Đề cương ôn tập học kì 2 Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo năm 2024

2.8 K

Tailieumoi.vn xin giới thiệu Đề cương ôn tập học kì 2 Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo năm 2024 – 2025. Tài liệu được biên soạn bởi đội ngũ giáo viên THPT dày dặn kinh nghiệm sẽ giúp các em làm quen với các dạng bài tập, nâng cao kỹ năng làm bài và rút kinh nghiệm cho bài thi học kì 2 Văn 8. Mời các bạn cùng đón xem:

Đề cương ôn tập học kì 2 Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo năm 2024

A. NỘI DUNG KIẾN THỨC CẦN ÔN TẬP

Phần 1: Nội dung kiến thức cần ôn tập

1. Văn bản:

- Nhận biết được một số yếu tố thi luật của thơ thất ngôn bát cú và thơ tứ tuyệt luật Đường như: bố cục, niêm luật, vần, nhịp, đối.

- Nhận biết và phân tích được nét độc đáo của bài thơ thể hiện qua từ ngữ, hình ảnh, bố cục, mạch cảm xúc; nhận biết và phân tích được tình cảm, cảm xúc, cảm hứng chủ đạo của người viết thể hiện qua văn bản. Nêu được suy nghĩ, tình cảm sau khi đọc văn bản.

- Nêu được nội dung bao quát của văn bản; nhận biết được các chi tiết tiêu biểu, đề tài, câu chuyện, nhân vật trong tính chỉnh thể của tác phẩm.

- Nhận biết và phân tích được chủ đề, tư tưởng, thông điệp của văn bản qua hình thức nghệ thuật; phân tích được một số căn cứ để xác định chủ đề.

- Nhận xét nội dung phản ánh và cách nhìn cuộc sống, con người của tác giả trong văn bản văn học.

- Nhận biết được đặc điểm của văn bản thông tin giới thiệu một cuốn sách hoặc bộ phim; chỉ ra mối quan hệ giữa đặc điểm văn bản với mục đích của nó.

- Phân tích thông tin cơ bản, vai trò của chi tiết trong việc thể hiện thông tin cơ bản của văn bản.

- Liên hệ được thông tin trong văn bản với những vấn đề của xã hội đương đại.

- Nhận biết được một số yếu tố của truyện lịch sử: cốt truyện, bối cảnh, nhân vật,ngôn ngữ.

- Nhận biết và phân tích được cốt truyện đơn tuyến và cốt truyện đa tuyến.

- Nêu được nội dung bao quát của văn bản; nhận biết được các chi tiết tiêu biểu, đề tài, câu chuyện, nhân vật trong tính chỉnh thể của tác phẩm; nhận xét được nội dung phản ánh và cách nhìn cuộc sống, con người của tác giả trong văn bản văn học.

- Nhận biết và phân tích được tác dụng của một số thủ pháp nghệ thuật chính trong thơ trào phúng.

- Nhận biết và phân tích được chủ đề, thông điệp mà văn bản muốn gửi đến người đọc thông quan hinh thức nghệ thuật; phân tích được một số căn cứ để xác định chủ đề.

- Nhận biết và phân tích được tình cảm, cảm xúc, cảm hứng chủ đạo của người viết thể hiện qua văn bản; hiểu mỗi người đọc có thể có cách tiếp nhận riêng đối với một văn bản văn học.

a. Thơ thất ngôn bát cú và tứ tuyệt luật Đường

Nội dung

Thơ thất ngôn bát cú

Thơ tứ tuyệt luật Đường

1. Khái niệm

Thơ thất ngôn bát cú và thơ tứ tuyệt luật Đường là các thể thơ làm theo những nguyên tắc thi luật chặt chẽ được đặt ra từ thời Đường (Trung Quốc).

2. Đặc điểm

Mỗi bài có tám câu, mỗi câu có bảy chữ.

Mỗi bài có bốn câu, mỗi câu có bảy chữ.

3. Bố cục

Thường được chia theo các cặp câu:

- Đề (câu 1, 2: mở đầu và bắt đầu phát triển ý của bài thơ);

- Thực (câu 3, 4: triển khai ý của đề tài, miêu tả cụ thể về tình cảnh, sự việc);

- Luận (câu 5, 6: mở rộng, phát triển ý nghĩa vốn có hoặc đi sâu hơn vào tâm trạng, cảm xúc);

- Kết (câu 7, 8: thâu tóm ý nghĩa cả bài và kết ý).

Tuy vậy, bố cục bài thơ thất ngôn bát cú luật Đường cũng có thể chia theo những cách khác (ví dụ: bốn câu đầu — bốn câu cuối; sáu câu đầu – hai câu cuối...).

Thường được chia làm bốn phần:

- Khai (câu 1: khai mở ý của bài thơ);

- Thừa (câu 2: thường làm rõ thêm ý và mạch cảm xúc của phần Khai);

- Chuyển (câu 3: chuyển ý);

- Hợp (câu 4: kết ý). Nhưng cũng có thể chia bố cục bài thơ thuộc thể này thành hai phần: câu 1 – 2; câu 3 – 4.

4. Luật

Các tiếng (âm tiết) thứ nhất, thứ ba, thứ năm trong câu không cần sắp xếp theo đúng luật bằng trắc; còn các tiếng thứ hai, thứ tư, thứ sáu trong câu cần tuân theo luật bằng/ trắc rõ ràng. Nếu tiếng thứ hai của câu một là tiếng thanh bằng (thanh ngang hoặc thanh huyền) thì bài thơ làm theo luật bằng.

5. Niêm

Câu 1 niệm với câu 8; câu 2 niệm với câu 3; câu 4 niệm với câu 5; câu 6 niệm với câu 7.

Câu 1 niệm với câu 4, câu 2 niệm với câu 3.

6. Vần

Cách gieo vần của thơ luật Đường là cả bài thơ chỉ hiệp theo một vần (còn gọi là độc vận), vần gieo ở cuối câu thơ đầu và cuối các câu chẵn (vần chân), vần được sử dụng thường là vần bằng.

7. Nhịp

Cách ngắt nhịp của câu thơ thất ngôn thường là 2/2/3 hoặc 4/3.

8. Đối

Quy định câu thứ ba đối với câu thứ tư, câu thứ năm đối với câu thứ sáu.

Không có quy định đối cụ thể và khắt khe như thơ thất ngôn bát cú.

b. Một số đặc điểm của văn bản truyện

Nội dung

Kiến thức

1. Nhân vật chính

Nhân vật quan trọng nhất của truyện, có những hành động, quyết định tác động đến cốt truyện và diễn tiến các sự kiện trong truyện, thể hiện rõ nhất tư tưởng, chủ đề của truyện.

2. Chi tiết tiêu biểu

Những chi tiết chọn lọc, có giá trị biểu đạt và thẩm mĩ vượt trội trong truyện, có thể mang lại sự bất ngờ, gây chú ý hoặc sự thích thú đối với người đọc và góp phần quan trọng trong việc thể hiện chủ đề, tư tưởng của tác phẩm.

c. Tư tưởng của tác phẩm văn học

Nội dung

Kiến thức

Khái niệm

Tư tưởng của tác phẩm văn học là sự nhận thức, lí giải và thái độ của tác giả đối với toàn bộ nội dung của tác phẩm văn học, cũng như những vấn đề về cuộc sống con người được đặt ra trong tác phẩm. Tư tưởng được biểu hiện qua hình tượng nghệ thuật, qua đề tài, chủ đề, cảm hứng chủ đạo...

................................

................................

................................

B. MỘT SỐ DẠNG BÀI TẬP MINH HỌA

1. Dạng 1: Đọc – hiểu

Bài tập 1. Đọc bài thơ sau và trả lời câu hỏi :

NHÀN

Một mai, một cuốc, một cần câu

Thơ thẩn dầu ai vui thú nào

Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ

Người khôn, người đến chốn lao xao

Thu ăn măng trúc, đông ăn giá

Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao

Rượu đến gốc cây, ta sẽ nhắp

Nhìn xem phú quý, tựa chiêm bao.

(Nguyễn Bỉnh Khiêm)

Câu 1. Bài thơ được viết theo thể thơ nào?

A. Thất ngôn bát cú đường luật

B. Thất ngôn tứ tuyệt đường luật

C. Thất ngôn xen lục ngôn

D. Song thất lục bát

Câu 2. Trong bài thơ, thú Nhàn của Nguyễn Bình Khiêm được thể hiện qua những hình ảnh nào?

A. Ăn, tắm, uống rượu

B. Ăn, tắm, ngắm trăng

C. Tắm, uống rượu, chơi đàn

D. Uống rượu, ăn, chơi cờ

Câu 3. Bài thơ Nhàn không đề cập đến phương diện nào trong chân dung con người Nguyễn Bỉnh Khiêm?

A. Sự nghiệp

B. Nhân cách

C. Cuộc sống sinh hoạt

D. Trí tuệ

Câu 4. Từ “thơ thẩn” trong bài thơ có nghĩa là gì?

A. Lặng lẽ, chậm rãi, thư thái trong lòng

B. Tinh thần không ổn định, vẩn vơ

C. Từ từ, chậm rãi, không vội vàng

D. Lặng lẽ như có điều gì đang suy nghĩ vẩn vơ lan man

Câu 5. Xác định nhịp thơ ở câu thơ đầu tiên. Nêu tác dụng của cách ngắt nhịp ấy.

Câu 6. Chỉ ra và nêu hiệu quả của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ thứ 3 và thứ 4.

Câu 7. Triết lí sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm được thể hiện như thế nào qua hai câu cuối bài thơ?

Câu 8. Em hiểu như thế nào là nhàn? Quan niệm về chữ nhàn của tác giả trong bài thơ trên?

Bài tập 2. Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

Gần trưa, Chiêu Minh vương hộ tống nhà vua tiễn Trần Quốc Tuấn ra bến Đông làm lễ tế cờ xuất sư. […] Không khí trang trọng đến tức thở. Nhân Tông vái Trần Quốc Tuấn và phán:

- Từ nay việc an nguy của giang sơn xã tắc trẫm xin trao cho Quốc công.

Trần Quốc Tuấn nghiêm trang đáp lễ:

- Lão thần thề không để nhục mệnh của bệ hạ.

Nhân Tông ban kiếm Thượng Phương, trao quyền chém trước tâu sau cho Trần Quốc Tuấn. Nhà vua chăm chú nhìn vị tướng già và thấy Trần Quốc Tuấn quắc thước lạ lùng.

Từ trên đài cao, Trần Quốc Tuấn lặng nhìn các đội quân hàng ngũ chỉnh tề bên dưới. […] Trần Quốc Tuấn thấy tất cả sức mạnh của dân tộc từ nghìn xưa truyền lại nâng cao tâm hồn ông lên khiến cho hai vai ông dư sức gánh sứ mệnh nặng nề. Ông thét lớn:

- Bớ ba quân!

Tiếng dạ vang dậy kinh thành và sông nước.

Trần Quốc Tuấn lại thét tiếp:

- Quan gia đã hạ chỉ cho ta lĩnh cờ tiết chế cùng các ngươi xuất sư phá giặc. Kiếm Thượng Phương đây! -Trần Quốc Tuấn nâng cao kiếm lên khỏi đầu.

- Ai trái mệnh, phản dân, hại nước, ta sẽ nghiêm trị không tha.

Quân sĩ lại đồng thanh dạ ran. Nhân Tông vẫy Dã Tượng lại gần, cầm lấy cái gậy trúc xương cá của Trần Quốc Tuấn. Nhà vua ân cần trao cây gậy cho vị tướng già và dặn dò: […]

- Trọng phụ tuổi đã cao, xin vì trẫm, vì đất nước và trăm họ mà giữ gìn sức khỏe.

(Trích Trên sông truyền hịch, Hà Ân)

Câu 1. Ý nào nói đúng về phương thức biểu đạt của văn bản?

A. Tự sự, biểu cảm, nghị luận

B. Tự sự, nghị luận, miêu tả

C. Tự sự, miêu tả, biểu cảm

D. Tự sự, thuyết minh, nghị luận

Câu 2. Vua Trần Nhân Tông gửi gắm với Trần Quốc Tuấn vấn đề trọng đại gì?

A. Trao kiếm

B. Dặn dò nhiều điều

C. Trọng phụ tuổi đã cao, xin vì trẫm, vì đất nước và trăm họ mà giữ gìn sức khỏe.

D. Từ nay việc an nguy của giang sơn xã tắc trẫm xin trao cho Quốc công.

Câu 3. Vua ban vật quý gì cho Trần Quốc Tuấn, Trần Quốc Tuấn sẽ có quyền gì?

A. Rượu quý, quyền lãnh đạo ba quân.

B. Ban kiếm Thượng Phương , quyền gặp vua bất cứ lúc nào.

C. Áo choàng, quyền quản lí quân sĩ.

D. Ban kiếm Thượng Phương, quyền chém trước tâu sau.

Câu 4. Tại sao không khí buổi lễ tế cờ xuất sư được miêu tả trang trọng đến tức thở?

A. Vì đây là buổi lễ quan trọng chuẩn bị cho cuộc chiến chống lại quân Nguyên - Mông xâm lược.

B. Vì đây là buổi lễ vua lên ngôi.

C. Vì đây là buổi lễ quan trọng của hoàng cung.

D. Vì đây là buổi chia tay sinh tử.

Câu 5. Sự việc vua trao cho Trần Quốc Tuấn quyền chém trước tâu sau cho ta thấy vua là người như thế nào?

A. Vua rất anh minh

B. Vua rất tin tưởng Trần Quốc Tuấn

C. Vua rất tin tưởng vào tài năng cầm quân của Trần Quốc Tuấn, chờ đợi chiến thắng trong cuộc chiến chống giặc Nguyên - Mông.

D. Cả A, B, C.

Câu 6. Em hiểu thế nào về lời hứa của Trần Quốc Tuấn với vua: Lão thần thề không để nhục mệnh của bệ hạ.

A. Trần Quốc Tuấn rất tự tin.

B. Trần Quốc Tuấn tự tin và thể hiện quyết tâm mang về chiến thắng để báo đáp niềm tin tưởng của vua.

C. Trần Quốc Tuấn hứa hẹn chiến thắng quân giặc.

D. Trần Quốc Tuấn sẽ bảo vệ danh dự cho vua.

Câu 7. “Trần Quốc Tuấn thấy tất cả sức mạnh của dân tộc từ nghìn xưa truyền lại nâng cao tâm hồn ông lên khiến cho hai vai ông dư sức gánh sứ mệnh nặng nề”. Câu văn này gợi đến tâm trạng, cảm xúc gì của Trần Quốc Tuấn?

A. Trần Quốc Tuấn cảm nhận được sức mạnh của dân tộc và niềm hứng khởi khi đón nhận sứ mệnh vua ban.

B. Trần Quốc Tuấn thấy vui vẻ.

C. Trần Quốc Tuấn thấy ai cũng đáng tin yêu

D. Trần Quốc Tuấn thấy dân tộc mình thật kiên cường.

Câu 8. Có thể hiểu câu dặn dò của vua với Trần Quốc Tuấn "Trọng phụ tuổi đã cao, xin vì trẫm, vì đất nước và trăm họ mà giữ gìn sức khỏe” như thế nào?

A. Vua mong Trần Quốc Tuấn bình an trở về.

B. Vua mong Trần Quốc Tuấn biết bảo trọng thân thể vì vua, vì đất nước.

C. Vua lo lắng, yêu mến, kính trọng Trần Quốc Tuấn.

D. Cả A, B, C

Câu 9. Em hãy nêu nhận xét của mình về vị tướng già Trần Quốc Tuấn?

Câu 10. Qua văn bản và cách biểu hiện của các nhân vật, em rút ra được bài học gì cho bản thân?

C. ĐỀ THI MINH HỌA

Phần I. Đọc hiểu (5 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

CHÀNG TRAI LÀNG PHÙ ỦNG

Ông Phạm Ngũ Lão là chàng trai làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, tỉnh Hải Dương. Ông có sức khỏe lạ thường, muôn người không địch nổi.

Phạm Ngũ Lão mặt mũi khôi ngô, văn võ đều giỏi. Nhà vốn chỉ có nghề làm ruộng, đến ông mới theo nghiệp bút nghiên. Mới hai mươi tuổi ông đã có tính khẳng khái. Trong làng có người tên là Bùi Công Tiến đỗ tiến sĩ làm lễ ăn mừng, cả làng kéo đến mừng rỡ, chỉ Ngũ Lão không đến.

Bà mẹ Ngũ Lão bảo rằng:

– Con làm thế nào cho bằng người ta thì làm. Nay người ta ăn mừng, cả làng mừng rỡ, sao con không đến mừng một chút?

Phạm Ngũ Lão thưa rằng:

– Thưa mẹ, con chưa làm nên gì để vui lòng mẹ mà con đi mừng người ta thì con lấy làm nhục lắm.

Nhà ở bên cạnh đường cái, có một hôm, Phạm Ngũ Lão ngồi vệ đường vót tre đan sọt. Chợt có Hưng Đạo Vương đi qua để vào kinh, quan quân kéo đi rất đông. Quân đi mở đường thấy Ngũ Lão ngồi xếp bằng tròn bên cạnh đường, quát lên bắt phải đứng dậy. Ngũ Lão cứ ngồi nghiễm nhiên như không nghe tiếng. Quân lính cầm ngọn giáo đâm vào đùi, Ngũ Lão cũng cứ ngồi vững không động mình. Đến lúc xe Hưng Đạo Vương đến nơi, trông thấy thế lấy làm lạ gọi đến hỏi, bấy giờ Ngũ Lão mới biết là có quan quân đi qua, và quân lính đã đâm vào đùi mình.

Hưng Đạo Vương hỏi rằng:

– Nhà thầy kia ở đâu, sao ta đi qua đây mà cứ ngồi chững chàng làm vậy?

Ngũ Lão thưa rằng:

– Tôi đang mải nghĩ một việc, cho nên không biết là ngài trẩy qua đây.

Hưng Đạo Vương lấy làm kì, hỏi đến việc học hành kinh sử thì hỏi đâu nói đấy, không sót chỗ nào, ứng đối nhanh như nước chảy.

Hưng Đạo Vương bèn sai quân lấy thuốc dấu dịt vào vết đâm, rồi cho Ngũ Lão ngồi xe đem về kinh, tiến cử lên vua Trần Thánh Tông.

Vua thấy người có sức khỏe, lại có học thức, cho sung chức quản vệ sĩ. Các vệ sĩ không chịu, xin đấu sức với Ngũ Lão. Ngũ Lão xin vâng, nhưng xin vua cho về nhà ba tháng để thu xếp việc nhà, rồi sẽ xin đấu sức và nhận chức luôn thể.

Vua cho về, Ngũ Lão về nhà, ra ngoài đồng, tìm chỗ gò cao tập nhảy, cứ cách mười trượng chạy đến nhảy vọt qua gò. Tập luyện xong xuôi rồi, vào kinh đấu sức.

Khi đấu quyền với các vệ sĩ thì không ai địch nổi. Sau Ngũ Lão thách tất cả các vệ sĩ cùng ra đấu. Các vệ sĩ xúm xít chung quanh hàng trăm người, Ngũ Lão tay đấm chân đá, nhảy nhót như bay, chạm phải ai kẻ ấy không ngũ đau thì què tay. Các vệ sĩ không tài gì mà đánh lại được, bấy giờ mới xin chịu phục.

Vua thấy người kiên dũng làm vậy, cho theo Hưng Đạo Vương đi đánh giặc Nguyên thì đánh trận nào cũng thắng, lập nên công trạng rất nhiều. Hưng Đạo Vương có lòng yêu mến, gả con gái nuôi là Nguyên quận chúa cho,

Về sau, vua nước Ai Lao đem hơn một vạn quân và voi sang cướp đất Thanh, Nghệ. Vua sai Ngũ Lão cầm quân đi đánh. Ngũ Lão sai dân chặt tre đực dài độ một trượng, chồng chất trên các vệ đường. Khi Ngũ Lão kéo quân vào đánh giặc, giặc thúc voi sấn lên, Ngũ Lão chỉ chân tay không mà sấn vào gặp đống tre nào thì vớ lấy đống tre chỗ ấy, đập vào chân voi. Voi bị đau, gầm rống lên chạy trở về, giày xéo lên cả quân Ai Lao. Ngũ Lão mới thúc quân đánh tràn sang, quan giặc tan vỡ, phải trốn về nước.

Vì có những công to ấy, Ngũ Lão được cất lên làm Điện tiền thượng tướng quân. Đến khi mất, được phong làm thượng đẳng phúc thần, và được dân làng Phù Ủng lập miếu thờ ngay ở chỗ nhà Ngũ Lão.

Câu chuyện Chàng trai làng Phù Ủng – Theo Phan Kế Bính (Nam Hải dị nhân lược truyện)

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của câu chuyện trên là:

A. Miêu tả
B. Biểu cảm
C. Tự sự
D. Nghị luận

Câu 2. Câu chuyện Chàng trai làng Phù Ủng kể về nhân vật nào?

A. Hưng Đạo Vương
B. Phạm Ngũ Lão
C. Bùi Công Tiến
D. Trần Thánh Tông

Câu 3. Tại sao Phạm Ngũ Lão không đến ăn mừng Bùi Công Tiến đỗ tiến sĩ

A. Vì Phạm Ngũ Lão cảm thấy chưa làm được gì để vui lòng mẹ, nếu đi mừng người ta thì sẽ lấy làm nhục.
B. Vì Phạm Ngũ Lão cảm thấy ganh tị khi Bùi Công Tiến đỗ tiến sĩ.
C. Vì Phạm Ngũ Lão nhà nghèo, không có tiền để đi ăn mừng Bùi Công Tiến đỗ tiến sĩ.
D. Vì Phạm Ngũ Lão bận rộn công việc, phấn đấu để làm vui lòng mẹ.

Câu 4. Chi tiết Ngũ Lão bị đâm vào đùi nhưng không hề nhúc nhích cho thấy ông là một người như thế nào?

A. Là một người không biết sợ, ra vẻ ta đây
B. Là một người chịu đau tốt
C. Là một người khảng khái, cương trực
D. Là một người thích gây ấn tượng, tạo sự chú ý

Câu 5 (1,0 điểm) Hãy tóm tắt nội dung của văn bản và cho biết câu chuyện dựa trên bối cảnh của sự kiện lịch sử nào?

Câu 6 (0,5 điểm) Chi tiết nào cho thấy Ngũ Lão là người có tài cầm quân đánh giặc?

Câu 7 (1,0 điểm) Những nét tính cách nào của Ngũ lão được thể hiện qua câu chuyện trên?

Câu 8 (0,5 điểm) Nêu suy nghĩ của em về chi tiết mà mình ấn tượng nhất đối với nhân vật trong truyện.

Phần II. Viết (5,0 điểm)

Viết bài văn kể lại một chuyến đi (tham quan một di tích lịch sử, văn hóa) mà em ấn tượng nhất.

ĐÁP ÁN ĐỀ THI MINH HỌA

Phần I. Đọc hiểu (5,0 điểm)

Câu

Nội dung cần đạt

Điểm

Câu 1

C. Tự sự

0,5 điểm

Câu 2

B. Phạm Ngũ Lão

0,5 điểm

Câu 3

A. Vì Phạm Ngũ Lão cảm thấy chưa làm được gì để vui lòng mẹ, nếu đi mừng người ta thì sẽ lấy làm nhục.

0,5 điểm

Câu 4

C. Là một người khảng khái, cương trực

0,5 điểm

Câu 5

- HS có thể tóm tắt theo nhiều cách khác nhau nhưng vẫn phải đảm bảo được nội dung câu chuyện.

- Bối cảnh lịch sử: Thời nhà Trần đánh đuổi quân xâm lược nhà Nguyên ở phương Bắc và đẩy lùi sự xâm lấn của quân Ai Lao ở phía Nam.

1,0 điểm

Câu 6

Những chi tiết cho thấy Phạm Ngũ Lão có tài cầm quân của Phạm Ngũ Lão:

- Theo Hưng Đạo Vương đi đánh giặc Nguyên thì đánh trận nào cũng thắng, lập nên công trạng rất nhiều.

- Về sau, vua nước Ai Lao đem hơn một vạn quân và voi sang cướp đất Thanh, Nghệ. Vua sai Ngũ Lão cầm quân đi đánh. Ngũ Lão sai dân chặt tre đực dài độ một trượng, chồng chất trên các vệ đường….

0,5 điểm

Câu 7

Những nét tính cách của Phạm Ngũ Lão:

- Là một vị tướng tài giỏi xuất sắc đời nhà Trần, đã có công giúp Trần Hưng Đạo đánh đuổi quân xâm lược nhà Nguyên ở phương Bắc và đẩy lùi sự xâm lấn của quân Ai Lao ở phía Nam.

- Là người tính tình khẳng khái, vừa có chí lớn vừa có tài cao, đã lập công lớn giết giặc cứu nước, nêu tấm gương sáng ngời về chí làm trai cho các thế hệ thanh niên đời sau học tập.

1,0 điểm

Câu 8

HS nêu chi tiết mình ấn tượng và nêu lí do thuyết phục.

0,5 điểm

Phần II. Viết (5,0 điểm)

Câu

Đáp án

Điểm

 

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn kể lại một chuyến đi

Mở bài giới thiệu được chuyến đi. Thân bài triển khai được chi tiết chuyến đi. Kết bài nêu được cảm nghĩ của bản thân về chuyến đi.

0,25 điểm

b. Xác định đúng yêu cầu của đề: Kể lại chuyến đi (tham quan một di tích lịch sử, văn hóa).

0,25 điểm

c. Bài viết có thể triển khai theo nhiều cách khác nhau song cần đảm bảo các ý sau:

1. Mở bài

- Giới thiệu được chuyến đi: Lí do, mục đích của chuyến tham quan di tích lịch sử, văn hóa.

2. Thân bài

Kể diễn biến chuyến tham quan (trên đường đi, trình tự những điểm đến thăm, những hoạt động chính trong chuyến đi,…)

- Nêu được ấn tượng về những đặc điểm nổi bật của di tích (phong cảnh, con người, công trình kiến trúc,…).

3. Kết bài

Thể hiện được cảm xúc và suy nghĩ về chuyến đi.

3,5 điểm

d. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

0,5 điểm

 

e. Sáng tạo: Diễn đạt sáng tạo, sinh động, giàu hình ảnh, có giọng điệu riêng.

0,5 điểm

Lưu ý: Chỉ ghi điểm tối đa khi thí sinh đáp ứng đủ các yêu cầu về kiến thức và kĩ năng.

 
Đánh giá

0

0 đánh giá