Sơ đồ tư duy bài Ông Giuốc- đanh mặc lễ phục (năm 2023) dễ nhớ - Ngữ văn lớp 8

Tải xuống 7 2.4 K 4

Tailieumoi.vn xin giới thiệu đến các quý thầy cô, các em học sinh lớp 8 tài liệu sơ đồ tư duy bài Ông Giuốc- đanh mặc lễ phục hay nhất, gồm 7 trang đầy đủ những nét chính về văn bản như:

Các nội dung được Giáo viên nhiều năm kinh nghiệm biên soạn chi tiết giúp học sinh dễ dàng hệ thống hóa kiến thức từ đó dễ dàng nắm vững được nội dung tác phẩm Ông Giuốc- đanh mặc lễ phục Ngữ văn lớp 8.

Mời quí bạn đọc tải xuống để xem đầy đủ tài liệu Sơ đồ tư duy bài Ông Giuốc- đanh mặc lễ phục dễ nhớ, ngắn nhất - Ngữ văn lớp 8:

Ông Giuốc- đanh mặc lễ phục

A. Sơ đồ tư duy bài Ông Giuốc- đanh mặc lễ phục

Sơ đồ tư duy bài Ông Giuốc- đanh mặc lễ phục dễ nhớ, ngắn gọn

Sơ đồ tư duy bài Ông Giuốc- đanh mặc lễ phục dễ nhớ, ngắn gọn

B. Tìm hiểu bài Ông Giuốc- đanh mặc lễ phục

I. Tác giả

- Mô-li-e (1622 - 1673) tên khai sinh là Jean-Baptiste Poquelin

- Quê quán: Nhà soạn kịch nổi tiếng người Pháp

- Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác:

+ Ông được biết đến với vai trò là nhà thơ, nhà viết kịch, người sáng tạo ra thể loại kịch cổ điển và ông là một bậc thầy của kịch nghệ châu Âu

+ Năm 1655, ông viết vở kịch thơ đầu tiên là “Gàn dở”

+ Đến năm 1672 - 1673 ông viết vở kịch cuối cùng là “Bệnh giả tưởng”

II. Tác phẩm

1. Xuất xứ

Ông Giuốc- đanh mặc lễ phục trích trong vở kịch 5 hồi Trưởng giả học làm sang và là lớp kịch kết thúc hồi II

2. Thể loại: Kịch

3. Bố cục

Lớp kịch được chia thành 2 cảnh:

+ Cảnh 1: Ông Giuốc- đanh, bác phó may, gia nhân, thợ phụ mang lễ phục

+ Cảnh 2: Ông Giuốc- đanh, thợ phụ, bốn tên thợ phụ giúp ông Giuốc đanh mặc lễ phục

4. Giá trị nội dung

Văn bản khắc họa tính cách lố lăng của một tên trưởng giả đã dốt nát còn đòi học làm sang, tạo nên tiếng cười cho độc giả.

5. Giá trị nghệ thuật

Sử dụng lời thoại sinh động, chân thực và phù hợp, nghệ thuật tăng cấp khiến cho lớp kịch càng ngày càng hấp dẫn, tính cách nhân vật được khắc họa thành công, rõ nét

III. Dàn ý bài phân tích

1. Ông Giuốc - đanh học làm sang

- Xuất thân trong một gia đình tư bản giàu có, làm ăn phát đạt ⇒ ông muốn trở thành quý tộc

- Vì ngu dốt, ngờ nghệch, bị những kẻ bịp bợm vào xâu xé, trục lợi

⇒ Có ước muốn hão huyền trong khi bản thân không có khả năng

⇒ Ông được khắc họa kĩ hơn ở hai tình huống chính là ông nhận lễ phục và mặc lễ phục

2. Ông Giuốc - đanh nhận lễ phục

- Hành động: Đặt tên phó may làm những thứ liên quan đến trang phục quý tộc

- Tỉnh táo nhận ra việc phó may ăn bớt vải, lợi dụng kiếm chác nhưng khi phó may bịa ra lí lẽ rằng người quý tộc đều mặc vậy ⇒ thuận ý liền tin ngay

- Phát hiện ra phó may ăn bớt vải của mình nhưng khi phó may khen vải đẹp nên gạn lại một chiếc áo để mặc ⇒ không hề giận nữa

⇒ Tình huống kịch bất ngờ, thú vị ⇒ Chỉ vì quá ham muốn học làm sang nên mất khôn, ngờ nghệch ⇒ trở nên nực cười

3. Ông Giuốc - đanh mặc lễ phục

- Những tên thợ phục mặc lễ phục cho ông, ông đi đi lại lại phô cái áo mới, đều bước theo điệu nhạc thật chẳng khác nào chú hề

- Những lời đối thoại của ông Giuốc - đanh với bọn thợ phụ, chúng gọi ông là “ông lớn”, “cụ lớn” rồi “đức ông” để moi tiền

- Ông vô cùng thích thú và không hề tiếc túi tiền của mình để cho chúng

⇒ Nhân vật ông Giuốc- đanh mê muội, ngu dốt, ngờ nghệch, chỉ vì thói đòi học làm sang nên đã bị lợi dụng.

 

IV. Bài phân tích

Nền văn học nhân loại có rất nhiều thể loại như truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết, thơ… nhưng kịch vẫn có một chỗ đứng nhất định. Càng ngày nó càng thể hiện được chính mình trên thi đàn văn học và đặc biệt nó mang đến những thành công nhất định cho các tác giả. Nhắc đến thể loại này ta không thể không nhắc đến tác giả người Pháp nổi tiếng Mô- li- e với những tác phẩm kịch của ông. Vở kịch Trưởng giả học làm sang là một trong những tác phẩm kinh điển của Mô-li-e. Trong đó, đoạn trích Ông Giuốc - đanh mặc lễ phục là một trong những đoạn trích đặc sắc nhất của vở kịch. Tác phẩm tạo ra sự khập khiễng, sự bất hòa đến ngu dốt, ngớ ngẩn, đáng cười ở nhân vật ông Giuốc-đanh.

Mô-li-e là nhà thơ, nhà viết kịch, nghệ sĩ người Pháp, người sáng tạo ra thể loại kịch cổ điển, là một bậc thầy của kịch nghê Châu Âu. Ông được coi là nhà hài kịch vĩ đại nhất thế kỉ XVII. Ông đã để lại một di sản nghệ thuật vô cùng đồ sộ với hơn 30 vở kịch ở nhiều thể loại khác nhau. Tác phẩm của ông đề cập đến rất nhiều những vấn đề đáng chú ý của đời sống xã hội đương thời. Ông có sức ảnh hưởng lớn đến thể loại kịch của Pháp nói riêng và thế giới nói chung.

Trưởng giả học làm sang là một vở hài kịch năm hồi, có xen màn ca múa phụ họa nên gọi là vũ khúc hài kịch. Đoạn trích Ông Giuốc- đanh mặc lễ phục là lớp kịch kết thúc hồi II. Nhân vật chính của vở kịch này là ông Giuốc-đanh, có độ tuổi ngoài bốn mươi, là con của một nhà buôn giàu có. Tuy dốt nát và thô kệch nhưng lại có thói học đòi làm sang. Cảnh Giuốc - đanh mặc lễ phục là sự phản ánh chân thực thói học đòi lối ăn mặc sang trọng của tầng lớp quý tộc. Ông đã bị bọn thợ may lợi dụng. Chân dung của nhân vật này đã được Mô-li-e khắc họa thành công tạo nên tiếng cười sảng khoái cho người xem. Đó là sự châm biếm, đả kích và phê phán mạnh mẽ của tác giả với giai cấp tư sản đương thời.

Màn kịch được chia làm hai cảnh. Cảnh thứ nhất là sự xuất hiện của ông Giuốc-đanh và bác phó may diễn ra tại một phòng trà. A! Bác đã tới đấy à? Tôi sắp phát khùng lên vì bác đây. Đó là lời reo lên vừa vui mừng vừa trách móc của ông Giuốc- đanh khi bác thợ may xuất hiện. Với thái độ ấy chắc hẳn ông Giuốc-đanh đã hào hứng biết nhường nào để thấy bộ lễ phục mình đặt may bộ lễ phục ấy chính là niềm quan tâm của ông, có nó mọi người sẽ biết ông là người giàu có, là quý tộc.

Ông Giuốc-đanh ngờ nghệch bị phụ may lừa gạt. Những thứ ông mua chỉ toàn đồ dởm, nào là chiếc bít tất chật, “mới xỏ chân vào được và đã đứt mất hai mắt rồi”, hay đôi giày không vừa chân khiến ông đau chân ghê gớm. Tình huống gây cười cũng bắt đầu từ đấy. Bác phó may khéo léo qua mặt, lấp liếm, để tránh những trách móc, bác phó may đã chuyển chủ đề về bộ lễ phục. Ông Giuốc-đanh phát hiện ngay hoa bị may ngược: "Bác may hoa ngược mất rồi". Mặc dù ông rất nóng lòng xem sản phẩm của phó may nhưng ông vẫn đủ tỉnh táo để nhận ra lỗi. Bác phó may đáp ngay lại rằng: "nào ngài có bảo là ngài muốn may xuôi hoa". Ông Giuốc-đanh giận lắm nhưng khi nghe bác phó may nói là quý tộc đều mặc như thế thì ông lại thôi, bởi cốt sao ông mặc giống với quý tộc là được. Chỉ cần như thế, bác phó may không cần phải may lại mà còn được khen là “bộ này may được đấy”. Rồi khi ông hỏi áo có vừa vặn không, bộ tóc giả và lông đính mũ có được chững chạc không? Kèm đó là câu trả lời đầy sự nịnh nọt của phó may: “còn phải hỏi, tôi đố họa sĩ nào lấy bút mà vẽ hầu ngài bộ áo vừa khít hơn được” rồi tiếp nữa “chững chạc tuốt”, những lời ấy như rót mật vào tai, càng khiến ông Giuốc- đanh đắc ý tột độ.

Ông Giuốc-đanh phát hiện ra bác phó may ăn bớt vải. Nhưng ông chỉ trách móc nhẹ nhàng: "đành là đẹp nhưng đáng lẽ đừng gạn vào áo của tôi mới phải". Trước sự phát hiện ấy, bác phó may không lý luận, biện hộ mà lờ đi chuyển sang việc thử áo. Với sự khôn ngoan ấy, bác phó may khiến ông Giuốc-đanh không còn giận, tiếc xém nữa mà hào hứng mặc bộ lễ phục từ lâu. Một lần nữa, ông lại mù quáng trước những sai phạm về bộ trang phục và để bác phó may qua mặt.

Không chỉ bị lừa bịp, lão trưởng giả ấy lộ chân tướng là một kẻ lố bịch như một con rối khi phó may đem bốn tay thợ phụ để hầu ông mặc lễ phục theo thể thức, mặc theo nhịp điệu, theo cách mặc của cho các nhà quý phái. Khung cảnh trở lên nhộn nhịp hơn, thú vị hơn, một màn biểu diễn gây tiếng cười lớn cho khán giả về màn thay đồ lố lăng theo nhịp điệu của dàn nhạc. Phải chăng thói học đòi của một tay trọc phú đã biến ông trở thành một kẻ ngờ nghệch, đầy sự lố bịch, như một thằng hề không hơn không kém.

Nếu ở cảnh thứ nhất, sự lừa bịp đã thành công vì cái sự học đòi biến con người (ông Giuốc-đanh) thành một thứ mồi ngon của nó thì ở cảnh thứ hai, sự tâng bốc đã thắng lợi vì những danh tiếng hão huyền mà con người thường ước mơ, khao khát. Đầu tiên, nghe chú thợ phụ xin tiền uống rượu, ông Giuốc-đanh giật mình, giật mình không phải vì sợ (sợ mất tiền, cái sợ cố hữu của những người giàu keo kiệt) mà vì sung sướng, mở mày mở mặt: lần đầu tiên, ông ta được gọi là ông lớn. Một cách gọi chưa quen nên chưa dám tin không biết mình có phải nghe nhầm hay không? Ông ta phải hỏi lại cho chắc chắn. Khi biết đích xác là như thế qua lời nhắc lại của chú thợ phụ, nhất là khi tin vào lập luận của chính ông ta (“Ấy đấy, ăn mặc theo lối quý phái thì thế đấy! Còn cứ bo bo giữ kiểu áo quần trưởng giả thì đời nào được gọi là ông lớn”), sự trả giá của ông Giuốc-đanh thật là hào phóng (“Đây, ta thưởng vể tiếng ông lớn đây này!”). Thói láu cá ranh ma - thực chất là từ lòng tham của tay thợ phụ có cái mũi rất tinh. Nó đánh hơi được con mồi béo bở: kẻ thích tâng bốc có cả một túi tiển. Túi tiền ấy giúp cho chú thợ phụ tinh khôn leo thang từng nấc một, biết kiềm chế, cứ từ từ, không đi đâu mà vội. Hãy cứ để cho người có túi tiền kia có thời gian tận hưởng niềm vui. Vì cứ có niềm vui của lão là tiền sẽ được xì ra. Lão không tiếc tiền vì lão cần danh vọng hơn, dù sự tôn vinh ấy có là giả tạo đi chăng nữa. Cứ thế, danh vọng hão nhưng tiền lại là có thật. Những chú thợ phụ chỉ cần có thế, cứ tha hồ đem đến cho lão những niềm vui. Song, nhân vật chính ở cảnh này không phải là các chú thợ phụ, dù họ có đến bốn năm người và dù họ có mưu ma đến đâu. Nhân vật ông Giuốc- đanh mới là đối tượng mồi chài của họ, là nạn nhân mà cứ tưởng mình là ông lớn, mới là nhân vật trung tâm. Nhân vật ấy hiện trên sân khấu như cứ bằng xương thịt hẳn hoi vì ông ta là một người có tính cách: lòng hám danh kể cả cái danh nếu chỉ cần tỉnh táo một chút thôi sẽ biết là giả dối. Lão Giuốc-đanh còn tỉnh táo làm sao được trước vòng hào quang đường mật? Hệ thống đại từ nhân xưng: ông lớn, cụ lớn, đức ông thường dùng với những nhà quý tộc đã được lạm phát ở đây, với người xem nó dùng để lừa người, lừa những kẻ trưởng giả như ông Giuốc-đanh ngu dốt hám danh. Ấy là còn chưa kể đến trình tự từ thấp đến cao của nó. Dù có là quý tộc hẳn hoi đi nữa thì làm sao có sự thăng cấp liên tục và chỉ trong phút chốc thế kia? Thế mà ông Giuốc-đanh có lần nào không vui, lần nào cũng như mở cờ trong bụng và không lần nào giống lần nào. Hai lần trước ông ta say, say trước những từ ngữ đại ngôn hoa mĩ. Niềm vui của nhân vật lớn bé tuy có khác nhau, nhưng là niềm vui trọn vẹn, ông ta thoả mãn và có thể ngủ yên trong vòng tay của giấc mơ hạnh phúc tràn đầy. Nhưng đến lần thứ ba, ông ta có phần hồi tỉnh. Sự sáng suốt trở lại chăng? Quả thật là có thế. Nhưng dù có thế, có tự dặn mình đừng quên cái túi tiền mỗi lúc một vơi đi với những lần tôn vinh, xưng gọi (“Của đáng tội, nếu nó tôn ta lên bậc tướng công thì nó sẽ được cả túi tiền mất”), nhưng đâm lao phải theo lao, vả lại tội gì mà kìm nén niềm sung sướng mà đâu phải lúc nào cũng có?

Tóm lại, tình huống kịch và diễn biến kịch dù chỉ qua hai cảnh diễn nhưng rất sinh động, luôn luôn phát triển. Từ đó mà nhân vật kịch được khắc hoạ tài tình. Nổi bật lên một tính cách rất đáng bị phê phán: thói học đòi làm sang của hạng người trưởng giả. Tính cách ấy biến con người thành một thứ trò hề mà chính con người – hề kia không tự biết. Dĩ nhiên, nhân vật của Mô-li-e chỉ là sản phẩm của một thời (thế kỉ XVII), của một nền văn chương (văn chương Pháp). Nhưng là một hình tượng nghệ thuật được xây dựng rất thành công như thế, cho đến ngày hôm nay, nó vẫn là một cảnh báo. Con người sẽ không còn là con người nếu bị nhiễm dộc về tinh thần. Sự biến chất, sự thoái hoá sẽ diễn ra như một thứ nguy cơ không thể nào tránh được.

V. Một số lời bình về tác phẩm

1. Trưởng giả học làm sang là một trong những vở kịch thành công nhất của Mô-li-e. Vở kịch vẽ lên bức tranh xã hội rất hiện thực với những nhân vật mang đậm tính điển hình của thời đại, ẩn dưới hình thức hài hước nhẹ nhàng. Điều đó chứng tỏ ngòi bút của Mô-li-e vô cùng hoạt bát, tế nhị.

(Tuấn Đô)

2. Mô-li-e là nhà hài kịch vĩ đại không chỉ vì nghệ thuật xây dựng tính cách, mà còn vì nghệ thuật gây cười bậc thầy. Sự tinh tế, nhạy cảm của nhà tư tưởng sâu sắc của người nghệ sĩ tài ba giúp cho ông, trong khi quan sát cuộc sống đã phát hiện ra khía cạnh hài hước trong các hiện tượng, tính cách – kể cả những đối tượng có vẻ trang trọng, tôn nghiêm, đáng kính nhất.

(Nguyễn Văn Chính)

Tài liệu có 7 trang. Để xem toàn bộ tài liệu, vui lòng tải xuống
Đánh giá

0

0 đánh giá

Tải xuống