Ngữ văn lớp 11 trang 116 Tập 1 Cánh diều

55

Với soạn Ngữ văn lớp 11 trang 116 Tập 1 Cánh diều chi tiết trong bài Tiếng Việt lớp trẻ bây giờ lớp 11 trang 112 tập 1 giúp học sinh dễ dàng chuẩn bị bài và soạn văn lớp 11. Mời các bạn đón xem:

Soạn bài Tiếng Việt lớp trẻ bây giờ lớp 11 trang 112 tập 1

Câu 1 trang 116 SGK Ngữ Văn 11 tập 1: Văn bản Tiếng Việt lớp trẻ bây giờ viết về vấn đề gì và liên quan tới đối tượng nào?

Trả lời: 

C1:

- Văn bản Tiếng Việt lớp trẻ bây giờ viết về vấn đề: Hiện trạng sử dụng tiếng Việt của giới trẻ hiện nay.

- Đối tượng liên quan là giới trẻ.

C2:

- Vấn đề: Lớp trẻ hiện nay đang sử dụng tiếng Việt một cách rất phức tạp, nếu không muốn nói là hỗn tạp.

- Đối tượng: lớp trẻ (Giới trẻ ngày nay, thường được cho là thuộc dòng 8X, 9X sinh ra vào thập niên thứ 8 hoặc thứ 9 của thế kỉ XX và dòng Y2K sinh ra vào thập niên đầu tiên của thế kỉ XXI, bắt đầu từ năm 2000).

Câu 2 trang 116 SGK Ngữ Văn 11 tập 1: Bài viết được triển khai qua mấy phần, mỗi phần được thể hiện bằng hình thức gì? Em có nhận xét như thế nào về các ví dụ tác giả dẫn ra trong bài?

Trả lời: 

C1:

- Bài viết được triển khai qua 4 phần:

+ Phần 1 là đoạn sa pô, đặt vấn đề và tóm tắt nội dung chính.

+ Phần 2 là "Từ việc phá vỡ các chuẩn mực chính tả", nêu lên biểu hiện của việc viết tắt, viết phá cách, sai chính tả trong giới trẻ.

+ Phần 3 là "...đến thay đổi và lệch chuẩn ngôn từ", phần này viết về giới trẻ sáng tạo ra những ngôn ngữ lệch chuẩn

+ Phần 4 là "Nên nhận thế nào từ góc độ ngôn ngữ học?", phần này nêu lên quan niệm của người viết về sáng tạo ngôn ngữ.

- Các ví dụ tác giả dẫn ra trong bài đều là những câu chuyện, thông tin lấy từ thực tế cuộc sống, những việc đã và đang xảy ra. 

C2:

- Ngoài phần sapo và mở đầu, bài viết có ba phần. Nội dung mỗi phần được thể hiện ở tiêu đề được nêu bằng chữ in đậm:

+ Từ việc phá vỡ các chuẩn mực chính tả...

+ ... đến thay đổi và lệch chuẩn ngôn từ

+ Nên nhìn nhận thế nào từ góc độ ngôn ngữ học?

- Có thể thấy các ví dụ tác giả dẫn ra trong bài viết đều rất sinh động, gần gũi và làm sáng tỏ cho ý kiến đã nêu ra.

Câu 3 trang 116 SGK Ngữ Văn 11 tập 1: Phân tích ý nghĩa của vấn đề mà văn bản nêu lên.

Trả lời: 

C1:

- Vấn đề được đặt ra trong văn bản Tiếng Việt lớp trẻ bây giờ là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu hiện nay. 

+ Khi mạng xã hội ngày một phát triển, nhiều hình thức, ngôn ngữ, khái niệm... du nhập vào Việt Nam, một bộ phận giới trẻ đã và đang không ngừng tự mình "sáng tạo" ra những ngôn ngữ mới, tạo nên sự hỗn loạn trong giao tiếp. 

→ Bài viết như lời cảnh tỉnh dành cho các bạn trẻ các bạn trẻ đừng mải mê sáng tạo lạ kỳ mà quên mất việc học tập và trau dồi tiếng mẹ đẻ.

C2:

- Vấn đề bàn luận rất có ý nghĩa vì liên quan đến sự phát triển và bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt, một thứ của cải vô giá của cha ông để lại.

- Mục đích của văn bản tập trung làm sáng tỏ vấn đề lớp trẻ sử dụng tiếng Việt có nhiều điều đáng phải suy nghĩ (có cái được và cái chưa được cần điều chỉnh).

- Để làm rõ vấn đề ấy, các nội dung chính của bài viết thể hiện qua phần: nêu lên các biểu hiện lệch chuẩn trong việc sử dụng tiếng Việt. Từ đó, phân tích, nhìn nhận dưới góc độ ngôn ngữ học để phân định cái được và cái chưa được, cần uốn nắn, điều chỉnh.

Câu 4 trang 116 SGK Ngữ Văn 11 tập 1: Thái độ của người viết thể hiện trong văn bản như thế nào? Hãy phân tích thái độ ấy qua một số câu văn cụ thể.

Trả lời: 

C1:

+ "...anh chàng Giâu đã "thâu tóm"....." → Từ "thâu tóm" thể hiện thái độ mỉa mai.

+ "nhiều từ mà các "cậu ấm cô chiêu"...." → Tác giả đang nói kháy những bạn trẻ tự cho mình là giỏi sáng tạo ra những từ ngữ lệch chuẩn.

+ "Tiếng Việt của giới trẻ đang là  một tiếng Việt rất đa dạng, nếu không nói là hỗn tạp". → Tác giả cho rằng ngôn ngữ của giới trẻ đang tạo ra sự hỗn tạp, người sử dụng phải cân nhắc lựa chọn kỹ.

+ "Cũng bởi bản chất....một trò chơi nhất thời,..." → Ngôn ngữ của giới trẻ chỉ là trò chơi, nổi một thời gian rồi lại chìm nghỉm không giá trị nào ngoài giải trí nhất thời.

+ "Thái quá bất cập....nhiều bạn trẻ bây giờ chỉ mải mê với những "sáng tạo" kì lạ đó mà quên mất việc học tập và trau dồi tiếng mẹ đẻ." → Tác giả không hài lòng với việc mai mê sáng tạo lạ kỳ của bạn trẻ mà bỏ bê tiếng mẹ đẻ.

→ Tác giả cảm thấy việc "sáng tạo" ra ngôn ngữ mới của giới trẻ đang gây ảnh hưởng xấu tới xã hội.

C2:

- Thái độ của người viết thể hiện trong bài viết là bình tĩnh, ôn hoà, nhìn nhận phân tích, đánh giá hiện tượng một cách khách quan, khoa học.

- Chẳng hạn qua đoạn văn sau: “Tiếng Việt của giới trẻ đang là một tiếng Việt rất phức tạp, nếu không nói là hỗn tạp. Vì hỗn tạp nên người nói phải có sự chọn lọc. Sẽ có không ít những ngôn từ giới trẻ “phát minh” được cộng đồng chấp nhận và nhập vào ngôn ngữ toàn dân. Nhưng cũng không ít từ ngữ “teencode” kia chăng bao lâu sẽ “chết yểu”, không có cơ hội tồn tại. Cũng bởi bản chất của nó chỉ là một trò chơi nhất thời, không hơn không kém”. Qua đoạn văn có thể thấy thái độ mềm mỏng nhưng rất kiên quyết; người viết vừa nêu lên những gì chưa được; vừa thấy mặt được; vừa chỉ ra hệ quả không ổn của tiếng Việt của lớp trẻ hiện nay.

Câu 5 trang 116 SGK Ngữ Văn 11 tập 1: Văn bản Tiếng Việt lớp trẻ bây giờ mang lại cho em những thông tin và những nhận thức bổ ích gì? Hãy nêu ra một số ví dụ cụ thể về việc sử dụng tiếng Việt không trong sáng mà em đã chứng kiến hoặc biết được qua các phương tiện thông tin đại chúng. Lấy ví dụ trong cuộc sống về việc sử dụng tiếng Việt. 

Trả lời: 

- Văn bản Tiếng Việt lớp trẻ bây giờ cung cấp cho em những thông tin về thực trạng sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt trong giới trẻ. Một bộ phận giới trẻ đang không những tạo ra những ngôn ngữ mới, nó thỏa mãn sự vui thích nhất thời nhưng có thể gây ảnh hưởng tới người khác, gây ra sự hỗn loạn cho người sử dụng. Qua bài viết em hiểu được bản thân cần bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt, hạn chế hoặc không sử dụng các từ ngữ sai sai lệch.

- Giới trẻ ngày nay sáng tạo ra rất nhiều ngôn ngữ "độc, lạ", nhiều người không nắm rõ nguồn gốc, cách sử dụng sẽ gây ra những hiểu lầm không đáng có. Ví dụ từ "báo" là danh từ chỉ động vật hoặc một bài báo, động từ là dấu hiệu cho biết trước điều gì đó sắp xảy ra. Thế nhưng một số bạn trẻ sử dụng từ này như sau "báo cha, báo mẹ, báo đời...." Từ báo ở đây mang nghĩa tiêu cực nhưng với nhiều người không nắm rõ sẽ không hiểu nó là gì.

Câu 6 trang 116 SGK Ngữ Văn 11 tập 1: Hãy viết một đoạn văn (khoảng 10 - 12 dòng) lí giải vì sao phải giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Trả lời: 

C1:

Tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ, là một thứ tiếng vô cùng trong sáng và giàu đẹp của dân tộc Việt Nam. Hơn hết, nó chính là một trong những "của quý" của dân ta. Bởi lẽ đó, mà thanh niên nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung phải có trách nhiệm gìn giữ sự trong sáng của thứ tiếng cao quý ấy. Ngày nay, khi đất nước ta đã và đang hội nhập quốc tế sâu rộng, rất nhiều thứ tiếng lan tràn vào cuộc sống, xã hội, trong tiềm thức của mỗi người dân. Bởi lẽ đó, có nhiều bạn, nhiều người đã tiếp thu những thứ tiếng ấy. Trong quá trình ấy, nhiều bạn đã vô tình đánh mất đi sự trong sáng, giá trị của tiếng Việt. Hơn thế nữa, nhiều bạn còn "sáng chế" ra những câu nói rất thô tục, làm mất đi vẻ đẹp thuần phong mỹ tục của tiếng mẹ đẻ. Chính vì vậy, mỗi người phải nâng cao nhận thức, tuyên truyền và không ngừng đấu tranh lại "sự biến hóa" của tiếng Việt. Thật vậy, đây chính là một trong những trách nhiệm cao cả mà đất nước đã giao phó cho mỗi con người. Hơn hết, hãy luôn nhớ rằng "Hòa nhập nhưng không hòa tan". 

C2:

Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là một điều vô cùng khó với xã hội hiện nay. Sự trong sáng của tiếng Việt là sự kết hợp hài hòa của tiếng Việt về mọi mặt. Nó đi đúng với truyền thống đạo lí của dân tộc ta. Việc văn hóa, ngôn ngữ ngoại lai du nhập vào nước ta đã tạo điều kiện cho giới trẻ sáng tạo ra nhiều loại kí hiệu ngôn ngữ khác nhau. Những ngôn từ sáng chế ấy, được sử dụng hàng ngày và gây ảnh hưởng không nhỏ đến tiếng Việt truyền thống. Những câu nói không hề có âm sắc, những từ ngữ mà chỉ có giới trẻ mới hiểu đang tràn lan trên mạng xã hội, hay đôi khi mang ra cả cuộc sống hàng ngày.  Họ vô tư sử dụng mà không hề biết rằng, nó đang làm cho tiếng Việt trong mắt nhiều người trở lên không thuần khiết, mất đi bản sắc thực sự của nó. Sự trong sáng của tiếng Việt bị đánh mất thay bằng thứ ngôn ngữ chẳng có hệ thống mạch lạc nào cả. Sự thay đổi này làm cho con người khó có thể tiếp thu được. Và hậu quả là sự chia cách về việc giao tiếp giữa người với người diễn ra. Người thế hệ trẻ với người thế hệ sau nói chuyện qua tin nhắn bị hạn chế hơn. Tiếng Việt là một chỉnh thể toàn vẹn về mọi mặt của ngôn ngữ nước ta. Trách nhiệm của mỗi công dân, là phải giữ gìn và phát huy truyền thống của quốc gia nơi mình sinh sống.

Đánh giá

0

0 đánh giá