TOP 21 bài Tả hình dáng và công dụng của một đồ vật gần gũi với em 2023 SIÊU HAY

Tải xuống 6 5.3 K 3

Tailieumoi.vn xin giới thiệu đến các quý thầy cô, các em học sinh lớp 5 bài văn mẫu Tả hình dáng và công dụng của một đồ vật gần gũi với em hay nhất, gồm 6 trang trong đó có dàn ý phân tích chi tiết và 20 bài văn mẫu hay nhất giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo trong quá trình ôn tập, củng cố kiến thức và chuẩn bị cho bài tập làm văn sắp tới. Chúc các em học sinh ôn tập thật hiệu quả và đạt được kết quả như mong đợi.

Mời các quý thầy cô và các em học sinh cùng tham khảo và tải về chi tiết tài liệu dưới đây:

TẢ HÌNH DÁNG VÀ CÔNG DỤNG CỦA MỘT ĐỒ VẬT GẦN GŨI VỚI EM

Tả hình dáng và công dụng của một đồ vật gần gũi với em - mẫu 1 - Chiếc cặp sách

Kỉ niệm về chiếc cặp mà em đựng sách vở đi học mãi mãi ở trong tâm trí em. Đã một năm trôi qua rồi, thế mà mỗi lần nghĩ đến, em vẫn còn cảm thấy nôn nao, bồn chồn đến lạ.

Hồi ấy, em đang còn sử dụng chiếc cặp của chị Hai lúc chị học ở Tiểu học. Chiếc cặp vẫn còn sử dụng tốt, chỉ nứt một số đường may ở trong các ngăn cặp và miệng cặp. Sách vở và đồ dùng học tập thường bỏ lẫn với nhau vì chỉ còn lại có một ngăn. Nhưng không phải vì thế mà em buồn. Trái lại em rất quý và rất yêu chiếc cặp vì nó là vật kỉ niệm của chị em. Chị Hai bây giờ là sinh viên năm thứ nhất khoa Quản trị Kinh doanh rồi. Em muốn nâng niu vật kỉ niệm ấy bên mình như thầm hứa với chị Hai sẽ noi theo gương chị. Do vậy mà em không đòi hỏi bố phải mua cặp mới cho em. Nhưng rồi vào một buổi học cuối học kì II năm lớp Ba, tan học, mưa tầm tã sách vở và đồ dùng học tập ngày hôm ấy lại khá nặng, tất cả đều dồn vào cặp nên khi nước mưa thấm vào đã làm đường chỉ khâu dưới đáy cặp bị bung ra. Và thế là bao nhiêu sách vở, đồ dùng học tập của em bị rơi xuống mặt đường. Em nhặt sách vở và đồ dùng học tập lên gói chung vào tấm ni lông tất tả chạy về nhà. Thấy em ôm chồng sách vở trên tay, vai đeo chiếc cặp không, bố hỏi: “Sao con không bỏ vào cặp?”. Em vừa cởi quai đeo vừa nói với bố: “Cặp hỏng rồi bố ạ!”. Bố nhìn em, nhìn chiếc cặp đã thủng đáy, rồi quay sang âu yếm nói: “Đừng buồn nghe con! Bố bận công chuyện quá không để ý đến chiếc cặp của con. Mẹ con lại đi làm xa, chắc cũng không biết chuyện này, thông cảm cho bố mẹ. Chiều nay, bố đưa con ra chợ thị xã, mua chiếc khác”. Thế là em đành phải từ biệt chiếc cặp, đế nó lên giá sách như lưu giữ lại một vật kỉ niệm của chị mình.

Top 12 bài Tả hình dáng và công dụng của một đồ vật gần gũi với em hay nhất (ảnh 1)

Chiếc cặp mà em có trong tay bây giờ là một chiếc cặp tuyệt đẹp! Có lẽ nó đẹp thuộc loại nhất, nhì trong lớp, bởi nó vừa mới lại vừa tốt, kiểu cặp trông rất xinh và rất tiện lợi. Chất liệu chiếc cặp được may bằng vải ni lông tổng hợp màu xanh lá cây. Chiều dài độ ba mươi lăm xăng-ti-mét, chiều rộng chừng hai mươi lăm xăng-ti-mét. Phía trên có quai xách. Đằng sau có hai quai đeo làm bằng chỉ dù to bản, vừa chắc lại vừa êm vai. Phía trước cặp có hai khoá móc láng bóng được mạ kền. Chỉ cần bấm nhẹ vào hai cái nút nhỏ lên như hai đầu đũa, móc bật ra là em có thể mở cặp một cách nhanh chóng, thuận tiện. Phía trong nắp cặp là một đường dây kéo tạo thành một cánh cửa đóng kín ba ngăn cặp. Nắp cặp được làm bằng một miếng mi-ca mỏng và được trang trí bằng một tấm hình chụp vị thuyền trưởng Sinbad trong bộ phim “Cuộc phiêu lưu của Sinbad” làm tăng thêm vẻ đẹp của chiếc cặp.

Chiếc cặp được cấu tạo ba ngăn. Ngăn giữa rộng hơn, em dùng để toàn bộ sách vở trong buổi học. Còn hai ngăn kia dùng để đồ dùng học tập và tấm vải mưa. Thật là tiện lợi. Đã gần một năm rồi mà chiếc cặp vẫn còn y như mới mua tuần trước. Đi học về, bao giờ em cũng dùng một miếng vải mỏng lau sạch bụi bặm hoặc nước mưa rồi mới để vào góc học tập của mình.

Chiếc cặp đã trở thành người bạn thân thiết của em từ dạo đó. Và bây giờ, ngày ngày, chiếc cặp lại cùng em tung tăng đến trường, rồi lại cùng em trở về nhà trong niềm vui vì những điểm mười mà em đạt được.

Dàn ý Tả hình dáng và công dụng của một đồ vật gần gũi với em

I. Mở bài: Món quà định tả là món quà gì? Em có từ bao giờ và do đâu mà có?

VD

- Món quà em định tả là một chiếc cặp mới.

- Bố tặng khi em đạt danh hiệu học sinh xuất sắc.

II. Thân bài:

- Tả bao quát:

VD

Cặp hình chữ nhật, được làm bằng da thuộc.

Cặp mới nguyên, khổ to và dày, màu da đen bóng.

Loại cặp có quai xách và dây mang.

- Tả từng bộ phận:

* Bên ngoài:

VD

+ Mặt cặp mịn, mềm, sờ êm và mát tay. Nắp cặp hình chữ nhật hơi vát ở hai bên. Trên mặt cặp có in hình hai chú chó trắng đang nô đùa trên thảm cỏ xanh.

+ Hai bên cặp có hai khoá mạ kền sáng bóng. Mỗi lần mở ra đóng vào nghe “tanh tách” thật vui tai.

+ Nắp cặp có gắn một quai xách bằng nhựa cong cong như một cái cầu.

* Bên trong: Cặp gồm ba ngăn:

+ Ngăn thứ nhất nhỏ, em dùng để cất các dụng cụ học tập.

+ Ngăn thứ hai và ba to hơn, em làm phòng ở cho các cô cậu sách vở. Các ngăn đều làm bằng da đen mềm và mịn.

III. Kết luận:

- Cảm nhận của em về món đồ đó.

Các bài mẫu khác:

Tả hình dáng và công dụng của một đồ vật gần gũi với em - mẫu 2 - Bức ảnh Bác Hồ

Tôi còn nhớ mãi năm học lớp ba, trong buổi lễ tổng kết trao phần thưởng học sinh hoạt động đội xuất sắc, tôi nhận được bức ảnh Bác Hồ đeo khăn quàng cho một bạn đội viên. Đó là món quà có nhiều ý nghĩa đối với tôi.

Bức ảnh đó không to lắm với chiều dài khoảng chừng bốn mươi cen ti mét, chiều rộng khoảng chừng ba mươi cen ti mét. Khung ảnh được làm bằng gỗ sơn màu vàng nhạt. Run run cầm bức ảnh trên tay, tôi cảm nhận được mùi thơm của gỗ mới và véc ni. Mặt khung ảnh là một tấm gương trong suốt, rất dày. Đằng sau khung ảnh là một miếng gỗ cắt vừa với chiếc khung. Bốn góc phía sau là bốn ốc vít để điều chỉnh cho tấm gương và miếng gỗ vừa khít lại với nhau. Quan trọng nhất là bức ảnh trong khung. Đó là bức ảnh Bác Hồ đeo khăn quàng cho một bạn nhi đồng. Bác mặc bộ quần áo ka ki trắng giản dị, quen thuộc. Mái tóc của Người đã bạc trắng. Bác đang nhìn bạn nhỏ với ánh mắt đầy tự hào và yêu thương. Một nụ cười thân ái nở trên đôi môi của Người. Bạn nhi đồng trong ảnh mặc bộ đồng phục áo sơ mi trắng và váy. Hai bím tóc tết lại gọn gàng hai bên. Chiếc khăn quàng Bác đang đeo lên vai bạn khiến bức tranh trở nên ý nghĩa. Ở phía bên dưới của khung ảnh nổi bật dòng chữ màu đỏ: “Đội thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh”.Top 12 bài Tả hình dáng và công dụng của một đồ vật gần gũi với em hay nhất (ảnh 2)

Ngày nhận được món quà đó, tôi vô cùng xúc động. Tôi đã trang trọng treo nó ở góc học tập của mình. Bức hình nhỏ bé, giản dị nhưng nổi bật trên tường. Bên cạnh bức hình là những tờ giấy khen cùng những món quà kỉ niệm khác trong những năm tôi tham gia công tác đội. Mỗi lần nhìn tầm hình, tôi lại có cảm giác như Bác đang mỉm cười thân ái với tôi, tôi lại như được tiếp thêm động lực để học tập và phấn đấu.

Bức hình tôi được tặng không có nhiều hình ảnh, không có cảnh thiên nhiên hay những hình ngộ nghĩnh mà bọn trẻ nhỏ như chúng tôi thích và thường hay sưu tầm. Nó chỉ là một bức hình bình dị. Bình dị nhưng đó lại là món quà đầy ý nghĩa, không chỉ với tôi mà với tất cả những ai từng trải qua tuổi thiếu niên nhi đồng.

Tả hình dáng và công dụng của một đồ vật gần gũi với em - mẫu 3 - Hộp đựng bút

Đầu năm học lớp bốn, chú Hưng ghé qua nhà em chơi, tặng em một cái hộp đựng bút. Chú bảo: “Chú mua cho cháu để cháu tiện dùng vì lên lớp lớn rồi.”.

Em sung sướng cảm ơn chú và mở giấy gói ra xem. Hộp bút hình chữ nhật, làm bằng nhựa tốt màu xanh lơ, dài hơn một gang tay em, rộng bảy xăng-ti-mét, dày độ hai xăng-ti-mét. Vỏ ngoài của hộp in hình búp bê màu tím nhạt thật xinh xắn, nổi bật trên nền xanh của vỏ hộp. Hộp bút có thể đóng mở nhờ một thanh thép trắng ở nắp hộp và hai thanh nam châm ở phần thanh của hộp. Khi mở nắp, nắp hộp lộ ra một tầng nhỏ bắc xếp nối với đáy hộp. Tầng bé nhỏ này có thể đựng bút chì, nhãn vở, tẩy... Phần đáy hộp có cái giắt bút ép bằng nhựa dẻo và một ô nhỏ để đựng cái gọt bút chì. Em lau bút viết sạch sẽ rồi đặt tất cả dụng cụ học tập của em vào hộp bút cẩn thận. Ngắm nghía cái hộp bút, em rất hài lòng và tự nhủ từ đây không phải để viết máy vào ngăn cặp nữa. Có hộp bút, em lấy dụng cụ học tập nhanh hơn, việc giữ gìn bút viết tốt hơn nhiều. Mỗi khi học xong, em đều lau hộp bút bằng một mảnh vải mềm và để nó vào cặp nhẹ nhàng, ngay ngắn. Em giữ gìn hộp bút cẩn thận để nó không bị sờn, trầy lớp nhựa bóng bên ngoài. Như một dũng sĩ cận vệ, cái hộp bút bảo vệ dụng cụ học tập của em bền, đẹp. Mỗi buổi học, em như nghe hộp bút thì thầm: “Tiến lên, cô học trò nhỏ. Chúng tôi sẽ giúp cô bước vào sự nghiệp mai sau.”.

Video bài văn mẫu Tả hình dáng và công dụng của một đồ vật gần gũi với em

Món quà của chú Hưng thật thực tế và hữu dụng. Hộp bút còn giữ thẻ thư viện của em không bị cong, nhăn góc. Mỗi lần mở hộp bút ra dùng em đều nhớ chú Hưng. Em cố gắng học giỏi để bố mẹ vui lòng và đền đáp lại sự quan tâm của chú Hưng dành cho em.

Tả hình dáng và công dụng của một đồ vật gần gũi với em - mẫu 4 - Chú heo đất

Một hôm đi chợ cùng ngoại, em thấy người ta bày bán nhiều con heo đất ngộ nghĩnh, rất đẹp. Em trầm trồ: “Heo đất đẹp ghê, ngoại ha”. Ngoại không nói gì, chỉ cười. Không ngờ ngay hôm sau, ngoại mua chú heo đất về, đặt nó nằm trên tủ sách của em. Đi học về, nhìn thấy chú heo đất trên tủ, em reo lên sung sướng, chạy ra nhà sau tìm ngoại để cảm ơn ngoại.

Chú heo đất to bằng cái ấm tích, hình dáng giống chú heo vẽ trong tranh Đông Hồ. Lưng chú heo sơn màu hồng sen, láng bóng. Bụng chú heo để trần màu mộc hồng hồng của đất nung, không tô vẽ gì. Đầu chú heo vẽ tai, mắt bằng mực tàu màu đen. Mũi của chú được làm nhô ra, sơn đỏ ở cả hai lỗ mũi. Hai tai chú heo đất như hai chiếc lá nhú lên. Hai má heo hồng hào như tô phấn. Khuôn mặt chú heo đất thật dễ thương. Với nét vẽ vô cùng biểu cảm của người thợ làm đồ gốm, khuôn mặt chú heo dường như cũng biết vui, biết buồn vậy. Cái thân hình tròn phệ của chú heo đứng vững vàng nhờ bàn chân được nặn bằng phẳng. Đuôi chú heo là một nét vẽ uốn cong rất điệu đàng. Mông chú heo tròn trĩnh. Trên mông trái của chú, người thợ làm đồ gốm đã xẻ một rãnh nhỏ chỉ đủ để xếp tờ giấy bạc nhét vào bụng heo.

Video bài văn mẫu Tả hình dáng và công dụng của một đồ vật gần gũi với em

Heo đất dùng để đựng tiền tiết kiệm. Ngoại dặn em phải cho heo đất “ăn”, không thì heo “đói”.Do vậy, mỗi ngày em đều tiết kiệm tiền mẹ cho ăn quà, để cho heo đất “ăn”. Chú heo đất, ngoài việc là “ngân hàng tiết kiệm” của em, chú còn là một món đồ chơi để em ngắm nhìn thích mắt. Khuôn mặt chú heo đất xinh xinh, lí lắc và ngô nghê thật đáng yêu. Chú heo đất làm sáng một góc tủ buýp-phê. Em phải giữ gìn chú cẩn thận để chú khỏi vỡ tan. Một năm tiết kiệm bớt tiền quà, em có thể mua sắm dụng cụ học tập, cũng giúp mẹ đỡ tốn nhiều tiền. Như thế, chú heo của em thật đắc dụng.

Em rất cảm động trước món quà của ngoại dành cho em. Chú heo đất chỉ là ý thích cỏn con nhất thời của em. Thế mà ngoại lưu tâm và mua tặng nó cho em. Chú heo đất là tình cảm yêu thương ngọt ngào của ngoại. Em hứa học hành chăm ngoan để ba mẹ vui lòng, cũng là đền đáp tình yêu thương của ngoại dành cho em. Em sẽ giữ gìn chú heo đất cẩn thận và tiết kiệm tiền để tập thói quen chi tiêu hợp lí.

Tả hình dáng và công dụng của một đồ vật gần gũi với em - mẫu 5 - Con lật đật

Hôm nay là ngày chủ nhật, tôi dọn dẹp lại căn phòng của mình. Khi thò tay vào phía trong của một cái tủ, bỗng tôi nghe thấy âm thanh "long bong! long bong!" Tôi chợt nhận ra đó là âm thanh của một con lật đật. Vâng! Con lật đật này là món đồ chơi đầu tiên của tôi. Quá khứ bỗng trở về với tôi, hồi ấy gia đình tôi nghèo lắm, từ nhỏ tôi chẳng có một món đồ chơi nào cả, nhìn bạn bè có đồ chơi mà lòng tôi cảm thấy thèm thuồng. Rồi một hôm, vào một ngày đẹp trời, mẹ đưa tôi đến cửa hàng bách hóa tổng hợp, khu bán đồ chơi cho thiếu nhi.

Tôi không thể tin được là mình lại được đứng trước một gian hàng mà xung quanh toàn là đồ chơi trẻ em. Cái nào cũng đẹp cũng xinh. Món nào tôi cũng thích. Nhưng mẹ bảo tôi: "Con chỉ được chọn một món đồ chơi mà thôi!". Suy ngẫm một hồi lâu, tôi quyết định chọn con lật đật được đặt ở chính giữa gian hàng.

Con lật đật của tôi mới đáng yêu làm sao, hình dáng của nó tròn xoay như hai trái bóng nhựa ghép lại với nhau, khoác trên mình nó là một chiếc áo màu đỏ thẫm. Trên đầu, lật đật đội chiếc khán màu vàng có viền đăng ten trắng ôm sát khuôn mặt bầu bĩnh. Đôi mắt của nó to, tròn, xanh như hai hòn bi ve, lúc nào cũng mở to trông thật ngây thơ, đáng yêu. Cái mũi tẹt nhưng lại hơi hênh hếch nhìn rất ngộ nghĩnh. Miệng cười rất xinh. Bụng lật đật thắt một cái đai màu vàng nổi bật trôn chiếc áo màu đỏ sẫm. Hai cánh tay lật đật chìa ra hai bên, tròn mũm mĩm dễ thương. Lật đật không biết đi, chỉ ngồi yên một chỗ, nhưng nếu đụng vào lật đật sẽ nghiêng qua nghiêng lại và phát ra âm thanh "long bong! long bong!" nghe thật vui tai.

Từ khi có món đồ chơi này, suốt ngày tôi chỉ ở nhà đùa nghịch với nó, tôi cũng tự hào khoe với các bạn: "Mình cũng có món đồ chơi đây! Một con lật đật mới nguyên." Bây giờ nhìn lại món đồ chơi này trong tôi vẫn còn dấy lên một tình cảm đặc biệt. Tôi lấy khăn lau lại lật đật và đặt nó vào tủ kính để lưu giữ một kỉ niệm khó quên của tuổi thơ ấu.

Tả hình dáng của một đồ vật gần gũi với em - mẫu 6 - Lọ đựng bút

Lọ đựng bút của em được làm từ gốm sứ với lớp men trắng xinh xắn ở bên ngoài. Lọ có hình trụ rỗng ở bên trong, không có nắp đậy như một cốc nước. Thành lọ dày chừng gần 3mm. Phần miệng của lọ đựng bút cong cong như sóng biển, giúp bút không bị lăn tròn khi tựa lên thành miệng. Chân lọ thì hơi to và phình ra, giúp lọ đứng chắc chắn dù để khá nhiều đồ. Trước mặt bình, có vẽ hình của một ngôi sao băng màu vàng chanh. Phía đuôi của ngôi sao là những vệt vàng tạo cảm giác như ngôi sao ấy thực sự đang bay lượn.

Tả hình dáng của một đồ vật gần gũi với em - mẫu 7 - Trống trường

Cạnh sân chào cờ là một bác trống trường to lớn và đường bệ. Thân bác hình dáng như một chiếc thùng rỗng ruột, được làm từ gỗ cứng. Người ta sơn lên đó lớp sơn màu đỏ và trang trí các họa tiết đường viền, ngôi sao, hình thoi… màu vàng nổi bật. Hai mặt trống được bịt lại bằng một lớp da chắc chắn. Trên lớp da đó được trang trí những họa tiết xinh xắn và bắt mắt. Thân trống được đặt trên phần trụ bốn chân chắc chắn. Phía dưới là bốn bánh xe giúp dễ di chuyển trống đi các vị trí khác nhau. Phần trên cùng của chân được làm trũng xuống vừa với thân trống, để giúp cố định trống không bị lung lay. Cạnh đó là một cái khay dài hình chữ nhật để bỏ dùi trống. Dùi trống thon dài hình chữ nhật, được buộc vải đỏ rất xinh. Em rất thích chiếc trống của trường mình.

Tả hình dáng của một đồ vật gần gũi với em - mẫu 8 - Cuốn sách

Vào dịp sinh nhật, mẹ mua cho em một cuốn sách tranh về thế giới động vật. Sách có hình chữ nhật, to như là chiếc máy tính xách tay của bố. Phần bìa được làm từ bìa cứng, dày và chắn chắn lắm. Trên mặt bìa là bức tranh vẽ nhiều loài động vật trong rừng đang đứng dưới chiếc cầu vồng xinh xắn. Cùng dòng chữ nổi cách điệu Thế giới kì thú. Bên trong là các trang giấy bóng, in hình ảnh các loài động vật ở trong rừng. Trang nào cũng kèm theo những thông tin thú vị của loài động vật trong ảnh. Em thích cuốn sách này lắm.

Tả hình dáng của một đồ vật gần gũi với em - mẫu 9 - Chiếc xe đạp

Hằng ngày, em đến trường bằng chiếc xe đạp cũ của mẹ cho. Tuy là xe cũ nhưng nước sơn màu xanh biển của xe vẫn còn bóng như mới. Hai vành xe và nan hoa trắng sáng, cứ loang loáng khi em đạp xe nhanh. Tay lái của xe được bọc nhựa ở chỗ cầm. Hai sợi dây thắng vòng,chéo nhau ở phía trước đính một nút thắt hình con bướm. Yên xe được thay mới nên rất êm. Xe còn có giỏ phía trước để em đựng cặp khi đi học. Xích xe quay đều kêu rè rè nhưng xe đạp rất nhẹ. Các bạn của em đều thích chiếc xe đạp này. Em rất tự hào đã tự mình đến trường bằng xe đạp, không phiền bố mẹ phải đưa đón.

Tả hình dáng của một đồ vật gần gũi với em - mẫu 10 - Bảng đen

Gần gũi nhất với học sinh chúng em phải kể đến anh bảng đen lớp học. Anh chiếm gần hết bức tường phía trên lớp. Anh bảng đen này hình dáng rất rõ ràng: anh là một hình chữ nhật làm bằng gỗ ép rộng hai mét, dài ba mét. Anh khoác lớp áo sơn đen chống loá ánh sáng. Gương mặt phẳng, láng mịn của anh được đóng khung bốn cạnh trong thanh nẹp to năm xăng-ti-mét. Nẹp bảng cũng được sơn đen. Ở góc trái bảng có một khung nhỏ kẻ bằng sơn trắng để ghi tên lớp và sĩ số học sinh. Anh bảng đen chịu thương chịu khó chuyển tải trên thân mình khối lượng không nhỏ kiến thức học tập mà cô giáo dạy hằng ngày. Bạn nào trong lớp cũng thích lau bảng và yêu anh bảng đen lắm!

Tả hình dáng của một đồ vật gần gũi với em - mẫu 11 - Bàn học

Bàn học của em được đặt ở ngay bên cửa sổ nhìn ra vườn cây. Tuy chỉ bằng gỗ bình thường nhưng bàn đã được đánh bóng và được phủ lên một màu nâu trông rất đẹp. Bàn có hình chữ nhật, dài một mét, rộng hơn nửa mét. Trên bàn phủ một tấm kính trắng, em lồng thời khóa biểu và mấy tấm ảnh của em cùng gia đình dưới tấm kính. Mọi thứ để trên bàn đều gọn gàng và ngăn nắp. Phía bên phải bàn em để cặp sách, ở giữa là lọ hoa hồng bằng ni lông màu đỏ tươi. Bàn có bốn chân vững chắc, không cao lắm, vừa tầm ngồi của em nên tạo cảm giác thoải mái khi ngồi học. Bàn có một ngăn kéo nhỏ, bên trong em để sách vở và đồ dùng học tập. Chân bàn và ngăn kéo đều được đánh vec-ni nhẵn bóng. Những tháng ngày qua bàn học giúp em ngồi học thật thoải mái, mỗi khi học xong em còn được nghe tiếng chim hót, tiếng gió thổi xào xạc ở ngoài vườn cây giúp cho tinh thần em thêm sảng khoái.

Tả hình dáng của một đồ vật gần gũi với em - mẫu 12 - Chiếc thước kẻ

Trên mép thước, là các vạch kẻ ngay ngắn, chia thành từng khoảng bằng nhau, với đơn vị tương ứng mỗi ô là 1mm. Cứ chín vạch thẳng nhỏ sẽ đến một vạch dài hơn, được đánh số ở dưới từ không đến ba mươi, đơn vị là cm. Mép thước còn lại, được chia thành từng khoảng rộng hơn, với đơn vị là dm. Tiện lợi vô cùng. Ở chính giữa thước, được làm lõm xuống, giúp em giữ thước dễ hơn khi sử dụng. Ở đó, còn có tên của nhà sản xuất viết in hoa màu đen. Tuy đơn giản nhưng vẫn rất bắt mắt. Chiếc thước này là dụng cụ học tập không thể thiếu của em mỗi ngày.

Tả công dụng của một đồ vật gần gũi với em - mẫu 13 - Chiếc đồng hồ báo thức

Sinh nhật vừa rồi, mẹ tặng cho em một chiếc đồng hồ báo thức màu hồng rất xinh. Em đặt đồng hồ ở trên bàn học. Nhờ nó, mà em luôn biết chính xác giờ trong ngày để sắp xếp hoạt động của mình. Mỗi khi làm bài, em dựa vào đồng hồ để tính toán thời gian mình đã làm, tiện lợi vô cùng. Đặc biệt nhất, là chức năng báo thức của đồng hồ. Chỉ cần hẹn trước, thì ngày hôm sau, đúng giờ đó, đồng hồ sẽ kêu reng… reng… reng… đến bao giờ em dậy tắt thì mới thôi. Nhờ vậy, từ khi có đồng hồ em có thể tự thức dậy buổi sáng mà không cần mẹ gọi nữa. Thật là tiện lợi.

Tả công dụng của một đồ vật gần gũi với em - mẫu 14 - Cuốn sách

Em rất thích cuốn sách Thế giới kì thú mà mẹ tặng nhân dịp sinh nhật. Nhờ cuốn sách mà em biết thêm nhiều loài động vật ở trong các khu rừng. Em được ngắm hình ảnh chúng lúc còn bé đến khi trưởng thành. Ngoài ra, em còn được biết thêm những thông tin bổ ích về các loài động vật nữa. Chẳng hạn như báo đốm có thể chạy tăng tốc rất nhanh nè, loài voi thường bôi một lớp bùn lên da để bảo vệ cơ thể khỏi vi khuẩn bè… Khi đọc sách, em luôn lật thật nhẹ và khi đọc xong thì cất sách lên kệ để cuốn sách luôn mới và sạch sẽ.

Tả công dụng của một đồ vật gần gũi với em - mẫu 15 - Quyển từ điển

Nhân sinh nhật lần thứ mười của mình, em được mẹ mua tặng một quyển từ điển Tiếng Việt. Đó là quyển từ điển do Viện ngôn ngữ học biên soạn. Bìa sách màu xanh, láng mịn, hoa văn chìm rất đẹp. Trên bìa in hình một cây sen cách điệu với đài sen rất to. Ngoài ra còn có số 2013 là năm phát hành, tên Nhà xuất bản Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học tập hợp tác sản xuất đặt song song với nhau. Giấy ruột trắng tinh, thơm tho, có một sợi dây ruy băng màu đỏ gắn vào gáy sách dùng để đánh dấu trang. Quyển từ điển rất dễ tra, vì mỗi lề trang sách luôn in chữ cái đầu tiên màu đen, theo thứ tự A, B, C, nổi bật trên nền giấy trắng.

Tả công dụng của một đồ vật gần gũi với em - mẫu 16 - Trống trường

Tiếng trống thật oai nghiêm. Nó có sức mạnh thúc giục chúng em nhanh chân đến lớp. Giờ chơi, tiếng trống như rộn rã reo vui, nó mời gọi chúng em ra sân nô đùa thỏa thích, nó như nhắc nhở chúng em tham gia tập thể dục nhịp nhàng. Đến giờ tan học, tiếng trống ngân vang một điệu khác, giòn hơn, hấp dẫn hơn. Trống trường thực sự là bạn đồng hành của đời học sinh chúng em. Mai đây, chúng em lớn lên, có thể đi bất cứ nơi nào trên Tổ quốc song mãi mãi tiếng trống trường vẫn bập bùng trong kỉ niệm.

Tả công dụng của một đồ vật gần gũi với em - mẫu 17 - Hộp bút chì màu

Mẹ mua cho em hộp bút chì màu rất tốt. Hộp chì màu giúp em đạt điểm cao trong môn vẽ, trang trí. Nó còn giúp em học toán: nếu em chưa nhìn rõ hình, dùng bút chì màu tô từng ô hình sẽ phát hiện các kiểu hình chồng lên nhau. Vào những ngày lễ như ngày Nhà giáo Việt Nam hai mươi tháng mười một hay những lúc tham gia phong trào thi vẽ, hộp chì màu giúp em hoàn thành tác phẩm mĩ thuật của mình để dự thi và dâng tặng các thầy cô giáo. Hộp chì màu còn được các anh chị của em mượn để tô màu bản đồ địa lí. Em rất yêu thích hộp chì màu của em.

Tả công dụng của một đồ vật gần gũi với em - mẫu 18 - Chiếc đèn bàn

Trên bàn học của tôi có một chiếc đèn bàn. Chiếc đèn này có đế tròn làm bằng sắt, khá nặng, sơn màu đen bóng. Cần đèn là thanh kim loại tròn không gỉ, cao chừng 40cm. Chụp đèn hình loa bằng kim loại mỏng sơn màu xanh lá cây ở phía ngoài và màu trắng ở bên trong. Bóng đèn được gắn trong chụp đèn. Mỗi tối, tôi cắm dây điện vào ổ là chiếc đèn lại sáng lên.Đèn đã giúp tôi học bài và làm những công việc cần thiết. Đèn bàn như người bạn thân thiết của tôi.

Tả công dụng của một đồ vật gần gũi với em - mẫu 19 - Chiếc cặp sách

Trong mỗi chúng ta, ai ai cũng đều có riêng cho mình những vật dụng gần gũi với bản thân. Và em cũng không ngoại lệ, chiếc cặp nhỏ là người bạn thân thiết nhất của em. Chiếc cặp hình chữ nhật, có màu hồng, trên cặp in nổi hình nàng công chúa Sofia mà em yêu thích. Quai cặp được làm bằng nhựa, trông rất chắc chắn. Hai dây đeo là vải ni lông màu đen. Bên trong, cặp có ba ngăn nhỏ, to, thuận tiện cho việc đựng sách vở và đồ dùng học tập. Em rất yêu quý chiếc cặp này.

Tả công dụng của một đồ vật gần gũi với em - mẫu 20 - Bút chì

Trong số tất cả những đồ vật gắn bó gần gũi với em, có lẽ chiếc bút chì là đồ vật có nhiều công dụng nhất. Nó có thể giúp em vẽ nên những bức tranh thật đẹp, những sơ đồ cho những bài toán khác nhau. Khi em vẽ sai, cục tẩy nhỏ màu hồng phía đuôi bút sẽ giúp em tẩy đi hình sai đó và em có thể vẽ lại. Không chỉ vậy, chiếc bút chì còn chính là cây bút đầu tiên của em, là cây bút em dùng để tập viết chữ những ngày đầu tiên vào lớp Một. Em rất yêu quý cây bút chì của mình.

Tài liệu có 6 trang. Để xem toàn bộ tài liệu, vui lòng tải xuống
Đánh giá

0

0 đánh giá

Tải xuống