Hãy chứng minh đời sống của chúng ta sẽ bị tổn hại nếu không có ý thức bảo vệ môi trường hay nhất (6 mẫu)

Tải xuống 11 3.8 K 8

Tailieumoi.vn xin giới thiệu đến các quý thầy cô, các em học sinh lớp 7 bài văn mẫu Hãy chứng minh đời sống của chúng ta sẽ bị tổn hại nếu không có ý thức bảo vệ môi trường hay nhất, gồm 11 trang trong đó có dàn ý phân tích chi tiết, sơ đồ tư duy và 5 bài văn phân tích mẫu hay nhất giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo trong quá trình ôn tập, củng cố kiến thức và chuẩn bị cho bài thi môn văn sắp tới. Chúc các em học sinh ôn tập thật hiệu quả và đạt được kết quả như mong đợi.

Mời các quý thầy cô và các em học sinh cùng tham khảo và tải về chi tiết tài liệu dưới đây:

HÃY CHỨNG MINH ĐỜI SỐNG CỦA CHÚNG TA SẼ BỊ TỔN HẠI NẾU KHÔNG CÓ Ý THỨC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Bài giảng: Cách làm bài văn lập luận chứng minh

Đời sống sẽ bị tổn hại nếu không bảo vệ môi trường – mẫu 1

Dân gian có câu: “Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm”. Đó là câu tục ngữ khẳng định vai trò quan trọng của môi trường sống và thể hiện ý thức giữ gìn môi trường sống từ rất sớm của ông cha ta. Quả thực, vấn đề giữ gìn môi trường sống đáng được chúng ta dành nhiều sự quan tâm bởi nếu không giữ gìn môi trường sống, đời sống của chúng ta sẽ bị tổn hại rất lớn.

Môi trường sống là tất cả những gì bao quanh đời sống sinh sống sinh hoạt, lao động…của con người. Đó là nhà cửa, cây cối, đất nước, không khí…giữ gìn môi trường sống được hiểu một cách đơn giản cụ thể là bảo vệ, không làm môi trường sống bị tàn phá, ô nhiễm.

Môi trường sống có một vai trò rất lớn đối với đời sống con người. Quả thực con người không thể sống mà không có không khí để thở, không có nước để uống, không có lương thực để ăn …môi trường sống cung cấp cho con người những điều đó. Hãy tưởng tượng một ngày kia môi trường bị ô nhiễm:không khí, nước bị nhiễm bẩn nhiễm độc thử hỏi con người có thể tồn tại được hay không. Đất nước ta trước đây đất đai rất màu mỡ vậy mà những năm gần đây đất đã dần bị rửa trôi hoặc nhiễm phèn, nhiễm mặn…điều đó gây không ít khó khăn cho việc canh tác, phát triển nông nghiệp. Đó là chưa kể đến việc cây rừng bị chặt phá hàng loạt gây ra biến động khủng khiếp về thiên nhiên: lũ lụt, hạn hán khiến đời sống người dân bị thiệt hại nặng nề.

Không chỉ vậy, môi trường sống còn là một vỏ bọc tốt giúp cho ta cách ly khỏi những vi trùng gây bệnh. Điều này chỉ được thực hiện với điều kiện môi trường sống của chúng ta trong sạch, không bị ô nhiễm. Chúng ta biết rằng những vi sinh trùng có hại cho sức khỏe của con người thường sống ở những nơi không đảm bảo vệ sinh. Nếu chúng ta giữ gìn môi trường sạch đẹp, trong lành thì những vi trùng có hại đó không còn điều kiện để sinh sống và phát triển.

Thời tiết khắc nghiệt dẫn đến sức khỏe con người bị ảnh hưởng, thiên tai dịch bệnh và kéo theo rất nhiều những ảnh hưởng xấu đến con người, ô nhiễm môi trường ngày nay đang ngày càng gia tăng bởi rác thải do con người thải ra hàng ngày càng nhiều, chính những lí do đó làm cho môi trường sống của chúng ta không còn trong sạch và muốn cải thiện lại điều đó chúng ta cần phải làm những điều có ý nghĩa và giá trị hơn đó là có ý thức bảo vệ môi trường. Chúng ta nên trồng nhiều cây xanh và có ý thức bỏ rác đúng nơi quy định, không thải những chất thải ra ngoài môi trường bởi nó sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến cuộc sống của chúng ta.

Cuộc sống của chúng ta đã vô vàn những thử thách được đặt ra và nó cũng luôn luôn đòi hỏi con người cần phải có ý thức trách nhiệm và giải quyết những vấn đề mà họ làm ra, những yếu tố tác động mạnh mẽ nhất đó là kêu gọi nhân dân có ý thức bảo vệ môi trường. Như trong cuộc sống chúng ta đều thấy có rất nhiều tấm gương tốt và những tập thể luôn tích cực gia tăng bảo vệ môi trường sống, họ phát động những việc làm từ thiện như nhặt rác ở nơi công cộng góp phần làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động của nó đến sức khỏe con người ngày càng tốt hơn. Nhưng bên cạnh những con người luôn có ý thức bảo vệ môi trường sống lại có những thành phần không có ý thức bảo vệ môi trường, xả rác không đúng nơi quy định gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài sản và sức khỏe của chính họ. Chúng ta cần có ý thức bảo vệ chính cuộc sống mà chúng ta đang sống.

Có những việc làm tưởng chừng như nhỏ nhặt nhưng lại có tác dụng rất lớn: không xả rác bừa bãi, khơi thông cống rãnh nơi sinh sống, trồng cây gây rừng và bảo vệ cây xanh… Nếu mỗi người có thể làm được những điều tưởng chừng đơn giản như vậy thì chắc chắn môi trường cũng như cuộc sống của chúng ta sẽ ngày càng được cải thiện.

Sơ đồ tư duy

Hãy chứng minh đời sống của chúng ta sẽ bị tổn hại nếu không có ý thức bảo vệ môi trường hay nhất (5 mẫu) (ảnh 3)

Dàn ý chi tiết

I. Mở bài

- Giới thiệu vấn đề cần chứng minh

II. Thân bài

  1. Giải thích khái niệm: môi trường là gì?

- Môi trường: tập hợp tất cả các yếu tố tự nhiên và nhân tạo bao quanh con người, ảnh hưởng tới con người và tác động đến các hoạt động sống của con người (đất, nước, không khí…)

  1. Vai trò của môi trường đối với đời sống con người

- Là “ngôi nhà chung” của con người.

- Là nơi cung cấp tài nguyên cần thiết cho cuộc sống và hoạt động sản xuất của con người:

+ Rừng: cung cấp nước, bảo tồn độ phì nhiêu và đa dạng sinh học của đất, cung cấp nguồn củi gỗ, dược liệu và cải thiện điều kiện sinh thái.

+ Không khí, nhiệt độ, nước, gió, năng lượng mặt trời: duy trì các hoạt động trao đổi chất…

- Là nơi chứa đựng, trung hòa và phân hủy các chất phế thải do con người tạo ra trong cuộc sống và hoạt động sản xuất của mình.

- Là nơi bảo vệ con người và sinh vật khỏi các tác động bên ngoài: chúng ta được an toàn trước các tác nhân nguy hiểm tác động từ vũ trụ như tia cực tím, lực hút…

- Môi trường là nơi lưu trữ và cung cấp thông tin cho con người: lưu trữ các nguồn gen, các loài động thực vật, các cảnh quan… 

  1. Nếu không bảo vệ môi trường thì đời sống của chúng ta sẽ bị tổn hại lớn

- Không bảo vệ tài nguyên đất (canh tác, quy hoạch bừa bãi không có kế hoạch): đất bạc màu, con người không có nơi canh tác, sản xuất và sinh sống…

- Không bảo vệ không khí (khói bụi của các nhà máy, xí nghiệp, xe cộ…): gây ô nhiễm môi trường và hiệu ứng nhà kính làm giảm chất lượng cuộc sống và tuổi thọ của con người.

- Không bảo vệ nguồn nước (xả các chất thải công nghiệp độc hại, vứt rác bừa bãi…) làm ô nhiễm nguồn nước, phát sinh các loại dịch bệnh…

- Không bảo vệ rừng (chặt phá rừng bừa bãi) làm mất nguồn lâm sản quý, mất cân bằng sinh thái gây ra hạn hán, lũ lụt, sạt lở đất… làm thiệt hại về người và của…

  1. Trách nhiệm của bản thân và cộng đồng xã hội trong việc bảo vệ môi trường

- Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn thành phố, làng quê xanh – sạch – đẹp…

- Ưu tiên sử dụng các sản phẩm, nguyên liệu từ thiên nhiên.

- Phân loại rác thải trước khi đưa ra môi trường để có thể tái chế được nguyên liệu.

- Hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

- Các nhà máy phải có các biện pháp kịp thời xử lí chất thải bằng các công nghệ và kĩ thuật hiện đại.

- Ngăn chặn phá rừng, đốt rừng bừa bãi

- Tổ chức các đợt trồng rừng, trồng nhiều cây xanh cả ở nông thôn và thành phố…

III. Kết bài

- Nhắc lại vai trò của môi trường sống đối với con người.

- Rút ra bài học nhận thức và hành động của bản thân.

 

Các bài văn mẫu khác:

Đời sống sẽ bị tổn hại nếu không bảo vệ môi trường – mẫu 2

Từ xa xưa ông cha ta sống và tồn tại cho đến ngày nay đều có sự ảnh hưởng trực tiếp của môi trường sống. Nó Không chỉ cung cấp cho con người ô xi để thở, nguyên liệu để phát triển sản xuất mà thậm chí còn có vị trí vô cùng quan trọng đối với tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên chính sự vô tình của con người đang dần dần làm mất đi sự cân bằng môi trường sống và gây ảnh hưởng không nhỏ đến tương lai sau này.

Môi trường sống được định nghĩa bao gồm tất cả những không gian sống xung quanh con người như là: Động vật, cây cối, không khí, đất, nước…. Nó bao gồm cả môi trường tự nhiên và môi trường nhân tạo. Có vai trò vô cùng quan trọng đối với cuộc sống của mỗi người và cần phải khẳng định một điều bảo vệ nó chính là bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta.

Trước hết chúng ta hãy nói đến môi trường tự nhiên vây quanh chúng ta. Nó chính là bầu không khí mát lành để ta hít thở hàng ngày. Thế nhưng bầu không khí đó đang dần dần bị những khí độc do nhà máy, xí nghiệp, xe cộ làm ô nhiễm. Nó khiến cho con người chúng ta đang phải đối diện với rất nhiều loại bệnh về hô hấp về da. Bạn có biết vì sao lại thế không? Khi mà những khí độc hại ngày càng nhiều nó khiến cho tầng ozon bị thủng dẫn đến không thể ngăn các tia tử ngoại từ Mặt trời do đó bệnh về ung thư da ngày càng nhiều. Chưa kể nó còn khiến cho nhiệt độ trái đất tăng cao, băng tan lũ lụt sóng thần ngày càng nhiều.

 

Không chỉ là bầu không khí mà ngay cả rừng nguồn cung cấp oxi cho con người cũng đang ngày càng suy giảm về số lượng. Xưa kia chúng ta luôn tự hào để nói với con cháu rằng nước ta có “rừng vàng biển bạc đất phì nhiêu”. Thế nhưng, bên cạnh sự suy yếu về môi trường sống là sự mất đi của những cánh rừng. Bao gồm cả rừng nguyên sinh và rừng phòng hộ. Rừng mất đi đồng nghĩa với việc không còn nơi chắn bão, chắn lũ và gây hiện tượng sạt lở đất, xói mòn và hoang mạc hóa. Bên cạnh đó, rừng còn là nơi cư trú của các loài động thực vật quý hiếm. Khi rừng bị phá thì động vật đương nhiên cũng mất nơi trú ẩn rồi tuyệt chủng. Đây chính là nguồn cung cấp nguyên nhiên, dược liệu cho các ngành công nghiệp chế biến của con người.

Cùng với sự suy yếu của môi trường không khí và cây xanh thì một nhân tố nữa cũng đang bị suy giảm nghiêm trọng đó chính tài nguyên nước. Nước được ví như mạch máu trong cơ thể không có nước đồng nghĩa với việc tất cả mọi sự sống trên trái đất đều suy kiệt. Cơ thể con người chiếm tới 70% là nước, cũng giống như bề mặt trái đất chiếm ¾ là nước. Thế nhưng hãy nhìn xem biển ngập rác thải, ao hồ sông suối trở thành những nơi chứa chất thải công nghiệp nó khiến cho sinh vật sống dưới nước chết hàng loạt, và nguy hiểm hơn nó lại chính là nguồn cung cấp nước cho con người. Biết bao nhiêu bệnh tật vì thế cũng xuất hiện như ung thư, viêm phổi,…. Hãy nhìn cả một vùng biển miền Trung ngập xác cá bởi chất thải từ Formosa, Hồ Gươm vốn sạch đẹp bộ mặt của thủ đô giờ đây cũng tràn ngập rác thải và nguồn thải. Nó Không chỉ ảnh hưởng đến mỹ quan thành phố mà còn gây tác động xấu đến sức khỏe con người.

Trong những năm qua trước những biến đổi không ngừng của khí hậu trái đất, sự đau thương mà mẹ thiên nhiên đã gây ra cho con người rất nhiều các tổ chức, các quốc gia đã đứng lên để kêu gọi con người bảo vệ môi trường sống. Hội nghị chống biến đổi khí hậu toàn cầu COP21 đi đến thống nhất chung cắt giảm khí thải đến môi trường, đồng thời kêu gọi các nước phát triển đóng góp kinh phí để khắc phục hậu quả do biến đổi khí hậu gây ra.

Ở Việt Nam trong những năm qua Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương biện pháp để khắc phục tình hình ô nhiễm bằng việc tích cực trồng cây gây rừng, kiểm soát chặt chẽ xả thải của các doanh nghiệp….. Với mong muốn bảo vệ môi trường ngày càng xanh tươi.

Môi trường sống vô cùng quan trọng trong cuộc sống cũng như sản xuất của con người. Nếu không có chúng thì đồng nghĩa với việc không có sự sống. Chính vì thế chúng ta ngay từ lúc này hãy chung tay thực hiện những điều nhỏ nhất để bảo vệ chính sự sống và tương lai của thế hệ sau này.

Đời sống sẽ bị tổn hại nếu không bảo vệ môi trường – mẫu 3

Trong đời sống xã hội nhiều năm trở lại đây, vấn đề môi trường sống được nhắc đến như là “điểm nóng” của tình hình thế giới. Các hội thảo khoa học, các hội nghị quốc tế, những cuộc thi, những cuộc vận động… xoay quanh vấn đề môi trường sống đang từng ngày từng giờ được diễn ra, tất cả đều phát đi bức thông điệp khẩn thiết: “Hãy cứu lấy môi trường!”

Trước hết phải hiểu rằng môi trường sống bao gồm những điều kiện tự nhiên bao quanh con người. Môi trường sống lại được chia nhỏ thành các loại: đất, nước, cây cối, không khí, bầu trời... Môi trường sống có vai trò vô cùng quan trọng đối với đời sống con người, sự xâm hại đến môi trường sống gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sống.

Nếu chúng ta không bảo vệ môi trường thì hậu quả đầu tiên con người phải gánh chịu đó là số người mắc những căn bệnh nan y sẽ ngày một tăng. Bởi khi khói của các nhà máy công nghiệp với đủ các độc tố tạo thành lớp mây mù bay trên bầu trời. Con người sẽ hít phải khí độc đó và hơn nữa những chất thải đó sẽ làm hư hại đến tầng ôzôn nên về lâu dài nếu cứ để tình trạng ô nhiễm khí công nghiệp xảy ra con người sẽ không có không khí để thở và cả thế giới sẽ chết ngạt. Và bệnh tật sẽ còn phát sinh hơn nữa nếu con người phải sống lâu ngay ở môi trường ô nhiễm đặc biệt là nguồn nước. Nguồn nước vô cùng quan trọng với con người: nước dùng để sinh hoạt như ăn uống, tắm giặt và dùng trong trồng trọt, cây rau của chúng ta cũng sẽ trở nên độc hại nếu được tưới tiêu bằng nguồn nước bẩn. Và còn rất nhiều thứ khác sẽ trở thành độc hại khi sử dụng chúng bằng nguồn nước bẩn.

Trong bài Thông tin về trái đất năm 2000 (Tài liệu của Sở Khoa học và Môi trường Hà Nội) nói về chủ đề Một ngày không dùng bao ni-lông. Con số mà các nhà khoa học thống kê được ở Việt Nam mỗi ngày thải ra hàng triệu bao bì ni- lông. Số lượng bao bì này quả là lớn nó sẽ gây ra những hậu quả như làm tắc cống gây ngập lụt ở các đô thị khiến cho bệnh tật phát sinh, rồi các bao bì ni-lông màu đựng thức ăn sẽ làm ô nhiễm thức ăn gây ra ung thư phổi. Như vậy ta có thể thấy bao bì ni lông chỉ là một trong vô số loại rác thải mà đã gây ra bao nguy hiểm đối với con người, vậy nếu ta không ý thức được trong việc bảo vệ môi trường thì chính ta đang tự giết ta.

Một vấn đề nữa, nếu chặt phá rừng bừa bãi cũng sẽ gây ra những hậu quả khủng khiếp, đó là nạn lũ lụt hoành hành từng năm. Rừng là lá phổi của trái đất, điều đó có nghĩa là rừng cung cấp cho con người khí oxy nhờ quá trình quang hợp của cây. Con người chỉ có thể có được không khí trong lành khi được sống giữa màu xanh của cây cối, với thiên nhiên. Đặc biệt, rừng còn là bức tường kiên cố ngăn chặn sự xâm hại của dòng nước đổ từ trên miền núi xuống miền xuôi cho nên nếu những bức tường đó bị phá bỏ thì nước lũ sẽ mặc sức đổ xuống đồng bằng, khiến cho ngập lụt xảy ra thường xuyên và thật khủng khiếp. Thiệt hại về người và của không thể tính xuể. Mặc dù biết tác hại do việc chặt phá rừng là như vậy song nhiều người vẫn ngang nhiên chặt gỗ phá rừng, khiến cho diện tích rừng trên thế giới mỗi năm một giảm.

Môi trường sống quanh ta chính là người bạn thân thiết nhất. Và đời sống của chúng ta sẽ bị tổn hại rất lớn nếu mỗi người không có ý thức bảo vệ môi trường sống. Bởi vậy, chúng ta hãy chung tay cùng nhau bảo vệ môi trường sống của mình.

Đời sống sẽ bị tổn hại nếu không bảo vệ môi trường – mẫu 4

Trong những năm gần đây, các hội nghị bàn về môi trường liên tục được tổ chức ở phạm vi khu vực và toàn cầu vì nạn ô nhiễm môi trường đã đến lúc báo động. Bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống đã trở thành vấn đề cấp thiết, được toàn nhân loại hết sức quan tâm.

Đời sống của chúng ta sẽ bị tổn hại rất lớn nếu chúng ta không có ý thức bảo vệ môi trường. Đó là một điều hiển nhiên không thể phủ nhận. Hằng ngày, qua các phương tiện thông tin như báo chí, truyền hình, phát thanh chúng ta thấy thiên tai xảy ra liên tục: bão lụt, mưa lớn, hạn hán, nắng nóng kéo dài xuất hiện trên khắp các châu lục kéo theo bao thảm họa không thể lường trước được. Ngay ở nước ta, hằng năm cứ đến mùa mưa là nước lũ từ thượng nguồn cuồn cuộn, hung hãn đổ về, phá vỡ đê điều, cuốn trôi nhà cửa, mùa màng và cướp đi biết bao sinh mạng. Các thiên tai như núi lở, lũ quét bất thần ập đến, gây ra cảnh tượng mất mát, đau thương. Tất cả những thứ đó đều là hậu quả của việc phá rừng vô tội vạ vì rừng bị phá đồng nghĩa với việc vành đai bảo vệ không còn nữa, con người sẽ phải thường xuyên đối mặt với thiên tai.

 

Do không có được nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của môi trường sống nên con người đã tự gây hại cho mình. Vì nguồn lợi trước mắt, không ít kẻ đã hủy hoại môi trường. Chặt cây lấy gỗ, mở mang diện tích trồng trọt, canh tác; đốt nương làm rẫy, săn bắt thú quý những việc làm đó kéo dài trong nhiều năm sẽ làm cho diện tích rừng tự nhiên ngày càng thu hẹp lại, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự cân bằng sinh thái. Những vụ phá rừng với nguy cơ lớn tiêu biểu như ở Tánh Linh, Bình Thuận, ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ, ở Tây Nguyên hay vụ cháy mấy ngàn hecta rừng nguyên sinh ở U Minh là những ví dụ điển hình.

Tục ngữ có câu: “Tiền rừng, bạc biển” hay “Rừng vàng, biển bạc” nhưng không có nghĩa rừng, biển là kho tàng vô tận. Cây chặt mãi cũng phải hết; tôm cá nào sinh sản cho kịp với kiểu đánh bắt bằng thuốc nổ, bằng điện, bằng hóa chất của không ít người tham lam, vô ý thức hiện nay. Nếu khai thác không đi đôi với giữ gìn, bảo vệ và phát triển thì hai nguồn tài nguyên lớn ấy sẽ dần dần cạn kiệt. Hiện nay, các đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh ô nhiễm đã đến mức báo động. Không khí mịt mù khói xăng, khói từ các nhà máy, các xí nghiệp thải ra. Khí thải, chất thải, nước thải không được xử lý kịp thời cũng là nguồn bùng phát và lây lan bệnh dịch. Có thể nói môi trường ô nhiễm tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cho cuộc sống và tính mạng con người nhưng không phải ai cũng hiểu điều đó. Không ít người có thói xấu là vứt rác, đổ nước bẩn, khạc nhổ, phóng uế bừa bãi ra nơi công cộng, làm cho cảnh quan đô thị trở nên nhếch nhác, kém văn minh. Việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho người dân là rất quan trọng và cần thiết, phải làm thường xuyên, liên tục.

Ngay cả nông thôn trước đây vốn là nơi trong lành, yên tĩnh nhưng hiện tại, với tốc độ đô thị hóa phát triển nhanh chóng thì điều đó đã thay đổi. Sự thiếu hiểu biết về khoa học kĩ thuật của nông dân cũng gây ra nhiều tác hại như việc lạm dụng hóa chất, thuốc trừ sâu trong trồng trọt, chăn nuôi dẫn đến ô nhiễm đất đai, ô nhiễm nguồn nước sạch, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, sức sản xuất.

Môi trường xanh, sạch, đẹp là môi trường lý tưởng cho cuộc sống con người, bởi thế mỗi cá nhân phải có ý thức bảo vệ nó. Ý thức đó không chỉ dừng lại ở lý thuyết mà phải biến thành hành động cụ thể hằng ngày như trồng thêm cây xanh, tiết kiệm nước sạch, thực hiện nếp sống văn minh nơi công cộng. Nhiều việc nhỏ góp lại thành việc lớn. Trong tương lai không xa, chúng ta sẽ được sống an lành, hạnh phúc trong một môi trường lí tưởng do chính chúng ta tạo dựng nên.

Đời sống sẽ bị tổn hại nếu không bảo vệ môi trường – mẫu 5

Môi trường giữ vai trò quan trọng đối với đời sống của chúng ta. Một môi trường tốt sẽ tạo nên một cuộc sống tốt, con người có thể thỏa sức làm việc, nghỉ ngơi, vui chơi, phát triển. Còn ngược lại, một môi trường xấu, môi trường bị ô nhiễm, sẽ tạo nên một cuộc sống đầy rẫy bệnh tật và khó khăn, trở ngại.

Vậy môi trường sống là gì? Môi trường sống chính là những gì bao quanh chúng ta, đó là không khí, là đất, nước, là cả những sinh vật nhỏ bé như những loài côn trùng, bò sát… tất cả đều gọi là môi trường sống. Ở những môi trường sống ấy, con người có không khí để hít thở, có nước sạch để sử dụng, có cây xanh tỏa bóng mát, có đất đai để trồng trọt và chăn nuôi. Một môi trường trong lành sẽ ngăn ngừa sự phát triển của các loài vi khuẩn có hại, không khí sạch sẽ không để vi khuẩn, virus sinh sôi, nước sạch sẽ không có chỗ cho muỗi đẻ trứng, đất đai sạch sẽ không thể có các mầm mống gây bệnh. Đó chính là những ích lợi mà môi trường sống trong lành mang lại cho chúng ta. Được sống trong môi trường ấy, con người sẽ khỏe mạnh, sống vui, sống khỏe và làm được nhiều điều có ích.

Thế nhưng, đời sống ngày càng phát triển, con người ngày càng được hỗ trợ bởi những thiết bị tiện nghi, hiện đại nên quên mất đi nhiệm vụ quan trọng nhất đó chính là bảo vệ môi trường. Cách sống ích kỷ trong xã hội hiện đại đã khiến chúng ta vô tình làm tổn hại đến môi trường sống. Tất cả mọi người, ngay cả những người lớn tuổi, vẫn hồn nhiên xả rác bừa bãi ra môi trường, rác thải theo mưa đi đến cống rãnh, làm tắc cống rãnh, đi đến sông suối làm ô nhiễm nguồn nước. Không khó để chúng ta bắt gặp trên mạng xã hội hình ảnh những loài động vật phải ngập ngụa trong rác thải của con người. Chưa kể là những rác thải hữu cơ rất có ích nếu dùng để ủ thành phân, bón cho cây trồng thế nhưng chúng ta không làm vậy, chúng ta thải ra môi trường, gây ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường sinh sống của chính chúng ta. Đó là chưa nói đến các nhà máy công nghiệp, lúc nào cũng ngùn ngụt khói trắng, khói đen tỏa ra trên bầu trời. Những thứ đó sẽ làm thủng tầng ozon, tạo mưa gió, lũ lụt, làm đời sống con người vô cùng cực khổ. Thêm nữa, chúng ta chặt phá rừng, gây đồi trọc, đất trống, mỗi khi mưa về sức nước lớn mà không có cây xanh giữ lại sẽ gây ra sạt lở, xói mòn.

Những dẫn chứng nêu trên đã giúp chúng ta thấy được phần nào tác hại mà môi trường sống ô nhiễm gây ra. Thực tế đã có những vụ việc hết sức đau lòng trên đất nước Việt Nam. Đó là thảm họa cá chết ở bốn tỉnh miền Trung, là những dòng sông độc ở Thanh Hóa, là những vụ sạt lở chôn vùi nhà cửa thậm chí là sinh mạng con người. Tất cả chính là hệ quả của ô nhiễm môi trường. Như một vòng tròn nhân quả, con người gây ra ô nhiễm và cũng chính con người phải chịu đựng những cơn thịnh nộ của thiên nhiên.

Trước những vấn đề cấp thiết như thế, giữ gìn môi trường sống không bị ô nhiễm chính là nhiệm vụ không chỉ của các nhà lãnh đạo mà còn là vai trò, trách nhiệm của mỗi người. Chúng ta cần góp sức lực vào việc bảo vệ môi trường, dù chỉ là những hành động đơn giản, nhỏ bé như nhặt rác, dọn vệ sinh trường, lớp, giữ vệ sinh đường phố sạch đẹp…

Tóm lại, môi trường chính là nơi chúng ta được sinh ra, lớn lên và trưởng thành. Một môi trường trong lành sẽ là điều kiện thuận lợi để giúp chúng ta có thể học tập và phát triển. Còn ngược lại, nếu môi trường bị ô nhiễm thì cuộc sống chắc chắn sẽ bị tổn hại rất to lớn.

Đời sống sẽ bị tổn hại nếu không bảo vệ môi trường – mẫu 6

Môi trường sống là tất cả những gì bao quanh chúng ta. Đó là không khí, là cây cối, là nguồn nước,… Thử hỏi nếu một ngày những thứ ấy biến mất thì con người chúng ta sẽ sống như thế nào? Không có nước thì mọi sự đều khô héo, không có cây cối thì không khí bị ô nhiêm mà không có không khí nữa thì con người cũng chẳng thể nào tồn tại được. Chính vì thế mà đời sống của chúng ta đã bị tổn hại rất lớn nếu mỗi người không có ý thức bảo vệ môi trường.

Quả thực vậy, chúng ta đang được sống trong một hành tinh của hệ mặt trời. Vì sao hành tinh của chúng ta lại có sự sống? Bởi vì chúng ta có bầu khí quyển, trong không khí của chúng ta có khí O2 giúp con người có thể thở và trái đất của chúng ta có nước. Rất nhiều hành tinh khác tương tự như chúng ta nhưng lại không đầy đủ như chúng ta. Vì thế mà ở đó không có sự sống. Có thể nói, sự sống của con người trên trái đất một phần là nhờ vào môi trường.

Như đã nói ở trên, môi trường sống không phải là một phạm trù nào đó cụ thể mà nó là sự tổng hòa của nhiều yếu tố cấu thành nên. Chỉ cần thiếu đi một trong số những yếu tố đó thôi cũng không thể tạo nên môi trường sống cho con người.

Môi trường sống có vai trò trước hết là tạo điều kiện vật chất cho cuộc sống của con người. Chẳng hạn như bầu khí quyển của chúng ta. Nhờ nó mà chúng ta có thể hít thở một cách dễ dàng. Khi bầu không khí bị ô nhiễm với khói bụi thì bản thân mỗi con người cũng sẽ thấy rất khó thở. Nguồn nước cũng giữ một vai trò quan trọng. Đầu tiên, nước cung cấp cho thủy điện để cho chúng ta điện sinh hoạt, điện sản xuất. Nước cung cấp cho thủy lợi giúp người nông dân có nước tưới tiêu. Nước cung cấp cho sinh hoạt giúp chúng ta có nước để uống. Những cây xanh ngoài kia không chỉ mang đến cho chúng ta bầu không khí trong lành mà còn giúp ngăn chặn thiệt hại của thiên tai.

Một vai trò nữa của môi trường là bảo vệ sức khỏe con người. Chẳng hạn như không khí trong lành sẽ ngăn chặn được vi khuẩn, virus nhờ vậy mà con người không bị đau ốm. Giữ cho nguồn nước sạch thì những sinh vật như muỗi, bọ gậy sẽ không thể sinh sôi.

Mặc dù môi trường quan trọng với con người nhưng không phải ai cũng có ý thức bảo vệ môi trường. Biểu hiện cụ thể là những hành động không đẹp của con người. Chẳng hạn như hiện tượng chặt phá rừng bừa bãi vẫn còn diễn ra thường xuyên khiến cho con người phải hứng chịu hậu quả của lở đất. Rồi những hành động tưởng chừng như rất nhỏ như xả rác bừa bãi nhưng cũng gây ảnh hưởng đến môi trường. Một vài công ty thì ngang nhiên xả thải ra ngoài môi trường, xả thải ra nước biển khiến cho môi trường biển bị ô nhiễm, sinh vật biển vì vậy mà chết dần chết mòn. Khói từ các phương tiện giao thông, từ các nhà máy xả ra cũng làm cho không khí bị ô nhiễm. Hà Nội của chúng ta thật đáng buồn trở thành một trong những thành phố có không khí bị ô nhiễm nhất trên thế giới. Nhiều khi ra đường chúng ta tưởng là sương mù nhưng thực ra đó là do không khí đang bị ô nhiễm và con người hít vào sẽ rất độc.

Xem thêm: Dàn ý bài văn phân tích năm câu cuối bài thơ Bài ca nhà tranh bị gió thu phá
Chính những hành động như vậy đang khiến môi trường sống bị hủy hoại từng ngày. Nếu ý thức của con người cứ kém như vậy thì chẳng mấy chốc, chúng ta sẽ tự hại chính mình. Cuộc sống của con người sẽ đi đâu và về đâu nếu như môi trường quanh ta không còn nữa? Không có nước, không có không khí, không có rừng,… con người có lẽ cũng sẽ chết mòn và rồi trái đất sẽ chẳng còn sự sống nữa.

Bằng những hành động nhỏ, chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi được môi trường sống của mình theo hướng tích cực hơn. Đơn cử như việc bỏ rác vào thùng hay trồng thêm một cây xanh là chúng ta đã góp phần vào việc bảo vệ môi trường rồi.

Xem thêm
Hãy chứng minh đời sống của chúng ta sẽ bị tổn hại nếu không có ý thức bảo vệ môi trường hay nhất (6 mẫu) (trang 1)
Trang 1
Hãy chứng minh đời sống của chúng ta sẽ bị tổn hại nếu không có ý thức bảo vệ môi trường hay nhất (6 mẫu) (trang 2)
Trang 2
Hãy chứng minh đời sống của chúng ta sẽ bị tổn hại nếu không có ý thức bảo vệ môi trường hay nhất (6 mẫu) (trang 3)
Trang 3
Hãy chứng minh đời sống của chúng ta sẽ bị tổn hại nếu không có ý thức bảo vệ môi trường hay nhất (6 mẫu) (trang 4)
Trang 4
Hãy chứng minh đời sống của chúng ta sẽ bị tổn hại nếu không có ý thức bảo vệ môi trường hay nhất (6 mẫu) (trang 5)
Trang 5
Hãy chứng minh đời sống của chúng ta sẽ bị tổn hại nếu không có ý thức bảo vệ môi trường hay nhất (6 mẫu) (trang 6)
Trang 6
Hãy chứng minh đời sống của chúng ta sẽ bị tổn hại nếu không có ý thức bảo vệ môi trường hay nhất (6 mẫu) (trang 7)
Trang 7
Hãy chứng minh đời sống của chúng ta sẽ bị tổn hại nếu không có ý thức bảo vệ môi trường hay nhất (6 mẫu) (trang 8)
Trang 8
Hãy chứng minh đời sống của chúng ta sẽ bị tổn hại nếu không có ý thức bảo vệ môi trường hay nhất (6 mẫu) (trang 9)
Trang 9
Hãy chứng minh đời sống của chúng ta sẽ bị tổn hại nếu không có ý thức bảo vệ môi trường hay nhất (6 mẫu) (trang 10)
Trang 10
Tài liệu có 11 trang. Để xem toàn bộ tài liệu, vui lòng tải xuống
Đánh giá

0

0 đánh giá

Tải xuống