Tailieumoi.vn cung cấp văn bản Nghị định số 59/2022/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định về định danh và xác thực điện tử được ban hành vào ngày 05-09-2022 và có hiệu lực từ ngày 20-10-2022. Mời các bạn đón xem:
CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 59/2022/NĐ-CP |
Hà Nội, ngày 05 tháng 9 năm 2022 |
QUY ĐỊNH VỀ ĐỊNH DANH VÀ XÁC THỰC ĐIỆN TỬ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Đầu tư ngày 17 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Giao dịch điện tử ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Luật Căn cước công dân ngày 20 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật An toàn thông tin mạng ngày 19 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Luật An ninh mạng ngày 12 tháng 6 năm 2018;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử.
Nghị định này quy định về danh tính điện tử, định danh điện tử, xác thực điện tử; dịch vụ xác thực điện tử; quyền, nghĩa vụ của bên sử dụng dịch vụ xác thực điện tử; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài cư trú, hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam liên quan đến định danh và xác thực điện tử.
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. “Danh tính điện tử” là thông tin của một cá nhân hoặc một tổ chức trong hệ thống định danh và xác thực điện tử cho phép xác định duy nhất cá nhân hoặc tổ chức đó trên môi trường điện tử.
2. “Chủ thể danh tính điện tử” là tổ chức, cá nhân được xác định gắn với danh tính điện tử.
3. “Định danh điện tử” là hoạt động đăng ký, đối soát, tạo lập và gắn danh tính điện tử với chủ thể danh tính điện tử.
4. “Cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử” là Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Bộ Công an.
5. “Hệ thống định danh và xác thực điện tử” là hệ thống thông tin do Bộ Công an xây dựng, quản lý để thực hiện đăng ký, tạo lập, quản lý tài khoản định danh điện tử và thực hiện xác thực điện tử.
6. “Tài khoản định danh điện tử” là tập hợp gồm tên đăng nhập, mật khẩu hoặc hình thức xác thực khác được tạo lập bởi cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử.
7. “Thông tin được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử” là những thông tin của chủ thể danh tính điện tử được thể hiện trong các giấy tờ, tài liệu do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và đã được xác thực thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành để đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử theo đề nghị của chủ thể danh tính điện tử, gồm thông tin về thẻ bảo hiểm y tế, chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông, giấy phép lái xe, mã số thuế hoặc giấy tờ khác thuộc lĩnh vực quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ sau khi thống nhất với Bộ Công an.
8. “Xác thực điện tử” là hoạt động xác nhận, khẳng định thông tin gắn với chủ thể danh tính điện tử thông qua việc khai thác, đối chiếu thông tin của chủ thể danh tính điện tử đó trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh, cơ sở dữ liệu khác và hệ thống định danh và xác thực điện tử hoặc xác thực tài khoản định danh điện tử do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập qua tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử để khẳng định giá trị sử dụng của tài khoản định danh điện tử đó.
9. “Yếu tố xác thực” là các thông tin chủ thể danh tính điện tử sử dụng hoặc sở hữu.
10. “Phương tiện xác thực” là các yếu tố sau: mật khẩu; mã bí mật; mã vạch 2 chiều; thiết bị đầu cuối; thiết bị hoặc phần mềm mật khẩu sử dụng một lần; thiết bị hoặc phần mềm mật mã, thẻ Căn cước công dân, hộ chiếu, ảnh chân dung, vân tay được sử dụng cho mục đích xác thực điện tử.
11. “Tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử” là đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp trong Công an nhân dân đáp ứng điều kiện về cung cấp dịch vụ xác thực điện tử theo quy định tại Nghị định này.
12. “VNeID” là ứng dụng trên thiết bị số; “dinhdanhdientu.gov.vn”, “vneid.gov.vn” là trang thông tin định danh điện tử do Bộ Công an tạo lập, phát triển để phục vụ hoạt động định danh điện tử và xác thực điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công và các giao dịch khác trên môi trường điện tử; phát triển các tiện ích để phục vụ cơ quan, tổ chức, cá nhân.
13. “Số định danh của người nước ngoài” là dãy số tự nhiên duy nhất do hệ thống định danh và xác thực điện tử xác lập để quản lý danh tính điện tử của một cá nhân người nước ngoài.
14. “Mã định danh điện tử của tổ chức” được xác định bằng mã số thuế của tổ chức đó; trường hợp không có mã số thuế thì hệ thống định danh và xác thực điện tử xác lập một dãy số tự nhiên duy nhất để quản lý danh tính điện tử của tổ chức đó.
15. “Nền tảng định danh và xác thực điện tử” là hệ thống thông tin do Bộ Công an tổ chức xây dựng, vận hành, quản lý để phục vụ việc trao đổi thông tin giữa hệ thống định danh và xác thực điện tử với hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức, cá nhân.
Điều 4. Nguyên tắc định danh và xác thực điện tử
1. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
2. Bảo đảm tính chính xác, duy nhất trong định danh và xác thực điện tử; công khai, minh bạch trong quản lý, thuận tiện cho cơ quan, tổ chức, cá nhân.
3. Bảo đảm an ninh, an toàn thiết bị, bảo mật dữ liệu khi thực hiện định danh và xác thực điện tử.
4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được khai thác và sử dụng danh tính điện tử phải bảo mật thông tin tài khoản định danh điện tử và tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
5. Mọi hành vi vi phạm pháp luật về định danh và xác thực điện tử phải được phát hiện, xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.
6. Bảo đảm phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Điều 5. Khai thác thông tin trong hệ thống định danh và xác thực điện tử
1. Hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức cung cấp dịch vụ công kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử để khai thác thông tin của chủ thể danh tính điện tử phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công trên môi trường điện tử và các hoạt động quản lý nhà nước khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao qua Nền tảng định danh và xác thực điện tử.
2. Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức cung cấp dịch vụ công khai thác thông tin trong hệ thống định danh và xác thực điện tử qua ứng dụng VNeID, trang thông tin định danh điện tử, thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử bằng thiết bị, phần mềm đáp ứng yêu cầu kỹ thuật do Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn.
3. Chủ thể danh tính điện tử khai thác, chia sẻ thông tin danh tính điện tử (trừ thông tin sinh trắc học) và thông tin khác của mình đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử trên hệ thống định danh và xác thực điện tử với cá nhân, tổ chức khác qua ứng dụng VNeID.
Điều 6. Điều khoản sử dụng tài khoản định danh điện tử
Chủ thể danh tính điện tử sử dụng tài khoản định danh điện tử phải tuân thủ quy định sau:
1. Không được sử dụng tài khoản định danh điện tử vào hoạt động, giao dịch trái quy định của pháp luật; xâm phạm đến an ninh, quốc phòng, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
2. Không được can thiệp trái phép vào hoạt động của hệ thống định danh và xác thực điện tử.
DANH TÍNH ĐIỆN TỬ, ĐỊNH DANH ĐIỆN TỬ
Điều 7. Danh tính điện tử công dân Việt Nam
Danh tính điện tử công dân Việt Nam gồm:
1. Thông tin cá nhân:
a) Số định danh cá nhân;
b) Họ, chữ đệm và tên;
c) Ngày, tháng, năm sinh;
d) Giới tính.
2. Thông tin sinh trắc học:
a) Ảnh chân dung;
b) Vân tay.
Điều 8. Danh tính điện tử người nước ngoài
Danh tính điện tử người nước ngoài bao gồm:
1. Thông tin cá nhân:
a) Số định danh của người nước ngoài;
b) Họ, chữ đệm và tên;
c) Ngày, tháng, năm sinh;
d) Giới tính;
đ) Quốc tịch;
e) Số, ký hiệu, ngày, tháng, năm, loại giấy tờ và nơi cấp hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế.
2. Thông tin sinh trắc học:
a) Ảnh chân dung;
b) Vân tay.
Điều 9. Danh tính điện tử tổ chức
Danh tính điện tử tổ chức gồm:
1. Mã định danh điện tử của tổ chức.
2. Tên tổ chức gồm tên tiếng Việt, tên viết tắt (nếu có) và tên tiếng nước ngoài (nếu có).
3. Ngày, tháng, năm thành lập.
4. Địa chỉ trụ sở chính.
5. Số định danh cá nhân hoặc số định danh của người nước ngoài; họ, chữ đệm và tên người đại diện theo pháp luật hoặc người đứng đầu của tổ chức.
Điều 10. Cập nhật thông tin danh tính điện tử
1. Thông tin về danh tính điện tử của cá nhân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu Căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh có sự thay đổi thì được tự động cập nhật vào tài khoản định danh điện tử của cá nhân trong hệ thống định danh và xác thực điện tử.
2. Thông tin về danh tính điện tử của tổ chức trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác có sự thay đổi thì được tự động cập nhật vào tài khoản định danh điện tử của tổ chức trong hệ thống định danh và xác thực điện tử.
Điều 11. Đối tượng được cấp tài khoản định danh điện tử
1. Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên; đối với công dân Việt Nam là người chưa đủ 14 tuổi hoặc là người được giám hộ được đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của cha, mẹ hoặc người giám hộ.
2. Người nước ngoài từ đủ 14 tuổi trở lên nhập cảnh vào Việt Nam; đối với người nước ngoài là người chưa đủ 14 tuổi hoặc là người được giám hộ được đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của cha, mẹ hoặc người giám hộ.
3. Cơ quan, tổ chức được thành lập hoặc đăng ký hoạt động tại Việt Nam.
Điều 12. Phân loại mức độ tài khoản định danh điện tử
1. Tài khoản định danh điện tử mức độ 1 của công dân Việt Nam gồm những thông tin quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 7 Nghị định này. Tài khoản định danh điện tử mức độ 1 của người nước ngoài gồm những thông tin quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 8 Nghị định này.
2. Tài khoản định danh điện tử mức độ 2 của cá nhân gồm những thông tin quy định tại Điều 7 hoặc Điều 8 Nghị định này.
3. Tài khoản định danh điện tử của tổ chức gồm những thông tin quy định tại Điều 9 Nghị định này là tài khoản định danh điện tử mức độ 2.
Điều 13. Sử dụng tài khoản định danh điện tử
1. Chủ thể danh tính điện tử sử dụng tài khoản định danh điện tử để đăng nhập và sử dụng các tính năng, tiện ích trên ứng dụng VNeID, trang thông tin định danh điện tử.
2. Tài khoản định danh điện tử do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập được sử dụng để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công trên môi trường điện tử và các hoạt động khác theo nhu cầu của chủ thể danh tính điện tử.
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được tạo lập tài khoản để phục vụ cho hoạt động của mình và chịu trách nhiệm xác thực, bảo đảm tính chính xác của tài khoản do mình tạo lập, quyết định mức độ và giá trị sử dụng của từng mức độ tài khoản. Thông tin để tạo lập tài khoản do chủ thể của tài khoản cung cấp hoặc đồng ý cho cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng để tạo lập tài khoản.
4. Việc sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 1 được tạo lập bởi hệ thống định danh và xác thực điện tử đối với chủ thể danh tính điện tử là công dân Việt Nam có giá trị chứng minh các thông tin của người đó quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định này, đối với chủ thể là người nước ngoài có giá trị chứng minh các thông tin của người đó quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định này trong các hoạt động, giao dịch có yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân của chủ thể danh tính điện tử.
5. Việc sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 được tạo lập bởi hệ thống định danh và xác thực điện tử đối với chủ thể danh tính điện tử là công dân Việt Nam có giá trị tương đương như việc sử dụng thẻ Căn cước công dân trong thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình thẻ Căn cước công dân; có giá trị cung cấp thông tin trong các loại giấy tờ của công dân đã được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối chiếu khi thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình giấy tờ đó.
6. Việc sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 được tạo lập bởi hệ thống định danh và xác thực điện tử đối với chủ thể danh tính điện tử là người nước ngoài có giá trị tương đương như việc sử dụng hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế trong thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; có giá trị cung cấp thông tin trong các loại giấy tờ của người nước ngoài được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối chiếu khi thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình giấy tờ đó.
7. Việc sử dụng tài khoản định danh điện tử được tạo lập bởi hệ thống định danh và xác thực điện tử đối với chủ thể danh tính điện tử là tổ chức do người đại diện theo pháp luật thực hiện hoặc giao cho người được ủy quyền sử dụng. Việc sử dụng tài khoản định danh điện tử của tổ chức có giá trị chứng minh danh tính điện tử của tổ chức khi thực hiện giao dịch có yêu cầu chứng minh thông tin về tổ chức đó; có giá trị cung cấp thông tin trong các loại giấy tờ của tổ chức được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối chiếu khi thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình giấy tờ đó.
8. Khi chủ thể danh tính điện tử sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trong các hoạt động, giao dịch điện tử thì có giá trị tương đương với việc xuất trình giấy tờ, tài liệu để chứng minh thông tin đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử.
TÀI KHOẢN ĐỊNH DANH ĐIỆN TỬ VÀ XÁC THỰC ĐIỆN TỬ
Điều 14. Trình tự, thủ tục đăng ký tài khoản định danh điện tử đối với công dân Việt Nam
1. Đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 1 qua ứng dụng VNeID đối với công dân đã có thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử
a) Công dân sử dụng thiết bị di động tải và cài đặt ứng dụng VNeID.
b) Công dân sử dụng ứng dụng VNeID để nhập thông tin về số định danh cá nhân và số điện thoại hoặc địa chỉ thư điện tử; cung cấp các thông tin theo hướng dẫn trên ứng dụng VNeID; thu nhận ảnh chân dung bằng thiết bị di động và gửi yêu cầu đề nghị cấp tài khoản định danh điện tử tới cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử qua ứng dụng VNeID.
c) Cơ quan quản lý định danh điện tử thông báo kết quả đăng ký tài khoản qua ứng dụng VNeID hoặc tin nhắn SMS hoặc địa chỉ thư điện tử.
2. Đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2
a) Đối với công dân đã được cấp thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử:
Công dân đến Công an xã, phường, thị trấn hoặc nơi làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân để làm thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử. Công dân xuất trình thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử, cung cấp thông tin về số điện thoại hoặc địa chỉ thư điện tử và đề nghị bổ sung thông tin được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử.
Cán bộ tiếp nhận nhập thông tin công dân cung cấp vào hệ thống định danh và xác thực điện tử; chụp ảnh chân dung, thu nhận vân tay của công dân đến làm thủ tục để xác thực với Cơ sở dữ liệu căn cước công dân và khẳng định sự đồng ý đăng ký tạo lập tài khoản định danh điện tử.
Cơ quan quản lý định danh điện tử thông báo kết quả đăng ký tài khoản qua ứng dụng VNeID hoặc tin nhắn SMS hoặc địa chỉ thư điện tử.
b) Cơ quan Công an tiến hành cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 cùng với cấp thẻ Căn cước công dân với trường hợp công dân chưa được cấp Căn cước công dân gắn chíp điện tử.
Điều 15. Trình tự, thủ tục đăng ký tài khoản định danh điện tử đối với người nước ngoài
1. Đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 1
a) Người nước ngoài sử dụng thiết bị di động tải và cài đặt ứng dụng VNeID.
b) Người nước ngoài sử dụng ứng dụng VNeID để nhập thông tin về số hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế và địa chỉ thư điện tử hoặc số điện thoại (nếu có); cung cấp các thông tin theo hướng dẫn trên ứng dụng VNeID; thu nhận ảnh chân dung bằng thiết bị di động và gửi yêu cầu đề nghị cấp tài khoản định danh điện tử tới cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử qua ứng dụng VNeID.
c) Cơ quan quản lý định danh điện tử thông báo kết quả đăng ký tài khoản qua ứng dụng VNeID hoặc tin nhắn SMS hoặc địa chỉ thư điện tử.
2. Đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2
a) Người nước ngoài đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an hoặc Công an cấp tỉnh làm thủ tục đăng ký tài khoản định danh điện tử, xuất trình Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế, cung cấp thông tin địa chỉ thư điện tử hoặc số điện thoại (nếu có) và đề nghị bổ sung thông tin được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử.
b) Cán bộ tiếp nhận nhập thông tin người nước ngoài cung cấp vào hệ thống định danh và xác thực điện tử; chụp ảnh chân dung, thu nhận vân tay của người nước ngoài đến làm thủ tục để xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh và khẳng định sự đồng ý đăng ký tạo lập tài khoản định danh điện tử.
c) Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh gửi yêu cầu cấp tài khoản định danh điện tử tới cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử.
d) Cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử thông báo kết quả đăng ký tài khoản qua ứng dụng VNeID hoặc tin nhắn SMS hoặc địa chỉ thư điện tử.
Điều 16. Trình tự, thủ tục đăng ký tài khoản định danh điện tử đối với tổ chức
1. Người đại diện theo pháp luật, người đứng đầu của tổ chức (đã có tài khoản định danh điện tử mức độ 2) đăng nhập ứng dụng VNeID để đăng ký tài khoản định danh điện tử cho tổ chức; cung cấp các thông tin theo hướng dẫn trên ứng dụng VNeID và gửi yêu cầu đề nghị cấp tài khoản định danh điện tử tới cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử qua ứng dụng VNeID.
2. Cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử tiến hành xác thực thông tin về tổ chức trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác. Trường hợp thông tin về tổ chức chưa có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác thì thực hiện xác minh thông tin tổ chức và thông báo kết quả đăng ký tài khoản định danh điện tử cho người đến làm thủ tục của tổ chức qua ứng dụng VNeID hoặc tin nhắn SMS hoặc địa chỉ thư điện tử.
Điều 17. Thời hạn giải quyết cấp tài khoản định danh điện tử
Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại Nghị định này, cơ quan Công an có trách nhiệm giải quyết cấp tài khoản định danh điện tử trong thời hạn như sau:
1. Đối với trường hợp công dân Việt Nam đã có thẻ Căn cước công dân gắn chíp: Không quá 01 ngày làm việc với trường hợp cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 1, không quá 03 ngày làm việc với trường hợp cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2. Đối với trường hợp công dân Việt Nam chưa có thẻ Căn cước công dân gắn chíp: Không quá 07 ngày làm việc.
2. Đối với người nước ngoài: Không quá 01 ngày làm việc với trường hợp cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 1; không quá 03 ngày làm việc với trường hợp cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 đã có thông tin về ảnh chân dung, vân tay trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh; không quá 07 ngày làm việc với trường hợp cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 nhưng chưa có thông tin về ảnh chân dung, vân tay trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh.
3. Đối với tổ chức:
a) Không quá 01 ngày làm việc với trường hợp thông tin cần xác thực về tổ chức đã có trong cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
b) Không quá 15 ngày với trường hợp thông tin cần xác thực về tổ chức không có trong cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
Điều 18. Kích hoạt tài khoản định danh điện tử
Chủ thể danh tính điện tử thực hiện kích hoạt tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNeID trong vòng 07 ngày kể từ ngày nhận được thông báo kết quả cấp tài khoản định danh điện tử. Sau 07 ngày, nếu tài khoản định danh điện tử không được kích hoạt, chủ thể danh tính điện tử liên hệ với cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử thông qua tổng đài tiếp nhận và giải quyết các yêu cầu về định danh và xác thực điện tử để thực hiện việc kích hoạt tài khoản.
Điều 19. Khóa, mở khóa tài khoản định danh điện tử
1. Khóa tài khoản định danh điện tử của công dân
a) Hệ thống định danh và xác thực điện tử tự động ghi nhận và khóa tài khoản định danh điện tử trong trường hợp chủ thể danh tính điện tử yêu cầu khóa tài khoản định danh điện tử của mình; chủ thể danh tính điện tử vi phạm điều khoản sử dụng ứng dụng VNeID; chủ thể danh tính điện tử bị thu hồi thẻ Căn cước công dân; chủ thể danh tính điện tử chết. Việc ghi nhận được thực hiện thông qua việc chủ thể danh tính điện tử khai báo trên ứng dụng VNeID hoặc việc cập nhật thông tin danh tính điện tử vào hệ thống định danh và xác thực điện tử quy định tại Điều 10 Nghị định này.
b) Cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan chức năng có thẩm quyền hoặc bên sử dụng dịch vụ có yêu cầu khóa tài khoản định danh điện tử thì gửi đề nghị khóa tài khoản tới cơ quan Công an để xem xét, giải quyết.
c) Trong thời hạn 02 ngày làm việc, thủ trưởng cơ quan Công an nơi tiếp nhận đề nghị khóa tài khoản định danh điện tử phê duyệt việc khóa tài khoản đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này và thông báo tới cơ quan, tổ chức đề nghị khóa tài khoản và chủ thể danh tính điện tử. Trường hợp từ chối khóa tài khoản thì có văn bản trả lời nêu rõ lý do.
2. Khóa tài khoản định danh điện tử của người nước ngoài
a) Hệ thống định danh và xác thực điện tử tự động ghi nhận và khóa tài khoản định danh điện tử trong trường hợp chủ thể danh tính điện tử yêu cầu khóa tài khoản định danh điện tử của mình; chủ thể danh tính điện tử vi phạm điều khoản sử dụng ứng dụng VNeID; chủ thể danh tính điện tử hết hạn sử dụng hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; chủ thể danh tính điện tử hết thời hạn cư trú trên lãnh thổ Việt Nam; chủ thể danh tính điện tử chết. Việc ghi nhận được thực hiện thông qua việc chủ thể danh tính điện tử khai báo trên ứng dụng VNeID hoặc việc cập nhật thông tin danh tính điện tử vào hệ thống định danh và xác thực điện tử quy định tại Điều 10 Nghị định này.
b) Cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan chức năng có thẩm quyền hoặc bên sử dụng dịch vụ có yêu cầu khóa tài khoản định danh điện tử thì gửi đề nghị khóa tài khoản tới cơ quan Công an để xem xét, giải quyết.
c) Trong thời hạn 02 ngày làm việc, thủ trưởng cơ quan Công an nơi tiếp nhận đề nghị khóa tài khoản định danh điện tử phê duyệt việc khóa tài khoản đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này và thông báo tới cơ quan, tổ chức đề nghị khóa tài khoản và chủ thể danh tính điện tử. Trường hợp từ chối khóa tài khoản thì có văn bản trả lời nêu rõ lý do.
3. Khóa tài khoản định danh điện tử của tổ chức
a) Hệ thống định danh và xác thực điện tử tự động ghi nhận và khóa tài khoản định danh điện tử trong trường hợp chủ thể danh tính điện tử yêu cầu khóa tài khoản định danh điện tử của mình; chủ thể danh tính điện tử vi phạm điều khoản sử dụng ứng dụng VNeID; tổ chức giải thể, dừng hoạt động theo quy định của pháp luật. Việc ghi nhận được thực hiện thông qua việc chủ thể danh tính điện tử khai báo trên ứng dụng VNeID hoặc việc cập nhật thông tin danh tính điện tử vào hệ thống định danh và xác thực điện tử quy định tại Điều 10 Nghị định này.
b) Cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan chức năng có thẩm quyền hoặc bên sử dụng dịch vụ có yêu cầu khóa tài khoản định danh điện tử thì gửi đề nghị khóa tài khoản tới cơ quan Công an để xem xét, giải quyết.
c) Trong thời hạn 02 ngày làm việc, thủ trưởng cơ quan Công an nơi tiếp nhận đề nghị khóa tài khoản định danh điện tử phê duyệt việc khóa tài khoản đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này và thông báo tới cơ quan, tổ chức đề nghị khóa tài khoản và chủ thể danh tính điện tử. Trường hợp từ chối khóa tài khoản thì có văn bản trả lời nêu rõ lý do.
4. Mở khóa tài khoản định danh điện tử
a) Hệ thống định danh và xác thực điện tử tự động mở khóa ngay tài khoản định danh điện tử khi các căn cứ khóa tự động tài khoản định danh điện tử đã hết;
b) Cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan chức năng có thẩm quyền hoặc bên sử dụng dịch vụ có yêu cầu mở khóa tài khoản định danh điện tử thì gửi đề nghị mở khóa tài khoản tới cơ quan Công an để xem xét, giải quyết.
c) Trong thời hạn 02 ngày làm việc, thủ trưởng cơ quan Công an nơi tiếp nhận đề nghị mở khóa tài khoản định danh điện tử phê duyệt việc mở khóa tài khoản đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều này và thông báo tới cơ quan, tổ chức đề nghị mở khóa tài khoản và chủ thể danh tính điện tử. Trường hợp từ chối mở khóa tài khoản thì có văn bản trả lời nêu rõ lý do.
5. Hình thức yêu cầu khóa, mở khóa tài khoản định danh điện tử:
a) Chủ thể danh tính điện tử thực hiện theo các bước hướng dẫn trên ứng dụng VNeID để yêu cầu khóa tài khoản định danh điện tử;
b) Chủ thể danh tính điện tử liên hệ với tổng đài tiếp nhận và giải quyết các yêu cầu về định danh và xác thực điện tử, cung cấp thông tin xác thực chủ tài khoản định danh điện tử để yêu cầu khóa, mở khóa tài khoản định danh điện tử;
c) Chủ thể danh tính điện tử đến cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử, cung cấp thông tin xác thực chủ tài khoản định danh điện tử để yêu cầu khóa, mở khóa tài khoản định danh điện tử.
6. Khóa, mở khóa tài khoản định danh điện tử khi có yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan chức năng có thẩm quyền
Cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan chức năng có thẩm quyền có văn bản gửi cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử cùng cấp đề nghị khóa, mở khóa tài khoản định danh điện tử, trong đó nêu rõ lý do, thời hạn khóa.
Điều 20. Thẩm quyền cấp tài khoản định danh điện tử, quyết định khóa, mở khóa tài khoản định danh điện tử
1. Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Bộ Công an có thẩm quyền cấp tài khoản định danh điện tử; quyết định khóa, mở khóa tài khoản định danh điện tử tự động trên hệ thống định danh và xác thực điện tử và đề nghị khóa, mở khóa tài khoản định danh điện tử của cơ quan cấp cục hoặc tương đương trở lên.
2. Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định khóa, mở khóa tài khoản định danh điện tử đối với đề nghị được tiếp nhận tại Công an cấp tỉnh.
3. Trưởng Công an cấp huyện quyết định khóa, mở khóa tài khoản định danh điện tử đối với đề nghị được tiếp nhận tại Công an cấp huyện.
4. Trưởng Công an cấp xã quyết định khóa, mở khóa tài khoản định danh điện tử đối với đề nghị được tiếp nhận tại Công an cấp xã.
Điều 21. Lưu trữ thông tin trong hệ thống định danh và xác thực điện tử
1. Thông tin về tài khoản định danh điện tử được lưu trữ vĩnh viễn trong hệ thống định danh và xác thực điện tử.
2. Thông tin lịch sử về việc sử dụng tài khoản định danh điện tử được lưu trữ trong hệ thống định danh và xác thực điện tử với thời hạn 05 năm kể từ thời điểm sử dụng tài khoản.
Điều 22. Kết nối, sử dụng tài khoản định danh điện tử được tạo lập bởi hệ thống định danh và xác thực điện tử
1. Điều kiện của tổ chức, cá nhân thực hiện kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử:
a) Có cơ sở hạ tầng, hệ thống thông tin để kết nối;
b) Hệ thống thông tin phục vụ kết nối bảo đảm an toàn theo tiêu chí hệ thống thông tin cấp độ 3 trở lên theo quy định của pháp luật.
2. Trình tự, thủ tục, hồ sơ đề nghị kết nối:
a) Cá nhân, tổ chức có nhu cầu kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử gửi văn bản đề nghị kết nối tới cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử nêu rõ phạm vi, mục đích thực hiện kết nối và giấy tờ, tài liệu chứng minh đáp ứng điều kiện thực hiện kết nối quy định tại khoản 1 Điều này.
b) Căn cứ vào điều kiện thực hiện kết nối quy định tại khoản 1 Điều này và phạm vi, mục đích thực hiện kết nối của cá nhân, tổ chức đề nghị kết nối, cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử tổ chức thẩm định, kiểm tra thực tế và quyết định việc cho phép thực hiện kết nối.
c) Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị kết nối, cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử xem xét, quyết định cho phép thực hiện kết nối bằng văn bản; nếu không đồng ý thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
3. Thực hiện kết nối:
a) Sau khi cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử có văn bản chấp thuận cho phép kết nối hệ thống định danh và xác thực điện tử với hệ thống thông tin của tổ chức, cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử thực hiện việc kết nối thông qua hợp đồng cung cấp dịch vụ ký với cá nhân, tổ chức đó.
b) Tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử ngừng thực hiện kết nối trong trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm thỏa thuận sử dụng dịch vụ theo hợp đồng cung cấp dịch vụ. Tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử báo cáo cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử về việc ngừng thực hiện kết nối để cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử thông báo cho cá nhân, tổ chức.
1. Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức thực hiện dịch vụ công được xác thực thông tin của chủ thể danh tính điện tử qua cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hệ thống định danh và xác thực điện tử; xác thực tài khoản định danh điện tử qua hệ thống định danh và xác thực điện tử.
2. Cá nhân, tổ chức không thuộc khoản 1 Điều này được xác thực tài khoản định danh điện tử do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập qua tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử để xác thực tài khoản đó do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập và còn giá trị sử dụng khi thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công và các giao dịch khác trên môi trường điện tử. Tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử không xác thực thông tin danh tính chủ thể và thông tin khác của chủ thể tài khoản định danh điện tử, trừ trường hợp cần thiết do Bộ trưởng Bộ Công an quyết định.
Việc thực hiện xác thực tài khoản định danh điện tử theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức không thuộc khoản 1 Điều này được thực hiện theo thỏa thuận bằng hợp đồng cung cấp dịch vụ với tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử. Việc thực hiện xác thực tài khoản định danh điện tử phải có sự đồng ý của chủ thể danh tính điện tử.
3. Bộ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành có trách nhiệm hướng dẫn việc thực hiện xác thực thông tin của chủ thể danh tính điện tử có trong cơ sở dữ liệu do mình quản lý.
Điều 24. Mức độ xác thực tài khoản định danh điện tử
1. Mức độ 1: Xác thực tài khoản định danh điện tử được thực hiện dựa trên một yếu tố xác thực theo quy định tại khoản 9 Điều 3 và phương tiện xác thực quy định tại khoản 10 Điều 3 Nghị định này trong đó không có thông tin về sinh trắc học.
2. Mức độ 2: Xác thực tài khoản định danh điện tử được thực hiện dựa trên hai yếu tố xác thực khác nhau theo quy định tại khoản 9 Điều 3 và phương tiện xác thực tương ứng tại khoản 10 Điều 3 Nghị định này trong đó không có thông tin về sinh trắc học.
3. Mức độ 3: Xác thực tài khoản định danh điện tử được thực hiện dựa trên hai yếu tố xác thực khác nhau trở lên theo quy định tại khoản 9 Điều 3 và phương tiện xác thực tương ứng tại khoản 10 Điều 3 Nghị định này trong đó có một thông tin về sinh trắc học.
4. Mức độ 4: Xác thực tài khoản định danh điện tử được thực hiện dựa trên các yếu tố xác thực gồm ảnh chân dung, vân tay với thông tin trên thẻ Căn cước công dân hoặc Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh.
Điều 25. Phương thức xác thực điện tử trong thực hiện giao dịch thông qua hệ thống định danh và xác thực điện tử
1. Việc xác thực điện tử đối với giao dịch trực tuyến được thực hiện qua các phương tiện xác thực phù hợp với mức độ an toàn theo yêu cầu của tổ chức cung cấp dịch vụ trực tuyến đó.
2. Đối với các trường hợp xác thực thông tin tài khoản tại nơi thực hiện giao dịch thực hiện xác thực qua giải pháp xác thực được cung cấp tại ứng dụng VNeID.
Điều 26. Dịch vụ xác thực điện tử
1. Dịch vụ xác thực điện tử là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
2. Tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử phải bảo đảm điều kiện quy định tại Điều 27 Nghị định này và được Bộ Công an cấp giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xác thực điện tử.
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân tạo lập tài khoản định danh theo quy định tại khoản 3 Điều 13 Nghị định này không phải tuân thủ các quy định tại Điều 27, Điều 28, Điều 29, Điều 30 Nghị định này.
Điều 27. Điều kiện cung cấp dịch vụ xác thực điện tử
1. Điều kiện về tổ chức, doanh nghiệp
Đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp trong Công an nhân dân.
2. Điều kiện về nhân sự
a) Người đứng đầu tổ chức, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là công dân Việt Nam, thường trú tại Việt Nam.
b) Tổ chức, doanh nghiệp phải có nhân sự có bằng đại học trở lên chuyên ngành an toàn thông tin hoặc công nghệ thông tin hoặc điện tử viễn thông chịu trách nhiệm cung cấp dịch vụ, quản trị hệ thống, vận hành hệ thống, bảo đảm an toàn thông tin của hệ thống.
3. Điều kiện về kỹ thuật, quy trình quản lý cung cấp dịch vụ và phương án bảo đảm an ninh, trật tự
Tổ chức, doanh nghiệp đề nghị cấp giấy xác nhận phải có Đề án hoạt động cung cấp dịch vụ bao gồm các tài liệu sau:
a) Phương án, quy trình hoạt động cung cấp dịch vụ xác thực điện tử bao gồm thuyết minh hệ thống công nghệ thông tin; thuyết minh phương án kỹ thuật về giải pháp công nghệ; phương án lưu trữ, bảo đảm tính toàn vẹn dữ liệu, bảo đảm an ninh an toàn thông tin của hệ thống cung cấp dịch vụ; phương án bảo vệ dữ liệu cá nhân, tổ chức; phương án bảo đảm an ninh, trật tự; phương án phòng cháy và chữa cháy, dự phòng thảm họa và bảo đảm vận hành ổn định, thông suốt dịch vụ xác thực điện tử;
b) Văn bản giới thiệu về máy móc, thiết bị đang sở hữu đặt tại Việt Nam phù hợp với yêu cầu của pháp luật về phòng, chống cháy, nổ; có khả năng chống chịu lũ, lụt, động đất, nhiễu điện từ, sự xâm nhập bất hợp pháp của con người.
Điều 28. Hồ sơ, trình tự thủ tục cấp giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xác thực điện tử
1. Thành phần hồ sơ:
a) Tờ khai đề nghị cấp giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xác thực điện tử theo Mẫu XT01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Đề án và các tài liệu mô tả theo quy định tại khoản 3 Điều 27 Nghị định này.
2. Trình tự, thời hạn và cách thức cấp Giấy xác nhận:
a) Tổ chức, doanh nghiệp nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy xác nhận tại khoản 1 Điều này trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính về Bộ Công an hoặc nộp hồ sơ qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công của Bộ Công an;
b) Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ theo quy định tại khoản 1 Điều này, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Công an có thông báo bằng văn bản cho tổ chức, doanh nghiệp để bổ sung hồ sơ;
c) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Công an lấy ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan; trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được văn bản của Bộ Công an, bộ, cơ quan ngang bộ có văn bản trả lời;
d) Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Công an thực hiện việc thẩm định, kiểm tra thực tế tại tổ chức, doanh nghiệp và cấp giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xác thực điện tử theo mẫu XT03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này cho tổ chức, doanh nghiệp đủ điều kiện; trường hợp từ chối cấp Giấy xác nhận phải có thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do.
Điều 29. Cấp lại, thay đổi Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xác thực điện tử
1. Thay đổi nội dung Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xác thực điện tử được thực hiện trong trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thay đổi một trong các thông tin về người đại diện theo pháp luật, địa chỉ trụ sở, tên giao dịch, phương án, quy trình được Bộ Công an thẩm định theo quy định tại khoản 3 Điều 27 Nghị định này.
Tổ chức, doanh nghiệp nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị thay đổi nội dung Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xác thực điện tử về Bộ Công an theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 28 Nghị định này. Hồ sơ đề nghị thay đổi nội dung Giấy phép bao gồm: Tờ khai đề nghị thay đổi Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xác thực điện tử theo Mẫu XT02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này, tài liệu chứng minh nội dung thay đổi về thông tin.
a) Trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thay đổi một trong các thông tin về người đại diện theo pháp luật, địa chỉ trụ sở, tên giao dịch thì trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Công an thẩm định, cấp giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xác thực điện tử cho tổ chức, doanh nghiệp đủ điều kiện; trường hợp từ chối thay đổi phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do;
b) Trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thay đổi một trong các thông tin về phương án, quy trình hoạt động cung cấp dịch vụ xác thực điện tử thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Công an thực hiện việc thẩm định, lấy ý kiến bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan, kiểm tra thực tế và cấp giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xác thực điện tử cho tổ chức, doanh nghiệp đủ điều kiện; trường hợp từ chối thay đổi phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
2. Cấp lại Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xác thực điện tử trong trường hợp bị mất hoặc bị hư hỏng:
a) Tổ chức, doanh nghiệp nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xác thực điện tử về Bộ Công an theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 28 Nghị định này. Hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy xác nhận bao gồm: Tờ khai đề nghị cấp lại Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xác thực điện tử theo Mẫu XT02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tờ khai đề nghị, Bộ Công an xem xét và cấp lại Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xác thực điện tử cho tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử; trường hợp từ chối cấp lại phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Điều 30. Thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xác thực điện tử
1. Tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử bị thu hồi Giấy xác nhận trong các trường hợp sau đây:
a) Tổ chức, doanh nghiệp không hoạt động liên tục từ 06 tháng trở lên;
b) Bị giải thể hoặc phá sản theo quy định của pháp luật;
c) Không tiếp tục cung cấp dịch vụ;
d) Vi phạm pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, an toàn thông tin, an ninh mạng.
2. Bộ Công an ra quyết định về việc thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xác thực điện tử theo Mẫu XT04 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
3. Tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử bị thu hồi giấy xác nhận có trách nhiệm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể danh tính điện tử và các bên có liên quan theo quy định của pháp luật.
Điều 31. Chi phí cấp, sử dụng tài khoản định danh điện tử và sử dụng dịch vụ xác thực điện tử
1. Chủ thể danh tính điện tử là cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam không phải thanh toán chi phí đăng ký cấp tài khoản định danh điện tử và chi phí sử dụng tài khoản định danh điện tử do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập.
2. Tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ xác thực điện tử thanh toán chi phí cho tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử theo quy định của pháp luật.
TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN
Điều 32. Trách nhiệm chủ thể danh tính điện tử
1. Bảo vệ thông tin danh tính điện tử.
2. Bảo đảm an toàn yếu tố xác thực.
3. Thông báo ngay cho tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử khi mất kiểm soát phương tiện xác thực hoặc phát hiện có người sử dụng trái phép danh tính điện tử của mình hoặc lý do khác có thể gây mất an toàn sử dụng dịch vụ.
Điều 33. Trách nhiệm của bên sử dụng dịch vụ
1. Tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật về định danh và xác thực điện tử.
2. Quản lý, bảo mật thông tin tài khoản định danh điện tử, bảo đảm sử dụng tài khoản định danh điện tử an toàn.
3. Chịu trách nhiệm về các giao dịch đã thực hiện và quy định của các bên có liên quan đối với các giao dịch điện tử.
Điều 34. Trách nhiệm của tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử và cơ quan, tổ chức, cá nhân tự tạo lập tài khoản
1. Trách nhiệm của tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử
a) Cung cấp dịch vụ xác thực điện tử cho tổ chức, cá nhân trên cơ sở thỏa thuận bằng hợp đồng cung cấp dịch vụ;
b) Bảo đảm kênh tiếp nhận thông tin và việc sử dụng dịch vụ là liên tục 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần;
c) Tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng, an ninh mạng, giao dịch điện tử, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực xác thực điện tử;
d) Tuân thủ phương án, quy trình hoạt động cung cấp dịch vụ xác thực điện tử đã được Bộ Công an thẩm định;
đ) Gửi báo cáo định kỳ 06 tháng, 01 năm về hoạt động xác thực điện tử cho cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử hoặc khi cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử có yêu cầu.
2. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tự tạo lập tài khoản phục vụ hoạt động của mình:
a) Chịu trách nhiệm về tính chính xác của tài khoản do mình tạo lập;
b) Bảo vệ dữ liệu cá nhân do mình thu thập, quản lý theo quy định của pháp luật;
c) Bảo đảm được sự đồng ý của chủ thể dữ liệu trong mọi hoạt động liên quan đến việc quản lý, khai thác, sử dụng dữ liệu;
d) Xóa dữ liệu đã thu thập, quản lý trong trường hợp có yêu cầu của chủ thể dữ liệu, trừ trường hợp luật có quy định khác;
đ) Gửi báo cáo về hoạt động định danh cho cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử khi có yêu cầu.
Điều 35. Trách nhiệm của Bộ Công an
1. Xây dựng, quản lý, bảo vệ và vận hành hệ thống định danh và xác thực điện tử; ứng dụng tài khoản định danh điện tử vào công tác quản lý nhà nước, cải cách hành chính, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh.
2. Thực hiện quản lý nhà nước về định danh và xác thực điện tử.
3. Ban hành hướng dẫn về tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình, điều kiện bảo đảm kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử; quy trình xác thực điện tử của tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử.
4. Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ trong kết nối các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ việc định danh và xác thực điện tử.
5. Chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra hoạt động định danh và xác thực điện tử.
6. Giải quyết khiếu nại, tố cáo, hướng dẫn cho cơ quan, tổ chức, cá nhân về đăng ký, quản lý định danh và xác thực điện tử.
7. Kết nối, tích hợp hệ thống định danh và xác thực điện tử với Nền tảng trao đổi định danh điện tử của Cổng dịch vụ công quốc gia phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo quy định pháp luật.
8. Hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong hoạt động định danh và xác thực điện tử.
9. Chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quốc phòng, Ban Cơ yếu Chính phủ bảo đảm an toàn và bảo mật thông tin đối với hệ thống định danh và xác thực điện tử.
10. Chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thống nhất các loại giấy tờ, tài liệu và phương án đồng bộ thông tin vào tài khoản định danh điện tử.
11. Chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ban Cơ yếu Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thống nhất phương án kết nối, chia sẻ để sử dụng danh tính điện tử, tài khoản định danh điện tử được cung cấp, tạo lập bởi hệ thống định danh và xác thực điện tử; bảo đảm bảo mật, an toàn, an ninh thông tin.
12. Phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện xác thực, đồng bộ dữ liệu các tài khoản đã được tạo lập, sử dụng bởi Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh với tài khoản do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập.
13. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Quốc phòng trong việc bảo đảm kết nối, chia sẻ, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh, Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp phục vụ việc định danh và xác thực điện tử.
14. Bảo đảm kênh tiếp nhận thông tin và việc sử dụng hệ thống định danh và xác thực điện tử liên tục 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần.
Điều 36. Trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông
1. Bảo đảm sử dụng danh tính điện tử, tài khoản định danh điện tử để thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công trên môi trường điện tử thuộc chức năng của mình.
2. Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an quy định về kết nối kỹ thuật bảo đảm kết nối Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia với Nền tảng định danh và xác thực điện tử và các hệ thống khác có liên quan, bảo đảm bảo mật, an toàn, an ninh thông tin.
3. Phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng bảo đảm an toàn và bảo mật thông tin đối với hệ thống định danh và xác thực điện tử.
Điều 37. Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng
1. Hướng dẫn cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân trực thuộc thực hiện định danh và xác thực điện tử bảo đảm phù hợp với các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng.
2. Bảo đảm sử dụng danh tính điện tử, tài khoản định danh điện tử để thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công trên môi trường điện tử thuộc chức năng quản lý được pháp luật quy định.
3. Phối hợp với Bộ Công an thống nhất phương án kết nối, chia sẻ để sử dụng danh tính điện tử, tài khoản định danh điện tử được cung cấp, tạo lập bởi hệ thống định danh và xác thực điện tử.
4. Phối hợp với Bộ Công an trong bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng đối với hệ thống định danh và xác thực điện tử.
Điều 38. Trách nhiệm của Ban Cơ yếu Chính phủ
1. Hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mật mã dân sự và sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong hoạt động định danh và xác thực điện tử.
2. Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an đánh giá an toàn mật mã đối với bên sử dụng dịch vụ xác thực điện tử.
3. Phối hợp với Bộ Công an bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin sử dụng sản phẩm mật mã cơ yếu đối với hệ thống định danh và xác thực điện tử, sử dụng danh tính điện tử, tài khoản định danh điện tử trong việc cung cấp dịch vụ chữ ký số chuyên dùng Chính phủ.
Điều 39. Trách nhiệm của các bộ khác, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
1. Phối hợp với Bộ Công an thực hiện kết nối hệ thống định danh và xác thực điện tử với Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh để phục vụ giải quyết dịch vụ hành chính công trên môi trường điện tử, thời hạn chậm nhất hoàn thành việc kết nối là ngày 30 tháng 6 năm 2024.
2. Bảo đảm sử dụng danh tính điện tử, tài khoản định danh điện tử để thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công trên môi trường điện tử.
3. Phối hợp với Bộ Công an để thống nhất phương án kết nối, chia sẻ để sử dụng danh tính điện tử, tài khoản định danh điện tử được cung cấp, tạo lập bởi Hệ thống định danh và xác thực điện tử; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin.
4. Bảo đảm hoạt động ổn định, thông suốt của các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành trong việc xác thực theo yêu cầu của cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức khác được giao thực hiện dịch vụ công.
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 10 năm 2022.
2. Tài khoản do Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh được sử dụng để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công trên môi trường điện tử đến ngày 01 tháng 7 năm 2024.
3. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 7 Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2020 về thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công trên môi trường điện tử như sau:
“1. Tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh thông qua tài khoản định danh điện tử do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập được kết nối, tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia”.
1. Bộ Công an chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Nghị định này.
2. Trong quá trình thực hiện Bộ Công an phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông tổng hợp xử lý các vấn đề theo chức năng quản lý nhà nước. Trường hợp cần thiết báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
|
TM. CHÍNH PHỦ |
(Kèm theo Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ)
Mẫu XT01 |
Tờ khai đề nghị cấp giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xác thực điện tử |
Mẫu XT02 |
Tờ khai đề nghị cấp lại/thay đổi Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xác thực điện tử |
Mẫu XT03 |
Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xác thực điện tử |
Mẫu XT04 |
Quyết định về việc thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xác thực điện tử |
Mẫu XT05 |
Báo cáo về hoạt động cung cấp dịch vụ xác thực điện tử |
TÊN TỔ CHỨC |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số:... |
..., ngày... tháng... năm... |
Cấp giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xác thực điện tử
Kính gửi: Bộ Công an.
Căn cứ Nghị định số... ngày... tháng... năm... của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử;
(Tên tổ chức) đề nghị Bộ Công an cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xác thực điện tử với các nội dung sau:
1. Thông tin về tổ chức đề nghị cấp giấy xác nhận
Tên giao dịch tiếng Việt:
Tên viết tắt tiếng Việt:
Tên giao dịch tiếng Anh:
Tên viết tắt tiếng Anh:
Quyết định thành lập/Quyết định quy định chức năng nhiệm vụ số... do... cấp ngày... tháng... năm... (nếu có)
Giấy phép đăng ký doanh nghiệp số... do... cấp ngày... tháng... năm... (nếu có)
Địa chỉ:
Điện thoại: Fax:
E-mail: Website:
Tên và địa chỉ liên hệ của người đại diện theo pháp luật:
2. Hồ sơ đề nghị cấp giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xác thực điện tử
STT |
Tên tài liệu |
Số lượng |
Ghi chú |
1 |
|
|
|
2 |
|
|
|
3 |
|
|
|
... |
|
|
|
3. Cam kết
(Tên tổ chức) cam kết chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin cung cấp nêu trên cùng các tài liệu kèm theo và cam kết tuân thủ các quy định của pháp luật.
|
NGƯỜI ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT |
TÊN TỔ CHỨC |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số:... |
..., ngày... tháng... năm... |
Cấp lại/thay đổi Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xác thực điện tử
Kính gửi: Bộ Công an.
Căn cứ Nghị định số... ngày... tháng... năm... của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử;
Căn cứ Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xác thực điện tử số....../GCN-BCA ngày.../.../.... của Bộ Công an.
(Tên tổ chức) đề nghị Bộ Công an cấp lại/thay đổi giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xác thực điện tử với các nội dung sau:
1. Thông tin về tổ chức đề nghị cấp lại/thay đổi giấy xác nhận
Tên giao dịch tiếng Việt:
Tên viết tắt tiếng Việt:
Tên giao dịch tiếng Anh:
Tên viết tắt tiếng Anh:
Địa chỉ:
Điện thoại: Fax:
E-mail: Website:
Tên và địa chỉ liên hệ của người đại diện theo pháp luật:
2. Lý do cấp lại/thay đổi Giấy xác nhận
3. Nội dung thay đổi giấy xác nhận
4. Cam kết
(Tên tổ chức) cam kết chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin cung cấp nêu trên cùng các tài liệu kèm theo và cam kết tuân thủ các quy định của pháp luật.
|
NGƯỜI ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT |
BỘ CÔNG AN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số:... |
..., ngày... tháng... năm... |
KINH DOANH DỊCH VỤ XÁC THỰC ĐIỆN TỬ
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN
Căn cứ Nghị định số... ngày... tháng... năm 2022 của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử;
Căn cứ Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;
Xét hồ sơ đề nghị cấp giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xác thực điện tử ngày... tháng... năm... của (Tên tổ chức);
Theo đề nghị của Cục trưởng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội.
CHỨNG NHẬN
Điều 1. (TÊN TỔ CHỨC) đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xác thực điện tử
Thông tin tổ chức
1. Tên giao dịch của doanh nghiệp bằng tiếng Việt hoặc tiếng nước ngoài (nếu có):......
2. Họ và tên người đại diện theo pháp luật...........................................................
3. Giấy phép đăng ký doanh nghiệp số:.... do.... cấp ngày... tháng... năm... tại........... hoặc quyết định thành lập số:... do... cấp ngày... tháng... năm... tại.....................................
4. Mã số thuế:........................................................................................................
5. Địa chỉ trụ sở chính tại Việt Nam:....................................................................
6. Điện thoại:.........................................................................................................
Điều 2. (Tên tổ chức) phải thực hiện đúng các quy định tại Nghị định số........../2022/NĐ-CP ngày...... tháng...... năm 2022 của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Điều 3. Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xác thực điện tử này có hiệu lực kể từ ngày ký.
|
BỘ TRƯỞNG |
BỘ CÔNG AN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số:.../QĐ-BCA |
Hà Nội, ngày... tháng... năm... |
Về việc thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xác thực điện tử
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN
Căn cứ Nghị định số... ngày... tháng... năm 2022 của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử;
Căn cứ Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xác thực điện tử số... ngày... tháng... năm... do Bộ Công an cấp cho (TÊN TỔ CHỨC) theo quy định tại... Nghị định số... ngày... tháng... năm 2022 của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Đồng chí Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công an, (CHỨC DANH NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU) (TÊN TỔ CHỨC) chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: |
BỘ TRƯỞNG |
TÊN TỔ CHỨC |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số:... |
..., ngày... tháng... năm... |
Về hoạt động cung cấp dịch vụ xác thực điện tử
Kính gửi: Bộ Công an.
Căn cứ Nghị định số... ngày... tháng... năm 2021 của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử;
(Tên tổ chức) báo cáo Bộ Công an về hoạt động cung cấp dịch vụ xác thực điện tử như sau:
1. Nội dung dịch vụ được cung cấp
2. Tổng quan về hoạt động cung cấp dịch vụ xác thực điện tử trong thời gian từ ngày.../.../... đến... ngày.../.../...
- Về thị trường khách hàng
- Về sự cố xảy ra
- Hoạt động bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu cá nhân
3. Hồ sơ liên quan
STT |
Tên tài liệu |
Số lượng |
Ghi chú |
1 |
|
|
|
2 |
|
|
|
3 |
|
|
|
... |
|
|
|
4. Cam kết
(Tên tổ chức) cam kết chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin cung cấp nêu trên cùng các tài liệu kèm theo và cam kết tuân thủ các quy định của pháp luật.
|
NGƯỜI ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT |