Ngữ văn lớp 11 trang 16 Tập 2 Kết nối tri thức

163

Với soạn Ngữ văn lớp 11 trang 16 Tập 2 Kết nối tri thức chi tiết trong bài Trao duyên giúp học sinh dễ dàng chuẩn bị bài và soạn văn lớp 11. Mời các bạn đón xem:

Soạn bài Trao duyên

Câu 1 (trang 16 sgk Ngữ văn 11 Tập 2): Nêu bố cục của đoạn trích và chỉ ra đâu là lời người kể chuyện, đâu là lời đối thoại, lời độc thoại của các nhân vật.

Trả lời:

Bố cục: 

- Phần 1 (12 câu đầu): Kiều thuyết phục và trao duyên cho Thúy Vân

- Phần 2 (14 câu tiếp): Kiều trao kỉ vật và dặn dò

- Phần 3 (còn lại): Kiều đau đớn và độc thoại nội tâm

Lời người kể chuyện: 711,725,730,735

Lời đối thoại nhân vật: 715,720,740,745

Lời độc thoại nhân vật: 750,755.

Câu 2 (trang 16 sgk Ngữ văn 11 Tập 2): Thúy Kiều nảy sinh ý định trao duyên cho Thúy Vân trong thời điểm nào?

Trả lời:

C1:

Việc trao duyên của Thúy Kiều cho Thúy Vân diễn ra trước khi Kiều thu xếp việc bán mình.

C2:

- Khi nàng chuẩn bị theo Mã Giám Sinh về quê người theo thỏa thuận lấy tiền chuộc cha nhưng nàng vẫn còn mối tình duyên sâu đậm đành bỏ lỡ với Kim Trọng.

Câu 3 (trang 16 sgk Ngữ văn 11 Tập 2): Đọc đoạn thơ (từ câu 719 đến 748) và trả lời các câu hỏi sau:

a. Lời nhờ cậy Thuý Vân được Thuý Kiều bày tỏ với thái độ như thế nào? Tìm hiểu giá trị của những từ ngữ được dùng đề thể hiện thái độ đó.

b. Thúy Kiều đã đưa ra những lí lẽ gì để thuyết phục Thuý Vân nhận lời trao duyên?

c. Khi trao kỉ vật cho Thuý Vân, Thuý Kiều đã dặn dò những gì? Lời dặn dò ấy có nhất quán với lời nàng nhờ cậy và thuyết phục Thúy Vân trước đó hay không? Chỉ ra những từ ngữ, chỉ tiết thể hiện sự nhất quản hoặc không nhất quán ấy.

d. Nêu diễn biến tâm lí của Thúy Kiều khi nói lời trao duyên và khi trao kỉ vật cho Thuý Vân. Hãy phân tích, lí giải diễn biến tâm lí đó.

Trả lời:

C1:

a. “Cậy, lạy, thưa” là những từ mà người ở vai dưới nói chuyện với người vai trên. Những từ ngữ này thể hiện sự tôn trọng đặc biệt của Kiều dành cho người em gái mà mình nhờ vả. Dù mình ở vai trên nhưng Kiều không dùng sự ra lệnh đối với em. Tuy trong lòng cô nhiều suy nghĩ, trăn trở nhưng vẫn bình tĩnh xử lí, sắp xếp, thu vén chuyện của mình.

b. Kiều trình bày với em về hoàn cảnh của mình, về mối tình dang dở của mình với chàng Kim và mong em hãy thấu hiểu cho nỗi khổ của mình mà chấp nhận mối tơ thừa của chị. Hai người đã có những hẹn thề gắn bó dài lâu nhưng nay Kiều không giữ lời hứa đó. Bởi lẽ, nàng không thể hoàn thành cả “chữ hiếu” lẫn “chữ tình”; nên “chữ tình” này, xin gửi lại để Vân thay chị thực hiện. Từng lời nói của Kiều là nỗi đau khổ, day dứt mà nàng đang phải trải qua. Nào ai muốn nhìn thấy cha và em trai bị oan trong tù? Nào ai muốn rời bỏ người mình yêu thương khi tình cảm rất mặn nồng? Ta càng thêm thương xót cho nàng Kiều bạc mệnh.

c. Lời trao duyên và dặn dò Thúy Vân:

Duyên này thì giữ vật này của chung. Lời lẽ thiếu chặt chẽ, thậm chí mâu thuẫn với những gì Kiều nới với em khi bày tỏ ước nguyện trao duyên. Trao duyên cho Thúy Vân mà nàng vẫn muốn kỉ vật là “của chung” – như muốn giữ cả phần mình trong đó. Trao "duyên" xong, nhưng lòng Kiều càng nặng trĩu, đầy những giằng xé, những níu kéo, tiếc nuối vô cùng. Lý trí bắt nàng từ bỏ tình yêu với chàng Kim Trọng yêu thương, nhưng trái tim và tình cảm của Kiều lại không cho phép nàng làm vậy.

d. Tâm trạng của Thúy Kiều trong đoạn trích Trao duyên diễn biến qua ba chặng như ba nấc thang tâm lí:

- Lời trao duyên và lời thuyết phục Thúy Vân: từ ngữ chọn lọc, hàm súc, cách nói tinh tế, chặt chẽ, cho thấy Kiều rất bình tĩnh, sáng suốt.

- Lời dặn dò khi trao kỉ vật cho Thúy Vân: lời lẽ, ý tứ thiếu chặt chẽ, thậm chí mâu thuẫn.

- Tâm lí của nhân vật đã biến đổi từ trạng thái tỉnh táo, sáng suốt chuyển thành lúng túng, bối rối, thậm chí có lúc rơi vào ảo giác. Sự đổi thay bắt đầu từ khoảnh khắc Thúy Kiều trao cho Thúy Vân kỉ vật: chiếc vành, bức tờ mây, phím đàn, mảnh hương nguyền,... Mỗi kỉ vật xuất hiện là thêm một lần sống dậy, kỉ niệm đánh thức tình yêu, khiến trái tim lên tiếng, lấn át cả lí trí.

C2:

a. Lời nhờ cậy Thúy Vân được Thúy Kiều bày tỏ với thái độ thành khẩn.

+ Những từ “cậy”, “lạy”, “thưa”: thể hiện thái độ cầu xin, khẩn thiết của người ở vai dưới nói chuyện với người vai trên. Thúy Kiều đã dành sự tôn trọng đặc biệt cho người em gái mà mình nhờ vả.

b.  Kiều trình bày về hoàn cảnh của mình, về mối tình dang dở của mình với chàng Kim và mong em hãy thấu hiểu cho nỗi khổ mà chấp nhận mối tơ của chị.

c. - Lời dặn dò của Thúy Kiều: “Duyên này thì giữ vật này của chung...chẳng quên”.

- Lời lẽ mâu thuẫn với lời trao duyên Kiều nới với em. Trao duyên cho Thúy Vân mà nàng vẫn muốn kỉ vật là “của chung”. Trao "duyên" xong, nhưng lòng Kiều nặng trĩu, đầy những giằng xé. Lý trí mách bảo từ bỏ tình yêu, nhưng trái tim và tình cảm của Kiều lại không thể làm vậy.

d. Tâm trạng của Thúy Kiều trong đoạn trích Trao duyên diễn biến qua ba giai đoạn:

- Lời trao duyên và lời thuyết phục Thúy Vân: từ ngữ chọn lọc, hàm súc, cách nói tinh tế, chặt chẽ, cho thấy Kiều rất bình tĩnh, sáng suốt.

- Lời dặn dò khi trao kỉ vật cho Thúy Vân: lời lẽ, ý tứ thiếu chặt chẽ, thậm chí mâu thuẫn. Tâm lí của nhân vật đã biến đổi từ trạng thái tỉnh táo, sáng suốt sang bối rối, thậm chí có lúc rơi vào ảo giác. Sự đổi thay bắt đầu từ khoảnh khắc Thúy Kiều trao cho Thúy Vân kỉ vật: chiếc vành, bức tờ mây, phím đàn, mảnh hương nguyền,... Mỗi kỉ vật xuất hiện là một lần đánh thức tình yêu, khiến trái tim lên tiếng, lấn át cả lí trí.

- Cuối cùng, Kiều tự dự đoán trước tương lai của mình, nàng sẽ chết khi “hiu hiu gió” hay “trâm gãy gương tan”.... Đó là dự cảm chẳng lành về một tương lai mù mịt.

Câu 4 (trang 16 sgk Ngữ văn 11 Tập 2): Phân tích diễn biến tâm trạng của Thúy Kiều trong mười dòng thơ cuối (chú ý sự thay đổi đối tượng tâm tình và giọng điệu).

Trả lời:

C1:

Sau khi trao duyên cho Thúy Vân, Kiều âm thầm nhắn nhủ đến Kim Trọng: nàng đã phụ tình chàng từ đây. Đó không chỉ là câu nói đau xót khi phải chia tay người yêu khi tình cảm vẫn còn mặn nồng sâu sắc mà còn là suy tư về cuộc sống tăm tối phía trước đang chờ đón Kiều.

Trăm nghìn gửi lạy tình quân

Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi.

Phân sao phận bạc như vôi?

Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng.

Ôi Kim Lang! Hỡi Kim lang!

Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!

Tơ duyên của Kiều và Kim chỉ ngắn ngủi có từng ấy, xin gửi lại chàng mối duyên này cho người em là Thúy Vân. Kiều đã phải thốt lên: “Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!” đây vừa là lời xin lỗi Kiều gửi đến Kim, vừa là lời oán trách vì phận mình sao bạc bẽo. Kiều không chỉ suy nghĩ về việc cứu cha và em, trao lại mối duyên của mình cho Vân mà còn suy nghĩ cho người mình hết lòng yêu thương. Một cô gái nhỏ bé vốn sống bình an nay phải suy tư rất nhiều, không chỉ thế,cuộc sống trôi nổi phía trước của nàng cũng khiến người ta vô cùng đau xót về kiếp hồng nhan bạc phận. Khi nhờ cậy và thuyết phục Thúy Vân nhận lời trao duyên, Kiều đã mong muốn chu toàn cả bên tình, bên hiếu. Nàng hi vọng có thể bớt được những day dứt, khắc khoải, đau đớn của mối tình dang dở khi nhờ em “thay lời nước non”. Nhưng kết thúc cuộc trao duyên, tình yêu, nỗi đau vẫn vẹn nguyên, thậm chí còn trào dâng mãnh liệt hơn. Diễn biến tâm lí của Kiều đi qua nhiều cảm xúc khác nhau, từ nghĩ cách cứu cha và em, trao lại mối duyên của mình, đến việc nghĩ cho người mình yêu thương và đến cuộc sống bấp bênh của nàng sau này khiến người ta không khỏi đau xót.

C2:

- Sau khi trao duyên cho Thúy Vân, Kiều âm thầm nhắn nhủ đến Kim Trọng: “Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây”. Đó không chỉ là lời xin lỗi thầm lặng  đau xót khi phải chia tay người yêu mà còn là suy tư về cuộc sống tăm tối phía trước, lời oán trách số phận bạc bẽo “Phận sao phận bạc như vôi”.

- Khi nhờ cậy và thuyết phục Thúy Vân nhận lời trao duyên, Kiều đã mong muốn chu toàn cả bên tình, bên hiếu. Nàng hi vọng có thể bớt được đau đớn khi nhờ em “thay lời nước non”. Nhưng kết thúc cuộc trao duyên, tình yêu, nỗi đau còn trào dâng mãnh liệt hơn.

- Diễn biến tâm lí của Kiều đi qua nhiều cảm xúc khác nhau, từ nghĩ cách cứu cha và em, trao lại mối duyên của mình, đến việc nghĩ cho người mình yêu thương và đến cuộc sống bấp bênh của nàng sau này khiến người ta không khỏi đau xót.

Câu 5 (trang 16 sgk Ngữ văn 11 Tập 2): Nhận xét về nghệ thuật sử dụng từ ngữ của Nguyễn Du trong đoạn trích. Hãy minh họa bằng một ví dụ mà bạn thấy tâm đắc.

Trả lời:

C1:

- Đoạn trích có sự kết hợp, đan xen của nhiều hình thức ngôn ngữ: lời kể chuyện, lời nhân vật (lời đối thoại, độc thoại nội tâm), lời nửa trực tiếp. Tác giả đã sử dụng các hình thức ngôn ngữ đó một cách linh hoạt để khám phá, tái hiện thế giới nội tâm.

- Nguyễn Du đã kết hợp tinh hoa của hai dòng ngôn ngữ bác học và ngôn ngữ bình dân. Từ Hán Việt được  Việt hóa, kết hợp từ thuần Việt một cách nhuần nhuyễn, sáng tạo. Ví dụ, “Giữa đường đứt gánh tương tư/ Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em”, nhà thơ đã sử dụng nhiều thành nữ (rẽ cửa chia nhà, bạc như vôi, nước chảy hoa trôi,...), nhiều từ ngữ của đời thường bình dị hòa vào lời thơ một cách tự nhiên, linh hoạt. Nguyễn Du đã dày công tìm kiếm, chọn lọc, trau chuốt để sáng tạo nên một thứ tiếng Việt đẹp đẽ, giàu có, uyển chuyển.

C2:

- Sự kết hợp, đan xen của nhiều hình thức ngôn ngữ: lời kể chuyện, lời nhân vật (lời đối thoại, độc thoại nội tâm), lời nửa trực tiếp. Tác giả đã sử dụng các hình thức ngôn ngữ một cách linh hoạt để khám phá, tái hiện thế giới nội tâm.

- Kết hợp tinh hoa của hai dòng ngôn ngữ bác học và ngôn ngữ bình dân. Từ Hán Việt được Việt hóa, kết hợp từ thuần Việt một cách nhuần nhuyễn, sáng tạo.

Ví dụ:

+ Hình thức lời nửa trực tiếp: “Giữa đường đứt gánh tương tư/ Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em”.

+ Thành ngữ “rẽ cửa chia nhà, bạc như vôi, nước chảy hoa trôi,...”, nhiều từ ngữ của đời thường bình dị hòa vào lời thơ một cách tự nhiên, linh hoạt.

* Kết nối đọc – viết

Bài tập (trang 16 sgk Ngữ văn 11 Tập 2): Truyện Kiều là tiếng nói hiểu đời, thương đời của Nguyễn Du. Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) chỉ ra biểu hiện của sự "hiểu" và "thương" ấy trong đoạn trích Trao duyên.

Đoạn văn tham khảo

C1:

Giá trị tiêu biểu của văn học không nằm ở hiện tượng bề ngoài mà nằm ở chiều sâu hiểu biết về con người. Điểm sâu sắc và giàu sức thuyết phục nhất của Truyện Kiều là ở chỗ, qua thế giới nhân vật, Nguyễn Du thể hiện một tấm lòng rất mực thông cảm, bao dung đối với con người. Ông hầu như hiểu hết mọi điều uẩn khúc của con người, nhìn rõ chỗ mạnh chỗ yếu, thậm chí cả chỗ tầm thường của họ và miêu tả với tấm lòng xót xa, thương cảm. Qua các nhân vật, Nguyễn Du biểu hiện lòng thông cảm, bao dung nhìn rõ chỗ mạnh, chỗ yếu chỗ tầm thường của con người. Trước hết, Kiều tự xót xa cho thân phận mình, tự thấy mình là “người mệnh bạc”, tự thấy mình còn sống mà như đã chết, đã “mất người”, hình dung ra một tương lai không xa: Thúy Vân hạnh phúc bên Kim Trọng, còn linh hồn nàng trở về trong ngọn gió, không siêu thoát được vì còn “mang nặng lời thề”. Kiều thấy rõ nỗi đau khổ của mình - “người thác oan". Tiếng nói thương đời, hiểu đời vang lên mãnh liệt, quằn quại, đau đớn trong giờ phút đỉnh điểm của “trao duyên”. Trao duyên, với Kiều, đồng nghĩa với trao cả sự sống, hạnh phúc. Trao duyên đồng nghĩa với việc Kiều sẽ trở thành “người mệnh bạc”, “mất người”, “người thác oan”, “phận bạc như vôi”… Thúy Kiều trao duyên cho Thúy Vân để giảm đi nỗi day dứt trong lòng TK và phần nào làm theo quy luật người xưa. Thái độ của Thúy Kiều khẩn khoản càng tỏ ra là người hiểu được tình thế và vị trí hiện tại của mình. Lời nói với Thúy Vân thể hiện sự ai oán, day dứt nhưng cũng khiến cho Thúy Vân suy nghĩ.Tiếng nói thương thân, xót thân gắn liền với bi kịch tình yêu tan vỡ, trao duyên nhưng không thể trao tình, thậm chí duyên đã trao đi mà tình càng thêm nặng. Vậy mới càng thấy bi kịch tình yêu, vậy mới càng thấy rõ tấm lòng vị tha, đức hi sinh và tình yêu sâu nặng của Kiều dành cho Kim Trọng. 

C2:

Trong đoạn trích Trao duyên, những diễn biến tâm lí đặc sắc của Thúy Kiều đã cho ta thấy được tài năng xuất sắc của Nguyễn Du trong công cuộc truyền tải tiếng nói “hiểu đời, thương đời” vào tác phẩm của mình. Thật vậy, nhân vật Thúy Kiều trong đoạn trích là một người thiếu nữ đáng thương hơn đáng trách. Bởi dẫu sao nàng cũng chỉ là cô gái nhỏ chưa tới đôi mươi, được bao bọc, yêu thương bởi gia đình, chưa bao giờ gặp phải biến cố lớn như vậy. Người đọc có thể thấy nàng ích kỷ khi “ép duyên” em gái với người mình thương chỉ để thỏa mãn cảm giác tội lỗi, sau đấy lại muốn em gái và chàng Kim luôn nhớ đến mình “Duyên này thì giữ vật này của chung”. Nhưng đó chính là cái tài của Nguyễn Du trong việc nắm bắt tâm lí xuất sắc, và cách cư xử của Kiều là hoàn toàn hợp lí. Kiều đã vì gia đình mà bán rẻ bản thân, vì làm tròn chữ hiếu mà từ bỏ hạnh phúc của mình. Vậy nay, khi chỉ ngày mai thôi nàng sẽ phải rời đi mãi mãi, nhưng lòng nàng vẫn nặng trĩu day dứt mà phải khẩn thiết nhờ cậy em gái. Nàng đã không thể mạnh mẽ, dối lòng được nữa. Nàng chỉ mong Thúy Vân đồng ý để yên lòng. Nhưng đến khi phải trao kỉ vật đính ước, lòng nàng lại giằng xé bởi tình yêu thương sâu sắc. Nàng như chìm vào ảo giác, tự độc thoại với chính mình. Nàng nguyện chúc phúc cho Thúy Vân và Kim Trọng nhưng lại cầu xin, mong mỏi luôn được nhớ đến dù chỉ một chút - nguyện cầu nhỏ bé đến hèn mọn như vậy chỉ có ở người biết chắc mình sắp phải đi xa không biết ngày về. Đến cuối cùng, sau khi nàng tạ lỗi âm thầm với Kim Trọng “Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây”, nàng mới nghĩ đến bản thân, cay đắng dự đoán tương lai u tối, buồn thảm của mình. Diễn biến tâm lí của Thúy Kiều là những bước ngoặt trong thời gian ngắn, nhưng lại vô cùng chân thực. Nguyễn Du đã rất tinh tế trong việc hiểu thấu tâm lí con người. Và ẩn sâu những lời thơ đầy cay đắng đấy, ta thấy được một tình thương, xót xa ẩn giấu của Nguyễn Du với số phận nàng Kiều - hay cũng là thân phận nghiệt ngã của một lớp phụ nữ thời phong kiến xưa.

Đánh giá

0

0 đánh giá