Hiện nay, việc nói tục, chửi thề có thể bị coi là hành vi vi phạm pháp luật. Liệu nói tục, chửi thề sẽ bị xử phạt ra sao và pháp luật có những quy định thế nào về vấn đề này? Hãy cùng Tailieumoi tham khảo ngay bài viết dưới đây để tìm lời giải đáp nhé.
Nói tục có vi phạm pháp luật không ? Chửi bậy trên mạng xã hội bị xử phạt bao nhiêu tiền?
1. Nói tục, chửi thề biểu hiện như thế nào ?
Chửi thề là hành động nói những ngôn từ thô tục, thiếu văn hóa, không tế nhị, mang tính chất xúc phạm, mắng chửi, bôi nhọ, sỉ nhục người khác. Thường thì những từ ngữ nói tục, chửi thề này có thể làm tổn thương, mất lòng hoặc gây khó chịu cho người nghe hoặc đối tượng được ám chỉ.
2. Nói tục có vi phạm pháp luật không ?
Nói tục, chửi thề là hành vi không hề xa lạ trong xã hội và xảy ra xung quanh chúng ta bất kể ở đâu hay đối với bất kì đối tượng nào. Tưởng chừng như vô hại, nhưng thực ra nói tục, chửi thề do vô tình hay cố ý thì nếu xét về mức độ và đối tượng thực hiện có thể bị xử phạt theo nhiêu hình thức khác nhau theo quy định của pháp luật.
3. Nói tục, chửi bậy trên mạng xã hội bị xử phạt bao nhiêu tiền?
Không ít cá nhân hiện nay có hành vi nói tục, chửi bậy trên không gian mạng với nhiều mục đích khác nhau. Một số thì chửi để xúc phạm, lăng mạ người khác, một số thì dùng để câu “ view”, tạo tương tác để kinh doanh. Vậy hành vi nói tục, chửi bậy trên mạng xã hội bị xử phạt như thế nào? Câu trả lời là tuỳ mức độ hoặc tính chất nghiêm trọng của hành vi có thể bị xử lý như sau:
3.1. Xử phạt vi phạm hành chính
Hành vi nói tục, chửi bậy trên mạng xã hội có thể bị xử phạt theo quy định tại Điều 99 nghị định 15/2020/NĐ-CP như sau:
- Hành vi văng tục chửi bậy có cơ sở xác định là hành vi tuyên truyền, phá hoại thuần phong mỹ tục của dân tộc: Phạt từ 10.000.000 đồng - 20.000.000 đồng và buộc phải gỡ bỏ bài đăng vi phạm quy định.
- Hành vi văng tục, chửi bậy có cơ sở xác định là hành vi xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của người khác: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng - 30.000.000 đồng và bị tịch thu tang vật vi phạm hành chính.
Trong một số trường hợp hành vi nói tục, chửi bậy xảy ra ở nơi công cộng và bị người khác phát tán, chia sẻ trên mạng xã hội thì người phát tán, chia sẻ video nêu trên sẽ bị xử phạt theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP. Còn người văng tục, chửi bậy ở gây mất trật tự công cộng có thể bị xử phạt theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau:
- Hành vi xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh sự nhân phẩm của người khác: Phạt tiện từ 2.000.000 đồng - 3.000.000 đồng. Và biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải xin lỗi công khai tới người bị lăng mạ, bôi nhọ.
3.2. Truy cứu trách nhiệm hình sự
Hành vi chửi bới, văng tục trên mạng xã hội, trong một số trường hợp còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 155 - Tội làm nhục người khác; Điều 156 - Tội vu khống; Điều 351 - Tội xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca hoặc Điều 397 - Tội làm nhục đồng đội Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 . Tuỳ theo từng mức độ vi phạm của từng hành vi mà người phạm tội có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc thậm chí bị phạt tù.
Hành vi nói tục, chửi bậy trên mạng xã hội mang lại nhiều hệ lụy cho xã hội, nếu không có biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời thì sẽ trở thành vấn nạn thực sự lớn và trở thành tấm gương xấu làm hư con trẻ, làm suy đồi đạo đức, lối sống và văn hoá đất nước. Do đó, cần nẵm rõ các quy định của pháp luật để có những hành xử đúng đắn và pháp luật cần có những chế tài xử lý vi phạm có tính chất răn đe để giảm thiểu và ngăn chặn cả trường hợp này để góp phần xây dựng một không gian mạng lành mạnh, văn minh.
4. Bị chửi thề có kiện được không?
Hiện nay, tại Việt Nam chưa có tiền lệ xét xử các vụ việc liên quan đến kiện đòi bồi thường do bị chửi thề.
Do đó, khi đệ đơn kiện một cá nhân do họ có hành vi chửi thề thì phải xét đến vấn đề đối tượng của hành vi chửi thề, phải có tên cụ thể của đối tượng đó, việc văng tục, chửi thề mà không nhắm đến một đối tượng cụ thể thì rất khó để chứng minh là hành vi chửi thề đã gây ra tổn hại về danh dự, nhân phẩm của đối tượng bị chửi thề nên rất khó xử lý. Trường hợp này, chỉ nên xem xét, đánh giá ở mức độ chuẩn mực văn hóa trong giao tiếp chứ chưa đến mức độ xâm phạm danh dự, nhân phẩm của một cá nhân.
Tuy nhiên, nếu chứng minh được hành vi nói tục có gây ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm thì người bị văng tục chửi thề hoàn toàn có thể yêu cầu được bồi thường thiệt hại do bị tổn thất về mặt tinh thần theo quy định tại điều 592 Bộ luật dân sự năm 2015. Mức bồi thường sẽ bao gồm: chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; thiệt hại khác do luật quy định và khoản tiền bù đắp mức tổn thất về tinh thần mà người đó phải gánh chịu.
5. Cán bộ công chức, viên chức nói tục, chửi bậy với người dân thì bị xử lý như thế nào?
Điều 8 Nghị định 112/2020/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức quy định như sau:
Áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách đối với cán bộ, công chức có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả ít nghiêm trọng, trừ các hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định này, thuộc một trong các trường hợp dưới đây:
1. Vi phạm quy định về đạo đức, văn hóa giao tiếp của cán bộ, công chức; quy định của pháp luật về thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, công chức; kỷ luật lao động; nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị;
2. Lợi dụng vị trí công tác nhằm mục đích vụ lợi; có thái độ hách dịch, cửa quyền hoặc gây khó khăn, phiền hà đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong thi hành công vụ; xác nhận hoặc cấp giấy tờ pháp lý cho người không đủ điều kiện;
3. Không chấp hành quyết định điều động, phân công công tác của cấp có thẩm quyền; không thực hiện nhiệm vụ được giao mà không có lý do chính đáng; gây mất đoàn kết trong cơ quan, tổ chức, đơn vị;
4. Vi phạm quy định của pháp luật về: phòng, chống tội phạm; phòng, chống tệ nạn xã hội; trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;
5. Vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước;
6. Vi phạm quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo;
7. Vi phạm quy định về quy chế tập trung dân chủ, quy định về tuyên truyền, phát ngôn, quy định về bảo vệ chính trị nội bộ;
8. Vi phạm quy định của pháp luật về: đầu tư, xây dựng; đất đai, tài nguyên môi trường; tài chính, kế toán, ngân hàng; quản lý, sử dụng tài sản công trong quá trình thực thi công vụ;
9. Vi phạm quy định của pháp luật về: phòng, chống bạo lực gia đình; dân số, hôn nhân và gia đình; bình đẳng giới; an sinh xã hội; quy định khác của pháp luật liên quan đến cán bộ, công chức.
Có thể thấy, cán bộ công chức, viên chức có hành vi nói tục, chửi bậy với người dân mà gây hậu quả ít nghiêm trọng thì sẽ bị xử lý kỷ luật ở mức phạt nhẹ nhất là khiển trách.
Trường hợp có tái phạm hoặc gây hậu quả nghiêm trọng đến đặc biệt nghiêm trọng thì cán bộ, công chức, viên chức đó có thể bị xử lý kỷ luật với các hình thức nặng hơn như phạt cảnh cáo, hạ bậc lương, buộc thôi việc...
6. Nói tục trong khu vực lễ hội, di tích có bị phạt không?
Nói tục trong khu vực lễ hội, di tích có bị phạt không?
Khu vực lễ hội, di tích lịch sử đều là những nơi mà người tham gia lễ hội cần thể hiện lòng thành kính, biết ơn đối với bậc tiền nhân, nhân vật lịch sử, tôn trọng những giá trị đạo đức, văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng và cần phải nghiêm chỉnh chấp hành các nội quy của địa phương hay quy định khi tham gia lễ hội theo quy định của pháp luật.
Điểm b Khoản 2 Điều 6 Nghị định 110/2018/NĐ-CP quy định:
“Điều 6. Quyền và trách nhiệm của người tham gia lễ hội
...
2. Người tham gia lễ hội có các trách nhiệm sau
...
b) Ứng xử có văn hóa trong hoạt động lễ hội; trang phục lịch sự, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam; không nói tục, chửi thề xúc phạm tâm linh, gây ảnh hưởng xấu tới không khí trang nghiêm của lễ hội;”
Do đó, người tham gia lễ hội sẽ không được nói tục, chửi thề xúc phạm đến tâm linh hoặc gây ảnh hưởng xấu tới không khí trang nghiêm của lễ hội.
Các trường hợp cá nhân có hành vi nói tục, chửi thề xúc phạm tâm linh, gây ảnh hưởng xấu tới không khí trang nghiêm của lễ hội đều bị coi là vi phạm pháp luật.
Thêm vào đó, khoản 1 Điều 15 Nghị định 158/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 19 Điều 1 Nghị định 28/2017/NĐ-CP có quy định:
"Điều 15. Vi phạm quy định về nếp sống văn hóa
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi thắp hương hoặc đốt vàng mã không đúng quy định của Ban tổ chức lễ hội, Ban quản lý di tích; ném, thả tiền xuống giếng, ao hồ; nói tục, xúc phạm tâm linh gây ảnh hưởng đến không khí trang nghiêm; xả rác bừa bãi làm mất vệ sinh môi trường trong khu vực lễ hội, di tích."
Do đó, trường hợp cá nhân tham gia lễ hội, các khu di tích mà có hành vi nói tục tại đây thì có thể bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng.