Lý thuyết GDQP 11 Bài 7 (Cánh diều 2024): Pháp luật về quản lí vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ | Lý thuyết Giáo dục quốc phòng 11

4.8 K

Với tóm tắt lý thuyết giáo dục quốc phòng - an ninh lớp 11 Bài 7: Pháp luật về quản lí vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ sách Cánh diều hay, chi tiết cùng với 15 câu trắc nghiệm chọn lọc có đáp án giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn GDQP 11.

Giáo dục quốc phòng 11 Bài 7: Pháp luật về quản lí vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ

A. Lý thuyết GDQP 11 Bài 7: Pháp luật về quản lí vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ

I. Một số nội dung cơ bản của pháp luật về quản lí, sử dụng vũ khí vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

1. Một số khái niệm

a) Vũ khí

- Vũ khí là thiết bị, phương tiện hoặc tổ hợp những phương tiện được chế tạo, sản xuất có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khoẻ của con người, phá huỷ kết cấu vật chất, bao gồm: vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự.

- Vũ khí quân dụng gồm hai nhóm:

+ Nhóm 1 là vũ khí được chế tạo, sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn kĩ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp và được trang bị cho các đối tượng mà pháp luật quy định để thi hành công vụ, bao gồm: súng cầm tay, vũ khí hạng nhẹ, vũ khí hạng nặng, bom, mìn, lựu đạn, ngư lôi, thuỷ lôi và đạn sử dụng cho các loại vũ khí này;

+ Nhóm 2 là vũ khí được chế tạo, sản xuất không hợp pháp, có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khoẻ của con người, phá huỷ kết cấu vật chất tương tự như vũ khí nhóm 1 và không được trang bị cho các đối tượng mà pháp luật quy định để thi hành công vụ.

Lý thuyết GDQP 11 Cánh diều Bài 7: Pháp luật về quản lí vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ | Giáo dục quốc phòng 11 (ảnh 1)

- Súng săn là súng được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, được sử dụng để săn bắn.

- Vũ khí thô sơ là vũ khí có cấu tạo, nguyên lí hoạt động đơn giản và được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp.

- Vũ khí thể thao là vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, được sử dụng để luyện tập, thi đấu thể thao.

Lý thuyết GDQP 11 Cánh diều Bài 7: Pháp luật về quản lí vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ | Giáo dục quốc phòng 11 (ảnh 2)

b) Vật liệu nổ

- Vật liệu nổ là sản phẩm dưới tác động của xung kích thích ban đầu gây ra phản ứng hoá học nhanh, mạnh, toả nhiệt, sinh khí, phát sáng, tạo ra tiếng nổ, bao gồm thuốc nổ và phụ kiện nổ.

c) Công cụ hỗ trợ

- Công cụ hỗ trợ là phương tiện, động vật nghiệp vụ được sử dụng để thi hành công vụ, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nhằm hạn chế, ngăn chặn người có hành vi vi phạm pháp luật chống trả, trốn chạy; bảo vệ người thi hành công vụ, người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ hoặc báo hiệu khẩn cấp.

Lý thuyết GDQP 11 Cánh diều Bài 7: Pháp luật về quản lí vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ | Giáo dục quốc phòng 11 (ảnh 3)

2. Một số nguyên tắc quản lí, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

- Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

- Sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải bảo đảm đúng mục đích, đúng quy định của pháp luật.

- Trang bị vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải đúng thẩm quyền, đối tượng theo quy định.

- Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, trang bị, mang, xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép, giấy xác nhận.

- Vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ không còn nhu cầu sử dụng, hết hạn sử dụng hoặc không còn khả năng sử dụng phải được thu hồi, thanh lí hoặc tiêu hủy.

3. Trang bị, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ

- Đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ, bao gồm: Lực lượng vũ trang nhân dân, Cảnh sát biển và một số lực lượng khác theo quy định của pháp luật.

- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an căn cứ vào tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ quy định việc trang bị vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lí.

- Chỉ các tổ chức, doanh nghiệp đủ điều kiện theo quy định của pháp luật mới được nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, sử dụng vật liệu nổ.

- Sử dụng vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ phải tuân thủ quy định của pháp luật, chỉ sử dụng trong những trường hợp pháp luật quy định.

4. Tiếp nhận, thu gom vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải trình báo, khai báo, giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho cơ quan quân sự, cơ quan Công an hoặc Uỷ ban nhân dân nơi gần nhất trong trường hợp không thuộc đối tượng trang bị, sử dụng theo quy định của pháp luật mà có từ bất kì nguồn nào hoặc phát hiện, thu nhặt được.

- Việc tiếp nhận, thu gom vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải được tiến hành thường xuyên và thông qua các đợt vận động.

5. Hành vi bị nghiêm cấm trong quản lí, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ

- Điều 5 Luật Quản lí, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lí, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, trong đó có một số hành vi sau:

+ Cá nhân sở hữu vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trừ vũ khí thô sơ là hiện vật để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo.

+ Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ hoặc chi tiết, cụm chi tiết để lắp ráp vũ khí, công cụ hỗ trợ.

+ Trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ hoặc chi tiết, cụm chi tiết để lắp ráp vũ khí, công cụ hỗ trợ; trừ trường hợp trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê vũ khí thô sơ để làm hiện vật trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo.

+ Chiếm đoạt, mua bán, trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

+ Che giấu, không tố giác, giúp người khác chế tạo, sản xuất, mang, mua bán, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc huỷ hoại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

+ Đào bới, tìm kiếm, thu gom trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

6. Xử lí vi phạm pháp luật về quản lí, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

a) Xử phạt vi phạm hành chính

- Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31-12-2021 của Chính phủ đối với các hành vi vi phạm quy định về quản lí, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm, trong đó có một số hành vi sau:

+ Không kê khai, đăng kí đầy đủ các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ với cơ quan có thẩm quyền.

+ Che giấu, giúp người khác hoặc không tố giác hành vi chế tạo, sản xuất, mang, mua, bản, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc huỷ hoại vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo.

+ Tàng trữ, vận chuyển trái phép các loại phế liệu, phế phẩm vũ khí, công cụ hỗ trợ, đồ chơi nguy hiểm bị cấm; sử dụng hoặc cho trẻ em sử dụng các loại đồ chơi nguy hiểm bị cấm.

+ Sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép; vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo hoặc nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất pháo.

+ Chế tạo, trang bị, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ; chi tiết, cụm chi tiết vũ khí, công cụ hỗ trợ hoặc phụ kiện nổ; các loại vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao.

+ Chiếm đoạt vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ, chi tiết, cụm chi tiết vũ khí, công cụ hỗ trợ hoặc phụ kiện nổ.

+ Đào bới, tìm kiếm, thu gom trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

+ Cưa cắt, đục hoặc thực hiện các thao tác khác để tháo bom, mìn, đạn, lựu đạn. quả nổ, ngư lôi, thuỷ lôi và các loại vũ khí khác trái phép.

b) Truy cứu trách nhiệm hình sự

- Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi phạm tội theo quy định tại Điều 304, Điều 305, Điều 306, Điều 307 và Điều 308 Bộ luật Hình sự.

II. Trách nhiệm thực hiện pháp luật quản lí, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

1. Trách nhiệm của công dân

- Tích cực, chủ động nghiên cứu và thực hiện quy định của pháp luật về quản lí, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, nhất là quy định về các hành vi bị nghiêm cấm và việc trình báo, khai báo, giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho cơ quan có thẩm quyền; nhận biết, phân biệt được một số loại vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

- Tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền, giáo dục để phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm quy định của pháp luật về quản lí, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

- Phát hiện, kịp thời t giác và kiên quyết đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về quản lí, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

- Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Lý thuyết GDQP 11 Cánh diều Bài 7: Pháp luật về quản lí vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ | Giáo dục quốc phòng 11 (ảnh 4)

2. Trách nhiệm của học sinh

- Tích cực, chủ động thực hiện trách nhiệm của công dân về quản lí, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

- Tham gia học tập đầy đủ các nội dung giáo dục pháp luật về quản lí, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trong chương trình Giáo dục quốc phòng và an ninh.

- Gương mẫu thực hiện và tham gia tuyên truyền pháp luật về quản lí, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ do nhà trường, cộng đồng tổ chức.

- Phát hiện, tố giác, ngăn chặn người thân, bạn bè và những người xung quanh vi phạm pháp luật về quản lí, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

B. 15 câu trắc nghiệm GDQP 11 Bài 7: Pháp luật về quản lí vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ

Câu 1. “Phương tiện, động vật nghiệp vụ được sử dụng để thi hành công vụ, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nhằm hạn chế, ngăn chặn người có hành vi vi phạm pháp luật chống trả, trốn chạy; bảo vệ người thi hành công vụ, người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ hoặc báo hiệu khẩn cấp” - đó là nội dung của khái niệm nào sau đây?

A. Vũ khí.

B. Vật liệu nổ.

C. Công cụ hỗ trợ.

D. Vũ khí quân dụng.

Đáp án đúng là: C

Công cụ hỗ trợ là phương tiện, động vật nghiệp vụ được sử dụng để thi hành công vụ, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nhằm hạn chế, ngăn chặn người có hành vi vi phạm pháp luật chống trả, trốn chạy; bảo vệ người thi hành công vụ, người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ hoặc báo hiệu khẩn cấp.

Câu 2. Nội dung nào sau đây không phản ánh đúng về nguyên tắc quản lí, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ?

A. Sử dụng phải đảm bảo đúng mục đích, đúng quy định của pháp luật.

B. Trang bị vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải đúng thẩm quyền.

C. Việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất,… phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

D. Khi không còn nhu cầu sử dụng, có thể cấp phát cho người dân nếu họ có nhu cầu.

Đáp án đúng là: D

- Một số nguyên tắc quản lí, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ:

+ Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

+ Sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải bảo đảm đúng mục đích, đúng quy định của pháp luật.

+ Trang bị vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải đúng thẩm quyền, đối tượng theo quy định.

+ Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, trang bị, mang, xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép, giấy xác nhận.

+ Vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ không còn nhu cầu sử dụng, hết hạn sử dụng hoặc không còn khả năng sử dụng phải được thu hồi, thanh lí hoặc tiêu hủy.

Câu 3. Đối tượng nào sau đây không được trang bị vũ khí quân dụng?

A. Quân đội nhân dân.

B. Viên chức hành chính.

C. Cảnh sát biển.

D. Công an nhân dân.

Đáp án đúng là: B

Theo quy định tại Điều 18 Luật Quản lí, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 quy định: những đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng bao gồm: quân đội nhân dân; dân quân tự vệ; cảnh sát biển; công an nhân dân; cơ yếu; cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao; kiểm lâm, kiểm ngư; an ninh hàng không; hải quan cửa khẩu, lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của Hải quan.

Câu 4. Pháp luật Việt Nam không nghiêm cấm thực hiện hành vi nào sau đây?

A. Sở hữu vũ khí thô sơ là đồ gia bảo, hiện vật để trưng bày, triển lãm.

B. Nghiên cứu, chế tạo trái phép vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

C. Đào bới và thu gom trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

D. Mua bán, tàng trữ, vận chuyển vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Đáp án đúng là: A

Theo quy định của pháp luật Việt Nam: cá nhân chỉ được phép sở hữu vũ khí thô sơ là đồ gia bảo, hiện vật để trưng bày, triển lãm khi khai báo và được công an xã, phường, thị trấn cấp Giấy xác nhận khai báo vũ khí thô sơ.

Câu 5. Chủ thể nào dưới đây vi phạm pháp luật về quản lí, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ?

A. Anh M tố cáo việc ông K chế tạo súng hoa cải để bán.

B. Ông V tự giác giao nộp súng săn cho cơ quan công an.

C. Anh T sử dụng các loại mìn, thuốc nổ để đánh bắt cá.

D. Cô K khuyên mọi người không rà phá bom, mìn,…

Đáp án đúng là: C

- Việc sử dụng các loại mìn, thuốc nổ để đánh bắt cá là hành vi vi phạm pháp luật.

Câu 6. Điền cụm từ thích hợp vào chỗ trống (…..) trong khái niệm sau đây: “…….. là súng được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, được sử dụng để săn bắn”.

A. Súng săn.

B. Vũ khí thô sơ.

C. Vũ khí thể thao.

D. Vũ khí quân dụng.

Đáp án đúng là: A

Súng săn là súng được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, được sử dụng để săn bắn.

Câu 7. “Vũ khí có cấu tạo, nguyên lí hoạt động đơn giản và được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp” - đó là nội dung của khái niệm nào sau đây?

A. Súng săn.

B. Vũ khí thô sơ.

C. Vũ khí thể thao.

D. Vũ khí quân dụng.

Đáp án đúng là: B

Vũ khí thô sơ là vũ khí có cấu tạo, nguyên lí hoạt động đơn giản và được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp.

Câu 8. “Vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, được sử dụng để luyện tập, thi đấu thể thao” - đó là nội dung của khái niệm nào sau đây?

A. Súng săn.

B. Vũ khí thô sơ.

C. Vũ khí thể thao.

D. Vũ khí quân dụng.

Đáp án đúng là: C

Vũ khí thể thao là vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, được sử dụng để luyện tập, thi đấu thể thao.

Câu 9. Loại vũ khí quân dụng nào dưới đây không được trang bị cho các đối tượng mà pháp luật quy định để thi hành công vụ?

A. Súng ngắn.

B. Súng tiểu liên.

C. Súng trường.

D. Tên lửa phòng không.

Đáp án đúng là: D

- Súng ngắn, súng tiểu liên, súng trường… thuộc loại hình súng cầm tay, được trang bị cho các đối tượng mà pháp luật quy định để thi hành công vụ.

Câu 10. Điền cụm từ thích hợp vào chỗ trống (…..) trong khái niệm sau đây: “……. là sản phẩm dưới tác động của xung kích thích ban đầu gây ra phản ứng hoá học nhanh, mạnh, toả nhiệt, sinh khí, phát sáng, tạo ra tiếng nổ, bao gồm thuốc nổ và phụ kiện nổ”.

A. Vũ khí.

B. Vật liệu nổ.

C. Công cụ hỗ trợ.

D. Vũ khí quân dụng.

Đáp án đúng là: B

Vật liệu nổ là sản phẩm dưới tác động của xung kích thích ban đầu gây ra phản ứng hoá học nhanh, mạnh, toả nhiệt, sinh khí, phát sáng, tạo ra tiếng nổ, bao gồm thuốc nổ và phụ kiện nổ.

Câu 11. Hành vi: không kê khai, đăng kí đầy đủ các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ với cơ quan có thẩm quyền… sẽ bị xử phạt theo hình thức nào sau đây?

A. Xử phạt vi phạm hành chính.

B. Phạt cải tạo không giam giữ.

C. Phạt tù không thời hạn.

D. Phạt tù có thời hạn.

Đáp án đúng là: A

Theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP, hành vi: không kê khai, đăng kí đầy đủ các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ với cơ quan có thẩm quyền… sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Câu 12. Hành vi: cưa cắt, đục hoặc thực hiện các thao tác khác để tháo bom, mìn, đạn, lựu đạn. quả nổ, ngư lôi, thuỷ lôi và các loại vũ khí khác trái phép… sẽ bị xử phạt theo hình thức nào sau đây?

A. Xử phạt vi phạm hành chính.

B. Phạt cải tạo không giam giữ.

C. Phạt tù không thời hạn.

D. Phạt tù có thời hạn.

Đáp án đúng là: A

Theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP, hành vi: cưa cắt, đục hoặc thực hiện các thao tác khác để tháo bom, mìn, đạn, lựu đạn. quả nổ, ngư lôi, thuỷ lôi và các loại vũ khí khác trái phép… sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Câu 13. Nội dung nào sau đây không phản ánh đúng trách nhiệm của công dân trong thực hiện pháp luật về quản lí, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ?

A. Giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho cơ quan có thẩm quyền.

B. Tích cực, chủ động nghiên cứu và thực hiện quy định của pháp luật.

C. Tố giác và kiên quyết đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật.

D. Che dấu hành vi vi phạm pháp luật của người thân, bạn bè.

Đáp án đúng là: D

- Trách nhiệm của công dân:

+ Tích cực, chủ động nghiên cứu và thực hiện quy định của pháp luật về quản lí, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, nhất là quy định về các hành vi bị nghiêm cấm và việc trình báo, khai bảo, giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho cơ quan có thẩm quyền; nhận biết, phân biệt được một số loại vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

+ Tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền, giáo dục để phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm quy định của pháp luật về quản lí, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

+ Phát hiện, kịp thời tổ giác và kiên quyết đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về quản lí, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

+ Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Câu 14. Chủ thể nào dưới đây không vi phạm pháp luật về quản lí, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ?

A. Anh K tự chế tạo súng hoa cải để săn bắt thú rừng.

B. Ông V tự giác giao nộp súng săn cho cơ quan công an.

C. Anh T sử dụng các loại mìn, thuốc nổ để đánh bắt cá.

D. Bạn M và C mua vật liệu về tự chế tạo pháo nổ để bán.

Đáp án đúng là: B

Hành động tự giác giao nộp súng săn cho cơ quan công an của ông V không vi phạm pháp luật.

Câu 15. Đọc tình huống sau và trả lời câu hỏi:

Tình huống: T và K sinh ra và lớn lên trên địa bàn từng bị tàn phá nặng nề bởi bom đạn chiến tranh. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, T rủ K sau buổi học sẽ vào rừng để tìm kiếm đạn, mảnh bom,… mang về bán phế liệu lấy tiền giúp đỡ bố mẹ.

Câu hỏi: Nếu là K, em nên lựa chọn cách ứng xử nào sau đây?

A. Lập tức đồng ý và rủ thêm nhiều người khác cùng tham gia cho vui.

B. Từ chối, không can ngăn T vì việc đó không ảnh hưởng đến mình.

C. Đồng ý và cùng T chuẩn bị các công cụ để thực hiện hành vi đó.

D. Từ chối, đồng thời khuyên ngăn T không nên thực hiện hành vi đó.

Đáp án đúng là: D

- Trong tình huống trên, nếu là K, em nên: từ chối tham gia, đồng thời khuyên ngăn T không nên thực hiện hành vi đó, Vì: đào bới, tìm kiếm, thu gom trái phép vũ khí, vật liệu nổ, phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ… là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm thực hiện. Hành vi này có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của chính T và những người xung quanh.

Xem thêm các bài tóm tắt Lý thuyết Giáo dục quốc phòng - An ninh lớp 11 Cánh diều hay, chi tiết khác:

Lý thuyết Bài 6: Giới thiệu một số loại súng bộ binh, thuốc nổ, vật cản và vũ khí tự tạo

Lý thuyết Bài 7: Pháp luật về quản lí vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ

Lý thuyết Bài 8: Lợi dụng địa hình, địa vật

Lý thuyết Bài 9: Nhìn, nghe, phát hiện địch, chỉ mục tiêu, truyền tin liên lạc, báo cáo

Lý thuyết Bài 10: Kĩ thuật sử dụng lựu đạn

Đánh giá

0

0 đánh giá