Ngữ văn 8 trang 60 Tập 2 Chân trời sáng tạo

71

Với soạn Ngữ văn 8 trang 60 Tập 2 Chân trời sáng tạo chi tiết trong bài Viết bài văn giới thiệu một cuốn sách yêu thích giúp học sinh dễ dàng chuẩn bị bài và soạn văn 8. Mời các bạn đón xem:

Soạn bài Viết bài văn giới thiệu một cuốn sách yêu thích

Câu 2 (trang 60 sgk Ngữ văn 8 Tập 2): Người viết đã có những nhận xét như thế nào về giá trị của tác phẩm?

Trả lời:

- Giá trị của cuốn sách là truyền đi thông điệp về tình yêu thương: chấp nhận sự khác biệt và đồng cảm với bản chất của con người ấy.

Câu 3 (trang 60 sgk Ngữ văn 8 Tập 2): Theo tác giả, giá trị lớn nhất của cuốn sách là gì?

Trả lời:

- Theo người viết, giá trị lớn nhất của cuốn sách chính là gửi đến người đọc thông điệp về tình yêu thương, cách yêu thương và cách chấp nhận sự khác biệt.

Câu 4 (trang 60 sgk Ngữ văn 8 Tập 2): Em học được điều gì về cách giới thiệu sách từ văn bản này?

Trả lời:

C1:

- Biết được cách để giới thiệu một cuốn sách: cảm nhận chung, giá trị và thông điệp của sách…

- Xác định được giá trị lớn nhất của một văn bản khi truyền tải thông điệp đến người đọc.

- …

C2:

Qua các giới thiệu sách từ văn bản, em đã học được cách để giới thiệu một cuốn sách (giới thiệu tên tác phẩm, tác giả, nội dung sách, đưa ra cảm nhận chung, giá trị và thông điệp của sách ,...). Từ đó xác định giá trị lớn nhất của tác phẩm với người đọc.

*Hướng dẫn quy trình viết

Đề bài (trang 60 sgk Ngữ văn 8 Tập 2): Trường em tổ chức cuộc thi giới thiệu sách với chủ đề: “Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới”. Hãy viết bài giới thiệu về một cuốn sách mà em yêu thích để tham gia cuộc thi này.

Bước 1: Chuẩn bị trước khi viết

• Yêu cầu của đề bài là gì, thuộc kiểu bài nào?

• Người đọc, người nghe trong cuộc thi này có thể là những ai? Họ mong muốn biết điều gì về cuốn sách mà em định giới thiệu?

• Cuốn sách mà em yêu thích và định giới thiệu có phù hợp với đối tượng người đọc, người nghe đó không?

• Chọn cuốn sách có dung lượng vừa phải, nội dung không quá phức tạp.

• Tìm thông tin về tác giả và cuốn sách trên các trang web của nhà xuất bản, báo và tạp chí, chẳng hạn như thông tin về số lượng bản in của cuốn sách, phát biểu của tác giả về cuốn sách, năm xuất bản, giải thưởng (nếu có).

• Tìm hiểu yêu cầu hoặc thể lệ của cuộc thi để viết bài đáp ứng được yêu cầu.

Bước 2: Tìm ý, lập dàn ý

• Đọc kĩ cuốn sách mà em định viết bài giới thiệu; đánh dấu những chi tiết quan trọng, thú vị trong cuốn sách mà em có thể sử dụng làm bằng chứng trong bài viết. • Ghi chép các thông tin về cuốn sách trong quá trình đọc bằng cách điển vào phiếu (làm vào vở):

Phiếu tìm ý

Tên sách: ………………………………………………………………………….

Tên tác giả: ……………………………………………………………………….

Tên nhà xuất bản: …………………………………………………………………

Số lượng bản in, số lần tái bản (nếu có): ………………………………………….

Tóm tắt nội dung, chủ đề và thông điệp của cuốn sách:

Phần 1/Chương 1: ………………………………………………………………….

Phần 2/Chương 2: ………………………………………………………………….

Phần 3/Chương 3: ………………………………………………………………….

Ấn tượng hoặc cảm xúc sâu sắc về cuốn sách: ………………………………….

Nét đặc sắc và hạn chế (nếu có) về nội dung và nghệ thuật của cuốn sách: …………………………………………………………………………………….

• Dựa trên bố cục của bài giới thiệu sách và phiếu ghi chép, lập sơ đồ dàn ý cho bài viết (tham khảo sơ đồ sau):

Phần 1

Tên sách, tên tác giả.

Cảm nhận hoặc ấn tượng nổi bật về cuốn sách

=> Có thể hoán đổi vị trí hai ý.

Phần 2

Tóm tắt nội dung sách.

Nhận xét về giá trị (nội dung, nghệ thuật) của cuốn sách.

Phần 3

Khẳng định giá trị của cuốn sách.

Khuyến khích mọi người nên đọc sách.

Bước 3: Viết bài

Triển khai bài viết dựa trên dàn ý. Khi viết, cần chú ý: cung cấp các thông tin chính xác về cuốn sách; thể hiện cảm nhận, đánh giá về cuốn sách; thể hiện sự khích lệ của em đối với người đọc về việc nên tìm đọc cuốn sách.

Bài văn tham khảo:

C1:

Em có một quyển sách rất muốn giới thiệu với các bạn, đó chính là cuốn truyện tranh về danh nhân thế giới có tên là "Su-tơ". Cuốn sách đã mang lại cho em nhiều cảm xúc khó tả, hơn hết đó là biết hy sinh và cố gắng cống hiến để giúp đỡ mọi người.

Đây là cuốn sách truyện tranh dành cho lứa tuổi thiếu niên, của tác giả Han Kyeol, dịch sang tiếng việt bởi Nguyễn Thị Thắm và được tái bản lần thứ 16 vào năm 2020 bởi nhà xuất bản Kim Đồng. Nét nổi bật của cuốn sách chính là kích thước nhỏ nhắn, trang bìa cứng cáp và sáng bóng. Trên trang bìa là hình vẽ hoạt hình về nhân vật Su-tơ, trên tay Su-tơ cầm mảnh bản đồ của Châu Phi, cánh tay đeo băng rôn hình chữ thập biểu thị cho bác sĩ. Bên cạnh đó là hình ảnh vợ Su-tơ tay cầm kim tiêm, những người dân đang khốn khổ vì dịch bệnh ở khu vực Châu Phi. Nội dung cuốn sách nói về chỉ số EQ trong nhân vật Su-tơ cũng như nhiều các danh nhân khác. Khác với IQ là chỉ số thông minh, EQ là chỉ số về suy nghĩ, tấm lòng, quyết tâm và sự lao động, kiên trì. Truyện bao gồm 6 chương: Chú bé nhân hậu, Con đường học tập đúng đắn, Dấu chữ thập định mệnh, Đến rừng rậm nhiệt đới Châu Phi, Su-tơ trong chiến tranh, Sứ giả nhân ái. Điều khiến em ấn tượng sâu sắc nhất chính là lòng thương cảm, nhân ái của Su-tơ dành cho những người da đen ở Châu Phi đang bị đói rét và đủ loại bệnh tật hoành hành. Ông sẵn sàng từ bỏ sự nghiệp đang phơi phới về triết học, thần học mà chuyển sang học Y suốt 6 năm ròng để có thể đi đến Châu Phi tình nguyện cứu trợ, chữa bệnh. Ông không ngại gian khổ, thiếu thốn và dịch bệnh, cố gắng cống hiến và hy sinh để có tiền xây bệnh viện, mua thuốc chữa bệnh. Su-tơ không chỉ được nhận giải Nobel hòa bình mà thực sự trở thành sứ giả của lòng nhân ái.

Nhân vật Su-tơ đã dạy cho em biết phải có lòng nhân ái, thương yêu với tất cả mọi người và lòng dũng cảm, tinh thần đoàn kết để vươn lên, vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống, hướng đến những điều tốt đẹp.

C2:

“Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội”. Quả thật, Hà Nội đẹp và bình dị, đáng yêu và mơ màng, giống như một thứ tình yêu không dễ để gọi tên, chỉ biết ngắm nhìn, trân trọng và nâng niu. Cuốn sách “Hà Nội băm sáu phố phường” của Thạch Lam chính là tác phẩm có thể giúp ta hiểu hơn về một Hà Nội như thế, hiểu thêm về những nét đẹp của thủ đô yêu dấu.

Hà Nội băm sáu phố phường”chủ yếu viết về chuyện phố, chuyện phường, đời sống dân sinh, đặc biệt là đi sâu vào những thức quà chỉ riêng nơi đây mới có. Đến với những trang viết xinh xinh kia, Hà Nội xưa hiện ra ở nhiều góc cạnh cùng các đặc trưng riêng, tạo nên sức quyến rũ lạ kì, níu chân bất cứ vị khách nào lại qua. Đó là những mái nhà cổ kính khoác lên mình lối kiến trúc độc đáo, dáng vẻ quanh co nhưng rất đỗi mềm mại của những con phố quen thuộc, là nét văn hoá ẩm thực tinh tế... giữa không gian êm ả, thanh bình, rộn rã mà trầm mặc. Nói cách khác cuốn sách đã giúp người đọc nhìn thấy cả vóc dáng và tâm hồn Hà Nội.

Hai mươi mốt bài kí nhỏ như hai mươi mốt bức họa đầy hoài niệm, dựng nên hình bóng Hà Nội xưa. Ta sẽ bắt gặp nhiều cảnh đời qua những mẩu chuyện ngắn hết sức xúc động. Họ là những người phụ nữ tần tảo, sống một cuộc đời lầm lũi, vất vả với gánh nặng cơm áo gạo tiền. Bên cạnh đó, thấp thoáng giữa các số phận éo le, ẩn hiện tình yêu đôi lứa trong sáng và thuần khiết. Tất cả đều là những câu chuyện về những con người Hà Nội xưa cũ, nép mình dưới những khu phố khác nhau hiện lên đơn sơ bằng ngòi bút chân thực của tác giả. Ông đã nhắc đến “nghệ thuật biển hàng” đang dần biến mất vì sự Tây hóa, học đòi của các chủ quán khiến văn hóa tiếng việt của dân tộc bị lu mờ. Với “Hà Nội băm sáu phố phường”, tác giả cũng bày tỏ niềm thương cảm tới những người bán rong – những thân phận bé nhỏ, lam lũ kiếm sống, mưu sinh trong đêm. Tôi chợt nhận ra rằng đằng sau một Hà Nội phồn hoa vẫn còn đó những mảnh đời nhọc nhằn cơ cực đến thế. Khi tất cả chìm trong màn đêm, những tiếng rao như mở ra một thế giới mới của Hà Nội, một thế giới không ồn ào, không vội vã mà là một Hà Nội tĩnh lặng chứa bao nỗi lo toan.

Nhưng ấn tượng hơn cả trong tác phẩm của Thạch Lam có lẽ là những trang về văn hoá ẩm thực của người dân Hà thành. Qua cách những hàng chữ nhẹ nhàng thủ thỉ, các thức quà Hà Nội xưa hiện lên khiến bất cứ ai cũng phải xuýt xoa, phải gật gù, phải thèm thuồng, phải say đắm. Đó là “Bún sườn và canh bún”, “Bánh đậu”, “Bánh khảo, kẹo lạc”… mỗi thức quà đều được tác giả đặc tả khéo léo nhằm mang tới một hình dung rõ nét nhất về phong vị của người Tràng An. Hơn thế, ông còn đẩy những món ăn ấy lên một tầm cao hơn khi khẳng định qua bài kí: "Quà ... tức là người". Đối với Thạch Lam, ăn quà không đơn thuần là nếm những sản vật trong trời đất mà là sự cảm nhận những tinh hoa, là thần thái, cũng như bộc lộ nét văn hóa trong cách thưởng thức khi "Ăn quà cũng là một nghệ thuật.”

Trong số những người yêu Hà Nội, tôi tin, Thạch Lam là người yêu Hà Nội hơn cả. Chỉ qua một tập tùy bút nhỏ, độc giả đã có thể thấy tâm hồn một Thạch Lam như đồng điệu với Thăng Long cổ kính, ngàn năm văn hiến, tinh tế và thanh lịch đến nhã nhặn, thanh tao. “Hà Nội băm sáu phố phường” đã thể hiện tấm lòng trân trọng của Thạch Lam đối với văn hoá và quá khứ của Hà Nội. Ai trong chúng ta cũng nên có trong tay cuốn sách này - tập bút ký nổi tiếng chỉ dành riêng cho vẻ đẹp Hà Nội, để tự mình hít hà đầy lồng ngực hương thơm một góc nhỏ xưa cũ, thả hồn vào dòng lịch sử mênh mang của thủ đô yêu dấu và cảm nhận thực sự những nét đẹp đó trong mỗi trái tim.

Bước 4: Xem lại và chỉnh sửa, rút kinh nghiệm

Sử dụng bảng kiểm dưới đây để tự kiểm tra và điều chỉnh bài viết:

Bảng kiểm kĩ năng viết bài giới thiệu một cuốn sách

Tiêu chí

Đạt

Chưa đạt

Phần 1

Giới thiệu tên sách, tên tác giả.

   

Cảm nhận hoặc ấn tượng nổi bật về cuốn sách.

   

Phần 2

Tóm tắt ngắn gọn nội dung của cuốn sách.

   

Nêu nhận xét, đánh giá về giá trị của cuốn sách (nội dung, hình thức nghệ thuật).

   

Phần 3

Khẳng định giá trị của cuốn sách.

   

Khích lệ độc giả đọc cuốn sách.

   

Hình thức

Kết hợp phương tiện ngôn ngữ và phi ngôn ngữ (tranh vẽ hoặc hình ảnh bìa sách).

   

Diễn đạt mạch lạc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, viết câu

   

• Sau khi viết xong, đọc lại bài viết từ vai trò của người đọc và trả lời hai câu hỏi:

1. Bài viết có thôi thúc em tìm đọc cuốn sách này hay không?

2. Còn thông tin gì trong cuốn sách mà em chưa tìm thấy trong bài viết?

• Ghi lại ba bài học kinh nghiệm mà em rút ra được về cách viết bài thuyết minh giới thiệu sách.

• Thể hiện các bài học đó trên một tấm thẻ và gửi đến các bạn trong lớp.

Đánh giá

0

0 đánh giá