TOP 10 bài Bàn luận về sức hấp dẫn của một bộ phim, vở kịch hoặc một bài hát mà em yêu thích 2024 SIÊU HAY

6.2 K

Tailieumoi.vn xin giới thiệu bài văn mẫu Bàn luận về sức hấp dẫn của một bộ phim, vở kịch hoặc một bài hát mà em yêu thích Ngữ văn 11 ,Cánh Diều gồm 8 bài văn phân tích mẫu hay nhất giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo trong quá trình ôn tập, củng cố kiến thức và chuẩn bị cho bài thi sắp tới. 

Bàn luận về sức hấp dẫn của một bộ phim, vở kịch hoặc một bài hát mà em yêu thích

TOP 10 bài Bàn luận về sức hấp dẫn của một bộ phim, vở kịch hoặc một bài hát mà em yêu thích 2024 SIÊU HAY (ảnh 1)

Đề bài: Bàn luận về sức hấp dẫn của một bộ phim, vở kịch hoặc một bài hát mà em yêu thích.

Dàn ý Bàn luận về sức hấp dẫn của một bộ phim, vở kịch hoặc một bài hát mà em yêu thích

1. Mở bài:

- Giới thiệu về bộ phim, vở kịch hoặc một bài hát mà em yêu thích.

2. Thân bài:

* Với bài bàn luận về bộ phim, vở kịch:

- Giới thiệu sơ qua về đạo diễn, điểm đặc biệt của bộ phim.

- Nhận xét về bối cảnh, cốt truyện, kịch bản, nhân vật,...

- Nhận xét về về diễn viên, âm thanh, ánh sáng, góc quay, âm nhạc, vũ đạo,...

- Nếu giá trị của tác phẩm.

* Với bài bàn luận về một bài hát:

- Giới thiệu về nhạc sĩ sáng tác bài hát ấy.

- Nêu nội dung, ý nghĩ của bài hát.

- Nhận xét về giai điệu, tiết tấu, ca từ,...

- Nhận xét một số màn biểu diễn bài hát ấy

3. Kết bài:

- Khái quát lại về sức hấp dẫn của bộ phim, vở kịch hoặc bài hát đó.

Bàn luận về sức hấp dẫn của một bộ phim, vở kịch hoặc một bài hát mà em yêu thích - Mẫu 1

“Nhà bà Nữ” là một trong những bộ phim chiếu rạp đem lại doanh thu lớn nhất tính đến thời điểm hiện tại. Phim xoay quanh những vấn đề đều đến từ sự ích kỉ, việc không ai chịu thấu hiểu cho ai, cho đến khi dẫn đến cao trào của sự bùng nổ của việc nhẫn nhịn, bởi vậy phim đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều về nội dung và cách dàn dựng phim.

Khác xu hướng làm phim Tết với chủ đề nhẹ nhàng, nhiều tiếng cười, đạo diễn đi vào nội tâm nhân vật. Phim chọn góc nhìn chính từ Ngọc Nhi - một người con vốn phải sống theo định hướng của mẹ từ nhỏ. Mê làm gốm, cô vẫn phải học ngân hàng, phụ mẹ buôn bán. Cô chưa bao giờ đi chơi quá 10 giờ đêm, không thể xếp đồ lót theo ý mình. Từ các cãi vã nhỏ nhặt, mẹ con bà Nữ dần nảy sinh nhiều rạn nứt khó cứu vãn. Mâu thuẫn được đẩy lên là khi cô cãi lời mẹ khi lén lút quen John - Việt kiều mới về nước. Cao trào xảy ra khi Nhi có bầu, bỏ nhà ra đi, sống cùng John song nhanh chóng nhận trái đắng”.

Ngoài chuyện mẹ con bà Nữ, chuyện tình Nhi và John đại diện cho những đôi nhiều hoài bão nhưng thiếu thực tế. Họ mơ mộng với cuộc sống lứa đôi và sớm bị ghì chặt bởi cơm áo gạo tiền. Chuyện vợ chồng Phú Nhuận và Ngọc Như - con gái bà Nữ - là nỗi buồn của người đàn ông ở rể, bị nhà vợ lấn lướt. Yêu chồng nhưng thích kiểm soát, Ngọc Như để tuột mất hạnh phúc theo cách cô khó ngờ nhất.

Ở một phần ba thời lượng đầu, phim gây cười theo lối hài sân khấu. Về sau, phim dồn dập tình tiết, đẩy cao mâu thuẫn nhân vật. Những cảnh tranh cãi giữa mẹ con Nhi được lồng ghép tự nhiên, lời thoại dễ khơi gợi đồng cảm từ người xem. Những đoạn nhân vật Nhi bộc bạch, thoại phim đơn giản nhưng vẫn mang sức nặng về thông điệp: "Trong một mối quan hệ, sợ nhất là không ai đúng cũng không ai sai, vấn đề chỉ khác nhau ở góc nhìn, rồi họ lặng lẽ tổn thương, rời xa nhau".

Tuy nhiên, bộ phim vẫn còn nhiều điểm chưa “đã” khiến em cảm giác không được như mong đợi. Phim có nhiều góc máy về ẩm thực theo lối duy mỹ nhưng về sau, phim mang dáng dấp của một tác phẩm truyền hình, thiếu lối đặc tả, ghi dấu cá tính của đạo diễn và đặc biệt phim lồng lời thoại “chửi thề” vào quá nhiều. Bởi vậy, khi xem, không có những phân đoạn không để lại nhiều ấn tượng trong em.

Mặc dù có những điểm hạn chế nhưng em không thể phủ nhận rằng nội dung rất “đời”, kết cấu chặt chẽ, diễn xuất tự nhiên phần nào cũng đã tạo nên góc nhìn về cuộc sống đời thường. Qua đó, cũng gửi gắm được những bài học về cuộc sống để giúp chúng ta trưởng thành hơn trong suy nghĩ, để khi nhìn về sẽ không còn đọng lại những “tiếc nuối” như những nhân vật trong phim.

Bàn luận về sức hấp dẫn của một bộ phim, vở kịch hoặc một bài hát mà em yêu thích - Mẫu 2

Nguyễn Huy Tưởng (1912 – 1960) là một nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng ở Việt Nam với một khối lượng tác phẩm và giá trị văn học phong phú. Triết lí sống và quan điểm sáng tác của ông là viết văn để bày tỏ lòng yêu nước: “Phận sự một người tầm thường như tôi muốn tỏ lòng yêu nước thì chỉ có việc viết văn quốc ngữ thôi”. Một trong những tác phẩm đặc sắc của ông không thể không kể đến vở kịch nổi tiếng “Vũ Như Tô”. Đoạn trích “Vĩnh

Biệt Cửu Trùng Đài” đã thể hiện rất sâu sắc quan niệm nghệ thuật của ông.

Vở kịch “Vũ Như Tô” gồm 5 hồi viết về một sự kiện xảy ra ở Thăng Long khoảng năm 1516 – 1517. Tác phẩm được Nguyễn Huy Tưởng viết xong vào mùa hè năm 1941, tựa đề vào tháng 6 năm 1942. Vở kịch kể về Vũ Như Tô - một kiến trúc sư tài giỏi, bị Lê Tương Dực – tên vua tàn bạo bắt xây Cửu Trùng Đài thành nơi để hắn ăn chơi, hưởng lạc. Tuy nhiên, là một người nghệ sĩ chân chính, Vũ Như Tô đã không nhận lời dù có bị hắn đe dọa sẽ giết chết. Nhưng Đan Thiềm một cung nữ đã thuyết phục được ông xây Cửu Trùng Đài. Việc Cửu Trùng Đài xây cao bao nhiêu cũng đồng nghĩa với việc lòng dân oán hận Vũ Như Tô bấy nhiêu. Lợi dụng tình thế đó, quận công Trịnh Duy Sản đã dấy binh nổi loạn triều đình. Đoạn trích “Vĩnh biệt cửu trùng đài” là bức tranh tiếp nối các sự kiện cao trào ấy.

Thể loại kịch đã không còn xa lạ với kho tàng văn chương Việt Nam. Đây là một loại hình nghệ thuật tổng hợp, có sự kết hợp ăn ý của nhiều ngành thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như văn học, sân khấu điện ảnh,.... Và mâu thuẫn xung đột kịch được coi là yếu tố “linh hồn” của mỗi vở kịch, một yếu tố quan trọng góp phần khắc họa nhân vật và xây dựng cốt truyện.

Nguyễn Huy Tưởng đã xây dựng được mâu thuẫn trực tiếp cho văn bản, được thể hiện ở cuộc nổi dậy của binh lính và nhân dân chống lại triều đình. Đó là mâu thuẫn giữa đời sống xa hoa trụy lạc của Lê Tương Dực với đời sống cơ cực thống khổ của nhân dân lao động. Những mâu thuẫn ấy đã có từ trước đấy, đè nén cuộc sống cực khổ của của người dân, nhưng đến khi Lê Tương Dực bắt Vũ Như Tô xây dựng Cửu Trùng Đài thì nó lại càng trở nên căng thẳng hơn. Để xây dựng cửu Trùng Đài, triều đình đã tăng sưu thuế, bắt thêm thợ giỏi, tróc nã, hành hạ những người chống đối, thợ phải làm việc cật lực mà vẫn đói khát. Người dân căm phẫn vua làm cho dân cùng, nước kiệt, còn Vũ Như Tô bị thợ thuyền oán trách do nhiều người chết vì tai nạn hay chết vì bị chém đầu do chạy trốn. Khi ấy, Trịnh Duy Sản cũng đã can ngăn Lê Tương Dực, đòi đuổi bọn cung nữ, giết Vũ Như Tô nhưng không thành mà còn bị đánh đòn.

Mâu thuẫn thứ hai được tác giả xây dựng là mâu thuẫn giữa quan niệm nghệ thuật thuần túy và lợi ích thiết thực của nhân dân thể hiện ở mục đích xây dựng Cửu trùng đài của Vũ Như Tô và của triều đình Lê Tương Dực.

Vũ Như Tô là một kiến trúc sư tài năng, có khả năng "tranh tinh xảo với hóa công" nhưng ông không có đất dụng võ trong một xã hội thối nát, trong khi nhân dân còn đói khổ lầm than. Nghe theo lời khuyên của Đan Thiềm, Vũ Như đã Tô mượn uy quyền và tiền bạc của Lê Tương Dực để thực hiện hoài bão xây dựng một công trình nguy nga, vĩ đại. Nhưng niềm khao khát được cống hiến, được sáng tạo chân thành đã đẩy Vũ Như Tô vào tình trạng đối nghịch với lợi ích trực tiếp và thiết thực của nhân dân, bị những người thợ coi như kẻ thù.

Nguyễn Huy Tưởng đã mở đầu tác phẩm bằng cuộc đối thoại giữa Đan Thiềm và Vũ Như Tô. Đan Thiềm đã thốt lên tiếng kêu hoảng hốt và khuyên Vũ Như Tô mau chạy trốn. Cung nữ Đan Thiềm mặt cắt không còn hột máu vào cầu xin, van nài Vũ Như Tô chạy trốn đầy chân thành, tha thiết: “Ông nghe tôi! Ông trốn đi! Ông nghe tôi! Ông phải trốn đi mới được”. Tất cả hành động của nàng đều chứng tỏ cô là một người quý trọng người tài, biết lo trước lo sau cho tài năng đất nước. Cô cầu xin, van nài, chắp tay lạy ông và khẳng định rằng: “Ông trốn đi. Tài kia không nên để uổng. Ông mà có mệnh hệ nào thì nước ta không còn ai điểm tô nữa”

Tình thế biến loạn ở kinh thành rất nguy hiểm và gay gắt nhưng ông lại nhất quyết không trốn và cho rằng: “Những người quân tử không bao giờ sợ chết. Mà vạn nhất có chết, thì cùng phải để cho mọi người biết rằng công việc mình làm chính đại quang minh. Tôi sống với Cửu Trùng Đài, chết cũng với Cửu Trùng Đài. Tôi không thể xa Cửu Trùng Đài một bước. Hồn tôi để cả ở đây, thì tôi chạy đi đâu?”. Cửu Trùng Đài là một thứ vô cùng quý giá đối với Vũ Như Tô, ông coi nó như là cả phần linh hồn và thể xác mà mình cùng với Đan Thiềm đã gây dựng nên. Tuy nhiên, nó cũng đã khiến ông mù quáng và mê hoặc đến mức không thể thoát ra khỏi ảo tưởng của mình để trở về tình thế thực tại. Ông tin rằng mình không có tội, vẫn cố cãi lý với đời: “Có lý gì để họ giết tôi?”, đứng trước quân khởi loạn vẫn tự trấn an mình và mọi người: “Đời ta chưa tận, mệnh ta chưa cùng. Ta sẽ xây một tòa đài để tạ lòng tri kỷ”. Lúc này, Vũ Như Tô đang đứng trên lập trường người nghệ sĩ mà vô tình bác bỏ lập trường của nhân dân. Ông không nghĩ mình bị nhân dân oán hận, căm ghét, ông vẫn nghĩ rằng Cửu Trùng Đài chẳng phải đang tô điểm cho đất nước đây sao?

Đến khi kinh thành bốc hỏa theo lệnh của An Hòa Hầu, Vũ Như Tô đã rơi vào tuyệt vọng khi tận mắt chứng kiến cảnh Đài Cửu Trùng bốc cháy như giàn thiêu: “Đốt thực rồi! Đốt thực rồi! Ôi đảng ác! Ôi muôn phần căm giận! Trời ơi! Phú cho ta cái tài làm gì?”. Ông gào lên đầu đau đớn, đỉnh điểm sự tuyệt vọng và bất lực. Nhưng đến khi chết, ông vẫn không hiểu tại vì sao lại ra nông nỗi này: “Ta tội gì? Ta không có tội! Ôi mộng lớn! Ôi Đan Thiềm! Ôi Cửu trùng đài!”. Ông là một tài năng, một thiên tài có khát vọng hoài bão đem đến cái đẹp cho dân, nhưng chính vì không giải quyết được mâu thuẫn giữa nghệ thuật và cuộc sống nên ông đã phải trả một cái giá rất đắt. Mâu thuẫn đối lập ngay trong chính con người Vũ Như Tô.

Việc đưa ra hai mâu thuẫn trong vở kịch này, liệu đã thực sự được Nguyễn Huy Tưởng giải quyết?

Về mâu thuẫn giữa cuộc nổi dậy của binh lính và nhân dân chống lại triều đình đã được giải quyết một cách dứt khoát bằng cảnh quân nổi loạn đốt Cửu Trùng Đài và giết vua. Nhưng mâu thuẫn trong con người Vũ Như Tô vẫn chưa được giải quyết. Trong lời tựa đề vở kịch, Nguyễn Huy Tưởng có viết: "Than ôi! Như Tô phải hay những người giết Như Tô phải? Ta chẳng biết. Cầm bút chẳng qua cùng một bệnh với Đan Thiềm". Qua lời tựa ấy, Nguyễn Huy Tưởng đã bộc lộ chân thành những băn khoăn của mình: “Lẽ phải thuộc về Vũ Như Tô hay những kẻ giết Vũ Như Tô?”. Việc Vũ Như Tô có tội hay có công, cõ lẽ tác giả cũng không thể đưa ra một lời giải đáp thỏa đáng cho độc giả.

Bằng tài năng và cây bút tài hoa, Nguyễn Huy Tưởng đã xây dựng mâu thuẫn kịch tập trung dẫn đến cao trào, phát triển thành đỉnh điểm với hàng loạt hành động kịch dồn dập, kịch tính. Ông cũng sử dụng ngôn ngữ kịch điêu luyện, có tính tổng hợp cao. Từ đó, ông đã xây dựng nhân vật kịch đặc sắc, khắc họa rõ tính cách, miêu tả đúng tâm trạng qua ngôn ngữ và hành động. Tiêu biểu là Vũ Như Tô và Đan Thiềm.

Qua tấn bi kịch của Vũ Như Tô, tác giả đã đặt ra vấn đề sâu sắc, có ý nghĩa muôn thuở về mối quan hệ giữa nghệ thuật với cuộc sống, giữa lí tưởng nghệ thuật thuần túy cao siêu muôn đời với lợi ích thiết thực của nhân dân. Thật đúng như Grandi từng khẳng định: “Không có nghệ thuật nào là không hiện thực”. Đây chính là một bài học đắt giá về nghệ thuật dành cho những người nghệ sĩ.

Bàn luận về sức hấp dẫn của một bộ phim, vở kịch hoặc một bài hát mà em yêu thích - Mẫu 3

So sánh về tuổi đời, điện ảnh thuộc lớp những ngành nghệ thuật còn non trẻ ở Việt Nam. Thế nhưng, không vì thế mà điện ảnh ít được đón nhận. Bộ phim “Mùi cỏ cháy” chính là một minh chứng cho sức hấp dẫn của phim điện ảnh chất lượng tại Việt Nam.

“Mùi cỏ cháy” được công chiếu vào năm 2012. Sức hấp dẫn của bộ phim được thể hiện trên nhiều khía cạnh, đầu tiên là về mặt đề tài. Đề tài chiến tranh không phải là đề tài mới mẻ, xa lạ với các sáng tạo nghệ thuật. Có biết bao những tác phẩm văn chương, âm nhạc, nhiếp ảnh về đề tài này đã trở nên nổi tiếng và đi vào đời sống tinh thần của con người Việt Nam. Thế nhưng, người dân nước ta khi ấy vẫn còn ít tiếp xúc với điện ảnh. Việc khai thác một đề tài kinh điển bằng chất liệu mới đã thu hút được sự chú ý và khơi gợi sự trân trọng ở công chúng. Không chỉ vậy, chính tên tuổi biên kịch cùng nguyên tác, đơn vị sản xuất cũng là yếu tố góp phần gây tiếng vang cho tác phẩm. Kịch bản của bộ phim được viết bởi nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm – một nhà thơ và cũng là một người chiến sĩ từng từ giã mái trường để lên đường chống Mỹ. Xúc động hơn, tác phẩm được dựa trên cuốn nhật kí bất hủ “Mãi mãi tuổi hai mươi” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc. Đơn vị sản xuất là Hãng phim truyện Việt Nam. Chỉ từng ấy yếu tố thôi, “Mùi cỏ cháy” đã hứa hẹn là tác phẩm lấy đi nhiều nước mắt của khán giả khi tái hiện những năm kháng chiến hào hùng của đất nước cùng vẻ đẹp con người Việt Nam giữa lửa đạn chiến tranh.

Nếu những yếu tố trên thu hút công chúng đến với phòng vé thì chính nội dung hấp dẫn, chân thực và cảm động đã khiến “Mùi cỏ cháy” có sức sống lâu bền. Từ Hà Nội cổ kính rêu phong đến Quảng Trị kiên cường máu lửa, tất cả đều hiện lên vô cùng sống động. Nhân vật chính của tác phẩm là những chàng sinh viên đang độ tuổi đôi mươi, quyết tâm gác lại việc học để lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Bốn chàng trai Hoàng, Thành, Thăng, Long mang trong mình bầu nhiệt huyết tuổi trẻ, tâm hồn ngây thơ trong sáng, sự tinh nghịch lạc quan, khát khao hạnh phúc và trên hết và tinh thần yêu nước, lòng dũng cảm, tinh thần quyết tâm xả thân vì độc lập tự do của dân tộc. Những sự kiện, địa danh trong phim như 81 ngày đêm khốc liệt tại Thành cổ, dòng sông Thạch Hãn, những đợt ném bom của Mĩ,… đều là những điều có thật. Hơn hết, “Mùi cỏ cháy” không dừng lại ở mức tái hiện khô cứng hiện thực lịch sử. Tác phẩm không khoác lên chiến tranh bộ chiến bào lấp lánh, oai hùng mà khắc họa tận cùng những mất mát, đau thương của con người. Ta tìm thấy trong tác phẩm nỗi buồn khi rời xa gia đình, sự đau xót khi chứng kiến đồng đội lần lượt hi sinh của những người lính kiên cường hơn sắt thép. Ngày ra đi, bốn chàng trai cùng nhau chụp một tấm ảnh hẹn ngày chiến thắng trở về. Đến khi đất nước đã không còn bóng giặc thì Thành, Thăng, Long cũng đã nằm lại nơi chiến trường, chỉ còn lại mình Hoàng. Mỗi nụ cười, mỗi ánh mắt của các nhân vật trong bộ phim đều để lại trong tâm hồn người xem biết bao day dứt, khắc khoải. Tác phẩm thực sự là khúc bi hùng ca về con người và đất nước Việt Nam.

Không chỉ thành công về mặt nội dung ý nghĩa truyền tải đến người xem, “Mùi cỏ cháy” còn là tác phẩm thành công về nghệ thuật làm phim. Tiến trình của phim đi theo mạch hồi tưởng của nhân vật Hoàng – khi ấy đã là một cựu chiến binh già tạo nên sự chân thực và gây xúc động mạnh cho người xem. Bên cạnh đó, đây còn là tác phẩm kết hợp hài hòa giữa chất thơ và chất hiện thực. Trong phim xuất hiện nhiều hình ảnh ẩn dụ như dòng máu chảy trên tượng cô gái khi Thành, Thăng, Long hy sinh hay tấm ruy đô Long mang từ nhà,...Bối cảnh của phim cũng được chau chuốt kĩ lưỡng để tái hiện đầy đủ vẻ đẹp làng quê Việt Nam với giếng nước, đốc ga. Các cảnh chiến trận được đoàn làm phim chuẩn bị vô cùng kì công với khoảng thời gian lên tới bốn tháng.

Với những nét hấp dẫn trên, “Mùi cỏ cháy” đã xứng đáng “Bông sen Bạc” tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17 cùng 4 giải “Cánh diều vàng” tại Lễ trao giải Cánh Diều Vàng 2011. Đến nay, câu chuyện về bốn chàng thanh niên Hoàng, Thành, Thăng, Long vẫn được yêu mến và lấy đi nước mắt của khán giả. Lời nhận xét của đạo diễn Hữu Mười có lẽ đã đủ tổng kết giá trị của bộ phim: “"Vinh danh Mùi cỏ cháy, là vinh danh quá khứ (…) Chúng ta không bao giờ được phép quên quá khứ, nếu quên quá khứ sẽ không có tương lai".

Bàn luận về sức hấp dẫn của một bộ phim, vở kịch hoặc một bài hát mà em yêu thích - Mẫu 4

Đoạn trích “Đổi tên cho xã” của tác giả Lưu Quang Vũ đã cho người đọc thấy được tác hại của bệnh sĩ diện và ảnh hưởng của nó đến cộng đồng, xã hội chỉ thông qua sự việc đổi tên của xã Hùng Tâm.

Xã Hùng Tâm mở cuộc họp thông báo những đổi mới của xã Hùng Tâm từ tên xã đến chức vụ của một số người. Nhân vật ông Chủ tịch xã Toàn Nha tiêu biểu cho kiểu người thích sống giả dối trong xã hội. Ông Nha là một người sống giả dối và tham vọng một cách mù quáng. Ông mong ước xây dựng và phát triển một xã khoa học để ông vẻ vang với các xã khác và với cấp trên. Ông tìm hiểu những nơi khác nhưng chỉ tìm hiểu một cách hời hợt, chưa có sự phân tích tình hình thực tế của xã mình đã vội vàng đổi mới. Ông muốn phát triển kinh tế nhưng lại vứt bỏ những thứ vốn là cần câu cơm của người dân nơi đây. Ông nói những từ ngữ khoa chương, lố bịch như " Bây giờ làm ăn mới rồi, quy mô khoa học... Đâu muốn hoạn phải mang lợn đến tận trụ sở". Ông nói rất cao siêu nhưng thực tế thì phũ phàng bởi những lời ông nói chỉ là sáo rỗng, ông phong chức một cách tràn lan nhưng thực tế thì chẳng ra đâu vào đâu, chính những người giữ chức đó còn chẳng hiểu mình sẽ làm gì.

Nhân vật trong đoạn trích có sự không tương xứng giữa thực chất bên trong và hình thức bên ngoài, giữa suy nghĩ và hành động khiến việc làm trở nên lố bịch hài hước. Ví dụ: Ông Đốp một tên hoạn lợn lại được phong cho làm chức Chủ nhiệm Trung tâm Triệt sản gia súc xã Hùng Tâm; Ông Thình vốn là đội trưởng đội làm những nghề phụ của xã lại được phong làm Chủ nhiệm Trung tâm Công nghệ...

Ngôn ngữ của ông không phù hợp với một cuộc họp mang tính chất trang nghiêm. Lời nói có nhiều từ ngữ không rõ nghĩa như: ta bung ra, ta bung ra pháo. Điều buồn cười nữa là ở chỗ ông muốn phát triển kinh tế nhưng những công việc vốn là lợi thế ở xã lại triệt để vứt bỏ, chuyển sang sản xuất pháo, thứ mà chính những người nhận nhiệm vụ quản lí cũng không hiểu rõ. Ông Nha càng cố nói những từ khoa học, thì càng lộ ra nhiều sự thiếu hiểu biết của mình như Trung tâm Công nghệ mà chỉ sản xuất có pháo.

Văn bản có sự mâu thuẫn giữa cái xấu và cái tốt. Ông Nha vẽ ra một viễn tưởng cao đẹp về một xã phát triển, giàu mạnh nhưng thực tế thì những gì ông làm đều chỉ đẩy người dân vào cái nghèo đói. Đó là sự tương phản giữa áo tưởng và thực tế. Kết quả là một loạt các chức danh mới được tạo ra nhưng không khoa học và rối loạn.

Văn bản Đổi tên cho xã đã nêu lên và phê phán một hiện tượng nhức nhối trong xã hội Việt Nam, đó là thích sĩ diện. Đoạn trích cũng sử dụng thủ pháp trào phúng, phóng đại. Ví dụ: Ông Nha vẽ lên những viễn tưởng cao đẹp về một xã phát triển khoa học, giàu mạnh những thực tế nhưng thực tế chỉ là những lời nói sáo rỗng, giả dối, lố bịch.

TOP 10 bài Bàn luận về sức hấp dẫn của một bộ phim, vở kịch hoặc một bài hát mà em yêu thích 2024 SIÊU HAY (ảnh 2)

Bàn luận về sức hấp dẫn của một bộ phim, vở kịch hoặc một bài hát mà em yêu thích - Mẫu 5

Lưu Quang Vũ là một trong các nhà viết kịch nổi tiếng của Việt Nam. Một trong những vở kịch tiêu biểu nhất trong con đường sự nghiệp của ông là “Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”. Tác phẩm đã gây được tiếng vang lớn trong lòng độc giả đồng thời gửi gắm rất nhiều bài học, tư tưởng nhân văn ý nghĩa và sâu sắc.

Trương Ba có tài đánh cờ rất giỏi nhưng bị chết oan do trong lúc làm việc không chú ý, Nam Tào đã nhầm lẫn và gây ra sự việc ngoài ý muốn làm cho Trương Ba phải chết. Vì muốn sửa sai, chuộc lại lỗi lầm nên Nam Tào và Đế Thích đã bàn nhau cho hồn Trương Ba sống lại và nhập vào thân xác của anh hàng thịt mới chết không lâu. Tưởng chừng như mọi việc đã êm xuôi, nhưng không. Trong thời gian trú nhờ xác anh hàng thịt, Trương Ba đã không ít lần gặp phải nhiều việc phiền toái như lí trưởng sách nhiễu, vợ anh hàng thịt đòi chồng, hay ngay đến cả gia đình– những người thương yêu và quý trọng nhất giờ đây cũng làm cho ông cảm thấy thật xa lạ... Bản thân Trương Ba cũng dằn vặt và đau khổ rất nhiều vì phải sống trái với quy luật tự nhiên. Đặc biệt là khi mà xác anh hàng thịt đã gây ảnh hưởng, làm cho hồn Trương Ba nhiễm một vài thói quen xấu. Đoạn trích trong sách giáo khoa kể về cuộc đối thoại giữa Trương Ba cùng với các nhân vật.

Đầu tiên là cuộc đối thoại gay gắt, nảy lửa giữa Hồn Trương Ba và Xác Hàng Thịt. Bản thân Trương Ba, ông cho rằng từ trước tới giờ, kể cả khi đã chết thì bản thân mình vẫn có một đời sống trong sạch, nguyên vẹn, thẳng thắn. Ông coi thường và cho rằng xác anh hàng thịt chỉ là cái vỏ bọc bên ngoài với sự âm u, đui mù, “không có ý nghĩa gì hết, không có tư tưởng, không có cảm xúc” nếu có thì cũng chỉ là “những thứ thấp kém, mà bất cứ con thú nào cũng có được: Thèm ăn ngon, thèm rượu thuốc”. Nhưng xác hàng thịt thì lại khác, cái xác cho rằng Hồn Trương Ba sẽ không thể tách khỏi xác anh hàng thịt, đồng nghĩa với mọi việc làm, mọi hành động của Hồn Trương Ba sẽ đều chịu sự chi phối của cái xác anh hàng thịt. Đây chính là một cuộc đấu tranh khốc liệt giữa phần con và phần người cũng giống như giữa khát vọng và dục vọng, giữa đạo đức và tội lỗi. Qua cuộc đối thoại này, nhà văn đã gửi gắm tới độc giả thông điệp: Sự sống chỉ thực sự có ý nghĩa khi con người chúng ta được sống một cách tự nhiên với sự hài hòa giữa phần xác và phần hồn.

Tiếp đến, Hồn Trương Ba đã có cuộc trò chuyện và giãi bày những tâm sự cùng với người thân trong gia đình. Trước tình cảnh éo le mà Trương Ba gặp phải, mỗi một thành viên lại có một thái độ khác nhau. Trước sự thay đổi đột ngột của chồng mình, vợ Trương Ba đau đớn mà thốt lên : “Ông đâu còn là ông”, bà cho rằng ông một mực muốn rời khỏi gia đình này để đi cày thuê làm mướn để được tự do với vợ anh hàng thịt. Còn cái Gái, đứa cháu thương ông nhất nhưng giờ đây nó cũng chẳng chịu nhận ông, và cho rằng ông nội của mình đã chết thay vào đó là một người vô cùng thô lỗ, vụng về “Từ nay ông không được động vào cây cối trong vườn của ông tôi nữa!... chân ông to bè như cái xẻng, giẫm nát lên cả cây sâm quý mới ươm”. Duy nhất trong nhà chỉ có chị con dâu là cảm thông, chia sẻ và yêu thương với người ba chồng đáng thương này Trương Ba, nhưng dù vậy chị ấy vẫn không nhận ra ông Trương Ba của ngày. Ở một vị trí khác nhau, một thái độ, cảm nhận khác nhau nhưng họ đều có một điểm chung là thấy sự thay đổi rõ rệt của Trương Ba, ông đã chẳng còn nguyên vẹn, trong sạch hay thẳng thắn. Để rồi, từ đó Trương Ba mới vỡ lẽ, mới nhận ra sự thay đổi của bản thân đồng thời cũng là sự lấn át của phần xác đối đối với phần hồn trong ông. Vậy nên ông đã đưa ra quyết định, Trương Ba sẽ trả lại xác cho anh hàng thịt.

Chính cái quyết định đó đã dẫn đến cuộc đối thoại của Trương Ba với Đế Thích. Trương Ba đã chỉ rõ ràng cái sai mà Đế Thích đã gây ra: “Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết”. Trương Ba bày tỏ mong ước của mình: “Tôi muốn được là tôi toàn vẹn” và “Không thể sống với bất cứ giá nào được. Có những cái giá quá đắt, không thể trả được tâm hồn tôi lại trở lại thanh thản, trong sáng như xưa”. Nhưng Đế Thích lại chẳng cho là vậy mà đáp: “Thế ông ngỡ tất cả mọi người đều được là mình toàn vẹn cả ư? Ngay cả tôi dây. Ở bên ngoài, tôi đâu có được sống theo những điều tôi nghĩ bên trong. Mà cả Ngọc Hoàng nữa, chính người lắm khi cũng phải khuôn ép mình cho xứng với danh vị Ngọc Hoàng. Dưới đất, trên trời đều thế cả, nữa là ông. Ông đã bị gạch tên khỏi sổ Nam Tào. Thân thể thật của ông đã tan rữa trong bùn đất, còn chút hình thù gì của ông đâu!” Và mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn khi nghe tin cu Tị chết, Đế Thích đã đề nghị cho hồn Trương Ba được nhập vào cu Tị, nhưng trải qua bao sự việc, Trương Ba đã thẳng thừng từ chối. Ông đã nhận ra sẽ có một loạt những rắc rối tồi tệ đằng sau việc này: phải giải thích cho chị Lụa và những người thân trong gia đình mình biết đầu đuôi câu chuyện và đặc biệt là cái Gái – dù là cháu gái của mình nhưng với nó, cu Tị là người bạn thân nhất. Hoặc có khi sẽ phải sang nhà chị Lụa ở, tạo ra cơ hội để bọn lý trưởng sách nhiễu, thu lợi về mình… Cuối cùng, Trương Ba đã từ chối ý tốt ấy và yêu cầu Đế Thích để cho cu Tị được sống lại còn bản thân mình sẽ chết cùng phần xác. Đây quả thật là một cái kết rất hợp lí và có hậu, nếu ta xét theo ý nghĩa đó thì đó chính kết quả của cuộc đấu tranh giữa khát khao được sống, nhưng lại không chấp nhận một cuộc sống giả tạo, không được là chính mình.

Qua vở kịch “Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”, Lưu Quang Vũ muốn gửi gắm tới độc giả thông điệp: Được sống được là người là một điều thật quý giá nhưng chỉ khi ta được là chính mình, sống một cách trọn vẹn với theo đuổi và phát huy những giá trị tốt đẹp của bản thân còn là một điều quý giá hơn. Sự sống chỉ thực sự có ý nghĩa khi mà con người được sống đúng với quy luật của tự nhiên với sự hài hòa, đồng điệu giữa thể xác và tâm hồn.

Bàn luận về sức hấp dẫn của một bộ phim, vở kịch hoặc một bài hát mà em yêu thích - Mẫu 6

Biệt động Sài Gòn là một bộ phim tái hiện lịch sử những năm đấu tranh giải phóng miền Nam. Bộ phim với nhiều tập kịch tính, hấp dẫn, dàn diễn viên ấn tượng đã thực sự để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc. Dù thời gian kể từ ngày công chiếu đầu tiên của bộ phim đã lùi xa. Ngày nay cũng có rất nhiều những tác phẩm phim mì ăn liền nổi tiếng ra đời, song bộ phim này vẫn là một tác phẩm ấn tượng khiến tôi không thể nào quên.

Biệt động Sài Gòn gồm có 4 phần: Điểm hẹn, Tĩnh lặng, Cơn giông, Trả lại tên cho em, do Lê Phương và Nguyễn Thanh viết kịch bản, đạo diễn Long Vân. Bộ phim bắt đầu bấm máy từ năm 1982, không lâu sau ngày hoà bình độc lập. Thực hiện các cảnh quay cuối cùng vào năm 1986. Đây là một bộ phim màu và có nội dung duy nhất phản ánh về lực lượng biệt động Sài Gòn. Vượt trên tất cả những cái đầu tiên ấy bộ phim vẫn mang về doanh thu lớn cho phòng vé và trở thành một trong những bộ phim nổi tiếng nhất về đề tài biệt động lúc bấy giờ. Hơn 10 triệu lượt quan tâm đón xem của khán giả trên màn ảnh rộng, bộ phim này đã tạo nên một cú hích cho lịch sử của phim Việt Nam thời kỳ bấy giờ.

Phải nói đầu tiên của bộ phim này chính là một kịch bản chất lượng, kịch tính. Tiếp đến là tài năng đạo diễn của Long Vân. Bằng tài năng và tư duy nhạy bén Long Vân đã khai thác chân thực trên từng góc quay, với tư cách là người ở giữa hai chiến tuyến. Ông không đứng về bên nào mà chủ yếu chỉ muốn tái hiện lịch sử đấu tranh, hiện thực cuộc chiến để phơi bày cho người xem. Sau đó chính là tài năng diễn xuất xuất thần của dàn diễn viên thực lực như Thanh Loan, Thương Tín, Thuý An, Quang Thái… họ đều là những diễn viên trẻ đẹp, được tuyển chọn casting kỹ càng. Nhân vật mà họ được chọn mặt gửi vàng như được đo ni đóng giày cho họ. Họ đã lột tả được trọn vẹn cái thần thái, tư tưởng của nhân vật, tạo nên ấn tượng khó phai trong lòng độc giả.

Cho đến bây giờ tôi vẫn ấn tượng với phân cảnh diễn viên Ngọc Mai do Hà Xuyên đóng ngồi trước gương, dùng chai nước hoa đập vỡ gương trước mặt. Trên gương mặt của cô là hai hàng nước mắt rưng rưng rơi xuống và chỉ còn sót lại những mảnh gương vỡ. Nhưng cần đó đã đủ để lột tả gương mặt đau khổ của nhân vật khi tình cảm không được đáp lại. Có thể nói diễn viên Hà Phương đã lột tả ấn tượng sự đau khổ, dồn nén của nhân vật, gây ấn tượng đậm nét trong lòng độc giả.

Song ám ảnh hơn chính là phân đoạn Ni cô Huyền Trang bị bắt vào nhà tù và bị tra tấn dã man. Phân đoạn bọn giặc xung điện áp vào người cô, cô run lên từng tiếng bần bật, đau đớn da thịt, tiếng kêu rên thảm thiết, đau đớn vô cùng nhưng không hề khuất phục. Trước sự tra tấn dã man của kẻ thù trước sau cô chỉ hé một lời “Không biết”, “Tôi không biết” Bọn giặc hoàn toàn bất lực, không thể làm gì được cô gái bé nhỏ, mỏng manh nhưng trái tim kiên trung và bất khuất. Chúng trả cô ra ngoài với bộ dạng tàn tạ, trên người đầy những vết thương, thật xót xa vô cùng.

Biệt động Sài Gòn không giống như bộ đội hay đặc công được đào tạo chính quy, bài bản mà họ làm việc một cách tự nguyện, nương náu trong dân, nhận nhiệm vụ từ cấp trên. Dạng vai khó nhập vì đa phần diễn viên không được đào tạo bài bản về công việc này. Vì thế diễn viên phải có sự tìm tòi, nhập vai và hoá thân vào nhân vật để có thể lột ra được cái thần của các nhân vật trong tác phẩm. Tác phẩm ca ngợi chiến thắng nhưng không hề vụng về mà rất khách quan. Bộ phim như đứng giữa chiến tuyến, ghi lại sự thật một cách chân thành, xúc động

Có thể nói bộ phim kinh điển này đã lột tả chân thực về quá trình hoạt động quả cảm, quên mình của nhóm biệt động trong thành phố Sài Gòn. Đây là một trong những tác phẩm đáng đã làm nên tên tuổi của đạo diễn cùng dàn diễn viên.

TOP 10 bài Bàn luận về sức hấp dẫn của một bộ phim, vở kịch hoặc một bài hát mà em yêu thích 2024 SIÊU HAY (ảnh 3)

Bàn luận về sức hấp dẫn của một bộ phim, vở kịch hoặc một bài hát mà em yêu thích - Mẫu 7

Trung Quốc là một đất nước phát triển về mảng điện ảnh. Những bộ phim nổi tiếng của những đạo diễn lớn mang đậm chất thơ và phong vị Trung Quốc. "Chuyện tình cây táo gai" của Trương Nghệ Mưu là một tác phẩm như thế. Ông đã kể cho chúng ta một câu chuyện tình yêu trong sáng và hết sức sâu sắc.

Bộ phim lấy bối cảnh đất nước Trung Quốc những năm diễn ra Cách mạng văn hóa. Tịnh Thu là một cô bé 16 tuổi, có bố phải đi học tập cải tạo. Mẹ cô đang làm giáo viên cũng phải xuống làm một lao công. Cô theo mọi người về nông thôn sinh sống theo định hướng thời đó của Nhà nước. Kiến Tân là một chàng trai 24 tuổi, xuất thân từ một gia đình có địa vị, bố là cán bộ cấp cao, bản thân anh cũng là chàng trai kĩ sư địa chất có tương lai rộng mở. Hai nhân vật này đại diện cho hai giai cấp khác biệt lúc đó, thế nhưng giữa họ lại nảy nở tình yêu. Bằng tài kể chuyện của mình, đạo diễn Trương Nghệ Mưu đã kể lại chuyện tình trong sáng, sâu sắc, mãnh liệt bị gia đình, xã hội ngăn cấm.

Hai diễn viên chính trong tác phẩm này là Châu Đông Vũ trong vai Tịnh Thu và Đậu Kiêu trong vai Kiến Tân đã thể hiện hết sức tròn trịa. Nhất là Châu Đông Vũ, khuôn mặt nhỏ nhắn, hiền lành đã giúp cô dễ dàng hóa thân vào nhân vật. Lối diễn nhẹ nhàng đầy chất thơ đã dẫn dắt người xem đi qua từng cung bậc cảm xúc của Tịnh Thu. Từ một cô gái mới lớn với những rung động thầm kín đến những khi ghen tuông, trút giận lên chiếc chậu mới mua. Đặc sắc nhất là cảnh Tịnh Thu ngồi ngắm nhìn dòng sông, tuy nhân vật không có biểu hiện gì nhưng ánh nhìn của cô thể hiện rất rõ nội tâm giằng xé, băn khoăn. Những cảnh khóc của nhân vật cũng chạm tới trái tim của người xem, gây cho ta những cảm xúc bâng khuâng, khó nói thành lời.

Một điểm khá ấn tượng trong bộ phim đó là sự đối lập giữa khung cảnh. Hai nhân vật chính thường gặp gỡ nhau ở bờ sông hay cánh đồng hoa. Góc máy lúc này lấy trọn thiên nhiên rộng lớn và sáng trong, như tình yêu đơn thuần, đẹp đẽ của hai người. Thế nhưng, khi quay cảnh gia đình Tịnh Thu, không gian bỗng trở nên u tối, chật hẹp như đại diện cho số phận của đôi uyên ương không thể đến với nhau vì những rào cản xã hội. Sự đối lập này càng làm rõ được thông điệp và ý nghĩa của bộ phim.

Khi mới ra mắt, "Chuyện tình cây táo gai" đã trở thành hiện tượng bởi những thước phim rất thơ mộng và diễn xuất ăn ý của hai diễn viên chính. Tác phẩm này cũng đã xuất sắc giành được hai giải thưởng trong liên hoan phim Quốc tế là Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông cho phim Châu Á hay nhất và Giải thưởng Điện ảnh Châu Á cho Diễn viên mới xuất sắc nhất.

"Chuyện tình cây táo gai" là một tác phẩm nghệ thuật tái hiện hiện thực xã hội và cũng chứa đầy chất thơ. Nếu có thời gian, bạn hãy xem bộ phim này một lần để thấy được những giá trị mà nó mang lại.

Bàn luận về sức hấp dẫn của một bộ phim, vở kịch hoặc một bài hát mà em yêu thích - Mẫu 8

Dù nhà soạn kịch Lưu Quang Vũ đã ra đi, nhưng những "gia tài" ông để lại cho văn học nước nhà vẫn giữ được giá trị đến ngày nay. Những tác phẩm kịch ông sáng tác chứa đựng tinh thần nhân văn sâu sắc. Trong đó, "Lời thề thứ 9" là một trong những tác phẩm nổi bật và đáng nhớ của ông, và đã được trình diễn nhiều lần trong nhiều năm qua.

Lời thề thứ 9 của Quân đội nhân dân Việt Nam, "Kính trọng dân, giúp đỡ dân, bảo vệ dân," và "Không lấy của dân, không quấy nhiễu dân, không dọa nạt dân," đã trở thành nguồn cảm hứng cho Lưu Quang Vũ khi ông sáng tác vở kịch "Lời thề thứ 9." Câu chuyện xoay quanh Đôn và Xuyên, hai lính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã xảy ra một tình huống không may, tịch thu túi xách của một người đàn ông, người sau này họ mới nhận ra là cha của Hiến - một người bạn thân. Hiến là con của Chủ tịch Tỉnh, Cựu chỉ huy trưởng của Trung đoàn. Trong quá trình này, bố Xuyên bị ức hiếp bởi Chủ tịch Xã, và mọi nỗ lực để tìm kiếm công lý cho bố Xuyên đã gây ra nhiều xung đột và bi kịch gia đình. Những sự kiện này cuối cùng kết thúc bằng việc tất cả mọi người nhận ra lỗi lầm của họ.

Diễn viên trong vở kịch đã thể hiện vai diễn một cách tròn trịa. Đôn với tính cách tươi tắn, sở thích ca cải lương, nhưng khi cần, anh lại dũng cảm đối diện với nguy hiểm và để lại vết sẹo trên mặt. Xuyên là một người hiền lành, yêu thương gia đình, nhưng cũng dũng cảm và hy sinh bản thân để bảo vệ Hiến trong một trận chiến. Hiến, con trai của Chủ tịch Tỉnh, thể hiện tính cách cương trực, thẳng thắn, và luôn sẵn sàng chiến đấu.

Tuy phần âm nhạc và phối cảnh của vở kịch không cần thiết phức tạp, nhưng nội dung sâu sắc của nó đã chứa đựng nhiều vấn đề xã hội mà chúng ta vẫn phải đối mặt và suy ngẫm. Câu chuyện thể hiện sự xung đột giữa quân đội và dân cư, cũng như giữa chính quyền và nhân dân. Nó đặt ra câu hỏi về trách nhiệm trong tình huống khi quân và dân không còn đồng lòng, và chính quyền thờ ơ đối với nỗi oan của nhân dân.

Vở kịch này đã mang lại nhiều tư duy và thách thức mà vẫn còn phù hợp với thời đại hiện tại. Điều này chứng tỏ tài năng nghệ thuật độc đáo của Lưu Quang Vũ đã để lại dấu ấn sâu sắc trong văn hóa và nghệ thuật của nước ta.

Đánh giá

0

0 đánh giá