TOP 10 bài Giới thiệu tác phẩm nghệ thuật Thời gian 2024 SIÊU HAY

2.5 K

Tailieumoi.vn xin giới thiệu bài văn mẫu Giới thiệu tác phẩm nghệ thuật Thời gian Ngữ văn 11 Kết nối tri thức, gồm 2 bài văn phân tích mẫu hay nhất giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo trong quá trình ôn tập, củng cố kiến thức và chuẩn bị cho bài thi sắp tới. 

Giới thiệu tác phẩm nghệ thuật Thời gian

Đề bài: Giới thiệu một tác phẩm nghệ thuật Thời gian

TOP 10 bài Giới thiệu tác phẩm nghệ thuật Thời gian 2024 SIÊU HAY (ảnh 1)

Giới thiệu tác phẩm nghệ thuật Thời gian - Mẫu 1

V. Shklovski cho rằng đặc trưng của nghệ thuật là sự “lạ hóa”. Theo ông, nghệ sĩ đã sáng tạo ra những cách diễn đạt mới lạ để làm cho từ ngữ được “phục sinh” dưới hình thức mới. Nhờ đó, mỗi lần tiếp cận tác phẩm văn chương, bạn đọc khám phá thêm một chân trời ngôn ngữ mới lạ. Ngày nay, thuật ngữ “lạ hóa” được mở rộng nghĩa. Người ta nghiên cứu những cách ngắt nhịp bất thường, lối vắt dòng đặc biệt trong thơ văn, các phương tiện và biện pháp tu từ như hài thanh, chơi chữ, đảo ngữ… Chúng ta cũng có thể thấy rõ thủ pháp này trong bài “Thời gian” của Văn Cao.

Theo hình thức cấu trúc thông thường, mỗi đoạn thơ có bốn câu và tổng số câu trong bài là số chẵn (4, 8, 16…). Nhưng bài “Thời gian” của Văn Cao không theo quy luật chung đó. Số câu trong mỗi đoạn không ổn định, đoạn đầu bốn câu và đoạn cuối ba câu. Số câu trong mỗi đoạn theo hướng giảm dần. Đó là cái lạ của bài thơ, xét về cấu trúc đoạn và văn bản.

Toàn bài thơ có 12 dòng nhưng không hẳn là 12 câu vì nó có những câu vắt qua nhiều dòng. Ví dụ: “Rơi / như tiếng sỏi/ trong lòng giếng cạn” (Ba dòng nhưng chỉ có một câu). Hay “ Riêng những câu thơ / còn xanh” (Hai dòng nhưng chỉ một câu). Cũng có thể hiểu 12 dòng ấy chỉ có một câu vì toàn bộ bài thơ không có dấu chấm cuối câu. Đó là một cấu trúc mơ hồ khó hiểu.

Theo chuẩn ngữ pháp thông thường thì mỗi câu phải đảm bảo được đầy đủ hai thành phần nòng cốt của câu, đó là chủ ngữ và vị ngữ. Nhưng trong bài “Thời gian” của Văn Cao, phần lớn là câu đặc biệt hoặc không xác định được thành phần nòng cốt của câu. Có câu theo cấu trúc đặc biệt như: “ Rơi”. Có câu không xác định được thành phần nòng cốt: “Làm khô những chiếc lá”. Câu này có thể hiểu là chỉ có vị ngữ (cần thêm vào chủ ngữ: “cơn gió…”. Cũng có thể hiểu câu này chỉ có chủ ngữ (cần thêm vị ngữ : “đang xanh tươi”). Tuy nhiên có câu có đầy đủ cả chủ ngữ và vị ngữ nhưng vẫn mơ hồ. Chẳng hạn như câu: “ Thời gian qua kẽ tay”. Đối với Văn Cao thời gian không vô hình mà là một khối vật chất có thể cân đo đong đếm, có thể cầm được trên tay. Đó là hình tượng ẩn dụ có tính khái quát cao, hé mở một góc nhìn về thời gian vào cuộc sống nghiệt ngã của đời người mà ai cũng phải trải qua, đấy là quy luật của sinh và tử.

Nhịp điệu của câu thơ cũng lạ thường và rất linh hoạt. Chẳng hạn như : “Rơi / như / tiếng sỏi / trong lòng giếng cạn.” Có thể ngắt nhịp cho câu này là 2/2/4. Nhưng tác giả lại ngắt câu này thành ba dòng đưa “tiếng sỏi và trong lòng giếng cạn” xuống hàng thành từng dòng riêng nhấn mạnh tiếng rơi của hồi ức khô khốc nặng nề, đó là tiếng rơi kỷ niệm chẳng hề êm dịu nếu như không muốn nói rằng đó là tiếng rơi chát đắng của dĩ vãng xuống nền hiện tại cằn cỗi. Câu “Rơi” chỉ có một âm tiết, đứng thành một dòng riêng để nhấn mạnh ý, tạo ra một nhạc điệu đặc biệt. Mấy câu thơ cứ nặng dần, nặng dần và bị chia cắt bởi lối xuống dòng bất chợt. Hình như có cái gì đó không được trôi chảy, hanh thông và biết đâu trong đấy còn những trắc ẩn chìm khuất chưa được giãi bày. 

Ngoài ra Văn Cao còn dùng thủ pháp “lạ hóa” từ ngữ, cú pháp. Cấu trúc của thơ không chỉ thể hiện ở bề mặt văn bản mà còn thể hiện ở tầng sâu ngữ nghĩa của nó. Bài thơ “Thời gian” cũng vậy, điều tác giả muốn nói đều nằm ở bên ngoài con chữ, phía sau những hình ảnh do con chữ tạo ra. Để thấy được cấu trúc phức tạp của bài thơ, ta hãy xem đoạn đầu của bài thơ. Bốn câu thơ đầu nói lên sức mạnh tàn phá của thời gian. Thời gian để lại dấu ấn trên ta với những đổi thay về thể xác, tâm hồn qua mỗi chặng đời tựa sự an bài không gì cưỡng lại được. Điều ấy, được diễn đạt ở bài thơ này thật giản dị với những thi ảnh, âm thanh không hề xa lạ cao siêu với chúng ta: Thời gian qua kẽ tay / Làm khô những chiếc lá / Kỷ niệm trong tôi / Rơi / Như / tiếng sỏi / trong lòng giếng cạn. Thời gian trôi chảy từ từ, nhẹ, im, tưởng như yếu ớt, thời gian cứ từ từ trôi  “qua kẽ tay”  và âm thầm “làm khô những chiếc lá”. “Chiếc lá” vừa có nghĩa thực, cụ thể vừa có nghĩa bóng, ẩn dụ. Nó vừa là chiếc lá trên cây, mới hôm này còn xanh tươi sự sống thế mà chỉ một thời gian lọt “qua kẽ tay”, là lá đã chết. Nó vừa là những chiếc lá cuộc đời trên cái cây cuộc sống mà khi thời gian trôi đi, sự sống cứ rụng dần như những chiếc lá. Chiếc lá hay chính là những mảnh đời đang trôi đi theo nhịp thời gian ? Những chiếc lá khô, những cuộc đời ngắn ngủi và những kỉ niệm của đời người cũng sẽ bị rơi vào quên lãng (hòn sỏi rơi vào lòng giếng cạn đầy bùn cát thì chẳng có tiếng vang gì cả). Như thế cuộc đời và những kỉ niệm đều nhạt dần và tàn phai theo thời gian. Những kỉ niệm trong đời thì “Rơi / như tiếng sỏi / trong lòng giếng cạn”. Thật nghiệt ngã. Đó là quy luật băng hoại của thời gian.

Cuộc sống của mỗi người có hạn, sự sống luôn tiếp diễn. Ý nghĩa của cuộc sống ở đâu, người đi trước tồn tại ở người đi sau cái gì? Đó là điều trăn trở muôn thuở của nhân loại. Văn Cao gói gọn quan niệm của mình qua 3 câu thơ cuối của bài “ thời gian”.

Thế nhưng trong cuộc sống vẫn có những điều tồn tại mãnh liệt với thời gian, đó là:

Riêng những câu thơ

còn xanh

Riêng những bài hát

còn xanh

Vấn đề ở đây là ai cũng nhận ra quy luật ấy nhưng không phải ai cũng có thể làm cho mình bất tử cùng thời gian. Vậy mà cũng có những giá trị mang sức sống mãnh liệt chọi lại với thời gian, bất tử cùng thời gian. Đó là sức mạnh vượt thời gian của thi ca và âm nhạc (hiểu rộng ra là nghệ thuật). Dĩ nhiên là “những câu thơ”,“những bài hát”, những tác phẩm nghệ thuật đích thực, đó là những hình ảnh ẩn dụ gợi lên những sáng tạo nghệ thuật làm giàu đẹp cho tâm hồn con người, đồng thời khẳng định sự bất tử của nghệ thuật. Tại sao tác giả lại dùng từ “xanh” để lặp lại mà không dùng từ khác chẳng hạn như: đỏ, hồng,…Bởi lẽ “xanh” là sự xanh tươi, luôn mới mẻ và sẽ trường tồn với thời gian. Biện pháp điệp ngữ “xanh” được láy lại như “chọi” lại với chữ “khô” trong câu thứ nhất nhầm nhấn mạnh thái độ thách thức chống lại tác động của thời gian và nói lên sự tồn tại mãi mãi với thời gian. Đó là nghệ thuật khi đã đạt đến độ kết tinh xuất sắc sẽ tươi xanh mãi mãi, bất chấp thời gian.

Bài thơ khép lại bằng câu thơ đầy xúc động:

Và đôi mắt em

như hai giếng nước

Câu kết thật bất ngờ thể hiện vẻ đẹp, ý nghĩa và sức sống của những kỉ niệm tình yêu: Đôi mắt em mang nghĩa ẩn dụ cho những kỉ niệm đẹp của tình yêu được so sánh với hai giếng nước, gợi vẻ đẹp, chiều sâu, sự trong mátngọt lành. Tác giả thật tinh tế khi so sánh đôi mắt như hai giếng nước, điều đó đã gợi lên được sự trong trẻo, trong sáng và sẽ luôn đồng hành cùng với thời gian. Những kỉ niệm đẹp đẽ ấy sẽ còn đọng lại mãi trong tâm hồn và bất chấp thời gian.

Bút pháp “lạ hóa” được sử dụng nhiều trong thơ ca, nó không chỉ lạ hóa ở hình ảnh mà còn ở ngôn ngữ. Cấu trúc của ngôn ngữ thơ đa phần rất khác biệt so với lời nói thông thường. Bài thơ “Thời gian” của Văn Cao gợi cho ta các thủ thuật làm thơ và đọc thơ. Văn Cao đã dùng các hình thức ngôn từ mang nhiều tầng nghĩa tượng trưng kết hợp với rất nhiều biện pháp tu từ và đặc biệt là cách ngắt dòng, ngắt nhịp sáng tạo mới lạ để nêu lên vấn đề về thời gian trong cuộc sống của con người. Thời gian trôi qua rất nhanh và không bao giờ dừng lại, thời gian từ từ lặng lẽ tàn phá dần từng phần cuộc đời của con người. Chỉ có văn học nghệ thuật và những kỉ niệm đẹp về tình yêu là có sức sống lâu dài và không bị thời gian hủy hoại. Và chính cách dùng từ ngữ thể hiện tầng sâu ngữ nghĩa đã làm cho người đọc tham gia khám phá, giả mã và cảm thấy hứng thú. Qua đó người đọc nhận ra rằng, cần phải có niềm tin tưởng và thái độ trân trọng văn học nghệ thuật và tình yêu đôi lứa.

Giới thiệu tác phẩm nghệ thuật Thời gian - Mẫu 2

Chào thầy cô và các bạn! Tôi tên là… Sau đây, tôi xin trình bày những ý kiến của mình về bài nói và nghe: Giới thiệu tác phẩm nghệ thuật “Thời gian”.

Bài thơ Thời gian ra đời vào mùa xuân năm 1987. Lúc này nhạc sĩ / thi sĩ Văn Cao đã để lại phía sau cuộc đời mình với biết bao trải nghiệm vui buồn... Dù chỉ có 7 câu, 12 dòng, 42 chữ, nhưng chất triết luận cùng những thông điệp mang ý nghĩa nhân sinh sâu sắc của bài thơ đã lắng lại trong tâm hồn người đọc, gợi nhiều suy ngẫm về con người và cuộc sống, mặc cho dòng thời gian trôi chảy không ngừng.  

Mở đầu bài thơ ta bắt gặp một hình ảnh được “lạ hóa”: Thời gian qua kẽ tay – hình ảnh thơ gợi liên tưởng đến sự tương phản giữa cái hữu hình và vô hình, cái hữu hạn và vô hạn. Như một tất yếu, sự hiện hữu của thời gian trong cuộc đời mỗi người là hữu hạn, bởi thời gian ấy so với cái “vô thủy vô chung” của vũ trụ thì hư ảo, mong manh, ngắn ngủi vô cùng!  Chính vì vậy, thi nhân tự bao đời đã ngậm ngùi xa xót trước bước đi của thời gian và sự vô nghĩa của phận người... nên Nguyễn Gia Thiều đã cảm nhận đầy chua chát trong Cung oán ngâm khúc nổi tiếng của ông:

“Trăm năm nào có gì đâu

Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì”

Như một quy luật hiện sinh, thời gian qua đi là miên viễn không bao giờ trở lại. Sự nghiệt ngã ấy chính là bi kịch của phận người, con người không thể nào nắm giữ, níu kéo được được thời gian. Triết gia Heraclite đã xác quyết: “không ai có thể tắm hai lần trên cùng dòng sông”, cuộc đời mỗi người không thể sống hai lần…Mỗi bước đi, thời gian luôn làm biến đổi từng sát na hiện hữu, sức tàn phá của thời gian là khôn lường:

Làm khô những chiếc lá

Kỷ niệm trong tôi

Rơi

như tiếng sỏi

trong lòng giếng cạn

Những chiếc lá xanh rồi cũng tàn tạ theo thời gian. Những được mất trong cuộc đời rồi cũng nhạt nhòa theo năm tháng. Có chăng, cái còn lại trong cuộc đời này là giọt giọt những kết tinh kỷ niệm…những kỷ niệm – như hạt ngọc quý giá ngày càng lắng sâu trong tâm thức khi con người ngày càng chạm đến cõi vĩnh hằng. Và những kỷ niệm ấy rồi sẽ theo con người lìa xa cõi sống để sang phía bên kia miền miên viễn…mọi ái, ố, hỉ, nộ rồi cũng sẽ tan biến theo dòng chảy của thời gian… Bài thơ, vì thế, đã thức nhận cho chúng ta cái ý nghĩa nhân sinh tưởng như bình thường mà không phải ai cũng nhận biết được khi con người luôn đắm chìm trong quá nhiều tham vọng của cuộc sống…Ý niệm về thời gian trong bài thơ của Văn Cao, vì thế mang tư tưởng hiện sinh tích cực. Thông điệp toát lên từ hình tượng nghệ thuật của bài thơ mang giá trị nhân văn sâu sắc: khi nhận thức được qui luật nghiệt ngã của thời gian con người phải biết trân quý sự hiện hữu của mình. Chúng ta phải làm thế nào để mỗi phút giây hiện hữu của đời người là mỗi phút giây sống chứ không phải là tồn tại!? Câu hỏi đầy tính chất tự vấn này sẽ không bao giờ là điều xưa cũ trong tâm thức hiện sinh của nhân loại trên con đường khám phá những giá trị vĩnh hằng để vượt qua sự khắc nghiệt của thời gian. Vậy những giá trị vĩnh hằng chỉ có thể là gì? Văn Cao – người nghệ sĩ đích thực, với cảm thức tinh tế trên từng bước đi của thời gian đã khẳng định một hệ giá trị mà ở đó sự tàn phá của thời gian cũng không thể làm mất đi phẩm tính của nó. Đó là:

Riêng những câu thơ

còn xanh

Riêng những bài hát

còn xanh

Và đôi mắt em

như hai giếng nước

Trong dòng chảy nghiệt ngã của thời gian, mọi sự vật, hiện tượng có thể lụi tàn và tan biến vào hư không. Nhưng có những giá trị không thể mất mà mãi mãi “còn xanh”, đó là những giá trị thuộc về nghệ thuật và cái đẹp được kết tinh từ những câu thơ, những bài hát và đặc biệt là từ đôi mắt em. Âm hưởng bài thơ chuyển đổi bất ngờ: từ trầm buồn, u uẩn sang thanh thoát, thổn thức, mơ màng; hình ảnh thơ mang ý nghĩa biểu tượng cao. Từ “riêng”  được lặp đi lặp lại vừa như muốn minh định, vừa như muốn xác quyết một chân lý muôn đời không thể phủ định: Nghệ thuật và Tình yêu luôn khác biệt và luôn vượt lên mọi thứ tầm thường, tự thân nó luôn mang một sức mạnh trường tồn, vĩnh cửu bởi nó là hiện thân của cái Đẹp. Điều này quả đúng như Cyprian Norwid đã nói: “Thế giới này rốt cuộc chỉ còn lại hai thứ, chỉ hai thứ thôi: Thi ca và lòng nhân ái... không còn gì khác”...Câu kết của bài thơ để lại một dư âm da diết nhưng không bi lụy: Và đôi mắt em / như hai giếng nước… Đôi mắt em phải chăng là nơi Tình yêu bắt đầu và cũng là nơi Tình yêu mãi mãi lên ngôi…!

Thời gian dẫu vẫn trôi “qua kẽ tay” nhưng bài thơ Thời gian của cố nhạc sĩ / thi sĩ Văn Cao vẫn nguyên xanh trong lòng bạn đọc. Độ nén, sự giản dị, hàm súc của câu chữ trong bài thơ cho thấy sự tài hoa và tinh tế của một thi sĩ tài năng. Vì vậy, tôi tin, những thông điệp nhân văn vang lên từ bài thơ vẫn luôn vẫy gọi các thế hệ bạn đọc tri âm, đồng sáng tạo cùng tác giả. Và đây cũng là một hệ giá trị để bài thơ vượt lên qui luật khắc nghiệt của thời gian, mãi mãi tồn sinh như sự vĩnh hằng của Nghệ Thuật – Tình Yêu và Cái Đẹp....

Bài trình bày của tôi đến đây là kết thúc. Tôi xin cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe.

TOP 10 bài Giới thiệu tác phẩm nghệ thuật Thời gian 2024 SIÊU HAY (ảnh 2)

Đánh giá

0

0 đánh giá