Tailieumoi.vn xin giới thiệu bài văn mẫu Kể lại hoạt động xã hội hoạt động về nguồn Ngữ văn 8, Chân trời sáng tạo gồm 3 bài văn phân tích mẫu hay nhất giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo trong quá trình ôn tập, củng cố kiến thức và chuẩn bị cho bài thi sắp tới.
Kể lại hoạt động xã hội hoạt động về nguồn
Đề bài: Viết bài văn kể lại một hoạt động xã hội: hoạt động về nguồn.
Kể lại hoạt động xã hội hoạt động về nguồn - Mẫu 1
Vào một sáng cuối xuân, đầu hạ, khi bầu trời còn đẫm sương đêm, đoàn xe tham quan của trường em đã bắt đầu chuyển bánh. Chúng em đều cảm thấy hồi hộp vì tuy nghe tiếng đã lâu nhưng chưa ai được đặt chân tới mảnh đất quê hương cờ lau dẹp loạn - cố đô Hoa Lư.
Khoảng hai tiếng thì xe đến nơi. Toàn bộ khu di tích nằm trong một vùng đất trũng lòng chảo, xung quanh bao bọc bởi những ngọn núi trùng điệp. Thiên nhiên đã khéo sắp đặt cho nơi này một cảnh quan hùng vĩ, vừa có sông nước vừa có núi non.
Theo sự hướng dẫn của chị hướng dẫn viên, chúng em được đi tham quan. Kia là núi Cột Cờ cao hơn 200 mét như một chân đế khổng lồ để vua Đinh dựng cờ khởi nghĩa. Đây là ngôi Sao Khê chảy qua hang Luồn, là nơi thuỷ quân ta luyện tập. Chúng em còn đi thăm hang Muối, hang Tiền với những nhũ đá lóng lánh. Nghe nói đây là kho dự trữ, nguồn cung cấp quân lương cho Đinh Bộ Lĩnh ngày xưa.
Giữa khu di tích Hoa Lư có đền thờ Đinh Tiên Hoàng. Ngôi đền sừng sững, mái cong vút, lợp ngói hình vảy cá, rêu xanh đã phủ dày dấu thời gian. Cột đèn làm bằng những cây gỗ to, một vòng tay ôm không hết. Ngoài sân rồng còn lưu lại dấu tích bệ đặt ngai ngự của vua. Đó là một phiến đá to, bằng phẳng. Các nghệ nhân tài hoa thuở trước đã khéo léo khắc chạm lên mặt đá hình rồng bay rất đẹp. Xung quanh là hình con nghê, hình chim phượng cao quý và dũng mãnh tượng trưng cho quyền uy của nhà vua. Chúng em ngắm chiếc sập đá lòng thầm khâm phục những bàn tay tài hoa của ông cha thuở trước.
Sâu trong chính cung là tượng Đinh Tiên Hoàng đang ngự trên ngai. Nhà vua mặc áo thêu rồng, đội mũ bình thiên, bàn tay xòe rộng đặt nhẹ trên gối, vẻ cương nghị đọng lại ở đôi môi mím chặt, đôi mắt mở to nhìn thẳng. Thắp một nén hương tưởng niệm, chúng em kính cẩn dâng lên vị vua đã có công xây dựng Hoa Lư thành kinh đô của nước Đại Việt.
Tạm biệt đền Đinh Tiên Hoàng, chúng em đến thăm đền thờ vua Lê, ở phía bên trái khu di tích. Vua Lê vận long bào, đội mũ miện vàng, đeo kiếm ngang lưng trông rất oai nghiêm. Trong, khu vực đền thờ còn có bức tượng một người phụ nữ phúc hậu đoan trang. Đó là thái hậu Dương Vân Nga, bậc liệt nữ có một không hai trong lịch sử nước nhà. Bà đã ghé vai gánh vác sự nghiệp cả hai triều Đinh – Lê. Những vị được tôn thờ ở đây đều là những con người kiệt xuất, mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.
Không có thời gian để leo núi, chúng em đứng trong thung lũng, ngẩng đầu nhìn bốn phía để cảm nhận rõ thêm vị thế hiểm trở của cố đô..Có bạn đã giở sổ tay, đưa nhanh vài nét kí họa. Nhiều tiếng bàn bạc sôi nổi về phong trào cờ lau dẹp loạn thuở nào.
Trời đã xế chiều. Chúng em lưu luyến ra về và nuối tiếc vì chưa bẻ được mấy bông lau làm cờ cho xe mình thêm khí thế. Tạm biệt Hoa Lư, chúng em hiểu thêm về lịch sử dân tộc và cảnh đẹp đất nước. Chuyến đi tham quan này đã trở thành đề tài cho những cuộc trò chuyện sôi nổi ở lớp em suốt những ngày sau đó.
Mỗi chuyến tham quan sẽ đem đến cho mỗi người nhiều bài học bổ ích. Và chúng em đã có một chuyến tham quan như thế. Địa điểm tham quan là nhà tù Hỏa Lò - một di tích lịch sử nổi tiếng ở Hà Nội.
Chuyến tham quan sẽ diễn ra vào chủ nhật. Em cùng với các bạn trong câu lạc bộ Tiếng Anh đã hẹn nhau ở trường. Cả nhóm bắt xe buýt, mất khoảng một tiếng là đến nơi. Chúng em cảm thấy vô cùng hào hứng, chờ đợi. Nhà tù Hỏa Lò nằm ở số 1 phố Hoả Lò, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Nơi đây đã được thực dân Pháp xây dựng để giam giữ các chiến sĩ cách mạng nổi tiếng của Việt Nam.
Sau khi mua vé vào cửa, chúng em đi tham quan từng khu vực. Nhà tù gồm có các khu vực nhà giam như sau: Một nhà dùng cho việc canh gác; Một nhà dùng làm bệnh xá; Một nhà dùng làm nhà thương bố thí; Hai nhà dùng để giam bị can (chưa thành án); Một nhà dùng để làm phân xưởng thợ mộc, sắt, may, da; Năm nhà dùng để giam tù nhân đã thành án; Bốn trại xà lim để giam tử tù, tù nhân nguy hiểm, tù nhân vi phạm nội quy nhà tù. Em cảm thấy ấn tượng nhất khi đến nhìn tham quan nhà giam dành cho tù nhân phạm tội tử hình. Chiếc máy chém (dành cho phạm nhân bị tử hình) khiến cho bất cứ ai nhìn thấy cũng cảm thấy rùng mình. Quả thật không sai khi nhiều người gọi nơi đây là “địa ngục trần gian”.
Không chỉ vậy, khung cảnh những nhà giam nhỏ bé, chật hẹp. Với bốn bức tường dày không có gì lọt qua được. Sự tối tăm, tù túng khiến cho em cảm nhận được sự khổ cực cũng như sự kiên cường của những chiến sĩ cách mạng khi bị giam giữ ở đây. Từ đó, em càng cảm thấy tự hào và biết ơn về công lao to lớn của những người chiến sĩ cách mạng.
Chuyến tham quan nhà tù Hỏa Lò đã giúp em học hỏi thêm nhiều điều bổ ích. Em mong rằng sẽ có thêm nhiều chuyến đi như vậy hơn nữa.
Chuyến tham quan nhân dịp kỉ niệm ngày thành lập Đoàn đã để lại cho em ấn tượng sâu sắc. Với chủ đề “Về nguồn”, chúng em được đến thăm mảnh đất lịch sử của Địa đạo Củ Chi.
Buổi sáng hôm ấy, khi em đến trường thì đã nhìn thấy năm chiếc xe ô tô đỗ sẵn. Các học sinh đều vô cùng háo hức. Khoảng ba mươi phút sau, chúng em di chuyển lên xe theo sự hướng dẫn của thầy cô chủ nhiệm. Xe xuất phát khoảng ba mươi phút thì đến nơi.
Địa đạo Củ Chi là một di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng thuộc xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi. Nơi đây là kỳ quan độc nhất vô nhị dài 250km chạy ngoắt ngoéo trong lòng đất. Đặc biệt được làm từ dụng cụ thô sơ là lưỡi cuốc và chiếc xe xúc đất. Biết vậy chúng ta mới thấy rằng sự bền bỉ, kiên cường và lòng yêu nước mãnh liệt của chiến sĩ ta. Đúng như câu nói “Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Đường hầm sâu dưới đất 3 - 8m, chiều cao chỉ đủ một người đi lom khom. Khi một lần chui vào địa đạo Củ Chi, ta sẽ cảm nhận rõ chiều sâu thăm thẳm của lòng căm thù, y chí bất khuất của “vùng đất thép” và sẽ hiểu vì sao một nước Việt Nam nhỏ bé lại chiến thắng một nước lớn và giàu có như Hoa Kỳ. Ta sẽ hiểu vì sao Củ Chi mảnh đất nghèo khó lại đương đầu ròng rã suốt hai mươi năm với một đội quân thiện chiến, vũ khí tối tân mà vẫn giành thắng lợi.
Chúng em đi tham quan địa đạo Củ Chi theo sự hướng dẫn của các anh chị hướng dẫn viên. Khoảng mười một giờ thì cả trường được nghỉ ngơi để ăn trưa. Nghỉ ngơi khoảng mười lăm phút, chúng em đem cơm nắm mang theo ra ăn. Tất cả tập trung lại một chỗ ăn uống, cười nói vui vẻ. Sau đó, tất cả nghe thầy phổ biến lịch tham quan. Hình ảnh làng quê Củ Chi, lũy tre, đồng ruộng và hầm địa đạo cứ chờn vờn trong em.
Sau đó, đoàn đã đến thắp hương tưởng niệm và tri ân 44.520 anh hùng liệt sĩ tại Đền Bến Dược. Nơi những người con ưu tú của quê hương được khắc tên trong đền vì sự nghiệp độc lập, tự do của dân tộc. Đoàn đã dâng lên những bó hoa tươi thắm và thắp lên bia đá những nén hương để tưởng nhớ những người con của dân tộc đã ngã xuống trên mảnh đất Củ Chi anh hùng.
Rời phòng họp âm, chúng em được dẫn tới một đoạn địa đạo “mẫu”, mà theo lời giới thiệu thì đã được khoét rộng hơn “nguyên bản” để du khách có thể chui qua chứ không phải bò như những du kích dũng cảm năm nào. Dẫu địa đạo đã được khoét rộng hơn, nhưng để có thể dịch chuyển trong đó, ai nấy đều phải lom khom, không được cao hơn mặt đất quá 80 - 90cm.
Sau khi làm lễ và tham quan Đền Bến Dược xong, đoàn tiếp tục chuyến tham quan của mình tới khu vực tái hiện Vùng giải phóng. Con đường nhỏ dẫn chúng em tới Phòng họp âm – một gian phòng đào chìm xuống lòng đất, sâu ngập đầu – nơi mà bốn mươi mấy năm trước, những chiến sĩ đã từng ngồi họp, bàn phương án đánh giặc. Sơ đồ nổi trong phòng giới thiệu cho du khách thấy địa đạo được đào sâu bốn tầng dưới lòng đất, thông với nhau theo muôn vàn ngách nhỏ, với tổng cộng chiều dài tới 250km. Tầng trên cùng thường là những phòng rộng dùng làm phòng họp, trụ sở, bếp ăn, khu điều trị của thương binh… những tầng dưới chỉ là những đường ngầm nhỏ và hẹp, thông với nhau nhằng nhịt như mạng nhện, toả nhánh khắp nơi. “Cầu thang”, nối các tầng với nhau là những đoạn dốc trượt xuống. Cuối mỗi đoạn “cầu thang” đó thường có một hầm chông nắp gỗ đợi sẵn, phòng khi giặc liều mạng bò xuống thì ta rút nắp cho chúng trượt xuống
Sau đó, toàn trường tập trung lại để cô Loan (cô Tổng phụ trách) tổng kết các cuộc đi tham quan bổ ích này. Chúng em thu dọn lều, bạt, đồ đạc rồi ra về. Đoàn xe chầm chậm rời khỏi khu địa đạo, tiến ra đường quốc lộ, rồi thẳng tiến về Thành phố Hồ Chí Minh. Ngồi trên xe, chúng em hồi tưởng lại diễn biến buổi đi chơi, ai ai cũng cảm thấy tiếc khi phải ra về.
Hình ảnh làng quê Củ Chi, lũy tre, đồng ruộng và hầm địa đạo cứ chờn vờn trong em. Buổi đi chơi này đã để lại trong chúng em những kỉ niệm đẹp và sâu sắc. Qua chuyến đi đã góp phần khơi lại, hun đúc lòng yêu nước trong mỗi đoàn viên thanh niên, ý thức tinh thần dân tộc sâu sắc. Khâm phục những khó khăn, gian lao, vất vả và sự hy sinh cống hiến của những vị anh hùng đất thép.
Ông cha ta thường nói Uống nước nhớ nguồn. Đó là một truyền thống quý báu và tốt đẹp của nhân dân ta suốt bao đời nay. Và cho đến nay vẫn còn hiện hữu trong từng hoạt động xã hội ý nghĩa. Cuối tuần vừa rồi, em đã được tham gia một hoạt động như thế. Đó chính là buổi thăm hỏi và tặng quà các bác, các ông thương binh của xã Mỹ Thủy tại nhà văn hóa thôn Tâm Khê.
Ngày hội “Uống nước nhớ nguồn” ấy là hoạt động thường niên của thôn em vào ngày thương binh liệt sĩ 27/7 do Ủy ban thôn Tâm Khê tổ chức. Hoạt động này nhằm giúp đem lại niềm vui cho các bác, các ông thương binh trên địa bàn thông. Cùng với đó, là để người dân trên địa bàn được gửi tặng các món quà để thể hiện sự biết ơn, kính trọng dành cho những người lính đã chiến đấu vì độc lập tự do của tổ quốc. Từ hai tuần trước đó, em đã đăng kí xin được trở thành tình nguyện viên của hoạt động này, để có thể tham gia thực hiện một hoạt động xã hội ý nghĩa như thế.
Vào một tuần trước khi diễn ra hoạt động, bên ủy ban thôn đã đưa ra danh sách các bác, các ông thương binh sinh sống trên địa bàn thôn, để chuẩn bị cho hoạt động. Mọi người trong đội tình nguyện viên đã tập trung ở nhà văn hóa thông để họp bàn cho công tác chuẩn bị. Mọi người tùy vào độ tuổi vào khả năng, đã chia thành các nhóm nhỏ. Em và các bạn khác có chữ viết đẹp, thì nhận nhiệp vụ viết thư mời gửi đến các thương binh tham gia buổi gặp mặt. Một nhóm khác thì nhận nhiệm vụ đi gửi thư mời đến tận tay từng người. Nhóm lớn nhất thì sẽ đi mua sắm các phần quà và đóng gói, sẵn sàng cho ngày trọng đại. Khi các khâu chuẩn bị đó đã hoàn thành, vào ngày trước khi diễn ra buổi gặp mặt, chúng em tập trung đông đủ, cùng quét dọn, trang trí hội trường và sắp xếp bàn ghế. Thế là đã sẵn sàng tất cả cho hoạt động ý nghĩa rồi.
Đúng 7h sáng ngày 27/7, em mặc áo sơ-mi trắng, đứng ở lối vào nhà văn hóa, để tiếp đón các bác, các ông thương binh đến tham dự hoạt động. Nhìn ai cũng khoác trên mình bộ quân phục với vẻ mặt tự hào, rạng rỡ mà em cảm thấy trái tim mình rộn ràng niềm tự hào khó tả. Vinh dự được đón chào các thương binh, em đã được bắt tay với những người lính vĩ đại đã từng chiến đấu để bảo vệ tổ quốc. Bàn tay ấy thô ráp, nhưng ấm ấp vô cùng. Sau khi các khách mời đã có mặt đông đủ và ổn định vị trí trong hội trường, em cũng tiến vào sau khán đài để cùng tham gia các hoạt động khác. Đầu tiên, như thường lệ, là phần chào cờ và hát Quốc ca. Tuy các bác, các ông ai cũng có những tổn thương trên cơ thể, nhưng mọi người đều đứng thẳng và chào cờ với dáng vẻ nghiêm túc nhất. Ai cũng hát vang Quốc ca với niềm tự hào về tổ quốc, âm thanh vang vọng khắp hội trường, đánh thẳng vào lồng ngực và trái tim em. Khiến trái tim như đập nhanh lên từng nhịp.
Sau khi hát Quốc ca, MC mời các bác, các ông thương binh ngồi xuống để bắt đầu buổi lễ. Đầu tiên, trưởng ban tổ chức hoạt động đã bước lên bục để đọc bài phát biểu về lý do tổ chức hoạt động ngày hôm nay. Cùng với đó là những lời cảm ơn chân thành nhất gửi đến các bác, các ông thương binh đã cống hiến cuộc đời mình cho bình yên của tổ quốc. Và tri ân những liệt sĩ đã mãi mãi nằm lại trên chiến trường. Sau đó, lần lượt những thành viên trong ban tổ chức đại diện cho các cấp học cũng lên bục phát biểu, thể hiện lòng biết ơn của mình. Em quý trọng nhất, là những lời chia sẻ của chính các bác, các ông thương binh về những năm tháng bom đạn ác liệt. Lời các bác kể còn hay hơn tất cả những bộ phim lịch sử mà em từng xem. Những lời dặn dò của các bác cũng vì vậy mà ấm áp hơn bao giờ hết, giúp chúng em sâu sắc nhận ra trách nhiệm của thế hệ mình với tương lai tổ quốc. Tiếp theo những giây phút chia sẻ xúc động, là phần trao tặng các món quà đến các bác thương binh có mặt tại hội trường. Cùng với đó là các tiết mục văn nghệ về chủ đề người lính do chính chúng em tập luyện. Có những bác thương binh cần phải có người dìu mới đi lên bục được. Em rất xúc động trước sự hi sinh cao cả của những người thương binh ấy.
Kết thúc hoạt động, các bác, các ông thương binh dần trở về nhà. Em và các anh chị khác ở lại dọn dẹp hậu trường mà lòng đầy những suy tư. Nhớ lại dáng vẻ của những người thương binh mà mình được trò chuyện và gặp gỡ ngày hôm nay, em càng hiểu sâu sắc hơn những mất mát và hi sinh của thế hệ trước cho đất nước của ngày hôm nay. Cũng từ đó, em càng thêm biết ơn, kính trọng những người lính cụ Hồ. Em mong rằng, sẽ có thêm nhiều hơn nữa các hoạt động xã hội bày tỏ lòng biết ơn , quan tâm đến các thương binh trên cả nước ta. Và chúng ta - thế hệ trẻ của đất nước, phải nỗ lực rèn luyện, học tập hết sức mình, để không phụ công các bác.