15 câu Trắc nghiệm Sinh học 11 Bài 6 (Cánh diều) có đáp án: Dinh dưỡng và tiêu hóa ở động vật

3 K

Tailieumoi.vn xin giới thiệu Trắc nghiệm Sinh học lớp 11 Bài 6: Dinh dưỡng và tiêu hóa ở động vật sách Cánh diều. Bài viết gồm 15 câu hỏi trắc nghiệm với đầy đủ các mức độ và có hướng dẫn giải chi tiết sẽ giúp học sinh ôn luyện kiến thức và rèn luyện kĩ năng làm bài trắc nghiệm Sinh học 11. Ngoài ra, bài viết còn có phần tóm tắt nội dung chính lý thuyết Bài 6: Dinh dưỡng và tiêu hóa ở động vật. Mời các bạn đón xem:

Trắc nghiệm Sinh học 11 Bài 6: Dinh dưỡng và tiêu hóa ở động vật

Phần 1. 15 câu trắc nghiệm Sinh học 11 Bài 6: Dinh dưỡng và tiêu hóa ở động vật

 Câu 1: Quá trình tiêu hoá ở động vật có túi tiêu hoá chủ yếu diễn ra như thế nào?

A. Thức ăn được tiêu hoá nội bào nhờ enzyme thuỷ phân chất dinh dưỡng phức tạp thành những chất đơn giản mà cơ thể hấp thụ được.

B. Thức ăn được tiêu hoá ngoại bào nhờ enzyme thuỷ phân chất dinh dưỡng phức tạp thành những chất đơn giản mà cơ thể hấp thụ được.

C. Thức ăn được tiêu hoá ngoại bào trong túi tiêu hóa, sau đó được hấp thụ vào tế bào và tiếp tục tiêu hóa nội bào.

D. Thức ăn được tiêu hoá nội bào trong túi tiêu hóa, sau đó được hấp thụ vào tế bào và tiếp tục tiêu hóa ngoại bào.

Đáp án đúng là: C

Quá trình tiêu hoá ở động vật có túi tiêu hoá: Thức ăn được tiêu hoá ngoại bào trong túi tiêu hóa, sau đó được hấp thụ vào tế bào và tiếp tục tiêu hóa nội bào.

Câu 2: Trong quá trình dinh dưỡng ở người, các chất dinh dưỡng được hấp thụ vào máu ở cơ quan nào?

A. Thực quản.

B. Dạ dày. 

C. Ruột non.

D. Ruột già.

Đáp án đúng là: C

Trong quá trình dinh dưỡng ở người, các chất dinh dưỡng được hấp thụ vào máu ở cơ quan là ruột non.

Câu 3: Nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng của cơ thể phụ thuộc vào 

A. hoàn cảnh, môi trường sống của mỗi người.

B. độ tuổi và khả năng lao động của mỗi người.

C. độ tuổi, giới tính, sở thích và tình trạng hôn nhân.

D. độ tuổi, giới tính, cường độ lao động, sức khỏe tinh thần và tình trạng bệnh tật.

Đáp án đúng là: D

Nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng của cơ thể phụ thuộc vào độ tuổi, giới tính, cường độ lao động, sức khỏe tinh thần và tình trạng bệnh tật.

Câu 4: Phát biểu nào không đúng khi nói về chế độ dinh dưỡng cân bằng?

A. Chế độ dinh dưỡng cân bằng là cung cấp năng lượng và các chất dinh dưỡng phù hợp với nhu cầu cơ thể, các nhóm chất đưa vào cơ thể vừa đủ, đúng tỉ lệ.

B. Trong chế độ dinh dưỡng cân bằng, tỉ lệ nhóm chất carbohydrate chiếm khoảng 13 – 20% so với tổng nhu cầu năng lượng. 

C. Trong chế độ dinh dưỡng cân bằng, tỉ lệ nhóm chất lipid chiếm khoảng 15 – 20% so với tổng nhu cầu năng lượng.

D. Chế độ dinh dưỡng cân bằng cần bổ sung đầy đủ nước, vitamin, khoáng chất và chất xơ.

Đáp án đúng là: B

B – Sai. Trong chế độ dinh dưỡng cân bằng, tỉ lệ nhóm chất carbohydrate chiếm khoảng 60 - 65%, protein chiếm 13 – 20 %, lipid chiếm 15 – 20% so với tổng nhu cầu năng lượng.

Câu 5: Người mắc bệnh táo bón chủ yếu do nguyên nhân nào sau đây?

A. Sử dụng chất kích thích; do các tác nhân gây dị ứng.

B. Chế độ ăn ít chất xơ, không đủ nước; ít vận động; nhịn đại tiện.

C. Vệ sinh răng miệng không sạch sẽ; ăn nhiều thực phẩm chứa nhiều đường.

D. Sử dụng thuốc kháng sinh không đúng chỉ dẫn; vệ sinh môi trường không tốt.

Đáp án đúng là: B

Người mắc bệnh táo bón chủ yếu do nguyên nhân: Chế độ ăn ít chất xơ, không đủ nước; ít vận động; nhịn đại tiện.

Câu 6: Sau giai đoạn tiêu hóa và hấp thụ, chất dinh dưỡng được vận chuyển đến từng tế bào nhờ

A. hệ bài tiết.  

B. hệ tuần hoàn. 

C. hệ hô hấp.

D. hệ nội tiết. 

Đáp án đúng là: B

Sau giai đoạn tiêu hóa và hấp thụ, chất dinh dưỡng được vận chuyển đến từng tế bào nhờ hệ tuần hoàn.

Câu 7: Trình tự các giai đoạn của quá trình dinh dưỡng ở người là

A. lấy thức ăn → tiêu hóa thức ăn → tổng hợp các chất → hấp thụ chất dinh dưỡng → thải chất cặn bã.

B. hấp thụ chất dinh dưỡng → tiêu hóa thức ăn → lấy thức ăn → tổng hợp các chất → thải chất cặn bã.

C. lấy thức ăn → tiêu hóa thức ăn → hấp thụ chất dinh dưỡng → tổng hợp các chất → thải chất cặn bã. 

D. lấy thức ăn → hấp thụ chất dinh dưỡng → tiêu hóa thức ăn → tổng hợp các chất → thải chất cặn bã. 

Đáp án đúng là: C

Trình tự các giai đoạn của quá trình dinh dưỡng ở người là lấy thức ăn → tiêu hóa thức ăn → hấp thụ chất dinh dưỡng → tổng hợp các chất → thải chất cặn bã.

Câu 8: Ở động vật chưa có cơ quan tiêu hóa, thức ăn được tiêu hóa bằng hình thức nào? 

A. Tiêu hóa nội bào.

B. Tiêu hóa ngoại bào.

C. Tiêu hóa nội bào và tiêu hóa ngoại bào. 

D. Tiêu hóa bằng ống tiêu hóa.

Đáp án đúng là: A

Ở động vật chưa có cơ quan tiêu hóa, thức ăn được tiêu hóa bằng hình thức tiêu hóa nội bào (tiêu hóa bên trong tế bào).

Câu 9: Nhóm động vật nào dưới đây tiêu hóa thức ăn trong ống tiêu hóa? 

A. Trùng roi, trùng đế giày, trùng amip.

B. Thủy tức, trùng đế giày, châu chấu. 

C. Bọt biển, thủy tức, giun đất.

D. Giun, châu chấu, chim bồ câu. 

Đáp án đúng là: D

Giun, châu chấu, chim bồ câu là các động vật tiêu hóa thức ăn trong ống tiêu hóa.

Câu 10: Phát biểu nào không đúng khi nói về tiêu hóa ở động vật?

A. Ở đa số các loài động vật, thức ăn được tiêu hóa bằng hình thức tiêu hóa nội bào.

B. Ở động vật có túi tiêu hóa, thức ăn được tiêu hóa ngoại bào và nội bào.

C. Ống tiêu hóa có ở hầu hết các động vật không xương sống và có xương sống.

D. Thức ăn đi qua ống tiêu hóa và được tiêu hóa ngoại bào nhờ quá trình tiêu hóa cơ học và hóa học.

Đáp án đúng là: A

Ở đa số các loài động vật, thức ăn được tiêu hóa bằng hình thức tiêu hóa ngoại bào trong ống tiêu hóa. 

Câu 11: Người hoạt động thể lực nhẹ (giáo viên, nhân viên văn phòng) có nhu cầu năng lượng và chất dinh dưỡng  

A. giống với người hoạt động thể lực nặng (công nhân xây dựng, vũ công,...).

B. thấp hơn người hoạt động thể lực nặng (công nhân xây dựng, vũ công,...).

C. cao hơn người hoạt động thể lực nặng (công nhân xây dựng, vũ công,...).

D. đặc biệt, không cần bổ sung vitamin, khoáng chất và chất xơ, do cường độ lao động nhẹ không tiêu tốn năng lượng.

Đáp án đúng là: B

Người hoạt động thể lực nhẹ (giáo viên, nhân viên văn phòng) có nhu cầu năng lượng và chất dinh dưỡng thấp hơn người hoạt động thể lực nặng (công nhân xây dựng, vũ công,...).

Câu 12: Để phòng bệnh về tiêu hóa, cần thực hiện biện pháp nào sau đây?

A. Sử dụng nguồn thực phẩm sạch, an toàn. 

B. Thực hiện chế độ dinh dưỡng, vận động, nghỉ ngơi hợp lí.

C. Thực hiện các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm.

D. Tất cả các biện pháp trên.  

Đáp án đúng là: D

Để phòng bệnh về tiêu hóa, cần thực hiện các biện pháp: Sử dụng nguồn thực phẩm sạch, an toàn; thực hiện các biện pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; bảo vệ nguồn nước; thực hiện chế độ dinh dưỡng, vận động, nghỉ ngơi hợp lí.

Câu 13: Vì sao trâu, bò chỉ ăn cỏ, nhưng trong máu của các loài động vật này có hàm lượng acid amin rất cao?

A. trâu, bò có dạ dày 4 túi nên tổng hợp tất cả các acid amin cho riêng mình.

B. trong dạ dày của trâu, bò có vi sinh vật chuyển hóa đường thành acid amin và protein.

C. cỏ có hàm lượng acid amin và protein rất cao.

D. ruột của trâu, bò không hấp thụ acid amin.

Đáp án đúng là: B

Trâu, bò là động vật nhai lại có dạ dày 4 túi. Ở dạ cỏ có hệ vi sinh vật rất phát triển, các vi sinh vật này sử dụng cellulose có trong cỏ làm nguyên liệu cho quá trình tổng hợp protein của vi khuẩn. Sau đó trâu, bò ợ lên nhai lại, khi đó hàm lượng protein có trong thức ăn nhai lại của trâu, bò cao hơn rất nhiều so với lượng protein có trong thức ăn lúc mới ăn. Vì vậy lượng acid amin mà ruột non hấp thụ được có nồng độ cao → Đáp án B.

Câu 14: Vì sao khẩu phần ăn thiếu calcium có thể gây ra bệnh loãng xương?

A. Vì calcium giúp cơ thể chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn.

B. Vì calcium làm tăng nồng độ đường trong máu.

C. Vì calcium giúp điều tiết sự vận động của cơ thể.

D. Vì calcium là thành phần vô cơ chủ yếu cấu tạo nên xương.

Đáp án đúng là: D

Khẩu phần ăn thiếu calcium có thể gây ra bệnh loãng xương vì calcium là thành phần vô cơ chủ yếu cấu tạo nên xương, đảm bảo cho xương rắn chắc. Thiếu calcium và phosphorus sẽ thiếu nguyên liệu kiến tạo xương nên mật độ chất khoáng trong xương thưa dần, dẫn đến bệnh loãng xương.

Câu 15: Tiêu hóa trong túi tiêu hóa ưu việt hơn tiêu hóa nội bào vì

A. Có thể lấy thức ăn có kích thước lớn.

B. Sự biến đổi thức ăn nhanh hơn

C. Thức ăn bị biến đổi nhờ enzyme do các tế bào của túi tiêu hóa tiết ra.

D. Enzyme tiêu hóa không bị hòa loãng với nước.

Đáp án đúng là: A

Tiêu hóa trong túi tiêu hóa chỉ ưu việt hơn tiêu hóa nội bào là có thể lấy được thức ăn có kích thước lớn. Còn tiêu hóa nội bào, những thức ăn kích thước to lớn không thể đưa vào tế bào được. 

Phần 2. Lý thuyết Sinh học 11 Bài 6: Dinh dưỡng và tiêu hóa ở động vật

I. Quá trình dinh dưỡng ở người gồm những giai đoạn nào?

Lấy thức ăn:

  • Ăn lọc: lọc nước qua bộ phận chuyên hóa để lấy thức ăn:
  • Ăn hút: thức ăn được lấy vào bằng cách hút dịch lỏng từ cơ thể động vật hoặc thực vật
  • Ăn thức ăn rắn kích cỡ khác nhau: nhiều phương thức ăn khác nhau.

Tiêu hóa thức ăn: là quá trình biến đổi thức ăn chứa các chất dinh dưỡng có cấu tạo phức tạp thành các phân tử nhỏ, đơn giản mà cơ thể có thể hấp thụ được

II. Tiêu hóa ở động vật

Các hình thức tiêu hóa ở động vật là gì?

1. Tiêu hóa ở động vật chưa có hệ tiêu hóa:

  • Động vật hình tấm, Thân lỗ,...
  • Tiêu hóa nội bào

2. Tiêu hóa ở động vật có túi tiêu hóa:

  • Ruột khoang, giun dẹp,....
  • Tiêu hóa nội bào kết hợp ngoại bào

3. Tiêu hóa ở động vật có ống tiêu hóa:

  • Nhiều động vật không xương sống và có xương sống có ống tiêu hóa
  • Thức ăn được tiêu hóa ngoại bào thông qua tiêu hóa cơ học, tiêu hóa học và tiêu hóa vi sinh vật.

III. Ứng dụng về dinh dưỡng và tiêu hoá ở người

1. Vai trò của thực phẩm sạch là gì?

Là thực phẩm không chứa chất độc hại, tạp chất, vi sinh vật gây bệnh, đảm bảo an toàn, tốt cho sức khỏe con người.

2. Xây dựng chế độ ăn uống hợp lí là gì?

Chế độ ăn uống hợp lí là một chế độ ăn cân bằng nhằm cung cấp những dưỡng chất cần thiết để có sức khỏe tốt.

Chế độ ăn uống hợp lí có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo sức khỏe cho con người và phòng chống các loại bệnh tật.

Để đảm bảo chế độ ăn uống hợp lí, cần thực hiện chế độ ăn như sau:

  • Ăn theo nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể và phù hợp với từng đối tượng
  • Chế độ ăn uống phải đáp ứng đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết
  • Chất dinh dưỡng ở tỉ lệ cân đối, thích hợp
  • Phù hợp với điều kiện kinh tế của từng gia đình và thực tế địa phương
  • Thức ăn phải đảm bảo sạch, không gây bệnh.

3. Các bệnh về tiêu hóa và cách phòng tránh là gì?

  • Vệ sinh răng miệng đúng cách
  • Ăn uống hợp vệ sinh
  • Thiết lập khẩu phần ăn hợp lí để đảm bảo đủ dinh dưỡng và tránh cơ quan tiêu hóa làm việc quá sức.
Đánh giá

0

0 đánh giá