Sách bài tập Ngữ Văn 8 Nói và nghe trang 39 | Chân trời sáng tạo

220

Tailieumoi sưu tầm và biên soạn giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 8 Nói và nghe trang 39 sách Chân trời sáng tạo hay, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT Ngữ Văn 8. Mời các bạn đón xem:

Giải SBT Ngữ Văn lớp 8 Nói và nghe trang 39

Câu 1 trang 39 SBT Ngữ Văn 8 Tập 2: Tác dụng của việc lập dàn ý trước khi trình bày giới thiệu sách là gì?

Trả lời:

Lập dàn ý trước khi nói giúp xác định đủ, đúng nội dung cần nói và đúng trình tự các ý cần nói.

Câu 2 trang 39 SBT Ngữ Văn 8 Tập 2: Nêu tác dụng của việc sử dụng bảng kiểm.

Trả lời:

Tác dụng của việc sử dụng bảng kiểm là giúp tự kiểm soát bài giới thiệu của bản thân, giúp góp ý cho bài nói của bạn hiệu quả hơn.

Câu 3 trang 39 SBT Ngữ Văn 8 Tập 2: Thực hiện đề bài sau:

Đề bài: Em hãy giới thiệu một cuốn sách hoặc một bộ phim với các bạn trong Câu lạc bộ đọc sách hoặc Câu lạc bộ những người yêu phim.

Trả lời:

Bài nói tham khảo

Xin chào thầy cô và các bạn. Hôm nay, em sẽ giới thiệu đến mọi người một cuốn sách mà em rất yêu quý. Đó là cuốn sách giúp em hiểu được thế nào là ý chí, nghị lực của con người và quan trọng hơn, đó là sức mạnh của tình cảm gia đình. Cuốn sách mà em muốn chia sẻ đó là cuốn Không gia đình của nhà văn Hector Malot.

“Không gia đình” kể về cuộc phiêu bạt của Rêmi - một cậu bé không cha mẹ, không họ hàng thân thích, sống với mẹ nuôi ở một vùng quê hẻo lánh. Sau đó, em đi theo đoàn xiếc chó, khỉ của cụ Vitali - một cụ già từng trải và đức độ, đi chu du và biểu diễn khắp mọi miền nước Pháp. Remi đã lớn lên trong sự gian khổ của cuộc hành trình. Nhiều lúc cả đoàn được ăn no mặc ấm, cũng có lúc phải đi trong trời đông giá rét, dưới cơn bão tuyết, nhịn ăn tưởng chết đến nơi. Rồi cụ Vitali mất, chỉ còn Rêmi và chú chó Capi trung thành. Từ đây em tự lập, không những lo cho mình, em còn cưu mang chú bé Matchia vào gánh hát rong. Họ đã trở thành đôi bạn thân, cùng nhau phiêu bạt, cùng chịu đựng gian khổ và cùng sẻ chia niềm sung sướng. Nhưng cuộc đời em đâu đã hết gian truân! Đã có lúc em bị kẹt dưới hầm mỏ lụt đến mười bốn ngày đêm. Có lúc khác, em vào nhầm nhà một tên vô lại vì tưởng đó là cha đẻ của mình. Rồi em lại phải vào tù vì bị mắc án oan...Nhưng dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào, em vẫn noi theo nếp sống của cụ Vitali: giữ gìn nhân phẩm, ngay thẳng, gan dạ, tự trọng, thương người, ham lao động, không ngửa tay xin xỏ, không dối trá, nhớ ơn nghĩa, luôn làm người có ích. Cuối cùng, giống như những kết thúc có hậu trong các câu chuyện cổ tích, Rêmi tìm lại được gia đình thật sự của mình và sống hạnh phúc bên những người thân yêu.

Qua cuộc phiêu lưu của cậu bé Rêmi ta thấy được nhiều điều về số phận khổ đau của con người...Trước hết là Rêmi - nạn nhân của cuộc tranh giành quyền thừa kế tài sản. Em sống cuộc đời phiêu bạt của kẻ hát rong và phải chịu bao nhiêu gian khổ mới tìm lại được gia đình. Cuộc đời của cụ Vitali cũng là một bi kịch. Cụ vốn là một người đứng trên bậc cao nhất của nấc thang xã hội, nhưng cuối cùng lại phải làm nghề xiếc chó sống qua ngày. Sức lực của cụ bị bào mòn bởi sự khắc nghiệt của xã hội. Để rồi cụ chết, chết vì không tin vào lòng tốt của con người. Còn cả chú bé Matchia luôn bị đánh đập, hành hạ bởi ông chủ. Liệu còn số phận nào đáng buồn hơn thế? Nhưng cuốn sách này không chỉ có toàn đau khổ, nó cũng có nhiều điều thú vị để đọc, để cảm thấy vui vì những giá trị tốt đẹp của con người. Trước hết là tình cảm gia đình, tình thương của cụ Vitali dành cho Rêmi. Cụ đã dạy em nhiều điều hay lẽ phải để tồn tại trong thế giới khắc nghiệt. Bà Milligan và Arthur cũng yêu Rêmi. Họ chăm sóc, cưu mang khi em rơi vào tình trạng khó khăn nhất.Và cũng thật thiếu sót nếu không kể đến tình bạn thắm thiết giữa Rêmi và Matchia. Hai em sống đùm bọc nhau, chia sẻ đắng cay ngọt bùi, luôn sát cánh cùng nhau trong hoạn nạn. Câu chuyện này còn ca ngợi lao động, ca ngợi tinh thần tự lập tự tin của giới trẻ.

“Tiến lên! Thế giới mở rộng trước mắt tôi, tôi có thể dời chân xuống nam hay lên bắc, sang đông hay qua đoài tùy lòng.

Tôi chỉ là một đứa trẻ con, thế mà tôi đã làm chủ cuộc đời của tôi”

Hãy đắm chìm dòng cảm xúc của mình vào những trang sách để bản thân tự tin bước qua những thách thức mà cuộc sống đặt ra và để trái tim ta cảm nhận được thế giới này cần lắm những tình yêu thương như thế. Tuổi trẻ đừng ngại đương đầu với khó khăn bởi nếu không bị lạc đường ta sẽ khó biết mình vốn rất sợ hãi, nếu không bị dối gạt ta sẽ khó biết mình rất dễ tổn thương, nếu không bị bỏ rơi ta sẽ khó thấy được tính yếu đuối và dựa dẫm của mình. Không gia đình là một tác phẩm đầy tính nhân văn, đã mang đến cho độc giả những giá trị tinh thần tồn tại mãi theo năm tháng. Tác phẩm như ngọn đèn soi rọi cho biết bao tâm hồn thoát khỏi những bóng đêm của cuộc đời. Và cũng để những ai “có gia đình” suy ngẫm, làm sao sống cho tốt, xứng đáng với điều may mắn mà số phận ban cho.

Nếu như trong cuộc sống, sự hiến tặng đem tới niềm vui thì sự chia sớt lấy đi nỗi khổ. Ai rồi cũng sẽ có lúc rơi vào vũng lầy khổ đau hay tuyệt vọng. Thật không có gì quý giá bằng ngay trong lúc ấy có một cánh tay vững chãi cho ta tựa vào và truyền thêm sức mạnh giúp ta đủ can đảm để vượt qua. Bàn tay ấy có thể không đủ sức kéo ta khỏi vũng lầy bất hạnh nhưng nó đã làm nỗi khổ đau kia vơi đi ít nhiều. Đó là lý do mà ta luôn cần có nhau trong cuộc đời này.

Và đó là toàn bộ phần trình bày giới thiệu một cuốn sách mà em yêu thích. Rất cảm ơn cô và các bạn đã chú ý lắng nghe. Em cũng rất mong nhận được những ý kiến đóng góp để bài thuyết trình được hoàn thiện hơn.

Đánh giá

0

0 đánh giá