Sơ đồ tư duy bài Đò lèn (năm 2023) dễ nhớ - Ngữ văn lớp 12

Tải xuống 11 2.1 K 1

Tailieumoi.vn xin giới thiệu đến các quý thầy cô, các em học sinh lớp 12 tài liệu sơ đồ tư duy bài Đò lèn hay nhất, gồm 11 trang đầy đủ những nét chính về văn bản như:

Các nội dung được Giáo viên nhiều năm kinh nghiệm biên soạn chi tiết giúp học sinh dễ dàng hệ thống hóa kiến thức từ đó dễ dàng nắm vững được nội dung tác phẩm Đò lèn Ngữ văn lớp 12.

Mời quí bạn đọc tải xuống để xem đầy đủ tài liệu Sơ đồ tư duy bài Đò lèn dễ nhớ, ngắn nhất - Ngữ văn lớp 12:

Đò lèn

A. Sơ đồ tư duy bài thơ Đò lèn

Sơ đồ tư duy bài thơ Đò lèn dễ nhớ, ngắn gọn

B. Tìm hiểu bài thơ Đò lèn

I. TÁC GIẢ

- Nguyễn Duy tên khai sinh là Nguyễn Duy Nhuệ, sinh năm 1948 tại xã Đông Vệ, thành phố Thanh Hoá. 

- Năm 1966, ông nhập ngũ, từng chiến đấu ở nhũng chiến trường ác liệt thời kì chống Mĩ cứu nước như Khe Sanh, đường 9 – Nam Lào. Trở về từ chiến trường, Nguyễn Duy học ở Khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Từ năm 1977 đến nay, ông làm đại diện thường trú của báo Văn nghệ ở phía Nam.

- Nguyễn Duy được biết đến trước hết như một gương mặt tiêu biểu của phong trào thơ trẻ thời kì chống Mĩ cứu nước. 

- Chùm thơ Tre Việt Nam, Hơi ấm ổ rơm, Bầu trời vuông đã giành Giải nhất cuộc thi thơ của báo Văn nghệ năm 1973. 

- Ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007. Thơ Nguyễn Duy hướng tới cái đẹp của đời sống giản dị quanh ta, phát hiện trong thế giới quen thuộc ấy sự lắng kết của những giá trị vĩnh hằng. Những xúc cảm chân thành, những suy tư sâu sắc được diễn tả bằng một hình thức thơ vừa giàu tính cách dân gian vừa phảng phất phong vị thơ cổ điển phương Đông.

- Tác phẩm chính : Cát trắng (1973), Ánh trăng (1984), Mẹ và em (1987), Bụi (1997),..

II. TÁC PHẨM

“Đò Lèn” là tên một địa danh thuộc huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá, nơi Nguyễn Duy đã sống và đi học suốt thời thơ ấu. Tác phẩm Đò Lèn tiêu biểu cho vẻ đẹp của thơ Nguyễn Duy, được in trong tập “Ánh trăng”.

III. DÀN Ý PHÂN TÍCH

1/ Mở bài

- Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm:

+ Nguyễn Duy là nhà thơ của những vẻ đẹp đời thường, những giá trị khiêm nhường mà bền vững.

+ Bài thơ Đò lèn được sáng tác vào tháng 9 - 1938 khi Nguyễn Duy trở về quê ngoại thăm bà sau bao năm xa cách nhưng bà đã không còn.

2/ Thân bài

* Luận điểm 1: Hình ảnh người bà tảo tần trong kí ức của người cháu

- Những kỉ niệm tuổi thơ của một chú bé nhà nghèo, vô tư, ham chơi, tinh nghịch:

+ Vui thích với những trò chơi trẻ thơ: bắt chim, trộm nhãn, theo bà đi chợ, câu cá.

+ Say mê thế giới thần tiên: chơi đền Cây Thị, xem lễ đền Sòng, ấn tượng mùi huệ trắng, khói trầm, điệu hát văn lảo đảo bóng cô đồng.

+ Gợi nhớ những kỉ niệm xưa, thể hiện sự trân trọng thời thơ ấu, yêu quý quê hương nguồn cội, tiếc nhớ người bà kính yêu.

+ Ngoài ra nó còn là cái nhìn tự vấn, tự soi chiếu lại sự vô tâm của bản thân khi chưa biết quan tâm đến bà khi còn được ở bên bà.

- Hình ảnh người bà qua kí ức của tác giả:

+ Bà âm thầm vượt qua mọi cơ cực, buôn bán ngược xuôi, chịu mọi hiểm nguy để nuôi dạy người cháu mồ côi và nghịch ngợm giữa cảnh chiến tranh khốc liệt.

+ Bà mò cua xúc tép, gánh chè xanh Ba Trại, thập thững những đêm hàn, bom Mĩ giội nhà bà tôi bay mất, bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn.

=> Nét vẽ rất thực, rất đậm trong hình tượng về người bà của nhà thơ; và cũng là hình ảnh người bà rất gần gũi với mỗi gia đình Việt Nam chúng ta.

+ Bà là một phần của tuổi thơ cháu, thân thương và gắn bó biết bao: níu váy bà đi chợ Bình Lâm,...

+ Bà hiền lành, tâm hồn bà đôn hậu, thánh thiện. Tiên, Phật, Thánh soi sáng lòng từ bi, bác ái mà bà hướng tới.

+ Sống trong tình thương ấp ủ của bà, đứa cháu mới thấu hiểu được tấm lòng, tâm hồn của bà.

=> Trước người bà giản dị, lam lũ mà tràn đầy tình yêu thương con cháu, tràn đầy nghị lực cao cả, người cháu vừa rất mực yêu quý và trân trọng bà. Bà là hiện thân của đức hi sinh, chịu thương chịu khó của người phụ nữ Việt Nam, của những cái cò lặn lội trong cuộc đời.

* Luận điểm 2: Sự thức tỉnh muộn màng của người cháu

- Tình cảm của nhà thơ khi nghĩ về bà ngoại:

+ Thấu hiểu nỗi cơ cực, tần tảo, tình yêu thương của bà.

+ Yêu thương, tôn kính, tri ân sâu sắc đối với bà.

+ Sự ân hận, ngậm ngùi, xót đau muộn màng:

“Khi tôi biết thương bà thì đã muộn

Bà chỉ còn một nấm cỏ thôi "

+ Nỗi xúc động của đứa cháu khi đứng trước ngôi mộ bà ngoại:

Dòng sông xưa : sông Chu, sông Mã, sông Đò Lèn.

"Dòng sông xưa vẫn bên lở bên bồi" : hàm nghĩa về cuộc đời bể dâu, về sự đổi thay của quê hương, xứ sở.

"Bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi" : man mác buồn, triết lí về kiếp người hữu hạn trong dòng chảy vô cùng của thời gian và vũ trụ; nỗi hân hận của người cháu vì năm xưa đã vô tâm, không thể chăm sóc bà.

* Đặc sắc nghệ thuật

- Sử dụng thủ pháp đối lập, phép so sánh đối chiếu

- Giọng điệu thành thực, thẳng thắn

- Có sự hòa quyện giữa tính cách dân gian và phong vị cổ điển.

- Hình ảnh giản dị, gần gũi với cuộc sống đời thường, chất hóm hỉnh dân gian.

3/ Kết bài

- Khái quát giá trị nội dung bài thơ

- Nêu cảm nhận của em về bài thơ.

IV. MỘT SỐ CÂU HỎI ĐỌC HIỂU

1. Kí ức tuổi thơ đã hiện lên hết sức sinh động trong tâm tưởng của nhà thơ :

Thuở nhỏ tôi ra cống Na câu cá

níu váy bà đi chợ Bình Lâm

bắt chim sẻ ở vành tai tượng Phật

và đôi khi ăn trộm nhãn chùa Trần

Những câu thơ ngọt ngào gợi lên chuỗi kỉ niệm thời ấu thơ với những cống Na, chợ Bình Lâm, chùa Trần – những noi mà tác giả đã “câu cá”, “níu váy bà đi chợ”, “bắt chim sẻ”, “ăn trộm nhãn”,… Những địa danh cụ thể, thân quen ấy gắn liền với sự hiếu động, nghịch ngợm của trẻ thơ được nhắc đến, hiện lên sinh động, gần gũi, như mở ra vùng kí ức thơ dại, chạm đến những kỉ niệm sâu lắng nhất trong lòng người.

Thuở nhỏ tôi lên chơi đền Cây Thị

chân đất đi đêm xem lễ đền Sòng

mùi huệ trắng quyện khói trầm thơm lắm

điệu hát văn lảo đảo bóng cô đồng

Tuổi thơ hiện lên trong hồi tưởng của tác giả, quy tụ lại trong không gian của những đền Cây Thị, đền Sòng, với “mùi huệ trắng” hoà quyện với khói hương trầm, với “điệu hát văn”, “bóng cô đồng”,… Nếu kí ức tuổi thơ hiện về vui tươi, sinh động ở khổ thơ thứ nhất, thì đến đây lại trở nên lắng đọng, thâm trầm, đậm màu sắc cổ tích. Những âm thanh, hương vị, sắc màu,… của bức tranh kỉ niệm ấu thơ được lưu giữ ở phần tâm linh sâu kín nhất của tác giả, để rồi hiện lên trong những câu thơ xúc động, chân thành.

2. Hình ảnh người bà âm thầm chịu đựng muôn vàn vất vả để nuôi dạy đứa cháu mồ côi sống lại trong kí ức của nhân vật trữ tình đã cho thấy tình cảm sâu nặng của tác giả với người bà của mình.

Hình ảnh người bà hiện lên như thân cò lặn lội, khiến người đọc trào lên nỗi xúc động nghẹn ngào :

bà mò cua, xúc tép ở đồng Quan

bà đi gánh chè xanh Ba Trại

Quán Cháo, Đồng Giao thập thững những đêm hàn

Câu thơ “Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế” là một sự tự thú, một nỗi ăn năn vì mình có lỗi với bà, vì mình quá trong sáng và thơ ngây, vì mình quá vô tâm nữa.

Hình ảnh người bà bán trứng ở ga Lèn giữa cái tan hoang của cảnh vật cũng là hình ảnh cuối cùng của người bà in lại trong tâm trí nhà thơ :

Bom Mĩ giội, nhà bà tôi bay mất

đền Sòng bay, bay tuốt cả chùa chiền

thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết

bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn

Người cháu xót xa khi ngày trở lại, ngày chiến thắng trở về, anh không còn được gặp lại người bà thân yêu nữa, chỉ còn lại một nấm cỏ nhỏ bé, lạnh lẽo :

Tôi đi lính, lâu không về quê ngoại

dòng sông xưa vẫn bên lở, bên bồi

khi tôi biết thương bà thì đã muộn

bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi.

3. Trong Bếp lửa, nhà thơ Bằng Việt thể hiện tình cảm dành cho bà bằng việc làm sống lại những hồi ức thiêng liêng, cảm động về tình bà cháu. Tình cảm ấy được thể hiện qua nỗi nhớ bà, nỗi nhớ tiếng chim tu hú và qua hình ảnh bếp lửa bập bùng :

– Tám năm ròng cháu cùng bà nhóm lửa

Tu hú kêu trên những cánh đồng xa

– Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bù nhen

Một ngọn lửa lòng bà luôn ủ sẵn

Một ngọn lửa chứa lòng tin dai dẳng…

Nét độc đáo trong cách thể hiện tình cảm đối với người bà của Nguyễn Duy là lối bộc lộ tình cảm trực tiếp, giản dị và rất chân thành. Nhà thơ tự trách mình, xót xa, hối tiếc khi nhớ về một thời vô tâm, vụng dại đã qua chưa hiểu hết nỗi cơ cực của bà và cũng chưa kịp làm gì để đền đáp công ơn của bà. Lời thơ rưng rưng đau nhói lòng người :

khi tôi biết thương bù thì đã muộn

bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi.

V. BÀI PHÂN TÍCH MẪU

 Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng có một nhận xét rất thú vị về nhà thơ Nguyễn Duy như sau: "Hình hài Nguyễn Duy giống như đám đất hoang, còn thơ Nguyễn Duy là thứ cây quý mọc trên đám đất hoang đó". Có thể nói thơ Nguyễn Duy khá đặc biệt khi trong những vần thơ ngang tàn, phóng khoáng và hồn nhiên tưởng như không chút gì suy nghĩ, nhưng tận sâu bên trong lại là những ẩn ý chiêm nghiệm sâu sắc về chính cuộc đời, rất trầm tĩnh và lặng lẽ thấm vào tâm hồn người đọc, rồi đột nhiên vỡ ra khiến người ta phải giật mình suy nghĩ lại về những chặng đường, về tình cảm của bản thân trong suốt những năm tháng đã qua. Tiêu biểu cho cái lối viết ấy phải kể đến tác phẩm Ánh trăng, chiêm nghiệm về tấm lòng dễ đổi thay của con người xấu hổ trước sự thủy chung son sắt của trăng sáng trên cao. Nhưng rồi đến Đò Lèn người ta lại càng thấm thía hơn trong nỗi suy tư với cái vất vả của người bà trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, cùng với tuổi thơ hồn nhiên, chưa biết nghĩ của người cháu. Để rồi khi lớn lên, khi cháu đã trưởng thành, đã chinh chiến xa xăm, khi đất nước đã độc lập thì bà cũng chỉ còn một nấm cỏ xanh, người cháu nuối tiếc cũng đã muộn màng.

 Nguyễn Duy từng là một người lính thông tin tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, nên trong thơ ông hình tượng người lính cũng thường trở đi trở lại nhiều lần, đặc biệt là trong những đề tài chiến tranh với quê hương đất nước. Ở đó ông không đi tìm những vẻ đẹp hoành tráng, kiêu hùng mà thay vào đó Nguyễn Duy lại thường chú ý đến những vẻ đẹp đơn sơ, bình dị, thấm sâu trong từng ký ức tuổi thơ, là nỗi vất vả, cực nhọc trong lao động của những người nông dân trong kháng chiến. Ở Đò Lèn cũng vậy, cả bài thơ là một miền ký ức có vui vẻ, hồn nhiên nhưng cũng có những ký ức về một thời chiến tranh tàn phá ác liệt. Tuy nhiên đọc thơ của Nguyễn Duy không phải để buồn mà để suy nghĩ, để chiêm nghiệm, thế nên giọng thơ ông rất thoải mái, đôi chỗ mặc dù thực tế vô cùng tàn khốc nhưng ông cũng dùng cái giọng thơ hóm hỉnh để che lấp đi, rồi hướng người ta về một thứ tình cảm khác đó là tình thân. Xuyên suốt Đò Lèn là hồi ức của Nguyễn Duy, trong đó hai khổ thơ đầu là tuổi thơ của tác giả với những năm tháng rong chơi, hồn nhiên rất chân quê mộc mạc.

"Thuở nhỏ tôi ra cống Na câu cá
níu váy bà đi chợ Bình Lâm
bắt chim sẻ ở vành tai tượng Phật
và đôi khi ăn trộm nhãn chùa Trần
Thuở nhỏ tôi lên chơi đền Cây Thị
chân đất đi đêm xem lễ đền Sòng
mùi huệ trắng quyện khói trầm thơm lắm
 điệu hát văn lảo đảo bóng cô đồng"

 Có thể nói rằng qua hồi ức của Nguyễn Duy, nhà thơ đã có một tuổi thơ rất đẹp, rất đúng nghĩa, ở đó hiện lên hình ảnh một cậu bé tinh nghịch, năng động, rong chơi khắp làng xóm, vừa "câu cá" vừa "bắt chim", đôi khi có cả 'ăn trộm", rồi cũng rất ưa chỗ đông người, ưa thích món quà vặt nên mới "níu váy bà đi chợ". Các địa danh cống Na, chợ Bình Lâm, chùa Trần, đền Cây Thị, đền Sòng hiện lên thật gần gũi và gắn bó chặt chẽ với tuổi thơ của tác giả, mang đậm nét văn hóa làng, xã của Việt Nam - cái đã làm nên Đất Nước theo như phong cách triết luận của Nguyễn Khoa Điềm. Thêm vào đó, chất thôn quê, dân dã còn hiện lên thông qua những chi tiết về phong tục tập quán đặc sắc của người Việt xưa trong cảnh "xem lễ đền Sòng", thấm đượm hồn quê với "với điệu hát văn lảo đảo bóng cô đồng", vấn vương cả mùi nhang trầm linh thiêng, cùng với hương huệ trắng tinh khiết cao nhã. Cùng với cái cảnh nghèo khó, bình dị, đơn sơ trong chi tiết "chân đất đi đêm xem lễ đền Sòng" phản ánh tâm hồn trong sáng, thuần phác, hồn nhiên, ngộ nghĩnh của một cậu bé chân quê, đại diện cho cả một làng quê xưa. Bấy nhiêu đó thôi cũng khiến người ta hoài niệm, tự hào và thêm yêu thương những nét đẹp trong văn hóa truyền thống của dân tộc ta. Tuổi thơ Nguyễn Duy tuy nghèo khó, vất vả nhưng tác giả vẫn được rong chơi, nghịch ngợm trải nghiệm như thế phần lớn là nhờ sự gánh vác, trông nom của người bà. Trong tâm khảm Nguyễn Duy hình ảnh bà ngoại chính là hình ảnh gần gũi, thân thuộc nhất, để mỗi khi nhắc về nhà thơ lại mang nhiều cảm xúc ngổn ngang, là nối hối hận, xót xa, là nỗi niềm thương bà mình sao khổ cực quá.

"Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế
bà mò cua xúc tép ở đồng Quan
bà đi gánh chè xanh Ba Trại
 Quán Cháo, Đồng Giao thập thững những đêm hàn"

 Nguyễn Duy nhẹ thốt lên đầy hối hận và xót xa "Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế", điều ấy chẳng thể trách bởi với một đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn, sự ngây thơ, hồn nhiên và cái tính ham chơi, nghịch ngợm đã không để cho nhà thơ suy nghĩ được nhiều đến thế, chỉ đến khi đã lớn, đã chinh chiến xã xôi, Nguyễn Duy mới như bừng tỉnh, giật mình nhớ về dáng người bà năm xưa tảo tần nuôi mình khôn lớn. Ký ức như một cuốn băng chậm rãi đưa tác giả về những hình ảnh ố vàng vết bụi của thời gian đó là những ngày "bà mò cua xúc tép ở đồng Quan", những hôm "bà đi gánh chè ở Ba Trại", gót chân bà "thập thững những đêm hàn" cơ hồ đã nhẵn cả Quán Cháo, Đồng Giao. Hình tượng người bà chính là đại diện cho đức tính hi sinh, chịu thương chịu khó, dang đôi vai gầy gồng gánh hết khổ cực, một lòng lòng vì con cháu của người phụ nữ Việt Nam xưa. Có lẽ hình ảnh người bà và cảm xúc của Nguyễn Duy trong đoạn thơ này cũng tương đồng với Bằng Việt trong bài thơ Bếp lửa "Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc", đó là tấm lòng yêu thương, kính trọng và nỗi xót xa cho những khó nhọc mà bà ngoại mình đã phải trải qua trong cả cuộc đời, để cho đứa cháu được một tuổi thơ êm đềm hạnh phúc, vô lo vô nghĩ. Trong đôi mắt của Nguyễn Duy tình cảm của bà ngoại dành cho ông thật ấm áp, dịu dàng và thánh khiết vô cùng.

"Tôi trong suốt giữa hai bờ hư - thực
giữa bà tôi và tiên phật, thánh thần
cái năm đói củ dong riềng luộc sượng
 cứ nghe thơm mùi huệ trắng hương trầm"

Nguyễn Duy đứng giữa "bờ hư-thực" để nghĩ về bà, dùng tấm lòng trong suốt, tinh tế để cảm nhận về bà và tình cảm của bà, bà luôn dành cho cháu thứ tình cảm nhân từ, độ lượng, yêu thương vô cùng. Bà nhường cháu "củ dong riềng luộc sượng" trong những năm đói mòn, đói mỏi, cháu ăn vào mà như ăn cả tình thương ấm áp, dịu dàng của bà, ôi sao ngon ngọt thế cái tình thương "mùi huệ trắng hương trầm" thiêng liêng, quẩn quanh tràn đầy trong ký ức. Cái mùi thơm của huệ trắng của nhang trầm ấy đã trở đi trở lại hai lần trong bài thơ, như ôm lấy một tuổi thơ nghèo khó nhưng tình cảm của Nguyễn Duy, tựa như tình thương, tựa ánh mắt hiền từ, độ lượng như tiên phật của bà dõi theo bước chân cháu cả cuộc đời, khiến cháu cứ nhớ mãi, thương mãi.

"Bom Mỹ dội, nhà bà tôi bay mất
đền Sòng bay, bay tuốt cả chùa chiền
thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết
 bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn"

 Rồi chiến tranh quét ngang qua làng xóm, Nguyễn Duy đã dùng một cái chất giọng hóm hỉnh để diễn tả cái cảnh ác liệt ấy, hòng làm cho thơ mình nhẹ nhàng hơn, tha thiết hơn nhưng vẫn khắc sâu vào lòng người đọc với những hình ảnh ác liệt mà bom đạn đã để lại trên xóm làng "nhà bà tôi bay mất/đền Sòng bay, bay tuốt cả chùa chiền". Chỉ một từ "bay" nhẹ thế thôi, nhưng nó đủ để diễn tả được cái cảnh xóm làng bị tàn phá không còn lại gì, đến cười ra nước mắt với câu thơ rất hồn nhiên "thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết". Tất cả đã đi hết hoặc mất hết thế nhưng vẫn còn bà ngoại, bà vẫn trụ vững hơn cả nhà cửa, chùa chiền, kiêng cường hơn thánh, Phật bà vẫn ở lại đây để mưu sinh, vẫn "đi bán trứng ở ga Lèn", để nuôi đứa cháu trai còn thơ dại. Có thể nói chỉ có thứ tình cảm ruột thịt, tấm lòng hi sinh, chịu đựng của người bà, của người phụ nữ Việt Nam mới mạnh mẽ và kiên cố đến vậy, dù cho có là bom đạn, có là mưa sa bão táp, hay gian khó cuộc đời cũng chẳng bao giờ đánh sập được.

 Một thời ký ức đã qua, khi cháu đã lớn, đã bước ra chiến trường cháu mới biết thương bóng hình bà khó nhọc, kiên cường, nhưng trở về thì đợi cháu chỉ còn nấm mộ đã xanh cỏ từ lâu. Bà mạnh mẽ, kiên cường thế nhưng cũng không chống đỡ được bước đi của thời gian, khi cháu đã lớn khôn, đã biết nghĩ suy thì cũng đến lúc không cần sự bảo bọc chở che của bà nữa. Nguyễn Duy trở về quê hương, tìm về với bà, với những xóm làng quen thuộc thuở thơ ấu, mọi thứ đã đổi thay ít nhiều và bà cũng chẳng ở đó nữa.

"Tôi đi lính, lâu không về quê ngoại
dòng sông xưa vẫn bên lở bên bồi
khi tôi biết thương bà đã muộn
 bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi"

 Nỗi xúc động nhìn dòng sông xanh biếc đại diện cho quê hương, chiến tranh đã qua đi ít lâu, quê hương lại trở về với vẻ thanh bình vốn có, cùng với niềm tiếc nuối muộn màng vì không biết trân trọng, yêu thương khi bà còn ở bên cạnh mà chỉ mải rong chơi. Nay bà đã về với cõi thần tiên, dưới gối Phật tổ, để lại một nấm cỏ xanh khiến tác giả ngậm ngùi, hối hận không thôi, hối hận về một tuổi thơ quá vô lo vô nghĩ mà không để ý mắt bà đã mờ, lưng bà đã mỏi, đôi tay bà cũng trở nên thô sần theo năm tháng. Khổ thơ cuối của Nguyễn Duy bỗng thức tỉnh tâm hồn người đọc, khiến mỗi chúng ta phải giật mình tự vấn lại bản thân xem liệu mình đã thực sự biết trân trọng, yêu thương người thân và những người đang hiện diện bên cạnh chúng ta chưa. Và mang đến một triết lý nhân sinh vô cùng sâu sắc: "Hãy học cách trân trọng, biết ơn những gì bạn đang có, trước khi để thời gian dạy cho bạn biết phải trân trọng những gì bạn đã từng có".

 

Tài liệu có 11 trang. Để xem toàn bộ tài liệu, vui lòng tải xuống
Đánh giá

0

0 đánh giá

Tải xuống