Giải SBT Lịch sử 11 Bài 9 (Cánh diều): Cuộc cải cách của Hồ Quý Ly và triều Hồ (cuối thế kỉ XIV, đầu thế kỉ XV)

3.6 K

Với giải sách bài tập Lịch sử 11 Bài 9: Cuộc cải cách của Hồ Quý Ly và triều Hồ (cuối thế kỉ XIV, đầu thế kỉ XV) sách Cánh diều hay, chi tiết giúp học sinh dễ dàng xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm bài tập trong SBT Lịch sử 11. Mời các bạn đón xem:

Giải SBT Lịch sử 11 Bài 9: Cuộc cải cách của Hồ Quý Ly và triều Hồ (cuối thế kỉ XIV, đầu thế kỉ XV)

Câu 1 trang 38 SBT Lịch Sử 11: Tình trạng nào sau đây thể hiện sự suy yếu về chính trị của nhà Trần nửa sau thế kỉ XIV?

A. Tầng lớp quý tộc suy thoái, xuất hiện các cuộc khởi nghĩa của nô lệ.

B. Chính quyền địa phương khủng hoảng; hạn hán, mất mùa diễn ra thường xuyên.

C. Quan hệ với Chăm-pa và nhà Minh trở nên căng thẳng; mất mùa diễn ra thường xuyên.

D. Triều chính bị gian thần lũng đoạn; việc nước không còn được quan tâm.

Lời giải:

Đáp án đúng là: D

Từ năm 1358, sau khi Thượng hoàng Trần Minh Tông qua đời, triều Trần nhanh chóng khủng hoảng, suy yếu. Vua Trần Dụ Tông ngày càng sa vào ăn chơi, hưởng lạc. Triều chính bị gian thần lũng đoạn. Việc nước không còn được quan tâm.

Câu 2 trang 38 SBT Lịch Sử 11: Từ những năm 40 của thế kỉ XIV, kinh tế Đại Việt diễn ra tình trạng nào sau đây?

A. Mất mùa, đói kém diễn ra thường xuyên; ruộng đất công ngày càng bị thu hẹp.

B. Vua quan, địa chủ chiếm đoạt ruộng đất công trên quy mô lớn; ruộng đất bị thu hẹp.

C. Hạn hán, bão, lụt, vỡ đê diễn ra ở khắp các địa phương trên cả nước.

D. Các cuộc khởi nghĩa của nô lệ diễn ra liên tục trên quy mô lớn.

Lời giải:

Đáp án đúng là: A

Ở Đại Việt, từ những năm 40 của thế kỉ XIV, các hiện tượng hạn hán, bão, lụt, vỡ đê,... xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước. Mất mùa, đói kém diễn ra thường xuyên.

Câu 3 trang 39 SBT Lịch Sử 11: Cuộc cải cách của Hồ Quý Ly và nhà Hồ được tiến hành

A. từ những năm 80 của thế kỉ XIV đến trước khi quân Minh xâm lược.

B. từ những năm 70 của thế kỉ XIV đến khi quân Minh xâm lược.

C. từ khi Hồ Quý Ly trở thành một đại thần đến khi ông qua đời.

D. từ khi Hồ Quý Ly lên làm vua đến trước khi quân Minh xâm lược.

Lời giải:

Đáp án đúng là: B

Cuộc cải cách của Hồ Quý Ly và nhà Hồ được tiến hành từ những năm 70 của thế kỉ XIV đến khi quân Minh xâm lược.

Câu 4 trang 39 SBT Lịch Sử 11: Trong phương thức tuyển chọn quan lại, Hồ Quý Ly và nhà Hồ tăng cường

A. mở các khoa thi.

B. thanh lọc đội ngũ, bổ sung bằng tầng lớp quý tộc.

C. thải hồi những người già yếu

D. bổ sung những người khỏe mạnh.

Lời giải:

Đáp án đúng là: A

Trong phương thức tuyển chọn quan lại, Hồ Quý Ly và nhà Hồ tăng cường mở các khoa thi. Khoa cử dần trở thành phương thức tuyển chọn quan lại chủ yếu.

Câu 5 trang 39 SBT Lịch Sử 11: Trong lĩnh vực quân đội và quốc phòng, Hồ Quý Ly và nhà Hồ thực hiện chính sách

A. tuyển chọn người giỏi võ nghệ làm tướng chỉ huy, không căn cứ vào nguồn gốc tôn thất như trước.

B. tuyển chọn những người giỏi chiến đấu làm tướng chỉ huy, không căn cứ vào quê quán như trước.

C. thải hồi người già yếu, bổ sung người có nguồn gốc tôn thất.

D. thải hồi người có nguồn gốc tôn thất, bổ sung người chiến đấu giỏi.

Lời giải:

Đáp án đúng là: A

Trong lĩnh vực quân đội và quốc phòng, Hồ Quý Ly và nhà Hồ thực hiện chính sách tuyển chọn người giỏi võ nghệ làm tướng chỉ huy, không căn cứ vào nguồn gốc tôn thất như trước.

Câu 6 trang 39 SBT Lịch Sử 11: Hồ Quý Ly đã thực hiện chính sách nào sau đây trong lĩnh vực sở hữu ruộng đất?

A. Giảm thiểu sở hữu ruộng đất quy mô lớn của quý tộc.

B. Tăng cường sở hữu ruộng đất quy mô lớn của quan lại.

C. Hạn chế sở hữu ruộng đất quy mô lớn của tư nhân.

D. Khuyến khích sở hữu ruộng đất của địa chủ và tư nhân.

Lời giải:

Đáp án đúng là: C

Năm 1397, Hồ Quý Ly đã cho thược hiện chính sách hạn điền: hạn chế sở hữu ruộng đất quy mô lớn của tư nhân; quy định mức sở hữu tối đa về ruộng đất.

Câu 7 trang 39 SBT Lịch Sử 11: Năm 1401, nhà Hồ

A. giảm thiểu chiếm hữu nô lệ, kiểm soát hộ tịch trên cả nước.

B. tăng cường sở hữu gia nô, chủ gia nô chỉ được có một số nô tì nhất định.

C. kiểm soát gia nô và nô tì trên cả nước.

D. hạn chế sở hữu gia nô, chủ gia nô chỉ được có một số nô tì nhất định.

Lời giải:

Đáp án đúng là: D

Năm 1401, nhà Hồ hạn chế sở hữu gia nô, chủ gia nô chỉ được có một số nô tì nhất định.

Câu 8 trang 39 SBT Lịch Sử 11: Trong lĩnh vực văn hoá, Hồ Quý Ly và nhà Hồ đã

A. đề cao Nho giáo, hạn chế Phật giáo và Đạo giáo.

B. chú trọng Nho giáo và Phật giáo, hạn chế Đạo giáo.

C. khuyến khích Phật giáo, hạn chế Nho giáo.

D. hạn chế Nho giáo và Phật giáo, đề cao Đạo giáo.

Lời giải:

Đáp án đúng là: A

Trong lĩnh vực văn hoá, Hồ Quý Ly và nhà Hồ đã đề cao Nho giáo, hạn chế Phật giáo và Đạo giáo.

Câu 9 trang 40 SBT Lịch Sử 11: Về mặt chính trị, cuộc cải cách của Hồ Quý Ly và nhà Hồ đã đưa đến

A. sự xác lập bước đầu của thể chế quân chủ phong kiến.

B. sự hình thành của chế độ quân chủ chuyên chế, theo đường lối nhân trị.

C. sự xác lập bước đầu của thể chế quân chủ chuyên chế trung ương tập quyền theo đường lối pháp trị.

D. sự phát triển đỉnh cao của thể chế quân chủ phong kiến chuyên chế tập quyền theo đường lối pháp trị.

Lời giải:

Đáp án đúng là: C

Về mặt chính trị, cuộc cải cách của Hồ Quý Ly và nhà Hồ đã đưa đến sự xác lập bước đầu của thể chế quân chủ chuyên chế trung ương tập quyền theo đường lối pháp trị.

Câu 10 trang 40 SBT Lịch Sử 11: Về mặt kinh tế, một trong những kết quả của cuộc cải cách của Hồ Quý Ly và nhà Hồ là

A. bước đầu giải quyết được những bất cập về sở hữu tài sản và chế độ thuế khoá.

B. giải quyết triệt để những bất cập về sở hữu tài sản và chế độ thuế khoá.

C. chấm dứt bất cập về sở hữu tài sản và chế độ thuế khoá.

D. hoàn thiện chế độ sở hữu tài sản và chế độ thuế khoá.

Lời giải:

Đáp án đúng là: A

Về mặt kinh tế, một trong những kết quả của cuộc cải cách của Hồ Quý Ly và nhà Hồ là bước đầu giải quyết được những bất cập về sở hữu tài sản và chế độ thuế khoá.

Câu 11 trang 40 SBT Lịch Sử 11: Ghép chính sách cải cách ở cột B với lĩnh vực cải cách ở cột A để thể hiện nội dung cải cách văn hoá của Hồ Quý Ly và nhà Hồ.

Ghép chính sách cải cách ở cột B với lĩnh vực cải cách ở cột A

Lời giải:

Ghép các thông tin theo thứ tự sau:

1 - C; 2 - E; 3 - D;

4 - A; 5 - B.

Câu 12 trang 41 SBT Lịch Sử 11: Chọn các từ hoặc cụm từ cho sản sau đây đặt vào vị trí đánh số trong đoạn thông tin để thể hiện một số chính sách cải cách về kinh tế, xã hội của Hồ Quý Ly và nhà Hồ: A. dân nghèo, B. Thường bình, C. di dân, D. quốc phòng, E. chợ, G. đường bộ.

Đặt chức quản lí ... (1) (gọi là Thị giám) trên cả nước; thống nhất đơn vị đo lường; tổ chức khai hoang và ... (2), giải quyết nhu cầu ruộng đất của ... (3) và phục vụ kinh tế, ... (4); mở rộng và khai thông nhiều tuyến ... (5), đường thuỷ, đặt kho ... (6) để ổn định giá lúa gạo.

Lời giải:

Đặt chức quản lí chợ (gọi là Thị giám) trên cả nước; thống nhất đơn vị đo lường; tổ chức khai hoang và di dân. giải quyết nhu cầu ruộng đất của dân nghèo và phục vụ kinh tế, quốc phòng; mở rộng và khai thông nhiều tuyến đường bộ, đường thuỷ, đặt kho Thường bình để ổn định giá lúa gạo.

Câu 13 trang 41 SBT Lịch Sử 11: Quan sát Hình 1, tìm hiểu và viết một đoạn văn ngắn giới thiệu về thành Nhà Hồ (Thanh Hoá) theo gợi ý: tên gọi, vị trí, thời gian xây dựng, mục đích xây dựng, những điểm độc đáo hoặc đặc biệt về kiến trúc, giá trị, sự ghi nhận của hậu thế,....

Quan sát Hình 1, tìm hiểu và viết một đoạn văn ngắn giới thiệu về thành Nhà Hồ

Lời giải:

(*) Tham khảo:

Thành Nhà Hồ là tên thường gọi của tòa thành bằng đá còn khá nguyên vẹn giữa vùng đồng bằng lưu vực sông Mã và sông Bưởi, thuộc địa phận các thôn Tây Giai, Xuân Giai (xã Vĩnh Tiến), Đông Môn (xã Vĩnh Long), huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, thuộc miền Bắc Việt Nam. Thành còn có tên gọi khác như: thành An Tôn vì khu vực này vào cuối thời Trần có tên là động An Tôn; thành Tây Đô vì thành là kinh đô của nước Đại Việt (1397 - 1400) và Đại Ngu (1400 - 1407); thành Tây Kinh để phân biệt với Đông Kinh (Thăng Long); Thạch Thành vì thành được xây toàn bằng đá; thành Tây Giai vì thành thuộc thôn Tây Giai.

Với tư cách là kinh đô của nhà nước Đại Việt cuối Trần đầu Hồ, Tây Đô được xây dựng dựa trên những nguyên tắc cơ bản về địa thế, phong thủy, tiền án hậu chẩm đều có hình sông thế núi bao bọc. Thành tọa lạc ở vị trí giáp ranh đồng bằng và miền núi, cảnh quan đẹp, sông núi hài hòa, địa hình đa dạng tạo lợi thế về quân sự. Sử dụng tới 20.000 m3đá để xây dựng và gần 100.000 m3đất được đào đắp, thành được kết cấu gồm 3 phần: Hoàng thành (nội thành); Hào thành bao bên ngoài, cách chân thành chừng 50m, có tác dụng bảo vệ nội thành và La thành là vòng ngoài cùng. Chính sử chép: “Tháng giêng năm Đinh Sửu (1397), Hồ Quý Ly sai Thượng thư Lại bộ kiêm Thái sử lệnh Đỗ Tỉnh về Yên Tôn khảo sát thực địa, đo đạc, đắp thành, đào hào, lập nhà tông miếu, xây đàn thờ thần, mở phố sá lập đường ngõ” - (sách “Đại Việt Sử ký toàn thư” của Ngô Sĩ Liên). Với khối lượng công việc lớn, đặc biệt là việc xây 4 bức tường thành bằng các phiến đá lớn, người xưa chỉ mất 3 tháng. Đó không chỉ là sức lực, đó còn là trí lực tuyệt vời của con người đã đổ xuống và hằn lên công trình này. Và theo đó, thời gian xây dựng Thành Nhà Hồ không chỉ khiến nhiều người kinh ngạc, thán phục mà còn là yếu tố làm nên sức hấp dẫn của tòa thành. Trải qua 6 thế kỷ tồn tại, phần kiến trúc bên trong hoàng thành đã bị hủy hoại, vùi lấp hết, song 4 bức tường thành - biểu tượng của Thành Nhà Hồ - vẫn giữ tương đối nguyên vẹn kiến trúc ban đầu, nổi bật với 4 cổng Nam, Bắc, Đông, Tây.

Có thể nói, nhìn trên bình diện nào, dù là kiến trúc, lịch sử, văn hóa hay khảo cổ, Thành Nhà Hồ đều “phát lộ” ánh hào quang của riêng nó. Từng đóng vai trò là nơi giao lưu, trao đổi các giá trị văn hóa giữa Việt Nam với các nước Đông Á và Đông - Nam Á; nơi duy nhất ghi dấu ấn đặc biệt trong việc thực hiện các quyết định cách tân đất nước của vương triều Hồ, góp phần thúc đẩy và tăng cường các trào lưu tư tưởng mới ở Việt Nam và khu vực... Ngày nay, Thành Nhà Hồ trở thành chứng nhân lịch sử và những giá trị tự thân của nó đương nhiên đã mang “tầm” thế giới khi chính thức ghi tên mình vào “ngôi đền” di sản văn hóa nhân loại.

Câu 14 trang 41 SBT Lịch Sử 11: Trên cơ sở nội dung sách giáo khoa và bằng kiến thức tìm hiểu của bản thân, viết một đoạn văn ngắn nêu lên những đặc điểm nổi bật của cuộc cải cách của Hồ Quý Ly và nhà Hồ.

Lời giải:

- Những đặc điểm nổi bật của cuộc cải cách của Hồ Quý Ly và nhà Hồ:

+ Cuộc cải cách táo bạo, tiến bộ.

+ Tiến hành cải cách trên nhiều lĩnh vực (mang tính toàn diện).

+ Nội dung cải cách hướng đến lợi ích của số đông.

+ Một số chính sách có thể chưa phù hợp (như phát hành tiền giấy) hoặc chưa triệt để (như chính sách hạn nô),...

Lý thuyết Lịch sử 11 Bài 9: Cuộc cải cách của Hồ Quý Ly và triều Hồ (cuối thế kỉ XIV, đầu thế kỉ XV)

I. Bối cảnh lịch sử

- Về chính trị: từ năm 1358, sau khi Thượng hoàng Trần Minh Tông qua đời, triều Trần nhanh chóng khủng hoảng, suy yếu.

+ Vua Trần Dụ Tông ngày càng sa vào ăn chơi, hưởng lạc. Triều chính bị gian thần lũng đoạn. Việc nước không còn được quan tâm.

+ Tầng lớp quý tộc Trần cũng suy thoái, không còn giữ kỉ cương, phép nước.

+ Ở phía nam, từ nửa sau thế kỉ XIV, Chiêm Thành liên tục đưa quân tấn công Đại Việt. Ở phía bắc, từ sau khi thành lập, nhà Minh thường xuyên yêu cầu Đại Việt cống nộp thầy thuốc, giống cây, lương thực, voi, ngựa,... Quan hệ giữa Đại Việt và nhà Minh ngày càng xấu đi.

- Về kinh tế - xã hội:

+ Từ những năm 40 của thế kỉ XIV, các hiện tượng hạn hán, bão, lụt, vỡ đê,... xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước. Mất mùa, đói kém diễn ra thường xuyên.

+ Quý tộc, quan lại, địa chủ tìm cách chiếm đoạt ruộng đất trên quy mô lớn. Ruộng đất công ngày càng bị thu hẹp.

+ Cũng từ những năm 40 của thế kỉ XIV, các cuộc khởi nghĩa của nông dân và nô tì diễn ra liên tục ở nhiều vùng miền. Tiêu biểu như: cuộc khởi nghĩa của Ngô Bệ ở Hải Dương và các vùng lân cận (1344 - 1360), cuộc khởi nghĩa của nhà sư Phạm Sư Ôn ở Quốc Oai (1390),...

=> Trong bối cảnh đó, từ năm 1371, nhờ được vua Trần Nghệ Tông tin dùng, Hồ Quý Ly trở thành một đại thần của triều Trần và từng bước đề xuất, tiến hành những cải cách lớn trên nhiều lĩnh vực. Sau khi thành lập (1400), triều Hồ tiếp tục thực hiện các chính sách cải cách cho đến khi quân Minh xâm lược (1406).

II. Nội dung cải cách

1. Chính trị

- Tổ chức chính quyền, luật pháp:

+ Đổi tên và đặt thêm các đơn vị hành chính; thành lập nhiều cơ quan, đặt ra nhiều chức quan mới; bãi bỏ nhiều cơ quan, chức quan cũ.

+ Tăng cường kiểm tra, giám sát quan lại, đặc biệt là ở các cấp địa phương.

+ Định kì mở các khoa thi đề tuyển chọn quan lại. Khoa cử dần trở thành phương thức tuyển chọn quan lại chủ yếu.

+ Cải cách nghi lễ của triều đình và y phục của quan lại theo hướng quy củ, thống nhất, chuyên nghiệp.

+ Ban hành quy chế và hình luật mới của quốc gia.

- Quân đội, quốc phòng:

+ Tuyển chọn những người giỏi võ nghệ làm tướng chỉ huy, không căn cứ vào nguồn gốc tôn thất như trước.

+ Thải hồi những binh sĩ già yếu, lấy người khoẻ mạnh bổ sung vào quân ngũ.

+ Tăng cường tuyển quân quy mô lớn; bổ sung lực lượng hương quân ở các địa phương.

+ Xây dựng lại binh chế, chia đặt lại tổ chức quân đội theo hướng quy củ, chặt chẽ, đặt dưới sự chỉ huy thống nhất của triều đình.

+ Cải tiến vũ khí, tăng cường trang bị quốc phòng, xây dựng hệ thống phòng thủ quốc gia quy mô lớn.

Lý thuyết Lịch Sử 11 Cánh diều Bài 9: Cuộc cải cách của Hồ Quý Ly và triều Hồ (cuối thế kỉ XIV, đầu thế kỉ XV)

2. Kinh tế, xã hội

- Năm 1396, in và phát hành tiền giấy “Thông báo hội sao”. Cấm và thu hết tiền đồng đổi sang tiền giấy.

Lý thuyết Lịch Sử 11 Cánh diều Bài 9: Cuộc cải cách của Hồ Quý Ly và triều Hồ (cuối thế kỉ XIV, đầu thế kỉ XV)

- Năm 1397, ban hành chính sách hạn điền: hạn chế sở hữu ruộng đất quy mô lớn của tư nhân; quy định mức sở hữu tối đa về ruộng đất.

- Năm 1398, lập sổ ruộng trên cả nước nhằm xóa bỏ tình trạng che giấu, gian dối về ruộng đất.

- Năm 1401, ban hành chính sách hạn nô (quy định: chủ gia nô chỉ được có một số nô tì nhất định); đồng thời kiểm soát hộ tịch trên cả nước.

- Năm 1402, điều chỉnh thuế khóa, tăng thuế ruộng, hạ thuế bãi dâu và thu theo hạng đất…

- Bên cạnh những cải cách nói trên, Hồ Quý Ly và triều Hồ cũng thi hành một số chính sách khác về kinh tế, xã hội như:

+ Đặt chức quản lí chợ (gọi là Thị giám) trên cả nước;

+ Thống nhất đơn vị đo lường;

+ Tổ chức khai hoang và di dân, giải quyết nhu cầu ruộng đất của dân nghèo và phục vụ kinh tế, quốc phòng;

+ Mở rộng và khai thông nhiều tuyến đường bộ, đường thuỷ;

+ Đặt kho “Thường bình” để ổn định giá lúa gạo,...

3. Văn hoá

- Về tư tưởng, đề cao Nho giáo trên cơ sở có phê phán, chọn lọc; từng bước đưa Nho giáo trở thành ý thức hệ tư tưởng chủ đạo trong đời sống chính trị và đời sống cung đình.

- Về tôn giáo, hạn chế sự phát triển thái quá của Phật giáo và Đạo giáo, bắt sư tăng chưa đến 50 tuổi phải hoàn tục, 50 tuổi trở lên phải trải qua kì sát hạch, nếu không đạt phải hoàn tục làm dân thường.

- Về chữ viết, đề cao và khuyến khích sử dụng chữ Nôm, biên soạn sách chữ Nôm giải thích về Kinh Thi để dạy hậu phi và cung nhân.

- Về giáo dục, chú trọng giáo dục, chủ trương mở rộng hệ thống trường học, bổ sung chức học quan ở các địa phương, ban cấp ruộng đất cho trường học.

- Về khoa cử, sửa đổi nội dung các khoa thì, quy định chặt chẽ phương thức thi, bổ sung nội dung thi viết và làm tính, định lệ thi Hương và thi Hội theo định kì.

III. Kết quả, ý nghĩa

- Kết quả:

+ Cuộc cải cách của Hồ Quý Ly và triều Hồ đã đưa đến sự xác lập bước đầu của thể chế quân chủ chuyên chế trung ương tập quyền theo đường lối pháp trị, được tổ chức thống nhất, chặt chẽ. Lĩnh vực quân đội, quốc phòng được củng cố. Vai trò và sức mạnh của nhà nước được tăng cường.

+ Cuộc cải cách đã bước đầu giải quyết được những bất cập về sở hữu tài sản và chế độ thuế khoá, hạn chế sở hữu tư nhân quy mô lớn và tình trạng gian dối về ruộng đất, tăng nguồn thu của nhà nước. Một bộ phận lớn nô tì cũng bước đầu được giải phóng

+ Với cuộc cải cách của Hồ Quý Ly và triều Hồ, Nho giáo từng bước trở thành ý thức hệ tư tưởng chủ đạo của xã hội Đại Việt. Phật giáo và Đạo giáo suy giảm vai trò, vị trí so với trước. Nền giáo dục, khoa cử có bước phát triển mới theo hướng quy củ, chuyên nghiệp.

=> Với những kết quả trên, cuộc cải cách của Hồ Quý Ly và triều Hồ đã bước đầu xác lập mô hình phát triển mới của quốc gia Đại Việt.

- Ý nghĩa:

+ Thể hiện tinh thần dân tộc, ý thức tự cường của Hồ Quý Ly và triều Hồ cũng như tầng lớp lãnh đạo Đại Việt đương thời.

+ Để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu về việc trị nước.

Đánh giá

0

0 đánh giá