Đề cương ôn tập học kì 2 Ngữ văn 11 Cánh diều năm 2024

1.7 K

Tailieumoi.vn xin giới thiệu Đề cương ôn tập học kì 2 Ngữ văn 11 Cánh diều năm 2024 – 2025. Tài liệu được biên soạn bởi đội ngũ giáo viên THPT dày dặn kinh nghiệm sẽ giúp các em làm quen với các dạng bài tập, nâng cao kỹ năng làm bài và rút kinh nghiệm cho bài thi học kì 2 Ngữ văn 11. Mời các bạn cùng đón xem:

Đề cương ôn tập học kì 2 Ngữ văn 11 Cánh diều năm 2024

I. NỘI DUNG KIẾN THỨC CẦN ÔN TẬP

A. Phần 1: Nội dung kiến thức cần ôn tập

1. Văn bản:

- Phân tích và đánh giá được một số yếu tố về hình thức (các chi tiết tiêu biểu, sự kết nối giữa lời người kể chuyện và lời nhân vật,...); nội dung (đề tài, chủ đề, tư tưởng, triết lí nhân sinh,...) của truyện ngắn hiện đại. Nêu được ý nghĩa, tác động của văn bản văn học trong việc làm thay đổi suy nghĩ, tình cảm, cách nhìn và cách đánh giá của cá nhân đối với văn học và cuộc sống.

- Nhận biết và phân tích được vai trò của yếu tố tượng trưng trong thơ; giá trị thẩm mĩ của các yếu tố cấu tứ, ngôn từ; tình cảm, cảm xúc chủ đạo của người viết.

- Nhận biết và phân tích được sự kết hợp giữa tự sự và trữ tình trong tùy bút, tản văn, giữa hư cấu và phi hư cấu trong truyện kí; đánh giá được tình cảm, cảm xúc, cảm hứng chủ đạo của người viết qua văn bản; phát hiện được giá trị văn hóa hoặc triết lí nhân sinh từ văn bản.

- Nhận diện, phân tích được các yếu tố lời thoại, hành động, xung đột, nhân vật, cốt truyện, hiệu ứng thanh lọc,... và chủ đề, tư tưởng, thông điệp chính của văn bản bi kịch.

- Phân tích được nội dung, mối quan hệ giữa luận đề, luận điểm, lí lẽ và dẫn chứng tiêu biểu, độc đáo; nhận biết và phân tích được vai trò của các yếu tố thuyết minh hoặc biểu cảm, miêu tả, tự sự trong văn bản nghị luận; xác định được mục đích, quan điểm của người viết và thể hiện được quan điểm cá nhân về nội dung của văn bản.

a. Sự kết nối giữa lời người kể chuyện và lời nhân vật trong truyện ngắn

Lời người kể chuyện

Lời nhân vật

Nhằm giới thiệu, miêu tả nhân vật, bối cảnh, bình luận, dẫn dắt câu chuyện, tạo thành giọng chủ đạo của truyện.

Phương tiện bộc lộ ý nghĩ, tâm trạng, cá tính của nhân vật trong từng tình huống cụ thể, góp phần thể hiện phẩm chất, tính cách nhân vật.

=> Lời nhân vật thường có sự phối hợp hài hoà với lời người kể chuyện.

b. Cấu tứ

Nội dung

Kiến thức

Khái niệm

Cấu tứ là cách triển khai, tổ chức hình ảnh, mạch cảm xúc của bài thơ. Một số cách tổ chức cấu tứ thường gặp: tương đồng, tương phản, tăng cấp, chuyển hoá hoặc thống nhất các mặt đối lập (động / tĩnh, không gian / thời gian, cảnh / tình,...).

c. Thơ có yếu tố tượng trưng

Nội dung

Kiến thức

1. Khái niệm

Thơ có yếu tố tượng trưng là thơ có những hình ảnh mang tính biểu tượng, gợi cho người đọc những ý niệm, hoặc gợi lên một liên tưởng sâu xa.

2. Yếu tố tượng trưng trong thơ cổ điển và hiện đại

Thơ cổ điển

Các hình ảnh tùng, cúc, trúc, mai tượng trưng cho người quân tử (với tâm hồn thanh cao). Trong ca dao, cặp hình ảnh thuyền - bến tượng trưng cho người con trai / người ra đi (thuyền) và người con gái / người ở lại (bến). Những hình ảnh tượng trưng này có tính công thức, gắn với truyền thống văn hoá của một cộng đồng.

Thơ hiện đại

Các hình ảnh có tính biểu tượng gắn với phong cách và cái nhìn nghệ thuật của từng nhà thơ, thường được xây dựng thông qua cách sử dụng nhạc điệu, những kết hợp từ bất thường, các phép so sánh và đặc biệt là ẩn dụ chuyển đổi cảm giác nhằm biểu đạt những rung động, nhận thức sâu xa, những tồn tại  vô hình. Ý nghĩa của yếu tố tượng trưng trong thơ vì thế thường mơ hồ, không xác định nhưng lại ẩn chứa những phát hiện, liên tưởng độc đáo.

d. Tùy bút, tản văn

Nội dung

Tùy bút

Tản văn

1. Khái niệm

- Tuỳ bút là văn xuôi trữ tình - một loại tác phẩm tự sự phi hư cấu.

- Tản văn - một loại tác phẩm gần với tuỳ bút, cũng là loại tác phẩm tự sự phi hư cấu, sử dụng kết hợp nhiều phương thức biểu đạt.

2. Đặc điểm

- Tuỳ bút ghi chép một cách tự do những suy nghĩ, cảm xúc mang màu sắc cá nhân của người viết về con người và sự việc.

- Bài tuỳ bút thường thể hiện rất rõ cái “tôi” độc đáo, cũng như tâm hồn, tình cảm của tác giả.

- Ngôn ngữ của tuỳ bút thường rất giàu chất thơ.

- Nội dung bài tản văn thường nêu lên các hiện tượng chân thực, gần gũi với cuộc sống nhưng giàu ý nghĩa xã hội. Thông qua nội dung ấy, người viết bộc lộ trực tiếp tình cảm, suy nghĩ mang đậm cá tính của mình.

3. Sự kết hợp giữa tự sự và trữ tình trong tùy bút, tản văn

- Tự sự là kể lại sự việc (bối cảnh, nhân vật, quá trình, kết quả,....).

- Trữ tình là bộc lộ trực tiếp những suy nghĩ, tình cảm, cảm xúc chủ quan của người viết trước con người và sự việc được nói tới.

- Tuỳ vào đề tài và mục đích bài viết mà tác giả kết hợp các yếu tố tự sự và trữ tình với những mức độ khác nhau.

- Tuỳ bút sử dụng nhiều yếu tố trữ tình, còn tản văn dùng nhiều yếu tố tự sự.

e. Truyện kí

Nội dung

Kiến thức

1. Khái niệm

Truyện kí là thể loại giao thoa giữa truyện và kí, trong đó, nhà văn dựa vào những con người và sự việc có thật, lựa chọn, sắp xếp và tổ chức thành câu chuyện hấp dẫn, làm nổi bật đối tượng được phản ánh bằng ngôn ngữ văn học.

2. Quá trình phát triển

Truyện ki phát triển mạnh trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ do yêu cầu cổ vũ động viên, ca ngợi người thật, việc thật,...

VD: Sống như anh (Trần Đình Văn), Người mẹ cầm súng (Nguyễn Thi),...

3. Sự kết hợp của hư cấu và phi hư cấu

Truyện kí chú trọng tính xác thực về con người và sự kiện,.. đồng thời sử dụng hư cấu với các chi tiết, tâm lí, nhân vật, sự việc,... do nhà văn tưởng tượng ra khiến câu chuyện hiện lên vừa chân thực, khách quan vừa sinh động theo cách nhìn độc đáo của tác giả. 

f. Bi kịch

Nội dung

Kiến thức

1. Khái niệm

Bi kịch thuộc thể loại kịch, mang đầy đủ những đặc điểm của thể loại này về cốt truyện, ngôn ngữ, hành động kịch.

2. Nhân vật

Nhân vật chính trong bị kịch thường là nhân vật có những phẩm chất, năng lực vượt trội, có khát vọng và lí tưởng đẹp đẽ nhưng phải đối đầu với mâu thuẫn, xung đột không thể hoá giải hoặc sai lầm của chính bản thân và vì thế phải chấp nhận thất bại hoặc cái chết bi thảm như một tất yếu.

3. Xung đột

Xung đột giữa những khát vọng đẹp đẽ của nhân vật với tình trạng không thể thực hiện được điều đó trong thực tiễn. Ở đây, cần lưu ý là nhân vật ý thức được tình trạng này nhưng không khuất phục, không thoả hiệp trước nó cho dù phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.

Xung đột nằm trong chính nhân vật. Trong trường hợp này, vẻ đẹp khát vọng, những giá trị tích cực của nhân vật đối đầu với phần bóng tối, với những sai lạc ngay trong nội tâm nhân vật. Điều đó khiến nhân vật phải trả giá bằng sự thất bại hoặc cái chết bi thảm.

................................

................................

................................

 

II. MỘT SỐ DẠNG BÀI TẬP MINH HỌA

1. Dạng 1: Đọc – hiểu

Bài tập 1. Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi :

MỘT CƠN GIẬN

(Trích)

- Thạch Lam (1) –

(Tóm tắt phần trước: Thanh cùng những người bạn trò chuyện về những cơn giận và hậu quả của nó. Thanh cũng kể câu chuyện làm cho anh ân hận mãi. Vì sự bực tức không rõ nguyên nhân từ trước, cộng thêm việc mặc cả không thành và những lời nói khó chịu của người phu xe, cơn giận của Thanh lên đến đỉnh điểm. Trên đường đi, gặp cảnh sát, vì muốn trả thù, Thanh đã nói những điều bất lợi cho người phu xe, khiến anh ta phải chịu nộp phạt và bị thu xe. Sau hôm đó, cơn giận của anh cũng đã hết nhưng trong lòng lại dâng lên nỗi day dứt, kéo dài đến mấy ngày sau. Chính vì thế Thanh đã đi tìm đến nhà của người kéo xe đó.)

Lần ấy là lần đầu tôi bước vào một chỗ nghèo nàn, khổ sở như thế. Các anh thử tưởng tượng một dãy nhà lụp xụp và thấp lè tè, xiêu vẹo trên bờ một cái đầm mà nước đen và hôi hám tràn cả vào đến thềm nhà.[…]

Người phu xe Dư ở trong ấy. Tôi cúi mình bước vào, chỉ thấy tối như bưng lấy mắt và thấy hơi ẩm lạnh thấm vào tận trong mình. Có tiếng người đàn bà sẽ hỏi:

- Bẩm thầy muốn gì?

Khi mắt đã quen tối, tôi nhận thấy người đàn bà vừa hỏi, một bà già ở mép một chiếc giường tre mục nát kê ở sát tường. Sau lưng bà này, một người đàn bà nữa ngồi ôm trong lòng một vật gì hơi động đậy. Cả hai cùng ngước mắt lên nhìn tôi một cách ngạc nhiên và đầu họ chạm vào mái nhà thấp, đầy những mảng giẻ rách nát vắt trên xà.

- Bác Dư có nhà không?

- Bẩm, chú nó đi về quê vắng từ hôm nọ.

Một vẻ sợ hãi thoáng qua trên mặt đủ tỏ cho tôi biết họ không nói thật, tôi giảng giải:

- Không, cụ cứ nói thật cho tôi biết. Tôi đến để giúp bác ta chứ không có ý gì khác.

Bà cụ nhìn tôi nghĩ ngợi một lát rồi nói:

- Thế thầy đã biết việc chú nó bị bắt xe hôm nọ?

Tôi gật đầu ra hiệu cho bà cụ cứ nói.

- Hôm ấy cai nó phải đem tiền lên nộp phạt để chuộc xe về. Chú nó đã xin khất với cai để rồi trả dần số tiền đó. Nhưng nó nhất định không nghe, bắt phải trả một nửa ngay. Khốn nạn, thì lấy đâu ra mà trả. Thế là bị nó đánh một trận thừa sống thiếu chết thầy ạ. Khi về đây lê đi không được nữa. Thế mà nó còn bắt mai phải trả ngay.

Người đàn bà ngồi trong cất tiếng ốm yếu nói theo:

- Nó còn bảo hễ không trả nó sẽ bắt lấy thẻ.

- Thế bây giờ bác ta đâu?

Bà cụ trả lời:

- Đi ngay từ hôm ấy, mà không biết đi đâu. Đã ba hôm nay chúng tôi dò mà không thấy. Chắc là sợ cai không dám về nữa, dù có về mà không có tiền cũng chết với nó. Thật cũng là cái vạ; nghe đâu chú nó nói hôm ấy tại người khách đi xe không biết nói với người đội xếp thế nào mới bị bắt, chớ không cũng chẳng việc gì.

Tôi yên lặng.

Bà cụ chép miệng, chỉ người đàn bà ngồi sau:

- Tội nghiệp cho vợ con chú đây, ốm đã mấy ngày hôm nay không có thuốc. Đứa cháu không biết có qua khỏi được không.

Tôi đứng lại gần xem.

- Cháu nó sài (2) đã hơn một tháng nay. Hôm nọ đã đỡ. Mấy hôm nay vì không có tiền mua thuốc lại tăng. Ông lang bảo cháu khó qua khỏi được.

Người mẹ nói xong nấc lên một tiếng rồi nức nở khóc.

Cái cảnh đau thương ấy làm tôi rơm rớm nước mắt. Một cảm giác nghẹn ngào đưa lên chẹn lấy cổ. Tôi lấy tờ giấy bạc năm đồng đưa cho người mẹ, rồi vội vàng bước ra cửa, để mặc hai người nhìn theo ngờ vực. […]

- Cái kỉ niệm buồn rầu ấy cứ theo đuổi tôi mãi mãi đến tận bây giờ, rõ rệt như các việc mới xảy ra hôm qua. Sự đó nhắc cho tôi nhớ rằng người ta có thể tàn ác một cách rất dễ dàng. Và mỗi lần tôi nghĩ đến anh phu xe ngoại ô kia, tôi lại thấy đau đớn trong lòng như có một vết thương chưa khỏi.

(Trích Tuyển tập Thạch Lam, NXB Văn học, 2020, tr.59 - 62)

Chú thích:

(1) Thạch Lam, tên thật là Nguyễn Tường Lân - thành viên của nhóm Tự lực văn đoàn. Tác phẩm của ông thể hiện niềm cảm thương kín đáo mà sâu sắc đối với cuộc sống của những người dân nghèo nơi phố huyện ở ngoại ô Hà Nội hay của những trí thức bình dân.

(2) sài: tên gọi chung các bệnh nội khoa lâu khỏi ở trẻ em.

Câu 1. Xác định ngôi kể được sử dụng trong văn bản phần in nghiêng.

Câu 2. Tìm những từ ngữ, hình ảnh miêu tả hoàn cảnh sống của người phu xe trong các câu văn sau: Lần ấy là lần đầu tôi bước vào một chỗ nghèo nàn, khổ sở như thế. Các anh thử tưởng tượng một dãy nhà lụp xụp và thấp lè tè, xiêu vẹo trên bờ một cái đầm mà nước đen và hôi hám tràn cả vào đến thềm nhà.

Câu 3. Xác định điểm nhìn trần thuật được sử dụng đoạn in đậm.

Câu 4. Tóm tắt ngắn gọn nội dung của văn bản phần in nghiêng (khoảng 2 - 3 câu).

Câu 5. Nhận xét đặc điểm về từ ngữ của ngôn ngữ nói được mô phỏng, tái tạo trong những câu sau:

- Bác Dư có nhà không?

- Bẩm, chú nó đi về quê vắng từ hôm nọ.

Câu 6. Theo anh/chị, hành động: lấy tờ giấy bạc năm đồng đưa cho người mẹ, rồi vội vàng bước ra cửa, để mặc hai người nhìn theo ngờ vực của Thanh thể hiện tâm trạng gì?

Câu 7. Từ văn bản trên, anh/chị hãy trình bày suy nghĩ của bản thân về hậu quả của sự giận dữ (khoảng 3 – 4 dòng).

Bài tập 2. Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

MÓN LẠ MIỀN NAM

Có người đọc cuốn “miếng ngon Hà Nội” của tôi xong, thúc giục:

- Miền Nam nước Việt có nhiều thức ngon lành lắm, sao không sưu tầm lại mà viết thành một cuốn nữa coi chơi?

Tôi bỏ nhà đi lang bạt từ lúc mười bảy tuổi. Đến Sài Gòn dạo đó, tôi đã ăn nem Thủ Đức, thưởng thức phá lấu Lồ Ồ, ăn tóp mỡ nhiễn đường ở Sa Đéc, nếm suông ở Cây mai, thịt bò bảy món Bà Hom, mì Cột đèn Năm ngọn. Rồi đến kỳ này, lại trở về quê ngoại mến thương, tôi đã thưởng thức nhiều món hơn, nhưng thú thực tôi không thấy các món đó có nói lên được cái gì mới mẻ, lạ lùng cho lắm. Có lẽ tô cá Chìa Vôi ngon thực, nhưng lòng còn gởi về cố lý nên cá rô đầm Sét vẫn là hơn, trái su-su mát như da cô gái tuyết trinh, ô hay, sao lại như đăng đắng, mà miếng thịt gà muốn chế hóa cách gì đi nữa cũng vẫn cứ nhạt phèo ?

Mãi đến gần đây, tôi mới nhận ra rằng hương vị của những miếng ngon không hoàn toàn do nơi khẩu cái. Tự nhiên, không vì lý do gì hết, vào một buổi chiều xuống mầu kia, mình nhìn thấy miếng thịt gà đậm đà hơn, trái su-su thoang thoảng ngọt và con cá Chìa vôi ăn béo mà thơm.

Ồ, tại sao lại thế! Thì ra ngon hay không là tự ở lòng mình. Chưa chắc miếng ngon miền Nam bây giờ khác trước. Nhưng người xa nhà cảm thấy ngon lành khác trước, có lẽ vì bây giờ y nhận thức được lòng thương yêu của những người ở chung quanh rõ rệt, đậm đà hơn trước […]

Thương biết bao là thương, mến chừng nào là mến! Nhưng mến thương sao cho bằng thương mến người vợ miền Nam xót xa người chồng Bắc xa nhà, nay làm món ăn này, mai làm món ăn khác, mong sao cho chồng khuây khỏa được nỗi buồn thiên lý tương tư. Dùng thịt nhiều xót ruột em nấu canh chua cá lóc anh món lạ miền Nam xơi; chạo tôm quận vào mía lau ăn ngọt và bùi; nếu anh mệt thì dùng bát cháo chìa vôi nhé!

Bánh bèo bì ở Bún nổi tiếng là ngon; tô mì Bà Điểm; hủ tíu chợ giữa Mỹ Tho; bánh in Cao lãnh; Nem Tân Hương ăn mịn xớt mà giòn; tôm nướng Tân Thuận Đông vừa thơm vừa ngọt. Gà nhúng hèm ngon nhất là Bình Hòa; con “móng tay” Long Hải; bưởi Tân Triều; măng Lái Thiêu; cam Cái Bè; dừa xiêm Mỹ; dưa hấu Cầu Ngang; con cá nhám rào thịt ngon lừ, ăn mát ruột mà lành; trứng chích, trứng diệt vừa bùi vừa béo; có cô gái theo chồng ra tỉnh mà vẫn còn nhớ mãi nem nướng Đức Hòa, cá cháy Cái Vồn, Măng le Bà Rịa ngon hỡi là ngon!

Chồng mà không chịu ăn thì vợ đừ ngay mặt ra, khóc đòi về với bà già. Tôi yêu người vợ miền Nam thực thà như đếm, yêu ai thì yêu lộ liễu, thích cái gì thì muốn cho ai cũng biết rằng mình thích mới nghe! Đẹp thì muốn đẹp cho sắc sảo, áo quần phải làm sao cho nổi bật lên hơn cả quần áo của chúng chị em; mà ngày lễ và chủ nhật phải nèo chồng đi chơi cho kì được để cho người ta thấy hạnh phúc lứa đôi của mình.

Miếng ngon của miền Nam cũng thành thật như người đàn bà vậy. Ăn một miếng, ngon ngay, nhưng ngon không phải do vị của chính thức ăn, mà là tại xả và ớt làm nổi vị lên, điểm cho khẩu cái một tơ duyên ấm áp. Ăn như thế cũng có một cái thú riêng, nhưng làm cho người ta yêu hơn các món ăn của miền Nam, chưa chắc đã là vì các món ăn đó có nhiều ớt và nhiều sả, mà cũng không phải vì món ăn của miền Nam nịnh khẩu cái ta ngay, để rồi chỉ lưu lại một dư vị rất mong manh trong cuống họng […]

(Trích “Thương nhớ mười hai” – Vũ Bằng)

Câu 1. Xác định đề tài chính của đoạn trích.

A. Văn hóa ẩm thực

B. Món ngon của quê hương

C. Ẩm thực Nam Bộ

D. Tình cảm vợ chồng

Câu 2. Xác định chủ đề chính của đoạn trích.

A. Món lạ miền Nam

B. Văn hóa ẩm thực

C. Ẩm thực Nam Bộ

D. Tình cảm vợ chồng

Câu 3. Yếu tố tự sự thể hiện trong đoạn trích trên là:

A. Kí ức về việc thưởng thức các món ngon, lạ Miền Nam

B. Tái hiện lịch sử các món lạ ở Miền Nam

C. Kí ức về những chuyến đi

D. Câu chuyện vợ chồng

Câu 4. Cấu trúc của đoạn trích được triển khai theo:

A. cảm hứng, tư tưởng chủ đề “Món lạ miền Nam”

B. nhận thức của tác giả về “Món lạ miền Nam”

C. tình yêu của tác giả về “Món lạ miền Nam”

D. quan điểm cá nhân của tác giả về “Món lạ miền Nam”

Câu 5. Vì sao tác giả cho rằng món ăn “ngon hay không là tự ở lòng mình”?

A. Vì gắn liền với tình cảm của người thưởng thức, gợi nhắc kỉ niệm yêu thương

B. Vì mỗi món ăn gắn liền với đặc trưng vùng, miền

C. Vì mỗi món ăn gắn liền với kỉ niệm, kí ức gia đình, quê hương xứ sở

D. Vì mỗi món ăn là tấm lòng của người xa xứ dành cho quê hương

Câu 6. Nét đẹp trong văn hóa ẩm thực của người Nam Bộ được thể hiện trong đoạn trích là:

A. giản dị, mộc mạc, đậm đà, độc đáo

B. cầu kì, thanh lịch, giàu tính thẩm mĩ

C. hấp dẫn, tinh tế, sang trọng

D. thu hút, giàu tính thẩm mĩ

Câu 7. Mục đích của tác giả khi viết bài tùy bút là:

A. biết ơn người dân và ca ngợi nét độc đáo trong ẩm thực Nam Bộ

B. ca ngợi nét độc đáo trong ẩm thực Nam Bộ

C. bộc lộ tình yêu quê hương đất nước qua hương vị món ăn

D. khám phá nét độc đáo trong hương vị món ăn Miền Nam

Câu 8. Cái Tôi của người viết được thể hiện như thế nào qua đoạn trích?

A. Tài hoa, mê đắm trước những món ngon, lạ ở miền Nam

B. Say mê ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên, đất trời phương Nam

C. Ca ngợi những món ăn mang hương vị lạ lẫm, độc đáo trong ẩm thực Miền Nam

D. Hồi tưởng lại vùng đất đã đi qua bằng sự yêu thương, tôn trọng, tự hào

Câu 9. Thông điệp được gửi gắm qua đoạn trích trên là:

A. Trân trọng, tự hào mảnh đất mình từng đi qua, những con ngưởi mình từng gắn bó.

B. Tin tưởng một ngày mai các món lạ ở Miền Nam sẽ vang xa

C. Nỗi nhớ, niềm thương về con người, vùng đất Nam Bộ

D. Ca ngợi tình nghĩa đồng bào miền Nam trong việc thưởng thức món lạ ở Miền Nam

Câu 10. Người đọc nhận được bài học cuộc sống gì qua những chiêm nghiệm của tác giả: “Mãi đến gần đây, tôi mới nhận ra rằng hương vị của những miếng ngon không hoàn toàn do nơi khẩu cái.... Thì ra ngon hay không là tự ở lòng mình”.

A. Món ngon với mỗi người là hương vị của kí ức, tình thâm, sự trân quý

B. Hương vị của món ngon không phải ở vị giác mà là ở cảm xúc yêu thương, trân trọng

C. Hương vị của món ngon là ở tấm lòng của người đón nhận chứ không phải ở rmón ăn

D. Hương vị của món ngon ở nỗi nhó, tình yêu mình dành cho quê hương, xứ sở

III. ĐỀ MINH HỌA

Phần I. Đọc hiểu (6,0 điểm)

Đọc ngữ liệu sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

HỒN TRƯƠNG BA VÀ VỢ NGƯỜI HÀNG THỊT

(Hồn Trương Ba, da hàng thịt – Lưu Quang Vũ)

Tóm tắt vở kịch

Hồn Trương Ba, da hàng thịt là vở kịch của nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, được viết vào năm 1981-1984, dựa theo truyện dân gian “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, nội dung có ý nghĩa xã hội vô cùng sâu sắc.

Trương Ba là một người làm vườn tốt bụng, nhân hậu, rất cao cờ và thường đấu cờ với Đế Thích. Danh tiếng của ông vang đến tận trời xanh. Tuy nhiên, do sự làm ăn tắc trách mà Nam Tào gạch bừa tên Trương Ba, khiến ông phải chết oan. Theo gợi ý của Đế Thích, Nam Tào cho hồn Trương Ba nhập vào thể xác hàng thịt ngoài ba mươi tuổi mới mất ở làng bên. Trương Ba sống lại và nhập vào xác hàng thịt vừa mới chết. Trú nhờ linh hồn trong thể xác hàng thịt, Trương Ba gặp rất nhiều phiền toái: lý trưởng sách nhiễu, chị hàng thịt đòi chồng, gia đình Trương Ba cảm thấy xa lạ vì không phải da thịt của người thân mình…, bản thân Trương Ba thì đau khổ vì phải sống trái tự nhiên, giả tạo. Đặc biệt, Trương Ba nhiễm phải nhiều thói xấu và những nhu cầu vốn không phải của chính bản thân anh vì thân xác của lão hàng thịt. Trước nguy cơ tha hóa về nhân cách và sự phiền toái do mượn thân xác của kẻ khác, Trương Ba quyết định trả lại xác cho hàng thịt và chấp nhận cái chết theo đúng quy luật sinh – lão – bệnh – tử.

Ở trong kịch bản, Lưu Quang Vũ đã tách rõ từng nghịch cảnh.

Đoạn trích sau là cảnh tại nhà hàng thịt (sau khi được sống lại trong xác anh hàng thịt)

(Hồn Trương Ba và vợ người hàng thịt. Trời đã khuya)

HỒN TRƯƠNG BA

(Tay áo xắn cao, mặt buồn rầu, ném mấy con dao bầu đầm đìa máu vào thùng, nói với vợ người hàng thịt)

– Con lợn tôi đã xẻ xong, thủ chân giò để trong thúng, thịt xếp trên phản đậy mấy tàu lá chuối, tim gan bầu dục trong cái rổ treo trên quang, chị để ý kẻo mèo chó nó tha..

VỢ NGƯỜI HÀNG THỊT:

(Mỉm cười) Được rồi, ông khỏi lo… Mà bữa nay ông chọc tiết pha thịt cũng thạo dần rồi đấy!

HỒN TRƯƠNG BA: (Lúng túng) Cũng …cũng tạm!

VỢ NGƯỜI HÀNG THỊT:

Em đã nói với ông rồi: Có khó gì đâu, ông nhỉ? Sức vóc như ông (Cầm tay Trương Ba). Hai bàn tay này vốn nhanh nhẹn tháo vát lắm!

HỒN TRƯƠNG BA: (Bối rối rụt tay lại) Công việc xong, giờ đã khuya, tôi phải về…

VỢ NGƯỜI HÀNG THỊT:

Về! Hôm nào cũng vội vã thế? Ngồi xuống đây với em một lát đã, ông… Bát tiết canh em đánh cho ông, để trên chõng, ông đã xơi chưa?

HỒN TRƯƠNG BA: Rồi!

VỢ NGƯỜI HÀNG THỊT: Cả cút rượu nữa, ông đã uống chứ?

HỒN TRƯƠNG BA: Đã!

VỢ NGƯỜI HÀNG THỊT: Với đĩa hành sống, em biết ông thích xơi hành sống?

HỒN TRƯƠNG BA: Vâng, cám ơn chị.

VỢ NGƯỜI HÀNG THỊT: Cảm ơn khách sáo thế? Mà sao ông cứ gọi em là chị

HỒN TRƯƠNG BA: (Lúng túng) Thôi tôi xin phép…phải về…khuya rồi.

VỢ NGƯỜI HÀNG THỊT:

– Ngoài kia đang mưa rét, sương gió mịt mờ khắp trời…(Cầm chai rượu dưới gầm để lên bàn). Ông uống nữa đi, thứ rượu tăm say nhưng dịu… …em phải cất công đi xa lắm mới mua được. (Rót ra chén). Ông uống với em một chén, em cũng uống (Rót cho mình). Nào, ông!

(Hồn Trương Ba ngần ngừ nhấp rồi uống cạn)

VỢ NGƯỜI HÀNG THỊT: (Uống) Ấm nóng cả người.

HỒN TRƯƠNG BA: (Vội vã đứng dậy) Tôi phải về.

VỢ NGƯỜI HÀNG THỊT:

(Cũng đứng dậy) Ông (Buồn rầu). Ông lại về bên ấy…Còn em thì còn lại một mình, trong gian nhà trống trải này…em sợ…

HỒN TRƯƠNG BA:

(Ái ngại) Chị sợ gì? Vợ người hàng thịt Em sợ… một mình… Ông hãy ở lại lát nữa…một lát nữa thôi…

HỒN TRƯƠNG BA: Khuya quá rồi, không tiện, chị Hợi ạ.

VỢ NGƯỜI HÀNG THỊT:

Nhưng không tiện cái nỗi gì kia chứ? Ông không có quyền nán lại một chút hay sao? Chẳng lẽ ông cứ mãi coi mình như đứa ở hết giờ làm công lại về, đây là nhà của ông cơ mà! Và em, em là…Sao ông cứ khăng khăng lạnh nhạt với em, bỏ mặc em vò võ một thân một mình?

HỒN TRƯƠNG BA

Hiểu tình cảnh chị neo đơn vất vả, tôi đã không nề hà gì công việc hàng họ, thịt thà…

VỢ NGƯỜI HÀNG THỊT:

Em không cần thịt thà. Trước thì em cũng cần đấy, nhưng bây giờ em không thiết nữa! Em không thể sống thế này mãi được! Em đâu đáng phải chịu sự hững hờ của ông…Em là vợ ông!

HỒN TRƯƠNG BA:

(Khổ sở) Chị, chị phải biết rằng tôi không phải là chồng chị, không phải là anh Hợi. Hơn ai hết, chị biết rõ điều đó.

VỢ NGƯỜI HÀNG THỊT:

(Sau một hồi im lặng) Em biết, em biết chứ! Chính vì vậy mà em càng thương quý ông. Em đi lấy chồng năm mười sáu tuổi. Suốt mười năm sống bên chồng, em chưa hề biết một lời nói dịu dàng, một cử chỉ ân cần…Ngoài chuyện buôn bán lừa lọc, ông ấy chỉ biết ăn, ngủ và say rượu…Cả ban đêm, khi gần gũi vợ, ông ấy cũng say khướt. Rồi những trận đòn tàn tạ.(Vợ người hàng thịt nhắm mắt lại, trước mắt chị như hiện ra cảnh tượng cũ: Xác người hàng thịt mang hồn Trương Ba vụt trở về anh hàng thịt đang khật khưỡng ngồi uống rượu, tay gắp miệng nhai nhồm nhoàm. Rồi anh ta loạng choạng đứng dậy, hùng hổ trỏ tay vào mặt vợ. Chị vợ sợ hãi lùi dần. Anh hàng thịt vung nắm tay. Chị vợ kêu lên. Chị mở bừng mắt ra: Trước mặt chị lại là Anh hàng thịt mang hồn Trương Ba điềm tĩnh hiền hậu).

VỢ NGƯỜI HÀNG THỊT:

Giờ đây, ở bên em, vẫn là hình vóc ấy, khuôn mặt ấy nhưng tất cả đều đã khác… Lần đầu tiên em được biết thế nào là những lời thanh tao hiền hậu, những cử chỉ nhã nhặn ân cần. Lần đầu tiên em thấy mình được quý trọng…

HỒN TRƯƠNG BA: Kìa, chẳng phải là chị đã khóc thương tiếc ông nhà đó sao?

VỢ NGƯỜI HÀNG THỊT:

Đúng! Không phải em ghét bỏ gì con người cũ của chồng em. Em đã chịu ơn ông ấy, thuộc về ông ấy, than khóc khổ sở khi ông ấy mất nhưng chỉ từ khi ông tới, hay nói đúng hơn từ khi hồn ông nhập vào thân xác chồng em, em mới biết trước kia em thiếu những gì, em mới biết lâu nay em chưa hề được sống lại thời con gái, nỗi sướng vui… Em cảm tạ Trời Phật đã cho hồn ông nhập vào hình vóc quen thuộc này! (Cầm hai bàn tay Hồn Trương Ba). Em không ao ước gì hơn nữa! Người chồng toàn vẹn của em đây! Người em đã từng mong đợi xưa kia đây! Anh đừng e ngại nữa, em là của anh.. (ôm lấy Trương Ba thắm thiết, say sưa). Đôi cánh tay này đã bao lần ghì chặt lấy em đến nỗi em phát sợ nhưng bây giờ đã khác trước, anh nhỉ? (gục mặt vào ngực hồn Trương Ba).

(Như bị một sức mạnh ghê gớm kéo đi, hồn Trương Ba cũng ôm lấy vợ người hàng thịt, vuốt ve đôi vai và cánh tay mạnh mẽ của chị ta)

VỢ NGƯỜI HÀNG THỊT:

(Vuốt tóc Trương Ba) Em sẽ săn sóc hầu hạ anh, tận tuỵ với anh mãi. Anh ơi, chúng ta hãy rời bỏ nơi này, vứt bỏ tất cả, không còn hồn Trương Ba, xác hàng thịt gì nữa, chỉ còn em với anh… Chúng ta hãy trốn đi, tới một nơi nào đó không còn ai biết quá khứ của chúng ta nữa, không còn lão Lý trưởng không còn những thằng lái lợn, không có cả gã con trai gian xảo của anh. Chúng ta sẽ đi ngay ngày mai, băng qua mấy cánh đồng, là sẽ tới bến Tằm, ta sẽ xuống đò xuôi ở đó…

HỒN TRƯƠNG BA:

(Như sực tỉnh) Bến Tằm? (Ngơ ngác rồi bàng hoàng buông vợ người hàng thịt ra, đứng bật dậy) Bến Tằm… đêm hát đối… Mình…trời ơi, ta đang làm gì thế này? (Nhìn lại đôi tay mình, sợ hãi) Không! Không (Lùi xa vợ người hàng thịt) Cái đốm sáng mong manh nào trong ta vừa chợt loé lên? Vái linh hồn của ta, hãy trở lại với ta, Trương Ba…ta là Trương Ba.. Mình ơi! Tôi đã làm gì? (Ôm mặt) Bà nó ơi!

VỢ NGƯỜI HÀNG THỊT:

Kìa! Anh! (Đến bên Trương Ba nhìn vừa đắm đuối vừa năn nỉ). Anh?

HỒN TRƯƠNG BA:

(Lắc đầu) Không! Đừng! Hãy tha cho tôi! Tôi van chị! (Như sợ mình không thắng nổi sự cám dỗ, lùi dần ra cửa) Không! (Chạy đi)

VỢ NGƯỜI HÀNG THỊT: (Gục xuống nức nở) Anh!

(Đèn tắt, chuyển cảnh)

(Hồn Trương Ba da hàng thịt – Tôi và chúng ta, Lưu Quang Vũ, Nxb Kim Đồng 2010)

——-

Lưu Quang Vũ (1948 – 1988) là một nhà soạn kịch, nhà thơ và nhà văn người Việt Nam. Các vở kịch, truyện ngắn, thơ của Lưu Quang Vũ giàu tính hiện thực và nhân văn, in đậm dấu ấn của từng giai đoạn trong cuộc sống của ông. Ông đã là tác giả của gần 50 vở kịch và hầu hết các vở kịch của ông đều được các đoàn kịch, chèo gây dựng thành công dưới sự chỉ đạo của nhiều đạo diễn nổi tiếng làm sôi động sân khấu Việt nam thời kỳ đó.

Câu 1. Dòng nào nói lên các sự việc trong đoạn trích kịch bản Hồn Trương Ba và vợ người hàng thịt?

A. Trương Ba thành thạo việc của anh hàng thịt; Sực tỉnh chạy về nhà mình

B. Vợ hàng thịt say mê Trương Ba; Trương Ba kiên quyết từ chối vợ hàng thịt.

C. Vợ hàng thịt chăm sóc Trương Ba; Trương Ba dần gần gũi; Sực tỉnh chạy về.

D. Trương Ba thành con người mới; Trương Ba kiên quyết từ chối vợ hàng thịt.

Câu 2. (Hồn Trương Ba và vợ người hàng thịt. Trời đã khuya) là thành phần nào của kịch bản, có hình thức như thế nào, đảm nhiệm chức năng gì ở lớp kịch?

A. Chỉ dẫn sân khấu, in nghiêng trong ngoặc đơn: thời gian, nhân vật của lớp kịch.

B. Dòng độc thoại của nhân vật về bối cảnh của lớp kịch.

C. Chỉ dẫn sân khấu về diễn xuất cho diễn viên; in nghiêng trong ngoặc đơn

D. Chỉ dẫn sân khấu, in nghiêng trong ngoặc đơn; lời người dẫn chuyện.

Câu 3. Đọc tóm tắt vở kịch, 4 lượt thoại đầu đoạn trích và cho biết Trương Ba đang ở trong tình cảnh nào?

A. Trở thành anh hàng thịt thực thụ; Vợ hàng thịt rất thích thú điều đó.

B. Đang tập làm công việc của anh hàng thịt; Vợ hàng thịt là người hướng dẫn.

C. Dần quen với công việc của anh hàng thịt; Vợ hàng thịt khen ngợi.

D. Dần quen với công việc của anh hàng thịt; Vợ hàng thịt mê Trương Ba.

Câu 4. Đầu đoạn trích, Hồn Trương Ba đối với vợ hàng thịt như thế nào?

A. Nhận sự chăm sóc của vợ hàng thịt và đang lại gần

B. Nhận sự chăm sóc nhưng vẫn giữ khoảng cách.

C. Muốn đến gần nhưng luôn nhớ đến vợ.

D. Muốn đến gần nhưng còn ngần ngại.

Câu 5. Đọc đoạn sau và cho biết: Người vợ hàng thịt mong muốn điều gì? Vì sao chị lại bỏ lửng lời nói ở dấu ba chấm trong lời của mình?

Nhưng không tiện cái nỗi gì kia chứ? Ông không có quyền nán lại một chút hay sao? Chẳng lẽ ông cứ mãi coi mình như đứa ở hết giờ làm công lại về? đây là nhà của ông cơ mà! Và em, em là…Sao ông cứ khăng khăng lạnh nhạt với em, bỏ mặc em vò võ một thân một hình?

A. Muốn Hồn Trương Ba công nhận mình là vợ; Vì tế nhị.

B. Muốn Hồn Trương Ba ngủ lại nhà mình; Vì ngại ngùng.

C. Không muốn Hồn Trương Ba về với vợ ông ấy; Vì sợ ông ấy say rượu.

D. Muốn Hồn Trương Ba dốc sức cho nhà mình; Vì sợ ông không đến nữa.

Câu 6. Đọc đoạn sau và cho biết chúng có vai trò như thế nào trong kịch bản?

(Vợ người hàng thịt nhắm mắt lại, trước mắt chị như hiện ra cảnh tượng cũ: Xác người hàng thịt mang hồn Trương Ba vụt trở về anh hàng thịt đang khật khưỡng ngồi uống rượu, tay gắp miệng nhai nhồm nhoàm. Rồi anh ta loạng choạng đứng dậy, hùng hổ trỏ tay vào mặt vợ. Chị vợ sợ hãi lùi dần. Anh hàng thịt vung nắm tay. Chị vợ kêu lên. Chị mở bừng mắt ra: Trước mặt chị lại là Anh hàng thịt mang hồn Trương Ba điềm tĩnh hiền hậu)

A. Chỉ dẫn sân khấu; tạo sự đối lập giữa Hồn Trương Ba với anh hàng thịt.

B. Chỉ dẫn sân khấu; nhân vật anh hàng thịt lỗ mãng in đậm trong kí ức vợ.

C. Chỉ dẫn sân khấu; người vợ không thể quên được anh chồng

D. Chỉ dẫn sân khấu; tạo nên sự chập chờn ma mị cho sân khấu.

Câu 7. (Như bị một sức mạnh ghê gớm kéo đi, hồn Trương Ba cũng ôm lấy vợ người hàng thịt, vuốt ve đôi vai và cánh tay mạnh mẽ của chị ta) cho thấy Hồn Trương Ba đang lâm vào tình thế nào?

A. Đang bị chi phối bởi bản năng.

B. Rơi vào nghịch cảnh, khó thoát ra được.

C. Lí trí không sao thắng nổi bản năng.

D. Hồn Trương Ba xúc động trước tình cảm của người vợ hàng thịt.

Câu 8. Dòng nào không nói lên tình cảm thái độ của tác giả thể hiện trong trích đoạn kịch bản trên?

A. Coi thường người vợ hàng thịt vì cố níu kéo Hồn Trương Ba.

B. Cảm thông sâu sắc với nỗi đau, nghịch cảnh của con người.

C. Trân trọng tình cảm chân thành, khát vọng chính đáng của con người.

D. Trân trọng vẻ đẹp thanh tao của con người.

Câu 9 (1,0 điểm) Suy nghĩ, tình cảm của em dành cho nhân vật Hồn Trương Ba.

Câu 10 (1,0 điểm) Trích đoạn kịch bản Hồn Trương Ba và vợ người hàng thịt đã tác động như thế nào tới suy nghĩ, tình cảm của em?

Phần II. Viết (4,0 điểm)

Viết văn bản nghị luận về trích đoạn kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt ở phần đọc hiểu.

HƯỚNG DẪN CHẤM

Phần I. Đọc hiểu (6,0 điểm)

Câu

Nội dung cần đạt

Điểm

Câu 1

C. Vợ hàng thịt chăm sóc Trương Ba; Trương Ba dần gần gũi; Sực tỉnh chạy về.

0,5 điểm

Câu 2

A. Chỉ dẫn sân khấu, in nghiêng trong ngoặc đơn: thời gian, nhân vật của lớp

kịch.

0,5 điểm

Câu 3

D. Dần quen với công việc của anh hàng thịt; Vợ hàng thịt mê Trương Ba.

0,5 điểm

Câu 4

B. Nhận sự chăm sóc nhưng vẫn giữ khoảng cách.

0,5 điểm

Câu 5

B. Muốn Hồn Trương Ba ngủ lại nhà mình; Vì ngại ngùng.

0,5 điểm

Câu 6

A. Chỉ dẫn sân khấu; tạo sự đối lập giữa Hồn Trương Ba với anh hàng thịt.

0,5 điểm

Câu 7

B. Rơi vào nghịch cảnh, khó thoát ra được.

0,5 điểm

Câu 8

A. Coi thường người vợ hàng thịt vì cố níu kéo Hồn Trương Ba.

0,5 điểm

Câu 9

– HS thể hiện góc nhìn, cảm xúc riêng của bản thân

– Gợi ý: Xác định vẻ đẹp của nhân vật; cảnh ngộ của nhân vật….Để từ đó, thể hiện sự trân trọng, sự cảm thông.

1,0 điểm

Câu 10

– HS tự làm theo cảm xúc, nhận thức cá nhân.

– Gợi ý: Hướng về nỗi khao khát của người vợ hàng thịt để thấy được giá trị mà con người ở tầng lớp nào cũng luôn hướng tới; Hành xử, bi kịch của Hồn Trương Ba…để điều chỉnh hành vi bản thân…

1,0 điểm

Phần II. Viết (4,0 điểm)

Câu

Nội dung

Điểm

 

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận

Đảm bảo cấu trúc ba phần: Mở - Thân - Kết.

0,25 điểm

 

b. Xác định đúng yêu cầu của đề: Phân tích đoạn trích Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ

 

0,25 điểm

 

c. Bài viết có thể triển khai theo nhiều cách khác nhau song cần đảm bảo các ý sau:

1. Mở bài:

- Giới thiệu tác phẩm kịch cần phân tích.

- Nêu nhận xét, đánh giá khái quát về tác phẩm.

2. Thân bài:

- Xác định, phân tích, đánh giá chủ đề của tác phẩm.

- Phân tích, đánh giá một số nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm.

- Đánh giá tác dụng của những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật trong việc thể hiện chủ đề của tác phẩm.

3. Kết bài:

- Khẳng định lại những nét đặc sắc về chủ đề và nghệ thuật của tác phẩm.

- Nêu cảm nghĩ của bản thân và bài học rút ra sau khi đọc xong tác phẩm.

3,0 điểm

 

d. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

0,25 điểm

 

e. Sáng tạo: Diễn đạt sáng tạo, sinh động, giàu hình ảnh, có giọng điệu riêng.

0,25 điểm

 

Lưu ý: Chỉ ghi điểm tối đa khi thí sinh đáp ứng đủ các yêu cầu về kiến thức và kĩ năng.

 

Đánh giá

0

0 đánh giá