Trắc nghiệm GDQP 11 Bài 1 (Kết nối tri thức 2024) có đáp án: Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam | Trắc nghiệm Giáo dục quốc phòng 11

12.4 K

Tailieumoi.vn xin giới thiệu Trắc nghiệm Giáo dục quốc phòng - an ninh lớp 11 Bài 1: Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sách Kết nối tri thức. Bài viết gồm 15 câu hỏi trắc nghiệm với đầy đủ các mức độ và có hướng dẫn giải chi tiết sẽ giúp học sinh ôn luyện kiến thức và rèn luyện kĩ năng làm bài trắc nghiệm GDQP 11. Ngoài ra, bài viết còn có phần tóm tắt nội dung chính lý thuyết Bài 1: Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam . Mời các bạn đón xem:

Trắc nghiệm GDQP 11 Bài 1: Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Phần 1. 15 câu trắc nghiệm GDQP 11 Bài 1: Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Câu 1. Lãnh hải là vùng biển có chiều rộng 12 hải lí tính từ

A. vùng nội thủy ra phía biển.

B. đường cơ sở ra phía biển.

C. ranh giới ngoài của lãnh hải.

D. ranh giới ngoài thềm lục địa.

Đáp án đúng là: B

Lãnh hải là vùng biển có chiều rộng 12 hải lí tính từ đường cơ sở ra phía biển.

Câu 2. Vùng biển tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, hợp với lãnh hải thành một vùng biển có chiều rộng 200 hải lí tính từ đường cơ sở, được gọi là

A. nội thủy.

B. vùng tiếp giáp lãnh hải.

C. vùng đặc quyền kinh tế.

D. thềm lục địa.

Đáp án đúng là: C

Vùng đặc quyền kinh tế là vùng biển tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, hợp với lãnh hải thành một vùng biển có chiều rộng 200 hải lí tính từ đường cơ sở.

Câu 3. Ranh giới ngoài thềm lục địa cách đường cơ sở không quá

A. 350 hải lí.

B. 200 hải lí.

C. 12 hải lí.

D. 10 hải lí.

Đáp án đúng là: A

Ranh giới ngoài thềm lục địa cách đường cơ sở không quá 350 hải lí.

Câu 4. Việt Nam có hai quần đảo xa bờ là

A. Hoàng Sa và Thổ Chu.

B. Hoàng Sa và Trường Sa.

C. Trường Sa và Phú Quý.

D. Thổ Chu và Phú Quý.

Đáp án đúng là: B

Việt Nam có hai quần đảo xa bờ là Hoàng Sa và Trường Sa.

Câu 5. Biên giới quốc gia trên đất liền được hoạch định và đánh dấu trên thực địa bằng

A. một mốc quốc giới duy nhất.

B. các tọa độ trên hải đồ.

C. hệ thống mốc quốc giới.

D. hệ tọa độ trên đất liền.

Đáp án đúng là: C

Biên giới quốc gia trên đất liền được hoạch định và đánh dấu trên thực địa bằng hệ thống mốc quốc giới.

Câu 6. Nội dung nào sau đây phản ánh đúng mục tiêu của Đảng về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới?

A. Phát huy cao nhất sức mạnh của dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại.

B. Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

C. Quán triệt đường lối độc lập, tự chủ; đồng thời chủ động tích cực hội nhập quốc tế.

D. Luôn nhất quán và kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Đáp án đúng là: B

- Mục tiêu của Đảng về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới:

+ Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc;

+ Bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hoá và lợi ích quốc gia - dân tộc;

+ Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người;

+ Xây dựng xã hội trật tự, kỉ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Câu 7. Nội dung nào sau đây không phản ánh đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới?

A. Giữ vững sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng.

B. Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội.

C. Chỉ chú trọng xây dựng sức mạnh của đất nước về văn hóa - xã hội.

D. Kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đáp án đúng là: C

- Quan điểm chỉ đạo của Đảng về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới:

+ Giữ vững sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

+ Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội là lợi ích cao nhất của đất nước.

+ Kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy cao nhất sức mạnh của dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại. Phát huy mạnh mẽ nội lực là nhân tố quyết định, đồng thời tranh thủ tối đa mọi thuận lợi từ bên ngoài.

+ Xây dựng sức mạnh tổng hợp của đất nước về chính trị, tư tưởng, kinh tế, xã hội, văn hoá, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lí của Nhà nước, lực lượng vũ trang làm nòng cốt.

+ Quán triệt đường lối độc lập, tự chủ, đồng thời chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Kiên trị chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá.

+ Vận dụng đúng đắn quan điểm về đối tác, đối tượng.

Câu 8. Bất kì thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là

A. đối tác.

B. đối tượng.

C. đồng đội.

D. đồng minh.

Đáp án đúng là: B

- Bất kì thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng;

- Những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác.

Câu 9. Luật Biển Việt Nam năm 2012 bao gồm

A. 320 điều và 9 phụ lục.

B. 7 chương với 55 điều.

C. 9 chương với 62 điều.

D. 36 điều và 8 phụ lục.

Đáp án đúng là: B

- Luật Biển Việt Nam gồm 7 chương, 55 điều, quy định về:

+ Đường cơ sở, nội thuỷ, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam;

+ Hoạt động trong vùng biển Việt Nam;

+ Phát triển kinh tế biển;

+ Quản lí và bảo vệ biển, đảo.

Câu 10. Theo quy định trong Luật Biển Việt Nam năm 2012: vùng biển quốc tế là tất cả các vùng biển nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và các quốc gia khác, nhưng không bao gồm

A. vùng nội thủy và tiếp giáp lãnh hải.

B. lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải.

C. thềm lục địa và lòng đất dưới đáy biển.

D. đáy biển và lòng đất dưới đáy biển.

Đáp án đúng là: D

Theo quy định trong Luật Biển Việt Nam năm 2012: vùng biển quốc tế là tất cả các vùng biển nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và các quốc gia khác, nhưng không bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển.

Câu 11. “Mặt thẳng đứng từ biên giới quốc gia trên đất liền và biên giới quốc gia trên biển xuống lòng đất” - đó là nội dung của khái niệm nào sau đây?

A. Biên giới quốc gia trên biển.

B. Biên giới quốc gia trên không.

C. Biên giới quốc gia trên đất liền.

D. Biên giới quốc gia trong lòng đất.

Đáp án đúng là: D

Biên giới quốc gia trong lòng đất là mặt thẳng đứng từ biên giới quốc gia trên đất liền và biên giới quốc gia trên biển xuống lòng đất.

Câu 12. Hành vi nào dưới đây bị nghiêm cấm trong bảo vệ biên giới quốc gia của Việt Nam?

A. Phá hoại an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới.

B. Bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên và lợi ích quốc gia.

C. Vận chuyển qua biên giới hàng hóa mà nhà nước không cấm.

D. Tố giác những hành vi gây hư hại, làm xê dịch mốc quốc giới.

Đáp án đúng là: A

- Hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ biên giới quốc gia của Việt Nam là: phá hoại an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới.

Câu 13. Đọc tình huống dưới đây và trả lời câu hỏi:

Tình huống: Nhà bạn A Páo ở khu vực biên giới. Hằng ngày A Páo đi chăn trâu sau giờ học. Khu vực gần nhà hết cỏ, A Páo phải lùa trâu ra sát bìa rừng, nơi có cột mốc biên giới. Bên kia cột mốc có bãi cỏ xanh tốt, A Páo định lùa trâu sang đó, hễ trâu ăn no là quay về Việt Nam ngay.

Câu hỏi: Trong trường hợp này, nếu là bạn thân của A Páo, em nên lựa chọn cách ứng xử nào sau đây?

A. Mặc kệ, vì đó không phải là việc của mình.

B. Khuyến khích A Páo nên thực hiện hành vi đó.

C. Khuyên A Páo không nên thực hiện hành vi đó.

D. Cùng với A Páo lùa trâu sang bên kia biên giới.

Đáp án đúng là: C

A Páo không nên thực hiện hành động: lùa trâu sang bên kia cột mốc biên giới, vì đó là hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ biên giới quốc gia Việt Nam.

Câu 14. Ở Việt Nam, Ngày biên phòng toàn dân được tổ chức vào

A. ngày 3/3 hằng năm.

B. ngày 18/3 hằng năm.

C. ngày 22/12 hằng năm.

D. ngày 7/5 hằng năm.

Đáp án đúng là: A

Khoản 1 Điều 23 Luật Biên phòng quy định: Ngày 03 tháng 3 hằng năm là ngày truyền thống của Bộ đội Biên phòng, Ngày biên phòng toàn dân.

Câu 15. Nội dung nào sau đây không phản ánh đúng trách nhiệm của công dân trong việc quản lí, xây dựng và bảo vệ biên giới quốc gia?

A. Chấp hành các quy định của pháp luật về biên giới quốc gia.

B. Xây dựng, giữ gìn trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới.

C. Vận chuyển qua biên giới những văn hóa phẩm độc hại.

D. Tham gia phong trào tự quản đường biên, mốc quốc giới.

Đáp án đúng là: C

- Trách nhiệm của công dân trong việc quản lí, xây dựng và bảo vệ biên giới quốc gia:

+ Chấp hành các quy định của pháp luật về biên giới quốc gia.

+ Xây dựng, giữ gìn trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới.

+ Tham gia phong trào tự quản đường biên, mốc quốc giới.

Phần 2. Lý thuyết GDQP 11 Bài 1: Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

I. Nội dung cơ bản của chiến lược bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới

1. Mục tiêu

- Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc;

- Bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hoá và lợi ích quốc gia - dân tộc;

- Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người;

- Xây dựng xã hội trật tự, kỉ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

2. Quan điểm

- Giữ vững sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

- Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội là lợi ích cao nhất của đất nước.

- Kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy cao nhất sức mạnh của dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại. Phát huy mạnh mẽ nội lực là nhân tố quyết định; đồng thời, tranh thủ tối đa mọi thuận lợi từ bên ngoài.

- Xây dựng sức mạnh tổng hợp của đất nước về chính trị, tư tưởng, kinh tế, xã hội, văn hoá, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lí của Nhà nước, lực lượng vũ trang làm nòng cốt.

- Quán triệt đường lối độc lập, tự chủ; đồng thời chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Kiên trì chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá.

- Vận dụng đúng đắn quan điểm về đối tác, đối tượng:

+ Những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác.

+ Bất kì thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của Nhà nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng của chúng ta.

Lý thuyết GDQP 11 Kết nối tri thức Bài 1: Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam | Giáo dục quốc phòng 11

II. Một số nội dung về chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

1. Chủ quyền lãnh thổ

- “Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời”. Tổ quốc Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm.

2. Biên giới quốc gia

Biên giới quốc gia của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là đường và mặt thẳng đứng theo đường đó để xác định giới hạn lãnh thổ đất liền, các đảo, các quần đảo; trong đó, có quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, vùng biển, lòng đất, vùng trời của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Biên giới quốc gia trên đất liền được hoạch định và đánh dấu trên thực địa bằng hệ thống mốc quốc giới.

Lý thuyết GDQP 11 Kết nối tri thức Bài 1: Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam | Giáo dục quốc phòng 11

Biên giới quốc gia trên biển được hoạch định và đánh dấu bằng các toạ độ trên hải đồ, là ranh giới phía ngoài lãnh hải của đất liền, lãnh hải của đảo, lãnh hải của quần đảo của Việt Nam được xác định theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và các Điều ước quốc tế giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các quốc gia hữu quan).

Biên giới quốc gia trong lòng đất là mặt thẳng đứng từ biên giới quốc gia trên đất liền và biên giới quốc gia trên biển xuống lòng đất.

- Biên giới quốc gia trên không là mặt thẳng đứng từ biên giới quốc gia trên đất liền và biên giới quốc gia trên biển lên vùng trời.

3. Khu vực biên giới

- Khu vực biên giới trên đất liền gồm xã, phường, thị trấn có một phần địa giới hành chính trùng hợp với biên giới quốc gia trên đất liền.

- Khu vực biên giới trên biển tính từ biên giới quốc gia trên biển vào hết địa giới hành chính xã, phường, thị trấn giáp biển và đảo, quần đảo.

- Khu vực biên giới trên không gồm phần không gian dọc biên giới quốc gia, có chiều rộng 10 km tính từ biên giới quốc gia trở vào.

Lý thuyết GDQP 11 Kết nối tri thức Bài 1: Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam | Giáo dục quốc phòng 11

4. Các hành vi bị nghiêm cấm

- Xê dịch, phá hoại mốc quốc giới; làm sai lệch, chệch hướng đi của đường biên giới quốc gia, làm thay đổi dòng chảy tự nhiên của sông, suối biên giới; gây hư hại mốc quốc giới.

- Phá hoại an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới; xâm canh, xâm cư ở khu vực biên giới; phá hoại công trình biên giới.

- Làm cạn kiệt nguồn nước, gây ngập úng, gây ô nhiễm môi trường, xâm phạm tài nguyên thiên nhiên và lợi ích quốc gia.

- Qua lại trái phép biên giới quốc gia, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ, vũ khí, ma tuý, chất nguy hiểm cháy, nổ qua biên giới quốc gia; vận chuyển qua biên giới quốc gia văn hoá phẩm độc hại và các loại hàng hoá khác mà Nhà nước cấm nhập khẩu, xuất khẩu.

- Bay vào khu vực cấm bay; bắn, phỏng, thả, đưa qua biên giới quốc gia trên không phương tiện bay, vật thể, các chất gây hại hoặc có nguy cơ gây hại cho quốc phòng, an ninh, kinh tế, sức khỏe nhân dân, môi trường, an toàn hàng không và trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới.

- Các hành vi khác vi phạm pháp luật về biên giới quốc gia.

III. Một số nội dung công ước Liên hợp quốc về luật biển năm 1982 và luật biển Việt Nam

1. Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982

- Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 được công bố vào ngày 10/12/1982 và chính thức có hiệu lực từ ngày 16/11/1994, bao gồm 17 phần, 320 điều và 9 phụ lục. Đây là văn kiện pháp lí quan trọng, điều chỉnh quyền và nghĩa vụ cơ bản của các quốc gia trong sử dụng biển; quản lí và bảo tồn các tài nguyên biển.

- Ngày 23/6/1994, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá IX, kì họp thứ năm đã thông qua Nghị quyết về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

+ Nghị quyết khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với nội thuỷ, lãnh hải, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam trên cơ sở các quy định của Công ước và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, yêu cầu các nước tôn trọng các quyền nói trên của Việt Nam.

+ Cũng trong Nghị quyết này, Quốc hội tiếp tục khẳng định chủ quyền của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lí khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo này. Đồng thời, Quốc hội chủ trương nhất quán giải quyết các tranh chấp, bất đồng trên biển bằng biện pháp hòa bình, trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

2. Luật Biển Việt Nam

- Luật Biển Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 21/6/2012 bao gồm 7 chương, 55 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013.

- Luật Biển Việt Nam quy định về đường cơ sở, nội thuỷ, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; hoạt động trong vùng biển Việt Nam; phát triển kinh tế biển; quản lí và bảo vệ biển, đảo.

- Một số nội dung của Luật Biển Việt Nam:

+ Vùng biển Việt Nam bao gồm nội thuỷ, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, được xác định theo pháp luật Việt Nam, Điều ước quốc tế về biên giới lãnh thổ mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

+ Vùng biển quốc tế là tất cả các vùng biển nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và các quốc gia khác, nhưng không bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển.

+ Đường cơ sở: dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam, là đường cơ sở thẳng đã được Chính phủ công bố.

+ Nội thuỷ: Là vùng nước tiếp giáp với bờ biển, ở phía trong đường cơ sở và là bộ phận lãnh thổ của Việt Nam.

+ Lãnh hải: Là vùng biển có chiều rộng 12 hải lí tính từ đường cơ sở ra phía biển. Ranh giới ngoài của lãnh hải là biên giới quốc gia trên biển của Việt Nam.

+ Vùng tiếp giáp lãnh hải: Là vùng biển tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, có chiều rộng 12 hải lí tính từ ranh giới ngoài của lãnh hải.

+ Vùng đặc quyền kinh tế: Là vùng biển tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, hợp với lãnh hải thành một vùng biển có chiều rộng 200 hải lí tính từ đường cơ sở.

+ Thềm lục địa: Là vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền, các đảo và quần đảo của Việt Nam cho đến mép ngoài của rìa lục địa. Ranh giới ngoài thềm lục địa cách đường cơ sở không quá 350 hải lí.

+ Đảo: Là vùng đất tự nhiên có nước bao bọc, khi thuỷ triều lên vùng đất này vẫn ở trên mặt nước.

+ Quần đảo: Là một tập hợp các đảo, bao gồm cả bộ phận của các đảo, vùng nước tiếp liền và các thành phần tự nhiên khác có liên quan chặt chẽ với nhau.

Lý thuyết GDQP 11 Kết nối tri thức Bài 1: Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam | Giáo dục quốc phòng 11

IV. Trách nhiệm trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

1. Trách nhiệm của công dân

- Chủ động học tập, nghiên cứu nắm chắc và chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia.

- Thường xuyên nêu cao ý thức trong quản lí, xây dựng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia; tinh thần cảnh giác cách mạng trước mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động; sẵn sàng tham gia bảo vệ Tổ quốc khi cần.

- Tích cực tham gia tuyên truyền, phổ biến pháp luật về chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia; vận động người thân, gia đình, nhân dân địa phương chấp hành nghiêm pháp luật; kịp thời báo cho chính quyền hoặc lực lượng chức năng gần nhất khi có những hành động xâm hại đến chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia.

2. Trách nhiệm của học sinh

Tích cực học tập, nâng cao nhận thức pháp luật về chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia và trách nhiệm của học sinh trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia. Không làm những việc ảnh hưởng đến chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia và những hành vi vi phạm pháp luật khác.

- Thường xuyên tuyên truyền, vận động bạn bè, người thân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về xây dựng, quản lí, bảo vệ biên giới quốc gia. Tự giác tham gia các hoạt động tìm hiểu, tuyên truyền về chủ quyền biên giới quốc gia, biển, đảo do nhà trường, đoàn thanh niên và các cấp phát động.

- Khi phát hiện những hành vi vi phạm chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia cần có biện pháp ngăn chặn phù hợp và báo cáo kịp thời với nhà trường, chính quyền địa phương hoặc lực lượng chức năng gần nhất.

Đánh giá

0

0 đánh giá