sự biến đổi khí hậu phi mã, với những hậu quả tàn khốc đối với con người và toàn bộ hệ thống tự nhiên vẫn dung dưỡng chúng ta. Đó là lí do vì sao, hôm nay, tôi kêu gọi các bạn về vai trò lãnh đạo - từ các nhà chính trị, từ các doanh nghiệp và các nhà khoa học và từ công chúng ở mọi nơi. Chúng ta có các công cụ để tiến hành các hành động của mình một cách hiệu quả. Cái chúng ta còn thiếu - thậm chí là cả sau Thoả thuận Pa-ri là vai trò lãnh đạo và mong muốn làm điều cần thiết. [ ... ]

Cái khiến cho tất cả những chuyện này còn gây bối rối hơn đó là chúng ta đã được cảnh báo. Các nhà khoa học đã nói cho chúng ta từ nhiều thập kỉ trước. Nói đi và nói lại. Quá nhiều nhà lãnh đạo đã từ chối lắng nghe. Quá ít người đã hành động với tầm nhìn mà khoa học đòi hỏi. Chúng ta nhìn thấy kết quả. Trong một số trường hợp, chúng rất gần với các kịch bản “trường hợp xấu nhất” của các nhà khoa học. Băng ở vùng biển Bắc Cực đang biến đi nhanh hơn là chúng ta có thể hình dung. Năm nay, lần đầu tiên, lớp băng dày quanh năm ở bắc Grin-len (Greenland) bắt đầu vỡ. Sự nóng lên đột ngột này ở Bắc Cực tác động đến mô hình khí hậu của phần bắc bán cầu. Nạn cháy rừng kéo dài hơn và lan đi xa hơn. Một số đám cháy lớn đến mức chúng thổi muội và tro khắp thế giới, nhuộm đen các khối băng trôi và các chỏm băng, khiến cho chúng tan chảy càng nhanh hơn. Các đại dương bị nhiễm a-xít nặng hơn, đe doạ nền tảng của chuỗi thức ăn duy trì sự sống. San hô chết trên diện rộng, làm suy giảm thêm hoạt động đánh bắt cá có tính sống còn. Và trên đất liền, mức các-bon đi-ô-xít cao trong khí quyển làm cho các vụ trồng lúa ít dưỡng chất hơn, đe doạ sự thịnh vượng và an ninh lương thực đối với hàng tỉ người. Sự biến đổi khí hậu càng trầm trọng, chúng ta sẽ thấy việc nuôi sống mình càng khó khăn hơn. Tốc độ diệt chủng sẽ tăng vọt khi môi trường sống bị thu hẹp lại. Ngày càng nhiều người buộc phải di cư khỏi quê nhà khi mà đất đai - nguồn sống chủ yếu của họ - không còn sản sinh hoa lợi. Điều này thực sự đã dẫn đến nhiều cuộc xung đột địa phương vì các nguồn tài nguyên đang dần teo tóp lại. [ ... ]

Ngọn núi phía trước chúng ta rất cao. Nhưng nó không phải là không thể vượt qua. Chúng ta biết cách để trèo qua nó. Nói một cách đơn giản, chúng ta cần lắp phanh lên thứ khí nhà kính phát thải gây nguy hại và lèo lái các tác động khí hậu. Chúng ta cần nhanh chóng thoát khỏi sự phụ thuộc vào các nhiên liệu hoa thạch. Chúng ta cần thay thế chúng với năng lượng sạch từ nước, gió và mặt trời. Chúng ta phải ngăn chặn nạn phá rừng, phục hồi các cánh rừng bị xuống cấp và thay đổi phương thức canh tác. Chúng ta cần gắn kết kinh tế tuần hoàn với việc sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên. [ ... ]

Giờ đây chúng ta đang đứng ở ngã tư của sự sinh tồn. Nếu chúng ta chọn được đúng đường - con đường hợp lẽ duy nhất - chúng ta sẽ phải tập trung toàn bộ sức mạnh của kĩ năng con người. Nhưng kĩ năng đã có rồi và đang cho ta các giải pháp. Và vì vậy, các bạn thân mến, một thông điệp trung tâm khác - công nghệ ở về phía chúng ta trong cuộc chiến nhằm vào biến đổi khí hậu. Sự gia tăng năng lượng tái tạo là rất lớn. Ngày nay, nó đang đua tranh với - thậm chí còn rẻ hơn - than đá và dầu mỏ, đặc biệt nếu như người ta tính đến cái giá phải trả của sự ô nhiễm. [ ... ]

Đó đều là những bước tiến vô cùng quan trọng. Nhưng không đủ. Việc chuyển đổi sang một tương lai sạch hơn, xanh hơn đòi hỏi phải tăng tốc. Chúng ta đang đứng trước một thời điểm “bỏ lỡ là mất luôn” thực sự. [ ... ] Đó là một lí do khác để hành động - bổn phận về đạo đức. Các quốc gia giàu nhất chịu trách nhiệm nhiều nhất về khủng hoảng khí hậu, nhưng các quốc gia nghèo nhất và các dân tộc và cộng đồng bình thường nhất lại phải nhận những tác động trước nhất và tồi tệ nhất. Chúng ta đã thấy sự bất công này trong chu kì hạn hán cực đoan và bão lụt, thậm chí còn dữ dội hơn diễn ra không ngừng và ngày càng gia tăng. Phụ nữ và trẻ em gái là những đối tượng đặc biệt phải trả giá - không chỉ vì cuộc sống của họ sẽ trở nên khó khăn hơn mà bởi vì, khi thảm hoạ xảy ra, phụ nữ và trẻ em gái luôn phải gánh chịu nặng nề hơn. Các quốc gia giàu có do đó không chỉ cần cắt giảm lượng khí phát thải mà còn phải làm nhiều hơn để đảm bảo rằng những người bình thường nhất có thể phát triển khả năng phục hồi cần thiết để sống qua được những tổn hại mà các khí phát thải đó gây ra. [ ... ]

Đã đến lúc các nhà lãnh đạo của chúng ta thể hiện rằng họ quan tâm đến những người mà họ nắm số phận trong tay. Chúng ta cần họ thể hiện rằng họ quan tâm đến tương lai – và ngay cả hiện tại. Đó là lí do vì sao tôi xin phép được nhấn mạnh tới sự đại diện của giới trẻ trong những người nghe hôm nay. Điều cần thiết là xã hội dân sự - thanh niên, các nhóm phụ nữ, khu vực tư nhân, các cộng đồng tín ngưỡng, các nhà khoa học và các phong trào của những người dân thường trên khắp thế giới - đòi các nhà lãnh đạo của họ phải vào cuộc. Như tôi đã được Đặc phái viên về Thanh niên của tôi nhắc nhở. Đặc biệt, tôi kêu gọi vai trò lãnh đạo của phụ nữ. Khi phụ nữ được trao quyền lãnh đạo, họ là những người biết hướng tới giải pháp. Không gì quan trọng bằng tương lai của chúng ta, và số phận của nhân loại tuỳ thuộc vào cách chúng ta ứng phó với sự thách thức của khí hậu. [ ... ]

Tôi kêu gọi tất cả các nhà lãnh đạo tới hội nghị thượng đỉnh đang được chuẩn bị vào năm tới để báo cáo không chỉ về những gì họ đang làm, mà còn là những gì họ dự tính sẽ làm khi họ họp lại vào năm 2020 tại hội nghị khí hậu của Liên hợp quốc, ở đó các thoả thuận sẽ được thay đổi và chắc chắn được tăng cường một cách đầy tham vọng. Và đó là lí do vì sao tôi kêu gọi xã hội dân sự, đặc biệt những người trẻ tuổi, tham gia vào chiến dịch vì tác động khí hậu. Chúng ta hãy sử dụng năm tới cho các quyết định có tính chuyển đổi trong các phòng họp, phòng VIP và các nghị viện trên khắp thế giới. Chúng ta hãy nêu các tầm nhìn của mình, thiết lập các liên minh và làm cho các nhà lãnh đạo của chúng ta phải lắng nghe. Tôi cam kết cá nhân mình và toàn thể Liên hợp quốc sẽ tham gia vào nỗ lực này. Chúng tôi sẽ ủng hộ tất cả các nhà lãnh đạo nào chấp nhận thách thức mà tôi đã vạch ra hôm nay. Các bạn thân mến, không có thời gian để lãng phí nữa.

Như những vụ cháy rừng và các đợt nóng dữ dội trong mùa hè này đã cho thấy, thế giới đang thay đổi trước mắt chúng ta. Chúng ta đang tiến đến bên bờ vực thẳm. Không quá muộn để thay đổi chiều hướng này, nhưng mỗi ngày qua đi có nghĩa là thế giới lại nóng lên một chút và cái giá chúng ta phải trả cho sự thụ động của mình lại tăng thêm. Mỗi ngày chúng ta bỏ lỡ không hành động là một ngày chúng ta bước một chút gần hơn tới cái số phận mà không ai trong chúng ta mong muốn - một số phận mà qua các thế hệ sẽ cộng hưởng thành sự huỷ hoại đối với nhân loại và sự sống trên Trái Đất. Số phận của chúng ta ở trong tay chúng ta. Thế giới trông chờ mỗi chúng ta chấp nhận sự thách thức trước khi quá muộn. Tôi trông chờ vào tất cả các bạn.

Xin cảm ơn.

V. Văn mẫu

Đề: Viết đoạn văn (khoảng 7 – 9 câu) trả lời câu hỏi: Phải chăng nhân loại không còn cách gì để đối phó với tình trạng Trái Đất ngày càng nóng lên?

Hành tinh chúng ta, đang phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu và môi trường. Tuy nhiên, chúng ta có thể hành động để đối phó với tình trạng ngày càng nóng lên này. Một số biện pháp tiêu biểu là: tiết kiệm nước, sử dụng năng lượng sạch, lựa chọn thực phẩm bền vững, xử lí rác thải đúng quy trình không gây hại cho môi trường. Để làm được các việc này cần sự kết hợp của tất cả mọi người, đặc biệt là sự quan tâm của những người lãnh đạo.

Đánh giá

0

0 đánh giá