Sơ đồ tư duy bài Đức tính giản dị của Bác Hồ dễ nhớ, ngắn nhất - Ngữ văn lớp 7

Tải xuống 8 6.1 K 15

Tailieumoi.vn xin giới thiệu đến các quý thầy cô, các em học sinh lớp 7 tài liệu sơ đồ tư duy bài Đức tính giản dị của Bác Hồ hay nhất, gồm 8 trang đầy đủ những nét chính về văn bản như:

Các nội dung được Giáo viên nhiều năm kinh nghiệm biên soạn chi tiết giúp học sinh dễ dàng hệ thống hóa kiến thức từ đó dễ dàng nắm vững được nội dung tác phẩm Đức tính giản dị của Bác Hồ Ngữ văn lớp 7.

Mời quí bạn đọc tải xuống để xem đầy đủ tài liệu Sơ đồ tư duy bài Đức tính giản dị của Bác Hồ dễ nhớ, ngắn nhất - Ngữ văn lớp 7:

Đức tính giản dị của Bác Hồ

Bài giảng: Đức tỉnh giản dị của Bác Hồ

A. Sơ đồ tư duy Đức tính giản dị của Bác Hồ

Đức tính giản dị của Bác Hồ

B. Tìm hiểu Đức tính giản dị của Bác Hồ

I. Tác giả

- Phạm Văn Đồng (1906-2000), là nhà cách mạng nổi tiếng và nhà văn lớn, quê ở xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi

- Ông tham gia cách mạng từ năm 1925, đã giữ nhiều cương vị quan trọng trong bộ máy lãnh đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Ông là học trò và là người cộng sự gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh

- Phạm Văn Đồng có nhiều công trình, bài nói và viết về văn hóa, văn nghệ, về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các danh nhân văn hóa của dân tộc

- Đặc điểm sáng tác: Những tác phẩm của Phạm Văn Đồng lôi cuốn người đọc bằng tư tưởng sâu sắc và giản dị, tình cảm sôi nổi, lời văn trong sáng, hấp dẫn.

II. Tìm hiểu chung tác phẩm

1. Thể loại: nghị luận

2. Xuất xứ:

Bài Đức tính giản dị của Bác Hồ (tên bài do người biên soạn sách đặt) trích từ bài Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh hoa và khí phách của dân tộc, lương tâm của thời đại – diễn văn trong lễ kỉ niệm 80 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1970)

3. Bố cục: 2 phần

- Phần 1 (từ đầu đến trong sáng, thanh bạch, tuyệt đẹp): Nhận định chung về đức tính giản dị của Bác

- Phần 2 (còn lại): Những biểu hiện đức tính giản dị của Bác

4. Giá trị nội dung

Đức tính giản dị mà sâu sắc trong đời sống, trong quan hệ với mọi người và lối nói viết là một vẻ đẹp cao quý trong con người Bác. Ở Bác, sự giản dị hòa hợp với đời sống tinh thần phong phú, với tư tưởng và tình cảm cao đẹp.

5. Giá trị nghệ thuật

- Luận điểm ngắn gọn, rõ ràng

- Hệ thống luận cứ đầy đủ, xác đáng, chặt chẽ

- Dẫn chứng cụ thể, phong phú, chính xác, giàu sức thuyết phục

- Bình luận sâu sắc, chứa đựng tình cảm của người viết

III. Dàn ý bài phân tích tác phẩm

1. Nhận định chung về đức tính giản dị của Bác Hồ

- Luận điểm: Đức tính giản dị của Bác Hồ.

+ Câu văn: sự nhất quán giữa cuộc đời cách mạng long trời chuyển đất và đời sống bình thường vô cùng giản dị và khiêm tốn của Hồ Chí Minh

+ Cách nêu vấn đề trực tiếp, dùng câu văn có 2 vế đối lập, bổ sung cho nhau, các từ gợi cảm: Trong sáng, tuyệt đẹp khẳng định Bác là một vĩ nhân lỗi lạc, vừa là một người bình thường, gần gũi với nhân dân, xua tan quan điểm Bác là một siêu nhân huyền thoại.

- Giải thích, mở rộng phẩm chất giản dị ấy: Trong sáng, thanh bạch, tuyệt đẹp.

+ Tác giả đã đưa dẫn chứng ở các phương diện con người, đời sống của Bác, bao gồm: đời sống cách mạng to lớn và đời sống hằng ngày.

+ Biểu lộ sự hiểu biết sâu sắc và tình cảm quý trọng, chân thành với Bác Hồ. Tác giả tin ở nhận định của mình tỏ rõ sự ngợi ca đối với Hồ Chủ tịch.

⇒ Lập luận ngắn gọn mà sâu sắc, giọng văn sôi nổi, lôi cuốn, trang trọng lí lẽ đanh thép, ngôn từ chuẩn mực, biểu cảm.

2. Những biểu hiện đức tính giản dị của Bác

* Bữa cơm, đồ dùng: đạm bạc, tiết kiệm, chỉ có vài ba món đơn giản dân dã,...

- Cách ăn: Chậm rãi, cẩn trọng không để rơi vãi một hạt cơm…

⇒ Bác quý trọng biết bao kết quả sản xuất của con người và kính trong người phục vụ.

- Cái nhà sàn gỗ thoáng mát, chỉ có vài ba phòng,...

- Lập luận tương phản giữa tâm hồn và cách ở của Bác: Tâm hồn “lộng gió” nhà ở chỉ có vẻn vẹn 3 gian. Tác giả ngợi ca cách ở của Bác thanh bạch tao nhã

* Lối sống:

- Cách làm việc: suốt cả ngày, suốt cả đời. Việc gì Bác tự làm được thì không cần người giúp, người giúp việc cho Bác rất ít

⇒ Dẫn chứng chọn lọc, tiêu biểu giản dị đời thường, gần gũi với mọi người nên dễ hiểu thuyết phục bạn đọc.

* Bác giản dị trong quan hệ với mọi người xung quanh:

- Viết thư cho đồng chí.

- Nói chuyện với các cháu miền Nam.

- Đi thăm nhà tập thể của công nhân.

- Đặt tên cho người phục vụ.

⇒ Nổi rõ con người Bác: trân trọng, tỉ mỉ, yêu quý tất cả mọi người.

* Bác giản dị trong cách nói và viết:

- Những câu nói nổi tiếng của Bác:

+ “Không có gì quý hơn độc lập tự do”

+ “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lí ấy không bao giờ thay đổi”...

⇒ Là những câu có nội dung ngắn gọn, dễ nhớ. Vì Bác muốn cho quần chúng nhân dân hiểu được, nhớ được, làm được. Những chân lí giản dị mà sâu sắc đó thâm nhập vào trái tim khối óc của hàng triệu con người đang chờ đợi nó thì đó là sức mạnh vô địch, đó là chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Tập hợp, lôi cuốn, cảm hóa lòng người.

⇒ Đề cao sức mạnh phi thường của lối nói giản dị và sâu sắc của Bác, đó là sức mạnh khơi dậy lòng yêu nước, ý chí cách mạng trong quần chúng nhân dân, khẳng định tài năng có thể viết thật giản dị về những điều thật lớn lao của Bác Hồ.

IV. Bài phân tích tác phẩm

Viết về vị lãnh tụ vĩ đại kính yêu, về những đức tính của Bác là một đề tài lớn trong văn học. Góp một bài viết nhỏ về đức tính tốt đẹp của Bác là văn bản “Đức tính giản dị của Bác Hồ” của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng. Văn bản đã làm sáng tỏ đức tính giản dị của Bác trên nhiều phương diện.

Phạm Văn Đồng là một trong những học trò xuất sắc và là người cộng sự gần gũi suốt mấy chục năm sống và làm việc bên cạnh Bác Hồ. Các tác phẩm tiêu biểu của ông như: Hồ Chí Minh, hình ảnh của dân tộc (1948), Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh hoa và khí phách của dân tộc, lương tâm của thời đại (1970) không chỉ nói về sự nghiệp và lí tưởng cách mạng cao cả mà còn phản ánh trung thực lối sống giản dị và phẩm chất đạo đức tốt đẹp của Bác Hồ. Bài Đức tính giản dị của Bác Hồ trích từ diễn văn Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh hoa và khí phách của dân tộc, lương tâm của thời đại do Thủ tướng Phạm Văn Đồng đọc trong lễ kỉ niệm 80 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1970).

Trong phần mở đầu văn bản, tác giả đã nêu lên nhân xét: Điều rất quan trọng cần phải làm nổi bật là sự nhất quán giữa đời hoạt động chính trị lay trời chuyển đất với đời sống bình thường vô cùng giản dị và khiêm tốn của Hồ Chủ tịch. Tiếp theo là lời khẳng định thể hiện rõ tình cảm kính yêu và khâm phục của tác giả đối với Bác: Rất lạ lùng, rất kì diệu là trong 60 năm của một cuộc đời đầy sóng gió diễn ra ở rất nhiều nơi trên thế giới cũng như ở nước ta, Bác Hồ vẫn giữ nguyên phẩm chất cao quý của một người chiến sĩ cách mạng, tất cả vì nước, vì dân, vì sự ngiệp lớn, trong sáng, thanh bạch, tuyệt đẹp.

Đức tính giản dị của Bác trong đời sống hằng ngày được tác giả ngợi ca bằng những mĩ từ: trong sáng, thanh bạch, tuyệt đẹp... rất lạ lùng, rất kì diệu ... Tính từ thanh bạch thể hiện chính xác nhất đức tính giản dị đó. Nếp sống thanh bạch của Bác Hồ là nếp sống của một vị lãnh tụ cách mạng chân chính, suốt đời cống hiến, hi sinh cho đất nước và dân tộc.

Trước hết, tác giả chứng minh sự giản dị của Bác trong đời sống. Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã lấy dẫn chứng rõ ràng cụ thể sự giản dị của Bác được thể hiện trong bữa cơm, đồ dùng, căn nhà và lối sống. Bữa cơm của Bác hết sức đạm bạc, “chỉ có vài ba món ăn rất giản đơn, lúc ăn Bác không để rơi vãi một hột cơm, ăn xong, cái bát bao giờ cũng sạch, và thức ăn còn lại thì được sắp xếp tươm tất”, đó chính là biểu hiện của sự quý trọng lao động và thành quả người lao động làm ra. Căn nhà nhỏ giản dị, đơn sơ mà lúc nào cũng lộng gió thời đại và chan hòa với thiên nhiên, cây cỏ. Nơi ở của Bác thật gần gũi với thiên nhiên, với ánh sáng, hương thơm, cây cỏ, cuộc sống của Bác mới tao nhã làm sao. Đọc văn của Phạm Vãn Đồng, chúng ta nhớ lại chính Bác Hồ cũng tự kể về cuộc sống của mình trong bài thơ Tức cảnh Pác Bó mà Người làm ở Việt Bắc năm 1941:

Sáng ra bờ suối tối vào hang
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
 Cuộc đời cách mạng thật là sang.

Lối sống của Bác cũng hết sức dung dị, những việc hàng ngày Bác làm giản dị biết mấy mà cũng sâu sắc biết mấy. Bất cứ chuyện gì dù nhỏ hay lớn nếu có thể tự làm Bác đều tự mình làm lấy, không cần đến sự giúp đỡ của ai. Từ những việc lớn như lo cho vận mệnh đất nước cho đến việc nhỏ như viết thư cho các cháu miền Nam Bác luôn làm bằng một trái tim yêu thương bao la vô bờ, đó là sự quan tâm chân thành, sâu sắc. Sự giản dị đó không có nghĩa là Bác đang rời xa cuộc sống giống như các nhà Nho ẩn dật xưa, mà cuộc sống của Bác là “đời sống vật chất giản dị càng hòa hợp với đời sống tinh thần phong phú, với tư tưởng, tình cảm, những giá trị tinh thần cao đẹp nhất”. Đây chính là nét đẹp sáng ngời trong lối sống của Bác để thế hệ sau cùng noi theo học tập.

“Giản dị trong đời sống, trong quan hệ với mọi người, trong tác phong, Hồ Chủ tịch cũng rất giản dị trong lời nói và bài viết”. Câu văn chuyển ý rất tự nhiên, từ luận điểm một vào luận điểm hai. Chứng minh ý này, tác giả lập luận theo kiểu nhân - quả. Phạm Văn Đồng nêu “Vì muốn quần chúng hiểu được, nhớ được, làm được”, rồi đưa ra hai dẫn chứng lời nói bài viết giản dị của Bác: “Không có gì quý hơn dộc lập, tự do”; Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lí ấy không hao giờ thay đổi. Hai câu văn trên được trích từ những văn kiện quan trọng mà Hồ Chí Minh đã viết, đã đọc trước nhân dân cả nước. Câu thứ nhất, Bác viết, rồi đọc trong thời kì chống Mĩ cứu nước sôi động, năm 1967. Câu thứ hai, Bác phát biểu giữa những ngày căng thẳng, nóng bỏng đầu năm 1946. Chúng ta cũng có thể dẫn ra nhiều bài thơ, câu văn, bài văn, lời nói giản dị mà sâu sắc của Bác. Chẳng hạn lời Bác hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không” trong giờ phút đọc Tuyên ngôn Độc lập, những bài thơ Bác viết trong kháng chiến chống thực dân Pháp, những câu văn của Bác trong bài Tinh thần yêu nước của nhân dân ta, v.v. Nhiều câu nói, lời văn của Bác tuy giản dị nhưng chứa đựng nội dung sâu sắc như những chân lí. Vì vậy, khái quát, đánh giá ý nghĩa và hiệu quả của chúng, Phạm Văn Đồng nhấn mạnh: “Những chân lí giản dị mà sâu sắc đó lúc thâm nhập vào quả tim và bộ óc của hàng triệu con người đang chờ đợi nó, thì đó là sức mạnh vô địch, đó là chủ nghĩa anh hùng cách mạng”. Câu văn bình luận ấy vừa ngợi ca hiệu quả, tác dụng của những bài viết, những tư tưởng của Bác Hồ, vừa sơ kết, khái quát luận điểm hai trong áng văn nghị luận.

Có thể nói, ở văn bản này, nghệ thuật trong cách lập luận của tác giả Phạm Văn Đồng giàu sức thuyết phục, luận điểm rõ ràng, rành mạch, dẫn chứng toàn diện, phong phú, xác thực, chen giữa dẫn chứng là những ý giải thích, bình luận nhẹ nhàng, sâu sắc. Hơn nữa, những điều tác giả nói ra được đảm bảo bằng mối quan hệ gần gũi, lâu dài, gắn bó của tác giả với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Qua văn bản Đức tính giản dị của Bác Hồ, chúng ta hiểu rằng: cùng với nhiều phẩm chất cao quý khác, giản dị là đức tính nổi bật ở Bác Hồ. Giản dị trong đời sống, trong quan hệ với mọi người, Bác Hồ cũng giản dị trong lời nói và bài viết. Ở Bác Hồ, đời sống vật chất giản dị hoà hợp với đời sống tinh thần phong phú, với tư tưởng và tình cảm cao đẹp. Viết bài văn này, tác giả không chỉ trình bày những điều mình biết về Bác Hồ mà còn biểu hiện biết bao tình cảm kính yêu, trân trọng Bác, những bài học đạo đức cao đẹp mà mình đã tiếp nhận từ tấm gương sáng ngời Hồ Chí Minh. Đọc bài văn này, chúng ta được thêm một phương diện nữa để hiểu Bác, nhớ Bác và noi gương Bác Hồ vĩ đại

V. Một số lời bình về tác phẩm

1. Bình sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là người rất giản dị và lão thực. Vĩ nhân, thật vĩ nhân bao giờ cũng giản dị, lão thực. Đã cầu kì là thiếu bản lĩnh cố làm trò để đánh lừa thiên hạ và hậu thế. Vua Nghiêu, vua Thuấn, chúa Giê-su là những người giản dị, lão thực. Ông Lê-nin, ông Tôn Văn, ông Găng-đi cũng là những người giản dị, lão thực. Bậc đại khoa học, đại văn hào nào cũng vậy.

(Phạm Văn Đồng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, hình ảnh của dân tộc)

2. Những câu thơ nói về đời sống giản dị của Bác:

a.

                                       Là chân lí, Bác chẳng nói nhiều hơn chân lí

                                       Cả nước nghe khi, im lặng, Bác cười

                                       Chẳng phải lật trang sách nào ra tìm hiểu Bác

                                       Bác sống trong ta, Bác sống giữa đời.

                                                                              (Chế Lan Viên, Bác)

b. 

                                       Bác Hồ đó, chiếc áo nâu giản dị

                                       Màu quê hương, bền bỉ, đậm đà.

                                                                              (Tố Hữu)

c. 

                                       Nơi Bác ở sàn mây vách gió

                                       Sớm nghe chim rừng hót quanh nhà,

                                       Đêm trăng, một ngọn đèn khêu nhỏ

                                       Tiếng suối trong như tiếng hát xa.

                                                                              (Tố Hữu)

d. 

                                       Bác thường để lại đĩa thịt gà mà ăn trọn mấy quả cà xứ Nghệ,

                                       Tránh nói to và đi rất nhẹ ở trong vườn.

                                                                              (Việt Phương)

Xem thêm
Sơ đồ tư duy bài Đức tính giản dị của Bác Hồ dễ nhớ, ngắn nhất - Ngữ văn lớp 7 (trang 1)
Trang 1
Sơ đồ tư duy bài Đức tính giản dị của Bác Hồ dễ nhớ, ngắn nhất - Ngữ văn lớp 7 (trang 2)
Trang 2
Sơ đồ tư duy bài Đức tính giản dị của Bác Hồ dễ nhớ, ngắn nhất - Ngữ văn lớp 7 (trang 3)
Trang 3
Sơ đồ tư duy bài Đức tính giản dị của Bác Hồ dễ nhớ, ngắn nhất - Ngữ văn lớp 7 (trang 4)
Trang 4
Sơ đồ tư duy bài Đức tính giản dị của Bác Hồ dễ nhớ, ngắn nhất - Ngữ văn lớp 7 (trang 5)
Trang 5
Sơ đồ tư duy bài Đức tính giản dị của Bác Hồ dễ nhớ, ngắn nhất - Ngữ văn lớp 7 (trang 6)
Trang 6
Sơ đồ tư duy bài Đức tính giản dị của Bác Hồ dễ nhớ, ngắn nhất - Ngữ văn lớp 7 (trang 7)
Trang 7
Sơ đồ tư duy bài Đức tính giản dị của Bác Hồ dễ nhớ, ngắn nhất - Ngữ văn lớp 7 (trang 8)
Trang 8
Tài liệu có 8 trang. Để xem toàn bộ tài liệu, vui lòng tải xuống
Đánh giá

0

0 đánh giá

Tải xuống