SBT Lịch sử 11 Bài 11: Tình hình chung của các nước tư bản giữa hai cuộc chiến tranh thế giới (1918 - 1939) | Giải SBT Lịch sử lớp 11

2.4 K

Tailieumoi.vn giới thiệu Giải sách bài tập Lịch sử lớp 11 Bài 11: Tình hình chung của các nước tư bản giữa hai cuộc chiến tranh thế giới (1918 - 1939) trang 61, 63, 64, 65 chi tiết giúp học sinh xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm bài tập trong SBT Lịch sử 11. Mời các bạn đón xem:

SBT Lịch sử 11 Bài 11: Tình hình chung của các nước tư bản giữa hai cuộc chiến tranh thế giới (1918 - 1939) 

Bài 1 trang 61 SBT Lịch sử 11: Hãy khoanh tròn chữ in hoa trước ý trả lời mà em cho là đúng.

1. Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, các nước thắng trận đã họp tại Véc-xai (Pháp) để bàn về vấn đề gì

A. Bàn cách đối phó chống lại Liên Xô

B. Chống lại cuộc đấu tranh cách mạng của công nhân và nhân dân lao động thế giới

C. Chống lại sự ra đời của Quốc tế Cộng sản

D. Kí kết những hiệp ước và hòa ước để phân chia quyền lợi, thiết lập một trật tự thế giới mới (trật tự Vécxai -Oasinhtơn).

2. Trật tự thế giới được hình thành sau Chiến tranh thế giới thứ nhất gọi là

A. Trật tự lanta.                                  

B. Trật tự Vécxai

C. Trật tự Oasinhtơn.                            

D. Trật tự Vécxai - Oasinhtơn.

3. Tổ chức quốc tế ra đời để duy trì trật tự thế giới sau Chiến tranh thế giới thứ nhất là

A. Liên hợp quốc.                                       

B. Hội Liên minh. 

C. Hội Quốc liên.                                        

D. Hội Hiệp ước

4. Trật tự thế giới sau Chiến tranh thế giới thứ nhất đã

A. giải quyết được những mâu thuẫn giữa các nước tư bản.

B. xác lập được mối quan hệ hòa bình, ổn định trên thế giới.

C. giải quyết được những vấn đề cơ bản về dân tộc và thuộc địa.

D. làm nảy sinh những bất đồng do mâu thuẫn về quyền lợi giữa các nước tư bản.

5. Trong những năm 1924 - 1929, các nước tư bản bước vào thời kì

A. khủng hoảng trầm trọng.

B. ổn định về chính trị và đạt mức tăng trưởng cao về kinh tế.

C. ổn định về chính trị nhưng khủng hoảng kinh tế trầm trọng.

D. tăng trưởng về kinh tế song lại khủng hoảng chính trị, xã hội. 

6. Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới (1929 - 1933) bùng nổ đầu tiên ở

A. Đức 

B. Anh                  

C. Pháp                       

D. Mĩ

7. Nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế 1929 - 1933 là

A. hậu quả của cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất.

B. tác động của cao trào cách mạng thế giới 1918 - 1923.

C. mâu thuẫn giữacác nước tư bản.

D. sản xuất thiếu kế hoạch, không tương xứng với sự cải thiện đời sống của đa số nhân dân, "cung vượt quá cầu". 

8. Hậu quả lớn nhất của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929-1933 là gì

A. Hàng chục triệu công nhân thất nghiệp, nông dân mất ruộng đất, sống trong cảnh nghèo đói, tù túng

B. Trong các nước tư bản chủ nghĩa hình thành hai lò lửa trước chiến tranh thế giới thứ hai

C. Lạm phát phi mã, nhà nước không kiểm soát được tài chính

D. Xã hội rối loạn, trộm cắp diễn ra khắp nơi

9. Các nước tư bản Mĩ, Anh, Pháp đã vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới (1929 - 1933) bằng cách

A. thiết lập chế độ độc tài phát xít

B. đàn áp phong trào cách mạng của giai cấp công nhân,

C. tiến hành các cuộc chiến tranh xâm lược thuộc địa.

D. tiến hành cải cách kinh tế - xã hội, đổi mới quá trình quản lí, tổ chức sản xuất. 

10. Các nước Đức, l-ta-li-a, Nhật Bản tìm lối thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới (1929 - 1933) bằng cách

A. tiến hành cải cách kinh tế - xã hội, thực hiện dân chủ.

B. gây chiến tranh, xâm chiếm thuộc địa, mở rộng ảnh hưởng.

C. thiết lập chế độ độc tài phát xít.

D. đàn áp phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân.

11. Trước nguy cơ xuất hiện của chủ nghĩa phát xít và chiến tranh thế giới mới, quốc tế cộng sản đã

A. Thành lập Mặt trận nhân dân chống phát xít, chống chiến tranh ở nhiều nước tư bản

B. Giúp đỡ nước Pháp tiêu diệt bọn phát xít

C. Phát động phong trào đấu tranh trên nghị trường và báo chí

D. Kêu gọi các nước tư bản nhanh chóng tìm cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng

12. Thắng lợi của Mặt trận nhân dân Pháp trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít, chống chiến tranh đế quốc đã dẫn đến việc

A. Thành lập Đảng cộng sản Pháp

B. Thành lập Hội liên hiệp chống chủ nghĩa phát xít ở Pháp

C. Phát động phong trào đấu tranh trên nghị trường và báo chí

D. Giành thắng lợi trong cuộc tuyển cử tháng 5-1936, thành lập chính phủ mới do Lê-ông Bơ-lum đứng đầu và bảo vệ nền dân chủ, đưa nước Pháp vượt qua hiểm họa của chủ nghĩa phát xít

Lời giải:

Câu 1

Trả lời:

Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, các nước tư bản đã tổ chức Hội nghị hòa bình ở Vécxai (1919-1920) và Oa-sinh-tơn (1921-1922) đã kí kết hòa ước và các hiệp ước phân chia quyền lợi thiết lập một trật tự thế giới mới (trật tự Vécxai -Oasinhtơn).

Chọn D

Câu 2

Trả lời:

Một trật tự thế giới mới được thiết lập thông qua các văn kiện được kí ở Vécxai và Oa-sinh-tơn, thường được gọi là hệ thống Vécxai-Oasinhtơn.

Chọn D

Câu 3

Trả lời:

Nhằm duy trì trật tự thế giới mới, Hội Quốc liên-một tổ chức chính trị mang tính quốc tế đầu tiên-được thành lập với sự tham gia của 44 nước thành viên.

Chọn C

Câu 4

Trả lời:

Đồng thời, ngay giữa các nước tư bản thắng trận cũng nảy sinh những bất đồng do mâu thuẫn về quyền lợi. Chính vì thế, quan hệ hòa bình giữa các nước tư bản trong thời gian này chỉ là tạm thời và mỏng manh.

Chọn D

Câu 5

Trả lời:

Trong những năm 1924 - 1929 các nước tư bản ổn định về chính trị và tăng trưởng nhanh về kinh tế.

Chọn B

Câu 6

Trả lời:

Tháng 10-1929, cuộc khủng hoảng bùng nổ ở Mĩ sau đó lan ra các nước tư bản chủ nghĩa và kéo dài đến năm 1933.

Chọn D

Câu 7

Trả lời:

Trong những năm 1924 - 1929 các nước tư bản ổn định về chính trị và tăng trưởng nhanh về kinh tế, nhưng do sản xuất ồ ạt, chạy đua theo lợi nhuận dẫn đến tình trạng hàng hóa ế thừa, cung vượt quá xa cầu.

Chọn D

Câu 8

Trả lời:

Sự hình thành hai khối đế quốc đối lập: Một bên là Mĩ, Anh, Pháp với một bên là Đức, I-ta-li-a, Nhật Bản và cuộc chạy đua vũ trang ráo riết đã báo hiệu nguy cơ của một cuộc chiến tranh thế giới mới.

Chọn B

Câu 9

Trả lời:

Các nước Mĩ, Anh, Pháp tiến hành những cải cách kinh tế - xã hội để khắc phục hậu quả của cuộc khủng hoảng và đổi mới quá trình quản lí, tổ chức sản xuất.

Chọn D

Câu 10

Trả lời:

Các nước Đức, I-ta-li-a, Nhật Bản tìm kiếm lối thoát bằng những hình thức thống trị mới. Thiết lập các chế độ độc tài phát xít - nền chuyên chính khủng bố công khai của những thế lực phản động nhất, hiếu chiến nhất. Các nước này đã đi theo con đường phát xít hóa chế độ chính trị để cứu vãn tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng của mình.

Chọn C

Câu 11

Trả lời:

Ngay từ đầu những năm 30 của thế kỉ XX, dưới sự chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản và các đảng cộng sản, phong trào đấu tranh chống phát xít, chống chiến tranh lan rộng ở nhiều nước. Những người cộng sản đã thiết lập được sự thống nhất hành động với các đảng xã hội dân chủ, các lực lượng yêu nước, thành lập Mặt trận Nhân dân chống chủ nghĩa phát xít ở Pháp, I-ta-li-a, Tiệp Khắc, Hi-Lạp, Tây Ban Nha và nhiều nước khác.

Chọn A

Câu 12

Trả lời:

Thắng lợi của Mặt trận Nhân dân Pháp trong những năm 1936-1939 là sự kiện nổi bật trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít. Trong cuộc tổng tuyển cử tháng 5-1936. Mặt trận Nhân dân Pháp giành được thắng lợi và thành lập chính phủ do Lê-ông Bơ-lum đứng đầu. Phong trào Mặt trận Nhân dân đã được bảo vệ nền dân chủ, đưa Pháp vượt qua hiểm họa của chủ nghĩa phát xít.

Chọn D

Bài 2 trang 63 SBT Lịch sử 11: Hãy điền chữ Đ vào ô  trước câu đúng hoặc chữ S vào ô trước câu sai.

☐ Trật tự thế giới được thiết lập thông qua các văn kiện được kí kết tại Véc-xai và Oa-sinh-tơn gọi là hệ thống Vécxai - Oasinhton.

☐ Trật tự thế giới sau Chiến tranh thế giới thứ nhất đã giải quyết được những mâu thuẫn, bất đồng trong các nước tư bản.

☐ Các nước Đức, Áo - Hung giành được nhiều món lợi sau khi xác lập trật tự thế giới theo hệ thống Vécxai - Oasinhtơn.

☐ Nhằm duy trì trật tự thế giới mới, Hội Quốc liên - một tổ chức chính trị mang tính quốc tế đầu tiên - đuợc thành lập với sự tham gia của 44 nước thành viên.

☐ Trong những năm 1924 - 1929, các nước tư bản đều lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị trầm trọng.

☐ Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới (1929 - 1933) diễn ra trầm trọng nhất vào năm 1932.

Trả lời:

* Câu đúng là:

☒ Trật tự thế giới được thiết lập thông qua các văn kiện được kí kết tại Véc-xai và Oa-sinh-tơn gọi là hệ thống Vécxai - Oasinhton.

☒ Nhằm duy trì trật tự thế giới mới, Hội Quốc liên - một tổ chức chính trị mang tính quốc tế đầu tiên - đuợc thành lập với sự tham gia của 44 nước thành viên.

☒ Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới (1929 - 1933) diễn ra trầm trọng nhất vào năm 1932.

* Câu sai là:

☒ Trật tự thế giới sau Chiến tranh thế giới thứ nhất đã giải quyết được những mâu thuẫn, bất đồng trong các nước tư bản.

☒ Các nước Đức, Áo - Hung giành được nhiều món lợi sau khi xác lập trật tự thế giới theo hệ thống Vécxai - Oasinhtơn.

☒ Trong những năm 1924 - 1929, các nước tư bản đều lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị trầm trọng.

Bài 3 trang 64 SBT Lịch sử 11: Dựa vào lược đồ dưới đây, hãy so sánh sự thay đổi lãnh thổ các nước châu Âu năm 1923 so với năm 1914. 

Trả lời:

Với hòa ước Vec-xai -Oa-sinh-tơn: 

- Đức mất 1/8 đất đai, gần 1/2 dân số, 1/3 mỏ sắt, gần 1/3 mỏ than, 2/5 sản lượng gang, gần 1/3 sản lượng thép và gần 1/7 diện tích trồng trọt.

- Đế quốc Áo – Hung-ga-ri bị tách ra thành 2 nước nhỏ khác nhau là Áo và Hung-ga-ri với diện tích nhỏ hơn trước rất nhiều. Trên đất đai Áo – Hung-ga-ri cũ, những nước mới được thành lập và Tiệp khắc và Nam Tư.

- Một số đất đai khác thì cắt thêm cho Rumani và Italia.

Bài 4 trang 65 SBT Lịch sử 11: Hãy nêu những hiểu biết của em về cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới (1929 - 1933).

Trả lời:

Cuộc khủng hoảng kinh tế 1923 – 1933:

* Nguyên nhân

- Trong những năm 1924- 1929 các nước tư bản ổn định về chính trị và tăng trưởng nhanh về kinh tế, nhưng do sản xuất ồ ạt, chạy đua theo lợi nhuận dẫn đến tình trạng hàng hóa ế thừa, cung vượt quá xa cầu nhưng do sản xuất ồ ạt, chạy đua theo lợi nhuận dẫn đến tình trạng hàng hóa ế thừa, cung vượt quá xa cầu.

- Tháng 10/1929, cuộc khủng hoảng bùng nổ ở Mĩ sau đó lan ra các nước tư bản chủ nghĩa và kéo dài đến năm 1933.

* Hậu quả

- Về kinh tế: Tàn phá nặng nề nền kinh tế các nước tư bản, đẩy hàng trăm triệu người (công nhân, nông dân và gia đình họ) vào tình trạng đói khổ.

- Về chính trị - xã hội: bất ổn định. Những cuộc đấu tranh, biểu tình diễn ra liên tục khắp cả nước, lôi kéo hàng triệu người tham gia.

- Về quan hệ quốc tế: Để đối phó lại cuộc khủng hoảng kinh tế và đàn áp phong trào cách mạng, giai cấp tư sản cầm quyền ở các nước tư bản đã lựa chọn 2 lối thoát. Đó là:

+ Các nước Đức, Italia, Nhật Bản... không có hoặc có ít thuộc địa, thiếu vốn nguyên liệu và thị trường nên đi theo con đường chủ nghĩa phát xít để đàn áp phong trào cách mạng và tiến hành chiến tranh phân chia lại thế giới.

+ Các nước Mĩ, Anh, Pháp... vì có thuộc địa, có vốn và thị trường có thể thoát ra khỏi khủng hoảng bằng chính sách cải cách kinh tế - xã hội một cách ôn hòa. Cho nên chủ trương tiếp tục duy trì nền dân chủ đại nghị, duy trì nguyên trạng hệ thống Vec-xai - Oa-sinh-tơn.

- Quan hệ giữa các cường quốc tư bản ngày càng phức tạp và dần hình thành 2 khối đế quốc đối lập. Một bên là Mĩ, Anh, Pháp và một bên là Đức, Italia, Nhật Bản và cuộc chạy đua vũ trang ráo riết đã báo hiệu nguy cơ của một cuộc chiến tranh thế giới mới. 

Bài 5 trang 65 SBT Lịch sử 11: Tại sao cuộc khủng hoảng kinh tế 1929 - 1933 lại dẫn tới nguy cơ một cuộc chiến tranh thế giới mới?

Trả lời:

* Cuộc khủng hoảng kinh tế 1929-1933 lại dẫn tới nguy cơ một cuộc chiến tranh thế giới mới. Vì:

- Khủng hoảng kinh tế đã đe dọa nghiêm trọng sự tồn tại của chủ nghĩa tư bản. Để cứu vãn tình thế, các nước tư bản buộc phải xem xét lại con đường phát triển của mình.

+ Trong khi các nước Mĩ, Anh, Pháp tiến hành những cải cách kinh tế - xã hội để khắc phục hậu quả của cuộc khủng hoảng và đổi mới quá trình quản lí, tổ chức sản xuất.

+ Thì các nước Đức, I-ta-li-a, Nhật Bản lại tìm kiếm lối thoát bằng những hình thức thống trị mới. Đó là việc thiết lập các chế độ độc tài phát xít - nền chuyên chính khủng bố công khai của những thế lực phản động nhất, hiếu chiến nhất.

=> Quan hệ giữa các cường quốc tư bản chuyển biến ngày càng phức tạp. Sự hình thành hai khối đế quốc đối lập: Một bên là Mĩ, Anh, Pháp với một bên là Đức, I-ta-li-a, Nhật Bản và cuộc chạy đua vũ trang ráo riết đã báo hiệu nguy cơ của một cuộc chiến tranh thế giới mới. 

Đánh giá

0

0 đánh giá