TOP 10 bài Thuyết trình về tác phẩm văn học yêu thích 2024 SIÊU HAY

15.8 K

Tailieumoi.vn xin giới thiệu bài văn mẫu Thuyết trình về tác phẩm văn học yêu thích Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo gồm các bài văn phân tích mẫu hay nhất giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo trong quá trình ôn tập, củng cố kiến thức và chuẩn bị cho bài thi sắp tới. 

Thuyết trình về tác phẩm văn học yêu thích

Đề bài: Thuyết trình về tác phẩm văn học yêu thích

Dàn ý Thuyết trình về tác phẩm văn học yêu thích

1. Mở bài:

+ Giới thiệu tác phẩm (tên tác phẩm, tác giả) cần thuyết minh

+ Nêu khái quát về chủ đề và một vài nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm.

2. Thân bài:

+ Nêu chủ đề của tác phẩm cần thuyết minh

+ Chỉ ra và phân tích tác dụng của một vài nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm.

3. Kết bài:

+ Khẳng định lại chủ đề và giá trị của một vài nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm.

+ Nêu suy nghĩ/ cảm xúc về tác phẩm, chia sẻ bài học rút ra cho bản thân.

Thuyết trình về tác phẩm văn học yêu thích - Mẫu 1

Tố Hữu là nhà thơ lớn của nền thơ hiện đại Việt Nam. Với bảy tập thơ lớn, thơ ông được xem là biên niên sử bằng thơ của cách mạng Việt Nam. Đối với Tố Hữu, con đường thơ ca cũng là con đường cách mạng. Thơ ông song hành với con đường cách mạng và phản ánh những chặng đường cách mạng quan trọng của dân tộc. Bài thơ Nhớ đồng là nỗi niềm thương nhớ đồng quê, cảnh vật con người, đồng bào đồng chí của người tù cộng sản trẻ tuổi trong những ngày tháng bị giam ở nhà lao Thừa Thiên Huế.

Tháng 7 năm 1939 Tố Hữu bị thực dân Pháp bắt và giam tại nhà tù Thừa Thiên Huế. Tuy bị giam cầm trong tù ngục nhưng ông vẫn làm thơ. Bài thơ Nhớ đồng được sáng tác trong hoàn cảnh đó và được trích trong tập thơ: Từ ấy trong phần xiềng xích. Đây là một bài thơ tiêu biểu của tập thơ Từ ấy.

“Cô đơn thay là cảnh thân tù/ Tai mở rộng và lòng sôi rạo rực..” đó là cảm giác rõ nhất khi Tố Hữu bị bắt, cách biệt với cuộc sống bên ngoài. Vì vậy một âm thanh, một tiếng động nào bên ngoài dội vào cũng gợi lên trong lòng nhà thơ một nỗi nhớ da diết khôn nguôi. Không phải là tiếng chim tu hú khắc khoải gọi hè như trong bài thơ Khi con tu hú, mà là một tiếng hò quen thuộc của đồng quê:

Gì sâu bằng những trưa thương nhớ

Hiu quạnh bên trong một tiếng hò!

Bài thơ gợi từ tiếng hò thân thuộc trở thành điệp khúc trở đi trở lại: Nỗi thương nhớ; nỗi hiu quạnh. Bằng cách lặp đi lặp lại 4 lần hình ảnh một tiếng hò nhà thơ đã nói lên được sự đồng cảm với tâm trạng cô đơn, cảm giác lạnh lẽo của người tù.

Tiếng hò như một điểm nhấn gợi nhớ, khiến cho bao nhiêu hình ảnh quen thuộc của đồng quê hiện về:

Đâu gió cồn thơm đất nhả mùi

Đâu ruồng che mát thở yên vui

Đâu từng ô mạ xanh mơn mởn

Đâu những nương khoai ngọt sắn bùi?

Âm thanh tiếng hò gợi nhớ về quê hương. Thế giới bên ngoài là đồng quê, hình ảnh con ngư­ời, mùi hư­ơng, màu sắc, âm thanh. Đó là những hình ảnh thân thuộc, da diết của quê hương, xứ sở. Trong xa cách, nỗi nhớ của nhà thơ dường như da diết hơn. Trong xa cách, hình ảnh, mùi vị, âm thanh, màu sắc của quê hương càng trở nên gần gũi lạ thường.

Nỗi nhớ đồng quê ấy còn là nỗi nhớ con người lao động – những người dân quê cần cù, chất phác, quen “dãi gió dầm mưa”, “hiền như đất”, “rất thật thà”:

Đâu những lưng cong xuống luống cày

Mà bùn hy vọng nức hương ngây

Và đâu hết những bàn tay ấy

Vãi giống tung trời những sớm mai?

Đó là những người dân cày quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Đó người nông dân với luống cày vất vả, gian nan, lưng còng theo năm tháng. Thế nhưng, ở họ, toát lên một vẻ đẹp sáng ngời của phẩm chất trong sáng, dù có ở trong bùn đen nhưng vẫn nức hương. Chính họ, chính những người lao động chân chất thôn quê ấy còn là những người gieo những tia hi vọng vào tương lai.

Nhà thơ tiếp tục nỗi nhớ của mình với các hình ảnh: sương, lúa, tiếng xe lùa nước, giọng hò. Tất cả đều là hình ảnh, âm thanh thân thuộc của đồng quê. Và nhà thơ nhớ da diết những hình ảnh ấy. Từ nỗi nhớ ấy, nghĩ về cảnh tù đày của bản thân, một chút chạnh lòng chợt len lỏi trong tâm khảm nhà thơ cách mạng:

Đâu dáng hình quen, đâu cả rồi

Sao mà cách biệt, quá xa xôi

Chao ôi thương nhớ, chao thương nhớ

Ôi mẹ già xa đơn chiếc ơi!

Tất cả những gì quen thuộc nhất, thân thương nhất, nhưng giờ đây “đâu cả rồi”. Một câu hỏi lớn vang lên không lời đáp như là một nhát dao đâm vào lòng người tù, trở nên đau đớn, xót xa. Giờ đây, khi ở trong lao, mọi thứ đã cách biệt và trở nên xa xôi hơn bao giờ hết. Chao ôi thương nhớ, điệp khúc lặp lại hai lần trong câu thơ đã thể hiện nỗi nhớ da diết khôn nguôi của nhà thơ. Và trong nỗi nhớ thương ấy, hiện lên hình ảnh người mẹ già – người mà tác giả nhớ nhất trong nỗi nhớ của mình.

Mạch thơ tiếp diễn với nỗi nhớ thương da diết, dâng trào. Khi người ta nhớ, người ta thương mà không được nhìn, không được ngắm, không được trở về để yêu thương thì càng khiến con người thêm day dứt, thêm cồn cào ruột gan. Và sau những thoáng buồn thương cho cảnh ngộ của mình trong tù, người chiến sĩ thiết tha yêu cuộc sống lại kiên trì – đấu tranh với những giây phút yếu mềm để vượt lên. Anh nhớ lại hình ảnh của chính mình của “những ngày xưa”, từ cái thời “băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời”, “theo mãi vòng quanh quẩn” để có ngày đến với cách mạng, gặp gỡ lí tưởng cộng sản. Và thế là người tù lại khát khao tự do, thèm muốn được thoát khỏi lao tù để lại được dấn thân vào trường tranh đấu vì sự nghiệp cách mạng.

Rồi một hôm nào, tôi thấy tôi

Nhẹ nhàng như con chim cà lơi

Say hương đồng vui ca hát

Trên chín tầng cao bát ngát trời

Hình ảnh con chim sơn ca như là một biểu tượng cho ước muốn được tung bay trên bầu trời tự do bát ngát, được trở lại với hoạt động trong lòng dân, được trở về với cuộc sống con người tự do. Đây là tâm trạng vui nhất của người chiến sĩ trong tù.

Diễn biến tâm trạng của tác giả trong bài thơ được thể hiện khá chân thực, trọn vẹn và liền mạch. Nỗi nhớ được đánh thức từ một “tiếng hò đưa hố não nùng”. Tiếng hò gợi dậy thế giới đồng quê bên ngoài từ cảnh sắc đến những dáng hình quen thuộc. Rồi nhớ về những ngày còn được thỏa sức hoạt động cho cách mạng, cuối cùng lại trở lại thực tại đau thương của cảnh nhà tù và khát vọng muốn được tự do, được cống hiến. Cả bài thơ thấm đượm nỗi nhớ thương da diết, khôn nguôi; khiến độc giả thêm cảm phục hình ảnh người chiến sĩ cách mạng – nhà thơ Tố Hữu.

TOP 10 bài Bài thuyết trình về tác phẩm văn học yêu thích 2023 SIÊU HAY (ảnh 1)

Thuyết trình về tác phẩm văn học yêu thích - Mẫu 2

Tố Hữu - một nhà thơ cách mạng nổi tiếng, ông được kết nạp đảng năm 1938 thì đến năm 1939 trong quá trình hoạt động đã bị bắt giam tại nhà lao Thừa Phủ, hoạt động cách mạng hăng say và nhiệt huyết là thế nhưng lại bị bắt giam nên trong quá trình bị giam cầm ông đã sáng tác một tập thơ mang tên "Từ ấy", bài thơ "Nhớ đồng" nằm trong phần "Xiềng xích" của tập thơ nói về tâm trạng nhớ quê hương, cách mạng của ông những ngày tháng sống trong trại giam.

Trong hoàn cảnh bị giam cầm tù hãm, người chiến sĩ cộng sản không tránh khỏi những u buồn, nhớ thương, chính tiếng hò vang vọng đâu đó đã đánh thức và khơi dậy nỗi niềm nhớ thương của người tù. Giữa không gian đồng không mông quạnh trưa nắng, một con người lẻ loi, cô độc đang bị giam cầm tách biệt với cuộc sống bên ngoài.

"Gì sâu bằng những trưa thương nhớ
Hiu quạnh bên trong một tiếng hò"

"Gì sâu bằng" ấy là nói về nỗi nhớ sâu thẳm trong cõi lòng tác giả, điệp từ "đâu" ở đầu suốt năm câu thơ như là nỗi day dứt tìm kiếm trở về với cuộc sống khi xưa, tìm kiếm sự yên bình nơi quê hương trong sự ngậm ngùi:

"Đâu gió cồn thơm đất nhả mùi...
Đâu những đường con bước vạn đời"

Bức tranh cuộc sống sinh hoạt làng quê thân thương và rất đỗi bình dị hiện ra trước mắt người tù cộng sản, chỉ là tưởng tượng thôi nhưng nó sống động và tuyệt đẹp, giàu xúc cảm biết bao. Không chỉ là cảnh đồng lúa, khóm tre, nương rẫy hay những mái nhà tranh, ở trong tâm tưởng của nhà thơ còn có con người, những người nông dân cơ cực vất vả nhưng ấm áp tình người.

"Đâu những lưng cong xuống luống cày...
Đâu dáng hình quen, đâu cả rồi...
Ôi mẹ già xa đơn chiếc ơi"

Đâu đó còn là bóng dáng của người mẹ thương nhớ càng siết chặt thêm nỗi khắc khoải khôn nguôi của nhà thơ, tác giả như chìm đắm, say trong những cơn nhớ nhung không dứt "Chao ôi thương nhớ, chao thương nhớ..." từng lời như đang than thở vì sự bất khả kháng với hoàn cảnh của chính mình, không thể thoát ra để giải tỏa nỗi lòng. Người chiến sĩ trẻ nhớ về những ngày đầu đến với lý tưởng cách mạng và thời hoạt động cách mạng tự do của mình:

"Đâu những ngày xưa, tôi nhớ tôi...
Trên chín tầng cao bát ngát trời"

Trước là nhớ về quá khứ tối tăm ngột ngạt của mình để như khẳng định hơn sự sáng suốt và đúng đắn, niềm hạnh phúc khi tìm được lý tưởng cách mạng, và rồi tác giả tự cho mình những giây phút say trong niềm khao khát hoạt động cách mạng ấy, tâm trạng u buồn bỗng nhiên được tưới mát trở nên vui vẻ và phấn chấn hơn, "Nhẹ nhàng như con chim cà lơi", cánh chim tượng trưng cho sự tự do tự tại và tác giả đang ví mình là những con chim đó, say trong đồng hương nắng như chính người chiến sĩ say trong hoạt động cách mạng. Nhưng dù có cố gắng cách mấy nhà thơ cũng không tránh khỏi sự đối mặt với thực tại bị giam hãm trong lao tù, hai câu thơ kết lặp lại y nguyên hai câu thơ đầu, nhấn mạnh sự bất lực, bế tắc không có lối thoát. Mặc dù vậy tư tưởng hướng về quê hương và cách mạng vẫn còn đó, khát vọng về một ngày được tự do được hoạt động cách mạng vẫn luôn cháy bỏng trong trái tim người tù cộng sản.

Qua bài thơ "Nhớ đồng" người đọc không chỉ cảm nhận được một tình yêu quê hương tha thiết của Tố Hữu mà còn thấy hiện lên một người chiến sĩ cộng sản yêu lý tưởng cách mạng, yêu đất nước và khát vọng tự do hành động, hy sinh vì Tổ quốc.

Thuyết trình về tác phẩm văn học yêu thích - Mẫu 3

Tác phẩm “Những chiếc lá thơm tho” là một bức tranh sống động về quãng thời gian đáng nhớ trong sân vườn của tác giả. Nó không chỉ là một bài thơ, mà còn là những kí ức tươi đẹp về người bà và những chiếc lá thơm đầy ý nghĩa. Tác giả kể lại những kỷ niệm đáng quý từ tuổi thơ và những chiếc lá đã gắn liền với mỗi khoảnh khắc đáng nhớ ấy.

Trong những chiếc lá ấy, tác giả thấy hình ảnh bà, người bà yêu thương và chăm sóc cháu trong suốt thời gian tuổi thơ. Những chiếc lá thơm đó không chỉ là món quà vật chất, mà còn là biểu tượng của tình cảm và quan tâm sâu sắc mà bà dành cho cháu. Tại những thời điểm khi tác giả ốm, bà đã biết cách tận tâm nấu nước xông bằng những chiếc lá đó để giúp cháu nhanh chóng hồi phục. Dù sau này có nhiều phương pháp điều trị hiện đại và thuốc tân dược, nhưng tác giả luôn cảm thấy rằng không có điều gì có thể thay thế được mùi thơm và sự quan tâm từ những chiếc lá mà bà đã dành cho mình.

Những chiếc lá ấy đã thấm đẫm tình thương của bà và trở thành một phần của ký ức tuổi thơ của tác giả. Mỗi lần nhớ về bà, tác giả cảm nhận được mùi thơm dịu dàng và tình yêu thương đong đầy trong trái tim mình. Bà không chỉ tặng những chiếc lá cho tác giả mà còn dành chúng cho người bạn đời của bà. Bằng cách đó, bà muốn thể hiện tình cảm và sự trân trọng của mình đến ông, người bạn đời đã đi cùng bà suốt cuộc đời.

Và khi ông ra đi, bà đã chuẩn bị tất cả mọi thứ một cách chu đáo nhất để đảm bảo rằng ông sẽ có một hành trình cuối đẹp đẽ và êm ấm. Bà đã phơi khô những chiếc lá thơm đó, lặng lẽ và chăm chỉ, để ông có thể nằm trên những hương thơm ấy, đồng thời cảm nhận được tình cảm sâu sắc và yêu thương mà bà luôn dành cho ông. Bà đã tạo ra một không gian ấm áp và đầy ý nghĩa để ông có thể ra đi một cách thanh thản.

Tác phẩm này thể hiện sự tôn trọng, tình cảm chân thành và sự quan tâm của người bà trong cuộc sống của tác giả. Nó là một bức tranh tình thương đẹp đẽ và sâu sắc, khắc sâu vào trí nhớ và trái tim của tác giả suốt đời.

TOP 10 bài Bài thuyết trình về tác phẩm văn học yêu thích 2023 SIÊU HAY (ảnh 2)

Thuyết trình về tác phẩm văn học yêu thích - Mẫu 4

Bài thơ Trong lời mẹ hát của Trương Nam Hương đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng. Ở những dòng thơ đầu, tác giả nhắc lại về tuổi thơ đầy thơ mộng, ngọt ngào. Bất cứ đứa trẻ nào cũng đều được lớn lên trong vòng tay của mẹ. Lời ru, cùng với truyện cổ tích qua lời kể của mẹ trở nên ngọt ngào hơn. Từng nhịp võng đưa con vào giấc ngủ, đưa con đi cùng đất nước. Trong lời ru của mẹ, con đã gặp hình ảnh quen thuộc của làng quê. Đó là cánh đồng xanh mướt, cánh cò trắng bay lượn. Hay những màu vàng của hoa mướp, con gà cục tác, lá chanh. Đó còn là lũy tre huyền thoại, dây trầu, vầng trăng hay hương cau. Tất cả đều mang hồn của quê hương thân thuộc. Đặc biệt nhất, hình ảnh người mẹ hiện lên đầy xúc động. Mẹ xuất hiện với công việc giã gạo đầy vất vả. Hình ảnh tấm áo bạc phếch cho thấy cuộc đời lam lũ, nhọc nhằn của mẹ. Để từ đó, người con bộc lộ nỗi thương xót, thấu hiểu. Thời gian chảy trôi qua tóc mẹ, làm cho mái tóc xanh mượt ngày nào của mẹ giờ đây trở nên bạc trắng. Cuộc đời vất vả đã đè nặng trên đôi vai mòn mỏi của mẹ, khiến cho người con đi làm không khỏi xót xa. Ở khổ thơ cuối, người con đã bộc lộ những tình cảm chân thật của mình dành cho người mẹ. Lời ru của mẹ chính là sức mạnh, chắp cánh cho con bay xa hơn. Dù có bay xa đến đâu, mẹ vẫn dõi theo con, động viên và chờ đợi con trở về trong vòng tay âu yến. Bài thơ Trong lời mẹ hát thật giàu cảm xúc, gợi ra một tình mẫu tử đẹp đẽ và chân thành.

Thuyết trình về tác phẩm văn học yêu thích - Mẫu 5

Bài thơ “Chái bếp” của Lý Hữu Lương đã đưa em về với thế giới tuổi thơ, với chái bếp vương khói đong đầy những kỉ niệm ấm áp. Những nhung nhớ ùa về, cùng với những kỉ niệm không quên của tác giả khiến hình ảnh chái bếp hiện lên chân thật làm sao.

Chái bếp là một bài thơ bảy chữ gồm năm đoạn văn. Hai đoạn đầu là hình ảnh chái bếp hiện lên với hình ảnh mẹ cha tần tảo. Ba khổ sau chái bếp được hiện lên với thật nhiều hình ảnh và âm thanh sống động. Những hình ảnh chái bếp hiện lên như luôn nằm trong tâm trí tác giả. Những ngọn khói “cong ngủ”, “nằm nghe”, “thõng mình” giống như một đứa trẻ đang được mẹ ru ngủ. Đó vừa là những hình ảnh nhân hóa độc đáo, vừa khiến người đọc cảm nhận được cái ngộ nghĩnh, đáng yêu mà tác giả dành cho căn chài bếp thân thương này. Những âm thanh với tiếng cười nói, tiếng khóc của những đứa trẻ trên nôi khiến cho căn bếp lúc nào cũng nhộn nhịp. Từ những lời thơ đầu tiên, hình ảnh chái bếp hiện lên với ngọn khói lập lờ qua nồi cám của mẹ, rồi lại trải dài qua nhiều hình ảnh xung quanh chái bếp như hiện lên thật sinh động. Tác giả miêu tả cái chái bếp, từ trong ra ngoài trong không gian và thời gian, khiến cho mọi hình ảnh hiện lên rất mộc mạc và giản dị. Rất nhiều điệp từ “cho” xuất hiện như nhấn mạnh cái hoài niệm, cái nhớ nhung da diết mà tác giả đã từng trải qua trong chái bếp thân thuộc này. “Cho” cũng như là những kỉ niệm tuổi thơ thật đẹp mà căn chái bếp đã mang lại cho kí ức tuổi thơ của chính tác giả. Cả bài thơ là những tình cảm thắm thiết nhất mà tác giả dành cho cái chái bếp nhà mình. Tác giả yêu, nhớ từng hình ảnh về ngọn khói lập lờ, có thần bếp, có hình ảnh tiếng khóc tiếng cười và có cả bầu trời kí ức tuổi thơ của thơ tác giả.

Đọc xong bài thơ em càng thêm yêu những kí ức tuổi thơ mình có, trân trọng những từng kỉ niệm bên những hình ảnh, âm thanh thân thuộc như tràn đầy trong trái tim mỗi đứa trẻ. Đọc bài thơ, em như chìm đắm vào trong tuổi thơ của tác giả. Dẫu có phủ bụi thời gian, dẫu có thay đổi cảnh vật thì những kí ức đó vẫn sẽ in sâu trong lòng tác giả và trong tâm trí người đọc như câu nói “Yêu sao những kí ức tuổi thơ còn mãi trong tim”.

TOP 10 bài Bài thuyết trình về tác phẩm văn học yêu thích 2023 SIÊU HAY (ảnh 3)

Thuyết trình về tác phẩm văn học yêu thích - Mẫu 6

Những kí ức tuổi thơ như là cái nôi nuôi dưỡng tình cảm của mỗi người. Đọc bài thơ “Chái bếp” của tác giả Lý Hữu Lương càng khiến em hiểu thêm sâu sắc, cái tình cảm thắm thiết mà tác giả dành cho kí ức tuổi thơ của mình bên chái bếp thân thuộc.

Bài thơ là hình ảnh căn chài bếp hiện lên thật mộc mạc, giản dị được tác giả miêu tả với tất cả tình thương nỗi nhớ của mình. Bài thơ được viết theo thơ bảy chữ, mỗi dòng có bảy chữ như là lời tự sự chân thành của các giả như đang kể lại cái khung cảnh căn chái bếp mà tác giả yêu nó đến nhường nào. “Cho tôi về” được lặp lại ở khổ một, ba, năm như là một lời tha thiết, một tình cảm đặc biệt của tác giả với khung cảnh quen thuộc về căn chái bếp. Tác giả muốn được quay về để lại được thấy những hình ảnh, những âm thanh đặc biệt này. Hình ảnh về ngọn khói bên nồi cám của mẹ, thần bếp trong than củi, có cả hình ảnh con người dầm nắng sương hiện lên vừa chân thật vừa sinh động. Thêm những tình cảm đó, tác giả còn cảm nhận được qua những âm thanh quen thuộc xung quanh chái bếp. Làm sao có thể vắng bóng tiếng cười khóc của những đứa trẻ, được các bà các mẹ ru trên nôi, tiếng bếp lửa tí tách, những âm thanh như hòa cùng hình ảnh như bức tranh sống động khiến tác giả nhớ mãi không quên. Khi đã lớn lên, những hình ảnh căn chái bếp càng khiến tác giả nhớ nhung. Tác giả yêu cái chái bếp nhà mình, mong muốn được trở về tuổi thơ, mong muốn lại được nhìn những hình ảnh âm thanh đó.

Đọc bài thơ, em như chìm đắm vào trong tuổi thơ của tác giả. Dẫu có phủ bụi thời gian, dẫu có thay đổi cảnh vật thì những kí ức đó vẫn sẽ in sâu trong lòng tác giả và trong tâm trí người đọc như câu nói “Yêu sao những kí ức tuổi thơ còn mãi trong tim”

Thuyết trình về tác phẩm văn học yêu thích - Mẫu 7

Thơ chữ Hán của Nguyễn Du có một loạt bài viết về các nhân vật lịch sử mà ở đó nhà thơ gửi gắm rất nhiều tâm sự. Đọc Tiểu Thanh kí (Độc Tiểu Thanh kí) là một bài thơ như thế. Bằng tiếng nói tri âm sâu sắc với một người con gái sống cách mình hơn 300 năm, Nguyễn Du muốn bày tỏ nhiều tâm sự về con người và cuộc đời trong bối cảnh hiện tại và vượt thời gian, mang dự cảm của mình tới 300 năm sau để tìm tri âm.

Nguyễn Du là một đại thi hào dân tộc, một danh nhân văn hóa thế giới, một nhà nhân đạo lỗi lạc có “con mắt nhìn thấu sáu cõi” và “tấm lòng nghĩ suốt ngàn đời” (Mộng Liên Đường chủ nhân).

Nguyễn Du đã đóng góp lớn về mặt tư tưởng, đồng thời có những đóng góp quan trọng về mặt nghệ thuật. Thơ chữ Hán của Nguyễn Du giản dị mà tinh luyện, tài hoa. Thơ Nôm Nguyễn Du thực sự là đỉnh cao rực rỡ. Nguyễn Du sử dụng một cách tài tình hai thể thơ dân tộc: lục bát (Truyện Kiều) và song thất lục bát (Văn tế thập loại chúng sinh). Đến Nguyễn Du, thơ lục bát và song thất lục bát đã đạt đến trình độ hoàn hảo, mẫu mực, cổ điển.

Tiểu Thanh là người phụ nữ thông minh, tài hoa, nhan sắc nhưng phận bạc. Nàng sống một cuộc đời ngắn ngủi đầy trái ngang. Di cảo còn sót lại của Tiểu Thanh với những vần thơ bị đốt dở là bằng chứng cho số phận oan nghiệt ấy, mà người đa cảm như Nguyễn Du khi đọc nó đã không thể cầm lòng. Nỗi “thổn thức” đã khiến thi nhân viết nên những dòng tuyệt tác trong Đọc Tiểu Thanh kí.

Trước hết Độc Tiểu Thanh kí là tiếng lòng nhân đạo cao cả, sâu sắc của Nguyễn Du. Bài thơ đã mở ra bằng hai hình ảnh biểu tượng cho sự biến thiên dâu bể của cuộc đời:

Tây Hồ cảnh đẹp hoá gò hoang.

Cảnh đẹp trước đây (hoa uyển) đã biến thành gò hoang (thành khư). Câu thơ xuất phát từ một thành ngữ Trung Quốc: “Thương hải biến vi tang điền” (Biển xanh biến thành nương dâu). Dẫu biết rằng: sinh - hoá, trụ - diệt,... vốn là lẽ thường, vốn là quy luật sao vẫn thấy có gì xót xa? Nhất là nơi ấy lại gắn với cuộc đời và số phận của Tiểu Thanh, một cuộc đời gợi bao nỗi cảm thương qua những vần thơ cháy dở.

Độc Tiểu Thanh kí có thể coi như một bài thơ viếng Tiểu Thanh. Câu thơ thứ hai đã hé mở: trong nỗi ngậm ngùi luyến tiếc, một mình viếng người đã khuất (độc điếu) qua một tập giấy mỏng (nhất chỉ thư). Tập giấy mỏng ấy là mảnh hồn Tiểu Thanh còn vương lại. Người chết cô đơn mà người viếng cùng cô đơn, một lòng đau tìm đến một hồn đau. Câu thơ với cách nói hàm súc đã vượt qua thời gian và sinh tử để tri âm.

Hai câu thơ tiếp vươn rộng tới nhiều lớp nghĩa:

Son phấn có thần chôn vẫn hận
Văn chương không mệnh đốt còn vương.

“Son phấn” là biểu tượng của sắc đẹp, còn “văn chương” là bằng chứng của tài năng. Cái đẹp, cái tài ở đời là bất tử, là không có số mệnh, vậy mà vẫn bị “liên tử hậu”, “lụy phần dư”, vẫn luôn bị chà đạp phũ phàng, nghiệt ngã. Cuộc đời này quả là nhiều bất công, ngang trái.

Hận cho số kiếp Tiểu Thanh, hận cho muôn đời, muôn người. Trong cái hận của Tiểu Thanh có cái hận của muôn người và của bản thân nhà thơ. Thương người và thương mình. Nỗi hận, nỗi đau thương ấy thật khó mà hỏi trời (Cổ kim hận sự thiên nan vấn) đành ôm trọn vào lòng thành nỗi cô đơn. Câu thơ là một kết luận mang tính chất triết lí thấm đẫm nước mắt. Câu thơ tiếp theo giúp người đọc hiểu rõ hơn, sâu hơn tại sao Nguyễn Du viết về Tiểu Thanh mà lại da diết đến thế? Nguyễn Du khóc cho người cũng là khóc cho mình đó thôi.

Bài thơ khép lại bằng câu hỏi tu từ bộc lộ nỗi niềm trăn trở, dự cảm nhói buốt, cứ day cứa mãi vào tâm trạng người đọc các thế hệ:

Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa
Người đời ai khóc Tố Như chăng ?

(Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?)

“Ba trăm năm lẻ” là một con số ước lệ chỉ mai sau khi nhà thơ đã chết cũng như hơn ba trăm năm sau cái chết của Tiểu Thanh vậy. Mai sau liệu có ai khóc cho Tố Như, cùng Tố Như khóc cho mỗi kiếp người dâu bể? Bài thơ với hai lần tự xưng (“ng” [tôi] và “Tố Như” ) đã hé mở một cái “tôi” đang cô đơn đến tột độ, một cái “tôi” tự thương, tự đau. Nguyễn Du thương cho người xưa (quá khứ), thương cho mình và nhiều con người bất hạnh cùng thời với mình (hiện tại), thương cả cho người sau phải khóc mình nữa (tương lai). Đây chính là nỗi buồn sâu lắng về cuộc đời và cũng là một triết lý sâu sắc về kiếp người.

Hãy cứ đọc trực tiếp bài thơ từ phiên âm chữ Hán rồi lắng nghe âm điệu réo rắt đau thương cố kìm, cố nén của nó ta sẽ chạm được phần nào tới tiếng lòng của thi nhân. Bài thơ vượt lên cả những bản ai điếu thông thường bởi Nguyễn Du đâu chỉ viếng mộ cô hồn thuộc về quá khứ, Nguyễn Du khóc cho cả “thập loại chúng sinh” trong hiện tại và dòng lệ nhân văn thấm đẫm tình đời, tình người ấy đã tràn cả đến hậu thế. Phải thật tinh, thật sâu mới hiểu và cảm được tình thơ, ý thơ, câu chữ trong bài thơ bởi với thiên tài của mình, Nguyễn Du đã viết một cách hàm súc cao độ, mỗi từ đều có độ nén, sức nặng và sức bật để tạo nên những cộng hưởng trong lòng người.

Bụi thời gian có thể phủ mờ nhiều thứ nhưng những bài thơ được chất ra từ máu và nước mắt như Đọc Tiểu Thanh kí, được luyện bởi một thiên tài văn học như Nguyễn Du chắc chắn thời gian càng giúp thi phẩm đứng vững trong lòng người.

Thuyết trình về tác phẩm văn học yêu thích - Mẫu 8

Chính Hữu tên khai sinh là Trần Đình Đắc, sinh ngày 15/12/1926, tại thành phố Vinh, Nghệ An, quê ở Can Lộc, Hà Tĩnh. Trước Cách mạng tháng Tám, ông học trung học ở Hà Nội; năm 1946 gia nhập Trung đoàn Thủ đô; 1950 phụ trách Đoàn văn công quân đội; 1953 - 1954 tham gia các chiến dịch Thượng Lào và Điện Biên Phủ; từ 1954 tiếp tục công tác văn nghệ trong quân đội.

Bài thơ đầu tiên được biết đến của ông là bài Ngày về (1947). Đó là bài thơ thể hiện ý chí của người chiến sĩ Hà Nội quyết trở về giành lại quê hương bị rơi vào tay giặc Pháp. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Chính Hữu hầu như chỉ viết về người chiến sĩ và cuộc chiến đấu chống ngoại xâm.ông sáng tác ít, nhưng để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc. Tác phẩm chính là tập thơ Đầu súng trăng treo (1966).

Bài thơ Đồng chí, sáng tác vào đầu năm 1948, sau khi Chính Hữu đã cùng đồng đội tham gia chiến dịch Thu đông 1947, đánh bại cuộc tấn công quy mô lớn của giặc Pháp lên chiến khu Việt Bắc. Nhà thơ kể: "Tôi bị ốm, sốt rét ác tính, nhưng không có thuốc men gì cả. Đơn vị vẫn hành quân và để lại một đồng chí chăm sóc tôi. Không có đồng chí đó có lẽ tôi đã bỏ mạng. Sự ân cần của đồng chí đó khiến tôi nhớ đến những lần đau ốm được mẹ, được chị chăm sóc. Đó là những gợi ý đầu tiên cho bài thơ Đồng chí(Tác giả nói về tác phẩm, NXB Trẻ, 2000). Bài thơ nói về tình đồng chí, đồng đội thắm thiết sâu nặng của những người lính cách mạng, phần lớn xuất thân từ nông dân. Bài thơ cũng làm hiện lên hình ảnh chân thực, giản dị mà cao đẹp của anh bộ đội trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp còn rất khó khăn thiếu thốn.

Ra đời trong bối cảnh nền văn học mới hình thành được vài năm, Đồng chí là một trong những thành công sớm nhất của thơ ca kháng chiến. Đặc biệt thi phẩm đã góp phần mở ra phương thức khai thác chất thơ, vẻ đẹp của người lính trong cái bình dị, đời thường, chân thật.

Thuyết trình về tác phẩm văn học yêu thích - Mẫu 9

Trong dòng văn học ca ngợi truyền thống yêu nước xuyên suốt lịch sử văn học Việt Nam, "Bình Ngô đại cáo" của Nguyễn Trãi được đánh giá là áng "thiên cổ hùng văn", là bản tuyên ngôn độc lập thứ hai của dân tộc, được các thế hệ người Việt luôn yêu thích, tự hào.

"Bình Ngô đại cáo" được Nguyễn Trãi thừa lệnh Lê Lợi viết vào khoảng đầu năm 1428, khi cuộc kháng chiến chống Minh xâm lược của nghĩa quân Lam Sơn đã thắng lợi, quân Minh buộc phải ký hòa ước, rút quân về nước, nước ta bảo toàn được nền độc lập tự chủ, hòa bình. Nguyễn Trãi -62 là một anh hùng dân tộc, là người toàn tài hiếm có trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam. Ông có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Minh đồng thời cũng là nhà thơ trữ tình sâu sắc, nhà văn chính luận kiệt xuất, là cây đại thụ đầu tiên của văn học trung đại Việt Nam.

Tác phẩm "Bình Ngô đại cáo" được Nguyễn Trãi viết theo thể cáo, một thể văn có nguồn gốc từ Trung Hoa, viết bằng chữ Hán, thuộc thể văn hùng biện chính luận, có nội dung thông báo một chính sách, một sự kiện trọng đại liên quan đến quốc gia dân tộc, công báo trước toàn dân. Nhan đề tác phẩm có ‎ ý nghĩa là bài cáo trọng đại tuyên bố về việc dẹp yên giặc Ngô-một tên gọi hàm ý khinh bỉ căm thù giặc Minh xâm lược. Bài cáo có bố cục chặt chẽ mạch lạc, viết theo lối biền ngẫu, vận dụng thể tứ lục, sử dụng hệ thống hình tượng sinh động, gợi cảm.

Bài cáo gồm bốn đoạn. Đoạn đầu nêu cao luận đề chính nghĩa của cuộc kháng chiến, đó là tư tưởng nhân nghĩa kết hợp với độc lập dân tộc: "Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân-Quân điếu phạt trước lo trừ bạo" và "Như nước Đại Việt ta từ trước-Vốn xưng nền văn hiến đã lâu".

Đoạn thứ hai của bài cáo đã vạch trần, tố cáo tội ác dã man của giặc Minh xâm lược. Đoạn văn là bản cáo trạng đanh thép, tố cáo giặc Minh ở các điểm: âm mưu cướp nước, chủ trương cai trị phản nhân đạo, hành động tàn sát tàn bạo. Đồng thời, đoạn văn cũng nêu bật nỗi thống khổ, khốn cùng của nhân dân, dân tộc ta dưới ách thống trị của kẻ thù: "Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn-Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ"; "Dối trời, lừa dân, đủ muôn nghìn kế-Gây binh kết oán, trải hai mươi năm". Đoạn văn ngùn ngụt Ý chí căm thù giặc và thống thiết nỗi thương dân lầm than. Đoạn văn thứ ba là đoạn dài nhất của bài cáo, có Ý nghĩa như bản anh hùng ca về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Đoạn văn đã tổng kết lại quá trình khởi nghĩa. Ban đầu cuộc khởi nghĩa gặp nhiều khó khăn, lương thảo, quân sĩ, người tài đều thiếu, nghĩa quân ở vào thế yếu "Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần-Khi Khôi Huyện quân không một đội", "Tuấn kiệt như sao buổi sớm-Nhân tài như lá mùa thu", "lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều"…Nhưng nghĩa quân có người lãnh tụ Lê Lợi sáng suốt, bền chí, yêu nước "Ngẫm thù lớn há đội trời chung-Căm giặc nước thề không cùng sống", biết đoàn kết lòng dân "Sĩ tốt một lòng phụ tử-Hòa nước sông chén rượu ngọt ngào", dùng chiến thuật phù hợp nên nghĩa quân Lam Sơn ngày một trưởng thành "Sĩ khí đã hăng, quân thanh càng mạnh"và ngày càng chiến thắng giòn giã, vang dội "Đánh một trận sạch không kình ngạc-Đánh hai trận tan tác chim muông", giặc Minh thì liên tiếp thất bại, thất bại sau lại càng thảm hại hơn thất bại trước, mỗi tên tướng giặc bại trận lại có vết nhục nhã riêng: kẻ treo cổ tự vẫn, kẻ quỳ gối dâng tờ tạ tội, kẻ bị bêu đầu…Đoạn văn thứ ba của bài cáo cũng ca ngợi lòng nhân đạo, chuộng hòa bình của nhân dân, dân tộc ta, tha sống cho quân giặc đã đầu hàng, lại cấp cho chúng phương tiện, lương thảo về nước. Đoạn cuối của bài cáo đã tuyên bố trịnh trọng về việc kết thúc chiến tranh, khẳng định nền độc lập, hòa bình vững bền của đất nước, thể hiện niềm tin vào tương lai tươi sáng của dân tộc.

Bài cáo có sự kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa yếu tố chính luận sắc bén với yếu tố văn chương truyền cảm, kết hợp giữa lí luận chặt chẽ và hình tượng nghệ thuật sinh động. Cảm hứng nổi bật xuyên suốt tác phẩm là cảm hứng anh hùng ca hào hùng sôi nổi, mãnh liệt. Giọng điệu của bài cáo rất đa dạng, khi tự hào về truyền thống văn hóa, anh hùng lâu đời của dân tộc, khi thì căm phẫn sục sôi trước tội ác của kẻ thù, khi thống thiết xót thương trước nỗi đau lầm than của nhân dân, khi lo lắng trước những khó khăn của cuộc kháng chiến, khi hào hùng ngợi ca chiến thắng, khi trịnh trọng tuyên bố độc lập của dân tộc, đất nước.

"Đại cáo bình Ngô" của Nguyễn Trãi là bản anh hùng ca ca ngợi chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta thế kỉ XV. Tác phẩm vừa có giá trị lịch sử, vừa có giá trị văn học, không chỉ lưu giữ những sự kiện lịch sử mà còn lưu truyền lòng yêu nước tự hào dân tộc đến các thế hệ người Việt Nam. Mỗi người dân Việt Nam ngày nay đều hào sảng trước những câu văn hùng hồn:

"Như nước Đại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia,
Phong tục Bắc Nam cũng khác.
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập,
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương.
Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau,
Song hào kiệt đời nào cũng có…"

Đánh giá

5

1 đánh giá

1