15 câu Trắc nghiệm Sinh học 11 Bài 1 (Cánh diều) có đáp án: Khái quát về trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng

1.1 K

Tailieumoi.vn xin giới thiệu Trắc nghiệm Sinh học lớp 11 Bài 1: Khái quát về trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng sách Cánh diều. Bài viết gồm 15 câu hỏi trắc nghiệm với đầy đủ các mức độ và có hướng dẫn giải chi tiết sẽ giúp học sinh ôn luyện kiến thức và rèn luyện kĩ năng làm bài trắc nghiệm Sinh học 11. Ngoài ra, bài viết còn có phần tóm tắt nội dung chính lý thuyết Bài 1: Khái quát về trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng. Mời các bạn đón xem:

Trắc nghiệm Sinh học 11 Bài 1: Khái quát về trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng

Phần 1. 15 câu trắc nghiệm Sinh học 11 Bài 1: Khái quát về trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng

 Câu 1: Ở sinh vật đơn bào, quá trình trao đổi chất, chuyển hóa năng lượng diễn ra ở

A. cấp độ tế bào, giữa tế bào với tế bào.

B. cấp độ tế bào, giữa tế bào với môi trường và trong tế bào.

C. cấp độ cơ thể, giữa tế bào với cơ thể.

D. cấp độ cơ thể, giữa tế bào với môi trường trong cơ thể.

Đáp án đúng là: B

Ở sinh vật đơn bào, quá trình trao đổi chất, chuyển hóa năng lượng diễn ra ở cấp độ tế bào, giữa tế bào với môi trường và trong tế bào.

Câu 2: Cơ thể động vật không lấy từ môi trường sống chất nào sau đây?

A. Chất dinh dưỡng.

B. Nước .

C. Oxygen. 

D. Carbon dioxide. 

Đáp án đúng là: D

Cơ thể động vật lấy từ môi trường sống các chất như chất dinh dưỡng (thức ăn), nước, oxygen. Carbon dioxide là sản phẩm thải ra môi trường → Đáp án D.

Câu 3: Trong quá trình trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng, thực vật thải ra môi trường những chất nào sau đây?

A. Chất khoáng và nước.

B. Chất khoáng và oxygen.

C. Nước và carbon dioxide. 

D. Nước, carbon dioxide và oxygen. 

Đáp án đúng là: D

Trong quá trình trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng, thực vật thải ra môi trường các chất là nước, carbon dioxide và oxygen.

 Câu 4: Phát biểu nào sai khi nói về các dấu hiệu đặc trưng của quá trình trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng ở sinh vật?

A. Ở thực vật, hệ thống mạch dẫn vận chuyển các chất dinh dưỡng đã thu nhận đến từng tế bào.

B. Sinh vật thu nhận các chất từ môi trường nhờ các cơ quan chuyên biệt.

C. Quá trình trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng ở động vật và thực vật được điều hòa thông qua hệ thần kinh. 

D. Ở động vật, các chất không được tế bào và cơ thể sử dụng sẽ được đào thải ra môi trường qua hệ bài tiết. 

Đáp án đúng là: C

C – Sai. Quá trình trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng được điều hòa dựa trên nhu cầu của cơ thể thông qua hormone (ở cả động vật và thực vật) hoặc hệ thần kinh (ở động vật).

Câu 5: Sự chuyển hóa NO3- thành NH4+ ở thực vật là ví dụ của dấu hiệu đặc trưng nào trong quá trình trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng?

A. Vận chuyển các chất. 

B. Biến đổi các chất.

C. Tổng hợp các chất và tích lũy năng lượng.

D. Phân giải các chất và giải phóng năng lượng. 

Đáp án đúng là: B

Sự chuyển hóa NO3- thành NH4+ ở thực vật là ví dụ của dấu hiệu đặc trưng là biến đổi các chất.

Câu 6: Sinh vật nào dưới đây thuộc nhóm sinh vật quang tự dưỡng?

A. Vi khuẩn lam. 

B. Vi khuẩn oxi hóa hydrogen. 

C. Vi khuẩn oxi hóa sắt.

D. San hô. 

Đáp án đúng là: A

Vi khuẩn lam là sinh vật thuộc nhóm quang tự dưỡng.

Vi khuẩn oxi hóa hydrogen và vi khuẩn oxi hóa sắt thuộc nhóm hóa tự dưỡng.

San hô thuộc nhóm sinh vật dị dưỡng.

Câu 7: Sinh vật dị dưỡng thường được chia thành hai loại là

A. quang dị dưỡng và hóa dị dưỡng.

B. sinh vật tiêu thụ và sinh vật phân giải. 

C. sinh vật sản xuất và sinh vật tiêu thụ.

D. sinh vật sản xuất và sinh vật phân giải. 

Hướng dẫn giải

Đáp án đúng là: B

Sinh vật dị dưỡng thường được chia thành hai loại là sinh vật tiêu thụ và sinh vật phân giải. 

Câu 8: Quá trình chuyển hóa năng lượng trong sinh giới bao gồm 

A. hai giai đoạn là tổng hợp và phân giải.

B. ba giai đoạn là tổng hợp, phân giải và huy động năng lượng.

C. ba giai đoạn là chuyển hóa, biến đổi và tổng hợp năng lượng.

D. bốn giai đoạn là sản xuất, phân giải, tỏa nhiệt và huy động năng lượng.

Đáp án đúng là: B

Quá trình chuyển hóa năng lượng trong sinh giới bao gồm ba giai đoạn là tổng hợp, phân giải và huy động năng lượng.  

Câu 9: Trong quá trình chuyển hóa vật chất và năng lượng trong sinh giới, phần lớn năng lượng 

A. được các sinh vật dự trữ.

B. được sử dụng cho các hoạt động sống của sinh vật.

C. được giải phóng trở lại môi trường dưới dạng nhiệt.

D. được các sinh vật dự trữ và sử dụng cho các hoạt động sống.

Đáp án đúng là: C

Trong quá trình chuyển hóa vật chất và năng lượng trong sinh giới, phần lớn năng lượng được giải phóng trở lại môi trường dưới dạng nhiệt.

Câu 10: Phát biểu nào không đúng khi nói về sinh vật tự dưỡng?

A. Có khả năng tổng hợp chất hữu cơ từ các chất vô cơ.

B. Các sinh vật tự dưỡng đóng vai trò là sinh vật sản xuất.

C. Các sinh vật tự dưỡng sử dụng năng lượng hóa học trong các chất hữu cơ.

D. Các sinh vật như nấm, vi khuẩn là các sinh vật thuộc nhóm tự dưỡng.

Đáp án đúng là: D

D – Sai. Các sinh vật như nấm, vi khuẩn là các sinh vật thuộc nhóm dị dưỡng.

Câu 11: Phát biểu nào không đúng khi nói về vai trò của trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng đối với sinh vật?

A. Cung cấp nguyên liệu cho cơ thể sinh vật.

B. Cung cấp năng lượng cho cơ thể sinh vật.

C. Tạo ra nhiệt năng cung cấp nhiệt cho môi trường.

D. Giúp sinh vật tồn tại và phát triển.

Đáp án đúng là: C

Trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng có vai trò cung cấp nguyên liệu và năng lượng cho cơ thể sinh vật, giúp sinh vật tồn tại và phát triển → C sai.

Câu 12: Trong quá trình trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng, con người đã thải ra môi trường những chất nào?

A. Chất dinh dưỡng, chất khoáng và carbon dioxide. 

B. Nước tiểu, mồ hôi, oxygen.

C. Nước tiểu, mồ hôi, carbon dioxide.

D. Nước tiểu, mồ hôi, carbon dioxide và oxygen. 

Đáp án đúng là: C

Trong quá trình trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng, con người đã thải ra môi trường các chất như: Nước tiểu, mồ hôi, phân, carbon dioxide.

Câu 13: Nhóm sinh vật nào sau đây có khả năng tự dưỡng?

A. Tảo, san hô, bắp cải, cây phượng. 

B. Tảo, nấm, san hô, bắp cải.

C. Con người, con thỏ, con cừu.

D. Tảo, vi khuẩn lam, cây dương xỉ. 

Đáp án đúng là: D

Tảo, vi khuẩn lam, cây dương xỉ là các sinh vật thuộc nhóm tự dưỡng.

Nấm, san hô, con người, con thỏ, con cừu thuộc nhóm sinh vật dị dưỡng.

Câu 14: Trẻ em có thể bị béo phì do nguyên nhân nào dưới đây?

A. Do trẻ uống nhiều nước.

B. Do trẻ lười vận động.

C. Do trẻ biếng ăn, chán ăn.

D. Tất cả những nguyên nhân trên.

Đáp án đúng là: B

Những người béo phì thường là những người ít vận động vì ít vận động dẫn đến sự chuyển hóa trong tế bào ít, nên các chất dinh dưỡng không dùng hết sẽ tích trữ tạo nên các lớp mỡ.

Câu 15: Vì sao trong khẩu phần ăn, chúng ta nên bổ sung nhiều rau xanh và hoa quả tươi?

A. Vì rau xanh và hoa quả tươi cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.

B. Vì ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi giúp chống lại tất cả các mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể.

C. Vì rau xanh và hoa quả tươi chứa nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất, giúp quá trình hấp thu, chuyển hóa các chất dễ dàng hơn.

D. Tất cả các đáp án trên. 

Đáp án đúng là: C

Trong khẩu phần ăn, chúng ta nên bổ sung nhiều rau xanh và hoa quả tươi vì rau xanh và hoa quả tươi chứa nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất, giúp quá trình hấp thu, chuyển hóa các chất trong quá trình tiêu hóa dễ dàng hơn.

A – Sai. Rau xanh và hoa quả tươi không cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết. Chúng chứa chủ yếu là các chất xơ, vitamin và khoáng chất.

B – Sai. Ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi không giúp cơ thể chống lại tất cả các mầm bệnh.

Phần 2. Lý thuyết Sinh học 11 Bài 1: Khái quát về trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng

I. Vai trò của trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng đối với sinh vật

  • Cung cấp cho quá trình tạo chất sống của cơ thể, hình thành tế bào, cơ quan, cơ thể
  • Tích lũy và giải phóng năng lượng phục vụ cho các hoạt động sống
  • Thải các chất độc, cặn bã dư thừa ra khỏi cơ thể

II. Các dấu hiệu đặc trưng của quá trình trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng ở sinh vật là gì?

  • Tiếp nhận các chất từ môi trường và vận chuyển các chất
  • Biến đổi các chất kèm theo chuyển hóa năng lượng ở tế bào
  • Thải các chất vào môi trường
  • Điều hòa 

III. Các giai đoạn chuyển hóa năng lượng trong sinh giới

1. Giai đoạn tổng hợp

- Nguồn năng lượng ban đầu cho sinh giới là năng lượng ánh sáng mặt trời (quang năng).

- Cây xanh chuyển hoá quang năng thành hoá năng tích luỹ trong các liên kết hoá học của các phân tử hữu cơ bằng cách thu nhận CO2 và nước.

2. Giai đoạn phân giải

- Các liên kết hoá học trong phân tử hữu cơ chứa năng lượng thế năng.

- Hô hấp biến đổi thế năng thành động năng.

- Quá trình hô hấp biến đổi phân tử lớn thành phân tử nhỏ hơn và chuyển năng lượng hoá học sang các phân tử nhỏ dễ sử dụng (ATP, NADH,...).

3. Giai đoạn huy động năng lượng

- ATP được tạo ra từ quá trình hô hấp tế bào và được sử dụng cho các hoạt động sống.

- Phá vỡ liên kết giữa các gốc phosphate trong ATP giải phóng năng lượng.

- Năng lượng này cuối cùng sẽ chuyển thành nhiệt năng và toả vào môi trường.

IV. Mối quan hệ giữa trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng ở cấp tế bào và cơ thể như thế nào?

 Lý thuyết Sinh học 11 Bài 1 (Cánh diều): Khái quát về trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng (ảnh 1)

V. Các phương thức trao đổi và chuyển hóa năng lượng là gì?

Tự dưỡng:

  • Quang tự dưỡng: là phương thức sinh vật sử dụng chất vô cơ, vbv. bv bv vbv bvi nước, CO2 và năng lượng ánh sáng để tổng hợp chất hữu cơ và tích lũy năng lượng.
  • Hóa tự dưỡng: là hình thức sinh vật sử dụng nguồn cacbon là chủ yếu để tổng hợp nên các chất vô cơ và tích lũy năng lượng.

Dị dưỡng: là phương thức sinh vật lấy chất hữu cơ trực tiếp từ sinh vật tự dưỡng hoặc động vật khác để tích lũy và sử dụng cho mọi hoạt động sống.

Sơ đồ tư duy Khái quát về trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng

Lý thuyết Sinh học 11 Bài 1 (Cánh diều): Khái quát về trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng (ảnh 1)
Đánh giá

0

0 đánh giá