Bài thơ Quê hương - Tế Hanh - Nội dung, tác giả, tác phẩm

15.1 K

Tài liệu tác giả tác phẩm Quê hương Ngữ văn lớp 7 Kết nối tri thức gồm đầy đủ những nét chính về văn bản như: tóm tắt, nội dung chính, bố cục, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, hoàn cảnh sáng tác, ra đời của tác phẩm, dàn ý từ đó giúp học sinh dễ dàng nắm được nội dung bài Quê hương lớp 7.

Quê hương - Ngữ văn lớp 7

1. Bài thơ Quê Hương

Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới:
Nước bao vây cách biển nửa ngày sông.

Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng,
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá.
Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang.
Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió…

Ngày hôm sau, ồn ào trên bến đỗ
Khắp dân làng tấp nập đón ghe về.
“Nhờ ơn trời, biển lặng cá đầy ghe”,
Những con cá tươi ngon thân bạc trắng.
Dân chài lưới, làn da ngăm rám nắng,
Cả thân hình nồng thở vị xa xăm;
Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm
Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ.

Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ
Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi,
Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi,
Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá!

2. Tác giả Tế Hanh

Quê hương | Ngữ văn lớp 7 Kết nối tri thức (ảnh 1)

1. Tiểu sử

- Tế Hanh (1921- 2009), tên khai sinh là Trần Tế Hanh

- Quê quán: sinh ra tại một làng chài ven biển tỉnh Quảng Ngãi

2. Sự nghiệp

- Ông có mặt trong phong trào thơ Mới ở chặng cuối với những bài thơ mang nỗi buồn và tình yêu quê hương.

- Sau năm 1945, Tế Hanh sáng tác phục vụ cách mạng và kháng chiến.

- Ông được nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996.

- Phong cách sáng tác: thơ ông chân thực với cách diễn đạt bằng ngôn ngữ giản dị, tự nhiên và rất giàu hình ảnh, bình dị mà tha thiết.

- Tác phẩm chính: các tập thơ Hoa niên (1945), Gửi miền Bắc (1955), Tiếng sóng (1960), Hai nửa yêu thương (1963)

Sơ đồ tư duy về tác giả Tế Hanh

Quê hương | Ngữ văn lớp 7 Kết nối tri thức (ảnh 2)

3. Tác phẩm Quê hương

1. Tìm hiểu chung

a. Xuất xứ

Bài thơ viết năm 1939, khi Tế Hanh đang học tại Huế trong nỗi nhớ quê hương-một làng chài ven biển tha thiết. Bài thơ được rút trong tập Nghẹn ngào (1939) và sau đó được in trong tập Hoa niên (1945)

b. Bố cục Quê hương

Văn bản Quê hương được chia thành 3 phần 

- 2 câu đầu: Giới thiệu chung về làng quê.

- 6 câu tiếp: Cảnh dân chài bơi thuyền ra khơi đánh cá

- 8 câu tiếp: Cảnh thuyền cá về bến.

- 4 câu tiếp: Nỗi nhớ làng chài, nhớ quê hương

c. Thể loại

 Văn bản Quê hương thuộc thể loại thơ tự do

d. Phương thức biểu đạt

Phương thức biểu đạt của văn bản Quê hương là biểu cảm kết hợp miêu tả

2. Giá trị nội dung, nghệ thuật

a. Giá trị nội dung của văn bản Quê hương

Bài thơ đã vẽ ra một bức tranh tươi sáng, sinh động về một làng quê miền biển. Trong đó nổi bật lên hình ảnh khỏe khoắn, đầy sức sống của người dân chài và cảnh sinh hoạt lao động chài lưới. Qua đó cho thấy tình cảm quê hương trong sáng, tha thiết của nhà thơ.

b. Giá trị nghệ thuật của văn bản Quê hương

- Ngôn ngữ bình dị mà gợi cảm, giọng thơ khỏe khoắn hào hùng

- Hình ảnh thơ phong phú, giàu ý nghĩa

- Nhiều phép tu từ được sử dụng đạt hiệu quả nghệ thuật

Sơ đồ tư duy về văn bản Quê hương

Quê hương | Ngữ văn lớp 7 Kết nối tri thức (ảnh 3)
Xem thêm các bài tóm tắt tác giả, tác phẩm Ngữ văn lớp 7 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:
Đánh giá

0

0 đánh giá