Bộ 10 đề thi giữa kì 1 Ngữ văn 9 Chân trời sáng tạo có đáp án năm 2024

1.6 K

Tailieumoi.vn xin giới thiệu bộ đề thi giữa kì 1 môn Ngữ văn lớp 9 sách Chân trời sáng tạo năm 2024 - 2025. Tài liệu gồm 4 đề thi có ma trận chuẩn bám sát chương trình học và đáp án chi tiết, được biên soạn bởi đội ngũ giáo viên THCS dày dặn kinh nghiệm sẽ giúp các em ôn tập kiến thức và rèn luyện kĩ năng nhằm đạt điểm cao trong bài thi Giữa học kì 1 Ngữ văn 9. Mời các bạn cùng đón xem:

Đề thi giữa kì 1 Ngữ văn 9 Chân trời sáng tạo có đáp án năm 2024

Đề thi giữa kì 1 Ngữ văn 9 Chân trời sáng tạo có đáp án - Đề 1

Phòng Giáo dục và Đào tạo ...

Đề thi Giữa kì 1 - Chân trời sáng tạo

Năm học 2024 - 2025

Môn: Ngữ văn lớp 9

Thời gian làm bài: phút

(Đề số 1)

I. ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện yêu cầu bên dưới:

(Tóm tắt phần đầu: Nguyễn Sinh người Thanh Trì, diện mạo đẹp đẽ, tư chất thông minh, giọng hát ngọt ngào. Chàng sớm mồ cô cha, nhà nghèo nên học hành dang dở, chàng làm nghề chèo đò. Vì say đắm giọng hát và vẻ ưa nhìn của chàng nên cô con gái một nhà giàu họ Trần đã đem lòng yêu mến, sai người hầu đem khăn tay đến tặng, dặn chàng nhờ người mối manh đến hỏi. Nguyễn sinh nhờ mẹ bảo người mối manh đến nhà nàng nhưng bố nàng chê chàng nghèo nên không nhận lời, còn dùng lời lẽ không hay để mắng bà mối. Chàng phẫn chí bỏ đi xa để lập nghiệp; cô gái biết chuyện âm thầm đau khổ chẳng thể giãi bày cùng ai, dần sinh bệnh, hơn một năm sau thì nàng qua đời.)

Trước khi nhắm mắt, nàng dặn cha:

Trong ngực con chắc có một vật lạ. Sau khi con nhắm mắt, xin cha cho hỏa

táng để xem vật đó là vật gì?

Ông làm theo lời con. Khi lửa thiêu đã lụi, ông thấy trong nắm xương tàn, sót lại một vật, to bằng cái đấu, sắc đỏ như son, không phải ngọc cũng chẳng phải đá, nó trong như gương, búa đập không vỡ. Nhìn kĩ thì thấy trong khối ấy có hình một con đò, trên đò một chàng trai trẻ tuổi đang ngả đầu tựa mái chèo nằm hát. Nhớ lại việc nhân duyên trước kia của con, ông chợt hiểu ra vì chàng lái đò mà con gái ông chết, hối thì không kịp nữa. Ông bèn đóng một chiếc hộp con, cất khối đỏ ấy vào trong, đặt lên giường của con gái.

Nguyễn sinh bỏ nhà lên Cao Bằng làm khách của trấn tướng. Chàng vì hát hay nên được trấn tướng yêu quý. Hơn một năm sau, chàng dần dần có của nả, rồi lại mấy năm nữa tích cóp lại được hơn hai trăm lạng vàng. Chàng nghĩ: “Số vàng này đủ để chi dùng cho việc cưới xin”. Xong, chàng sửa soạn hành trang trở về. Đến nhà, chàng hỏi thăm ngay cô gái nọ. Được nghe tất cả đầu đuôi về nàng, chàng vô cùng đau đớn, vội sắm sửa lễ vật đến điếu nàng. Khi chàng làm lễ xong, bố cô có mời chàng ở lại dùng cơm. Chàng xin ông cho xem vật đã được cất giấu trong hộp con. Ông mở hộp lấy ra đưa chàng. Chàng nâng niu cầm lấy, lòng vô cùng xúc động, hai dòng lệ trào ra nhỏ xuống khối đá đỏ. Bỗng khối đá tan ra thành nước, giọt giọt đều biến thành máu tươi, chảy đầm đìa vào tay áo chàng. Chàng cảm kích mối tình của nàng, thề không lấy ai nữa.

(Trích Chuyện tình ở Thanh Trì, Lan Trì kiến văn lục, Vũ Trinh, in trong cuốn Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại, tập 1, Nguyễn Đăng Na giới thiệu và tuyển soạn, NXB Giáo dục, 1997, tr 424-426)

Câu 1 (1.0 điểm). Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên. Đoạn trích được kể theo ngôi thứ mấy?

Câu 2 (0.5 điểm). Theo đoạn trích, sau khi bố của cô gái không đồng ý mối duyên, chàng trai có phản ứng như thế nào?

Câu 3 (1.0 điểm). Xác định và giải nghĩa từ Hán Việt trong câu sau:

“Trong ngực con chắc có một vật lạ. Sau khi con nhắm mắt, xin cha cho hỏa táng để xem vật đó là vật gì?”

Câu 4 (0.5 điểm). Nêu chủ đề của văn bản.

Câu 5 (1.0 điểm). Từ câu chuyện tình ở Thanh Trì, em có suy nghĩ gì về khát vọng tình yêu thời phong kiến?

II. VIẾT (6,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm):

Từ nội dung ngữ liệu ở phần Đọc – hiểu, hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) nêu cảm nhận của em về ý nghĩa của chi tiết: “Chàng nâng niu cầm lấy, lòng vô cùng xúc động, hai dòng lệ trào ra nhỏ xuống khối đá đỏ. Bỗng khối đá tan ra thành nước, giọt giọt đều biến thành máu tươi, chảy đầm đìa vào tay áo chàng.”

Câu 2 (4,0 điểm):

Viết bài văn nghị luận bàn về giải pháp phù hợp để giảm thiểu rác thải nhựa trong trường học và các gia đình.

ĐÁP ÁN

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

Câu 1.

- Phương thức biểu đạt chính: Tự sự

- Ngôi kể: Ngôi thứ ba.

Câu 2.

Theo đoạn trích, sau khi bố của cô gái không đồng ý mối duyên, chàng trai đã phẫn chí bỏ đi xa để lập nghiệp

Câu 3.

- Từ Hán Việt: hỏa táng

- Giải nghĩa: Hỏa táng là hình thức mai táng người chết bằng cách thiêu xác để lấy tro cốt đựng trong hũ, bình

Câu 4.

Chủ đề của văn bản: Qua câu chuyện tình yêu bi kịch của chàng trai và cô gái ở Thanh Trì, tác giả Vũ Trinh muốn thể hiện khát vọng tình yêu tự do của lứa đôi thời phong kiến và phê phán sự ngăn cản của gia đình đại diện cho sự phân biệt giàu nghèo trong xã hội xưa

Câu 5.

- Suy nghĩ về khát vọng tình yêu trong xã hội phong kiến:

+ Khát vọng tình yêu là khát vọng chính đáng của con người ở mọi thời. Những đôi lứa sống trong xã hội phong kiến mong muốn tình yêu tự do, muốn vượt lên khỏi những ràng buộc của lễ giáo phong kiến như “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, “môn đăng hộ đối”,...

+ Tình yêu của nhiều cặp đôi vấp phải những sự ngăn cản, cấm đoán đến từ gia đình, xã hội.

+ Dù cho bị ngăn cản, nhưng những đôi lứa vẫn dành tình yêu trọn vẹn cho nhau, cái chết cũng không thể chia lìa tình yêu của họ.

PHẦN VIẾT (6.0 điểm)

Câu 1.

- Bài làm của học sinh có thể triển khai bằng nhiều cách nhưng cơ bản cần đảm bảo những nội dung sau:

*Mở đoạn: Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn trích.

*Thân đoạn: Cảm nhận về ý nghĩa của chi tiết:

+ Chi tiết kì ảo, gây ấn tượng sâu sắc cho người đọc.

+ Chi tiết cho thấy nỗi đau đớn của chàng trai trước sự ra đi của cô gái. Giọt nước mắt của chàng trai là giọt nước mắt của sự thấu hiểu, của yêu thương và đau xót vô hạn khi người mình yêu vĩnh viễn ra đi.

+ Khối đỏ kia tan ra thành nước, giọt giọt đều biến thành máu tươi, chảy đầm đìa vào tay áo chàng đem đến liên tưởng cho người đọc về sự hóa giải oan tình, để người ra đi được thanh thản…

* Kết đoạn: Khẳng định lại ý nghĩa, giá trị của chi tiết.

Câu 2.

I. Mở bài:

- Giới thiệu vấn đề nghị luận.

- Nêu ý kiến khái quát về vấn đề.

II. Thân bài

1. Giải thích vấn đề:

- Rác thải nhựa là các sản phẩm làm từ nhựa không phân hủy hoặc phân hủy rất chậm trong môi trường tự nhiên. Chúng bao gồm túi nilon, chai nhựa, hộp nhựa, ống hút nhựa, đồ dùng một lần...

2. Phân tích vấn đề

* Thực trạng:

- Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi ngày Việt Nam thải ra khoảng 28.000 tấn rác thải nhựa, trong đó chỉ có khoảng 10% được tái chế. Phần lớn số còn lại bị chôn lấp hoặc thải ra môi trường, gây ô nhiễm đất, nước, không khí và đại dương.

*Nguyên nhân:

- Ý thức người dân: Nhiều người vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tác hại của rác thải nhựa và chưa có thói quen phân loại, xử lý rác đúng cách.

- Quản lý lỏng lẻo: Việc quản lý rác thải nhựa ở nhiều nơi còn lỏng lẻo, thiếu các biện pháp chế tài đủ mạnh.

- Sản xuất và tiêu dùng tràn lan: Các sản phẩm nhựa được sản xuất và tiêu thụ với số lượng lớn, trong khi các giải pháp thay thế còn hạn chế.

* Hậu quả:

- Môi trường: Rác thải nhựa gây ô nhiễm đất, nước, không khí, làm mất mỹ quan đô thị và nông thôn, phá hủy hệ sinh thái, đe dọa sự đa dạng sinh học.

- Sức khỏe: Các chất độc hại trong nhựa có thể xâm nhập vào cơ thể con người qua đường hô hấp, tiêu hóa, gây ra nhiều bệnh nguy hiểm như ung thư, dị tật bẩm sinh, rối loạn nội tiết...

- Kinh tế: Ô nhiễm rác thải nhựa gây thiệt hại lớn cho ngành du lịch, thủy sản và các ngành kinh tế khác.

* Phản đối ý kiến trái chiều:

- Một số người cho rằng việc giảm thiểu rác thải nhựa là không cần thiết vì nhựa mang lại nhiều tiện ích và việc thay thế nhựa bằng các vật liệu khác sẽ tốn kém hơn.

-> Lợi ích ngắn hạn của nhựa không thể bù đắp cho những tác hại lâu dài mà nó gây ra. Việc đầu tư vào các giải pháp thay thế nhựa là cần thiết để bảo vệ môi trường và sức khỏe con người, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững.

* Giải pháp:

- Nâng cao nhận thức về tác hại của rác thải nhựa:

+ Tổ chức các buổi sinh hoạt, hội thảo, cuộc thi về môi trường để phổ biến kiến thức về tác hại của rác thải nhựa.

+ Sử dụng các phương tiện truyền thông như báo tường, trang web của trường, mạng xã hội để chia sẻ thông tin.

- Thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa dùng một lần:

Hạn chế sử dụng túi nilon, ống hút nhựa, hộp xốp, chai nhựa dùng một lần.

+ Mang theo bình nước cá nhân, hộp cơm, túi vải khi đi học, đi làm, đi chợ.

+ Sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường như túi giấy, ống hút tre, hộp cơm inox.

- Tái sử dụng và tái chế đồ nhựa:

Sử dụng lại chai nhựa, lọ thủy tinh để đựng nước, thực phẩm.

+ Tái chế vỏ chai nhựa, giấy báo, lon kim loại thành các sản phẩm thủ công, đồ dùng học tập.

+ Tham gia các hoạt động thu gom và tái chế rác thải nhựa do trường học, địa phương tổ chức.

- Trồng cây xanh:

+ Tham gia các hoạt động trồng cây xanh trong trường học, khu dân cư.

+ Chăm sóc cây xanh để chúng phát triển tốt, hấp thụ khí CO2 và thải ra O2, góp phần làm sạch không khí và giảm hiệu ứng. *Liên hệ bản thân:

- Bản thân em đã từng tham gia nhiều hoạt động bảo vệ môi trường ở trường và luôn cố gắng áp dụng các biện pháp giảm thiểu rác thải nhựa trong cuộc sống hàng ngày. Em tin rằng mỗi hành động nhỏ của mình đều có ý nghĩa và góp phần làm cho môi trường sống trở nên xanh, sạch, đẹp hơn.

III. Kết bài:

- Khẳng định lại vấn đề nghị luận -> Thông điệp

Đề thi giữa kì 1 Ngữ văn 9 Chân trời sáng tạo có đáp án - Đề 2

Phòng Giáo dục và Đào tạo ...

Đề thi Giữa kì 1 - Chân trời sáng tạo

Năm học 2024 - 2025

Môn: Ngữ văn lớp 9

Thời gian làm bài: phút

(Đề số 2)

I. Đọc hiểu (4,0 điểm)

Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới:

HƠI ẤM Ổ RƠM

(Nguyễn Duy)

Tôi gõ cửa ngôi nhà tranh nhỏ bé ven đồng chiêm

Bà mẹ đón tôi trong gió đêm:

- Nhà mẹ hẹp nhưng còn mê chỗ ngủ

Mẹ chỉ phàn nàn chiếu chăn chả đủ

Rồi mẹ ôm rơm lót ổ tôi nằm.

 

Rơm vàng bọc tôi như kén bọc tằm,

Tôi thao thức trong hương mật ong của ruộng

Trong hơi ấm hơn nhiều chăn đệm

Của những cọng rơm xơ xác gầy gò.

 

Hạt gạo nuôi hết thảy chúng ta no

Riêng cái ấm nồng nàn như lửa

Cái mộc mạc lên hương của lúa

Đâu dễ chia cho tất cả mọi người.

(In trong tập Cát trắng, NXB Quân đội nhân dân, 1973)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1 (0,5 điểm) Xác định thể thơ của bài thơ trên.

Câu 2 (0,5 điểm) Xác định nhân vật trữ tình trong bài thơ trên.

Câu 3 (1,0 điểm) Phân tích hiệu quả của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ sau: Rơm vàng bọc tôi như kén bọc tằm

Câu 4 (1,0 điểm) Nhận xét về tình cảm của nhân vật trữ tình trong bài thơ.

Câu 5 (1,0 điểm) Bài học sâu sắc nhất em nhận được qua bài thơ trên là gì?

II. Viết (6,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm) Viết đoạn văn ngắn nêu cảm nhận của em về khổ thơ cuối trong bài thơ “Hơi ấm ổ rơm” của Nguyễn Duy.

Câu 2 (4,0 điểm) Viết bài văn nghị luận xã hội về một vấn đề cần giải quyết: “Là một học sinh, em hãy đề xuất những giải pháp phù hợp để giảm thiểu rác thải nhựa trong trường học và trong các gia đình?”

HƯỚNG DẪN CHẤM

Phần

Câu

Nội dung

Điểm

Đọc hiểu

1

Thể thơ: Tự do

0,5 điểm

2

Nhân vật trữ tình: nhân vật “tôi” (nhà thơ)

0,5 điểm

3

- BPTT: So sánh: rơm vàng bọc tôi được so sánh với kén bọc tằm.

- Tác dụng:

+ Giúp câu thơ giàu hình ảnh, sinh động, hấp dẫn, tăng sức gợi hình, gợi cảm.

+ Nhấn mạnh những cảm nhận của nhân vật tôi - đó là niềm hạnh phúc, cảm thấy ấm áp trong sự yêu thương, bao bọc, chở che khi nằm giữa ổ rơm mà người mẹ nghèo làm cho mình.

+ Qua đó thể hiện lòng biết ơn, trân trọng của nhân vật tôi trước tấm lòng yêu thương của người mẹ.

1,0 điểm

4

- Tình cảm của nhân vật trữ tình trong bài thơ là tình cảm biết ơn, trân trọng người mẹ nhân dân đã cưu mang, chở che, bao bọc cho những người lính, dù đó không phải là con đẻ của mình.

- Đó là những tình cảm giản dị, mộc mạc, có ý nghĩa hình thành nhân cách và giáo dục lối sống đẹp cho thế hệ trẻ.

1,0 điểm

5

- Bài học sâu sắc nhất em nhận được qua bài thơ trên là:

+  Phải ghi nhớ công lao của những người đã giúp đỡ mình trong cuộc sống.

+ Niềm vui, hạnh phúc đôi khi đến từ những điều bình dị.  Vì vậy chúng ta hãy trân trọng niềm vui, hạnh phúc từ những điều bình dị ấy để cuộc sống có ý nghĩa hơn.

1,0 điểm

Viết

1

Viết đoạn văn ngắn nêu cảm nhận của em về khổ thơ cuối trong bài thơ “Hơi ấm ổ rơm” của Nguyễn Duy.

2,0

* Yêu cầu về hình thức, kĩ năng: Đảm bảo đoạn văn nghị luận có bố cục mạch lạc, sử dụng linh hoạt các kiểu câu và có sự liên kết chặt chẽ giữa các câu, các ý trong đoạn văn. Có cách diễn đạt trong sáng độc đáo, thể hiện những suy nghĩ, kiến giải mới mẻ về vấn đề nghị luận.

0,25 điểm

Yêu cầu về kiến thức:

Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần giới thiệu được vấn đề cần bàn luận, nêu rõ lí do và quan điểm của bản thân, hệ thống luận điểm chặt chẽ, lập luận thuyết phục, sử dụng dẫn chứng thuyết phục.

Sau đây là một hướng gợi ý:

1.  Mở đoạn:

- Giới thiệu vị trí của khổ thơ trong bài thơ, tác giả.

- Khái quát cảm nhận chung về khổ thơ: tình cảm trân trọng và biết ơn sâu sắc của người lính đối với người mẹ nghèo.

2. Thân đoạn:

- Cảm nhận về nội dung của khổ thơ

+ Thể hiện sự trân trọng hạt gạo nuôi dưỡng sự sống con người mỗi ngày nhưng hơi ấm rơm rạ từ lòng người sẽ cho con người một giá trị khác: lòng yêu thương bồi đắp tâm hồn người.

+ Thể hiện niềm xúc động mãnh liệt của người lính khi nhận được tình yêu thương của người mẹ nghèo. Đó là tình yêu thương giản dị, mộc mạc, chân thành, nồng ấm, thiêng liêng.

+  Qua đó, khổ thơ thể hiện tình cảm trân trọng và biết ơn sâu sắc của người lính dành cho người mẹ nghèo.

- Cảm nhận nghệ thuật của khổ thơ

+ Thể thơ tự do phù hợp với mạch tâm trạng của tác giả.

+ Sử dụng rộng rãi các biện pháp tu từ so sánh, nhân hóa, ẩn dụ.

+ Sáng tạo hình ảnh giàu sức gợi, ngôn ngữ mộc mạc, giản dị…

+ Giọng điệu ngân nga, tha thiết.

3. Kết đoạn:

- Khẳng định cảm xúc khi đọc khổ thơ: xúc động với tình cảm của người mẹ nghèo dành cho bộ đội.

- Khổ thơ khơi gợi trong lòng mỗi người lối sống đẹp- biết ơn những người đã cưu mang, giúp đỡ mình.

1,5 điểm

Có sự sáng tạo trong cách viết

0,25 điểm

2

Viết bài văn nghị luận xã hội về một vấn đề cần giải quyết: “Là một học sinh, em hãy đề xuất những giải pháp phù hợp để giảm thiểu rác thải nhựa trong trường học và trong các gia đình?”

4,0

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận

- Học sinh biết tạo lập một bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống đảm bảo đủ cấu trúc 3 phần: Mở bài, Thân bài, Kết bài.

0, 25 điểm

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Viết bài văn nghị luận xã hội về một vấn đề cần giải quyết: “Là một học sinh, em hãy đề xuất những giải pháp phù hợp để giảm thiểu rác thải nhựa trong trường học và trong các gia đình?”

0,25 điểm

c Triển khai vấn đề nghị luận

- Chia vấn đề nghị luận thành các luận điểm, luận cứ phù hợp, có sức thuyết phục; sử dụng tốt các thao tác lập luận; biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng.

- HS có thể triển khai theo những cách khác nhau, nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:

* Mở bài:

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Những giải pháp phù hợp để giảm thiểu rác thải nhựa trong trường học và trong các gia đình.

* Thân bài:

- Giải thích vấn đề:

Rác thải nhựa là các sản phẩm làm từ nhựa không phân hủy hoặc phân hủy rất chậm trong môi trường tự nhiên. Chúng bao gồm túi nilon, chai nhựa, hộp nhựa, ống hút nhựa, đồ dùng một lần...

- Phân tích các khía cạnh của vấn đề

+ Thực trạng của vấn đề:

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi ngày Việt Nam thải ra khoảng 28.000 tấn rác thải nhựa, trong đó chỉ có khoảng 10% được tái chế. Phần lớn số còn lại bị chôn lấp hoặc thải ra môi trường, gây ô nhiễm đất, nước, không khí và đại dương.

+ Nguyên nhân của vấn đề:

 - Nhiều người vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tác hại của rác thải nhựa và chưa có thói quen phân loại, xử lý rác đúng cách.

- Việc quản lý rác thải nhựa ở nhiều nơi còn lỏng lẻo, thiếu các biện pháp chế tài đủ mạnh.

- Các sản phẩm nhựa được sản xuất và tiêu thụ với số lượng lớn, trong khi các giải pháp thay thế còn hạn chế.

+ Hậu quả của vấn đề:

- Môi trường: Rác thải nhựa gây ô nhiễm đất, nước, không khí, làm mất mỹ quan đô thị và nông thôn, phá hủy hệ sinh thái, đe dọa sự đa dạng sinh học.

- Sức khỏe: Các chất độc hại trong nhựa có thể xâm nhập vào cơ thể con người qua đường hô hấp, tiêu hóa, gây ra nhiều bệnh nguy hiểm như ung thư, dị tật bẩm sinh, rối loạn nội tiết...

- Kinh tế: Ô nhiễm rác thải nhựa gây thiệt hại lớn cho ngành du lịch, thủy sản và các ngành kinh tế khác.

- Giải pháp khắc phục, giải quyết vấn đề

+ Nâng cao nhận thức về tác hại của rác thải nhựa: Tổ chức các buổi sinh hoạt, hội thảo, cuộc thi về môi trường để phổ biến kiến thức về tác hại của rác thải nhựa. Sử dụng các phương tiện truyền thông như báo tường, trang web của trường, mạng xã hội để chia sẻ thông tin.

- Thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa dùng một lần: Hạn chế sử dụng túi nilon, ống hút nhựa, hộp xốp, chai nhựa dùng một lần. Mang theo bình nước cá nhân, hộp cơm, túi vải khi đi học, đi làm, đi chợ. Sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường như túi giấy, ống hút tre, hộp cơm inox.

-  Tái sử dụng và tái chế đồ nhựa: Sử dụng lại chai nhựa, lọ thủy tinh để đựng nước, thực phẩm. Tái chế vỏ chai nhựa, giấy báo, lon kim loại thành các sản phẩm thủ công, đồ dùng học tập. Tham gia các hoạt động thu gom và tái chế rác thải nhựa do trường học, địa phương tổ chức. Tái sử dụng và tái chế đồ nhựa giúp giảm lượng rác thải nhựa ra môi trường, tiết kiệm tài nguyên và năng lượng.

- Tham gia các hoạt động trồng cây xanh trong trường học, khu dân cư. Chăm sóc cây xanh để chúng phát triển tốt, hấp thụ khí CO_2và thải ra O_2, góp phần làm sạch không khí và giảm hiệu ứng nhà kính.

* Kết bài:

- Khẳng định vấn đề

- Liên hệ bản thân.

3,0 điểm

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt

0,25 điểm

e. Sáng tạo

- Bài viết có luận điểm rõ ràng, lập luận thuyết phục, diễn đạt trong sáng, bài viết thể hiện được sự sáng tạo, độc đáo riêng.                                                                                                          

- Chữ viết sạch đẹp, rõ ràng, văn phong lưu loát; không mắc lỗi chính tả, lỗi dùng từ, đặt câu.

0,25 điểm

* Lưu ý: Phần hướng dẫn trên đây chỉ là những gợi ý, định hướng. Học sinh có nhiều cách diễn đạt khác nhau, giám khảo cần linh hoạt vận dụng hướng dẫn chấm và câu trả lời của học sinh để đánh giá cho điểm phù hợp, ưu tiên những bài làm có tính sáng tạo cao,. Điểm toàn bài cho lẻ đến 0,25 điểm.

Đánh giá

0

0 đánh giá