Lý thuyết GDQP 11 Bài 1 (Cánh diều 2024): Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam | Lý thuyết Giáo dục quốc phòng 11

11.4 K

Với tóm tắt lý thuyết giáo dục quốc phòng - an ninh lớp 11 Bài 1: Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sách Cánh diều hay, chi tiết cùng với 15 câu trắc nghiệm chọn lọc có đáp án giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn GDQP 11.

Giáo dục quốc phòng 11 Bài 1: Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

A. Lý thuyết GDQP 11 Bài 1: Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

I. Một số nội dung chiến lược bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới

1. Mục tiêu

- Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hoá và lợi ích quốc gia - dân tộc;

- Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người;

- Xây dựng xã hội trật tự, kỉ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

2. Quan điểm

- Giữ vững sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

- Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội là lợi ích cao nhất của đất nước.

- Kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy cao nhất sức mạnh của dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại. Phát huy mạnh mẽ nội lực là nhân tố quyết định, đồng thời tranh thủ tối đa mọi thuận lợi từ bên ngoài.

- Xây dựng sức mạnh tổng hợp của đất nước về chính trị, tư tưởng, kinh tế, xã hội, văn hoá, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lí của Nhà nước, lực lượng vũ trang làm nòng cốt.

- Quán triệt đường lối độc lập, tự chủ, đồng thời chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Kiên trị chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá.

- Vận dụng đúng đắn quan điểm về đối tác, đối tượng:

+ Những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác;

+ Bất kì thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng của chúng ta.

Lý thuyết GDQP 11 Cánh diều Bài 1: Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam | Giáo dục quốc phòng 11 (ảnh 1)

II. Một số nội dung công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và Luật biển Việt Nam

1. Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982

- Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 gồm 320 điều và 9 phụ lục, quy định về ranh giới lãnh hải, vùng tiếp giáp, thềm lục địa; vùng biển dùng chung, giải quyết các tranh chấp trên biển; bảo vệ môi trường biển.

Lý thuyết GDQP 11 Cánh diều Bài 1: Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam | Giáo dục quốc phòng 11 (ảnh 2)

- Công ước này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua Nghị quyết phê chuẩn vào ngày 23-6-1994 và có hiệu lực thi hành từ ngày 16-11-1994.

- Bằng việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã:

+ Khẳng định chủ quyền của nước ta đối với các vùng nội thuỷ, lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

+ Khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

2. Luật Biển Việt Nam

- Luật Biển Việt Nam gồm 7 chương, 55 điều, quy định:

+ Đường cơ sở, nội thuỷ, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam;

+ Hoạt động trong vùng biển Việt Nam;

+ Phát triển kinh tế biển;

+ Quản lí và bảo vệ biển, đảo.

- Một số nội dung cơ bản của Luật Biển Việt Nam:

+ Vùng biển Việt Nam bao gồm: nội thuỷ, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, được xác định theo pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế về biên giới lãnh thổ mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

+ Vùng biển quốc tế là tất cả các vùng biển nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và các quốc gia khác, nhưng không bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển.

+ Đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam là đường cơ sở thẳng đã được Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công bố.

+ Nội thuỷ là vùng nước tiếp giáp với bờ biển, ở phía trong đường cơ sở và là bộ phận lãnh thổ của Việt Nam.

+ Lãnh hải là vùng biển có chiều rộng 12 hải lí tính từ đường cơ sở ra phía biển. Ranh giới ngoài của lãnh hải là biên giới quốc gia trên biển của Việt Nam.

+ Vùng tiếp giáp lãnh hải là vùng biển tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, có chiều rộng 12 hải lí tính từ ranh giới ngoài của lãnh hải.

+ Vùng đặc quyền kinh tế là vùng biển tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, hợp với lãnh hải thành một vùng biển có chiều rộng 200 hải lí tính từ đường cơ sở.

+ Thềm lục địa là vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền, các đảo và quần đảo của Việt Nam cho đến mép ngoài của rìa lục địa. Ranh giới ngoài thềm lục địa cách đường cơ sở không quá 350 hải lí.

+ Đảo là một vùng đất tự nhiên có nước bao bọc, khi thuỷ triều lên vùng đất này vẫn ở trên mặt nước.

+ Quần đảo là một tập hợp các đảo, bao gồm cả bộ phận của các đảo, vùng nước tiếp liền và các thành phần tự nhiên khác có liên quan chặt chẽ với nhau.

Lý thuyết GDQP 11 Cánh diều Bài 1: Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam | Giáo dục quốc phòng 11 (ảnh 3)

III. Một số nội dung về chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

1. Chủ quyền lãnh thổ

- Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm: đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời.

- Tổ quốc Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm.

2. Biên giới quốc gia

- Biên giới quốc gia của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là đường và mặt thẳng đứng theo đường đó để xác định giới hạn lãnh thổ đất liền, các đảo, các quần đảo trong đó có quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, vùng biển, lòng đất, vùng trời của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

- Biên giới quốc gia trên đất liền được hoạch định và đánh dấu trên thực địa bằng hệ thống mốc quốc giới.

- Biên giới quốc gia trên biển được hoạch định và đánh dấu bằng các tọa độ trên hải đồ là ranh giới phía ngoài lãnh hải của đất liền, lãnh hải của đảo, lãnh hải của quần đảo của Việt Nam được xác định theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và các điều ước quốc tế giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các quốc gia hữu quan.

- Biên giới quốc gia trong lòng đất là mặt thẳng đứng từ biên giới quốc gia trên đất liền và biên giới quốc gia trên biển xuống lòng đất.

- Biên giới quốc gia trên không là mặt thẳng đứng từ biên giới quốc gia trên đất liền và biên giới quốc gia trên biển lên vùng trời.

Lý thuyết GDQP 11 Cánh diều Bài 1: Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam | Giáo dục quốc phòng 11 (ảnh 4)

3. Khu vực biên giới

- Khu vực biên giới trên đất liền gồm xã, phường, thị trấn có một phần địa giới hành chính trùng hợp với biên giới quốc gia trên đất liền.

- Khu vực biên giới trên biển tính từ biên giới quốc gia trên biển vào hết địa giới hành chính xã, phường, thị trấn giáp biển và đảo, quần đảo.

- Khu vực biên giới trên không gồm phần không gian dọc theo biên giới quốc gia có chiều rộng 10 km tính từ biên giới quốc gia trở vào.

Lý thuyết GDQP 11 Cánh diều Bài 1: Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam | Giáo dục quốc phòng 11 (ảnh 5)

4. Các hành vi bị nghiêm cấm

- Xê dịch, phá hoại mốc quốc giới, làm sai lệch, chệch hướng đi của đường biên giới quốc gia, làm đổi dòng chảy tự nhiên của sông, suối biên giới; gây hư hại mốc quốc giới.

- Phá hoại an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới; xâm canh, xâm cư ở khu vực biên giới; phá hoại công trình biên giới.

- Làm cạn kiệt nguồn nước, gây ngập úng, gây ô nhiễm môi trường, xâm phạm tài nguyên thiên nhiên và lợi ích quốc gia.

- Qua lại trái phép biên giới quốc gia; buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ, vũ khí, ma tuý, chất nguy hiểm về cháy, nổ qua biên giới quốc gia, vận chuyển qua biên giới quốc gia văn hoá phẩm độc hại và các loại hàng hóa khác mà Nhà nước cấm nhập khẩu, xuất khẩu.

- Bay vào khu vực cấm bay: bắn, phóng, thả, đưa qua biên giới quốc gia trên không phương tiện bay, vật thể, các chất gây hại hoặc có nguy cơ gây hại cho quốc phòng, an ninh, kinh tế, sức khỏe của nhân dân, môi trường, an toàn hàng không và trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới.

- Các hành vi khác vi phạm pháp luật về biên giới quốc gia.

IV. Trách nhiệm quản lí, xây dựng và bảo vệ biên giới quốc gia

1. Trách nhiệm của công dân

- Chấp hành các quy định của pháp luật về biên giới quốc gia. Mọi hoạt động của công dân có liên quan đến biên giới tại khu du lịch, dịch vụ, thương mại, khu kinh tế cửa khẩu và các khu kinh tế khác trong khu vực biên giới phải tuân theo quy chế khu vực biên giới.

- Tham gia quản lí, bảo vệ lãnh thổ, biên giới; xây dựng, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về biên giới quốc gia, phát hiện, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật về biên giới quốc gia của người thân, bạn bè và những người xung quanh.

- Thông báo kịp thời cho Bộ đội biên phòng, chính quyền địa phương, cơ quan nơi gần nhất: mốc quốc giới bị hư hại, bị mất, bị sai lệch vị trí làm chệch hướng đi của đường biên giới quốc gia, công trình biên giới bị hư hại. Tích cực tham gia và vận động nhân dân tham gia phong trào tự quản đường biên, mốc quốc giới.

- Tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển, đảo và quần đảo; tài nguyên và môi trường biển.

- Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

2. Trách nhiệm của học sinh

- Tham gia học tập đầy đủ các nội dung về bảo vệ chủ quyền, biên giới quốc gia và tuyên truyền, phổ biến pháp luật về biên giới quốc gia do nhà trường tổ chức;

- Thực hiện trách nhiệm của công dân trong quản lí, xây dựng và bảo vệ biên giới quốc gia.

B. 15 câu trắc nghiệm GDQP 11 Bài 1: Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Câu 1. Vùng nước tiếp giáp với bờ biển, ở phía trong đường cơ sở được gọi là

A. nội thủy.

B. lãnh hải.

C. vùng tiếp giáp lãnh hải.

D. thềm lục địa.

Đáp án đúng là: A

Nội thuỷ là vùng nước tiếp giáp với bờ biển, ở phía trong đường cơ sở.

Câu 2. Vùng biển tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, có chiều rộng 12 hải lí tính từ ranh giới ngoài của lãnh hải, được gọi là

A. nội thủy.

B. vùng tiếp giáp lãnh hải.

C. vùng đặc quyền kinh tế.

D. thềm lục địa.

Đáp án đúng là: B

Vùng tiếp giáp lãnh hải là vùng biển tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, có chiều rộng 12 hải lí tính từ ranh giới ngoài của lãnh hải.

Câu 3. Vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền, các đảo và quần đảo của Việt Nam cho đến mép ngoài của rìa lục địa, được gọi là

A. nội thủy.

B. vùng tiếp giáp lãnh hải.

C. vùng đặc quyền kinh tế.

D. thềm lục địa.

Đáp án đúng là: D

Thềm lục địa là vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền, các đảo và quần đảo của Việt Nam cho đến mép ngoài của rìa lục địa.

Câu 4. “Vùng đất tự nhiên có nước bao bọc, khi thuỷ triều lên vùng đất này vẫn ở trên mặt nước” - đó là nội dung của khái niệm nào sau đây?

A. Đảo.

B. Quần đảo.

C. Nội thủy.

D. Lãnh hải.

Đáp án đúng là: A

Đảo là một vùng đất tự nhiên có nước bao bọc, khi thuỷ triều lên vùng đất này vẫn ở trên mặt nước.

Câu 5. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm:

A. đất liền và hải đảo.

B. vùng biển và vùng trời.

C. vùng đất, vùng trời và hải đảo.

D. đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời.

Đáp án đúng là: D

Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm: đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời.

Câu 6. Nội dung nào sau đây không phản ánh đúng mục tiêu của Đảng về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới?

A. Kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

B. Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

C. Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người.

D. Bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, văn hóa, lợi ích quốc gia.

Đáp án đúng là: A

- Mục tiêu của Đảng về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới:

+ Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc;

+ Bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hoá và lợi ích quốc gia - dân tộc;

+ Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người;

+ Xây dựng xã hội trật tự, kỉ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Câu 7. Một trong những quan điểm chỉ đạo của Đảng về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới là:

A. coi ngoại lực là nhân tố quyết định mọi thắng lợi, thành công.

B. kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

C. chỉ chú trọng xây dựng sức mạnh của đất nước về văn hóa - xã hội.

D. kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược: kháng chiến và kiến quốc.

Đáp án đúng là: B

- Một trong những quan điểm chỉ đạo của Đảng về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới là kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Câu 8. Những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là

A. đối tác.

B. đối tượng.

C. kẻ thù.

D. đối thủ.

Đáp án đúng là: A

- Những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác;

- Bất kì thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng.

Câu 9. Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 bao gồm

A. 320 điều và 9 phụ lục.

B. 7 chương với 55 điều.

C. 9 chương với 62 điều.

D. 36 điều và 8 phụ lục.

Đáp án đúng là: A

- Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 gồm 320 điều và 9 phụ lục, quy định về ranh giới lãnh hải, vùng tiếp giáp, thềm lục địa; vùng biển dùng chung, giải quyết các tranh chấp trên biển; bảo vệ môi trường biển.

Câu 10. Theo quy định trong Luật Biển Việt Nam năm 2012, vùng biển Việt Nam gồm bao nhiêu bộ phận?

A. 3 bộ phận.

B. 4 bộ phận.

C. 5 bộ phận.

D. 6 bộ phận.

Đáp án đúng là: C

Theo quy định trong Luật Biển Việt Nam năm 2012, vùng biển Việt Nam gồm 5 bộ phận, là: nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, được xác định theo pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế về biên giới lãnh thổ mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Câu 11. Biên giới quốc gia trên biển được hoạch định và đánh dấu bằng

A. hệ tọa độ trên đất liền.

B. các tọa độ trên hải đồ.

C. hệ thống mốc quốc giới.

D. một mốc quốc giới duy nhất.

Đáp án đúng là: B

Biên giới quốc gia trên biển được hoạch định và đánh dấu bằng các tọa độ trên hải đồ là ranh giới phía ngoài lãnh hải của đất liền, lãnh hải của đảo, lãnh hải của quần đảo của Việt Nam.

Câu 12. “Mặt thẳng đứng từ biên giới quốc gia trên đất liền và biên giới quốc gia trên biển lên vùng trời” - đó là nội dung của khái niệm nào sau đây?

A. Biên giới quốc gia trên biển.

B. Biên giới quốc gia trên không.

C. Biên giới quốc gia trên đất liền.

D. Biên giới quốc gia trong lòng đất.

Đáp án đúng là: B

Biên giới quốc gia trên không là mặt thẳng đứng từ biên giới quốc gia trên đất liền và biên giới quốc gia trên biển lên vùng trời.

Câu 13. Trong bảo vệ biên giới quốc gia của Việt Nam, pháp luật Việt Nam không nghiêm cấm thực hiện hành vi nào sau đây?

A. Làm sai lệch, chệch hướng đi của đường biên giới quốc gia.

B. Vận chuyển qua biên giới quốc gia các văn hoá phẩm độc hại.

C. Bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên và lợi ích quốc gia.

D. Xâm canh, xâm cư; phá hoại công trình ở khu vực biên giới.

Đáp án đúng là: C

- Những hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ biên giới quốc gia của Việt Nam:

+ Làm sai lệch, chệch hướng đi của đường biên giới quốc gia.

+ Vận chuyển qua biên giới quốc gia các văn hoá phẩm độc hại.

+ Xâm canh, xâm cư; phá hoại công trình ở khu vực biên giới.

Câu 14. Ngày 03 tháng 3 hằng năm là ngày truyền thống của lực lượng nào sau đây?

A. Bộ đội Biên phòng Việt Nam.

B. Quân đội nhân dân Việt Nam.

C. Công an nhân dân Việt Nam.

D. Hải quân nhân dân Việt Nam.

Đáp án đúng là: A

Khoản 1 Điều 23 Luật Biên phòng quy định: Ngày 03 tháng 3 hằng năm là ngày truyền thống của Bộ đội Biên phòng, Ngày biên phòng toàn dân.

Câu 15. Việt Nam có đường biên giới chung trên đất liền với những quốc gia nào?

A. Lào, Thái Lan, Philíppin.

B. Mianma, Malaixia, Inđônêxia.

C. Lào, Campuchia, Thái Lan.

D. Trung Quốc, Lào, Campuchia.

Đánh giá

0

0 đánh giá