TOP 30 bài Viết bài văn nghị luận về một hiện tượng đời sống 2024 SIÊU HAY

2.1 K

Tailieumoi.vn xin giới thiệu bài văn mẫu Viết bài văn nghị luận về một hiện tượng đời sống  Ngữ văn 11 ,Cánh Diều gồm 15 bài văn phân tích mẫu hay nhất giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo trong quá trình ôn tập, củng cố kiến thức và chuẩn bị cho bài thi sắp tới. 

Viết bài văn nghị luận về một hiện tượng đời sống

Viết bài văn nghị luận về một hiện tượng đời sống - Dàn ý

- Mở bài: Nêu vấn đề về một hiện tượng đời sống.

- Thân bài: Lần lượt trình bày các ý theo trình tự phù hợp.

- Kết bài:

+ Khẳng định lại quan điểm cá nhân.

+ Nêu bài học nhận thức và hành động.

Viết bài văn nghị luận về một hiện tượng đời sống - mẫu 1

Hằng ngày, cuộc sống vẫn tiếp diễn và trái đất vẫn quay như quy luật của nó. Và trong nhịp thở hối hả của cuộc sống, có khi nào, mỗi chúng ta nghoảnh lại nhìn hay sống chậm lại để nghĩ về những điều đang diễn ra xung quanh. Vấn đề bạo lực học đường cũng là một hiện tượng kinh khủng và cần báo động.

Bạo lực học đường nguyên nhân từ đâu, diễn ra như thế nào. Có lẽ đây cũng là một câu hỏi không hề khó mà chúng ta có thể nhìn thấy ngay trước mắt. Bạo lực học đường diễn ra khi có mẫu thuẫn giữa giáo viên với học sinh hay là do học sinh với nhau. Nhưng hầu hết các vụ bạo lực học đường đều do học sinh, xô xát nhau. Là những học sinh nên em hiểu rõ hơn ai hết về nguyên nhân của bạo lực học đường. Từ những xích mích nhỏ cũng có thể gây ra những trận đánh nhau, hay cũng do ghen ghét nhau, đố kị nhau…

Về mặt chủ quan, ta dễ dàng nhận thấy kỉ cương trong nhà trường của chúng ta quá lỏng lẻo, chúng ta quá tôn trọng học sinh, thậm chí nhiều trường, nhiều nơi không cho đuổi học học sinh, dù học sinh đó có vi phạm kỉ luật đến mức độ nào đi nữa. Điều đó khiến cho học sinh chẳng còn coi kỉ luật của nhà trường ra gì cả, nên tha hồ đánh nhau, trấn lột lẫn nhau mà cũng không sợ bị đuổi học. Một nguyên nhân chủ quan nữa dẫn đến nạn bạo lực học đường là gia đình thiếu quan tâm đến con em mình.

Cha mẹ chỉ lo làm ăn, cung cấp tiền bạc cho con cái tiêu xài, ngoài ra chẳng biết con cái mình học hành như thế nào? Quan hệ với bạn bè tốt xấu ra sao, quan hệ với thầy cô ở trường như thế nào? Chúng có những suy nghĩ lệch lạc như thế nào về cuộc sống, về xã hội.

Tác hại của bạo lực học đường thì không ai có thể phủ nhận được, nó gây ra những tác hại rất khôn lường. Bạo lực học đường không chỉ mang lại nỗi đau về thể xác mà còn để lại những rạn nứt về tâm hồn và gây cả những tiếc nuối xót xa đối với gia đình, nhà trường, xã hội.

Một vụ bạo lực học đường có thể để lại những vết sẹo, những vết thương trên cơ thể cũng có khi phải trả giá bằng cả tính mạng con người, hàng loạt rắc rối kèm theo. Chắc hẳn các bạn cũng biết đến những clip nữ sinh đánh nhau được post lên mạng. Thật là đáng buồn. Nhưng bạo lực học đường không chỉ gây hậu quả cho bản thân mà còn trở thành vấn đề nhức nhối cho nhà trường, cho ngành giáo dục và cho toàn xã hội.

Vậy làm thế nào để ngăn chặn bạo lực học đường? Về phía nhà trường, giáo dục chúng ta phải lập lại kỷ cương trong nhà trường, dĩ nhiên chúng ta phải đặt nặng vấn đề giáo dục nhưng cũng phải mạnh tay hơn đối với những học sinh quá kém về đạo đức, cần phải mời những em học sinh đó ra khỏi nhà trường, nếu không chúng ta sẽ rơi vào chỗ ảo tưởng hóa về vấn đề giáo dục.

Bên cạnh đó, gia đình cần quan tâm sâu sắc tới con em mình và có mối quan hệ mật thiết với nhà trường, để biết con em mình hàng ngày học hành và sinh hoạt như thế nào?

Hơn nữa, nhà nước cần hạn chế những phim ảnh bạo lực, những quán bar, vũ trường, quán nhậu… và mở ra nhiều sân chơi bổ ích, lành mạnh cho tầng lớp thanh thiếu niên như xây dựng, mở ra nhiều sân bóng đá, bóng chuyền, cầu lông… những câu lạc bộ của từng bộ môn trong trường học để các bạn học sinh vừa học vừa chơi, tạo nên sự thoải mái và tình bạn bè gần gũi, thân thiết thì mới mong hạn chế bớt nạn bạo lực học đường. Và đặc biệt mỗi cá nhân phải ý thức được bản thân mình trước tiên, phải biết lên tiếng trước những hành động xấu.

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, thì càng phát triển nhưng có những vấn đề đáng sợ gây ra những hậu quả thương tiếc. Là những học sinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường hãy xây dựng tình đoàn kết, yêu thương lẫn nhau đề phòng xảy ra bạo lực học đường.

Viết bài văn nghị luận về một hiện tượng đời sống - mẫu 2

Rác thải đang là vấn đề đáng lo ngại của nước ta hiện nay bởi đi đâu ta cũng bắt gặp được những túi rác bên đường, trên vỉa hè hay ở trên mặt hồ công cộng. Và vì thế mà môi trường chúng ta sống ngày càng bị ô nhiễm trầm trọng. Các bạn nghĩ gì về hiện tượng này.

Hiện nay rác thải đang trở thành vấn đề cấp thiết của xã hội khi ở đâu ta cũng bắt gặp những túi rác vứt đầy đường trên vỉa hè. Ở những nơi công cộng người dân càng không có ý thức khi vứt rác, vỏ bánh kẹo ngay đó mà thùng rác cách họ không xa. Một số nơi công cộng sau những dịp lễ tết hay hội chợ lại trở thành những đống rác vứt tràn lan. Thật khủng khiếp khi chứng kiến cảnh tượng này.

Hay ở công viên nơi vui chơi giải trí của mọi người với những đồ ăn nhanh, đồ uống, kem nhưng ăn xong thì họ lại tiện tay vứt luôn xuống đất mà không suy nghĩ gì mặc dù đó là nơi công cộng có nhiều người qua lại. Hay một số người lại có những hành động vô văn hóa khi đang ở nơi công cộng.

Những hành động đó xuất phát từ ý thức của mỗi người. Môi trường là nơi chúng ta sống nhưng lại không biết bảo vệ nó mà làm cho nó ngày càng ô nhiễm bởi chính hành động của mình. Hành động đó là do chúng ta đã quá chủ quan, đã không hiểu hết được tầm quan trọng của môi trường với cuộc sống của mình. Mọi người chỉ biết học đòi thấy người khác vứt rác là mình cũng vứt rác. Chúng ta ngày nay thật ích kỉ chỉ biết nghĩ đến lợi ích của bản thân, coi trọng tài sản của mình hơn sự sạch sẽ của nơi mình ở.

Và từ hành động không đẹp ấy mà dẫn đến các đống rác ngày càng lớn ở ven đường, ở dòng sông làm mất cảnh quan môi trường vốn có của nó. Cảnh quan đô thị trở nên bị ảnh hưởng đến ấn tượng với các du khách nước ngoài. Những bãi rác để lâu bốc mùi, phân hủy mùi hôi thối bay vào không khí ngấm vào đất nước ô nhiễm môi trường.

Bãi rác còn là nơi sinh sống của các loài muỗi phát sinh ra bệnh sốt rét, loài ruồi bệnh dịch tả, loài chuột lây lan bệnh hạch. Điều đó ảnh hưởng tới sức khỏe con người, bị lâu lan nhiều bệnh, phát sinh nhiều bệnh nguy hiểm. Và vứt rác bừa bãi còn cho thấy ta là một con người không có ý thức, vị kỉ, sẽ bị người khác phê bình với hành vi không đẹp.

Có thể nói rằng vứt rác bừa bãi không chỉ là hành vi không đẹp mà còn gây ra hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến môi trường và đời sống con người. Đây là nành động sai cần lên án và phê phán để hạn chế chấm dứt tình trạng vứt rác bừa bãi.

Chính vì thế mà tự mỗi bản thân con người phải có ý thức không nên vứt rác bừa bãi mà vứt vào đúng nơi quy định. Có chiến dịch tuyên truyền cho mọi người giữ gìn môi trường trong sạch từ nhà đến xã hội bằng hành động thực tế với những chương trình “Việc tử tế”. Ví dụ bác là một con người đã già mà hành ngày vẫn quét dọn những khu vui chơi giải trí ở ngay địa phương mình. Đó là tấm gương của hành động bảo vệ môi trường.

Đề nghị các địa phương xây dựng khu chứa và xử lí rác thải triệt để vì nếu tập trung rác ở một nơi rồi đốt sẽ làm ô nhiễm môi trường và tác động đến sự nóng lên của trái đất. Để tránh đưa qua nhiều rác thải ra ngoài thì mỗi gia đình tự phân loại rác. Có những loại ta có thể phơi, ủ, làm phân cho cây trồng.

Xã hội ngày nay càng tiến tới cuộc sống hiện đại văn minh mỗi con người cần phải ý thức trước việc làm của mình. Hãy có những hành động đẹp bỏ rác vào nơi quy định. Từ một người làm sẽ làm cho tất cả mọi người làm theo để cho môi trường xanh-sạch-đẹp. Giữ gìn môi trường không bị ô nhiễm chính là bảo vệ cuộc sống của mỗi người.

Từ một hành động nhỏ là vứt rác đúng nơi quy định nghĩa là bạn đã góp phần vào việc bảo vệ môi trường, xây dựng một cuộc sống an toàn, sạch sẽ không bị ô nhiễm. Hãy cùng nhau chung tay xây dựng vì một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Viết bài văn nghị luận về một hiện tượng đời sống - mẫu 3

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng luôn chú trọng việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và giáo dục nhân dân phải làm cho tiếng nói, chữ viết ngày càng thêm đẹp, thêm phong phú, hiện đại. Thế nhưng, hiện nay, trong xu thế hội nhập quốc tế, bên cạnh tiếp thu và Việt hóa được nhiều cái hay, cái đẹp của tiếng nói, chữ viết nước ngoài, thì sự trong sáng của tiếng Việt đang bị ảnh hưởng tiêu cực.

Tiếng Việt có một hệ thống chuẩn mực, quy tắc chung về phát âm và chữ viết, cách dùng từ, đặt cậu,.. Nói hoặc viết đúng chuẩn mực, đúng quy tắc của tiếng Việt sẽ đảm bảo được sự trong sáng của lời nói. Sự trong sáng của tiếng Việt không cho phép dung nạp tạp chất. Do đó, tiếng Việt không cho phép pha tạp, lai căng, những yếu tố khác. Vậy mà thực tế hiện nay, ta có thể dễ dàng bắt gặp giới trẻ kết hợp cách nói hay viết giữa tiếng ta với tiếng nước ngoài theo kiểu “nửa nạc nửa mỡ”, họ sử dụng tiếng nước ngoài một cách tuỳ tiện, thiếu ý thức, trong một câu tiếng Việt thường chêm vào một vài từ nước ngoài. chẳng hạn : “Trông con bé đó kute quá”, “Điện thoại sắp hết tiền rồi làm sao gọi cho honey đây”, “Anh ấy handsome thật!”, “Các superstar thích xài mobile loại xịn”, “ Idol của tao kìa”, rồi nào là hotboy, hotgirl, …

Đáng quan tâm nhất là sự lai căng tiếng nói, chữ viết của nước ngoài ngày một tăng. Dường như ngày càng có nhiều người, nhất là lớp trẻ, khi nói và viết tiếng Việt thường chen tiếng nước ngoài, chủ yếu là tiếng Anh. Tất nhiên, cũng phải thừa nhận rằng trong sự phát triển mau lẹ của khoa học và công nghệ, đặc biệt là tin học và công nghệ thông tin, nhiều thuật ngữ mới ra đời mà chưa có trong tiếng Việt, nên phải dùng những thuật ngữ bằng tiếng nước ngoài khi nói và viết tiếng Việt như Internet, trang web…, song đáng chê trách nhất vẫn là việc dùng chữ viết nước ngoài (chủ yếu là chữ Anh) thay cho chữ Việt vốn đã có sẵn, đủ nghĩa, dễ hiểu, trong sáng như show (biểu diễn), live-show (biểu diễn trực tiếp), nhạc classic (nhạc cổ điển), nhạc country (nhạc đồng quê), nhạc dance (nhạc nhảy), các fan (người hâm mộ)… một cách tự nhiên như thể đó là những từ tiếng Việt mà ai cũng hiểu.

Có ý kiến ngụy biện cho rằng hiện tượng này nên khuyến khích vì đấy là một cách học và thực hành tiếng Anh, một công cụ không thể thiếu để hội nhập quốc tế. Nhưng thực ra, muốn thực hành ngoại ngữ, chúng ta hoàn toàn có thể nói, viết hẳn bằng tiếng nước ngoài mà mình học ở các lớp học ngoại ngữ, các lớp đại học dạy bằng tiếng nước ngoài, hoặc tạo cơ hội tiếp xúc với người nước ngoài ở Việt Nam… Còn khi nói và viết tiếng Việt thì tránh dùng tiếng lai, trừ trường hợp bất đắc dĩ. Các cụ xưa gọi người sính dùng chữ gốc Hán là người “hay chữ lỏng” và có câu nói “dốt đặc còn hơn hay chữ lỏng”.

Hồi nước ta còn thuộc Pháp, thói quen dùng chen tiếng Pháp cũng khá phổ biến và được gọi là nói “tiếng lai”. Trước Cách mạng tháng Tám 1945, phong trào cứu quốc, nâng cao tinh thần dân tộc thôi thúc sinh viên, học sinh từ bỏ cách nói chen tiếng Pháp. Bác Hồ và Thủ tướng Phạm Văn Đồng trước đây thường tự mình nêu gương sáng và thường nhắc nhở mọi người tránh bệnh nói chữ, sính dùng từ gốc Hán khi có thể diễn đạt bằng tiếng Việt. Ví dụ như vì sao báo chí, hay thậm chí cả trong văn bản chính thức của nhà nước, thường dùng cụm từ “người tham gia giao thông” thay cho “người đi đường”?

Để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt theo tấm gương Bác Hồ, Nhà nước nên có quy định chặt chẽ và Viện Ngôn ngữ học phải có trách nhiệm đề xuất, xây dựng quy định chuẩn về việc dùng từ tiếng nước ngoài trong các văn bản, nhất là văn bản chính thức của Nhà nước. Các trường học cũng phải chú trọng, đẩy mạnh giáo dục học sinh giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Loại trừ sự lố bịch trong việc dùng tiếng lai cũng là một khía cạnh thể hiện niềm tự hào và tôn trọng ý thức dân tộc trong ngôn ngữ, góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Chính vì vậy việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt đang là công việc của tất cả mọi người đặc biệt là giới trẻ hiện nay. Chúng ta phải biết rằng tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ của mình, vì vậy phải làm cho nó ngày càng phong phú, giàu đẹp hơn, phải biết phát huy tính văn hoá của dân tộc không nên làm mất đi vẻ đẹp và sự trong sáng của tiếng Việt, không nên quá lạm dụng tiếng nước ngoài.

Viết bài văn nghị luận về một hiện tượng đời sống - mẫu 4

Giao tiếp là điều kiện tồn tại của con người, thông qua giao tiếp cá nhân gia nhập vào các mối quan hệ xã hội, tiếp thu nền văn hoá xã hội lịch sử, biến nó thành cái riêng của mình, đồng thời cũng góp phần vào sự phát triển văn hoá chung. Xã hội phát triển, khoa học kỹ thuật càng hiện đại càng ảnh hưởng đến hành vi, sự suy nghĩ và cuộc sống con người nên mối quan hệ giữa con người với con người càng được quan tâm, vì thế giao tiếp được xem là vấn đề thời sự trong nhiều lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực làm việc trực tiếp với con người như giáo dục, dạy học, ngoại giao… Ngày nay giao tiếp là phương tiện để con người hợp tác cùng nhau, hướng tới mục đích bình đẳng, hạnh phúc. Nhu cầu giao tiếp là nhu cầu quan trọng của con người. Để thỏa mãn nhu cầu giao tiếp và tiến hành giao tiếp có kết quả, con người cần có kỹ năng giao tiếp.

Có thể nói, thay đổi của giới trẻ không chỉ thể hiện ở cách ăn mặc, ở tóc tai, ở cách ứng xử mà thể hiện nhiều ở ngôn ngữ, ở lời ăn tiếng nói hàng ngày của các bạn. Ngôn ngữ “trong sáng” và “giàu có” của tiếng Việt đã được “thoát xác” hoàn toàn khỏi các quy chuẩn và hầu hết được giới trẻ thay bằng thứ ngôn ngữ không ai hiểu vì các bạn dùng tiếng lóng trong cộng đồng teen.

Người trẻ ngày nay không chọn cách ra sạp báo mua tờ Thanh niên, Tuổi trẻ, không mở thời sự để xem tin tức vào mỗi 19 giờ tối hàng ngày. Giới trẻ ngày nay, chỉ cần một chiếc laptop, một chiếc smartphone là các em có thể nắm bắt toàn bộ thông tin, tin tức của thế giới. Thế nhưng, những vấn đề về thế giới, về quân sự, về chính trị, văn hóa của đất nước hay thế giới không phải là vấn đề mà các em quan tâm. Vì vậy, vốn hiểu biết thực tế của giới trẻ ngày càng hạn chế.

Đối với các bạn trẻ, việc sử dụng ngôn ngữ riêng biệt như thế này cũng có những tác dụng nhất định như rút ngắn được thời gian khi gõ phím hay trò chuyện, khi trò chuyện. Đồng thời, nó cũng tạo điểm nhấn riêng cho mỗi cuộc nói chuyện cũng như làm tăng lên cá tính của các bạn. Thế nhưng, các bạn không thể lường trước được những hậu quả của từ việc sử dụng ngôn ngữ như vậy. Thứ nhất, nó làm méo mó đi sự trong sáng của tiếng việt, tiếng dân tộc thiêng liêng. Nó tạo nên một thói quen không tốt trong tác phong sinh hoạt hằng ngày nói chung và trong giao tiếp nói chung. Thứ hai, nó khiến cho người khác cảm thấy khó hiểu, thậm chí là khó chịu khi phải tiếp xúc với những loại ngôn ngữ như vậy. Bên cạnh đó, nó sẽ tạo thành một trào lưu, một tác động xấu làm ảnh hưởng đến văn hóa xã hội…

Vậy, nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng giới trẻ sử dụng ngôn ngữ 1 cách sai lệch như vậy? Nguyên nhân đầu tiên mà chúng ta có thể nhắc tới là sự bùng nổ của công nghệ, đặc biệt là mạng xã hội. Thông qua việc giao tiếp tràn lan, mất kiểm soát trên các trang mạng xã hội, ngôn ngữ teen code nhanh chóng trở thành một thứ “mốt” thời thượng của các bạn trẻ. Họ bị ảnh hưởng rất nhiều từ bạn bè và các sản phẩm trên mạng. Bên cạnh đó, tâm lý học theo, tâm lý theo số đông lại càng khiến cho teen code tác động sâu vào các bạn trẻ. Cùng với đó, gia đình và nhà trường vẫn chưa có sự quan tâm sát sao đối với con em trong việc sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp.

Còn đâu việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt theo lời dạy của Bác Hồ vẫn căn dặn chúng ta. Vẫn biết rằng xã hội ngày càng phát triển, cuộc sống ngày càng hiện đại thì con người cần phải đổi thay và phải tiếp thu những cái mới. Nhưng ngôn ngữ của teen thì ngày càng đi ngược lại với thuần phong mỹ tục tốt đẹp mà cha ông ta đã bao nhiêu đời nay vun đắp, xây dựng. Sử dụng ngôn ngữ khó hiểu, tiếng lóng, hay những từ những câu thiếu văn minh lịch sự là điều đáng phê phán, đáng lên án. Việc sử dụng những ngôn ngữ có biến đổi để phù hợp với giới trẻ nên được kiểm soát, để tránh tình trạng lạm dụng và làm mất đi cái hay cái đẹp của tiếng Việt. Các bạn teen cần biết đâu là tốt, đâu là xấu; cần phân biệt được sự sáng tạo và sự biến đổi theo hướng thụt lùi. Người lớn cần quan tâm đến con em mình nhiều hơn, uốn nắn, răn dạy để bọn trẻ có hướng đi đúng với xã hội.

Ngoài ra các cơ quan chức năng, cơ quan văn hóa cũng nên có những biện pháp, những hướng xử lý đối với các bộ phận teen đang ngày càng làm mất đi cái hay của tiếng mẹ đẻ. Có như vậy, thì ngôn ngữ mới không bị biến đổi theo hướng tiêu cực như ngày hôm nay.

Thầy cô – những người có ảnh hưởng trực tiếp đến các bạn sinh viên, những người định hướng, giúp các em hoàn thiện vốn ngôn ngữ của mình cần phải là những tấm gương về sử dụng ngôn ngữ, kiến thức ngôn ngữ. Bản thân thầy cô cũng cần sử dụng những ngôn ngữ có tính chuẩn mực cao. Thường xuyên thiết lập các kênh đối thoại để từ đó khích lệ, nhắc nhở hay chấn chỉnh hoạt động ngôn ngôn ngữ của học sinh.

Nhà trường cần định hướng cho sinh viên những giá trị tốt đẹp của tiếng Việt từ đó nâng cao ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Tạo thêm nhiều cơ hội, tổ chức những cuộc thi, tạo môi trường tích cực, phát huy cũng như khích lệ tinh thần học hỏi để các em nói và làm theo lời hay ý đẹp. Bên cạnh đó cũng cần có những biện pháp để chấn chỉnh những sinh viên đi ngược lại xu thế đó.

Trước thực trạng đó, chúng ta cần có những biện pháp khắc phục tình trạng này. Nhà trường và xã hội phải có những phương pháp giáo dục cụ thể để định hướng các bạn học sinh biết được tác hại của teen code cũng như bảo vệ sự trong sáng của tiếng việt. Gia đình cũng cần sát sao hơn với con cái, trao đổi, tâm sự với con cái nhiều hơn để biết được những thay đổi tâm sinh lý của con. Mỗi người hãy là một tấm gương trong giao tiếp để các bạn thấy được tầm quan trọng của việc bảo vệ sự trong sáng của tiếng việt. Bản thân các bạn trẻ cũng phải có ý thức trong việc rèn luyện và bồi dưỡng tiếng mẹ đẻ cũng như trau dồi khả năng ngoại ngữ thật tốt.

Tiếng Việt là thứ tiếng trong sáng và vô cùng ý nghĩa với mỗi con người. Bảo vệ sự trong sáng của tiếng việt cũng chính là trau dồi bản thân cũng như thể hiện tình yêu nước. Giới trẻ cần có nhận thức đắn hơn trong việc trau dồi bản thân cũng như việc sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp.

Viết bài văn nghị luận về một hiện tượng đời sống - mẫu 5

Thế kỉ XXI chứng kiến sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ với sự xuất hiện của hàng loạt các thiết bị thông minh phục vụ cho nhu cầu ngày càng tăng của con người. Bên cạnh những lợi ích to lớn không thể phủ nhận, thì chúng cũng mang lại không ít những thách thức đòi hỏi sự quan tâm của toàn xã hội. Một trong những vấn đề gây nhức nhối nhất trong những năm gần đây là hiện tượng nghiện game ở học sinh.

Game là một phần của trò chơi điện tử. Chúng ta không nên nhầm lẫn giữa game và trò chơi điện tử bởi trò chơi điện tử là sự kết hợp giữa trò chơi và thiết bị giúp bạn tương tác và chơi được trò chơi đấy. Một số các game phổ biến hiện nay có thể kể đến như Liên minh huyền thoại, DOTA , Clash of Clans, Haft-life,… được giới trẻ vô cùng ưa chuộng.

Và “nghiện game” đã chính thức được tổ chức Y tế Thế giới WHO công nhận như một dạng rối loạn tâm lý, y hệt như trầm cảm hay tâm thần phân liệt và cần có các cách điều trị đặc dụng riêng để giúp những “con nghiện” thoát khỏi ám ảnh tâm lý. Nghiện game có thể một số biểu hiện như không thể kiểm soát được thời gian, tần suất, địa điểm chơi game, luôn bị ám ảnh bởi các hình ảnh trong game, coi trọng game hơn bất cứ thứ gì khác trong cuộc sống đến mức quên ăn, quên ngủ, không còn nghĩ gì đến học hành, công việc.

Việc nghiện game ở học sinh đã và đang gây ra những ảnh hưởng vô cùng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống không chỉ của cá nhân học sinh đó mà còn lên toàn xã hội. Trước hết, nghiện game gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe học sinh. Việc tiếp xúc hàng giờ, thậm chí hàng ngày với máy tính có thể gây ra mỏi mắt, dần dần suy giảm thị lực.

Bên cạnh đó, việc chơi các trò chơi chiến đấu thường xuyên đặt bộ não trong một trạng thái căng thẳng liên tục, đó là nguyên nhân dẫn đến các chứng rối loạn thần kinh, suy giảm trí nhớ. Không những thế, sức khỏe học sinh cũng bị tàn phá khi các “con nghiện game” thường xuyên ăn uống qua loa, tạm bợ, bỏ bữa để có thời gian chơi game, trong khi đó, cột sống cũng rất dễ bị tổn thương khi ngồi trong một tư thế, thậm chí là sai tư thế quá lâu…

Cùng với những tác động tiêu cực lên sức khỏe thế chất, nghiện game cũng ảnh hưởng xấu đến tinh thần và kết quả học tập của học sinh. Coi game là “thứ tồn tại duy nhất, những thứ khác có hay không có không quan trọng”, thành tích học tập dễ sa sút, học sinh không còn tâm trí học hành, làm việc, đắm chìm vào thế giới ảo và xa lánh với đời sống thật, họ dễ rơi vào trạng thái u uất, chán nản, lâu dần sinh ra trầm cảm, thậm chí có những hoang tưởng từ cuộc sống trong trò chơi ra ngoài đời thật.

Đồng thời, hiện tượng nghiện game đang diễn ra cũng gây ảnh hưởng to lớn tới gia đình, nhà trường và xã hội. Học sinh nghiện game sẵn sàng bỏ ra rất nhiều tiền vào các game online. Ở lứa tuổi học sinh, chưa làm ra tiền, các em dễ nảy sinh tính trộm cắp, nói dối bố mẹ để có tiền chơi game. Ở mức độ nặng hơn, tâm trí học sinh còn có thể bị kiểm soat bởi những hành động trong game, gây ra những hành động trái pháp luật, gây tổn thương cho bản thân và cho người khác, trở thành gánh nặng cho cả xã hội.

Nguyên nhân từ đâu mà ngày càng có nhiều học sinh nghiện các trò chơi điện tử? Có thể thấy, sự giáo dục của nhà trường vẫn chưa toàn diện, chưa cho học sinh thấy hết được các tác hại nguy hiểm của việc nghiện game, sự quản lí của gia đình vẫn còn lỏng lẻo, xã hội vẫn chưa có sự quan tâm đúng mức khi vẫn đễ cho các quán internet mọc lên ồ ạt mà không có sự kiểm soát sát sao, hơn hết là do ý thức chưa tốt của một số học sinh, chưa nhận thức được sự nguy hại của việc nghiện game.

Đã đến lúc tất cả chúng ta cùng chung tay hành động cho một môi trường phát triển tốt đẹp và toàn diện của học sinh, chủ nhân tương lai của đất nước. Gia đình, nhà trường cần có sự kết hợp trong việc giáo dục và quản lí con em mình, các game đưa ra thị trường cần có sự quản lí, kiểm soát để đảm bảo đủ sự lành mạnh cho người dùng….

Lứa tuổi học sinh là độ tuổi còn bồng bột, dễ bị thu hút bởi những điều mới lạ, nhưng hãy biết bảo vệ lấy chính bản thân mình để không sa vào các tệ nạn, trong đó có nghiện game điện tử, đừng biến mình thành “con sâu làm rầu nồi canh”, thay vì là người làm chủ cuộc đời, làm chủ đất nước lại biến mình trở thành nỗi lo của xã hội.

Chơi game là một hình thức giải trí tuyệt vời để giải tỏa căng thẳng sau những giờ làm việc mệt mỏi. Tuy nhiên, nếu không thể kiểm soát tốt bản thân ta có thể trở thành “nô lệ” của trò chơi điện tử lúc nào không hay. Hãy là một người chơi thông thái bạn nhé!

Viết bài văn nghị luận về một hiện tượng đời sống - mẫu 6

Một trong những hệ quả của xã hội hiện đại đó là ô nhiễm môi trường. Ô nhiễm môi trường hiện nay trở nên nghiêm trọng như vậy một phần là do hành động vứt rác bừa bãi của con người.

Xả rác bừa bãi là hiện tượng vô cùng nhức nhối trong xã hội ngày nay. Nó xảy ra ở khắp mọi nơi, trong công viên, vỉa hè hay thậm chí là ở những di tích lịch sử, khu danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Ở nông thôn, ta có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh những bãi rác nằm ngổn ngang bên vệ đường, bốc mùi hôi thối và ngập tràn ruồi bọ. Những con sông, con mương vốn trong xanh bỗng thấy có những túi ni lông nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Còn ở thành phố thì sao?

Người ta ăn xong một que kem, cái kẹo, uống xong một chai nước thì tiện tay vứt luôn xuống vỉa hè hay lòng đường. Các hàng quán, cơ sở sản xuất không được quản lí chặt chẽ nên lén lút vứt rác xuống cống, rãnh, ao, hồ. Thậm chí, ở một số điểm du lịch, mặc dù đã có biển cấm xả rác, khách du lịch vẫn thản nhiên vứt luôn vỏ kẹo, chai nước xuống, biện hộ rằng mình “lỡ tay”, ỷ lại vào những người làm công tác dọn dẹp, vệ sinh.

Chỉ một hành động thiếu ý thức nhưng lại kéo theo những hậu quả vô cùng nặng nề. Rác không được xử lí sẽ bốc mùi, chất độc hại đó bay vào không khí, ngấm vào đất, nước làm hủy hoại môi trường ở nơi đó. Rác tồn đọng còn làm tắc cống rãnh, ao hồ, gây ngập úng vào mùa mưa lũ, gây mất cảnh quan đô thị.

Những bãi rác cũng là nơi trú ẩn của nhiều loài ruồi, muỗi, sinh vật kí sinh, tiềm tàng khả năng lây bệnh cho con người. Hơn nữa, hành động xã rác bừa bãi thể hiện một con người thiếu văn hóa, thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường. Một người vô ý thức cũng kéo theo những người khác có hành vi tương tự.

Hành động xả rác bừa bãi bắt nguồn từ sự thiếu ý thức của chính bản thân con người. Họ không hiểu hết những hậu quả mà xả rác bừa bãi gây ra, đồng thời ỷ lại vào những người có nhiệm vụ dọn dẹp, vệ sinh môi trường. Ở nông thôn, đó còn là vì thiếu cơ sở xử lí rác thải, dẫn đến những bãi rác tự phát không có sự cho phép của chính quyền.

Để chung tay xây dựng một môi trường xanh- sạch- đẹp, chúng ta hãy cùng ngăn ngừa việc xả rác bừa bãi. Mỗi người hãy tự ý thức về hành vi của mình, bỏ rác đúng nơi quy định, đồng thời nhắc nhở nếu thấy người nào có ý định xả rác bừa bãi. Các tổ chức, cơ quan chính quyền cần tuyên truyền cho mọi người hiểu về hậu quả của xả rác bừa bãi cũng như ô nhiễm môi trường, thường xuyên vận động người dân tham gia các chiến dịch bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh làng xóm.

Bên cạnh đó, nhà nước cũng cần đầu tư xây dựng những khu xử lí rác thải tân tiến, hiện đại, có đội thu gom để rác không còn tập trung một chỗ. Rác thải nên được phân loại để tái chế, làm phân bón cho cây xanh, hạn chế tối đa việc thải ra môi trường. Đối với những hộ chăn nuôi, làm hầm biogas là một cách hữu ích để tận dụng chất thải động vật, đồng thời không gây ô nhiễm môi trường.

Vứt rác bừa bãi là một hành động vô ý thức đáng bị phê phán và lên án. Vì thế, để cải thiện môi trường sống xung quanh chúng ta, mỗi người hãy tự tạo lập ý thức vứt rác đúng nơi quy định, cùng nhau xây dựng một xã hội văn minh, hiện đại, không còn rác thải.

Viết bài văn nghị luận về một hiện tượng đời sống - mẫu 7

Xã hội ngày càng phát triển kéo theo đó là sự phát triển của trí tuệ nhân tạo. Cuộc sống hôm nay đang dần thay da đổi thịt, con người tiến gần hơn với các phương tiện hiện đại, tinh vi. Nhưng mặt trái đáng buồn của sự phát triển này chính là hiện tượng sống ảo của giới trẻ hiện nay.

Sống ảo, hiểu một cách đơn giản đó là lối sống thoát li thực tại, sống không giao tiếp với cuộc sống bên ngoài. Sống ảo là một hình thức phổ biến nhất hiện nay đối với các bạn trẻ, đặc biệt là ở trên các trang mạng xã hội facebook, instagram, zalo, … Sống ảo đang được các bạn trẻ hưởng ứng nhanh chóng và xem đó như một cách thể hiện và khẳng định đẳng cấp của bản thân.

Thực trạng hiện nay có rất nhiều bạn thích sống ảo hơn là sống thật. Khi xã hội phát triển đồng nghĩa rằng các phương tiện truyền thông cũng trở nên đa dạng và phát triển. Các mạng xã hội xuất hiện ngày càng phổ biến và các phần mềm hỗ trợ chỉnh sửa ảnh ngày càng đa dạng, nó khiến những bức hình trở nên sắc nét hơn, có nhiều hiệu ứng hấp dẫn hơn và nó khác hoàn toàn vẻ mặt mộc thực có ngoài đời.

Những hình ảnh đã qua chỉnh sửa ấy được giới trẻ “post” lên các trang mạng xã hội kèm theo những câu status tâm trạng để người người like, comment hay share. Lượt thích, lượt bình luận hay lượt chia sẻ càng nhiều nó càng khiến con người mải mê, đắm chìm với cuộc sống ảo của mình trên mạng.

Không chỉ dừng lại ở đó, sống ảo chính là một cách để họ trốn tránh hiện thực đời sống thường ngày, họ không dám đối mặt với nó. Những bức bối, những khó chịu của cuộc sống đời thực khiến con người mệt mỏi, bất lực muốn tìm đến một nơi để giải tỏa, để trút hết tâm tư. Và họ tìm đến với mạng xã hội như một thứ thuốc giải thần kì.

Từ đó tạo nên sự đối lập sống thật và sống ảo. Một sự thật đang diễn ra khá phố biến đó là nhiều người ngoài đời thực rất ít nói, kiệm lời nhưng khi lên mạng xã hội thì họ như trở thành một con người khác, hoạt bát, năng nổ, dễ bắt chuyện. Những cô cậu trẻ tuổi với vẻ ngoài bình thường nhưng khi được lên mạng lại trở thành hot girl, hot boy được nhiều người theo dõi. Chính những điều ấy hình thành cho giới trẻ thói quen sống ảo, đóng khép mình với cuộc đời thực ngoài kia.

Sống ảo là một hiện tượng tiêu cực, dễ dàng ảnh hưởng tới sự phát triển của mỗi người. Chẳng ai có thể lường trước những hậu quả khi một người sống quá ảo. Sống xa rời thực tế, họ ngại bắt chuyện với cộng đồng, lúc nào cũng bó mình nơi bốn bức tường với máy tính, smartphone có kết nối internet. Họ tìm đến những người xa lạ chưa gặp mặt bao giờ để trút bầu tâm sự. Điều đó không những đánh mất đi chính con người thật của họ mà còn là nguyên nhân gây nên chứng bệnh trầm cảm ở giới trẻ hiện nay.

Thế giới ảo đầy rẫy những nút like, nút share, là thế giới mà con người kết bạn bốn phương nhưng nói chuyện để rồi quên mà chẳng bao giờ gặp gỡ. Thế giới của những tâm tư, tình cảm, thế giới của những điều huyễn hoặc mà khi con người đắm chìm vào sẽ rất khó để thoát ra, nó như có ma lực khiến con người mê mệt với các trang mạng xã hội.

Không ai có thể phủ nhận được những lợi ích của truyền thông đa phương tiện đem lại nhưng khi giới trẻ quá sống ảo, con người ta dần mất sự kiểm chứng xác thực với các thông tin trên mạng xã hội, mơ hồ đồn đại và tin rằng đó là thật. Những thông tin sai lệch trên mạng xã hội vô tình đầu độc suy nghĩ con người, khiến con người mất dần lí trí.

Ngày hôm nay, ta chứng kiến không biết bao nhiêu vụ tin tặc lừa đảo, bao nhiêu vụ nghi ngờ lẫn nhau trên facebook rồi hẹn đánh nhau,… Biết bao con người đã đi vào con đường lầm lỡ vì tin vào mạng xã hội, vì đắm chìm trong thế giới đó. Học sinh lười học, ngày ngày mải mê bên máy tính, điện thoại, lúc nào cũng chăm chăm làm sao để có những bức hình đẹp mà không suy nghĩ tới bổn phận và trách nhiệm của một người học sinh. Tất cả thực trạng ấy là một giọt nước mắt buồn cho cả một xã hội đang phát triển theo con đường hội nhập.

Từ khi nào sống ảo trở thành một căn bệnh nguy hiểm như thế? Khi xã hội ngày càng phát triển, các máy móc hiện đại ra đời, các ứng dụng được nâng cấp tinh vi, nó thỏa mãn nhu cầu chơi bời, giải tỏa tâm trạng của giới trẻ. Giới trẻ tìm đến mạng xã hội nhiều hơn, đắm chìm vào nó để quên rằng mình đang sống trong một cuộc sống thật với sự tổng hòa các mối quan hệ.

Bố mẹ ngày nay có tâm lí chiều con hơn, con thích điều gì là sẽ đáp ứng được, vì vậy giới trẻ dễ đua đòi, sa đọa mà phụ huynh thì mất dần sự kiểm soát. Nhưng nguyên nhân sâu xa hơn bắt nguồn từ chính bản thân mỗi người trẻ. Họ dễ bị cám dỗ, không làm chủ được mình, không có ý thức sắp xếp thời gian hợp lí, vì vậy vô tình để thế giới ảo điều khiển con người mình.

Thật đáng buồn khi nhìn vào xã hội hôm nay còn một số lượng lớn các bạn trẻ sống ảo mà quên đi thế giới thực ngoài kia mới thật sự đáng sống. Mỗi người cần tự răn đe bản thân trước sự cám dỗ của những nút like, share trên mạng xã hội, hãy hòa nhập với cộng đồng nhiều hơn, đi ra ngoài và trải nghiệm cuộc sống muôn màu. Hãy biến mạng xã hội là công cụ giải trí những lúc mệt mỏi, đừng để nó lấn chiếm thời gian và cuộc đời của bạn.

Viết bài văn nghị luận về một hiện tượng đời sống - mẫu 8

Ngày nay, với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, rất nhiều mạng xã hội đã ra đời. Nền tảng mạng xã hội Facebook dường như trở thành một phần không thể thiếu giúp mọi người xây dựng thương hiệu cá nhân, quảng bá, giao lưu, kết bài. Song song với những lợi ích đó, cũng không thể phủ nhận rằng nó đã đem đến rất nhiều những khó khăn. Phương tiện truyền thông xã hội đã lãng phí thời gian ngắn ngủi của mọi người. Quá tập trung vào mạng xã hội, chúng ta dường như quên mất rằng mình còn rất nhiều việc phải làm. Lang thang quá nhiều trong thế giới ảo, chúng ta quên rằng mình cần phải sống cho mình, cho mọi người xung quanh. Chính mạng xã hội đang dần triệt tiêu mọi giao tiếp của con người. Dù bạn ngồi ở đâu, bạn chỉ thấy mọi người dán mắt vào điện thoại mà quên nói chuyện với nhau. Đó là chưa kể thông tin trên mạng xã hội là thông tin chưa được kiểm chứng, thật giả lẫn lộn. Không chỉ gây hại cho sức khỏe, sản phẩm công nghệ này còn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tinh thần của con người, đặc biệt là giới trẻ. Do các nguồn thông tin trên mạng không được giám sát, kiểm duyệt nên vẫn còn nhiều thông tin sai sự thật, văn hóa phẩm đồi trụy, trong khi giới trẻ chưa đủ nhận thức để chắt lọc thông tin, dễ dẫn đến thông tin sai lệch, theo sau là hành động sai lầm. Rất nhiều những kẻ đã lợi dụng hình ảnh trên mạng xã hội của người khác để thực hiện những hành vi phạm pháp, gây ảnh hưởng rất lớn đến lợi ích của người khác. Chính vì vậy, mỗi chúng ta phải biết sử dụng mạng xã hội một cách đúng cách và thông minh.

Viết bài văn nghị luận về một hiện tượng đời sống - mẫu 9

Hiện nay, lối sống “ảo” trong một bộ phận giới trẻ đang là vấn đề thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Vậy, “sống ảo” là gì? Nó ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta như thế nào? Theo tôi, đó là lối sống quá phụ thuộc vào mạng xã hội, thiếu sự liên hệ cần thiết với cuộc sống thực. Lối sống này đã và đang để lại nhiều hệ lụy cho một bộ phận thanh thiếu niên. Trước hết, việc dành quá nhiều thời gian để lang thang trên mạng sẽ khiến chúng ta thiếu cơ hội học tập, giao tiếp trực tiếp với mọi người xung quanh, cũng như gây ra các vấn đề về thể chất: cận thị, vẹo cổ sống lưng… Đồng thời, đắm chìm trong một thế giới mà mọi thứ đăng tải đều được chỉnh sửa kỹ lưỡng và hào nhoáng, bạn rất dễ cảm thấy ghen tị và rơi vào trạng thái tự ti, tủi thân. Việc bị ám ảnh bởi những danh tiếng ảo trên mạng xã hội, làm tất cả mọi thứ chỉ vì để khoe like. Những vụ việc nhảy cầu, tự tử hay tự gây hại cho bản thân chỉ vì thách thức câu like trên mạng xã hội đã gây chú ý và bị lên án một cách gay gắt. Thế nhưng, giới trẻ vẫn chưa nhận thức được sự nguy hiểm đó mà ngày càng trở nên mù quáng. Việc sử dụng mạng xã hội giống như con dao hai lưỡi, nếu không cẩn thận, thì người tổn thương lớn nhất chính là bạn.

Viết bài văn nghị luận về một hiện tượng đời sống - mẫu 10

Hiện nay, đại dịch Covid-19 đang ngày càng diễn biến phức tạp khiến cho nền kinh tế trì trệ, cuộc sống của người dân bị xáo trộn hoàn toàn và luôn trong tình trạng lo lắng,… và kéo theo đó là việc học, sinh viên không được đến trường. Một trong những điều đáng lo ngại nhất là tình hình dịch bệnh không biết khi nào mới ổn định. Một số ý kiến cho rằng việc nghỉ học kéo dài có thể khiến học sinh bị hổng kiến thức nhưng phần lớn phụ huynh đồng tình vì lo lắng cho sức khỏe của con em mình và cộng đồng. Nhìn chung, việc cho học sinh nghỉ học là tất yếu và cần thiết nhưng chúng ta phải quan tâm hơn nữa đến tính tự giác trong học tập của các em. Muốn đảm bảo kiến thức của mình không có những lỗ hổng đáng tiếc, điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức tự học của chính bạn. Hãy coi đây là “cơ hội tốt nhất” để bản thân ôn tập lại kiến thức đã học, tự rèn luyện để bù đắp những lỗ hổng đang có hoặc nâng cao khả năng của mình với các dạng bài kiểm tra, đề thi khác nhau…

Viết bài văn nghị luận về một hiện tượng đời sống - mẫu 11

Thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với cả cơ hội và thách thức, đòi hỏi thế hệ trẻ phải có những thay đổi phù hợp để có thể thích ứng và thành công. Như chúng ta đã biết, trong lịch sử, nhân loại đã trải qua ba cuộc cách mạng công nghiệp, đem lại những thay đổi toàn diện cho đời sống con người. Không ngoại lệ, cuộc cách mạng 4.0 với nền tảng là công nghệ vạn vật kết nối, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo, được kỳ vọng sẽ tạo ra một diện mạo hoàn toàn mới cho thế giới. Những công việc nặng nhọc và không mang tính sáng tạo sẽ được thay thế bằng robot, và Internet siêu nhanh và phổ biến sẽ thay đổi cách chúng ta làm việc và giao tiếp. Đồng thời, những cỗ máy có khả năng tính toán và xử lý vượt trội sẽ xuất hiện nhiều hơn trong các cơ quan, viện nghiên cứu, đe dọa trực tiếp đến việc làm của hàng triệu công nhân. Viễn cảnh đó không quá xa vời bởi mới đây, Google đã tạo ra một phần mềm hoàn toàn có thể đánh bại nhà vô địch cờ vây thế giới, một công ty ở Nhật Bản đang bắt đầu thử nghiệm robot thay con người. Nhân viên văn phòng và xe tự lái cũng xuất hiện ngày càng nhiều trên đường phố… Đứng trước thực tế này, chúng ta – những chủ nhân tương lai của đất nước – phải làm gì? Câu trả lời rất đơn giản: tất cả chúng ta cần nghiêm túc học tập, trau dồi kiến thức, phát huy tính sáng tạo và tư duy khoa học. Vì lúc này, cơ hội chia đều cho tất cả. Mạnh mẽ tiến lên và đón nhận những thành tựu của nền văn minh nhân loại hay mãi mãi ở lại phía sau, câu trả lời hoàn toàn phụ thuộc vào nỗ lực của bạn.

Viết bài văn nghị luận về một hiện tượng đời sống - mẫu 12

Trường học là nơi rèn luyện nhân cách, đạo đức cho học sinh, là nơi nuôi dưỡng tâm hồn và giúp chúng ta trở thành những con người. Tuy nhiên, một điều thực sự đau lòng và đau đớn đang xảy ra, khiến toàn xã hội lo lắng vì sự suy thoái đạo đức và băng hoại trong trường học ngày nay: bạo lực học đường. Điều này đề cập đến hành vi sai trái và bạo lực nhằm giải quyết vấn đề của học sinh, thậm chí có thể là giáo viên và học sinh. Nó thể hiện ở nhiều tình huống khác nhau ở trường học như: bạn bè ghen tị, đố kỵ cũng cãi nhau, mâu thuẫn, bất đồng nhỏ nhặt cũng cãi vã, chửi bới nhau dữ dội. Hoặc khi học sinh bướng bỉnh, không vâng lời, giáo viên sẽ trừng phạt bằng roi và những lời lẽ gay gắt.

Nguyên nhân hiển nhiên là đứa trẻ có cái tôi quá lớn và luôn muốn thể hiện bản thân. Thêm vào đó là sự thiếu giáo dục từ gia đình và cha mẹ cẩu thả, vô trách nhiệm hoặc quá chiều chuộng. Điều sau đây đến từ nhà trường: Kỷ luật quá lỏng lẻo, không có hình phạt nghiêm khắc khiến học sinh coi thường. Vậy làm thế nào bạn có thể loại bỏ bạo lực học đường? Công việc này không phải của riêng một cá nhân nào, mỗi cá nhân trong xã hội đều phải lo việc học hành cho con cái mình.Đầu tiên cần thiết lập kỷ luật ở trường, sau đó đòi hỏi sự quan tâm phối hợp đến trẻ em từ gia đình và môi trường của chúng. Tôi nghĩ điều gì sẽ xảy ra với thế hệ ngày mai nếu bạo lực học đường không được chấm dứt?

Viết bài văn nghị luận về một hiện tượng đời sống - mẫu 13

Trong xã hội phát triển hiện nay, nhận thức của người dân về giữ gìn, bảo vệ môi trường đang bộc lộ những dấu hiệu tiêu cực, biểu hiện phổ biến nhất là hiện tượng một bộ phận người dân vứt rác ra đường phố, nơi công cộng. Tình trạng này xảy ra ở nhiều nơi, ở trung tâm thành phố và ở những nơi đông người. Dù đường phố được trang trí thùng rác với khẩu hiệu tuyên truyền nhắc nhở người dân vứt rác đúng nơi quy định nhưng hình ảnh túi ni lông, cốc nhựa, chai nhựa, thức ăn thừa… vẫn xuất hiện trên vỉa hè đường phố. Ngày 6/12/2018, sau trận bóng đá Việt Nam – Philippines, cổng sân vận động Mỹ Đình ngổn ngang hàng nghìn túi nilon, chai lọ và có tới băng rôn tự hào ghi “Việt Nam vô địch”. Họ đã bị vứt đi trên sàn. Đây là dấu hiệu cảnh báo về hành vi thiếu ý thức của một bộ phận người hâm mộ nói riêng và người dân nói chung. Các bãi rác chôn lấp để lâu ngày bốc mùi hôi thối, phân hủy và mùi hôi thối lơ lửng trong không khí, thấm vào đất và gây ô nhiễm môi trường. Bãi rác cũng là nơi sinh sống của muỗi truyền bệnh sốt rét, ruồi lây lan dịch tả và chuột lây lan bệnh dịch hạch. Điều này ảnh hưởng đến sức khỏe con người, khiến nhiều bệnh lây lan theo thời gian và tạo ra nhiều căn bệnh nguy hiểm. Và rác rưởi còn cho thấy chúng ta là những người vô ý thức, ích kỷ và bị người khác chỉ trích hành vi xấu của mình. Có thể nói, xả rác không chỉ là hành vi mất thẩm mỹ mà còn để lại những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến môi trường và đời sống con người. Vì vậy, thế hệ trẻ chúng ta phải quyết tâm ngăn chặn hiện tượng này, tăng cường tuyên truyền, giáo dục cộng đồng về ý thức bảo vệ môi trường.

Viết bài văn nghị luận về một hiện tượng đời sống - mẫu 14

Giáo dục luôn là vấn đề được chú trọng và quan tâm nhất đối với con người. Cuộc sống ngày càng phát triển, khoa học công nghệ hiện đại xong cũng có nhiều phương pháp học tập mới. Bên cạnh đó trong xã hội vẫn tồn tại lối học đối phó. Đây là lối học sẽ gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới học sinh.

Trước hết chúng ta cần hiểu thế nào là lối học đối phó? Học đối phó là gì? Là tình trạng học sinh học bài, nghe giảng bài không trên tinh thần tự nguyên mà như bị ép buộc học chỉ để đối phó qua kì thi, chỉ để qua một kì kiểm tra, và cuối cùng chả được chữ gì vào đầu gây ra những hậu quả khôn lường. Đây là một hiện tượng xảy ra rất nhiều ở học đường, rất khó kiểm soát. Việc học này chủ yếu do ý thức của mỗi con người.

Hiện nay ở nước ta tình trạng học đối phó diễn ra khá nghiêm trọng và phổ biến khiến cho Nhà nước, ngành giáo dục và gia đình học sinh gặp nhiều phiền muộn trong việc nâng cao tinh thần, ý thức trách nghiệm của việc học tập đối với học sinh bởi nước ta luôn coi trọng giáo gục là quốc sách hàng đầu. Học đối phó ở trên lớp là những hành động lơ đãng, không chú ý nghe giảng, mất tập trung, chỉ ngồi cho “có mặt” trong lớp.

Về nhà, học sinh thường không làm bài một cách nghiêm túc. Nhiều học sinh đến lớp trong tâm thế ngồi ở đây nhưng tâm hồn ở chỗ khác. Lại có những trường hợp coi thường môn phụ không để ý đến, ham chơi, chểnh mểnh trong việc học. Với thái độ và ý thức học tập như thế sẽ dẫn đến hậu quả như thế nào? Học đối phó sẽ khiến cho học sinh cảm thấy chán nản, căng thẳng cho người học, cứ đến mỗi giờ học như là một cực hình.

Học đối phó còn làm cho con người bị hổng kiến thức vì chả tiếp thu vào đầu được chữ gì. Học đối phó sẽ dẫn đến lực học sa sút, yếu kém. Không chỉ có ý nghĩa tiêu cực cho bản thân mà còn kéo theo rất nhiều những hệ lụy khác ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình thậm chí là đối với cả xã hội bởi mỗi học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường chính là những mầm non tương lai của đất nước. Tương lai của đất nước là nhờ một phần không nhỏ ở các em.

Học cho mình, cho tương lai mình mà học sinh vẫn có thái độ không cố gắng, không trung thực thì rất khó để làm những việc khác với sự nhiệt tình và cống hiến. Khi nó trở thành một thói quen, đặc biệt là ngay từ những kiến thức nền tảng, thì sau này học chuyên sâu, học sinh đó sẽ khó nắm bắt được một cách tối đa.

Học đối phó đã trở thành một căn bệnh lan rộng và phổ biến trong ngành giáo dục. Thế nên chúng ta cần làm gì để cho lối học đối phó đấy không tiếp diễn nữa. Chúng ta phải đầu tư cho môi trường học để tăng thêm sự lôi cuốn hấp dẫn học sinh thích thú với việc học. Chúng ta là những người còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Hãy níu giữ những gì mà mình đang có, đừng để đánh rơi thanh xuân, đánh rơi tuổi trẻ, đến lúc hối lại cũng không kịp sẽ chẳng còn lại gì cho bản thân nữa.

Mỗi học sinh phải có ý thức học tập nghiêm túc, học sâu, học kĩ, học từng chi tiết để hiểu bản chất, có tinh thần học thoải mái thích thú, phân bố thời gian hợp lí, tránh lối học vẹt, học tủ, học đối phó. Còn với gia đình thì cần quan, chăm sóc, tạo điều kiện cho con em được học hành. Về phía nhà trường, xã hội cần luôn thay đổi phương pháp dạy học linh hoạt để không nhàm chán.

Kiến thức quanh ta là cả một vũ trụ rộng lớn bao la, không ai trên đời này dám khẳng định mình biết hết moi thứ. “Điều mà ta biêt chỉ là một hạt cát, còn điều ta chưa biết là cả một đại dương bao la”. Vì thế hãy thay đổi cách học, tránh lối học đối phó để hiểu biết rộng hơn nhé.

Viết bài văn nghị luận về một hiện tượng đời sống - mẫu 15

Xã hội ngày càng phát triển, hiện đại đồng nghĩa với việc con người ngày càng làm ảnh hưởng nhiều tới môi trường sinh thái tự nhiên của trái đất. Rác thải là một trong những vấn đề nhức nhối mà mỗi quốc gia đều phải đương đầu. Vì thế, hạn chế rác thải để môi trường sống ngày càng xanh sạch đẹp là trách nhiệm mỗi cá nhân phải làm.

Rác thải không còn là một điều xa lạ với mỗi con người. Trên những con phố, không khó để ta bắt gặp hình ảnh của những túi rác nằm chênh vênh trên đường phố. Thậm chí ở những nơi mà thùng rác đã được đặt, ta vẫn thấy được rác tràn lan khắp nơi: rác trên vỉa hè, rác dưới cống thoát nước, rác bay loạn xạ mỗi khi trời nổi cơn dông. Túi ni lông, cốc trà sữa bằng nhựa và hàng ngàn những loại rác khác tràn ngập trên đường phố mà chỉ cần một cơn mưa rào là sẽ thi nhau ngụp lặn dưới dòng nước đen ngòm.

Ở những khu du lịch cũng chẳng hơn! Khách du lịch vô tư ném những vỏ bánh kẹo, chai nước vào nơi mà đáng lẽ họ phải chung tay giữ gìn môi trường xanh đẹp. Những con suối, con sông xưa kia nước trong nhìn tới đáy, nay chỉ còn lại một màu đen và những váng nổi lềnh bềnh trông thật gớm ghiếc! Lợi đâu chẳng thấy, chỉ thấy những khu du lịch kia dường như lại là nơi để con người vô tư phá hủy môi trường.

Từ ngày xã hội hiện đại, cuộc sống con người trở nên dễ dàng hơn cũng là lúc rác thải ngày một nhiều lên. Nền công nghiệp phát triển làm ra những sản phẩm không những rẻ mà còn đầy tiện lợi, túi ni lông trở thành một vật liệu phổ biến trong cuộc sống. Và vì thế, rác thải công nghiệp và sinh hoạt ngày một chất đống trong khi chính phủ vẫn loay hoay không biết làm cách nào để tiêu hủy được nó. Rác thải là sản phẩm thừa của một nền công nghiệp phát triển.

Tuy nhiên xét cho cùng thì thực trạng trên cũng đều bắt nguồn từ ý thức con người. Nếu như mỗi người đều có ý thức bảo vệ môi trường và không xả rác một cách bừa bãi thì rác thải đã không có cơ hội “lộng hành” như hiện nay. Tôi đã từng ngạc nhiên tột độ khi một cậu bé vô tư vứt vỏ bim bim xuống hồ nước sau khi ăn xong. Tôi từng ngán ngẩm khi nhìn một đôi bạn trẻ vừa cười đùa vừa ném một túi rác to đùng dưới một gốc cây.

Những hành động đó lí giải nguyên nhân vì sao Việt Nam trở thành nơi chứa rác thải của thế giới theo một nghiên cứu đã chỉ ra. Ý thức yếu kém của một thành phần không nhỏ người Việt Nam đã khiến đất nước ta trở thành nơi tập kết của hàng vạn loại rác thải của thế giới.

Có thể nói rằng rác thải chính là kẻ thù của con người. Nó đã mang đến nhiều hậu quả khôn lường mà mỗi con người chúng ta đang phải gánh chịu. Trước hết, nó khiến môi trường sống của chúng ta bị phá hủy mạnh mẽ. Đâu còn những dòng sông nên thơ lững lờ trôi qua những vùng đất? Đâu còn những con phố đẹp chạy dài tít tắp như vẽ nên một bức tranh?

Ô nhiễm môi trường đã và đang trở thành một vấn đề đầy nhức nhối mà ai cũng có thể cảm nhận được sự ảnh hưởng tiêu cực của nó tới cuộc sống sinh hoạt của con người. Rác thải đã làm mất đi mĩ quan đô thị mà một thành phố cần có. Tôi đã từng cảm thấy rất xấu hổ khi một vị khách tây đưa máy ảnh lên và chụp một đống rác bên cạnh một di sản văn hóa.

Chắc hẳn rác thải đã khiến hình ảnh của đất nước ta trở nên méo mó trong suy nghĩ của bạn bè thế giới và có lẽ rằng, chúng ta sẽ không có cơ hội chào mừng họ đến du lịch nước ta lần thứ 2!

Ô nhiễm môi trường còn đem đến những ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của con người. Rác thải trôi dạt trên những con sông làm ô nhiễm môi trường nước, rác làm ô nhiễm bầu không khí mà chúng ta đang hít thở hằng ngày. Nó lí giải vì sao mà càng ngày con người càng dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa mà đặc biệt là ung thư đang đe dọa tới tính mạng con người ngày càng nhiều. Có ai đã từng nghĩ đến một ngày trái đất ngập chìm trong rác thải và tương lai của con em chúng ta sẽ bị dập tắt bởi ô nhiễm môi trường hay không?

Vì vậy, ngay từ hôm nay, mỗi chúng ta cần chung tay để hạn chế rác thải vì một tương lai môi trường xanh đẹp. Chính phủ cần đề ra những chính sách dài hạn trong vấn đề tiêu hủy đống rác thải công nghiệp và sinh hoạt thay vì cứ vẽ ra nhiều khu công nghiệp mà không quan tâm đến hậu quả của nó.

Đề ra những giải pháp cụ thể, nâng cao khả năng tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân về vấn đề môi trường là cách để con người đương đầu với rác thải. Bản thân mỗi chúng ta, mỗi công dân của đất nước cần tự nâng cao ý thức bảo vệ môi trường từ những hành động rất nhỏ. Vứt rác đúng chỗ, trồng một cây xanh là chúng ta đang bảo vệ cuộc sống của chính ta và các thế hệ tương lai sau này.

Rác thải sinh hoạt và vấn đề ô nhiễm môi trường không phải có thể giải quyết trong một sớm một chiều. Nhưng tôi tin rằng nếu chúng ta cùng chung tay, góp sức, vấn đề nào cũng có thể giải quyết được và một môi trường xanh sạch đẹp sẽ được trả lại nếu ta cố gắng hết sức bảo vệ nó.

Đánh giá

0

0 đánh giá