Bộ 10 đề thi học kì 1 Ngữ văn 9 Kết nối tri thức có đáp án năm 2024

1 K

Tailieumoi.vn xin giới thiệu bộ đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 9 sách Kết nối tri thức năm 2024 - 2025. Tài liệu gồm 4 đề thi có ma trận chuẩn bám sát chương trình học và đáp án chi tiết, được biên soạn bởi đội ngũ giáo viên THCS dày dặn kinh nghiệm sẽ giúp các em ôn tập kiến thức và rèn luyện kĩ năng nhằm đạt điểm cao trong bài thi Học kì 1 Ngữ văn 9. Mời các bạn cùng đón xem:

Đề thi học kì 1 Ngữ văn 9 Kết nối tri thức có đáp án năm 2024

Đề thi học kì 1 Ngữ văn 9 Kết nối tri thức có đáp án - Đề 1

Phòng Giáo dục và Đào tạo ...

Đề thi Học kì 1 - Kết nối tri thức

Năm học 2024 - 2025

Môn: Ngữ văn lớp 9

Thời gian làm bài: phút

(Đề số 1)

PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

Cho ngữ liệu sau đọc và trả lời câu hỏi:

“Tổ quốc là nơi ta sinh ra và lớn lên, là mái nhà chung của mọi người. Từng con sông, ngọn núi, mỗi cánh đồng hay làn nước biển đều lưu giữ những dấu ấn lịch sử, văn hóa và tinh thần bất khuất của cha ông. Lòng yêu nước không chỉ thể hiện qua lời nói, mà còn nằm trong từng hành động nhỏ bé: bảo vệ môi trường, giữ gìn văn hóa, và sẵn sàng đứng lên khi Tổ quốc cần. Chỉ khi hiểu và trân trọng giá trị của quê hương, ta mới thực sự xứng đáng với công lao của tiền nhân.”

(Nguồn: Sưu tầm)

Câu 1 (1 điểm): Nội dung chính của đoạn văn trên là gì?

Câu 2 (1 điểm): Theo đoạn văn, lòng yêu nước được thể hiện qua những hành động nào?

Câu 3 (1 điểm): Tìm và phân tích ý nghĩa của hình ảnh “Từng con sông, ngọn núi” trong đoạn văn.

Câu 4 (1 điểm): Em có đồng ý với quan điểm: “Chỉ khi hiểu và trân trọng giá trị của quê hương, ta mới thực sự xứng đáng với công lao của tiền nhân”? Vì sao?

PHẦN VIẾT (6.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm) Viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của em về trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc.

Câu 2 (4.0 điểm) Viết bài văn thuyết minh về một danh lam thắng cảnh mà em yêu thích.

ĐÁP ÁN

PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

Câu 1.

Nội dung chính: Đoạn văn nêu lên ý nghĩa của Tổ quốc trong đời sống con người, đồng thời khẳng định lòng yêu nước phải được thể hiện qua hành động thiết thực, chứ không chỉ dừng lại ở lời nói.

Câu 2.

Lòng yêu nước được thể hiện qua những hành động:

- Bảo vệ môi trường.

- Giữ gìn văn hóa truyền thống.

- Sẵn sàng đứng lên bảo vệ Tổ quốc khi cần.

Câu 3.

- Hình ảnh “từng con sông, ngọn núi” tượng trưng cho vẻ đẹp và sự thiêng liêng của Tổ quốc.

- Nó gợi nhớ những dấu ấn lịch sử, văn hóa, và tinh thần bất khuất của cha ông trong việc bảo vệ quê hương.

Câu 4.

Đồng ý. Vì:

- Hiểu và trân trọng giá trị quê hương giúp chúng ta sống có trách nhiệm hơn với bản thân, xã hội và lịch sử.

- Điều này còn khuyến khích tinh thần yêu nước, bảo vệ chủ quyền dân tộc và duy trì những giá trị truyền thống.

PHẦN VIẾT (6.0 điểm)

Câu 1.

1. Mở đoạn:

Giới thiệu vấn đề: trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc.

2. Thân đoạn:

- Giải thích: Chủ quyền lãnh thổ là thiêng liêng, là nền tảng bảo đảm sự độc lập và phát triển của đất nước.

- Trách nhiệm của thế hệ trẻ:

+ Tích cực học tập, rèn luyện để nâng cao nhận thức và hiểu biết về lịch sử, văn hóa dân tộc.

+ Tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên và di sản văn hóa.

+ Lan tỏa tình yêu nước qua việc tôn trọng các giá trị truyền thống.

+ Sẵn sàng lên tiếng trước các hành vi xâm phạm chủ quyền.

- Dẫn chứng: Học sinh, sinh viên tham gia các cuộc thi tìm hiểu về chủ quyền biển đảo, các phong trào như "Trường Sa xanh".

- Phản đề: một số người không có ý thức bảo vệ lãnh thổ, cố tình chia rẽ tinh thần đoàn kết dân tộc…

3. Kết đoạn:

- Tổng kết lại vấn đề: Mỗi hành động nhỏ của thế hệ trẻ hôm nay sẽ góp phần bảo vệ và xây dựng một Tổ quốc vững mạnh trong tương lai.

- Liên hệ bản thân

Câu 2.

Dàn ý

1. Mở bài

- Giới thiệu chung về danh lam thắng cảnh định viết

- Nêu tầm quan trọng hoặc sự hấp dẫn của danh lam thắng cảnh đối với khách du lịch và người dân.

2. Thân bài

a. Vị trí địa lý

- Địa điểm cụ thể (nằm ở đâu: tỉnh, thành phố, khu vực).

- Đặc điểm địa lý xung quanh (sông núi, biển cả, khí hậu,...).

b. Lịch sử, nguồn gốc

- Giới thiệu lịch sử hình thành (nếu có).

- Những câu chuyện, truyền thuyết hoặc sự kiện lịch sử gắn liền với danh lam thắng cảnh.

c. Đặc điểm nổi bật

- Mô tả cụ thể:

+ Vẻ đẹp tự nhiên (núi non, sông nước, hệ sinh thái...).

+ Kiến trúc (đền, chùa, công trình nhân tạo nếu có).

- Các giá trị văn hóa, tinh thần:

+ Liên quan đến văn hóa dân tộc hoặc tín ngưỡng.

+ Các lễ hội, phong tục đặc trưng diễn ra tại đây.

d. Ý nghĩa và giá trị

- Giá trị lịch sử, văn hóa, hoặc tinh thần mà danh lam thắng cảnh mang lại.

- Vai trò trong việc quảng bá hình ảnh đất nước, thu hút du lịch và phát triển kinh tế.

e. Trải nghiệm thực tế

- Hoạt động du lịch nổi bật: Tham quan, chụp ảnh, tham gia các lễ hội, thưởng thức ẩm thực địa phương.

- Những cảm nhận mà du khách thường chia sẻ khi đến đây.

3. Kết bài

- Khẳng định lại giá trị của danh lam thắng cảnh trong đời sống và văn hóa.

- Kêu gọi mọi người bảo vệ và phát huy giá trị của địa danh này.

- Gợi mở cảm xúc: Mời gọi du khách đến thăm hoặc chia sẻ trải nghiệm nếu đã từng ghé qua.

Bài tham khảo

Chùa Tiên nằm dưới chân núi Tung Xê trên một khu đất bằng phẳng, theo truyền thuyết chùa đã được xây dựng từ thời xa xưa theo lối kiến trúc nhà sàn, sử dụng nguyên liệu từ tranh tre nứa lá. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, ngôi chùa đã xuống cấp trầm trọng. Đến năm 1998, Chùa Tiên được trùng tu và tôn tạo lại khang trang như ngày nay.

Khác với các tỉnh đồng bằng châu thổ Bắc Bộ, nơi làng nào cũng có chùa làng hoặc chùa vùng, tỉnh Hòa Bình có ít chùa hơn và Phật giáo cũng không có ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần của người dân. Những ngôi chùa ở đây thường được giản lược và có xu hướng pha trộn với tín ngưỡng bản địa. Các huyện, xã giáp ranh với các tỉnh miền xuôi thỉnh thoảng xuất hiện những ngôi chùa nhỏ, nhưng hệ thống tượng Phật cũng không đầy đủ, thường được thờ chung với các vị thánh khác.

Ở xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình, những ngôi chùa thờ Phật được dựng lên nhằm sử dụng giáo lý của đạo Phật và đức Phật từ bi để khuyến thiện, trừng ác, và giáo dục lòng nhân nghĩa cho con người. Chùa cũng là nơi thực hiện mọi nghi lễ tín ngưỡng tôn giáo của dân làng. Khi đến dâng hương tại Chùa Tiên, du khách sẽ có dịp bày tỏ lòng thành kính và gửi gắm những ước nguyện của mình đến các đức Phật.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân địa phương và khách thập phương đến lễ Phật, vào năm 2007, ngôi chùa được khởi công xây mới với chiều dài 34m, chiều rộng 33m, tổng diện tích lên đến 1.122m². Hệ thống tượng Phật được lắp đặt công phu, bài trí trong không gian rộng rãi, tĩnh mịch và u huyền.

Lễ hội Chùa Tiên là một lễ hội truyền thống có lịch sử lâu đời, đã đi vào tiềm thức của người dân địa phương và du khách gần xa, trở thành nét đẹp văn hóa không thể thiếu mỗi độ xuân về. Những năm gần đây, lễ hội Chùa Tiên không chỉ của người dân địa phương mà còn thu hút du khách trong và ngoài nước. Tại đây có đình, chùa và 20 điểm động ghi nhận những giá trị khảo cổ học, văn hóa lịch sử và thắng cảnh thiên nhiên. Hàng năm, Chùa Tiên thu hút hàng triệu du khách đến tham quan, vãn cảnh.

Với hệ thống hang động được bố trí rải rác dọc theo hai dãy núi Tung Xê và Hương Tích, thuộc địa phận thôn Lão Nội và Lão Ngoại của xã Phú Lão (nay là xã Phú Nghĩa), huyện Lạc Thủy, khu di tích Chùa Tiên nổi bật với đa dạng loại hình du lịch như du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, và du lịch văn hóa lịch sử. Cảnh quan nơi đây được thiên nhiên ban tặng tựa như một bức tranh thủy mặc giữa vùng bán sơn địa. Quần thể hang động Chùa Tiên đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích cấp Quốc gia vào năm 2011.

Lễ hội Chùa Tiên là cơ hội để du khách thập phương tham quan, vãn cảnh chùa, và tìm hiểu nét đẹp văn hóa của vùng đất Mường. Tại đây, du khách có thể khám phá những nét đặc trưng của người dân địa phương thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian, và các lễ hội truyền thống. Đồng thời, du khách còn có thể dâng hương lễ Phật, cầu mong cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, mọi người khỏe mạnh, gia đình ấm no và hạnh phúc.

Đề thi học kì 1 Ngữ văn 9 Kết nối tri thức có đáp án - Đề 2

Phòng Giáo dục và Đào tạo ...

Đề thi Học kì 1 - Kết nối tri thức

Năm học 2024 - 2025

Môn: Ngữ văn lớp 9

Thời gian làm bài: phút

(Đề số 2)

I. Đọc hiểu (4,0 điểm)

Đọc bài thơ sau và thực hiện các yêu cầu:

PHẠM CÔNG – CÚC HOA

(Truyện thơ Nôm khuyết danh)

(Trích)

(165) Phạm Công thưa với mẹ già:

“Con đi kiếm củi phương xa phen này

Cố làm lấy một tuần chay

Cho cha siêu độ lên mây chầu trời

Dù phải kiếm củi suốt đời

(170) Con đây cũng chẳng sợ ai chê cười”

 

Mẹ rằng: “Đừng thế con ơi

Kiếm củi thì lại suốt đời cháo rau”

Phạm Công nước mắt tuôn sầu:

“Làm trai là phải dãi dầu xông pha

 

(175) Chứ ai sinh đẻ con ra

Bây giờ lụy đến mẹ già hổ ngươi

Nuôi con ngần ấy năm trời

Mẹ cha phải chịu một đời long đong

Công cha nghĩa mẹ ghi lòng

(180) Làm sao trả đặng ơn cùng tổ tiên”

 

Cơm nắm chỉ có mấy viên

Lưng đeo bầu nước tìm miền làm ăn

Đói lòng áo rách che thân

Đưa tay dắt mẹ dời chân lên đường.

 

(185) Bốn ngày rong ruổi dặm trường

Giữa trưa nắng gắt định dừng gốc đa

Mẹ con gặp một cụ già

Phơ phơ đầu bạc nước da đồi mồi

Phạm Công trông thấy ngùi ngùi:

(190) “Xin ông thư thả ta ngồi nghỉ ngơi”

Nghe thôi ông cụ mừng vui:

“Ba ngày chịu đói không người đoái thương

May thay có bậu qua đường

Hãy xin bớt miệng sẻ nhường cho ta

 

(195) Phạm Công nghe nói xót xa

Sẵn lưng cơm nắm mở ra tức thì

Miệng cười: “Ông hãy ăn đi

Giữa trưa ông có việc gì ra đây”

Cụ già thong thả giãi bày:

 

(200) “Hiếm hoi sinh được mụn trai đầu lòng

Thỏa niềm rày ước mai mong

Tìm thầy cho học, theo vòng nghĩa nhân

Theo thầy vừa được ba xuân

Về nhà cưới vợ thành thân vuông tròn

 

(205) Gia tài phá  sạch chẳng còn

Hôm mai khốn đốn vì con vung tiền

Những tin con thảo dâu hiền

Ai ngờ hết của chúng liền đuổi đi

Dầu con sỉ nhục ê chề

 

(210) Cực lòng lão phải tính bề tha phương”

Phạm Công nước mắt rưng rưng:

“Công cha nghĩa mẹ như rừng như non

Thấy người con tưởng thân con

Chuyện người thảm thiết héo hon lòng này

 

(215) Thôi còn ba nắm cơm đây

Xin ông cầm lấy đường dài dùng qua

Ví dù con có lỡ ra

Con xin nơi khác mẹ già cũng no

Cụ già nghe nói nhỏ to:

 

(220) “Ơn chàng tốt bụng mà cho như vậy

Lòng chàng nhân hậu khôn tày

Cho nên lão lấy cơm này một viên”

Dứt lời cơm vẫn còn nguyên

Lão ông thôi đã biến liền vời xa

 

(225) Chẳng ngờ là Phật Di Đà

Thoắt về tâu với vua cha Ngọc hoàng

Cùng quan văn võ hai hàng:

“Chẳng ai ân nghĩa bằng chàng Phạm Công”

Tiếng đồn đã đến cửu trùng

(230) Lại còn vang tới thủy cung động đình.

Ngọc hoàng muốn thấu sự tình

Truyền đòi tiên nữ đăng trình viễn phương

Tiên nữ vâng lệnh lên đường

Xuống xem lòng dạ cõi dương thế nào.

(Cổ văn Việt Nam, Internet: wordpress.com)

* Phạm Công là chàng trai con nhà nghèo, phải đi làm công để nuôi bố mẹ. Cha chết, Phạm Công phải đi ăn mày để tiếp tục phụng dưỡng mẹ đến khi mẹ chết. Là người hiếu học, Phạm Công xin thụ giáo Quỷ cốc tiên sinh. Ở đây, Phạm Công được Cúc Hoa là bạn đồng môn, cũng là con gái của tri phủ, yêu thương. Hai người cưới nhau, khi Cúc Hoa có thai thì Phạm Công lên kinh thành ứng thí. Phạm Công đã gặp nhiều gian truân khổ ải, bị quốc vương các nước khác ép gả công chúa nhưng Phạm Công đều từ chối. Nhưng nhờ công chúa nước Triệu nhân hậu, Phạm Công được trở về quê hương làm nguyên soái, đoàn tụ cùng Cúc Hoa, họ có hai con là Nghi Xuân (con gái) và Tấn Lực (con trai). Cúc Hoa lại không may qua đời ở tuổi 30. Phạm Công tái giá với Tào Thị và phải lên Cao Bằng làm trấn thủ. Tào Thị ở nhà ngoại tình, hành hạ, ngược đãi Nghi Xuân và Tấn Lực. Cao điểm, thị cùng người tình bàn mưu giết hại hai con chồng, khiến hai đứa phải trốn khỏi nhà đi ăn xin.

Trong một đêm, Cúc Hoa từ cõi âm ti hiện về gặp hai con và gửi thư tin cho Phạm Công biết. Sau ba năm trấn thủ, Phạm Công trở về đuổi Tào Thị đi. Tào Thị sau đó bị sét đánh chết. Được công chúa Xuân Dung nước Trịnh, Tề Thiên Đại Thánh và Diêm Vương giúp đỡ, Phạm Công xuống được âm ti và tìm được vợ. Cúc Hoa được tái sinh, trở lại dương thế, “vu quy” với Phạm Công. Phạm Công cũng được vua Trịnh gả công chúa Xuân Dung và nhường ngôi vua cho..

(Đoạn trích: Nằm ở phần đầu tác phẩm)

Câu 1 (1,0 điểm) Đoạn trích truyện thơ trên nói về sự việc gì?

Câu 2 (1,0 điểm) Hoàn cảnh khốn khó của ông lão kể với Phạm Công là gì?

Câu 3 (1,0 điểm) Cảm nhận của em về nhân vật Phạm Công qua đoạn thơ:

Dù phải kiếm củi suốt đời

(170) Con đây cũng chẳng sợ ai chê cười”

 

Mẹ rằng: “Đừng thế con ơi

Kiếm củi thì lại suốt đời cháo rau”

Phạm Công nước mắt tuôn sầu:

“Làm trai là phải dãi dầu xông pha

 

(175) Chứ ai sinh đẻ con ra

Bây giờ lụy đến mẹ già hổ ngươi

Nuôi con ngần ấy năm trời

Mẹ cha phải chịu một đời long đong

Công cha nghĩa mẹ ghi lòng

(180) Làm sao trả đặng ơn cùng tổ tiên”

Câu 4 (1,0 điểm) Theo em văn bản trên có những  chủ đề nào? Hãy xác định chủ đề chính và ít nhất một chủ đề phụ của văn bản.

II.Viết (6,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm) Nêu cảm nhận về nhân vật Phạm Công trong đoạn trích trên bằng một đoạn văn khoảng 200 chữ.

Câu 2 (4,0 điểm) Hãy viết bài văn bàn về vấn đề vi phạm luật giao thông ở các bạn trẻ hiện nay và giải pháp để khắc phục vấn đề đó.

HƯỚNG DẪN CHẤM

Phần

Câu

Nội dung

Điểm

Đọc hiểu

1

Đoạn trích truyện thơ trên nói về sự việc Phạm Công quyết lên núi kiếm củi để trang trải cuộc sống cùng đưa mẹ già đi theo, giúp đỡ một ông lão chính là Phật Di Đà, sau đó được tiếng tốt vang xa cả thiên đình.

0,5 điểm

2

Hoàn cảnh khốn khó của ông lão kể với Phạm Công Ông lão có một con trai nhưng vì con ăn chơi nên đã bán hết của cải, người con dâu cùng con trai đuổi ông ra khỏi nhà

0,5 điểm

3

Cảm nhận của em về nhân vật Phạm Công qua đoạn thơ:

- Người có ý chí quyết tâm thay đổi cuộc đời, số phận nghèo khổ của mình

- Người có lòng hiếu thảo quyết tâm đền đáp công ơn của cha mẹ già

1,0 điểm

4

- Chủ đề chính: Đề cao, ca ngợi phẩm chất cao đẹp của con người chính nghĩa.

- Chủ đề phụ:

 + Tình yêu thương của mẹ (mẹ lo lắng Phạm Công vất vả)

 + Phê phán sự bất hiếu, vô đạo của những kẻ ăn chơi, không lo lắng cho cha mẹ già (Câu chuyện của ông lão khốn khổ khi gặp hai mẹ con Phạm Công)

1,0 điểm

Viết

1

Nêu cảm nhận về nhân vật Phạm Công trong đoạn trích trên.

2,0 điểm

* Yêu cầu về hình thức, kĩ năng: Đảm bảo đoạn văn nghị luận có bố cục mạch lạc, sử dụng linh hoạt các kiểu câu và có sự liên kết chặt chẽ giữa các câu, các ý trong đoạn văn. Có cách diễn đạt trong sáng độc đáo, thể hiện những suy nghĩ, kiến giải mới mẻ về vấn đề nghị luận.

0,25 điểm

Yêu cầu về kiến thức:

Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần giới thiệu được vấn đề cần bàn luận, nêu rõ lí do và quan điểm của bản thân, hệ thống luận điểm chặt chẽ, lập luận thuyết phục, sử dụng dẫn chứng thuyết phục.

Sau đây là một hướng gợi ý:

- Phạm Công hiếu thảo:

+ Quyết tâm kiếm củi để làm lễ cho cha, thể hiện lòng hiếu thảo sâu sắc.

- Chí làm trai:

+ Phạm Công khẳng định trách nhiệm của người đàn ông, sẵn sàng vượt khó khăn để trả ơn cha mẹ.

- Lòng nhân hậu:

+ Chia sẻ cơm cho cụ già dù bản thân đói khổ, thể hiện tấm lòng nhân nghĩa.

- Phần thưởng cho nhân nghĩa:

+ Phạm Công được Ngọc Hoàng và Phật Di Đà ghi nhận, tượng trưng cho sự đền đáp xứng đáng.

1,5 điểm

Có sự sáng tạo trong cách viết.

0,25 điểm

2

Hãy viết bài văn bàn về vấn đề vi phạm luật giao thông ở các bạn trẻ hiện nay và giải pháp để khắc phục vấn đề đó.

4,0 điểm

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận

- Học sinh biết tạo lập một bài văn nghị luận đảm bảo đủ cấu trúc 3 phần: Mở bài, Thân bài, Kết bài.

0,25 điểm

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Hãy viết bài văn bàn về vấn đề vi phạm luật giao thông ở các bạn trẻ hiện nay và giải pháp để khắc phục vấn đề đó.

0,25 điểm

c. Triển khai vấn đề nghị luận

- Chia vấn đề nghị luận thành các luận điểm, luận cứ phù hợp, có sức thuyết phục; sử dụng tốt các thao tác lập luận; biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng.

- HS có thể triển khai theo những cách khác nhau, nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:

1. Mở bài

- Giới thiệu vấn đề vi phạm luật giao thông ở giới trẻ: Hiện nay, tình trạng vi phạm giao thông trong giới trẻ diễn ra phổ biến và là vấn đề cần được quan tâm.

- Nêu ý nghĩa của việc chấp hành luật giao thông đối với an toàn xã hội.

2. Thân bài

a. Thực trạng vi phạm luật giao thông ở các bạn trẻ

- Vi phạm phổ biến: không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, phóng nhanh, lạng lách, sử dụng điện thoại khi lái xe.

- Độ tuổi thường vi phạm: chủ yếu là thanh thiếu niên.

- Hậu quả: tai nạn giao thông, nguy hiểm cho bản thân và người khác, gánh nặng cho gia đình và xã hội.

b. Nguyên nhân dẫn đến vi phạm

- Thiếu ý thức: Nhiều bạn trẻ coi thường luật giao thông, thiếu trách nhiệm với bản thân và người khác.

- Ảnh hưởng từ môi trường xã hội: Các bạn bị tác động từ bạn bè, mạng xã hội và văn hóa đua xe.

- Thiếu giáo dục và giám sát: Chưa được giáo dục đầy đủ về an toàn giao thông từ gia đình và nhà trường.

- Thiếu sự răn đe: Hình phạt chưa đủ sức răn đe, quản lý giao thông còn lỏng lẻo.

c. Giải pháp khắc phục vấn đề

- Nâng cao nhận thức: Tăng cường tuyên truyền giáo dục về luật giao thông cho các bạn trẻ thông qua trường học, truyền thông.

- Tăng cường quản lý và giám sát: Cảnh sát giao thông và chính quyền cần siết chặt quản lý, xử phạt nghiêm minh các trường hợp vi phạm.

- Vai trò của gia đình và nhà trường: Gia đình và thầy cô cần giáo dục các bạn trẻ về trách nhiệm khi tham gia giao thông.

- Tạo các sân chơi an toàn: Cung cấp các hoạt động, sân chơi lành mạnh để tránh việc tụ tập đua xe, lạng lách.

3. Kết bài

- Khẳng định tầm quan trọng của việc tuân thủ luật giao thông đối với an toàn cá nhân và xã hội.

- Kêu gọi giới trẻ nâng cao ý thức, trách nhiệm khi tham gia giao thông và góp phần xây dựng xã hội an toàn hơn.

3,0 điểm

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

0,25 điểm

e. Sáng tạo

- Bài viết có luận điểm rõ ràng, lập luận thuyết phục, diễn đạt trong sáng, bài viết thể hiện được sự sáng tạo, độc đáo riêng.

- Chữ viết sạch đẹp, rõ ràng, văn phong lưu loát; không mắc lỗi chính tả, lỗi dùng từ, đặt câu.

0,25 điểm

* Lưu ý: Phần hướng dẫn trên đây chỉ là những gợi ý, định hướng. Học sinh có nhiều cách diễn đạt khác nhau, giám khảo cần linh hoạt vận dụng hướng dẫn chấm và câu trả lời của học sinh để đánh giá cho điểm phù hợp, ưu tiên những bài làm có tính sáng tạo cao,. Điểm toàn bài cho lẻ đến 0,25 điểm.

Đánh giá

0

0 đánh giá