Tailieumoi.vn xin giới thiệu đến các quý thầy cô, các em học sinh đang trong quá trình ôn tập tài liệu Bài văn mẫu Tả cánh đồng lúa chín vào mùa gặt môn Văn lớp 7 ( 8 bài ), tài liệu bao gồm 17 trang giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo trong quá trình ôn tập, củng cố kiến thức và chuẩn bị cho kỳ thi môn Ngữ văn sắp tới. Chúc các em học sinh ôn tập thật hiệu quả và đạt được kết quả như mong đợi.
Mời các quý thầy cô và các em học sinh cùng tham khảo và tải về chi tiết tài liệu dưới đây:
Tả cảnh đồng lúa chín vào mùa gặt
1. Mở bài
Giới thiệu về cánh đồng vào mùa gặt.
2. Thân bài
a. Tả khái quát
- Buổi sáng quê em rất bình yên và thanh bình.
- Tiếng gà gáy vang xa, báo hiệu một ngày làm việc đã đến.
- Mặt trời thức giấc sau một giấc ngủ say.
- Cánh đồng như một tấm lụa trải dài mang màu áo xanh tươi mát.
b. Tả chi tiết
Tả cảnh
- Không khí se lạnh nhưng mang dáng vẻ của một ngày mới an lành.
- Gió thổi se se như muốn bắt đầu một ngày làm việc mát mẻ.
- Sương đọng trên những cành lá đang dần bắt đầu tan.
- Bầu trời mênh mông như một tấm lụa trải dài.
- Đồng lúa chín vàng, hương lúa tỏa thơm ngào ngạt.
- Những chú trâu đang lim dim mắt, chuẩn bị một ngày làm việc mới.
- Những chú cò bay lượn, ngả mình xuống từng cọng lúa như tận hưởng hương vị buổi sáng.
- Con đường làng trải dài, thẳng tắp.
- Nắng nhẹ trên ngọn cây.
Tả hoạt động
- Mọi người bắt đầu công việc của mình.
- Các cô chú đang nói chuyện vui vẻ vác cuốc ra đồng.
- Thấp thoáng có vài bóng tát nước dưới đồng ruộng.
- Bên kia cô gái đang thưởng thức mùi lúa.
- Cậu bé chăn trâu ngồi trên lưng trâu.
- Em đang tung tăng trên đường đi học.
3. Kết bài
- Nêu cảm nghĩ của em về cảnh cánh đồng vào mùa gặt.
1. Mở bài
Giới thiệu về cánh đồng vào buổi sáng: Một ngày mới lại bắt đầu. Bình minh đang hiện ra trước mắt em. Một cảnh vật tuyệt đẹp và để lại cho ta cảm giác phấn khởi khi bước vào ngày mới.
2. Thân bài
a. Tả cảnh
- Không khí đã bắt đầu se lạnh nhưng lại mang theo hơi ấm của thiên nhiên như một lời chào chân thành.
- Sương đang dần tan. Bầu trời mùa thu trong lành và cao vút.
- Gió bay thoang thoảng qua, mơn man mái tóc em.
- Đồng lúa đã chín vàng, hương lúa lan tỏa ra khắp mọi nơi.
- Những chú trâu đang thung thăng gặm cỏ, mắt lim dim ngước nhìn xung quanh.
- Những đàn cò bay lả, bay la, nghiêng mình chao lượn vài vòng rồi đáp xuống bờ ruộng để “nghỉ ngơi lấy sức” mà bay tiếp.
b. Tả hoạt động
- Mọi người cũng đã tỉnh giấc và bắt đầu với công việc của mình.
- Các bác, các cô vui vẻ vừa đi vừa trò chuyện xách cày, xách cuốc chuẩn bị ra đồng.
- Các cậu bé, cô bé tung tăng vượt theo chú trâu xấu số đang bỏ chạy sợ hãi.
- Dưới mặt hồ, ánh nắng ban mai chiếu xuống làm mặt ao lấp la lấp lánh như một chiếc gương khổng lồ.
3. Kết bài
Ngắm nhìn quê hương em, em vô cùng tự hào khi mình được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất thân thương này. Em sẽ cố gắng học thật giỏi để mai sau lớn lên xây dựng quê hương đất nước ngày một giàu đẹp hơn.
Ánh nắng mùa hạ chảy tràn trên những con đường làng quê em nhìn thật đẹp. Và đó cũng là lúc mùa gặt về, cả một vùng đất mênh mông rộng lớn được phủ kín bởi những bông lúa chín vàng. Đây cũng là thời điểm mà quê hương em nhộn nhịp nhất, mọi người cùng nhau đi gặt từ sớm, không khí hối hả bận bịu lan tỏa khắp xóm làng.
Nhìn từ xa, cánh đồng như một bức tranh vàng óng đặt trong ngôi nhà của tạo hóa. Đó là bức tranh của mùa hè, mùa gặt, được thêu dệt bởi những con người lao động một nắng hai sương. Bức tranh ấy, gần gũi mà độc đáo, đẹp đẽ biết bao. Những cánh đồng như nhuộm lên màu nắng, trải rộng mênh mông đến tận phía chân trời. Đứng trên ban công, em cảm nhận luồng gió hạ thổi qua, đem theo mùi hương đồng nội của lúa chín, nhẹ nhàng và vô cùng dễ chịu. Đó là mùi hương mộc mạc của hạt gạo, hạt vàng đã trải qua bao nhiêu nắng ấm, mưa dầm, bao nhiêu mồ hôi nước mắt của những người dân quê. Mùi hương đã thơm mùi của quê hương xứ sở, để ai đi xa cũng phải lưu luyến.
Mỗi buổi trưa tan học về, trên con đường làng với hai bên là không gian rộng mênh mông của những cánh đồng lúa thẳng cánh có bay. Nay lại được được trải lên một màu vàng tươi mới, em càng thêm yêu quê hương mình hơn. Mới ngày nào, những bông lúa kia còn đang thì con gái xanh mơn mởn, mới nảy những hạt lúa đầu tiên thì nay đã chín vàng, chắc mẩy, nặng trĩu, kéo cành lúa cong xuống. Thân lúa đã chuyển màu vàng sẫm. Dường như bên trong những hạt lúa ấy là tất cả những gì tinh túy nhất của đất trời, đúng như tên gọi của nó: loài ngọc thực. Màu của lúa hòa cùng màu của nắng, óng ánh và đẹp đẽ làm sao. Mỗi lần gió thổi qua, từng bông lúa lay động và dập dờn như những đợt sóng lăn tăn vỗ vào bờ.
Mùa gặt là mùa bận rộn, sớm sớm các mẹ các chị đã í ới gọi nhau đi ra đồng gặt lúa. Bóng cha đổ dài dưới ánh nắng chiều, gánh lúa về hợp tác xã. Những chiếc nón nhấp nhô, bàn tay lao động khẽ lau đi giọt mồ hôi và nở nụ cười hạnh phúc. Những bông lúa kia chắc hẳn cũng sẽ vui lắm vì chúng sắp được trở thành những hạt gạo trắng ngần nuôi dưỡng con người. Mùa gặt cũng là mùa vui, tụi trẻ con trong làng chiều chiều lúc trời nhiều gió lại dẫn nhau đi thả diều, chạy dọc các bờ máng vui cười thỏa thích. Thỉnh thoảng nghe thấy tiếng máy tuốt lại kéo nhau ra xem mà không biết chán, dù tối về bị mẹ mắng vì dẫm vào dặm lúa nên ngứa chân. Cả nhà ai cũng bảo mùa gặt là mùa đẹp nhất của lúa, không chỉ vì màu sắc, mà đây còn là mùa mà người dân lao động được tận hưởng thành của của mình sau những ngày tháng dày công chăm sóc. Ngắm cánh đồng lúa chín vàng, nhìn lại những ngày tháng mà chúng đã lớn lên, mới thấy càng trân trọng thành quả lao động vất vả.
Hình ảnh cánh đồng lúa chín vàng nặng hạt, lấp lánh dưới ánh nắng hay cũng chính là một vụ mùa bội thu của người nông dân. Màu lúa chín và những kỷ niệm mỗi mùa gặt về sẽ in dấu sâu sắc trong miền ký ức của những người con xa xứ, là một mảnh hồn quê không gì có thể thay thế được.
“Ai ơi bưng bát cơm đầy,
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần.”
Sáng nay em thức giấc sớm hơn thường nhật bởi những âm thanh rộn rã của thôn quê đang vào mùa gặt. Cả cánh đồng vàng rộm cũng bừng tỉnh dưới những tia nắng đầu tiên của một ngày hè oi ả với cái mùi nồng ẩm mà có lẽ lũ bạn nội thành của em chẳng bao giờ cảm nhận được.
Các bà, các mẹ, các chị từng nhóm vừa chuyện trò rôm rả vừa rảo bước ra phía cánh đồng. Sáng sớm mùa hè nên mặt trời cũng dậy sớm hơn, chim chóc cũng rời tổ từ mờ sáng tìm mồi, cả cánh đồng lúa thì nặng nề đong đưa trong làn gió nhẹ. Cây nào cây nấy uốn cong cong chiếc móc câu với bao nhiêu là hạt thóc tròn mây mẩy, hứa hẹn một vụ mùa thóc lúa đầy kho.
Hôm nay mẹ cho em cùng theo ra đồng, mẹ bảo với em: “Cho con gái thử cảm nhận những nhọc nhằn của người nông dân ra sao, để trông đó mà gắng học hành”. Vậy là lần đầu tiên một con bé vốn vẫn được cưng chiều cầm tới chiếc liềm và thử những nhát cắt đầu tiên. Lần đầu tiên khuôn mặt mình được áp lại gần những cây lúa đến thế. Chao ôi thật là thú vị! Nhìn kĩ hơn những hạt thóc vẫn cho mình gạo ăn hàng ngày, chúng tròn căng như sắp phải tung ra chiếc áo nhiều gân với chi chít những lông tơ, hạt chen hạt như một đại gia đình đua nhau đi trẩy hội. Mà đúng là hội thật đó. Hôm nay chúng sẽ được những người nông dân gặt về kho, phơi dưới nắng vàng và chẳng bao lâu nữa chúng sẽ được làm những bông hoa trắng nở bung, thơm dẻo. Trông mẹ thoăn thoắt cánh tay gặt sao mà dễ quá vậy, mình thì mướt mồ hôi mà chẳng được bao nhiêu. Chốc chốc lại vươn vai ngó nghiêng xung quanh hàng xóm, thấy ai cũng lom khom, cần mẫn. Những đốm áo màu thấp thoáng đâu đó trên cánh đồng trải dài một màu vàng trù phú. Mỗi đợt gió tràn tới, cá biển vàng đỏ lại ào lên rì rào như đang kể cho nhau nghe câu chuyện cuối mùa thu hoạch.
Lúa gợn lên từng đợt như mời gọi những chú chim sẻ, chim chiền chiện sà xuống nhặt những hạt thóc rơi vãi. Chúng vui vẻ nhảy nhót trên bờ ruộng xanh mướt cỏ như những đường kẻ trên chiếc ô bàn cờ khổng lồ mà thiên nhiên đã tạo ra một sự phối màu rất ăn ý. Có lẽ những hoạt động nhà nông thế này chính là ví dụ rõ ràng mà gần gũi cho đời sống làng xã mà trước nay em vẫn được nghe nhắc đến trong những bài giảng ở trường. Một cảm giác thân quen mà nếu sống trong thành thị sẽ chẳng bao giờ thấy được. Tuy chẳng phải một nhà mà ai nấy nói chuyện với qua từng khoảnh ruộng như thể anh em một nhà vậy. Tất cả đều rộn ràng như một khúc nhạc ngẫu hứng làm mọi người quên đi cái oi ả của buổi trưa hè trên cánh đồng đang trong mùa gặt.
Cả không gian thoảng mùi thơm dịu mát của lúa mới, mùi ngai ngái của thân và lá lúa. Đó là mùi của quê hương, mùi của một thế giới những người lao động lam lũ mà vinh quang.
Nếu một lần ghé qua một vùng quê, bạn hãy nán lại bên một khoảnh ruộng và thử cảm nhận chút hương của hương đồng gió nội, để rầm rì đọc lại những câu ca “Ai ơi bưng bát cơm đầy, dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”, và để cảm nhận rõ hơn cuộc sống muôn màu.
Mùa hè đến đem theo tiếng ve kêu râm ran, điểm tô những màu rực rỡ của hoa phượng, hoa bằng lăng cả một vùng trời. Trên những cánh đồng, lúa chín đã khoác lên mình tấm áo vàng ươm báo hiệu mùa gặt đã đến khiến cho vẻ đẹp của miền quê Việt Nam trở nên rộn ràng, náo nức.
“Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”
Bao đời nay, cuộc sống của người dân Việt Nam đã gắn liền với hạt thóc, hạt gạo. Và để làm nên những bát cơm trắng thơm ngon là bao mồ hôi công sức của người nông dân. Cây lúa được chăm nom từ khi gieo mạ, đến khi mạ non lớn lên và trở thành những cây lúa đầy ắp hạt. Cứ nhìn cánh đồng lúa vào mùa gặt là ai cũng vui mừng vì sau bao công sức, bao tháng ngày thì thành quả cũng đã đến. Chẳng những thế, những cánh đồng lúa chín vàng ươm nối tiếp nhau còn tô điểm cho khung cảnh làng quê thêm tươi đẹp và thanh bình. Dường như trong bất kì bức tranh vẽ về làng quê nào cũng đều có hình ảnh cánh đồng lúa chín. Thế mới biết cây lúa chín chính là linh hồn của làng quê Việt Nam.
Cánh đồng lúa chín có lẽ đẹp nhất vào những buổi chiều, khi hoàng hôn sắp buông xuống, những làn gió thổi nhè nhẹ làm cậy lúa rung rinh như reo ca, như réo rắt. Bầu trời với những áng mây che đi cái nắng của một ngày hè và xa xa là những cánh cò “bay lả rập rờn” trên những ruộng lúa chín. Màu vàng của lúa làm rực rỡ cả một vùng trời, những bông lúa nặng trĩu hạt uốn cong xuống như để bảo vệ đứa con bé nhỏ của mình. Những cánh đồng lúa chín bát ngát cứ nối tiếp nhau mà trải dài vô tận vi vu trong gió mát lộng cả lòng người.
Đằng xa kia là những rặng tre cao vi vút ôm lấy khung cảnh đồng ruộng. Đất trời cùng hòa mình vào bài ca reo vui trước gió của cánh đồng lúa. Cả cánh đồng điểm xuyết những cánh diều bay cao đến tận chân mây, lũ trẻ chạy dài trên cả con đường ruộng. Tiếng trống trường vang lên là lúc từng tốp học sinh khăn quàng đỏ đạp xe ngang qua cánh đồng lúa, tiếng cười đùa vang lên vang vọng cả một vùng. Ngắm nhìn khung cảnh ấy sao mà yên bình, thư thái đến vậy.
Vào một ngày hè rộn ràng tiếng người nông dân vui vẻ ra đồng để gặt lúa. Những bông lúa chín như giọt sương mai trong lành dưới ánh bình minh lại càng tươi đẹp hơn. Vì hôm đó, chúng sẽ được thu hoạch để tạo ra những hạt gạo thơm ngon phục vụ cuộc sống của con người. Trên đồng, từng tốp, từng tốp những người nông dân nhấp nhô những chiếc nón lá với chiếc liềm đang thoăn thoắt gặt lúa. Dù nắng nóng và vất vả nhưng nhìn ai cũng đang vui vẻ, những cây lúa họ trồng cuối cùng đã cho ra hạt lúa vàng ươm và nặng trĩu. Lúa gặt đến đâu được xếp thành từng đống đến ấy. Nhà nào nhà nấy trên mỗi ô ruộng đều nhanh tay gặt lúa, nhiều người còn tuốt lúa ngay trên những thửa ruộng của nhà mình. Lúa tuốt đến đâu là hạt lúa rơi ra lúc ấy, những đám rạ lúa thì được đặt ra một chỗ để phơi lấy rơm.
Cây lúa chín nhìn bé nhỏ như vậy mà có bao công dụng. Con của nó là hạt lúa thì được tuốt để xay thành những hạt gạo dẻo thơm, còn thân của nó thì được phơi thành rơm để đốt lấy lửa hay làm thức ăn cho bò. Trên những cánh đồng lúa, những chú chim gáy từ đâu xà xuống từng tốp nhặt những hạt thóc rơi, chúng gọi nhau, rồi chia phần cho nhau. Cả một ruộng lúa đâu đâu cũng thấy đông đúc những người, những vật, những bó lúa, một ngày lao động thật rộn ràng. Đến trưa, người nông dân nghỉ ngơi dưới những gốc cây mát ven đường, nhiều nhà đem những bó rạ ra đường phơi nắng. Cả con đường làng lại được nhuộm vàng và trên những cánh đồng, nắng trải dài dưới ánh mặt trời gay gắt phả lên mùi thơm của lúa chín. Một mùi thơm của thức ăn truyền thống bao đời nay của người dân Việt. Mấy ngày tiếp theo là những ngày hạt lúa được phơi khắp những mảnh sân nhà, sân đình. Nhìn những hạt lúa vẫn đang mặc áo, ngửa mình đón ánh nắng mặt trời, chắc chúng đang mong muốn nhanh chóng được tuốt vỏ để cống hiến cuộc đời mình cho con người.
Vậy là sau những tháng ngày nuôi trồng, gieo mạ, gặt lúa, lúc này nhà ai nhà nấy đã đầy ắp những hũ gạo. Những hạt gạo được làm ra từ mồ hôi công sức và bao vất vả mới đáng quý làm sao. Được ăn những bát cơm dẻo trắng lại nhớ đến hình ảnh lao động vất vả của người nông dân, lại nhớ đến hình ảnh cánh đồng lúa chín vàng ruộm cả một vùng trời. Em thầm cảm ơn các bác nông dân từ đời này qua đời khác đã làm ra những hạt gạo thơm ngon.
Dù sau này lớn lên có đi xa, thì hình ảnh những cánh đồng mỗi màu lúa chín sẽ luôn in đậm trong tâm trí em bởi đó là linh hồn của quê hương.
Ai đó hay gọi mùa gặt lúa là “mùa vàng”. Cũng phải thôi, mới tháng tư, những thân cò trắng toát lặng lẽ kiếm ăn bên từng đám lúa xanh thì con gái. Lâu lâu không qua, tháng sáu lúa đã vàng. Những đàn cò đi hết, những cánh đồng được trải kín bởi một màu duy nhất: vàng rực rỡ.
Lúa đã qua thì con gái, đã ăn đủ nước, đủ chất, đủ mồ hôi, nay trả lại người những hạt vàng căng mẩy. Hàng trăm hạt thóc nhỏ như đám trẻ ăn no, nằm gối vào nhau, kéo trĩu cây mẹ đã héo hon, vàng võ xuống sát mặt ruộng. Cánh đồng rộn ràng vào mùa gặt.
Mùa lúa chín - mùa gặt, nông dân đổ ra đồng. Theo tay liềm, những thân lúa đổ xuống thành dãy gọn gàng. Những cây lúa, hạt thóc vàng rời đất mẹ nằm im lìm đợi được gom về. Lúa được bó lại đem tuốt. Bên này tiếng máy tuốt xình xình kêu, lúa bỏ vào máy, thóc ra một đằng, rơm bay vèo vèo ra một nẻo. Bên kia chiếc bạt được trải ra, bàn đập được mang tới; bó lúa nâng lên, hạ xuống chạm vào bàn, những hạt vàng bắn ra long lanh trong nắng. Thóc không tự chảy về nhà như trong truyện cổ tích, người trồng lúa không ngồi nhà đợi thóc về, họ phải đánh đổi. Đổi những ngày dãi nắng dầm mưa, đổi những hạt mồ hôi, đổi tấm lưng còng lấy hạt thóc đem về. Bên thửa ruộng còn trơ cuống rạ, Bác nông dân có chòm râu bạc, khuôn mặt đỏ nắng ướt đẫm mồ hôi dang tay dồn thóc vào bao, chất lên xe bò kéo về nhà.
Hình như miền núi không cấy đồng loạt như miền xuôi. Cho nên trong khi có người vẫn đang gặt lúa, thì cách đó không xa, có những thửa ruộng gặt xong đã trơ thân rạ làm thức ăn cho trâu bò. Vào mùa gặt, trâu bò mới được tự do trên đồng đến thế. Con đứng gặm rạ ràn rạt, con nằm vểnh tai mơ màng ngẫm nghĩ, con lại cuồng chân chạy thục mạng trên đồng khiến lũ chim giật mình bay tung. Tiếng líu ríu chim sẻ, tiếng tinh tang lục lặc trâu, tiếng cười nói hòa vào nhau rộn ràng, yên ấm. Vài cô bé đội nón trắng, tranh thủ lúc thả trâu, đi mót những nhánh lúa sót lại, lúa vẫn vàng, hạt vẫn căng đầy như thiếu nữ mười tám. Các chú bé lại có thú vui khác, tay mỗi người đều có một chiếc lọ nhỏ, tay kia huơ huơ trên những gốc rạ, mỗi lần huơ huơ là một con cào cào hay châu chấu nằm gọn trong lòng bàn tay. Tiếng cười hồn nhiên vang dội cánh đồng miền núi.
Cánh đồng mùa gặt là thế, lúc sôi động, lúc bình lặng. Sôi động là cảnh gặt, tuốt lúa, là tiếng cười đùa. Bình lặng là đàn trâu lặng lẽ đứng, nằm, là những đống rơm đốt dở khói lam, làn khói mỏng manh len lỏi trong từng đụn rơm, khóm dạ, hương khói quyện vào nắng chiều. Đứng trên đường, phóng tầm mắt về sát chân núi, chỉ thấy những làn khói mỏng bay vấn vít xen giữa màu xanh ngăn ngắt của ngô, của rừng. Khói bay lại, trên những lùm tre, trong tóc, trên áo. Không giống mùi thơm ngái của lúa xanh, chẳng giống mùi thơm mát của hạt lúa non trắng sữa. Mùi rơm cháy rất lạ, nồng nồng, khen khét, nhưng không dễ quên. Bởi khó quên, nên đâu đó, giữa phố thị đông đúc mới có người bất chợt thấy trong làn gió có mùi nếp mới bỗng nhớ về chõ xôi, nhớ mái tóc pha sương của mẹ, nhớ mùa lúa chín, nhớ những cánh đồng vàng ươm trong nắng, nhớ khói lam chiều và mùi khen khét, nồng nồng.
Dù đi xa mấy, dù thời gian trôi lâu đến mấy, mùi lúa non, mùi rơm, rạ, mùi khói lam của mùa gặt vẫn không hề phai nhạt trong ký ức tuổi thơ mỗi con người. Bởi nó là mùi của quê hương, mùa của sự trở về.
Chắc hẳn đối với mỗi miền quê thì cánh đồng lúa chính là nơi chúng ta có thể nô đùa vui chơi. Nó còn mang rất nhiều kỉ niệm đối với chúng ta về những buổi theo mẹ đi cấy đi gặt. Những mùa ấy khiến trong lòng chúng ta đều trào lên những cảm xúc về hình ảnh tươi mới trong trẻo nhưng cũng vô cùng gần gũi thân thương.
Cánh đồng khi đang vào mùa thu gặp chắc chắn đều gợi cho tất cả chúng ta những cảm xúc vô cùng đặc biệt. Khi ấy bạn hãy đứng trước cánh đồng lúa, nhìn cánh đồng một màu vàng tươi khiến ta cảm nhận được sự vất vả của những người nông dân một nắng hai sương mới làm nên những cánh như thế. Cánh đồng lúa nơi tôi đang đứng trải dài về phía xa kia một màu vàng óng ả. Những bông lúa ríu rít vào nhau như đang nói những câu chuyện của từng bông một. Đôi khi những cơn gió mạnh thổi khiến chúng lại xô vào nhau tạo nên những âm thanh xào xạc nghe rất vui tai. Những bông lúa trĩu nặng vàng ươm như đang muốn nói với những bác nông dân rằng hãy gặp tôi mang tôi về nhà đi tôi đã đủ độ chín rồi.
Một buổi sáng đi ra cánh đồng ngắm nhìn vẻ mênh mông rộng lớn vẻ tươi mát của cánh đồng mang lại cho chúng ta thật nhiều những cảm xúc lạ. Ta dường như quên tất cả mọi bộn bề của cuộc sống để đắm chìm trong cánh đẹp nơi đây để ngắm nhìn những thành quả lao động của các bác nông dân. Nhìn cảnh cánh đồng tươi tốt bông nào bông ấy mẩy căng tròn trịa như những hạt ngọc sáng lấp lánh có thể đoán được đây chắc chắn là một vụ mùa bội thu. Buổi sáng những hạt sương đêm vẫn đọng trên những kẽ lá những bông lúa khiến cho cảnh vật nơi đây càng thêm phần huyền ảo hấp dẫn. Mọi cảnh vật lúc này vẫn còn đang chìm trong giấc ngủ một không khí tĩnh lặng im lìm đến lạ thường. Rồi những tia nắng dần dần phớt nhẹ trên những giọt sương bàng bạc làm cả biển lúa xao động tạo thành những làn sóng nhẹ xô đuổi nhau chạy mãi ra xa. Lúc ấy cũng là lúc những bác nông dân đã ra đồng. Có bác chỉ ra xem vì lúa chưa chín chưa đến độ gặt. Nhìn bác nâng từng bông lúa xem từng gốc cây tôi mới thấm được cái sự vất vả của những người dân lao động những người nông dân phải vất vả như thế nào để có thể làm ra hạt gạo.
Phía xa xa, đằng kia tôi đã thấy những gia đình có đến năm sáu người đã đi xuống ruộng gặt. Trời mùa hè nắng rất to nên mọi người phải tranh thủ khi trời còn chưa nắng để xuống đồng gặt không đến khoảng vài tiếng nữa thôi khi ánh nắng trải khắp cánh đồng thì gặt lúa sẽ rất vất vả. Tôi thấy thấp thoáng có những cô bé cậu bé với những cái nón trắng đang nhấp nha nhấp nhô dưới đồng ruộng để theo chân bố mẹ đi gặt. Tiếng líu ríu chim sẻ, tiếng tinh tang lục lặc trâu, tiếng cười nói hòa vào nhau rộn ràng. Vài cô bé đội nón trắng, tranh thủ lúc thả trâu, đi mót những nhánh lúa sót lại, lúa vẫn vàng, hạt vẫn căng đầy như thiếu nữ mười tám. Các chú bé lại có thú vui khác, tay mỗi người đều có một chiếc lọ nhỏ, tay kia huơ huơ trên những gốc rạ, mỗi lần huơ huơ là một con cào cào hay châu chấu nằm gọn trong lòng bàn tay. Tiếng cười hồn nhiên vang dội cánh đồng miền núi.
Một lúc sau tôi đã nghe thấy tiếng của những tiếng máy tuốt lúa trên những mảnh ruộng gần đó. Tiếng máy chạy như thúc giục mọi người làm nhanh thêm lao động cật lực hơn. Một thoáng sau khi ánh nắng mặt trời đã lên cao, ai nấy đều đã thấm mệt trên cánh đồng không còn những tiếng nói cười của mọi người nữa thay vào đó là tiếng máy tuốt lúa ùn ùn đưa những bông lúa lớn vào máy. Từ đó cho ra những hạt thóc vàng ươm óng ánh trông thật thích. Lúc lúc trên cánh đồng lại có những bác nông dân chở những xe lúa về những người không lấy rơm thì tuốt ở ngoài đồng để rơm đó cho những nhà nuôi bò lấy về cho bò ăn. Ánh nắng đã lên ngày càng cao mọi người đã rủ nhau về chuẩn bị ăn cơm nghỉ ngơi để buổi chiều tiếp tục đi gặt tiếp.
Được ngắm nhìn cánh đồng lúa quê hương vào những ngày gặt thật khiến cho tâm hồn chúng ta thư thái và nhẹ nhõm rất nhiều. Dù đi xa đến đâu tôi cũng không thể quên được cảnh cánh đồng lúa đang vào mùa gặt, cái mùi thơm của lúa cái mùi rơm rạ khiến cho tôi không thể nào quên được.
“Em đi giữa biển vàng
Nghe mênh mang trên đồng lúa hát
Hương lúa chín thoang thoảng bay
Làm lung lay hàng cột điện
Làm xao động cả hàng cây”
Hè đã về, bố mẹ quyết định cho tôi về thăm quê ngoại. Từ trung du được về với vùng đồng bằng, tôi thấy rất nhiều điều mới lạ và tôi thích thú nhất chính là cánh đồng lúa trải rộng tít tắp tới tận chân trời.
Vừa bước xuống xe, tôi đã choáng ngợp trước cánh đồng. Nơi tôi đứng nhìn thẳng ra cánh đồng lúa đang rộ chín. Có lẽ đã bắt đầu vào mùa thu hoạch. Cánh đồng lúa trải một màu vàng óng, nhìn từ xa trông như một tấm thảm khổng lồ. Một làn gió nhẹ thoảng qua, cả cánh đồng xào xạc một âm thanh dịu nhẹ. Hương lúa thoang thoảng lan theo trong gió.
Những tia nắng đầu tiên phớt nhẹ đây đó trên các thửa ruộng còn chìm trong màn sương bạc làm cho cả biển lúa xao động tạo thành những làn sóng nhẹ xô đuổi nhau chạy mãi ra xa. Ánh nắng ban mai đã tỏa sáng khắp nơi trên cánh đồng. Ngọn gió thổi rì rào như các cây lúa đang nói chuyện với nhau. Nắng đã lên cao, cánh đồng lúa bây giờ đã ánh lên màu pha vàng tươi sáng. Xa xa, đàn cò trắng bay rập rờn làm tăng thêm vẻ đẹp của đồng quê.
Đã đến giờ các cô chú đã bắt đầu vào công việc của mình. Những chiếc nón trắng xen giữa biển lúa vàng trông thật đẹp mắt. Họ đang đưa những chiếc liềm để cắt lúa thật là nhanh. Người các cô chú ướt đẫm mồ hôi. Vừa làm việc, họ vừa râm ran trò chuyện rất vui. Gần đó, những chiếc máy gặt cũng đang hoạt động rất tích cực giảm bớt nhiều sức lao động của con người.
Từng khóm lúa ngả nghiêng vì bông lúa vừa dài lại vừa to. Bông lúa trĩu nặng hạt đều tăm tắp, chắc mẩy uốn cong mềm mại, ngả vào nhau thì thầm trò chuyện. Lúa là cây có một lá mầm, rễ chùm. Lá bao quanh thân, có nhiều phiến dài và mỏng. Trong một năm có hai vụ lúa: vụ chiêm và vụ xuân. Nhìn những hạt lúa mẩy vàng tôi thầm nghĩ: không biết có bao nhiêu giọt mồ hôi rơi xuống thước đất kia, bao nhiêu trí tuệ của những người nông dân đã tạo nên những hạt thóc mẩy vàng.
Tôi chợt nhớ đến câu ca dao:
“Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày
Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”
Nắng tháng năm vẫn trải rộng trên cánh đồng gay gắt, gương mặt của những người nông dân thêm ửng hồng, khỏe mạnh. Nụ cười làm gương mặt họ bừng sáng lên. Ngắm nhìn tất cả cảnh vật trên cánh đồng lúa quê tôi, tôi thấy những hình ảnh ấy thân thương làm sao.
Tôi thấy yêu quê ngoại vô cùng và tự hào về quê hương đất nước của mình. Với những người biết yêu đồng ruộng như cha ông chúng ta, quê hương mình sẽ ngày càng giàu đẹp.
Ba tháng một lần, cánh đồng làng vào vụ lúa. Cũng chừng ấy thời gian để lúa lớn, trổ bông và chín vàng. Đó là thời điểm của vụ gặt.
Trên cánh đồng ruộng, cò bay thẳng cánh, từng ô ruộng chia ra như bàn cờ. Lúa chín không đồng loạt một lượt. Đám ruộng nào gieo cấy trước sẽ chín trước, đám ruộng nào gieo cấy sau sẽ chín sau. Mỗi vùng ruộng chỉ chín cách nhau ít ngày. Thế nên, lần lượt các ô ruộng đều tới kì gặt hái. Trên cánh đồng, lúa chín vàng trĩu hạt đẹp như tranh vẽ; các bà, các chị tay liềm thoăn thoắt từng ôm lúa. Phút chốc, từng gốc rạ cụt lủn trơ ra trên nền ruộng bùn đã khô cứng lại, dè dặt như cái nền đất thịt. Một vài chị đi sau thợ gặt, bó lúa lại thành từng bó rồi chất dồn vào hai đầu quang gánh, gánh lên bờ lề đường làng. Ngay lề đường, một chiếc xe tuốt lúa đang chờ sẵn. Chú thợ tuốt lúa quẳng từng ôm lúa vào miệng phễu của máy tuốt rồi quay cho nổ giòn.
Dưới miệng phễu máy, lúa hột tuôn ra như một suối thóc vàng, chảy vào thúng đã hứng sẵn. Đằng sau máy tuốt, gié lúa chỉ còn lại rơm phun ra thành đống, ngày một cao. Chủ ruộng nhanh nhẹn trút từng thúng lúa vàng vào bao, cột lại thật chặt, chồng đống, chờ xe bò chở thóc về sân phơi. Thợ gặt nhanh tay gặt lúa. Các chị nhanh tay bó lúa rồi gánh từng gánh trĩu nặng đến máy tuốt. Chiếc máy tuốt không ngừng phun rạ ra sau, để lại dưới bụng máy từng thúng thóc vàng ươm. Đống rơm chẳng mấy chốc vun cao như ngọn đồi dạ màu vàng ươm. Công việc nối công việc, thợ tuốt lúa giục thợ gánh lúa. Việc cứ thế nối nhanh thành từng chuyến xe bò chở đầy những bao lúa căng phồng về sân kho.
Trên cánh đồng, một phần ba ruộng chỉ còn trơ gốc rạ. Đồng ruộng như trống ra. Dường như gió mạnh hơn, làm vùng lúa chín còn lại chưa gặt nhấp nhô sóng gợn. Bầy chim gáy từ đâu bay về, đang nhặt thóc rơi rụng quanh gốc rạ. Chúng gọi nhau, gù lên âu yếm, tiếng gì nghe vui tai, giục giã: “Cúc cù cu... cúc cù cu…”. Trưa, thợ gặt nghỉ tay quây quần dưới gốc râm của cây đa ăn trưa, đùa giỡn, trò chuyện rộn rã một vùng. Các chị nói chuyện bông đùa rồi cười giòn giã ghẹo nhau. Không biết các chị đùa những gì mà vui thế, chú trâu non gặm cỏ bên lề ô ruộng mới gặt, ngẩng đầu ngơ ngác nhìn về phía tiếng cười một chốc rồi lại cúi xuống thong thả liếm từng vạt cỏ xanh. Hết giờ nghỉ trưa, trời nắng chang chang.
Thợ gặt tiếp tục xuống ruộng gặt nốt phần ruộng còn lại. Xế chiều, phần lúa chín nhất đã gặt xong. Từng chuyến xe đầy ắp bao thóc lần lượt về sân kho. Thợ gặt khoan khoái lên bờ, rửa tay chân ở mương nước rồi thong thả ra về. Cánh đồng thở nhẹ dưới gió chiều, xòe bông lúa đã ngả vàng như phơi ra nắng gió cho nhanh chín, chờ thợ gặt hái trong vài ngày tới. Từng bầy chim sẻ nhảy trên đường làng, mổ lúa rơi trên những cọng rơm còn sót lại. Chúng huyên thuyên một đỗi rồi bay vù lên cây đa. Chiều xuống nhanh trên vùng ruộng lúc này tĩnh lặng, chỉ có gió thổi rì rầm trò chuyện cùng ngọn lúa, bờ mương.
Ngắm cánh đồng trong mùa gặt, em chợt nhớ đến hai câu thơ trong bài học thuộc lòng:
“Ai ơi bưng bát cơm đầy,
Nhớ công người gặt, cấy cày sớm hôm”
Từng giọt mồ hôi của người nông dân đổ xuống cánh đồng để đổi lấy hạt thóc vàng ươm, hạt gạo trắng thơm ngọt dẻo cho em ăn. Em chân thành biết ơn các bác nông dân đã làm ra lúa gạo.
Đối với mỗi người, quê hương có một vai trò vô cùng quan trọng. Với riêng em, quê hương chính là nơi lưu giữ những kí ức tuổi thơ thật tuyệt vời. Đặc biệt nhất là những kỉ niệm được dạo chơi trên cánh đồng lúa bát ngát.
Mùa hè năm nào, em cũng được bố mẹ cho về quê chơi. Năm nay, em về quê đúng vào lúc vụ gặt mới bắt đầu - đó là theo lời của bà ngoại em nói. Chính vì vậy, em đã được ngắm nhìn khung cảnh cánh đồng lúa chín. Nhìn từ xa, cả cánh đồng lúa vàng rực giống như một tấm thảm màu vàng khổng lồ. Lại gần một chút để ngắm nhìn, các thân lúa đã ngả sang màu vàng sẫm, còn bông lúa uốn cong như nặng trĩu hạt. Thỉnh thoảng, có những cơn gió khẽ lùa qua khiến cho những bông lúa đung đưa. Từng hàng lùa nhấp nhô gợn sóng. Trên những chiếc lá còn đọng lại những giọt nước mưa trong veo, mát lạnh.
Em đưa mắt dõi ra xa, chỉ còn lại một vài thửa ruộng lúa còn xanh. Nhưng các bông lúa cũng đã bắt đầu ngả sang màu vàng. Lúa chín vàng có vẻ đẹp riêng khác với lúa đang thì con gái. Nó không còn một màu xanh mượt mà trải dài như đang mời gọi mà óng ánh vàng. Sáng sớm bước trên cánh đồng quê, nhìn lên bầu trời thấy xanh thẳm và cao vợi. Không khí trong lành, mát dịu. Nắng vàng lan tỏa khắp cánh đồng, từng đám mây bay trên bầu trời. Đâu đó đàn chim chao mình bay lượn, thỉnh thoảng chúng đậu trên đầu, trên cổ anh bù nhìn, nhảy nhót tung tăng rồi cất tiếng hót lảnh lót.
Khi mặt trời bắt còn chuẩn bị thức dậy, các bác nông dân đã ra đồng gặt lúa. Những chiếc nón nhấp nhô trên cánh đồng. Trên cao, đàn cò trắng bay lả lơi. Những chú trâu hiền lành đang từ tốn gặm cỏ non ven con đê. Các cô bé, cậu bé chắc cũng chỉ bằng tuổi em thôi đang tung tăng chạy nhảy nô đùa. Em thầm nghĩ chắc hẳn rất bận rộn để sản xuất ra những hạt gạo thơm ngon cho mọi người. Vụ mùa năm nay có vẻ bội thu. Khuôn mặt ai cũng vui vẻ, hào hứng. Những chiếc máy tuốt lúa hoạt động không ngừng nghỉ.
Em yêu biết bao nhiêu cánh đồng của quê hương mình. Tuổi thơ thật đáng trân trọng khi còn được ngắm nhìn cánh đồng lúa bát ngát. Từ sâu thẳm trong lòng, em cố gắng tự nhủ sẽ học tập tốt để mai này xây dựng và phát triển quê hương ngày một tốt đẹp hơn.