Tailieumoi.vn xin giới thiệu bài văn mẫu Giới thiệu về bức tranh Em Thúy Ngữ văn 11 Kết nối tri thức, gồm 2 bài văn phân tích mẫu hay nhất giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo trong quá trình ôn tập, củng cố kiến thức và chuẩn bị cho bài thi sắp tới.
Giới thiệu về bức tranh Em Thúy
Đề bài: Giới thiệu một tác phẩm nghệ thuật bức tranh Em Thúy
Giới thiệu về bức tranh Em Thúy - Mẫu 1
Chào thầy cô và các bạn! Tôi tên là… Sau đây, tôi xin trình bày những ý kiến của mình về bài nói và nghe: Giới thiệu tác phẩm nghệ thuật bức tranh “Em Thúy”.
Chắc hẳn bức tranh này không còn xa lạ gì với chúng ta trong môn học Mĩ Thuật hội họa, bức tranh của hoạ sĩ Trần Văn Cẩn - một hoạ sĩ bậc thầy của thế hệ họa sĩ vàng Việt Nam - người có công đặt nền móng và dẫn dắt mỹ thuật nước nhà vững bước đi lên ngay từ những ngày đầu - là bức tranh đẹp, có giá trị mỹ thuật cao hiện vẫn được trưng bày trang trọng tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Tác phẩm được hoàn thành năm 1943 với khuôn khổ 60x40 cm tính đến nay đã gần thế kỷ nhưng vẫn được đánh giá là một tác phẩm lớn. Gương mặt và tâm hồn ngây thơ hồn nhiên trong sáng của tuổi thơ đã được hoạ sĩ khắc họa thành công.
“Em Thúy” mặc bộ quần áo màu trắng ngồi tự nhiên trên chiếc ghế mây. Bờ vai nhỏ nhắn, hai bàn tay đan nhẹ vào nhau, hai cánh tay gầy thả tự nhiên trên đùi, đôi mắt mở to, trong sáng trên khuôn mặt bầu bĩnh, mũi thẳng, miệng tuơi xinh. Tất cả toát lên vẻ hồn nhiên, tự tin, trong sáng pha chút ngỡ ngàng của tuổi thơ. Khuôn mặt tươi sáng là điểm nhấn của bức tranh. Bằng lối đặc tả da thịt căng mọng mơn mởn đầy sức sống trên gương mặt cùng các nét nhấn khẳng định hình khối của đôi tay và cơ thể nhân vật, người xem cảm nhận được tình cảm của tác giả đối với tuổi thơ Việt Nam. Khi chúng ta nhìn vào bức tranh này đều có thể dễ dàng nhận thấy tâm ý của họa sĩ thông qua “em Thúy”, ông như muốn nâng niu, bảo vệ sự trong sáng hồn nhiên của con trẻ, không muốn bất cứ điều gì làm vẩn đục tâm hồn thơ ngây ấy.
Chất liệu sơn dầu dưới tài bút của hoạ sĩ đã được sử dụng một cách điêu luyện, họa sĩ sử dụng sự hài hòa giữa độ đậm nhạt sáng trắng của cả bộ quần áo với những đường cong nâu đen của chiếc ghế mây và mái tóc mềm mại của em bé lại được tôn bởi nền vàng nâu thắm chắc. Bên cạnh đó, gam màu sáng là gam màu chủ đạo của bức tranh: màu trắng lớn của bộ quần áo được nối tiếp bằng độ sáng của gương mặt thêm một lần được nhắc lại nhờ các nét và mảng trắng nhỏ hơn ở nền phía sau cùng.
Toàn bộ bức tranh toát lên vẻ trong sáng thánh thiện, hồn nhiên của tuổi thơ. Dụng ý nghệ thuật đã được lối sử dụng màu sắc tài hoa làm nổi bật chuyển tải chân xác thông tin và cảm xúc đến người xem, đồng thời nhận thấy trách nhiệm của mỗi người có trách nhiệm bảo vệ tuổi thơ, dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em.
Bài trình bày của tôi đến đây là kết thúc. Tôi xin cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe.
Giới thiệu về bức tranh Em Thúy - Mẫu 2
Chào thầy cô và các bạn!
Hôm nay, tôi xin trình bày những ý kiến của mình về bài nói và nghe: Giới thiệu tác phẩm nghệ thuật bức tranh “Em Thúy”.
Em Thúy là một bức tranh sơn dầu do họa sĩ Trần Văn Cẩn sáng tác năm 1943. Mô tả hình ảnh người cháu gái 8 tuổi của họa sĩ, bức tranh được coi là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Trần Văn Cẩn cũng như là một trong những đại diện tiêu biểu của tranh chân dung Việt Nam thế kỷ 20. Bức tranh đã được công nhận là Bảo vật quốc gia bởi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào năm 2013.
Em Thúy là chân dung chính diện một em bé gái 8 tuổi ngồi trên ghế mây, hai tay đặt trên đùi và mặc quần áo ở nhà đơn giản màu trắng. Em bé có mái tóc ngắn, hai con mắt mở to trong sáng cùng nét mặt thơ ngây. Nhân vật chính trong tác phẩm là bà Nguyễn Minh Thúy sinh năm 1935, cháu ruột gọi bằng bác của họa sĩ Trần Văn Cẩn.
Bà Minh Thúy qua đời vào tối ngày 9 tháng 7 năm 2024 tại Hà Nội, hưởng thọ 89 tuổi.
Em Thúy được coi là một trong những tác phẩm tranh chân dung thành công nhất của mỹ thuật Việt Nam thế kỷ 20. Theo nhà phê bình Thái Bá Vân, hình tượng cô bé trong Em Thúy phản ánh thế giới nội tâm của Trần Văn Cẩn vào những năm 1940 khi họa sĩ mang nhiều nỗi niềm trước công cuộc Âu hóa ở Việt Nam. Theo người phục chế bức tranh là Caroline Fry thì Em Thúy thể hiện một gương mặt giản dị nhưng đáng yêu, hiện thân của tuổi trẻ, với đôi mắt đầy tin tưởng như muốn giao tiếp với mọi người, bức tranh cũng thể hiện ảnh hưởng từ phong cách dùng bố cục không đối xứng của họa sĩ người Pháp Henri Matisse.
Lấy cảm hứng từ Em Thúy, một người Anh là Paul Zetter đã sáng tác bản nhạc Khúc minuet dành cho Em Thúy (Little Thúy Minuet), cũng chính ông là người đã giúp mời Caroline Fry bảo quản phục chế lại Em Thúy.
Bài trình bày của tôi đến đây là kết thúc. Tôi xin cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe.