Bộ 10 đề thi giữa kì 1 Ngữ văn 9 Kết nối tri thức có đáp án năm 2024

1.9 K

Tailieumoi.vn xin giới thiệu bộ đề thi giữa kì 1 môn Ngữ văn lớp 9 sách Kết nối tri thức năm 2024 - 2025. Tài liệu gồm 4 đề thi có ma trận chuẩn bám sát chương trình học và đáp án chi tiết, được biên soạn bởi đội ngũ giáo viên THCS dày dặn kinh nghiệm sẽ giúp các em ôn tập kiến thức và rèn luyện kĩ năng nhằm đạt điểm cao trong bài thi Giữa học kì 1 Ngữ văn 9. Mời các bạn cùng đón xem:

Đề thi giữa kì 1 Ngữ văn 9 Kết nối tri thức có đáp án năm 2024

Đề thi giữa kì 1 Ngữ văn 9 Kết nối tri thức có đáp án - Đề 1

Phòng Giáo dục và Đào tạo ...

Đề thi Giữa kì 1 - Kết nối tri thức

Năm học 2024 - 2025

Môn: Ngữ văn lớp 9

Thời gian làm bài: phút

(Đề số 1)

I. ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

Đọc đoạn văn sau:

CHIẾC BÁT VỠ

Ở thành phố kia có một bác thợ rèn, bác có một người con trai duy nhất. Anh vừa đẹp trai vừa giỏi giang khiến bác rất tự hào.

Một ngày nọ, người con trai bị tai nạn xe hơi, tuy giữ được tính mạng nhưng lại bị mất cả hai chân. Tuyệt vọng, hàng ngày anh ngồi ủ rũ trong phòng, im lặng nhìn ra cửa sổ.

Một lần, vì quá đau khổ, anh tìm cách tự tử bằng cách uống thuốc ngủ, nhưng may thay cha anh kịp thời phát hiện đưa anh tới bệnh viện, cứu anh qua cơn nguy kịch.

Một ngày sau người con trai tỉnh, bác thợ rèn mang đồ ăn tới cho con. Anh con trai tức giận hất đổ khay đồ ăn, rồi chỉ chiếc bát vỡ dưới nền, nói:

- Cha à, cha cứu con làm gì, cuộc đời con giờ như chiếc bát vỡ kia rồi, mãi mãi không lấy lại được nữa!

Người cha già tội nghiệp lặng lẽ xoa đầu người con trai, vỗ về rồi giúp anh nằm nghỉ. Xong ông dọn dẹp những thứ dưới đất, đôi mắt ông đỏ hoe.

Một tuần sau anh được đưa về nhà. Anh thấy trên bàn mình có một chiếc bát sắt. Anh lấy làm lạ lẫm.

- Con có biết nguồn gốc chiếc bát sắt này không, con trai?

- Ý của cha là...? – Anh ấp úng nói.

- Chính là chiếc bát sành hôm trước đó con, cha cho nó vào lò nung, cho thêm sắt nữa, rồi đúc, thế là nó trở thành chiếc bát sắt này đó con.

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1 (1.0 điểm). Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên.

Câu 2 (1.0 điểm). Tìm từ ngữ địa phương tương ứng với từ “bát” trong câu văn “Anh thấy trên bàn mình có một chiếc bát sắt”

Câu 3 (1.0 điểm). “Con có biết nguồn gốc chiếc bát sắt này không, con trai?

- Ưm…ý cha là? – Anh ấp úng nói”.

Trong đoạn hội thoại trên, người con đã vi phạm phương châm hội thoại nào? Vì sao?

Câu 4 (1.0 điểm). Em rút ra được bài học gì từ câu nói: “Chính là chiếc bát sành hôm trước, cha cho nó vào lò nung, cho thêm sắt nữa, rồi đúc, thế là nó trở thành chiếc bát sắt này đó con”?

PHẦN VIẾT (6.0 điểm)

Câu 1 (4.0 điểm). Từ nội dung bài đọc trên, em hãy viết bài văn trình bày suy nghĩ của em về khát vọng trong cuộc sống con người.

Câu 2 (2.0 điểm). Viết đoạn văn (khoảng 10 – 12 câu) phân tích đoạn thơ sau:

Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không mặc kệ gió lung lay
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính.
Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh,
Sốt run người, vừng trán ướt mồ hôi.

Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay!

(Trích Đồng chí – Chính Hữu)

ĐÁP ÁN

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

Câu 1.

Phương thức biểu đạt chính: Tự sự

Câu 2.

Từ ngữ địa phương ứng với từ “bát” là từ “chén”.

Câu 3.

- Cậu con trai vi phạm phương châm cách thức.

- Vì: cậu con trai nói ngập ngừng, ấp úng.

Câu 4.

Gợi ý bài học rút ra từ câu nói của người cha:

- Sống phải luôn có khát vọng, không ngừng vươn lên.               

- Phải sống có bản lĩnh, nghị lực, ý chí kiến cường để không gục ngã trước khó khăn.

-…

PHẦN VIẾT (6.0 điểm)

Câu 1.

1. Mở bài

- Giới thiệu vấn đề: khát vọng trong cuộc sống con người.

- Nêu khái quát về tầm quan trọng của khát vọng trong việc hướng con người đến mục tiêu và thành công.

2. Thân bài

a. Giải thích khát vọng là gì

- Khát vọng là mong muốn mãnh liệt và khao khát đạt được mục tiêu lớn trong cuộc sống.

- Khát vọng không chỉ là ước mơ mà còn là động lực thúc đẩy hành động để thực hiện ước mơ đó.

b. Vai trò của khát vọng trong cuộc sống

- Động lực phát triển bản thân: Khát vọng giúp con người vượt qua khó khăn, thử thách để đạt được thành công.

- Tạo nên ý chí kiên cường: Những người có khát vọng sẽ không ngại khó khăn và luôn vươn lên trong mọi hoàn cảnh.

- Xác định hướng đi rõ ràng: Khát vọng giúp con người có mục tiêu sống, tránh lạc lối hoặc mất phương hướng.

c. Dẫn chứng

- Những người nổi tiếng hoặc thành công trong xã hội thường có khát vọng mạnh mẽ (ví dụ: Hồ Chí Minh với khát vọng giải phóng dân tộc, Bill Gates với khát vọng phát triển công nghệ).

- Những tấm gương vượt khó trong cuộc sống nhờ khát vọng vươn lên từ nghịch cảnh.

d. Sự cần thiết của khát vọng trong việc xây dựng cuộc sống

- Khát vọng giúp con người có thêm sức mạnh tinh thần, duy trì động lực để làm việc và cống hiến.

- Nếu không có khát vọng, con người dễ rơi vào trạng thái thụ động, thiếu mục tiêu, sống mờ nhạt.

e. Khát vọng và trách nhiệm xã hội

- Khát vọng không chỉ vì bản thân mà còn phải gắn liền với lợi ích chung của cộng đồng, xã hội.

- Những người có khát vọng lớn thường mang lại lợi ích không chỉ cho bản thân mà còn cho sự phát triển chung.

g. Phản đề

- Một số người không có khát vọng sống, chỉ biết an phận với những gì đang có và sống ỉ lại.

3. Kết bài

- Khẳng định tầm quan trọng của khát vọng trong cuộc sống.

- Lời nhắn nhủ về việc nuôi dưỡng và phát huy khát vọng tích cực, góp phần xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.

Câu 2.

1. Mở đoạn

Giới thiệu về tác giả Chính Hữu và bài thơ Đồng chí.

Giới thiệu nội dung cần phân tích – khổ thơ thứ 2 bài Đồng chí.

2. Thân đoạn

- Tình đồng chí là sự cảm thông sâu sắc những tâm tư, nỗi niềm của nhau. Những người lính gắn bó với nhau, họ hiểu đến những nỗi niềm sâu xa, thầm kín của đồng đội mình:

“Ruộng nương anh gửi bạn thân cày,
Gian nhà không, mặc kệ gió lung lay
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính”

Người lính đi chiến đấu để lại sau lưng những gì yêu quý nhất của quê hương: ruộng nương, gian nhà, giếng nước gốc đa. Từ “mặc kệ” cho thấy tư thế ra đi dứt khoát của người lính.

Nhưng sâu xa trong lòng, họ vẫn da diết nhớ quê hương. Ở ngoài mặt trận, họ vẫn hình dung thấy gian nhà không đang lung lay trong cơn gió nơi quê nhà xa xôi.

- Tình đồng chí còn là cùng nhau chia sẻ những gian lao, thiếu thốn của cuộc đời người lính:

Những gian lao, thiếu thốn trong cuộc sống của người lính những năm kháng chiến chống pháp hiện lên rất cụ thể, chân thực: áo rách, quần vá, chân không giày, sự khổ sở của những cơn sốt rét rừng hành hạ, trời buốt giá, môi miệng khô và nứt nẻ, nói cười rất khó khăn, có khi nứt ra chảy cả máu. Nhưng những người lính vẫn cười bởi họ có hơi ấm và niềm vui của tình đồng đội “thương nhau tay nắm lấy bàn tay”.

Hơi ấm ở bàn tay, ở tấm lòng đã chiến thắng cái lạnh ở “chân không giày” và thời tiết “buốt giá”. Cặp từ xưng hô “anh” và “tôi” luôn đi với nhau, có khi đứng chung trong một câu thơ, có khi đi sóng đôi trong từng cặp câu liền nhau diễn tả sự gắn bó, chia sẻ của những người đồng đội.

3. Kết đoạn

Khẳng định giá trị nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ.

Nêu cảm nhận của bản thân.

Đề thi giữa kì 1 Ngữ văn 9 Kết nối tri thức có đáp án - Đề 2

Phòng Giáo dục và Đào tạo ...

Đề thi Giữa kì 1 - Kết nối tri thức

Năm học 2024 - 2025

Môn: Ngữ văn lớp 9

Thời gian làm bài: phút

(Đề số 2)

I. Đọc hiểu (4,0 điểm)

Đọc đoạn trích:

CHUYỆN CÁI CHÙA HOANG Ở HUYỆN ĐÔNG TRIỀU

Ðời nhà Trần, tục tin thần quỹ, thần từ phật tự chẳng đâu là không có, như chùa Hòang Giang, chùa Ðồng Cổ, chùa An Sinh, chùa Yên Tử, chùa Phổ Minh, quán Ngọc Thanh dựng lên nhan nhản khắp nơi; những người cắt tóc làm tăng làm ni, nhiều hầu bằng nửa số dân thường. Nhất là vùng huyện Ðông Triều [1], sự sùng thượng lại càng quá lắm, chùa chiền dựng lên, làng lớn có đến hơn mười nơi, làng nhỏ cũng chừng năm, sáu, bao ngoài bằng rào lũy, tô trong bằng vàng son, phàm người đau ốm, chỉ tin theo ở sự hư vô; gặp các tuần tiết thì đàn tràng cúng vái rất là rộn rịp. Thần Phật xem chừng cũng ứng giáng, nên cầu gì được nấy, linh ứng lạ thường.

Bởi vậy, người dân càng kính tin, không dám ngạo mạn. Ðời vua Giản Ðịnh [2] nhà Trần, binh lửa luôn năm, nhiều nơi bị đốt; số chùa chiền còn lại, mười không được một, mà cái số còn lại ấy, cũng mưa bay gió chuyển, đổ ngã xiêu nghiêng, tiêu điều đứng rủ ở giữa đám cỏ hoang bụi rậm. Sau khi quân Ngô [3]   lui, dân trở về phục nghiệp. Có viên quan là Văn Tư Lập đến trị huyện ấy, thấy những cảnh hoang tàn đổ nát, bèn róng rả dân đinh các xã, đánh tranh kên nứa mà sửa chửa lại ít nhiều. Ngồi ở huyện ấy một năm, thấy dân quanh huyện khổ về cái nạn trộm cắp, từ gà lợn ngỗng ngan đến cá trong ao, quả trong vườn, phàm cái gì ăn được đều bị mất hết, Tư Lập than rằng:

- Ta ở vào địa vị một viên ấp tể, không có cái minh để xét ra kẻ gian, cái cứng để chế phục kẻ ác, vì nhân nhu mà hỏng việc, chính là cái lỗi tự ta.

Song Tư Lập cho rằng những đám trộm cắp vặt ấy, cũng không đến nỗi là đáng lo ngại lắm, nên chỉ sức họ các thôn dân, đêm đêm họ vẫn asnh phòng cẩn mật. Trong khoảng một tuần, tuy canh phòng chẳng thấy gì cả, nhưng những việc trộm vặt cũng vẫn như trước. Lâu dần càng không thấy chúng kiêng sợ gì, đến nỗi lại vào bếp để khoắng hủ rượu của người ta, khi mọi người đổ đến vây bắt, thì kẻ gian đã biến đi đằng nào mất, chẳng thấy gì cả. Tư Lập cười mà nói:

- Té ra lâu nay vẫn ngờ oan cho lũ kẻ trộm, kỳ thực đó là lọai ma quỷ, hưng yêu ác quái đó mà thôi. Những sự quấy rối bấy nay, đề tự vật này cả.

Ðó rồi đi mời khắp các thầy phù thủy cao tay, xin bùa yểm trấn. Song càng bùa bèn trừ yểm, sự quấy quắc vẫn tệ hơn trước. Tư Lập cả sợ, họp người dân thôn lại bàn rằng:

- Các người khi trước vẫn thờ Phật rất là kính cẩn, lâu nay vì việc binh hỏa mà đèn hương lễ bái không chăm, cho nên yêu nghiệt hòanh hòanh mà Phật không cứu giúp. Nay sao chẳng đến chùa kêu cầu với Phật, tưởng cũng là một cách quyền nghi, may có thể giúp ích cho mình.

Mọi ngưòi bèn đi đốt hương lễ bái ở chùa chiền khấn rằng:

- Lũ chúng sinh này kính thờ Trời Phật, quy y đã lâu, hết lòng trông cậy ở Phật pháp. Nay ma quỷ nổi lên, quấy nhiễu dân chúng, họa hại cả đến lòai lục súc, vậy mà Phật ngồi nhìn im lặng, chẳng cũng từ bi qúa lắm ư? Cúi xin mở lượng xót thương, ra uy trừng phạt, khiến thần, người chẳng lẫn, dân vật đều yên, sinh kế chưa khôi phục được, tấc gỗ mãnh ngói khó lòng xoay xở vào đâu. Ðợi khi làm ăn giàu có sẽ lại xin sửa lại chùa chiền đền công đức ấy.

Ðêm hôm ấy, trộm cắp hoành hành vẫn dữ hơn trước. Tư Lập chẳng biết làm sao được, nghe Vương Tiên sinh ở huyện Kim Thành [4] là người giỏi bói dịch, bèn đến bói một quẻ xem sao. Vương Tiên sinh bói rồi nói rằng:

Cưỡi trên ngựa tốt

Mặc áo vải săn

Túi da tên thiếc

Ðích thị người thần

Lại dặn rằng:

- Ông muốn trừ được nạn ấy, sáng ngày mai nên do phía tả cửa huyện đi về phương Nam, hễ thấy người nào vận mặc như thế, mang xách như vậy, quyết là người ấy có thể trừ hại được, nên cố thỉnh mời, dù từ chối cũng đừng nghe.

Hôm sau, Tư Lập cùng các phụ lão theo đúng lời của Vương Tiên sinh để trông ngóng xem, những kẻ đi người lại đầy đường, chẳng thấy ai giống như thế cả. Trời đã xế chiều, ai nấy chán nản sắp muốn về, chợt có một người từ trong núi đi ra, mình mặc áo vải, đeo cung cưỡi ngựa. Mọi người cùng chạy ra phục lạy ở phía trước mặt. Người ấy ngạc nhiên hỏi, mọi người cũng kể rõ bản ý của mình. Người ấy cười mà rằng:

- Các ông sao mà tin bói tóan đến thế!. Tôi từ nhỏ làm nghề săn bắn, mình không rời yên ngựa, tay không rời cung tên. Hôm qua nghe nói ở núi Yên Phụ [5] có nhiều giống nai béo, thỏ tốt nên nay định đến để săn, nào có biết lập đàn thầy pháp, bắn ma vô hình là công việc thế nào.

Tư Lập nghĩ bụng người này tất là một vị pháp đàn cao tay, vì không muốn nổi tiếng về thuật bùa bèn, sợ bị mang lụy vào thân, nên mới vào nhởn nhơ trong chốn núi khe, giấu mình ở thú chơi cung mã, bèn nhất định cố mời kỳ được. Người kia xem chừng không thể từ chối, phải gượng theo lời. Tư Lập mời người ấy về huyện để ở trong nhà quán xá, giường chiếu màn đệm rất sang trọng, săn sóc kính cẩn như một vị thần minh. Người ấy nghĩ riêng mình rằng:

- Họ tiếp đãi kính cẩn với ta như thế này, chỉ vì cho ta có tài trừ quỷ. Nhưng thực thì ta chẳng có tài gì về sự đó, thế mà đi hưởng sự cung cấp của người, sao cho đành tâm. Nếu không sớm liệu trốn đi thì có ngày phải xấu hổ.

Hôm ấy mới chừng nửa đêm, thừa lúc mọi người đã ngủ say, người ấy bèn rón rén bước ra khỏi huyện lị. Khi đến phía tây cái cầu ván, bấy giờ trời tối lờ mờ, trăng khuya chưa mọc, thấy có người hình thể to lớn, hớn hở từ dưới đồng đi lên, người ấy bèn lẫn vào chỗ khuất, ngồi rình để xem họ làm trò gì. Một lát, thấy họ thò tay khoắng xuớng một cái ao, rồi bất cứ vớ được cá lớn cá nhỏ, đều bỏ vào mồm nhai nuốt hết, lại nhìn nhau mà cười mà nói:

- Những con cá con ăn ngon lắm, nên ăn dè dặt mới thấy thú, há chẵng hơn những thức ăn nhạt nhẽo họ thường dâng cúng chúng mình ư? Ðáng tiếc là đến bây giờ, chúng mình mới được biết những vị ngon ấy.

Một người cười mà nói:

- Chúng mình to đầu mà dại, bấy nay bị chúng nó lừa dối, ai lại đem cái oản, một vài lẻ gạo để lấp cái bụng ngàn cân mà đi giữ cửa cho chúng nó bao giờ. Nếu không có những buổi như buổi hôm nay mà cứ trường chay mãi như trước thì thật là một đời sống uổng.

Một người nói:

- Tôi xưa nay vẫn ăn đồ mặn không phải ăn chay như các ông. Nhưng hiện giờ dân tình vẫn nghèo kiết, chúng nó chẳng có gì để cúng vái mình. Bụng đói miệng thèm, không biết mùi thịt là cái gì đẫ trãi một thời gian khá lâu lắm, chẳng khác gì chí đức Khổng Tử ở nước Tề ba tháng không được đụng đến miếng thịt. Song đêm nay trời rét nước lạnh, khó lòng ở lâu chỗ này được, chi bằng lên quách vườn mía mà bắt chước Hổ đầu tướng quân [6] ngày xưa.

Ðoạn rồi họ dắt nhau đi lên, vào vườn mía, ngồi nhổ trộm mà tước, mà hít. Người kia đang ngồi núp một chỗ, liền giương cung lấy cắp tên, thình lình bắn ra, tin luôn ngay được hai người. Bọn gian kêu ấm ớ mấy tiếng rồi ồ chạy cả, chừng được mấy chục bước, đều mờ khuất hết. Song lúc đó còn có thấy tiếng mắng nhau:

- Ðã bảo ngày giờ không tốt thì đừng nên đi. Không nghe lời ta bây giờ mới biết.

Người kia kêu réo ầm ĩ lên, dân làng quanh đấy giật mình tỉnh dậy, cùng đốt đèn thắp đuốc chia nhau mỗi người đi một ngả. Họ soi thấy dấu máu vấy trên mặt đất, bèn theo dấu đi về phía tây. chừng hơn nữa dặm đến một cái chùa hoang, vào thấy hai pho tượng Hộ pháp xiêu vẹo trong chùa, trên lưng mỗi tượng đều thấy một phát tên cắm vào sâu lắm. Mọi người đều lắc đầu lè lưỡi, cho là một sự lạ xưa nay chưa có bao giờ. Họ liền hẩy đổ hai pho tượng.Trong lúc ấy còn nghe có tiếng nói rằng:

- Vẫn tưởng kiếm cho no bụng, ai ngờ phải đến nát thân. Nhưng bày ra mưu này là tự lão Thuỷ thần kia. Hắn là chủ mưu mà được khỏi nạn còn chúng ta theo hắn mà phải chịu vạ, thật cũng đáng phàn nàn lắm.

Đó rồi họ sai người đến miếu Thủy thần, thấy pho thần tượng đắp bằng đất, bỗng biến nét mặt, mặt tái đi như chàm đỗ, mấy cái vảy cá vẫn còn dính lèm nhèm trên mép. Bèn lại phá hủy luôn cả pho tượng ấy.

Quan huyện Văn Tư Lập dốc hết hòm rương để trả ơn người kia chở nặng mà về. Từ đấy yêu tà tuyệt tịch không còn thấy tăm bóng đâu nữa.

(Nguyễn Dữ, Truyền kì mạn lục, NXB Hội Nhà văn, 2018)

Chú thích:

[1] Đông Triều: nay là huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.

[2] Vua Giản Định: tên là Ngỗi, dấy quân chống quân xâm lược Minh từ 1407, niên hiệu Hưng Khánh.

[3] Quân Ngô: chỉ quân xâm lược Minh.

[4] Huyện Kim Thành: thời Trần thuộc châu Đông Triều, nay thuộc địa phận tỉnh Hải Dương.

[5] Núi Yên Phụ: nguyên chú: “Núi ở huyện Giáp Sơn”, có lẽ nay là vùng Kinh Môn thuộc tỉnh Hải Dương.

[6] Hổ đầu tướng quân: đời vua Tấn An Đế, Cố Hải Chi làm chức Hổ đầu tướng quân, người đương thời gọi là Cố Hổ đầu. Mỗi lần ăn mía, Cố đều ăn từ ngọn xuống gốc, lại nói: “Ăn như thế thì mỗi lúc mới đi đến chỗ thú vị”.

* Nguyễn Dữ là một danh sĩ thời Lê sơ, thời nhà Mạc sống vào khoảng thế kỷ 16 và là tác giả sách Truyền kỳ mạn lục, một tác phẩm truyền kỳ nổi tiếng tại Việt Nam.

Trả lời câu hỏi từ 1 đến 5 (trình bày ngắn gọn)

Câu 1 (1,0 điểm) Liệt kê các sự việc chính trong văn bản Chuyện cái chùa hoang ở huyện Đông Triều (Nguyễn Dữ) và cho biết sự việc nào quan trọng nhất?

Câu 2 (1,0 điểm) Phân biệt lời người kể chuyện và lời nhân vật trong văn bản trên

Câu 3 (1,0 điểm) Phân tích đôi nét về một số nhân vật yêu ma, thần trong văn bản Chuyện cái chùa hoang ở huyện Đông Triều và nhận xét khái quát đặc điểm, vai trò của hệ thống nhân vật này đối với tác phẩm?

Câu 4 (1,0 điểm) Đánh giá ý nghĩa, bức thông điệp của tác phẩm Chuyện cái chùa hoang ở huyện Đông Triều (Nguyễn Dữ). (1.0đ)

II. Viết (6,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm) Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) phân tích một số sự việc/chi tiết tiểu biểu làm nổi bật phẩm chất đáng quý ở nhân vật Văn Tư Lập trong văn bản Chuyện cái chùa hoang ở huyện Đông Triều.

Câu 2 (4,0 điểm) Viết bài văn nghị luận xã hội về một vấn đề cần giải quyết: Là một học sinh, em hãy đề xuất những giải pháp phù hợp để giải quyết tình trạng ô nhiễm tiếng ồn tại các thành phố lớn ở Việt Nam hiện nay.

HƯỚNG DẪN CHẤM

Phần

Câu

Nội dung

Điểm

Đọc hiểu

1

- Các sự việc:

+ Dân làng Đông Triều bị nạn trộm cắp vặt, Văn Tư Lập mời thầy phù thủy, Vương tiên sinh bói toán để giải quyết.

+ Vương tiên sinh bói được người có thể trừ được nạn trộm cắp vặt là người mặc áo vải săn, cưỡi ngựa tốt, đeo túi da tên thiếc.

+ Tư Lập tìm thấy người có khả năng trừ được nạn trộm cắp vặt là một người săn bắn.

+ Người săn bắn phát hiện ra hai pho tượng Hộ pháp trong chùa hoang là thủ phạm gây ra nạn trộm cắp vặt.

+ Dân làng phá hủy hai pho tượng Hộ pháp và pho tượng Thủy thần, nạn trộm cắp vặt chấm dứt.

- Sự việc quan trọng nhất: Người săn bắn phát hiện ra hai pho tượng Hộ pháp trong chùa hoang là thủ phạm gây ra nạn trộm cắp vặt.

1,0 điểm

2

- Lời người kể chuyện và lời nhân vật trong văn bản:

+ Lời nhân vật: dẫn gián tiếp lời nói (hay ý nghĩ) của nhân vật.

VD:  - Ta ở vào địa vị một viên ấp tể, không có cái minh để xét ra kẻ gian, cái cứng để chế phục kẻ ác, vì nhân nhu mà hỏng việc, chính là cái lỗi tự ta. (lời than của Văn Tư Lập)

- Họ tiếp đãi kính cẩn với ta như thế này, chỉ vì cho ta có tài trừ quỷ. Nhưng thực thì ta chẳng có tài gì về sự đó, thế mà đi hưởng sự cung cấp của người, sao cho đành tâm. Nếu không sớm liệu trốn đi thì có ngày phải xấu hổ. (ý nghĩ của vị pháp đàn cao tay)

+ Lời người kể chuyện: không được đánh dấu bởi các gạch đầu dòng.

1,0 điểm

3

- Nhân vật yêu ma

+ Hai tên yêu quái: Đây là hai nhân vật chính gây ra nạn trộm cắp vặt ở huyện Đông Triều. Hai tên yêu quái này có hình dáng to lớn, dữ tợn, chuyên đi ăn trộm cá, trộm mía của dân làng. Chúng là những kẻ tham lam, lười biếng, chỉ biết lợi dụng tín ngưỡng của dân chúng để trục lợi.

+ Thủy thần: Thủy thần là kẻ chủ mưu đứng đằng sau hai tên yêu quái. Thủy thần là một kẻ xảo quyệt, gian trá, luôn tìm cách lợi dụng những kẻ khác để thực hiện mục đích của mình.

- Nhân vật thần: Người săn bắn có phép thuật cao cường, có thể trừ được yêu ma. Người săn bắn là một người bình dị, chất phác, nhưng lại có tấm lòng lương thiện, luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác.

- Đặc điểm, vai trò của hệ thống nhân vật yêu ma, thần:

+ Được xây dựng dựa trên những quan niệm dân gian về yêu ma, thần linh, có vai trò quan trọng trong việc tạo nên cốt truyện, tình huống truyện. Góp phần thể hiện ý nghĩa của tác phẩm.

+ Về mặt nghệ thuật, các nhân vật yêu ma, thần trong tác phẩm đã góp phần tạo nên màu sắc kì ảo, hấp dẫn cho tác phẩm. Những nhân vật này được xây dựng dựa trên những quan niệm dân gian về yêu ma, thần linh, tạo nên sự gần gũi, thân thuộc với người đọc.

1,0 điểm

4

- Tác phẩm phê phán những kẻ lợi dụng tín ngưỡng của dân chúng để trục lợi. Hai tên yêu quái trong truyện là hiện thân của những kẻ này. Chúng đã lợi dụng lòng tin của dân chúng vào thần linh để thực hiện những hành vi xấu xa, gây hại cho dân làng. Hành động của hai tên yêu quái đã bị nhân dân lên án và trừng trị đích đáng.

- Thể hiện niềm tin của nhân dân vào những người tài giỏi, có khả năng trừ tà, trừ yêu. Ông thợ săn là người bình dị, chất phác, có tấm lòng lương thiện, luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác. Sự xuất hiện của người săn bắn đã giải thoát cho dân làng khỏi nạn trộm cắp vặt, đồng thời thể hiện niềm tin của nhẫn dân vào những người tài giỏi, có khả năng trừ tà, trừ yêu.

- Chuyện cái chùa hoang ở huyện Đông Triều là một tác phẩm có nhiều ý nghĩa và bức thông điệp sâu sắc: phê phán những kẻ lợi dụng tín ngưỡng của dân chúng để trục lợi, đồng thời thể hiện niềm tin của nhân dẫn vào những người tài giỏi, có khả năng trừ tà, trừ yêu.

1,0 điểm

Viết

1

Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) phân tích một số sự việc/chi tiết tiểu biểu làm nổi bật phẩm chất đáng quý ở nhân vật Văn Tư Lập trong văn bản Chuyện cái chùa hoang ở huyện Đông Triều.

2,0

* Yêu cầu về hình thức, kĩ năng: Đảm bảo đoạn văn nghị luận có bố cục mạch lạc, sử dụng linh hoạt các kiểu câu và có sự liên kết chặt chẽ giữa các câu, các ý trong đoạn văn. Có cách diễn đạt trong sáng độc đáo, thể hiện những suy nghĩ, kiến giải mới mẻ về vấn đề nghị luận.

0,25 điểm

Yêu cầu về kiến thức:

Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần giới thiệu được vấn đề cần bàn luận, nêu rõ lí do và quan điểm của bản thân, hệ thống luận điểm chặt chẽ, lập luận thuyết phục, sử dụng dẫn chứng thuyết phục.

Sau đây là một hướng gợi ý:

- Nhân vật Văn Tư Lập trong Chuyện cái chùa hoang ở huyện Đông Triều là một vị quan thanh liêm, nhân hậu, luôn quan tâm đến đời sống của dẫn chúng. Ông làm những việc hữu ích cho dân chúng như sau:

+ Tích cực tìm cách giải quyết nạn trộm cắp vặt ở huyện Đông Triều.

+ Khi nhận thấy dân làng đang bị nạn trộm cắp vặt hoành hành, Văn Tư Lập đã rất lo lắng. Ông đã tích cực tìm cách giải quyết vấn đề này: ông đã cử người đi canh gác, mời thầy phù thủy về trấn yểm, nhưng nạn trộm cắp vặt vẫn không thuyên giảm.

+ Khi nghe tin Vương tiên sinh ở huyện Kim Thành là người giỏi bói toán, ông đã tìm đến để xin bói. Vương tiên sinh đã bói được người có thể trừ được nạn trộm cắp vặt là người mặc áo vải săn, cưỡi ngựa tốt, đeo túi da tên thiếc.

+ Theo lời Vương tiên sinh, Tư Lập đã tìm thấy người có khả năng trừ được nạn trộm cắp vặt là một người săn bắn. Nhờ sự giúp đỡ của người này, nạn trộm cắp vặt ở huyện Đông Triều đã được giải quyết.

+ Văn Tư Lập đã tích cực tìm cách giải quyết vấn đề trộm cắp.

+ Văn Tư Lập tìm người tài giúp dân trừ nạn trộm cắp (tìm thầy để xem).

à Tác giả không ngợi ca Văn Tư Lập mà thông qua việc làm để thể hiện phẩm chất của nhân vật: Văn Tư Lập thâm nhập thực tế, tìm hiểu tồn tại và tìm mọi cách để khắc phục tồn tại. Không chỉ trực tiếp cắt cử, đôn đốc công việc mà còn có tầm nhìn trong việc tìm người tài để giúp dân, để mang lại cuộc sống yên bình cho dân.

1,5 điểm

Có sự sáng tạo trong cách viết

0,25 điểm

2

Viết bài văn nghị luận xã hội về một vấn đề cần giải quyết: Là một học sinh, em hãy đề xuất những giải pháp phù hợp để giải quyết tình trạng ô nhiễm tiếng ồn tại các thành phố lớn ở Việt Nam hiện nay.

4,0

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận

- Học sinh biết tạo lập một bài văn nghị luận đảm bảo đủ cấu trúc 3 phần: Mở bài, Thân bài, Kết bài.

0, 25 điểm

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Viết bài văn nghị luận xã hội về một vấn đề cần giải quyết: Là một học sinh, em hãy đề xuất những giải pháp phù hợp để giải quyết tình trạng ô nhiễm tiếng ồn tại các thành phố lớn ở Việt Nam hiện nay.

0,25 điểm

c Triển khai vấn đề nghị luận

- Chia vấn đề nghị luận thành các luận điểm, luận cứ phù hợp, có sức thuyết phục; sử dụng tốt các thao tác lập luận; biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng.

- HS có thể triển khai theo những cách khác nhau, nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:

1. Mở bài

Dẫn dắt, nêu vấn đề nghị luận

2. Thân bài

a. Giải thích vấn đề

Ô nhiễm tiếng ồn là tình trạng tiếng ồn phát sinh với cường độ lớn và kéo dài, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và môi trường sống. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mức ồn trên 70dB trong thời gian dài có thể gây tổn thương thính giác, còn mức ồn trên 55dB có thể gây khó chịu, căng thẳng và ảnh hưởng đến giấc ngủ.

b. Phân tích vấn đề

* Thực trạng: Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, ô nhiễm tiếng ồn đã đạt mức báo động. Theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, có đến 70% số điểm quan trắc tiếng ồn tại các đô thị vượt quá giới hạn cho phép. Người dân thường xuyên phải chịu đựng tiếng ồn từ các phương tiện giao thông, công trình xây dựng, hoạt động kinh doanh, giải trí...

* Nguyên nhân:

- Đô thị hóa nhanh chóng: Sự gia tăng dân số và mật độ xây dựng khiến không gian sống bị thu hẹp, tiếng ồn dễ dàng lan truyền và cộng hưởng.

- Ý thức chấp hành pháp luật kém: Nhiều cá nhân, tổ chức chưa tuân thủ các quy định về tiếng ồn, đặc biệt là trong hoạt động kinh doanh, giải trí về đêm.

- Hệ thống hạ tầng chưa hoàn thiện: Đường sá chật hẹp, thiếu cây xanh cách âm, các khu công nghiệp, khu dân cư chưa được quy hoạch hợp lý cũng góp phần làm gia tăng ô nhiễm tiếng ồn.

* Vì sao cần giải quyết vấn đề?

- Tác động đến sức khỏe: Ô nhiễm tiếng ồn gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như mất ngủ, suy giảm thính lực, rối loạn tâm lý, tim mạch, huyết áp...

- Ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống: Tiếng ồn làm giảm khả năng tập trung, học tập, làm việc, gây căng thẳng, mệt mỏi, ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của người dân.

- Giảm sức hấp dẫn của đô thị: Ô nhiễm tiếng ồn làm giảm chất lượng môi trường sống, ảnh hưởng đến du lịch và đầu tư.

* Ý kiến trái chiều: Một số người cho rằng ô nhiễm tiếng ồn là điều không thể tránh khỏi ở các thành phố lớn, và việc kiểm soát nó là quá khó khăn, tốn kém.

* Phản biện: Tuy việc kiểm soát ô nhiễm tiếng ồn đòi hỏi sự nỗ lực và đầu tư, nhưng không phải là không thể. Nhiều quốc gia trên thế giới đã thành công trong việc giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn thông qua các biện pháp đồng bộ và quyết liệt.

c. Giải pháp giải quyết vấn đề

* Giải pháp 1: Nâng cao ý thức cộng đồng về tác hại của tiếng ồn

- Người thực hiện: Các cơ quan nhà nước, trường học, tổ chức xã hội, phương tiện truyền thông.

- Cách thực hiện: Tổ chức các chiến dịch truyền thông, giáo dục về tác hại của tiếng ồn và cách phòng chống; lồng ghép nội dung giáo dục về tiếng ồn vào chương trình học đường; khuyến khích người dân tham gia các hoạt động vì môi trường sống xanh, sạch, yên tĩnh.

- Công cụ/phương pháp hỗ trợ: Sách, báo, tạp chí, truyền hình, đài phát thanh, mạng xã hội, các ứng dụng di động.

- Lí giải/phân tích: Nâng cao ý thức cộng đồng là giải pháp căn cơ và bền vững nhất để giải quyết vấn đề ô nhiễm tiếng ồn. Khi người dân hiểu rõ tác hại của tiếng ồn và có ý thức tự giác bảo vệ môi trường sống, họ sẽ có những hành động tích cực để giảm thiểu tiếng ồn, như không bóp còi xe inh ỏi, hạn chế sử dụng loa đài công suất lớn, tuân thủ quy định về giờ giấc hoạt động...

- Dẫn chứng: Tại Nhật Bản, việc giáo dục về tiếng ồn được bắt đầu từ bậc tiểu học, giúp hình thành ý thức bảo vệ môi trường sống từ khi còn nhỏ. Nhờ đó, người dân Nhật Bản có ý thức rất cao trong việc giữ gìn trật tự công cộng và hạn chế gây tiếng ồn.

* Giải pháp 2: Xây dựng và thực thi nghiêm các quy định về quản lý tiếng ồn

- Người thực hiện: Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương.

- Cách thực hiện: Ban hành các quy định cụ thể về giới hạn tiếng ồn cho phép đối với các hoạt động khác nhau; tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; khuyến khích sử dụng các công nghệ giảm thiểu tiếng ồn trong sản xuất và xây dựng.

- Công cụ/phương pháp hỗ trợ: Các thiết bị đo đạc tiếng ồn, hệ thống giám sát tự động, phần mềm quản lý dữ liệu.

- Lí giải/phân tích: Các quy định pháp luật đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn. Khi có các quy định rõ ràng và được thực thi nghiêm minh, các tổ chức, cá nhân sẽ phải tuân thủ và có trách nhiệm hơn trong việc kiểm soát tiếng ồn do mình gây ra.

- Dẫn chứng: Tại Singapore, việc kiểm soát tiếng ồn được thực hiện rất nghiêm ngặt, với các quy định cụ thể về giới hạn tiếng ồn cho phép đối với từng loại hình hoạt động và khung giờ khác nhau. Nhờ đó, Singapore là một trong những thành phố có môi trường sống yên tĩnh nhất thế giới.

* Giải pháp 3: Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông công cộng và khuyến khích sử dụng phương tiện xanh

- Người thực hiện: Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp vận tải.

- Cách thực hiện: Đầu tư xây dựng hệ thống giao thông công cộng hiện đại, tiện lợi, an toàn; khuyến khích người dân sử dụng xe buýt, tàu điện, xe đạp thay vì xe máy cá nhân; hỗ trợ phát triển các loại xe điện, xe hybrid thân thiện với môi trường.

- Công cụ/phương pháp hỗ trợ: Các chính sách ưu đãi về thuế, phí, tín dụng đối với các doanh nghiệp vận tải và người sử dụng phương tiện xanh; các ứng dụng di động hỗ trợ tra cứu thông tin và đặt vé xe buýt, tàu điện.

- Lí giải/phân tích: Việc phát triển hạ tầng giao thông công cộng và khuyến khích sử dụng phương tiện xanh sẽ giúp giảm thiểu lượng xe máy cá nhân lưu thông trên đường, từ đó giảm thiểu đáng kể ô nhiễm tiếng ồn và ô nhiễm không khí.

- Dẫn chứng: Tại Hà Lan, việc đầu tư phát triển hệ thống xe đạp công cộng và khuyến khích người dân sử dụng xe đạp đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường và cải thiện chất lượng cuộc sống đô thị.

d. Liên hệ bản thân

Là một học sinh, tôi đã từng bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm tiếng ồn khi ôn thi. Tiếng ồn từ các quán karaoke gần nhà khiến tôi không thể tập trung học tập, gây ra căng thẳng và mệt mỏi. Tôi nhận ra rằng, ô nhiễm tiếng ồn không chỉ là vấn đề của riêng ai, mà là vấn đề của cả cộng đồng. Vì vậy, tôi quyết tâm tham gia các hoạt động tuyên truyền về tác hại của ô nhiễm tiếng ồn, đồng thời thực hiện những hành động nhỏ như nhắc nhở người khác giảm tiếng ồn, trồng cây xanh...

3. Kết bài

Khái quát lại vấn đề cần nghị luận: hiện tượng ô nhiễm môi trường; đồng thời rút ra bài học và liên hệ bản thân.

3,0 điểm

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt

0,25 điểm

e. Sáng tạo

- Bài viết có luận điểm rõ ràng, lập luận thuyết phục, diễn đạt trong sáng, bài viết thể hiện được sự sáng tạo, độc đáo riêng.                                                                                                          

- Chữ viết sạch đẹp, rõ ràng, văn phong lưu loát; không mắc lỗi chính tả, lỗi dùng từ, đặt câu.

0,25 điểm

* Lưu ý: Phần hướng dẫn trên đây chỉ là những gợi ý, định hướng. Học sinh có nhiều cách diễn đạt khác nhau, giám khảo cần linh hoạt vận dụng hướng dẫn chấm và câu trả lời của học sinh để đánh giá cho điểm phù hợp, ưu tiên những bài làm có tính sáng tạo cao,. Điểm toàn bài cho lẻ đến 0,25 điểm.

Đánh giá

0

0 đánh giá