Tailieumoi.vn xin giới thiệu bài văn mẫu Trình bày ý kiến đánh giá, bình luận một vấn đề xã hội Ngữ văn 11 Kết nối tri thức, gồm 5 bài văn phân tích mẫu hay nhất giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo trong quá trình ôn tập, củng cố kiến thức và chuẩn bị cho bài thi sắp tới.
Trình bày ý kiến đánh giá, bình luận một vấn đề xã hội
Đề bài: Trình bày ý kiến đánh giá, bình luận một vấn đề xã hội
Dàn ý Trình bày ý kiến đánh giá, bình luận một vấn đề xã hội
- Mở đầu: Nêu vấn đề xã hội cần đánh giá, bình luận.
- Triển khai:
+ Phân tích, diễn giải để làm rõ bản chất vấn đề.
+ Nêu rõ ràng, cụ thể ý kiến đánh giá của bản thân về vấn đề (có lí lẽ và bằng chứng cụ thể).
+ Đối thoại với những ý kiến khác biệt để củng cố quan điểm của mình về vấn đề.
- Kết luận: Nêu ý nghĩa của việc đánh giá, bình luận về vấn đề.
Lưu ý: Điều chỉnh giọng nói phù hợp, kết hợp giữa lời nói và các phương tiện phi ngôn ngữ; sử dụng PowerPoint (nếu có) và các phương tiện kĩ thuật hỗ trợ khác.
Trình bày ý kiến đánh giá, bình luận một vấn đề xã hội - Mẫu 1
Ngày nay xã hội ngày càng phát triển, mạng xã hội trở thành nơi giao lưu của nhiều bạn trẻ. Bên cạnh đó do quá lạm dụng các ứng dụng tiện lợi đó mà các bạn trẻ hiện nay đang có lối sống không lành mạnh, đó là sống ảo. Về vấn đề này, báo điện tử Dân Trí có bài: Bi hài "hot girl" sống "ảo". Bài báo đề cập đến hiện tượng sống ảo của không ít bạn trẻ ngày nay.
Theo bài báo, hiện nay có nhiều bạn trẻ đăng hình lên các trang mạng xã hội với mục đích tự đánh bóng tên tuổi của mình, khoe sắc đẹp, khoe thân thể với những tấm hình đã qua chỉnh sửa, trong khi thực tế lại khác hẳn. "Hot girl" được nói tới trong bài báo chỉ là một trường hợp trong vô số những bạn trẻ hiện nay đang đắm chìm trong thế giới ảo với những bức ảnh được chỉnh bằng phần mềm Camera 360 độ. Có thể nói, đây là trường hợp điển hình cho lối sống ảo của một bộ phận thanh niên hiện nay.
Trước hết, chúng ta cần nhìn nhận "Sống ảo" là gì? Và nó có điều gì mà rất nhiều bạn ham mê nó đến vậy? Sống ảo là sống trong hoang tưởng không đúng với thực tại của cuộc sống. Các bạn không cần giao lưu hay tham gia những chương trình ngoại khóa cũng có thể kết bạn và nói chuyện với mọi người khắp nơi. Đó là mạng xã hội facebook, instagram, twitter, Yahoo!.... và có rất nhiều mạng xã hội hữu ích khác. Vì chúng quá là hiện đại nên các bạn đã ham mê quá mức. Bệnh ảo tưởng đối với một bộ phận người trẻ là có nguyên nhân. Trước tiên là nguyên nhân tâm lý: Nhiều bạn trẻ thích thể hiện bản thân, hành vi của họ là để bù đắp cho sự thiếu tự tin ngoài thực tế. Nói cách khác, họ muốn được yêu thương, ngưỡng mộ, chấp nhận thông qua việc đăng những ảnh mà họ cho rằng sẽ khiến họ trở nên hấp dẫn hơn, và theo kịp thời đại. Suy cho cùng, sống "ảo" là hệ quả của việc sống thiếu bản lĩnh, thói quen mong hưởng thụ nhiều hơn cố gắng.
Các bạn có thể ngồi hàng giờ để nhắn tin với những người mới quen mà quên đi các bạn của mình. Đã gọi là thế giới ảo thì cuộc sống trong đó vô cùng đẹp và hấp dẫn. Mỗi người có thể xây dựng một ngôi nhà tuyệt đẹp trên đó và có rất nhiều người gọi là bạn. Nhiều bạn đã lạm dụng mạng xã hội để đăng những hình ảnh không lành mạnh chỉ với mục đích là được mọi người chú ý. Hay dùng những lời nói không văn minh để thể hiện mình hay gọi theo cách khác là "anh hùng bàn phím" đã gây ra nhiều mâu thuẫn.
Hiện tượng Sống ảo mang đến nhiều hệ lụy cho con người. Có nhiều bạn xem phải những thông tin, hình ảnh không đúng mà có lối sống sai lệch, tinh thần không ổn định. Có hiện tượng phổ biến là nhiều bạn yêu trên mạng. Đây không phải là điều sai nhưng liệu bạn đã đủ chín chắn và thông minh để biết đây là tình yêu thật sự hay là sự thật đây chỉ là để lừa đảo? Nhiều bạn đã nhẹ dạ cả tin mà tin vào những lời đường mật của một người chưa hề gặp rồi khi biết rằng chàng trai bạn hằng yêu thương chỉ mang tên lừa đảo. Thật sự có rất nhiều mối nguy hiểm mà bạn không lường trước được. Bạn có thể ngồi hàng giờ để lên mạng, chìm đắm trong thế giới ảo và xa lánh thế giới thật. Các bạn trẻ sẽ khi bước ra thế giới thật cảm thấy thật lạ lẫm, không xác định được hướng đi của mình. Đã dẫn đến tình cảm của con và bố mẹ ngày càng rạn nứt, bạn bè xa dần nhau. Và quan trọng là việc học của các bạn sẽ giảm sút, thành tích đi xuống hay nói cách khác việc đỗ đại học là quá xa vời.
Quả thực mạng xã hội rất hữu ích. Giúp chúng ta làm quen với nhiều bạn hơn. Không tốn nhiều thời gian để nhắn tin và có thể đăng ảnh, chia sẻ cảm xúc của mình với mọi người. Nhưng các bạn cần dùng chúng đúng lúc và hợp lý. Có thể học xong các bạn lên để cập nhật tin tức hay để giải tỏa căng thẳng. Người lớn cũng nên quan tâm các bạn nhiều hơn. Vì đây là thời điểm các bạn bắt đầu lớn dễ bị cám dỗ. Cần tạo ra nhiều môi trường cho các bạn vui chơi sau giờ học để không dẫn đến tình trạng ngồi lên mạng suốt ngày.
Sống ảo có thể coi là một căn bệnh khó chữa. Nó gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe và tinh thần của giới trẻ. Vậy mỗi người cần có lối sống lành mạnh không bị quá thu hút bởi mạng xã hội. Nói cách khác mạng xã hội như con dao hai lưỡi. Nếu bạn biết cách sử dụng thì nó vô cùng có ích. Nhưng nếu bạn quá ham mê nó có thể là con dao giết chết tâm hồn bạn.
Trình bày ý kiến đánh giá, bình luận một vấn đề xã hội - Mẫu 2
Kính chào thầy cô và các bạn. Tôi tên là............học sinh.........trường.........
Xã hội càng phát triển, khoa học công nghệ càng hiện đại thì cuộc sống con người cũng càng phức tạp, giả dối. Những năm gần đây, khái niệm sống ảo đã ra đời và ngày càng trở nên phổ biến, quen thuộc đối với mọi người, đặc biệt là giới trẻ. Có thể nói, việc sống ảo làm có nguy cơ đánh mất các giá trị thực. Ý kiến ấy là rất đúng về hiện tượng này.
Sống ảo là việc con người sống khác, khác bản thân mình, khác thực tế. Có thể coi sống ảo là một dạng phô bày không giống với sự thật lắm. Sống ảo thường được thể hiện qua các phương tiện của mạng xã hội như facebook, instagram, zalo, twitter, weibo. Trên những trang mạng xã hội này người ta thường xuyên đăng tải những bức hình khác thực tế, những dòng trạng thái status cũng khác thực tế nhằm đánh lạc hướng suy nghĩ và nhận thức của mọi người.
Có thể thấy việc sống ảo nhiều nhất là khi các bạn trẻ sử dụng các công cụ make up, chụp hình, chỉnh hình làm đẹp rồi đăng tải trên mạng xã hội khiến mọi người lầm tưởng về vẻ đẹp, ngoại hình của mình. Rồi họ đăng tải những dòng trạng thái cũng giả dối để đánh lừa mọi người chẳng hạn như là “Đang ở một nơi rất xa” (thực ra là ở nhà), “Rảnh được đưa đi ăn” (thực ra là tự đi)… Những người sống ảo đăng hình và trạng thái thường nhằm mục đích PR cho bản thân mình, khoe khoang về bản thân: ngoại hình, thành tích, sự giàu có, sự nổi tiếng… Người ta đăng hình ảnh, trạng thái từ không đúng lắm so với thực tế cho đến khác xa thực tế, sai sự thực hoàn toàn để được mọi người, bạn bè trên mạng xã hội trầm trồ, thán phục, khen ngợi.
Sống ảo có tính chất lây lan và gây nghiện. Người sống ảo lâu dần hình thành một thói quen khó bỏ. Trước khi ăn bao giờ cũng phải lôi điện thoại ra chụp lại hình, đi chơi ở đâu bao giờ cũng chụp hình post facebook đầu tiên. Thậm chí trong những hoàn cảnh không phù hợp cũng lôi điện thoại ra check in sống ảo. Thế giới ảo bao quanh chúng ta, khiến mọi người không còn phân biệt được. Dần dần con người quên đi những giá trị thực tế, quên đi những điều rất bình dị trong cuộc sống. Sống ảo dẫn con người đến những giá trị giả dối, khiến con người dần quên mất thực tại, nhầm lẫn giữa thực tại và thế giới ảo. Nhiều người lợi dụng các công cụ mạng xã hội để bán hàng, lừa lọc bằng những hình ảnh, lời lẽ văn hoa, hào nhoáng. Rất nhiều chàng trai, cô gái đã tỏ ra vô cùng bất ngờ khi người bạn mình gặp gỡ quen biết qua mạng xã hội lại khác xa thực tế. Người ta thất vọng, chê bai thậm chí là làm nhục nhau. Bởi vì quen biết nhau qua những thước hình lung linh trên mạng, không ít bạn trẻ đã bị lừa lọc, bị dụ dỗ dẫn đến những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.
Bởi vì hiện tượng sống ảo đang ngày càng trở nên phổ biến nên con người cũng dần đa nghi với những gì xảy ra quanh mình. Nhìn một tấm hình, nghe một lời quảng cáo, người ta thường hỏi “Có thật không đấy”, “ở ngoài thế nào”… Có lẽ, vì sống ảo nhiều nên chính ta cũng đang dần mất niềm tin vào con người và dễ thất vọng với những gì xung quanh.
Mạng xã hội là một công cụ hữu ích, làm đẹp mình cũng là việc nên làm nhưng nếu cứ sống ảo, cứ giả dối như vậy sẽ chỉ khiến chúng ta dần làm mất đi giá trị thật của chính bản thân mình. Vì vậy mỗi người cần sáng suốt, tỉnh táo và nên bài trừ việc sống ảo, hãy để những gì chân thật được trở lại là chính nó.
Trên đây là bài trình bày của tôi về bài nghị luận về một vấn đề xã hội, cảm ơn thầy/cô và các bạn đã lắng nghe. Rất mong nhận được sự góp ý từ phía thầy/cô và các bạn.
Trình bày ý kiến đánh giá, bình luận một vấn đề xã hội - Mẫu 3
Cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật với hàng loạt phát minh vĩ đại đã đưa nhân loại bước tới kỉ nguyên mới "internet of things". Mọi thứ đều được mạng internet kết nối và truyền tải. Vậy, các bạn hiểu như thế nào là "ứng xử trên không gian mạng"? Trước hết, chúng ta cần phải giải nghĩa ứng xử là gì. Ứng xử là việc con người trao đổi, tương tác với nhau trong cuộc sống. Như vậy, ứng xử trên không gian mạng có sự thay đổi môi trường giao tiếp. Thay vì trò chuyện trực tiếp "mặt đối mặt" thông thường, chúng ta có thể liên lạc, nói chuyện thông qua internet. Ngoài ra, việc bày tỏ thái độ, suy nghĩ của mình trước các luồng tin, sự việc được đăng tải trên internet cũng là một phần nhỏ trong ứng xử trên mạng.
Quay trở về thế kỉ XX, báo giấy là phương tiện cập nhật và lan truyền tin tức hiệu quả nhất. Tuy nhiên, thời thế đổi thay, hiện nay, con người thường tiếp nhận thông tin từ mạng Internet. Nơi này không chỉ cung cấp nguồn tin mà còn gắn kết tất cả gần nhau. Chỉ cần một click chuột hay một cái chạm nhẹ, chúng ta dễ dàng trò chuyện, trao đổi vấn đề nào đó. Đặc biệt, cuộc sống xô bồ, bon chen làm con người trở nên bận rộn. Họ cảm thấy tương tác, giao tiếp trên mạng xã hội là phương thức đơn giản và thuận tiện nhất. Không cần ra ngoài gặp mặt, chẳng phải bon chen đông đúc, sẵn chiếc điện thoại thông minh trên tay, họ vẫn biết đến mọi chuyện bên ngoài xã hội. Việc liên lạc với người thân, bạn bè được tiến hành thông qua ứng dụng nhắn tin như: Zalo, Skype,... Từ đây, Internet giống như không gian sống thứ hai của con người với sự tham gia đông đảo ở nhiều độ tuổi. Ngày ngày, các sự kiện xảy ra trong đời sống sẽ được đăng tải lên mạng xã hội, tạo thành chủ đề bàn tán.
Rất nhiều bài viết gắn mác "hot", mang tính giật gân thu hút hàng trăm, hàng nghìn lượt xem, chia sẻ và bình luận. Các cư dân trong không gian mạng từ xa lạ đến thân quen đều hào hứng bàn tán, bày tỏ suy nghĩ. Tuy nhiên, "chín người mười ý", mỗi người đều có cái nhìn, cách đánh giá hoàn toàn khác nhau. Chính bởi vậy, trong quá trình tranh luận, một vài người bất đồng quan điểm thường buông lời xúc phạm, chửi rủa bằng ngôn từ tục tĩu, thiếu văn minh. Họ sẵn sàng "cào bàn phím", viết ra những lời lẽ thô thiển nhằm mục đích thắng được đối phương. Số khác thì lan truyền các thông tin, sự kiện không đúng sự thật để câu view, câu like. Điều này vừa gây hoang mang dư luận, vừa làm ảnh hưởng đến quyền riêng tư của người khác. Hay với các vụ việc nóng hổi, họ còn lợi dụng sức nóng rồi lôi kéo, kích động người khác công kích, tấn công cá nhân hay tổ chức nào đó.
Có nhiều nguyên nhân gây nên những hành vi tiêu cực trên đây. Trước hết, ta phải nói đến cái tôi quá cao của một số người. Khi tham gia thảo luận, các cá nhân ấy luôn cho rằng mình đúng, không chịu lắng nghe, thấu hiểu người khác mà thường bảo thủ và cố chấp. Lúc nào họ cũng tỏ vẻ "ánh mắt cao hơn cái đầu", thượng đẳng, hống hách, chẳng coi ai ra gì. Tiếp đến, việc ứng xử yếu kém trên mạng còn bắt nguồn từ các trường hợp không tỉnh táo khi phân biệt tin thật, giả. Họ dễ dàng bị người khác lôi kéo, lợi dụng làm việc xấu. Như vậy, tất cả nguyên do đều bắt nguồn từ chính chúng ta - những người đang và sẽ tiếp tục sử dụng mạng xã hội, Internet.
Để không gian mạng trở nên "trong lành", thân thiện, mỗi người cần tự ý thức được lời lẽ, phát ngôn của mình. Đứng trước vấn đề nào đó, thay vì kích động, chúng ta nên có cái nhìn tường tận, suy nghĩ cẩn thận. Khi tham gia thảo luận, chúng ta hãy bày tỏ quan điểm bằng sự thiện chí và dựa trên cơ sở tôn trọng người khác. Mỗi người nên học cách sử dụng Internet, mạng xã hội sao cho thông minh, tỉnh táo. Đừng để bản thân trở thành những "con rối" bị kẻ khác giật dây, điều khiển.
Ứng xử trên không gian mạng giống như sợi dây vô hình, kết nối con người với nhau gần hơn. Bởi vậy, để nơi đây mãi văn minh, thân thiện, tất cả phải cùng chung tay giữ gìn các giá trị tốt đẹp, loại bỏ và khai trừ những hành xử yếu kém, lệch lạc.
Trình bày ý kiến đánh giá, bình luận một vấn đề xã hội - Mẫu 4
Đầu tiên cho phép mình được gửi lời chào đến cô và các bạn. Mình tên là Ngọc Ánh. Sau đây mình sẽ trình bày cho mọi người nghe về vấn đề: Học Đại học có phải là con đường duy nhất để kiến tạo tương lai?
Đầu tiên, chúng ta hãy cùng bàn về vai trò của Đại học đối với mỗi người. Đó là nơi đào tạo cho mọi người nhiều kiến thức chuyên sâu về một lĩnh vực. Không chỉ vậy, khác biệt giữa học phổ thông với học Đại học đó là: ở phổ thông chỉ đơn giản cung cấp kiến thức, còn việc học Đại học sẽ giúp chúng ta có thêm những phương pháp tư duy, giải quyết vấn đề. Ngoài ra, những hoạt động ngoài giờ học: câu lạc bộ, tình nguyện,... sẽ giúp ta gặp gỡ, quen biết được nhiều bạn bè đến từ những vùng miền khác nhau. Vậy nên, được bước chân vào cánh cửa Đại học là ước mơ của nhiều phụ huynh và học sinh.
Mình không phủ nhận vai trò của Đại học, nhưng với mình, Đại học không phải con đường duy nhất để kiến tạo tương lai. Đó chỉ là con đường ngắn nhất mà thôi. Hiện nay, một số bạn trẻ lựa chọn học nghề như: đầu bếp, spa, pha chế,... thay vì đi học Đại học. Khi lựa chọn học những ngành nghề đó, họ được thực hành nhiều hơn. Do vậy, khi xin việc hoặc thực tập ở một số nơi, các bạn ấy tiếp thu rất nhanh và làm tốt. Ngoài ra, có một số người lựa chọn khởi nghiệp trên chính mảnh đất quê hương mình. Thực tế, họ đã đạt được những thành công rực rỡ. Chương trình thực tế "Sinh ra từ làng" đã tôn vinh rất nhiều tấm gương sáng chăm chỉ nên có thu nhập cao. Ví dụ như anh Nguyễn Duy Thiên Ân ở
Nghệ An, dù mới 28 tuổi nhưng đã sở hữu trang trại gà mang lại thu nhập rất cao.
Nói như vậy không có nghĩa là ai khởi nghiệp cũng thành công. Lựa chọn của mỗi chúng ta chỉ là bước đầu mà thôi. Điều quan trọng là khi ta chọn lựa nó ta sẽ hành động như thế nào để đạt được thành công. Mình nghĩ rằng dù học Đại học hay đi con đường khác thì cũng cần cố gắng, kiên trì, nỗ lực. Nếu bạn chưa đủ khả năng để vào được cánh cửa Đại học thì cũng đừng nản lòng bởi lẽ cuộc sống luôn còn rất nhiều lựa chọn khác. Điều quan trọng là bạn tự biết mình nên làm gì và làm như thế nào.
Trong xu thế phát triển hiện nay, người học ngày càng có nhiều hướng đi cho riêng mình. Vậy nên Đại học không phải con đường duy nhất để đi đến thành công.
Cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe. Rất mong nhận được góp ý từ mọi người.
Trình bày ý kiến đánh giá, bình luận một vấn đề xã hội - Mẫu 5
Xin chào cô và các bạn. Tôi tên là Phương Thảo. Trong buổi học ngày hôm nay, tôi sẽ nói cho mọi người nghe về vấn đề học sinh cần làm gì để bảo vệ môi trường?
Như tất cả mọi người đều biết, môi trường hiện nay đang bị ô nhiễm nặng nề. Đất là một trong các tài nguyên quý giá của con người. Tuy nhiên ngày nay, con người đã sử dụng đất trồng cây, đất gây rừng để thỏa mãn nhu cầu sống, xây dựng các công trình, khu công nghiệp, nhà máy. Vì vậy, từng mảng xanh của Trái Đất trở nên ít hơn trước. Nguồn nước cũng đang bị ô nhiễm nặng nề. Rất nhiều các khu công nghiệp nhà máy đã không chịu xử lí nước thải trước khi xả ra môi trường làm nguồn nước chúng ta bị biến chất, khó mà trở lại thành một nguồn nước sạch để chúng ta có thể sinh sống.
Hàng loạt vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường vẫn là vấn đề báo động, được quan tâm nhất hiện nay. Hậu quả của nó để rất trầm trọng, hủy hoại môi trường sống của con người và động vật, hao hụt lượng lớn tài nguyên quý giá trên Trái Đất, ngoài ra còn gây các vấn đề về bệnh tật như ung thư, hô hấp,...
Nguyên nhân chủ yếu hầu hết các vấn đề ô nhiễm môi trường chính là đến từ con người. Mọi người thường xuyên xả thải xuống dưới nước, đất vô tội vạ,... Có một số người còn nghĩ rằng đó không phải là nhà của mình, thì nơi nào họ cũng xả rác thải được, không quan tâm đến cộng đồng. Chính vì những cái suy nghĩ như vậy, đã trở thành một tấm gương không tốt cho mọi người về sau, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Đứng trước hiện trạng đó thì mỗi học sinh nên hành động như thế nào? "Tuổi nhỏ làm việc nhỏ", chúng ta hãy bắt đầu bảo vệ môi trường bằng cách dọn dẹp vệ sinh trường, lớp để mang đến không gian học tập lành mạnh. Mỗi người cần tự nâng cao ý thức bản thân, vứt rác đúng nơi quy định và dọn dẹp rác thải sau khi sử dụng. Ngoài ra, chúng ta cần hạn chế sử dụng túi nilon nên thay bằng túi giấy đựng đồ ăn hoặc túi vải để bảo vệ môi trường. Việc tiết kiệm điện và nước hàng ngày cũng là một việc làm thiết thực giúp bảo vệ môi trường sống. Đặc biệt, một việc làm cực kì có ích cho học sinh đó là trồng cây để bảo vệ môi trường.
Đứng trước thực trạng ô nhiễm môi trường hiện nay, chúng ta hãy cùng chung tay bảo vệ hành tinh của mình. Việc làm đó không phải là trách nhiệm của riêng cá nhân nào mà là của tất cả mọi người. Các hành động nhỏ nhưng được làm thường xuyên cũng sẽ góp phần rất lớn để bảo vệ môi trường.
Trên đây là bài nói của mình. Mình mong rằng qua bài nói trên sẽ giúp mọi người hiểu hơn về trách nhiệm của bản thân trong việc bảo vệ môi trường sống.